Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1607/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 30 tháng 8 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CỨU NẠN, CỨU HỘ SỰ CỐ SẠT LỞ ĐẤT ĐÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một, số điều Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013;

Căn cứ Nghị quyết số 99/2019/QH 14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và. chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư hướng dẫn số 149/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa chảy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 08/2018/TT-BCA ngày 05/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2017/NĐ-CP;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn tại Văn bản số 2969/CAT-PC07 ngày 23/8/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án cứu nạn, cứu hộ sạt lở đất đá trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (kèm theo Phương án số 2932/PCCNCH-CAT ngày 20/8/2021 do Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng).

Điều 2. Các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiên cứu, chỉ đạo triển khai thực hiện phương án này khi có sự cố sạt lở đất đá xảy ra trên địa bàn. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai Phương án đến các xã, phường, thị trấn.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Giám đốc các Doanh nghiệp được huy động chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT. Tỉnh ủy (thay báo cáo);
- Các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, Hoàng.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Quang Tuyên

 

BỘ CÔNG AN
CÔNG AN TỈNH BẮC KẠN

 

PHƯƠNG ÁN CỨU NẠN, CỨU HỘ
SỰ CỐ SẠT LỞ ĐẤT ĐÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Khu vực giả định: (3) Khu dân cư Tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể.

Địa chỉ: Tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp: UBND Thị trấn Chợ Rã.

Điện thoại: 0919668957 (Chủ tịch UBND thị trấn).

Đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH quản lý địa bàn: Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Bắc Kạn.

Điện thoại: 114 hoặc 0692549156

 

BỘ CÔNG AN
CÔNG AN TỈNH BẮC KẠN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2932/PACNCH-CAT

Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2021

 

PHƯƠNG ÁN

CỨU NẠN, CỨU HỘ SỰ CỐ SẠT LỞ ĐẤT ĐÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

1. Đặc điểm chung của tỉnh Bắc Kạn

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc Bắc Bộ; phía Bắc giáp các huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An, tỉnh Cao Bằng; phía Đông giáp các huyện Tràng Định, Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp các huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; phía Tây giáp các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Với vị trí địa lý như trên Bắc Kạn nằm sâu trong nội địa vùng Đông Bắc Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của sự phân hóa các điều kiện tự nhiên theo đai cao và theo điều kiện kiến tạo địa mạo hướng vòng cung, khí hậu nhiệt đới gió mùa dẫn đến nguy cơ sạt lở tăng cao. Ước tính, cả tỉnh có khoảng 700 điểm trượt lở trong đó tập trung tại các khu vực ngoại vi thành phố Bắc Kạn, huyện Bạch Thông, huyện Ba Bể.

Ngoài ra, hầu hết các khu dân cư tập trung theo các đai cao địa lí và vùng lòng chảo. Các khu vực này đều có vị trí tương đối gần các khu vực có nguy cơ trượt lở tương đối cao, điển hình là thành phố Bắc Kạn, huyện Ba Bể, huyện Chợ Đồn, huyện Bạch Thông. Tại đây hầu hết là những nơi tập trung đông dân cư, các công trình quan trọng có giá trị kinh tế lớn nên nếu xảy ra các dạng thiên tai nói chung và trượt lở đất đá nói riêng thì thường gây thiệt hại lớn. Theo chiều ngược lại, các hoạt động kinh tế, dân sinh cũng tác động lớn đến môi trường, kích hoạt các dạng tai biến mạnh hơn.

Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra rất nhiều sự cố sạt lở do ảnh hưởng thời tiết mưa bão gây thiệt hại về người cũng như về tài sản. Điển hình các vụ sạt lở như vụ sạt lở đất đá ngày 03/8/2019 tại km 142 thuộc tuyến đường Quốc lộ 3 đoạn qua địa phận thôn Bản Giác, xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới làm 01 người chết tại chỗ; Vụ sạt lở đất đá trong đêm lúc 20 giờ ngày 14/3/2019 tại thôn Nà Giảo, xã Yên Dương, huyện Ba Bể làm 2 cháu nhỏ tử vong; Vụ sạt lở tại thôn Khên Lền, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm vào ngày 03/7/2009 đã vùi lấp 05 hộ dân sinh sống tại thôn và 13 người mất tích.

Từ tình hình thực tế đó, Công an tỉnh xây dựng phương án cứu nạn, cứu hộ sự cố sạt lở đất đá trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

2. Đặc điểm khu vực giả định tình huống

2.1. Vị trí địa lý

Khu dân cư Tiểu khu 4, thuộc Tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, cách Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể 2km và cách UBND thị trấn Chợ Rã 600m về hướng Tây Bắc, cách tỉnh Bắc Kạn 53km về phía Bắc và vị trí nguy cơ sạt lở cao có tổng diện tích khoảng 10.800m2 (dài: 120m, rộng: 90m). Trong đó các hướng tiếp giáp cụ thể như sau:

- Phía Đông giáp: Chợ Trung tâm huyện (Tiểu khu 4).

- Phía Tây giáp: Khu dân cư Tiểu khu 5.

- Phía Nam giáp: Đường 258 và nhà dân (Tiểu khu 2).

- Phía Bắc giáp: Đồi núi.

2.2. Đặc điểm về khí hậu

- Tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể chịu ảnh hưởng chung của khí hậu Miền Bắc Việt Nam. Được hình thành từ một nền nhiệt cao của đới chí tuyến và sự thay thế của các hoàn lưu lớn theo mùa, kết hợp với điều kiện địa hình nên mùa đông (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) giá lạnh, nhiệt độ không khí thấp, khô hanh, có sương muối; mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 9) nóng ẩm, mưa nhiều. Nhiệt độ không khí trung bình năm của huyện là 21,1°C, nhiệt độ thấp tuyệt đối -2°C. Các tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất là tháng 6, 7 và tháng 8 (28°C -29°C), nhiệt độ trung bình thấp nhất vào các tháng 1 và 2 (13,5°C), có năm xuống tới -2°C. Nhiệt độ cao tuyệt đối là 39,5°C vào tháng 7. Mặc dù nhiệt độ còn bị phân hoá theo độ cao và hướng núi, nhưng không đáng kể.

- Ngoài chênh lệch về nhiệt độ theo các mùa trong năm, khí hậu tại thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn còn có những đặc trưng khác như sương mù với một năm bình quân có khoảng 87-88 ngày sương mù và vào các tháng 10, 11 số ngày sương mù thường cao hơn.

- Lượng mưa trung bình trong năm của huyện là 1600mm, cao nhất là 2038mm, thấp nhất là 1068mm, lượng mưa phân bổ không đều giữa các mùa trong năm. Độ ẩm không khí trung bình 82%, thấp nhất vào tháng 2 với 79% và cao nhất vào tháng 7 tới 88%.

- Chế độ gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc kèm theo không khí lạnh và gió mùa Đông Nam mang theo hơi nước từ biển Đông, tạo ra các trận mưa lớn về mùa hè.

2.3. Đặc điểm về giao thông

- Bên trong khu dân cư Tiểu khu 4 giáp quốc 258 với chiều rộng thông thủy lớn hơn 6m.

- Tuyến đường từ trung tâm thành phố Bắc Kạn đến Tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể khoảng 53km và theo các tuyến đường như sau: Từ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH rẽ phải → đường Kon Tum đi khoảng 4km rẽ phải đường QL3 hướng Bắc Kạn - Cao Bằng đi khoảng 16,4km đến ngã ba Phù Thông rẽ trái → đường tỉnh 258 hướng Bạch Thông - Ba Bể đi tiếp 32,4km đến Ngã ba giao đường 258 hướng đi Bành Trạch thì đến địa phận Tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể (khu khu vực có nguy cơ sạt lở cao cách ngã ba khoảng 100m về hướng Tây). Thời gian di chuyển trên đường từ tỉnh Bắc Kạn đến khu dân cư Tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể khoảng 70 phút.

2.4. Đặc điểm địa hình

- Địa chất, thổ nhưỡng: Nền địa chất chủ yếu là đá phiến sét, sét vôi, phiến thạch anh và cát kết. Mức độ phong hóa tại đây khá mạnh, nhiều nơi có độ dày hơn 10m và sản phẩm phong hóa chủ yếu là sét, bột bờ rời nên khi gặp nước dễ bị chảy nhão. Đoạn đồi dốc có góc độ so với mặt đất khoảng 70-80°.

- Khu vực có nguy cơ sạt lở cao thuộc khu dân cư Tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể có tổng diện tích là 10.800m2 (dài: 120m, rộng: 90m) trong đó gồm 13 nhà dân được xây dựng tường gạch chỉ dày 22cm, mái đổ bê tông cốt thép, 05 nhà được xây dựng kiểu cấp 4, mái lợp tôn với số người tập trung thường xuyên là 40 người. Tổng số hộ dân của Tiểu khu 4 là 152 hộ với 614 nhân khẩu.

2.5. Nguy cơ xảy ra tai nạn sự cố

Với đặc điểm khu vực giả định luôn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn sự cố do sạt lở đất với các nguyên nhân sau:

- Do kết quả của những chấn động tự nhiên của Trái Đất làm mất sự liên kết của đất và đá trên sườn đồi có địa hình dốc lớn, địa chất yếu (đất pha đá, vùng rừng thưa).

- Do nắng nóng kéo dài gây ra nứt đất khi có mưa lớn kéo dài sẽ tạo thành đường trượt gây ra sụt hay lở đất.

- Do hoạt động mở rộng đất ở làm tăng độ dốc tại khu vực taluy dương, gây trượt lở.

- Khi có sự cố sạt lở, đoạn đường ùn tắc đặc biệt vào trời tối, mưa lớn nếu không có biện pháp ngăn chặn có thể xảy ra các tai nạn sự cố ô tô thứ cấp như tai nạn giao thông.

II. TÌNH HUỐNG, PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ CÓ HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN CỦA NHIỀU CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, TỔ CHỨC THAM GIA

1. Tình huống giả định

Từ tháng 5 đến tháng 6 năm N, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn xảy ra tình hình nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình từ 38-40°C, do nắng nóng kéo dài, từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 6 năm N trên địa tỉnh Bắc Kạn xảy ra mưa lớn, lượng mưa trung bình khoảng 250mm/24 giờ ; do mưa kéo dài, tạo thành đường trượt khiến các khối đất đá, các mảnh vụn bị tách khỏi nền gốc ở trên cao di chuyển xuống phía dưới gây sạt lở taluy dương tại khu dân cư Tiểu khu 4 thuộc thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể - Cách Trụ sở UBND thị trấn Chợ Rã khoảng 600m về hướng Tây Bắc. Vụ sạt lở đã tác động trực tiếp đến đến 10 hộ dân sinh sống phía dưới, trong đó có 03 hộ bị vùi lấp hoàn toàn, 03 hộ dân bị che lấp và sập đổ một phần, 04 hộ dân bị ảnh hưởng tuy nhiên chưa bị sập đổ.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, người dân xung quanh đã phát hiện và báo cáo cho chính quyền địa phương để xử lý tình huống.

2. Phương án xử lý tình huống

2.1. Giai đoạn 1: Lực lượng tại chỗ triển khai công tác CNCH

a) Cấp xã (UBND thị trấn Chợ Rã)

- Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, chính quyền địa phương (Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Rã) nhanh chóng huy động lực lượng tại chỗ (lực lượng dân phòng và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thị trấn Chợ Rã) gồm 20 người cùng các dụng cụ, thiết bị CNCH được trang bị đến triển khai công tác tìm kiếm CNCH.

- Chủ tịch UBND thị trấn (hoặc người được ủy quyền Chỉ huy CNCH ban đầu) tiến hành khảo sát, đánh giá nhanh tình hình vụ việc để báo cáo Chủ tịch UBND huyện; Đồng thời thành lập Tổ khảo sát để xác định: số hộ bị thiệt hại; người mất tích; diện tích sạt lở; khối lượng đất đá sạt lở; dự toán sơ bộ tổng mức thiệt hại; đánh giá nguy cơ có thể tiếp tục sạt lở để có phương án cứu nạn, cứu hộ đảm bảo kịp thời, an toàn.

- Sau khi khảo sát, đánh giá tình hình, chỉ đạo lực lượng tại chỗ triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn, sơ tán người, tài sản các hộ xung quanh ra khỏi khu vực nguy hiểm và sắp xếp, ổn định tạm thời đời sống cho người dân tại khu vực sơ tạn, đồng thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND huyện huy động lực lượng chi viện, hỗ trợ công tác CNCH theo thẩm quyền.

b) Cấp huyện (Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Ba Bể)

- Sau khi tiếp nhận thông tin của thị trấn Chợ Rã, Chủ tịch UBND huyện tổ chức họp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện thực hiện ngay các nhiệm vụ CNCH theo chức năng nhiệm vụ được giao; Giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Quyết định huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn huyện tham gia cứu nạn cứu hộ, trong đó: Huy động 02 máy xúc, 02 xe tải cùng 05 người của Công ty TNHH MTV Thế Hanh (01 chỉ huy và 04 công nhân); huy động 02 máy xúc, 02 xe tải cùng 05 người của DNTN Hà Giang (01 chỉ huy và 04 công nhân) phối hợp tham gia cứu nạn cứu hộ tại hiện trường sạt lở.

- Chủ tịch UBND huyện - Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đến hiện trường Chỉ đạo trực tiếp công tác CNCH; Đảm bảo các điều kiện cho công tác CNCH; bố trí chỗ ở tạm thời, lương thực cho nhân dân và công tác hậu cần cho lực lượng CNCH.

- Báo cáo tình hình vụ việc lên Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và đề xuất hỗ trợ lực lượng và phương tiện chuyên dụng thực hiện công tác CNCH cho địa phương.

2.2. Giai đoạn 2: Huy động lực lượng, phương tiện chuyên dụng tham gia CNCH (sau 2 giờ)

a) Cấp tỉnh (Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bắc Kạn)

- Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc và đề xuất của UBND huyện Ba Bể, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tổ chức họp, giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tham mưu Quyết định huy động lực lượng, phương tiện các sở, ngành tham gia công tác tìm kiếm CNCH tại khu dân cư Tiểu khu 4 thuộc thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, gồm các thành phần sau:

Huy động 77 cán bộ, chiến sĩ của Công an tỉnh; 01 xe chỉ huy, 04 xe chữa cháy, 01 xe CNCH, 04 xe chuyên dụng, 02 xe Cảnh sát giao thông, 01 xe cứu thương các phương tiện nghiệp vụ cần thiết khác.

Huy động 20 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; 01 xe chỉ huy, 03 xe chờ chiến sỹ, cán bộ, công chức các sở, ngành và trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác CNCH.

Huy động 10 y bác sĩ thuộc Sở Y tế; 02 xe cứu thương và các trang thiết bị phục vụ công tác sở cứu ban đầu.

Huy động 10 công chức, viên chức thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn; 01 xe chở trang thiết bị và các phương tiện phục vụ công tác CNCH.

b) Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Sở Y tế.

Thực hiện Quyết định của Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Sở Y tế ban hành Quyết định huy động lực lượng, phương tiện chuyên dụng của cơ quan tham gia CNCH như sau:

* Công an tỉnh:

- Huy động 45 cán bộ, chiến sĩ cùng 01 xe chỉ huy, 04 xe chữa cháy, 01 xe CNCH, 01 xe chuyên dụng của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH.

- Huy động 10 cán bộ, chiến sĩ cùng 02 xe Cảnh sát giao thông của Công an huyện Ba Bể.

- Huy động 10 cán bộ, chiến sĩ cùng 01 chó nghiệp vụ, 02 xe chuyên dụng của Phòng Cảnh sát cơ động (PK02).

- Huy động 02 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện nghiệp vụ cần thiết của Phòng Tham mưu.

- Huy động 10 cán bộ, chiến sĩ cùng 01 xe cứu thương, 01 xe chuyên dụng của Phòng Hậu cần.

* Bộ CHQS tỉnh:

Huy động 20 cán bộ, chiến sĩ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ba Bể; 01 xe chỉ huy, 03 xe chở cán bộ, chiến sĩ.

* Sở Y tế:

- Huy động 05 y bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế huyện Ba Bể; 01 xe cứu thương và các trang thiết bị phục vụ công tác sơ cứu ban đầu.

- Huy động 05 y bác sĩ thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn; 01 xe cứu thương và chuẩn bị trang thiết bị y tế, cơ số thuốc kịp thời cấp cứu, điều trị, chuyển thương các nạn nhân do sự cố, tai nạn.

2.3. Giai đoạn 3: Lực lượng CNCH của tỉnh có mặt tại hiện trường phối hợp với lực lượng CNCH của địa phương tham gia tìm kiếm CNCH (sau 4 giờ)

- Chủ tịch (Phó Chủ tịch) UBND tỉnh chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo CNCH; Ban chỉ huy CNCH; Ban Tham mưu CNCH để chỉ huy, điều hành công tác CNCH như sau:

a) Thành lập Ban Chỉ đạo CNCH

- Thành phần gồm :

Chủ tịch (Phó Chủ tịch) UBND tỉnh Bắc Kạn - Trưởng ban;

Chủ tịch UBND huyện - Phó Trưởng ban thường trực;

Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn - Phó Trưởng ban;

Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - Phó Trưởng ban.

Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Rã - Phó Trưởng ban;

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban;

Giám đốc Sở Y tế - Thành viên;

Lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh - Thành viên.

- Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo CNCH.

Chỉ đạo các hoạt động CNCH đảm bảo an toàn, hiệu quả, chính xác, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Cho chủ trương về các phương án, biện pháp CNCH nhằm kịp thời cứu người và tài sản.

Đảm bảo các điều kiện cho công tác CNCH; Công tác hậu cần cho nhân dân và lực lượng tham gia CNCH;

Thăm hỏi, động viên các hộ xung quanh bị ảnh hưởng;

Chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của vụ việc, điều tra nguyên nhân, xác định thiệt hại.

b) Thành lập Ban Chỉ huy CNCH

- Thành phần gồm:

Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - Trưởng ban;

Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn - Phó Trưởng ban thường trực;

Giám đốc Sở Y tế - Phó Trưởng ban;

Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Bắc Kạn - Thành viên;

Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Bể - Thành viên;

Lãnh đạo các đơn vị, địa phương tham gia CNCH - Thành viên.

- Nhiệm vụ của Ban chỉ huy CNCH

Xây dựng sơ đồ phân công các tổ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo CNCH tại hiện trường sự cố.

Chỉ huy lực lượng, phương tiện theo thẩm quyền tổ cứu nạn, cứu hộ (xúc đất, vận chuyển đất, đá, phá dỡ các chướng ngại vật để cứu nạn, cứu hộ; tổ chức thực hiện các biện pháp, hoạt động CNCH theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ);

Xác định khu vực CNCH khẩn cấp để tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chiến thuật CNCH;

Phân công cán bộ bảo đảm giao thông, trật tự tại khu vực CNCH;

Chỉ huy công tác hậu cần phục vụ CNCH và y tế;

Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ CNCH và thường xuyên cập nhật tình hình báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo

Làm công tác tư tưởng (động viên các hộ gia đình bị nạn và các hộ bị ảnh hưởng);

Quyết định kết thúc hoạt động CNCH;

Phối hợp tổ chức bảo vệ hiện trường;

Đề xuất, kiến nghị và xin ý kiến Ban chỉ đạo CNCH.

c) Thành lập tổ CNCH

- Chỉ huy trực tiếp các tổ CNCH.

Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Bể - Trưởng ban.

Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Bắc Kạn - Phó Trưởng ban thường trực.

Đội trưởng Đội Công tác CC&CNCH thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Bắc Kạn - Thành viên.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Rã - Thành viên.

- Thành phần Tổ CNCH:

Tổ số 1 (tìm kiếm CNCH), gồm 23 người, cụ thể: 10 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, 03 cán bộ chiến sĩ và 01 chó nghiệp vụ của Phòng Cảnh sát cơ động, 05 cán bộ chiến sĩ của Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Bể, 05 dân phòng của thị trấn Chợ Rã cùng 01 máy xúc, 01 xe tải của Công ty TNHH MTV Thế Hanh và các trang thiết bị CNCH khác.

Tổ số 2 (tìm kiếm CNCH) gồm 23 người, cụ thể: 10 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, 03 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát cơ động, 05 cán bộ chiến sĩ của Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Bể, 05 dân phòng của thị trấn Chợ Rã cùng 01 máy xúc, 01 xe tải của DNTN Hà Giang và các trang thiết bị CNCH khác.

Tổ số 3 (tìm kiếm CNCH) gồm 23 người, cụ thể: 10 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, 03 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát cơ động, 05 cán bộ chiến sĩ của Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Bể, 05 dân phòng của thị trấn Chợ Rã, cùng 01 máy xúc, 01 xe tải của Công ty TNHH MTV Thế Hanh và các trang thiết bị CNCH khác.

Tổ số 4 (tìm kiếm CNCH) gồm 23 người, cụ thể: 10 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, 03 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát cơ động, 05 cán bộ chiến sĩ của Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Bể, 05 dân phòng của thị trấn Chợ Rã, cùng 01 máy xúc, 01 xe tải của DNTN Hà Giang và các trang thiết bị CNCH khác.

Tổ số 5 (khắc phục sạt lở) gồm 10 người là cán bộ, công nhân viên của Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn.

Tổ số 6 (đảm bảo ANTT) gồm 10 người là cán bộ, chiến sĩ của Công an huyện Ba Bể cùng 02 xe Cảnh sát giao thông.

Tổ số 7 (cứu thương, hậu cần) gồm 20 người, cụ thể: 10 y bác sĩ do Sở Y tế điều động và 10 cán bộ, bác sĩ của Phòng Hậu cần - Công an tỉnh cùng 03 xe cứu thương.

- Tổ số 8 (thông tin liên lạc) gồm 02 người là cán bộ, chiến sĩ của Phòng Tham mưu - Công an tỉnh.

- Nhiệm vụ của các tổ:

Chỉ huy, bố trí lực lượng, sử dụng phương tiện, phân chia khu vực CNCH hợp lý để thực hiện công tác CNCH nhanh chóng, kịp thời đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối khi thực hiện nhiệm vụ.

Thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ huy CNCH; đề xuất các vấn đề phát sinh trong công tác CNCH để kịp thời có các chiến thuật, kỹ thuật, phương pháp, biện pháp CNCH nhanh chóng, hiệu quả và an toàn.

Tham mưu cho Ban chỉ huy CNCH về việc huy động, sử dụng, phân chia khu vực chiến đấu và bố trí lực lượng, phương tiện CNCH hợp lý.

Tổ chức trinh sát, nắm tình hình vụ việc và đặc điểm liên quan đến công tác CNCH (những khu vực chịu tác động, tình trạng công trình, cấu kiện xây dựng, hệ thống công nghệ).

Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ huy và điều hành CNCH.

Kiểm tra và giám sát các điều kiện bảo đảm an toàn cho các lực lượng trong suốt quá trình tham gia CNCH.

Cập nhật và tổng hợp kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan đến quá trình tổ chức CNCH phục vụ chế độ thông tin báo cáo và rút kinh nghiệm theo quy định.

Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban chỉ huy CNCH giao.

d) Triển khai các đội hình tìm kiếm CNCH (có sơ đồ triển khai kèm theo)

- Tổ số 1 (tìm kiếm CNCH), gồm 23 người, cụ thể: 10 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, 03 cán bộ chiến sĩ và 01 chó nghiệp vụ của Phòng Cảnh sát cơ động, 05 cán bộ chiến sĩ của Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Bể, 05 dân phòng của thị trấn Chợ Rã cùng 01 máy xúc, 01 xe tải của Công ty TNHH MTV Thế Hanh và các trang thiết bị CNCH khác.

Thực hiện nhiệm vụ CNCH tại vị trí được Ban chỉ huy CNCH giao: Tiến hành tiếp cận từ khu vực phía bắc vùng sạt lở và thực hiện các phương pháp tìm kiếm như: Kêu gọi trực tiếp, dùng loa phát thanh cầm tay để kêu gọi người bị nạn lên tiếng. Xác định vị trí của họ kết hợp sử dụng chó nghiệp vụ để tìm kiếm nạn nhân, đồng thời sử dụng các phương tiện như: Cuốc, xẻng,..để đào bới đất đá tìm kiếm người bị nạn, riêng khu vực có nhiều đá to tiến hành sử dụng máy cẩu, máy xúc để cẩu, xúc ra khỏi khu vực sạt lở tuy nhiên khi dùng các phương tiện cơ giới để đào bới, cẩu đất đá cần chú ý vì có thể va chạm vào nạn nhân bị vùi lấp phía dưới hoặc gây sập đổ thêm do chấn động, va chạm vào các phần còn lại.

Bên cạnh đó sử dụng các trang thiết bị CNCH chuyên dụng như: Thiết bị banh, cắt thủy lực, máy cắt bê tông, thiết bị đục phá cầm tay, rìu đa năng,..., để loại bỏ các cấu kiện xây dựng tại 01 hộ dân đã bị đất đá sạt lở tác động làm che lấp và sập đổ một phần để tìm kiếm CNCH.

- Tổ số 2 (tìm kiếm CNCH) gồm 23 người, cụ thể: 10 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, 03 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát cơ động, 05 cán bộ chiến sĩ của Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Bể, 05 dân phòng của thị trấn Chợ Rã cùng 01 máy xúc, 01 xe tải của DNTN Hà Giang và các trang thiết bị CNCH khác.

Thực hiện nhiệm vụ CNCH tại vị trí được Ban chỉ huy CNCH giao: Tiến hành tiếp cận từ khu vực phía nam vùng sạt lở và thực hiện các phương pháp tìm kiếm như: Kêu gọi trực tiếp, dùng loa phát thanh cầm tay để kêu gọi người bị nạn lên tiếng xác định vị trí của họ kết hợp sử dụng các trang thiết bị như: Cuốc, xẻng,..., để đào bới đất đá tìm kiếm người bị nạn, riêng khu vực có nhiều đá to tiến hành sử dụng máy cẩu để xúc ra khỏi khu vực sạt lở tuy nhiên khi dùng các phương tiện cơ giới để đào bới, cẩu đất đá cần chú ý vì có thể va chạm vào nạn nhân bị vùi lấp phía dưới hoặc gây sập đổ thêm do chấn động, va chạm vào các phần còn lại.

- Tổ số 3 (tìm kiếm CNCH) gồm 23 người, cụ thể: 10 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, 03 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát cơ động, 05 cán bộ chiến sĩ của Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Bể, 05 dân phòng của thị trấn Chợ Rã, cùng 01 máy xúc, 01 xe tải của Công ty TNHH MTV Thế Hanh và các trang thiết bị CNCH khác.

Thực hiện nhiệm vụ CNCH tại vị trí được Ban chỉ huy CNCH giao: Tiến hành tiếp cận từ khu vực phía đông vùng sạt lở và thực hiện các phương pháp tìm kiếm như: Kêu gọi trực tiếp, dùng loa phát thanh cầm tay để kêu gọi người bị nạn lên tiếng xác định vị trí của họ kết hợp sử dụng các trang thiết bị như: Cuốc, xẻng,..để đào bới đất đá tìm kiếm người bị nạn, riêng khu vực có nhiều đá to tiến hành sử dụng máy cẩu, máy xúc để cẩu, xúc ra khỏi khu vực sạt lở tuy nhiên khi dùng các phương tiện cơ giới để đào bới, cẩu đất đá cần chú ý vì có thể va chạm vào nạn nhân bị vùi lấp phía dưới hoặc gây sập đổ thêm do chấn động, va chạm vào các phần còn lại.

Bên cạnh đó sử dụng các trang thiết bị CNCH chuyên dụng như: Thiết bị banh, cắt thủy lực, máy cắt bê tông, thiết bị đục phá cầm tay, rìu đa năng,..., để loại bỏ các cấu kiện xây dựng tại 01 hộ dân đã bị đất đá sạt lở tác động làm che lấp và sập đổ một phần để tìm kiếm CNCH.

- Tổ số 4 (tìm kiếm CNCH) gồm 23 người, cụ thể: 10 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, 03 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát cơ động, 05 cán bộ chiến sĩ của Ban Chỉ huy quân sự huyện Ba Bể, 05 dân phòng của thị trấn Chợ Rã, cùng 01 máy xúc, 01 xe tải của DNTN Hà Giang và các trang thiết bị CNCH khác.

Thực hiện nhiệm vụ CNCH tại vị trí được Ban chỉ huy CNCH giao: Tiến hành tiếp cận từ khu vực phía tây vùng sạt lở và thực hiện các phương pháp tìm kiếm như: Kêu gọi trực tiếp, dùng loa phát thanh cầm tay để kêu gọi người bị nạn lên tiếng xác định vị trí của họ kết hợp sử dụng các trang thiết bị như: Cuốc, xẻng,..., để đào bới đất đá tìm kiếm người bị nạn, riêng khu vực có nhiều đá to tiến hành sử dụng máy cẩu, máy xúc để cẩu, xúc ra khỏi khu vực sạt lở tuy nhiên khi dùng các phương tiện cơ giới để đào bới, cẩu đất đá cần chú ý vì có thể va chạm vào nạn nhân bị vùi lấp phía dưới hoặc gây sập đổ thêm do chấn động, va chạm vào các phần còn lại.

- Tổ số 5 (khắc phục sạt lở) gồm 10 người là cán bộ, công nhân viên của Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn.

Thực hiện nhiệm vụ CNCH tại vị trí được Ban chỉ huy CNCH giao: Trực tiếp theo dõi và sử dụng trang thiết bị như: Cuốc, xẻng,..., để đào rãnh thoát nước, không để nước chảy trực tiếp ngấm vào đất tạo ra các vết nứt dẫn đến sạt, lở thứ cấp.

- Tổ số 6 (đảm bảo ANTT) gồm 10 người là cán bộ, chiến sĩ của Công an huyện Ba Bể cùng 02 xe Cảnh sát giao thông.

Thực hiện nhiệm vụ CNCH tại vị trí được Ban chỉ huy CNCH giao: Tổ chức chốt chặn, phân luồng giao thông đảm bảo thông suốt trong quá trình triển khai lực lượng, phương tiện CNCH và tiến hành giải tán đám đông, ngăn chặn những hành vi gây rối (nếu có), đồng thời ngăn chặn không cho những người không có nhiệm vụ vào khu vực CNCH.

- Tổ số 7 (cứu thương, hậu cần) gồm 20 người, cụ thể: 10 y bác sĩ do Sở Y tế điều động và 10 cán bộ, bác sĩ của Phòng Hậu cần - Công an tỉnh cùng 03 xe cứu thương.

Thực hiện nhiệm vụ CNCH tại vị trí được Ban chỉ huy CNCH giao: Tiến hành sơ cấp cứu ban đầu và đưa các nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để chữa trị, đồng thời chăm sóc sức khỏe cho các lực lượng tham gia tìm kiếm CNCH và thực hiện công tác hậu cần phục vụ CNCH trong thời lâu dài.

- Tổ số 8 (thông tin liên lạc) gồm 02 người là cán bộ, chiến sĩ của Phòng Tham mưu - Công an tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ CNCH tại vị trí được Ban chỉ huy CNCH giao: Tiến hành đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ huy và điều hành CNCH.

* Chú ý trong quá trình triển khai thực hiện:

- Khi xác định được vị trí người bị nạn, cần tìm đường gần nhất và an toàn để tiếp cận người bị nạn, đồng thời tìm cách chèn, chống, cô lập, cách ly khu vực có khả năng sạt lở xuống khu vực có người bị nạn để tiếp cận người bị nạn một cách an toàn và nhanh nhất.

- Khi tiếp cận người bị nạn phải kiểm tra, đánh giá mức độ, tình trạng bị thương của người bị nạn để đưa ra biện pháp di chuyển nạn nhân ra một cách an toàn nhất.

- Trước khi đưa người bị nạn ra ngoài phải tiến hành sơ cấp cứu ban đầu (nếu có thể) và sử dụng các phương pháp di chuyển người bị nạn (cõng, vác, khiêng) ra khỏi khu vực sạt lở.

- Quá trình đưa người bị nạn ra khu vực an toàn cũng phải chú ý các điều kiện an toàn cho người tham gia CNCH và nạn nhân.

- Khi đưa ra khu vực an toàn có thể tiến hành sơ cấp cứu ban đầu và bàn giao cho cơ quan y tế tiếp tục sơ cấp cứu, di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Đối với thi thể người bị nạn được đưa ra ngoài thì bàn giao cho chính quyền địa phương và gia đình, người thân.

- Các hộ dân tại khu dân cư Tiểu khu 4 đều sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) hoặc hầm lò Biogas để phục vực việc nấu ăn hàng ngày nên khi xảy ra sự cố, có nguy cơ bị rò rỉ ra bên ngoài và bị đọng lại tại các chỗ trũng, thấp, dưới các vật liệu bị sạt lở xuống. Khi kết hợp với không khí và có tác động của tia lửa trong quá trình cắt phá cấu kiện hoặc tiếp xúc với ngọn lửa trần có thể dẫn đến nổ, gây nguy hiểm cho các nạn nhân và lực lượng tham gia CNCH. Chính vì vậy, khi sử dụng các trang thiết bị CNCH chuyên dụng: Thiết bị banh tách, cắt thủy lực, máy cắt đa năng (lưỡi cắt thép, bê tông), máy cưa xích, thiết bị phá dỡ đa năng cầm tay,..., để loại bỏ các cấu kiện khống chế người bị nạn cần chú ý các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng ngừa gây ra các tia lửa tác động vào khí LPG.

3. Kết thúc xử lý tình huống

Sau khi thực hiện xong công tác triển khai cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường sự cố sạt lở đất đá. Trưởng ban chỉ huy CNCH báo cáo Trưởng ban chỉ đạo CNCH các nội dung sau:

- Kết quả tìm kiếm cứu nạn (tổng số người được tìm thấy và giải cứu ra khỏi khu vực sạt lở là 14 người; số người chết 04 người, số người bị thương 10 người);

- Tổng số hộ bị vùi lấp: 03 hộ bị vùi lấp hoàn toàn, 03 hộ bị vùi lấp và sập đổ ½ nhà; số hộ bị ảnh hưởng 04 hộ (đất, đá, bùn trần vào trong nhà từ phía sau gây hư hại tài sản của gia đình).

- Đánh giá mức độ thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 115 tỷ đồng;

- Lực lượng tham gia (Công an, Quân đội, Dân quân, Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn, lực lượng dân phòng địa phương cùng các trang thiết bị phương tiện CNCH được huy động, gồm: 142 người và 25 phương tiện giao thông cơ giới cùng các trang thiết bị, phương tiện CNCH kèm theo tham gia CNCH tại hiện trường đều đảm bảo an toàn không để xảy ra sự cố, tai nạn thứ cấp.

- Đề xuất về phương án xử lý đối với hiện trường vụ sạt lở sau khi hoàn thành công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ

Phong tỏa tạm thời các hộ dân sống quanh khu vực sạt lở bảo đảm bảo khoảng cách an toàn về các hướng tiếp giáp, tiến hành các biện pháp khử trùng khu vực xảy ra sự cố sạt lở, vùi lấp.

Giao Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiến hành điều tra, xác minh, kết luận nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở đất; báo cáo cấp trên theo quy định.

Giao UBND huyện chủ trì chỉ đạo các bộ phận phòng, ban, đơn vị liên quan của huyện nhanh chóng tiến hành các biện pháp khắc phục sự cố, ổn định đời sống, sinh hoạt cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong khu vực sạt lở.

Trên đây là Phương án cứu nạn, cứu hộ do sự cố sạt lở đất đá xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Công an tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện khi có sự cố xảy ra tương tự./.

 


Nơi nhận:
- UBND tỉnh Bắc Kạn (phê duyệt);
- Lưu: PV01, PC07.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Đại tá Nguyễn Thanh Tuân