Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------

Số: 159-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Điều lệ Đảng;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng;

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI;

Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XI,

BỘ CHÍNH TRỊ QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Chức năng của Ban Nội chính Trung ương

Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Điều 2. Nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương

1. Nghiên cứu, đề xuất

- Chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.

- Chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia và phòng, chống tham nhũng; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (Kiểm sát, Toà án, Tư pháp, Thanh tra, các cơ quan có chức năng tư pháp trong Công an, Quân đội); Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

- Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định.

2. Hướng dẫn, kiểm tra

- Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ở các cơ quan nội chính; Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao.

- Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

- Chủ trì hướng dẫn nghiệp vụ công tác cho các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

3. Thẩm định

Thẩm định các đề án về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

4. Tham gia về công tác cán bộ trong các cơ quan nội chính Trung ương

- Tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong các cơ quan nội chính theo phân công, phân cấp.

- Tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm kiểm sát viên cao cấp, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

5. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

6. Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Điều 3. Tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương

1. Lãnh đạo Ban: gồm có Trưởng ban và các phó trưởng ban.

2. Cơ cấu tổ chức của Ban Nội chính Trung ương gồm:

1. Vụ Theo dõi xử lý các vụ án

2. Vụ Pháp luật

3. Vụ Nghiên cứu tổng hợp

4. Vụ Cơ quan nội chính

5. Vụ Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng

6. Vụ Địa phương

7. Vụ Tổ chức - Cán bộ

8. Văn phòng

9. Tạp chí Nội chính

3. Biên chế

Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, thống nhất với Ban Nội chính Trung ương xác định biên chế của Ban Nội chính Trung ương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và chức danh, tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài số biên chế theo quy định, Ban Nội chính Trung ương được thực hiện chế độ cộng tác viên phục vụ công tác nghiên cứu của Ban.

Điều 4. Quy chế làm việc

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế, Ban Nội chính Trung ương xây dựng và ban hành Quy chế làm việc để thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Ban Nội chính Trung ương chủ trì xây dựng quy chế phối hợp công tác với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương trình Ban Bí thư ban hành.

Điều 5. Điều khoản thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Ban Nội chính Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, các cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Lê Hồng Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 159-QĐ/TW năm 2012 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 159-QĐ/TW
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/12/2012
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Lê Hồng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/12/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 02/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản