Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1554/QĐ-UBND | Bình Thuận, ngày 03 tháng 6 năm 2016 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”;
Thực hiện kết luận số 34-KL/TU ngày 11 tháng 4 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự án Quy hoạch vùng trồng thanh long tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 73/TTr-SNN ngày 20 tháng 5 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch vùng trồng thanh long tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến 2025 với những nội dung chủ yếu sau:
- Thanh long là một loại cây trồng lợi thế của tỉnh, có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh nói chung, trong đời sống nông dân nói riêng. Do đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để cây thanh long phát triển bền vững, dựa trên cơ sở quy hoạch, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; phải cộng đồng trách nhiệm, liên kết, hợp tác trong xu thế hội nhập để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả thanh long.
- Phát triển ngành hàng thanh long phải đạt hiệu quả cao và bền vững, quy mô và địa bàn bố trí trồng thanh long phải phù hợp yêu cầu của thị trường, đặc điểm sinh lý, sinh thái và truyền thống canh tác của cây thanh long.
- Phải giữ vững và phát huy lợi thế sản phẩm thanh long Bình Thuận trên cơ sở tập trung nâng cao chất lượng, giải quyết triệt để dịch bệnh; đẩy mạnh liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, đặc biệt gắn chặt với thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường để đảm bảo thanh long phát triển ổn định.
- Tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng trồng thanh long tập trung có hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất thanh long an toàn, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tạo liên kết đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả cao giữa sản xuất, thu mua, sơ chế biến và tiêu thụ thanh long.
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nhằm đa dạng các sản phẩm từ trái thanh long, nâng cao hiệu quả sản xuất thanh long, góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi, hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng bị ép cấp, ép giá khi thanh long có sản lượng lớn.
1. Mục tiêu chung
Phát triển ngành hàng thanh long theo hướng tập trung, an toàn và bền vững, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về chất lượng hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ trồng thanh long, tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cơ cấu kinh tế.
Không đưa vào quy hoạch phát triển trồng thanh long trên đất lúa đã được Chính phủ phê duyệt; trên loại đất không thích hợp trồng thanh long hoặc ở xa không tập trung, điều kiện cơ sở hạ tầng, điện, nước không đáp ứng được.
2. Mục tiêu cụ thể
- Quy mô diện tích trồng thanh long đến năm 2020 đạt 28.000 ha, năng suất đạt 28 tấn/ha, sản lượng đạt 750 ngàn tấn; đến năm 2025 sẽ mở rộng lên 30.000 ha, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha, sản lượng đạt trên 843 ngàn tấn.
- Trồng thanh long đúng quy trình kỹ thuật, nâng tỉ lệ diện tích trồng thanh long an toàn (VietGAP, GlobalGAP) năm 2020 đạt trên 50% và đến năm 2025 đạt trên 70%.
- Nâng giá trị xuất khẩu thanh long trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đến năm 2020 các doanh nghiệp thanh long của tỉnh xuất khẩu chính ngạch đạt 20 - 25 triệu USD và định hướng đến năm 2025 đạt 50 - 60 triệu USD.
- Phấn đấu đến năm 2020, nâng giá trị sản xuất của ngành hàng thanh long chiếm 35% - 36% giá trị sản xuất ngành trồng trọt, giá trị tăng thêm chiếm 28% - 30% GRDP ngành nông nghiệp, đóng góp từ 7% - 8% trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh.
1. Quy mô diện tích
Quy hoạch diện tích trồng thanh long của Bình Thuận đến năm 2020 là 28.000 ha, tăng 1.585 ha so với năm 2015; trong đó thành phố Phan Thiết 400 ha, thị xã La Gi 1.200 ha, huyện Tuy Phong 300 ha, huyện Bắc Bình 2.600 ha, huyện Hàm Thuận Bắc 9.500 ha, huyện Hàm Thuận Nam 13.000 ha, và huyện Hàm Tân 1.000 ha.
Định hướng đến năm 2025 là 30.000 ha, tăng 3.585 ha so với năm 2015, trong đó: TP Phan Thiết 400 ha, thị xã La Gi 1.200 ha, huyện Tuy Phong 300 ha, huyện Bắc Bình 3.100 ha, huyện Hàm Thuận Bắc 9.500 ha, huyện Hàm Thuận Nam 14.500 ha và huyện Hàm Tân 1.000 ha.
Sản lượng năm 2020 đạt 750.560 tấn và đến năm 2025 đạt 843.000 tấn.
Đơn vị hành chính | Hiện trạng đến 31/12/2015 | Quy hoạch đến năm 2020 | Quy hoạch đến năm 2025 | ||
Diện tích (ha) | Sản lượng (tấn) | Diện tích (ha) | Sản lượng (tấn) | ||
TP Phan Thiết | 408 | 400 | 10.800 | 400 | 11.400 |
Thị xã La Gi | 1.182 | 1.200 | 30.800 | 1.200 | 33.000 |
Tuy Phong | 155 | 300 | 7.560 | 300 | 8.100 |
Bắc Bình | 2.500 | 2.600 | 70.000 | 3.100 | 84.000 |
Hàm Thuận Bắc | 8.970 | 9.500 | 254.800 | 9.500 | 273.000 |
Hàm Thuận Nam | 12.189 | 13.000 | 350.840 | 14.500 | 405.000 |
Hàm Tân | 888 | 1.000 | 25.760 | 1.000 | 28.500 |
Tánh Linh | 123 |
|
|
|
|
Cộng | 26.415 | 28.000 | 750.560 | 30.000 | 843.000 |
Diện tích thanh long mở rộng thêm 3.969 ha đến năm 2025 được chuyển đổi từ đất cây hàng năm và đất trồng cây đất cây lâu năm sản xuất kém hiệu quả. Định hướng quy hoạch quy mô diện tích thanh long giai đoạn 2015 - 2025 đáp ứng các yêu cầu sau:
- Đảm bảo phát triển bền vững. Ổn định và phát triển diện tích thanh long ở mức độ vừa phải, trong đó chú trọng tăng cường nâng cao chất lượng, giữ vững uy tín và nâng cao giá trị gia tăng của thanh long Bình Thuận. Diện tích thanh long của tỉnh bị nhiễm bệnh đốm nâu, chưa có thuốc đặc trị, ảnh hưởng rất lớn chất lượng trái thanh long. Do đó, trong thời gian từ nay đến năm 2020 chủ yếu ổn định diện tích, tập trung cải tạo, chữa bệnh để nâng cao chất lượng vườn cây sau đó mới tiếp tục mở rộng diện tích sau năm 2020.
- Không phát triển diện tích thanh long trên đất lúa, đặc biệt là đất chuyên lúa.
- Phát triển thanh long phải phù hợp với phát triển hạ tầng cơ sở, nhất là hệ thống lưới điện sản xuất, không để thanh long phát triển vượt tầm kiểm soát, gây áp lực đến đầu tư hạ tầng.
2. Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng
Trên cơ sở diện tích quy hoạch thanh long cần phải tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để tổ chức sản xuất gắn với việc sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong giai đoạn 2016 - 2020 và đến năm 2025 cần gắn phát triển vùng thanh long tập trung với việc xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng các xã nông thôn mới, trong đó tập trung chú trọng các nội dung đầu tư như sau:
2.1. Hệ thống điện
Nghiên cứu các giải pháp để sớm chấm dứt tình trạng cắt giảm 50% công suất bình, tiến tới dừng hẳn việc cắt giảm công suất để tránh lãng phí suất đầu tư hạ trạm, góp phần làm giảm giá thành cho sản phẩm thanh long, nhất là chuyển sang sử dụng 100% bóng đèn compact tiết kiệm điện. Đồng thời ngành điện tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống mới theo đúng quy hoạch ngành điện đang thực hiện đến năm 2020 và có xét đến năm 2025 nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, bền vững cho sản xuất thanh long trong thời gian tới.
2.2. Thủy lợi
Tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương hiện có và có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương tại các vùng sản xuất thanh long nhằm đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất trong mùa khô. Ngoài ra, giải pháp tối ưu để cung cấp nước tưới cho thanh long là tăng cường khuyến cáo người dân sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước: tưới phun, tưới nhỏ giọt.
2.3. Hệ thống giao thông
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng đến vùng trồng thanh long tập trung và các xã xây dựng nông thôn mới.
3. Định hướng phát triển các dịch vụ và công nghiệp chế biến
3.1. Dịch vụ giống
Đa dạng hóa sản phẩm thanh long bằng việc thay các loại giống mới (thanh long ruột đỏ, tím hồng, giống kháng bệnh…).
- Quản lý chặt chẽ việc sản xuất và cung ứng giống thanh long trong tỉnh, hướng dẫn bà con về các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, được công nhận và được phép sản xuất lưu thông trên cả nước theo quy định hiện hành.
3.2. Dịch vụ sau thu hoạch
Để thanh long xâm nhập vào các thị trường khó tính, cần tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chiếu xạ và xử lý hơi nước nóng.
Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến thanh long và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các loại sản phẩm hàng hoá từ trái thanh long như: thanh long sấy khô, sấy dẻo, chế biến các loại nước ép thanh long, rượu vang thanh long, làm bánh, mứt, kẹo...) nhằm làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi.
IV. Giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch
1. Quy hoạch và quản lý đất đai
- Các huyện, thị xã tổ chức công bố công khai quy hoạch thanh long đến tận người dân để biết và thực hiện theo đúng quy hoạch.
- Nội dung quy hoạch cây thanh long phải gắn với quy hoạch và thực hiện xây dựng nông thôn mới của xã.
- Việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa, trồng cây ngắn ngày sang trồng thanh long phải thực hiện theo Luật Đất đai và các quy định pháp luật hiện hành khác.
- Quản lý chặt chẽ diện tích, địa bàn phát triển thanh long theo quy hoạch. Xử lý kịp thời các trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện sai quy hoạch theo pháp luật được quy định tại Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
2. Cải thiện chuỗi giá trị thanh long
- Hộ nông dân thực hiện sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường thông qua việc tham gia hợp tác xã hoặc các tổ hợp tác để liên kết sản xuất hàng hóa lớn.
- Tuyên truyền vận động doanh nghiệp liên doanh, liên kết, ký kết hợp đồng bao tiêu thanh long theo giá cả thị trường với các tổ chức của người sản xuất.
- Doanh nghiệp phải lập danh sách (cấp mã số code cho thương lái) công khai cho cơ quan quản lý thị trường kiểm tra và chịu trách nhiệm quản lý các thương lái thu gom thanh long. Đặc biệt, các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ lực lượng thương lái nước ngoài đến làm lũng đoạn thị trường thu mua.
- Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp trong vùng có năng lực tài chính, có thị trường tiêu thụ, có kinh nghiệm thị trường quốc tế đến vùng sản xuất tập trung lập doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái thanh long và kinh doanh xuất khẩu trái thanh long, thanh long chế biến nhằm tạo ra thêm năng lực tiêu thụ mới, góp phần tích cực hơn để thanh long phát triển bền vững.
3. Khoa học công nghệ, khuyến nông
- Ưu tiên hoạt động nghiên cứu khoa học đối với cây thanh long, đồng bộ từ khâu chọn tạo giống (nhất là các giống cây có năng suất, chất lượng cao, phù hợp thị hiếu trong và ngoài nước, giống kháng bệnh) đến hoàn thiện, chuyển giao vào sản xuất.
- Tiếp tục tập trung chỉ đạo sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn GAP.
- Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh hại trên cây thanh long; đặc biệt là bệnh đốm nâu trên thanh long, ruồi đục quả, rệp sáp.
- Gìn giữ, bảo vệ và khai thác chỉ dẫn địa lý thành long Bình Thuận để nâng cao uy tín cho sản phẩm thanh long.
- Thực hiện các phương thức chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân nhằm sản xuất thanh long an toàn, chất lượng cao được thị trường trong và ngoài nước chấp thuận.
4. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
- Thực hiện đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến nông chuyên về cây thanh long, các tổ trưởng tổ hợp tác, cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác, những xã viên nòng cốt có thể nhân rộng, xây dựng những đơn vị sản xuất kinh doanh thanh long mạnh.
- Cần quan tâm đào tạo an toàn thực phẩm cho lực lượng thương lái và các hộ cá thể làm công tác thua mua thanh long.
5. Về thị trường tiêu thụ
- Tiếp tục đẩy mạnh, quan tâm phục vụ thị trường nội địa. Đối với thị trường xuất khẩu tiếp tục củng cố và mở rộng theo hướng đa dạng hoá thị trường. Xác định trong vài năm tới, Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm của thanh long Bình Thuận, do vậy cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thanh long vào sâu trong nội địa Trung Quốc và đồng thời vẫn tiếp tục duy trì hình thức buôn bán biên mậu với Trung Quốc. Củng cố phát triển mở rộng tiêu thụ tại thị trường truyền thống là các nước ASEAN và khu vực mậu dịch tự do ASEAN + 6.
- Tăng cường thâm nhập, phát triển các thị trường nhiều tiềm năng, thị trường mới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, hàn Quốc, EU, Ấn Độ, Myanma… và các thị trường Trung Đông, Bắc Phi vì đây là thị trường có khí hậu nóng khá thích hợp để quảng bá tiêu dùng thanh long.
- Nghiên cứu các lợi thế, thị hiếu của trái thanh long trong các thị trường lớn khi Việt Nam tham gia vào hiệp định TPP (Hoa Kỳ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore).
6. Tổ chức sản xuất
- Tiếp tục củng cố và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thanh long an toàn và xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân. Triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
- Phát hiện và có biện pháp xử lý ngay các trường hợp vi phạm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
- Tăng cường công tác kiểm tra việc kinh doanh thuốc và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
- Đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản theo Thông tư số 14/2011-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, qua đó giúp các cơ sở khắc phục nhanh các lỗi, đồng thời có các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long.
- Triển khai các giải pháp về phát triển chỉ dẫn địa lý dùng cho sản phẩm trái thanh long Bình Thuận.
- Tổ chức sắp xếp lực lượng thu mua thanh long trên địa bàn toàn tỉnh nhằm ổn định trật tự trong thu mua thanh long.
- Tăng cường thực hiện tốt các giải pháp quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh.
7. Vốn đầu tư
Ước tính tổng số vốn đầu tư: 1.480 tỷ đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách: 15,5 tỷ đồng, chiếm 1,05%, gồm vốn nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu giống mới: 2 tỷ đồng, khuyến nông, khuyến công 0,5 tỷ đồng, đào tạo cán bộ hợp tác xã 0,5 tỷ đồng, vốn hỗ trợ đổi mới trang thiết bị 2,5 tỷ đồng, vốn xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại 10 tỷ đồng.
- Vốn ngoài ngân sách: 1.465 tỷ đồng, chiếm 98,95% gồm: vốn vay của nông hộ cho đầu tư phát triển thanh long, vốn đầu tư của doanh nghiệp xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm từ quả thanh long.
8. Chính sách hỗ trợ
Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Thông tư số 84/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ;
Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và Thông tư 03/2011/TT- NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg .
Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương công bố rộng kết quả phương án "Quy hoạch vùng trồng thanh long” sau khi được phê duyệt.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch, giám sát chặt chẽ việc phát triển diện tích thanh long theo đúng quy hoạch.
- Nâng cấp hạ tầng thủy lợi và giao thông nông thôn vùng sản xuất thanh long lồng ghép chương trình phát triển nông thôn mới.
- Chỉ đạo và tổ chức giám sát sản xuất thanh long an toàn và chứng nhận VietGAP, GlobalGAP theo yêu cầu thị trường xuất khẩu trên diện tích còn lại, phấn đấu đến năm 2020 đạt 50% diện tích trồng thanh long được chứng nhận VietGAP.
- Dự báo phát hiện tình hình sâu bệnh hại và hướng dẫn cách phòng ngừa nhất là bệnh đốm nâu; xử lý đạt hiệu quả, an toàn, đảm bảo chất lượng trái thanh long.
- Chỉ đạo nghiên cứu phục tráng giống hoặc nhập thanh long giống mới để chuyển đổi dần những vùng có nguy cơ thoái hóa giống và dịch bệnh do sức chống chịu bệnh yếu. Nghiên cứu mua bản quyền tác giả một số giống thanh long ruột đỏ, ruột tím hồng... năng suất cao để độc quyền sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
- Chỉ đạo nghiên cứu cải tiến và nhân rộng quy trình sản xuất thanh long theo hướng năng suất cao, tiết giảm được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện chong đèn để nâng cao sức cạnh tranh giá cả của thanh long Bình Thuận trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
- Hướng dẫn sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho sản phẩm thanh long.
- Tổ chức tuyên truyền, hội thảo chuyên đề các bên có liên quan để tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh trong khâu tổ chức sản xuất thanh long.
- Phối hợp liên ngành kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc đủ điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu thanh long rõ ràng phải đảm bảo thuộc vùng sản xuất thanh long an toàn đủ điều kiện theo các quy định về điều kiện an toàn đối với sản xuất, sơ chế thanh long chè của các cơ sở thu mua, sản xuất kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, định hướng dần cơ sở khi thu mua phải có hợp đồng có nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng đối với những vùng sản xuất nguyên liệu thanh long an toàn.
- Thông tin đến các doanh nghiệp thu mua đóng gói xuất khẩu thanh long triển khai đăng ký, thực hiện xây dựng cơ sở sơ chế, đóng gói rau quả an toàn theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu trong và ngoài nước về đầu tư sản xuất kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ưu tiên đối với các doanh nghiệp có công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng như nước ép quả, mứt, thạch, rượu vang thanh long,…. Đồng thời, phối hợp triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
3. Sở Công thương
- Chỉ đạo, đôn đốc ngành điện xem xét việc triển khai đầu tư phát triển mạng lưới điện, nâng cấp hệ thống điện (đường dây, trạm hạ thế) phục vụ nhu cầu sản xuất thanh long trái vụ. Đánh giá và hoàn thiện quy hoạch điện đáp ứng chong đèn sản xuất thanh long trái vụ.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, triển khai các giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu. Nắm vững thông tin thị trường tiểu ngạch Trung Quốc, hàng tháng thông qua hải quan cửa khẩu/Cục xúc tiến thương mại để đưa ra các dự báo kịp thời cho thị trường thanh long trong tỉnh.
- Phối hợp liên ngành kiểm tra, quản lý các doanh nghiệp thu mua, thương lái chấp hành đúng quy định về đăng ký kinh doanh, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa. Quản lý chặt chẽ lực lượng thu mua, đặc biệt là các thương lái nước ngoài.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các ứng dụng công nghệ mới, các hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thanh long
Phối hợp, hướng dẫn đăng ký và sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho sản phẩm thanh long.
Tiếp nhận, đăng tải cung cấp thông tin về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); chọn lọc, chuyển ngữ những thông báo TBT liên quan đến sản phẩm, thị trường xuất khẩu thanh long để đăng lên Bản tin TBT và gửi trực tiếp đến cơ quan, doanh nghiệp xuất khẩu,... nhằm giúp doanh nghiệp triển khai kế hoạch ứng phó.
5. Sở Tài nguyên và môi trường
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng thanh long, đặc biệt là diện tích thanh long trên đất lúa. Cập nhật, bổ sung diện tích trồng thanh long vào Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh cho phù hợp, đúng quy định của pháp luật về đất đai.
6. Sở Y tế
Hướng dẫn các cơ sở sản xuất sơ chế thanh long Bình Thuận tiêu thụ nội địa hoàn tất các thủ tục về tiếp nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chế biến giá trị gia tăng từ thanh long. Phối hợp tuyên truyền về dinh dưỡng của quả thanh long đối với sức khỏe con người.
7. Cục Thuế tỉnh
- Giám sát thực hiện các chính sách thuế ưu đãi cho lĩnh vực sản xuất chế biến thanh long.
- Xây dựng và thực hiện tốt các giải pháp quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm mọi trường hợp ẩn lậu thuế, trốn thuế, vi phạm pháp luật về thuế để chống thất thu thuế trong kinh doanh thanh long.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Công bố quy hoạch thanh long để toàn dân biết, thực hiện.
- Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật các trường hợp vi phạm trong sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
- Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn làm tốt một số nội dung sau:
+ Xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, hỗ trợ các tiến bộ kỹ thuật xây dựng vườn thanh long theo quy trình sản xuất thanh long an toàn (VietGAP, GlobalGAP).
+ Vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thanh long, phát triển sản xuất thanh long an toàn theo hướng GAP, không lạm dụng chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật trên trái thanh long.
+ Giúp đỡ, hỗ trợ để củng cố và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn để tiêu thụ thanh long cho người dân.
9. Hiệp hội Thanh long Bình Thuận
- Vận động và giám sát các thành viên hiệp hội sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, quy chế hoạt động của Hiệp hội.
- Tổng hợp và kiến nghị những khó khăn vướng mắc của các thành viên hội gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh thanh long để cơ quan quản lý chuyên ngành giải quyết.
- Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các thành viên hội thông qua xây dựng tập san hội có danh sách điện thoại hội viên để gửi đến các đối tác khi liên hệ hợp tác, tổ chức cho các hội viên tham gia các Hội chợ quảng bá sản phẩm thanh long. Hoàn thiện trang Website có cập nhật thông tin thị trường hàng tháng, có thư mục cho đăng tin người nhu cầu mua và người nhu cầu bán thanh long và hình ảnh sản phẩm để chủ động khớp nối với nhau trong phạm vi trong nước và quốc tế.
- Nâng cấp nguồn lực tổ chức quản lý Hiệp hội và xúc tiến thương mại để định hướng trở thành trung tâm chuỗi từ năm 2020 trở đi, sau khi chuỗi giá trị hiện đại vận hành thông suốt tại các xã, huyện.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 14/2011/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 2Quyết định 2837/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án nghiên cứu phát triển thị trường thanh long Bình Thuận
- 3Quyết định 76/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý Bình Thuận dùng cho quả thanh long do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 4Quyết định 645/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện tái cấp chứng nhận và chứng nhận mới diện tích 9.700 ha sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2017 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 1Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 2Quyết định 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 03/2011/TT-NHNN hướng dẫn Quyết định 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 4Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Thông tư 84/2011/TT-BTC hướng dẫn chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 61/2010/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành
- 6Quyết định 14/2011/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 7Quyết định 65/2011/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 01/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 124/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 62/2013/QĐ-TTg chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 2837/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án nghiên cứu phát triển thị trường thanh long Bình Thuận
- 13Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 14Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
- 15Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
- 16Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
- 17Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 18Quyết định 76/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý Bình Thuận dùng cho quả thanh long do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 19Quyết định 645/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện tái cấp chứng nhận và chứng nhận mới diện tích 9.700 ha sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2017 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Quyết định 1554/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch vùng trồng thanh long tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến 2025
- Số hiệu: 1554/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/06/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
- Người ký: Nguyễn Ngọc Hai
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/06/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra