Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1572/QĐ-UB

Lâm Đồng, ngày 20 tháng 10 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

"V/V BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT ĐỐT TRƯỚC CÓ ĐIỀU KHIỂN TRONG PHÒNG CHÁY RỪNG THÔNG Ở LÂM ĐỒNG".

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 12/8/1991;

- Căn cứ Bản quy định về phòng cháy chữa cháy rừng ban hành kèm theo Nghị định số 22/CP ngày 9/3/1995 của Chính phủ;

- Căn cứ Bản quy định về cấp dự báo và báo động phòng cháy chữa cháy rừng vùng sinh thái Tây Nguyên ban hành kèm theo quyết định số 2059/NN-KHCN-QĐ ngày 22/8/1997 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn;

- Xét yêu cầu thực tế công tác phòng cháy chữa cháy rừng và đề nghị của Chi cục Kiểm lâm, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại tờ trình số 503/TT-LS ngày 08/10/1997;

QUYẾT ĐỊNH

ĐIỀU 1 : Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định về kỹ thuật đốt trước có điều khiển trong phòng cháy rừng thông ở Lâm Đồng.

ĐIỀU 2 : Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đàlạt, thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan, giám đốc các Lâm trường, các đơn vị quản lý rừng thuộc Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Đức Lợi

 

BẢN QUI ĐỊNH

VỀ KỸ THUẬT ĐỐT TRƯỚC CÓ ĐIỀU KHIỂN TRONG PHÒNG CHÁY RỪNG THÔNG Ở LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1572/QĐ-UB ngày 20/10/1997 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

PHẦN 1 :

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

ĐIỀU 1 : Giải thích một số từ ngữ trong bản quy định này :

1. Đốt trước có Điều khiển trong phòng cháy rừng (sau đây viết tắt là đốt trước) là biện pháp làm giảm vật liệu cháy ở rừng, bằng cách chủ động dùng lửa xử lý những vật liệu có thể cháy được với các điều kiện thời tiết, loại rừng thích hợp, trên cơ sở có sự tính toán điều khiển của con người sao cho vừa hạn chế nguy cơ và thiệt hại do cháy rừng vào thời kỳ cao điểm khô hanh, vừa không gây tác động xấu đến môi sinh, môi trường và sinh trưởng, phát triển của cây rừng.

2. Vật liệu cháy tinh : là những vật liệu có thể bắt lửa dễ dàng trong điều kiện thời tiết khô hanh thông thường ở rừng như : lá khô, cỏ khô, cây thân thảo, vật rụng khác chưa bị hoai mục, ... trong phạm vi bản quy định này, để tiện vận dụng trong thực tế, qui ước những thành phần thực vật có thể cháy được mà có đường kính hoặc bề dày dưới 1cm là những vật liệu cháy tinh (trừ quả thông khô)

Những thành phần thực vật có thể cháy được ngoài vật liệu cháy tinh kể trên, được coi là vật liệu cháy thô.

3. Khối lượng vật liệu cháy nêu trong bản quy định này là khối lượng vật liệu cháy tinh được cân ở trạng thái độ ẩm khoảng 25% (thời tiết dự báo cháy rừng chuyển sang cấp II)

4. Rừng thông non trong giai đoạn chăm sóc : là rừng thông trồng (hoặc tái sinh tự nhiên) dưới năm tuổi.

5. Rừng thông non trong giai đoạn nuôi dưỡng (hay gọi là rừng non sau giai đoạn chăm sóc) : là rừng thông trồng hoặc tái sinh tự nhiên từ năm tuổi đến khi rừng đạt tuổi trung niên.

6. Rừng thông lớn là rừng thông thuần loại hay hỗn giao, rừng tự nhiên hay rừng trồng đạt độ tuổi từ trung niên trở lên.

ĐIỀU 2 : Đối tượng áp dụng :

Bản quy định này được áp dụng đối với các dạng rừng thông thuần loại hay hỗn giao, rừng trồng hay rừng tự nhiên có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng vào mùa khô hàng năm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Tuỳ theo tuổi rừng, chiều cao cây và tình trạng thực bì mà có biện pháp xử lý thích hợp trong đốt dọn vật liệu cháy.

Các dạng rừng thông non (trong giai đoạn chăm sóc và nuôi dưỡng) cần xem xét và áp dụng biện pháp đốt trước khi khối lượng vật liệu cháy tinh vượt trên 0,3kg/m2 (3 tấn/ha). Riêng dạng rừng thông lớn chỉ đưa vào đối tượng đốt cháy khi khối lượng vật liệu cháy tinh vượt trên 0,5kg/m2 (5 tấn/ha).

ĐIỀU 3: Việc phối hợp thực hiện công trình chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý bảo vệ rừng :

Việc xử lý triệt tiêu nguồn vật liệu cháy trên rừng, nhất là rừng trồng, là một trong các yêu cầu cơ bản trong quá trình chăm sóc bảo vệ rừng thông ở Lâm Đồng.

Do vậy, mọi hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý bảo vệ rừng thông Điều phải gắn với việc thực hiện quy định đốt trước có điều khiển này. Tất cả các thiết kế, dự toán ngân sách, nuôi dưỡng rừng thông từ năm 1999 trở đi phải đưa nội dung đốt trước có điều khiển này vào, nhằm thống nhất đầu mối quản lý và thuận tiện trong triển khai thực hiện.

PHẦN 2 :

NHỮNG QUI ĐỊNH AN TOÀN CHO CÂY RỪNG VÀ MÔI TRƯỜNG KHI TIẾN HÀNH ĐỐT TRƯỚC

ĐIỀU 4 : Giới hạn thời điểm tiến hành đốt trước :

Đốt trước chỉ được tiến hành vào thời điểm chuyển tiếp giữa cuối mùa mưa và đầu mùa khô hàng năm, khi dự báo cháy rừng cấp II, hoặc độ ẩm vật liệu cháy từ 20% đến 25%. Sau thời điểm 15/1 hàng năm, nếu dự báo cháy rừng ở cấp I, cấp II cũng không được đốt.

Trong giai đoạn được phép đốt trước, chỉ được phép đốt vào thời điểm thích hợp trong ngày, khi độ ẩm không khí trên 60% và tốc độ gió dưới 5m/giây (18km/giờ).

Từ thời điểm dự báo cháy rừng chuyển sang cấp II, chỉ được đốt từ 16 giờ hôm trước đến 10 giờ hôm sau, không được đốt vào giữa trưa. Tuyệt đối không được đốt khi dự báo cháy rừng chuyển sang cấp III trở lên.

ĐIỀU 5 : Giới hạn phạm vi đối tượng rừng đưa vào đốt trước :

- Diện tích rừng đưa vào đốt trước hàng năm không được vượt quá 1/2 tổng diện tích rừng, đất rừng của tiểu khu rừng đó; và không được đốt trước tạo diện tích liền vùng rộng trên 50ha, mà phải tiến hành xen kẽ, nhất là nơi địa hình dốc.

- Không được phép đốt trước ở vùng rừng xung yếu bảo vệ cảnh quan, gần khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, công trình kiến trúc ... tại các vùng rừng này phải tăng cường áp dụng các biện pháp khác để phòng cháy chữa cháy rừng, thay vì đốt trước.

- ở nơi có cây tái sinh triển vọng thành rừng mọc từng đám (đạt mật độ trên 500 cây/ha) có diện tích từ 0,1ha trở lên xen kẽ trong rừng thông lớn, phải khoanh riêng để có biện pháp đốt trước thích hợp, không được đưa vào đốt trước như biện pháp áp dụng đối với rừng thông lớn.

ĐIỀU 6 : Tiêu chí đánh giá hiệu quả và mức an toàn cho cây rừng khi tiến hành đốt trước :

Rừng qua đốt trước phải bảo đảm các tiêu chí sau đây mới được coi là đạt yêu cầu về an toàn :

A) Tốc độ lan tràn của lửa phải nhỏ hơn 5m/phút

B) Lửa cháy sém, nếu có không được làm héo úa quá 1/3 chiều cao tán cây.

C) Khối lượng vật liệu cháy tinh còn lại sau đốt trước ( lần sau cùng) phải nhỏ hơn 2 tấn/ha đối với rừng non, nhỏ hơn 3 tấn/ha đối với rừng thông lớn mới được coi là đạt mức an toàn. Trường hợp khối lượng vật liệu cháy lớn, không thể giảm thiểu ngay sau một lần đốt, thì phải chia ra nhiều lần đốt, sao cho mỗi lần đốt khối lượng vật liệu cháy giảm từ 40% đến 60% và lần đốt sau cùng khối lượng vật liệu cháy còn lại đạt mức an toàn.

PHẦN 3 :

QUI ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN VIỆC ĐỐT TRƯỚC

ĐIỀU 7 : Lập kế hoạch và thiết kế đốt trước :

1. Kế hoạch chung về phòng cháy chữa cháy rừng cũng như kế hoạch đốt trước phải lập từ quý III năm trước. Từng đơn vị quản lý rừng, từng chủ rừng phải lập kế hoạch phòng cháy chữa cháy và thiết kế đốt trước ở địa bàn đơn vị mình, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.

2. Thiết kế đốt trước phải thể hiện đầy đủ nội dung sau :

A) Xác định đối tượng rừng dự kiến đốt trước : tên lô, khoảnh, tiểu khu, diện tích, trạng thái rừng, vật liệu cháy, đặc điểm địa hình, địa vật, lịch sử cháy rừng, các tác động chăm sóc, nuôi dưỡng, đốt dọn trước đó. Vùng rừng được thiết kế đốt trước phải thể hiện trên bản đồ tỉ lệ 1/10.000.

B) Thiết kế đốt trước : số lần, thời gian đốt trước, biện pháp pháp luỗng, gom dọn vật liệu cháy; vị trí và kích thước đường ranh ngăn lửa cháy lan ...

C) Nhu cầu về người, dụng cụ, phương tiện.

D) Dự kiến nhu cầu kinh phí.

3. Đối với các loại rừng trồng, rừng non tái sinh có đầu tư chăm sóc, nuôi dưỡng, thì công việc đốt trước để phòng cháy rừng phải được thiết kế và đưa vào dự toán đồng thời với việc chăm sóc và nuôi dưỡng rừng. Hồ sơ thiết kế, dự toán này do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp và trình duyệt theo trình tự thủ tục quy định.

Những đối tượng rừng thông không có đầu tư chăm sóc, nuôi dưỡng thì mới thiết kế riêng việc đốt trước và đưa vào kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng của năm đó. Hồ sơ thiết kế, dự toán trong trường hợp này do Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổng hợp trình duyệt theo trình tự, thủ tục quy định.

ĐIÊU 8 : Phân chia lô và trạng thái rừng đốt trước :

Khu rừng đưa vào đốt trước phải được thiết kế thành từng lô, mỗi lô có diện tích trung bình khoảng 10ha. Nếu trong lô có nhiều kiểu trạng thái rừng thì phải chia thành phân lô để xác định biện pháp xử lý thích hợp.

Tuỳ theo yêu cầu về kỹ thuật và biện pháp tác động, đối tượng rừng thông đưa vào đốt trước được chia thành các loại cụ thể sau :

1. Rừng non trong giai đoạn chăm sóc.

2. Rừng non trong giai đoạn nuôi dưỡng có chiều cao dưới 8 mét chưa qua tu bổ

3. Rừng non trong giai đoạn nuôi dưỡng có chiều cao dưới 8 mét đã qua tu bổ.

4. Rừng non trong giai đoạn nuôi dưỡng có chiều cao từ 8 mét trở lên chưa qua tu bổ.

5. Rừng non trong giai đoạn nuôi dưỡng có chiều cao từ 8 mét trở lên đã qua tu bổ.

6. Rừng lớn.

Xung quanh lô, phân lô phải có đường ranh cản lửa cháy lan, ở nơi không có đường ranh cản lửa tự nhiên sẵn có thì phải làm đường ranh bằng biện pháp thủ công. Tuỳ đặc điểm địa hình, thực bì và trạng thái rừng, làm đường ranh có bề rộng từ 1 cho đến 3 mét.

ĐIỀU 9 : Tổ chức lực lượng đốt trước :

Mỗi tổ đốt trước phải có ít nhất 5 người, có một tổ trưởng là cán bộ kỹ thuật đã nắm vững các quy định này và đã có kinh nghiệm trong việc đốt trước.

Tổ trưởng là người trực tiếp chỉ huy việc đốt trước, tiến hành đốt thử nghiệm và chịu trách nhiệm về kết quả đốt trước ở hiện trường. Mỗi tổ phải được trang bị tối thiểu các dụng cụ sau đây : dao phát, cuốc, cào, bình bơm nước đeo vai, bật lửa, đuốc châm lửa.

ĐIỀU 10 : Đốt thử nghiệm :

Trước khi quyết định đốt trước, tổ trưởng phải khoanh một khu vực khoảng 50 m2 để đốt thử nghiệm. Nếu kết quả đốt thử nghiệm đạt yêu cầu an toàn như tiêu chí quy định ở Điều 6 trên đây, thì cho phép tiến hành đốt trước. Nếu kết quả đốt thử nghiệm không đạt yêu cầu thì phải chờ lúc thời tiết thích hợp tiến hành đốt lại, hoặc điều chỉnh kế hoạch, biện pháp đốt trước cho phù hợp.

ĐIỀU 11 : Kỹ thuật đốt trước đối với rừng thông non trong giai đoạn chăm sóc :

Phát, dọn sạch vật liệu cháy tinh gom ra băng chừa hay ô trống trong lô để đốt.

Cách đốt : sau khi vật liệu cháy được gom đống thì tiến hành đốt ngay, vật liệu cháy khô đến đâu đốt đến đó, không đợi khô hoàn toàn rồi mới đốt (chia làm nhiều lần đốt). Châm lửa đốt từ đỉnh đống gom xuống hoặc đốt ngược chiều gió.

Có thể kết hợp biện pháp vùi cây con (cây dưới hai tuổi) hoặc che, đậy cây con khi đốt dọn vật liệu cháy trên rừng trồng nhằm tăng cường sự an toàn cho cây trồng khi tiến hành đốt trước.

ĐIỀU 12 : Kỹ thuật đốt trước đối với rừng thông non trong giai đoạn nuôi dưỡng có chiều cao dưới 8 mét chưa qua tu bổ :

Tiến hành luống cành khô ở tầng thấp (luỗng sát gốc cành), đồng thời phát dọn thực bì quanh gốc cây, gom dọn toàn bộ vật liệu cháy (qua luỗng cành và phát dọn) mang ra băng chừa hoặc ô trống trong lô để đốt.

Cách đốt thực hiện như quy định tại Điều 11 trên đây

ĐIỀU 13 : Kỹ thuật đốt trước đối với rừng thông non trong giai đoạn nuôi dưỡng có chiều cao dưới 8 mét đã qua tu bổ :

Cành, nhánh và thực bì đã luỗng, phát trong quá trình tu bổ được gom dọn ra băng chừa hoặc ô trống trong lô để đốt.

Cách đốt thực hiện như quy định tại Điều 11 trên đây

ĐIỀU 14 : Kỹ thuật đốt trước đối với rừng thông non trong giai đoạn nuôi dưỡng có chiều cao từ 8 mét trở lên chưa qua tu bổ :

Tiến hành luỗng cành nhánh khô (luỗng sát gốc cành), ngoài ra nếu chiều cao thảm cỏ trên 1 mét thì phải phát hạ thấp độ cao thảm cỏ trước khi đốt.

Cách đốt, chia lô rừng thành từng ô nhỏ, diện tích mỗi ô dưới 2 ha. Khi thảm cỏ vừa đủ bén lửa thì tiến hành đốt ngay, không đợi thảm cỏ khô hoàn toàn mới đốt. Đốt ngược chiều gió, khởi đầu đốt ở những lô cuối gió, đốt xong ô này mới đến ô kế tiếp, cứ lần lượt như thế cho đến hết.

ở nơi địa hình dốc và tác động của gió ít ảnh hưởng đến độ lan tràn của lửa, thì phải đốt từ trên dốc xuống, hoặc đốt theo chiều ngang, không được đốt dưới dốc lên.

ĐIỀU 15 : Kỹ thuật đốt trước đối với rừng thông non trong giai đoạn nuôi dưỡng có chiều cao từ 8 mét trở lên đã qua tu bổ :

Trước khi đốt phải kiểm tra kết quả phát dọn của quá trình tu bổ, nếu có tồn tại thảm cỏ cao trên 1 mét thì phải phát hạ thấp độ cao thảm cỏ dưới 1 mét.

Cách đốt thực hiện như quy định tại Điều 14 trên đây.

ĐIỀU 16 : Kỹ thuật đốt trước đối với rừng thông lớn (từ độ tuổi trung niên trở lên) :

Việc đốt trước đối với rừng thông lớn phải được xem xét, cân nhắc kỹ, trên cơ sở đảm bảo những yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan và cây con tái sinh như quy định tại Điều 5 trên đây.

Cách đốt thực hiện như quy định tại điều 14 trên đây.

ĐIỀU 17 : Xử lý các vấn đề phát sinh khi tiến hành đốt trước :

Trong quá trình đốt trước, tổ trưởng phải thường xuyên theo dõi diễn biến kết quả đốt trước. Nếu kết quả đốt trước không đảm bảo yêu cầu an toàn quy định ở Điều 6 trên đây, như đang đốt có gió to thổi bùng ngọn lửa hoặc vật liệu cháy trở nên khô nẻ, có nguy cơ bộc phát thành đám cháy rừng, thì phải ngưng việc đốt dọn và huy động lực lượng dập tắt ngay.

Tất các các tàn lửa trên hiện trường đốt trước phải được dập tắt hoàn toàn trước khi tổ lao động ra về, nhằm ngăn ngừa tình trạng cháy lan sang các hiện trường khác hoặc chuyển thành đám cháy rừng.

Điều 18 : Nghiệm thu đánh giá kết quả đốt trước :

Việc nghiệm thu, đánh giá kết quả đốt trước phải đưa trên hồ sơ thiết kế được duyệt và tiêu chí về an toàn phòng cháy rừng qua đốt trước như quy định ở điều 6 trên đây.

Đơn vị chủ rừng có trách nhiệm phối hợp với Hạt kiểm lâm sở tại tiến hành nghiệm thu bước một để kiểm tra, đánh giá kết quả sau khi hoàn thành công việc đốt trước từ 10 đến 20 ngày. Kết quả được ghi thành biên bản, làm cơ sở cho việc xử lý các vấn đề phát sinh và nghiệm thu quyết toán công trình sau này.

ĐIỀU 19 : Điều khoản thi hành :

Giao trách nhiệm Chi cục Kiểm lâm phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài chính Vật giá và các ngành, đơn vị có liên quan xây dựng định mức công và chi phí đầu tư cho việc đốt trước có điều khiển theo bản quy định này cho từng trường hợp cụ thể.

Các tổ chức, đơn vị cá nhân được giao quản lý, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát việc phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc bản quy định này. Đơn vị, cá nhân nào do thiếu tinh thần trách nhiệm, không chấp hành tốt các quy định về đốt trước trong phòng cháy rừng, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt bản quy định này, có thành tích trong phòng cháy rừng, được xét khen thưởng theo quy định.

Bản quy định này có hiệu lực thi hành kể từ mùa khô năm 1997 - 1998 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo bằng văn bản gửi UBND tỉnh và các ngành chức năng xem xét giải quyết hoặc bổ sung điều chỉnh cho phù hợp.

Bản quy định này có thể được vận dụng có chọn lọc cho các đối tượng rừng lá rộng trồng hay tự nhiên trên địa bàn tỉnh có điều kiện tương ứng và xét thấy phù hợp. Việc vận dụng bản quy định này cho rừng lá rộng phải được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1572/QĐ-UB năm 1997 về bản quy định về kỹ thuật đốt trước có điều khiển trong phòng cháy rừng thông ở Lâm Đồng

  • Số hiệu: 1572/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/10/1997
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Đặng Đức Lợi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/10/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 20/09/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản