Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2009/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 23 tháng 9 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI, NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG TẠI UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN THUỘC HUYỆN TRÀ ÔN VÀ THÀNH PHỐ VĨNH LONG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Đất đai năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh số 36-L/CTN về việc quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ngày 29/8/1994;

Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 về việc ưu đãi người có công với cách mạng ngày 29/6/2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

Pháp lệnh số 35/2007/PL-UBTVQH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 21/6/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg, ngày 27 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long tại Tờ trình số 320/TTr-VPUBND, ngày 21 tháng 9 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quy trình thực hiện cơ chế một cửa liên thông phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai và người có công với cách mạng tại Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thuộc huyện Trà Ôn và thành phố Vĩnh Long.

Điều 2.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Trà Ôn và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Vĩnh Long chỉ đạo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các phòng, ban chuyên môn có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Trà Ôn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Vĩnh Long triển khai thực hiện những vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền của đơn vị mình.

- Giám đốc Sở Nội vụ và Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức thực hiện Quy định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Trà Ôn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Vĩnh Long và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thuộc huyện Trà Ôn, thành phố Vĩnh Long và các ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Đấu

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUY TRÌNH THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI, NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG TẠI UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN THUỘC HUYỆN TRÀ ÔN VÀ THÀNH PHỐ VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2009/QĐ-UBND, ngày 23 tháng 9 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này quy định:

1. Trình tự, thủ tục, trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân theo cơ chế một cửa liên thông thuộc lĩnh vực đất đai, người có công với cách mạng tại Uỷ ban nhân dân (UBND) các xã, phường, thị trấn thuộc huyện Trà Ôn và thành phố Vĩnh Long.

2. Thành phần hồ sơ, thời gian, mức phí, lệ phí giải quyết hồ sơ; quy trình tiếp nhận, lưu chuyển hồ sơ; mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước có liên quan trong quá trình xử lý, giải quyết hồ sơ của công dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

Đối tượng áp dụng Quy định này bao gồm:

1. UBND các xã, phường, thị trấn thuộc huyện Trà Ôn và thành phố Vĩnh Long;

2. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND huyện Trà Ôn và thành phố Vĩnh Long.

3. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Phòng Tài chính Kế hoạch; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc UBND huyện Trà Ôn và UBND thành phố Vĩnh Long.

4. Chi cục Thuế huyện Trà Ôn, thành phố Vĩnh Long.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

7. Các cơ quan, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ:

1. Cơ chế một cửa liên thông tại UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã) trong Quy định này là cơ chế giải quyết thủ tục hành chính của công dân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan hành chính nhà nước cấp trên xã, phường, thị trấn, từ việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã, phường, thị trấn.

2. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính được quy định tại Quy định này là thời gian làm việc (không kể ngày nghỉ hàng tuần, lễ, tết), được tính kể từ ngày bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Khuyến khích các cơ quan, cán bộ, công chức cải tiến lề lối làm việc nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ so với thời gian quy định.

Điều 4. Nguyên tắc chung khi thực hiện cơ chế một cửa liên thông tại UBND các xã, phường, thị trấn:

1. Thủ tục hành chính rõ ràng, đơn giản và đúng pháp luật.

2. Hướng dẫn thủ tục cụ thể, chi tiết, đúng quy định và đầy đủ theo nguyên tắc hướng dẫn một lần bằng phiếu hướng dẫn. Sử dụng giấy biên nhận khi tiếp nhận hồ sơ, có ghi cụ thể ngày tiếp nhận và ngày hẹn trả kết quả giải quyết hồ sơ.

3. Niêm yết công khai các thủ tục hành chính (bao gồm: Tên thủ tục hành chính, cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ, mức thu phí, lệ phí, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, yêu cầu, điều kiện (nếu có), thời hạn giải quyết và kết quả giải quyết đối với từng thủ tục hành chính).

4. Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả).

5. Việc quan hệ phối hợp để giải quyết thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của cán bộ, công chức UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan; bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho công dân.

6. Phong cách giao tiếp, tinh thần phục vụ và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính là thước đo hiệu quả hoạt động đối với cán bộ, công chức cơ quan hành chính.

Điều 5. Quy định chung về việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông tại UBND các xã, phường, thị trấn:

1. Công dân có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai và người có công với cách mạng nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã, phường, thị trấn. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện đúng các quy định khi tiếp nhận hồ sơ. Đến ngày hẹn trả kết quả, công dân nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

2. Những thủ tục hành chính không được quy định tại Quy định này nhưng thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã, phường, thị trấn thì bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hướng dẫn tổ chức, cá nhân liên hệ các công chức hoặc bộ phận chuyên môn có liên quan thuộc UBND các xã, phường, thị trấn giải quyết theo quy định hiện hành.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có văn bản thay đổi hoặc điều chỉnh có liên quan đến Quy định này thì UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan có trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp; không vì lý do này mà gây chậm trễ trong việc giải quyết các yêu cầu của công dân.

4. UBND các xã, phường, thị trấn, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Trà Ôn, UBND thành phố Vĩnh Long và các cơ quan liên quan không được quy định thêm hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, phí, lệ phí và thời gian giải quyết ngoài Quy định này.

5. UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn kê khai và cung cấp đầy đủ cho công dân các loại mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính đối với các thủ tục hành chính được quy định tại Quy định này.

Điều 6. Quy định về phiếu lưu chuyển hồ sơ:

Phiếu lưu chuyển hồ sơ được sử dụng đối với các thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông, do bộ phận tiếp nhận của cấp xã lập theo mẫu, ghi đầy đủ thông tin quy định, được đính kèm theo hồ sơ trong suốt quá trình giải quyết tại các cơ quan liên quan và được trả lại cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã để lưu trữ. Khi giao nhận hồ sơ giữa các cơ quan liên quan hoặc khi trả kết quả giải quyết hồ sơ, công chức tham gia xử lý hồ sơ cập nhật thời gian giao nhận và ký xác nhận vào phiếu lưu chuyển hồ sơ.

Điều 7. Thu phí, lệ phí:

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã thu các khoản phí và lệ phí khi trả kết quả giải quyết hồ sơ, bao gồm các khoản thu thuộc thẩm quyền của UBND xã, phường, thị trấn và các khoản thu do UBND huyện, thành phố uỷ quyền. Khi thu phí, lệ phí phải sử dụng biên lai thu tiền phí, lệ phí có mệnh giá hoặc không có mệnh giá do cơ quan thuế cung cấp. Việc thu, nộp, quản lý, sử dụng các khoản phí, lệ phí thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương II

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC LĨNH VỰC ĐẤT ĐAIVÀ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI NƯỚC

Điều 8. Những thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai:

1. Giao đất, cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân.

2. Chuyển từ hình thức thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.

3. Chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.

4. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (lần đầu) cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.

5. Cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

6. Gia hạn sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất phi nông nghiệp; hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Nhà nước cho thuê đất nông nghiệp.

7. Đăng ký biến động về sử dụng đất do đổi tên, giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên, thay đổi về quyền, thay đổi về nghĩa vụ tài chính.

8. Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.

9. Tách thửa, hợp thửa đất.

10. Chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.

11. Đăng ký cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất.

12. Xoá đăng ký cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất.

13. Thừa kế quyền sử dụng đất.

14. Tặng, cho quyền sử dụng đất.

15. Đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

16. Xoá đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Điều 9. Những thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực người có công với cách mạng:

1. Giải quyết các chính sách cho thân nhân liệt sĩ.

2. Giải quyết các chính sách đối với thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.

3. Giải quyết chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc.

4. Giải quyết chế độ ưu đãi đối với thân nhân người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc đã chết trước ngày 01 tháng 01 năm 1995.

5. Giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công giúp đỡ cách mạng.

6. Giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học và con đẻ của họ bị dị tật bẩm sinh.

7. Giải quyết chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày.

8. Giải quyết chế độ của thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ trần (tuất từ trần).

9. Giải quyết chế độ tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng.

10. Giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ.

Điều 10. Nội dung giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông:

Nội dung giải quyết những thủ tục hành chính (bao gồm: Cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ, mức thu phí, lệ phí, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, yêu cầu, điều kiện (nếu có), thời hạn giải quyết, kết quả của việc giải quyết thủ tục hành chính) nêu tại Điều 6 và Điều 7 của Quy định này được thực hiện theo Quyết định số 1554/QĐ-UBND về việc công bố bộ thủ tục hành chính chung áp dụng tại cấp xã trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 1555/QĐ-UBND về việc công bố bộ thủ tục hành chính chung áp dụng tại cấp huyện trên địa bàn tỉnh, ngày 30/6/2009 của UBND tỉnh và Quyết định số 1935/QĐ-UBND, ngày 20/8/2009 của UBND tỉnh về việc công bố bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường; Quyết định số 1942/QĐ-UBND, ngày 20/8/2009 của UBND tỉnh về việc công bố bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chương III

QUY TRÌNH VÀ SỰ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG

Điều 11. Quy trình giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông:

1. Tiếp nhận và chuyển hồ sơ tại UBND các xã, phường, thị trấn:

a) Quy trình tiếp nhận hồ sơ thực hiện tương tự như cơ chế một cửa được quy định tại khoản 1, Điều 5 Quy định này; đồng thời lập phiếu lưu chuyển hồ sơ và chuyển ngay hồ sơ cùng phiếu lưu chuyển cho công chức chuyên môn.

b) Thời gian bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hẹn trả kết quả cho cá nhân là tổng thời gian quy định giải quyết của cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh (nếu có) đối với thủ tục hành chính đó.

2. Giải quyết thủ tục hành chính tại UBND cấp xã:

Đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã, công chức của xã xử lý hồ sơ và trình lãnh đạo UBND xã xem xét, giải quyết theo quy định; đối với những thủ tục hành chính chỉ yêu cầu xác nhận, chứng thực thì Chủ tịch UBND cấp xã hoặc công chức của xã thẩm tra để xác nhận, chứng thực và chuyển đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Văn phòng HĐND và UBND huyện, thành phố.

3. Chuyển hồ sơ đến UBND huyện Trà Ôn, thành phố Vĩnh Long:

UBND xã, phường, thị trấn phân công công chức có trách nhiệm trực tiếp chuyển hồ sơ đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND và UBND huyện, thành phố (theo quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa tại UBND huyện, thành phố do UBND huyện, thành phố ban hành). Người nộp hồ sơ và người tiếp nhận hồ sơ cùng ghi giờ, ngày nộp và ký xác nhận vào phiếu lưu chuyển. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Văn phòng HĐND và UBND huyện, thành phố cấp giấy biên nhận hồ sơ cho công chức xã, phường, thị trấn.

4. Chuyển hồ sơ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Tài nguyên và Môi trường:

Sau khi xử lý hồ sơ theo thẩm quyền của huyện, thành phố, công chức thuộc bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND và UBND huyện, thành phố chuyển hồ sơ đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường để được giải quyết. Khi nộp hồ sơ, công chức của huyện ghi giờ, ngày nộp và ký xác nhận vào phiếu lưu chuyển, đồng thời lấy giấy biên nhận hồ sơ.

5. Trả kết quả giải quyết hồ sơ:

a) Đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường, đến ngày hẹn theo giấy biên nhận, công chức của huyện, thành phố đến sở nhận kết quả về giao cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND và UBND huyện, thành phố để giao lại cho công chức của xã, phường, thị trấn.

b) Đến ngày hẹn theo giấy biên nhận, công chức của xã, phường, thị trấn đến Văn phòng HĐND và UBND huyện, thành phố nhận kết quả giải quyết hồ sơ về giao cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp xã để trả cho công dân.

c) Khi trả kết quả giải quyết hồ sơ cho công dân, công chức bộ phận tiếp nhận cấp xã thu các khoản phí, lệ phí theo quy định (nếu có); đề nghị công dân ký xác nhận vào phiếu lưu chuyển hồ sơ, sổ theo dõi giải quyết hồ sơ.

6. Những cơ quan đã lắp đặt và vận hành mạng tin học thông suốt, có thể ứng dụng để lưu chuyển hồ sơ; khi có kết quả giải quyết sẽ nộp bản chính hồ sơ để lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Quan hệ phối hợp giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông:

1. Quan hệ phối hợp tại UBND các xã, phường, thị trấn:

Công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và công chức chuyên môn có trách nhiệm phối hợp tích cực trong việc kiểm tra, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật.

2. Quan hệ và trách nhiệm phối hợp giữa UBND xã, phường, thị trấn với UBND huyện, thành phố:

a) Trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc mà công chức xã, phường, thị trấn không tự giải quyết được thì trao đổi với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thành phố để được hướng dẫn giải quyết; đồng thời cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Trà Ôn và thành phố Vĩnh Long có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc cho UBND xã, phường, thị trấn trong quá trình giải quyết yêu cầu của công dân.

b) Trường hợp hồ sơ do công chức phường, xã chuyển đến chưa hợp lệ, hoàn chỉnh theo quy định, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Văn phòng HĐND và UBND huyện, thành phố yêu cầu công chức đó bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ bằng phiếu hướng dẫn, theo nguyên tắc hướng dẫn một lần.

UBND cấp xã có trách nhiệm cử công chức liên hệ với công dân để xin lỗi và đề nghị công dân bổ sung hồ sơ theo quy định.

c) Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết thì trong thời hạn 02 (hai) ngày kể từ ngày có kết luận không giải quyết, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm liên hệ với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã để trả lại hồ sơ và thông báo lý do bằng văn bản. Trong thời hạn không quá 02 (hai) ngày, kể từ ngày nhận được kết luận không giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, UBND cấp xã trả hồ sơ và gửi văn bản giải thích cụ thể lý do cho công dân.

d) Trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, cán bộ, công chức các cơ quan có liên quan cùng tham gia giải quyết hồ sơ phải phối hợp chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc các quy định về sổ theo dõi hồ sơ, phiếu hướng dẫn, giấy biên nhận, phiếu lưu chuyển để có cơ sở xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể khi cần thiết.

e) Trong trường hợp việc xử lý hồ sơ có liên quan đến nhiều cơ quan, công chức, công chức chịu trách nhiệm chính về xử lý hồ sơ chủ động phối hợp với các cơ quan, công chức liên quan để giải quyết. Các cơ quan, công chức có liên quan có trách nhiệm tham gia phối hợp giải quyết hồ sơ trong phạm vi thẩm quyền của mình theo quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn:

1. Củng cố, sắp xếp lại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả:

a) Tổ chức, củng cố bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý hồ sơ theo cơ chế một cửa và cơ chế một cửa liên thông theo quy định, do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo. Cán bộ, công chức của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải có phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, hiểu biết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai và người có công với cách mạng.

b) Bố trí phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại nơi thuận tiện, thoáng mát, có diện tích đáp ứng yêu cầu công việc. Trang bị các phương tiện và điều kiện làm việc cần thiết phục vụ cho việc tiếp nhận hồ sơ và giao dịch với công dân; bố trí bàn, ghế, nước uống và các tiện nghi khác (nếu có thể) phục vụ công dân khi đến giao dịch.

c) Chỉ đạo bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tổ chức thực hiện công việc, lập sổ sách theo dõi việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo đúng quy định.

2. Niêm yết công khai các thủ tục hành chính (bao gồm: Tên thủ tục hành chính, cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ, mức thu phí, lệ phí, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, yêu cầu, điều kiện (nếu có), thời hạn giải quyết và kết quả giải quyết đối với từng thủ tục hành chính) tại bộ phận tiếp nhận hoặc tại nơi thuận tiện trước cơ quan; mở sổ góp ý, hòm thư góp ý; niêm yết sơ đồ phòng làm việc của cơ quan.

3. Tổ chức các hình thức thông báo, tuyên truyền rộng rãi (thông qua hệ thống truyền thanh, các cuộc họp tổ dân phố, chi bộ, mặt trận và các đoàn thể …) các quy định về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết nói chung và các thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông thuộc lĩnh vực đất đai và người có công với cách mạng nói riêng tại UBND xã, phường, thị trấn để nhân dân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.

4. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và các công chức có liên quan; định kỳ 06 tháng, hàng năm đánh giá tình hình thực hiện; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; đề xuất, kiến nghị giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện. Có hình thức khen thưởng và xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm túc đối với cá nhân và tập thể trong quá trình thực hiện Quy định này.

Điều 14. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn và Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Long:

1. Chỉ đạo việc triển khai thực hiện Quy định này tại UBND xã, phường, thị trấn trực thuộc, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND và UBND huyện, thành phố và các phòng, ban chuyên môn có liên quan. Tổ chức quán triệt nội dung bản Quy định này; giao trách nhiệm cho lãnh đạo và cán bộ, công chức các phòng chuyên môn tổ chức việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ do Văn phòng HĐND và UBND huyện, thành phố chuyển đến theo đúng quy định của Quy định này. Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi để nhân dân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.

2. Đối với việc thu các khoản phí, lệ phí theo quy định, Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Long giao Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất nghiên cứu phương án phù hợp, hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện để UBND xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ này trên nguyên tắc không để công dân đi lại nhiều lần, nhiều nơi.

3. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Chi cục Thuế cùng phối hợp in, sao và cung cấp đầy đủ các mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính theo quy định để các xã, phường, thị trấn phục vụ nhân dân.

4. Phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính để được hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính trong việc mua sắm trang thiết bị, công tác phí, in ấn biểu mẫu,… phục vụ việc triển khai thực hiện Quy định này.

5. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tạo điều kiện để UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt Quy định này.

Điều 15. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan:

1. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Long có kế hoạch củng cố về tổ chức và biên chế đối với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp xã, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND và UBND huyện, thành phố; đồng thời hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này tại các xã, phường, thị trấn; phối hợp với các sở, ngành chuyên môn có liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

2. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:

Hướng dẫn nghiệp vụ, thủ tục và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho cán bộ, công chức chuyên môn thuộc UBND huyện Trà Ôn, thành phố Vĩnh Long, xã, phường, thị trấn; theo dõi và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Chỉ đạo bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và các phòng chuyên môn trực thuộc sở thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trả kết quả hoặc chuyển hồ sơ về trung ương đúng theo Quy định này.

3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện phần mềm một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

4. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện của Chi cục Thuế huyện Trà Ôn, Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Long trong việc xử lý hồ sơ và ban hành các thông báo nghĩa vụ tài chính chính xác và đúng thời gian quy định. Phối hợp với UBND huyện Trà Ôn, UBND thành phố Vĩnh Long chỉ đạo các Chi cục Thuế bố trí công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phối hợp giải quyết tốt hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất. Thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn và giải đáp kịp thời các yêu cầu của công dân về nghĩa vụ tài chính liên quan đến lĩnh vực đất đai.

5. Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền và phản ánh những khó khăn, vướng mắc; đồng thời nêu điển hình những cá nhân, cơ quan thực hiện tốt và chưa tốt Quy định này.

Điều 16. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan khi giải quyết hồ sơ trễ hạn:

Trường hợp đến ngày giao trả kết quả nhưng hồ sơ chưa giải quyết xong, thuộc trách nhiệm của cấp nào thì cấp đó phải thông báo cụ thể lý do trễ hẹn và xác định lại ngày trả kết quả (không được vượt quá 1/3 thời gian quy định đối với thủ tục hành chính đó); đồng thời thủ trưởng cơ quan cấp đó phải xin lỗi công dân bằng văn bản (thông qua công chức của xã, phường, thị trấn). Đối với các nguyên nhân chủ quan, thủ trưởng cơ quan xem xét xử lý các công chức thiếu trách nhiệm theo các hình thức pháp luật quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 16/2009/QĐ-UBND quy định về quy trình thực hiện cơ chế một cửa liên thông phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai, người có công với cách mạng tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thuộc huyện Trà Ôn và thành phố Vĩnh Long

  • Số hiệu: 16/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/09/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Người ký: Phạm Văn Đấu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/10/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 19/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản