Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 160/QĐ-NH7

Hà Nội , ngày 08 tháng 6 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

 BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ SỰ PHỐI KẾT HỢP GIỮA CÁC ĐƠN VỊ TRONG HỆ THỐNG NGÂN HÀNG TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝVAY, TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước ngày 23/5/1990;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về sự phối kết hợp giữa các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng trong công tác quản lý vay, trả nợ nước ngoài".

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3.- Các ông: Chánh Văn phòng Thống đốc; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo; Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối; Thủ trưởng các Vụ, Cục liên quan Ngân hàng Nhà nước nêu tại Mục III của Quy định kèm theo; Giám đốc các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố; các Tổng giám đốc (giám đốc) các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Lê Văn Châu

(Đã Ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ SỰ PHỐI KẾT HỢP GIỮA CÁC ĐƠN VỊ TRONG NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ VAY, TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 160/QĐ-NH7 ngày 8/6/1996  của Thống đốc ngân hàng Nhà nước)

Để thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành ngân hàng về quản lý vay, trả nợ nước ngoài theo Nghị định 58/CP, Thống đốc ngân hàng Nhà nước quy định sự phối hợp giữa các đơn vị trong hệ thống ngân hàng về lập, điều hành tổng hạn mức vay trả nợ nước ngoài và quy trình xét duyệt chấp thuận các điều kiện vay trả như sau:

I- VỀ LẬP VÀ HÀNH TỔNG HẠN MỨC VAY, TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA DOANH NGHIỆP

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng, chịu trách nhiệm kiểm soát các luồng ngoại tệ vào và ra khỏi Việt Nam, trong đó có vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Việc kiểm soát sẽ thông qua hai công cụ chính là: (1) Tổng hạn mức vay nước ngoài 5 năm và hàng năm, (2) Quy định các kiện vay, trả.

1- Lập tổng hạn mức vay vốn nước ngoài:

Vụ Nghiên cứu kinh tế có trách nhiệm:

- Xây dựng Chiến lược huy động và sử dụng vốn nước ngoài 5 năm và hàng năm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của đất nước;

- Chủ trì phối hợp với các Vụ: Vụ Quan hệ quốc tế, Vụ Tín dụng, Vụ Quản lý ngoại hối xây dựng kế hoạch và điều hành tổng hạn mức về vay, trả nợ nước ngoài 5 năm và hàng năm của các doanh nghiệp báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2- Xem xét các điều kiện vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp: Trên cơ sở Tổng hạn mức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thống đốc ngân hàng Nhà nước giao cho Vụ Quản lý ngoại hối thực hiện xem xét các điều kiện vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc:

a) Khuyến khích các khoản vay ưu đãi, hạn chế việc vay vốn nước ngoài theo điều kiện thương mại, đặc biệt là các khoản vay thương mại ngắn hạn và vay nước ngoài để nhập khẩu hàng tiêu dùng;

b) Đối với Doanh nghiệp Nhà nước (trong đó có các Ngân hàng thương mại quốc doanh) thực hiện theo tổng hạn mức đã được Chính phủ phê duyệt và cần chú ý các chỉ tiêu định lượng về vay thương mại nước ngoài của Chương trình ESAF; căn cứ điểm 18, 20 Thông tư 07/TT-NH7 ngày 26/3/1994 và các quy định sửa đổi, bổ sung Thông tư này để giải quyết từng trường hợp cụ thể.

c) Đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (bao gồm cả các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài): căn cứ tổng hạn mức và các điều kiện vay trả quy định tại công văn số.... bổ sung Thông tư 07/TT-NH7 ngày 26/3/1994 và các văn bản sửa đổi, bổ sung Thông tư này để giải quyết các trường hợp cụ thể.

II- QUY TRÌNH XÉT DUYỆT VÀ CHẤP THUẬN CÁC KIỆN VAY TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA DOANH NGHIỆP

1- Các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng có nhu cầu vay vốn nước ngoài gửi hồ sơ xin vay vốn (theo quy định trong Thông tư 07/TT-NH7 ngày 26/3/1994 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước) cho Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Quản lý ngoại hối).

2- Kể từ khi nhận được đủ hồ sơ, trong thời gian 5 ngày làm việc,

Vụ Quản lý ngoại hối có ý kiến trình Thống đốc quyết định.

3- Khi có quyết định của Thống đốc, trong thời gian 2 ngày làm việc, Vụ Quản lý ngoại hối có thông báo quyết định của Thống đốc gửi doanh nghiệp để thực hiện.

4- Trong trường hợp bên cho vay yêu cầu phải bảo lãnh, doanh nghiệp làm việc với Ngân hàng thương mại hoặc làm việc với Vụ Tín dụng (nếu có chỉ định của Chính phủ) để làm thủ tục bảo lãnh. Các ngân hàng thương mại hoặc Vụ tín dụng xem xét các hồ sơ vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp cần chú ý các vấn đề liên quan như tư cách pháp nhân của doanh nghiệp, năng lực tài chính, luận chứng kinh tế (phương án sản xuất kinh doanh), hợp đồng tín dụng sẽ ký và các kiện vay trả khác để báo cáo ngân hàng Nhà nước. Sau khi có ý kiến đồng ý bảo lãnh của ngân hàng thương mại (hoặc Vụ tín dụng), Vụ Quản lý ngoại hối tổng hợp trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định và chấp thuận các điều kiện vay trả.

5- Sau khi có chấp thuận của Ngân hàng nhà nước và được Ngân hàng thương mại đồng ý bảo lãnh (đối với các khoản vay cần có bảo lãnh), doanh nghiệp mới được ký hợp đồng tín dụng với nước ngoài. Trong thời gian 30 ngày kể từ khi ký hợp đồng, doanh nghiệp phải gửi bản sao hợp đồng đã ký kèm theo kế hoạch rút vốn, trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối). Nếu kế hoạch rút vốn và trả nợ thay đổi, doanh nghiệp phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước sau 10 ngày làm việc.

6- Vụ Quản lý Ngoại hối thông báo đầy đủ các khoản vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp đã được chấp thuận cho chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố để theo dõi và có cơ sở kiểm tra việc thực hiện các hợp đồng tín dụng của doanh nghiệp và tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Quản lý ngoại hối) theo quy định của Thống đốc. Đặc biệt chú ý đến tình hình rút vốn, sử dụng vốn và kế hoạch trả nợ.

7- Các Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại báo cáo việc thực hiện các hợp đồng trực tiếp đi vay hoặc bảo lãnh cho Ngân hàng nhà nước (Vụ quản lý ngoại hối) về tình hình rút vốn, sử dụng vốn và trả nợ nước ngoài theo quy định của Thống đốc.

8- Định kỳ 6 tháng, Vụ Quản lý ngoại hối tổng hợp báo cáo của các chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, thành phố và của các ngân hàng thương mại, trình Thống đốc và kiến nghị các biện pháp giải quyết.

9- Căn cứ vào các văn bản đã ban hành về quản lý vay trả nợ nước ngoài, thanh tra Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Vụ liên quan tiến hành kiểm tra việc thực hiện vay trả nợ nước ngoài, bảo lãnh và mở L/C trả chậm của các tổ chức tín dụng.

III- SỰ PHỐI KẾT HỢP GIỮA CÁC ĐƠN VỊ CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Việc phối kết hợp giữa các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước TW trong công tác quản lý vay trả nợ nước ngoài thực hiện theo nội dung sau:

1- Vụ Quản lý ngoại hối:

- Có chức năng nghiên cứu, tham mưu cho BLĐ các chủ trương, chính sách, chế độ về quản lý vay và trả nợ nước ngoài.

- Xem xét các điều kiện vay trả của các doanh nghiệp trình Thống đốc phê duyệt.

- Là đầu mối theo dõi tình hình quản lý vay và trả nợ nước ngoài và định ký báo cáo Thống đốc tình hình vay, trả nợ nước ngoài trong cả nước và kiến nghị biện pháp xử lý và đồng gửi cho Vụ Nghiên cứu kinh tế để nghiên cứu và tổng hợp.

2- Vụ Nghiên cứu Kinh tế:

Vụ Nghiên cứu Kinh tế có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại điểm 1, Mục I nói trên.

3- Vụ Tín dụng:

- Xây dựng các quy chế liên quan đến bảo lãnh, tái bảo lãnh (Kể cả L/C trả chậm). Hướng dẫn các tổ chức tài chính thực hiện.

- Theo dõi và kiểm tra việc bảo lãnh vay, trả nợ nước ngoài (kể cả việc mở L/C trả chậm) của các tổ chức tài chính, tín dụng.

- Định kỳ báo cáo Thống đốc về tình hình bảo lãnh vay vốn nước ngoài và đồng gửi cho Vụ Quản lý ngoại hối và Vụ Nghiên cứu kinh tế để tổng hợp.

4- Vụ Quan hệ Quốc tế:

- Chịu trách nhiệm đàm phán ký kết các hợp đồng tín dụng với các tổ chức tài chính quốc tế theo uỷ quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trong quá trình đàm phán phải trao đổi với các Vụ, cục liên quan.

- Sau khi các hợp đồng tín dụng được phê chuẩn, thông báo cho Vụ Quản lý Ngoại hối những điều kiện cơ bản của khoản vay và gửi bản sao hợp đồng cho Vụ Quản lý Ngoại hối để tổng hợp, báo cáo Thống đốc.

5- Sở giao dịch:

Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước thông báo số liệu về tình hình rút vốn, trả nợ các khoản vay Chính phủ do Ngân hàng Nhà nước theo dõi cho Vụ Quản lý ngoại hối.

6- Thanh tra Ngân hàng Nhà nước:

Phối hợp với các Vụ cục Ngân hàng Nhà nước Trung ương, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước địa phương tiến hành kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các văn bản của Ngân hàng Nhà nước về vay, trả nợ nước ngoài. Thông báo cho Vụ Quản lý Ngoại hối kịp thời kết quả kiểm tra để tổng hợp báo cáo Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Việc bổ sung quy định này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 160/QĐ-NH7 năm 1995 về sự phối kết hợp giữa các đơn vị trong hệ thống ngân hàng trong công tác quản lý vay, trả nợ nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 160/QĐ-NH7
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/06/1996
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Lê Văn Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản