Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1560/QĐ-UBND

Sóc Trăng, ngày 10 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TỈNH SÓC TRĂNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông;

Căn cứ Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông sử dụng ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng;

Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 20/5/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng thông qua Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng (Tờ trình số 94/TTr-SNN ngày 02/6/2022).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030, cụ thể như sau:

1. Tên Đề án: Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

2. Phạm vi thực hiện: 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

3. Đối tượng

a) Đối tượng sản xuất

- Cây trồng: Lúa; cây ăn trái (Nhãn xuồng, Thanh nhãn, Bưởi da xanh, Xoài cát chu, Mãng cầu gai, Sầu riêng Ri6, Dừa dứa, Ổi Rubi, Vú sữa tím, Chanh không hạt); rau màu (hành tím, tỏi, rau các loại).

- Vật nuôi: Bò giống thịt, dê giống thịt.

- Thủy sản: Tôm càng xanh, tôm sú, cá đồng.

b) Đối tượng thực hiện: Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân,... sản xuất hữu cơ.

4. Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2025.

5. Mục tiêu

5.1. Mục tiêu chung

- Liên kết 4 nhà trong phát triển nông nghiệp hữu cơ trên một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

- Sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, khu vực và trên thế giới.

5.2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- 100% đối tượng thực hiện Đề án am hiểu về tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, có khả năng tự sản xuất hữu cơ khi kết thúc Đề án.

- Xây dựng 32 điểm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ có chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ trong nước hoặc quốc tế.

- Diện tích đất sản xuất hữu cơ đạt khoảng trên 210 ha (bao gồm, đất trồng có phục vụ chăn nuôi bò và dê); trong đó, diện tích đất được chứng nhận hữu cơ đạt 180 ha.

- Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,2 - 1,4 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

- 100% sản phẩm được chứng nhận hữu cơ được quảng bá, bao tiêu.

b) Định hướng đến năm 2030

- Sản xuất hữu cơ có chứng nhận phát triển nhân rộng về diện tích và được áp dụng trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác.

- Diện tích đất sản xuất hữu cơ đạt trên 400 ha; trong đó, diện tích sản xuất hữu cơ được chứng nhận hữu cơ khoảng 370 ha.

- Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt hữu cơ có chứng nhận cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

- 100% sản phẩm sản xuất hữu cơ được quảng bá, bao tiêu.

6. Giải pháp thực hiện

- Về việc triển khai tuyên truyền và điều phối Đề án.

- Về nâng cao năng lực cho các tác nhân tham gia mô hình.

- Hỗ trợ các hoạt động tư vấn để xây dựng mô hình và đánh giá chứng nhận.

- Xây dựng các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận.

- Quảng bá và kết nối tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ.

7. Tổng dự toán kinh phí là 67.665.620.000 đồng (Sáu mươi bảy tỷ, sáu trăm sáu mươi lăm triệu, sáu trăm hai mươi nghìn đồng); trong đó:

- Ngân sách nhà nước: 22.854.320.000 đồng.

- Nông dân/Doanh nghiệp đối ứng: 44.811.300.000 đồng.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ theo khả năng cân đối của ngân sách địa phương trong phạm vi định mức chi thường xuyên, theo phân cấp ngân sách, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan. Việc sử dụng ngân sách để thực hiện Đề án không được trùng lặp về nội dung, đối tượng hưởng lợi đối với việc thực hiện Quyết định này và ngược lại.

8. Tổ chức thực hiện

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thành lập Ban Quản lý để tổ chức thực hiện, giám sát và điều hành việc triển khai Đề án.

- Hàng năm, xây dựng Kế hoạch và lập dự toán kinh phí, thông qua Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; đồng thời, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả và tiến độ triển khai Đề án.

- Chủ trì, phối hợp các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển mô hình sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận hữu cơ. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn và vận động các nhóm nông dân, doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và các cam kết khi tham gia mô hình.

- Phân công các đơn vị trực thuộc phụ trách tổ chức, thực hiện nhóm mô hình phù hợp với chuyên môn, chức năng, nhiệm vụ và từng nhiệm vụ kỹ thuật cụ thể trong Đề án.

- Mời gọi sự tham gia hợp tác, hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức trong, ngoài nước cho Đề án (Mekong Organic, Oxfam, VnSAT,...).

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên các dự án xây dựng nhà máy chế biến nông sản, sản xuất phân bón hữu cơ; đồng thời, tham mưu lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực thành vùng sản xuất hàng hóa lớn.

c) Sở Tài chính phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp khác được giao hàng năm để triển khai thực hiện Đề án tùy theo khả năng cân đối ngân sách địa phương theo quy định.

d) Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, xác định vùng, khu vực để mở rộng canh tác hữu cơ phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

đ) Sở Công Thương

- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm hữu cơ địa phương, thông qua các cuộc hội thảo, triển lãm, xúc tiến đầu tư,... sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm hữu cơ.

- Giới thiệu các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản với hợp tác xã, nhóm nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

e) Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có nhiệm vụ phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ.

g) Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Báo Sóc Trăng; Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng

- Tăng cường công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức người dân về nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ có chứng nhận, phân biệt sản phẩm hữu cơ, khuyến khích nông dân sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật hữu cơ vi sinh thay cho sản phẩm hóa học, góp phần bảo vệ môi trường.

- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân nắm rõ chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ.

- Phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, thông tin, quảng bá các sản phẩm từ Đề án lên các phương tiện truyền thông đại chúng.

h) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các nội dung của Đề án trong phạm vi quản lý của địa phương.

- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, nhận thức về sản xuất sản phẩm hữu cơ.

- Tham gia khảo sát, lựa chọn địa điểm và nhóm nông dân tham gia mô hình của Đề án; cử cán bộ cùng tham gia quản lý mô hình.

- Dựa trên kết quả các mô hình, sử dụng nguồn vốn địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của địa phương với sự hỗ trợ tập huấn từ hoạt động của Đề án.

- Vận động, khuyến khích nông dân sử dụng các sản phẩm đầu vào nguồn gốc hữu cơ, sinh học, áp dụng vào sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của địa phương.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Báo ST, Đài PT&TH ST;
- Lưu: VT, KT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Quốc Nam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1560/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 1560/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/06/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Vương Quốc Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản