ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1539/QĐ-UBND | Tuy Hòa, ngày 12 tháng 10 năm 2010 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 53/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công Thương phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 68/TTr-SCT ngày 27 tháng 9 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình “Phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao tỉnh Phú Yên đến năm 2020”.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1539/QĐ-UBND ngày 12 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên)
Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành Chương trình “Phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao tỉnh Phú Yên đến năm 2020” với các nội dung như sau:
a) Phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường dựa trên việc ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở trong và ngoài nước.
b) Phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao phải phù hợp với Luật Công nghệ cao; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao đến năm 2020 của cả nước; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên; Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên; Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Phú Yên và các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn của tỉnh Phú Yên đã được ban hành.
c) Có lộ trình phát triển thích hợp, bắt đầu từ việc tiếp thu, làm chủ, thích nghi với các công nghệ ngoại nhập, tiến tới áp dụng các công nghệ cao được tạo ra ở trong nước, phù hợp với khả năng của nền kinh tế địa phương.
d) Phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao phải gắn chặt với việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
e) Áp dụng công nghệ cao vào các ngành công nghiệp phải đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
a) Mục tiêu chung:
Tập trung đầu tư áp dụng công nghệ cao vào một số ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn có vai trò nền tảng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác; các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, sử dụng nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao; các ngành công nghiệp đi vào các mũi nhọn của tiến bộ khoa học công nghệ thế giới và có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai.
b) Mục tiêu cụ thể:
Chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng các ngành áp dụng công nghệ cao phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh; tập trung đầu tư áp dụng công nghệ cao vào một số ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn đã được tỉnh xác định như:
- Ngành chế biến thực phẩm, nông lâm sản;
- Ngành năng lượng;
- Ngành hóa chất;
- Ngành cơ khí;
- Ngành điện tử - tin học;
- Ngành khai thác và chế biến khoáng sản;
Tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng áp dụng công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao chiếm tỉ trọng 42% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh;
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao đáp ứng nhu cầu cho các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao theo từng giai đoạn phát triển.
3. Định hướng phát triển một số ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao
a) Ngành chế biến thực phẩm, nông lâm sản:
- Công nghiệp sản xuất đường: Sử dụng công nghệ thu hồi đường từ nguyên liệu mía cây sử dụng dung môi nhiệt khuyếch tán, công nghệ SAT, công nghệ Cti, công nghệ tẩy màu bằng phương pháp ion.
- Công nghiệp sản xuất tinh bột sắn: Áp dụng dây chuyền công nghệ chế biến tinh bột sắn hiện đại để thu hồi triệt để lượng tinh bột, công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất.
- Chế biến thủy hải sản: Quá trình sơ chế và chế biến, bảo quản sản phẩm áp dụng công nghệ đông lạnh, công nghệ chế biến đồ hộp, công nghệ cấp đông, công nghệ sấy, công nghệ bảo quản bằng phóng xạ, bằng sóng siêu âm, chú trọng việc ứng dụng các thành tựu khoa học trong chế biến và bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương.
- Sản xuất đồ uống: Áp dụng công nghệ sử dụng men khô trong quá trình lên men, công nghệ lên men bia ngắn ngày; công nghệ bảo quản bia nồng độ cao, công nghệ tiết kiệm năng lượng, làm lạnh bằng nước đá động và thu hồi hơi từ nồi nấu hoa, công nghệ lọc vô trùng; công nghệ nấu nguyên liệu trong sản xuất rượu bằng phun hơi; công nghệ chưng cất tinh luyện chân không và đa áp suất; công nghệ thanh trùng nhiệt độ cao sản xuất các loại bia, rượu, nước giải khát có chất lượng tương đương với sản phẩm ngoại nhập; sử dụng công nghệ súc rửa, chiết rót, đóng nắp chai tự động trong phòng vô trùng trong sản xuất nước uống.
- Chế biến rau quả: Sử dụng công nghệ bảo quản theo phương pháp sử dụng các chất có nguồn gốc thực vật, công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Sử dụng máy ozon ly tâm loại trừ vi khuẩn và các loại thuốc trừ sâu trong bảo quản, chế biến rau quả sạch.
b) Ngành năng lượng:
- Sản xuất điện năng:
+ Đối với nhà máy thủy điện: ứng dụng công nghệ cao để khai thác sử dụng tổng hợp nguồn nước ở các hồ chứa, xây dựng hệ thống quan trắc và quản lý hồ chứa, quản lý đập để vận hành hiệu quả và an toàn. Xây dựng các đập thủy điện trên cơ sở áp dụng một cách hợp lý các công nghệ vật liệu và thi công mới trên thế giới. Ứng dụng thiết bị thủy điện có công nghệ cao, đồng bộ, có hiệu suất và độ tin cậy cao trong xây dựng mới và thay thế các tổ máy cũ; lắp đặt các hệ thống điều khiển tự động hiện đại;
+ Đối với năng lượng tái tạo: ứng dụng công nghệ cao cho các nguồn phát điện sinh khối, năng lượng gió, biogas, xăng dầu sinh học, sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất để cấp điện cho nhà máy,… với các dạng phục vụ cho các hộ gia đình, các cụm dân cư và có công suất lớn để bổ sung năng lượng quốc gia.
- Phân phối điện năng: phát triển hệ thống phân phối điện có độ tin cậy cao; thực hiện phương thức vận hành, khai thác hiệu quả để tiến đến đạt chuẩn hóa điện n-1; có khả năng cung cấp điện linh hoạt và có khả năng tự khôi phục trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao.
c) Ngành hóa chất:
- Áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới trong các nhà máy lọc dầu và nhà máy hóa dầu;
- Áp dụng công nghệ cao vào lĩnh vực hóa dược đạt trình độ tiên tiến, hiện đại để sản xuất và cung cấp nguyên liệu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh thiết yếu phục vụ nhu cầu phòng, trị bệnh của nhân dân và tiến đến xuất khẩu;
- Áp dụng công nghệ tiên tiến vào các nhà máy sản xuất phân bón NPK, phân hữu cơ vi sinh. Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm gốc sinh học gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng các hoạt chất thế hệ mới, các dung môi ít gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với những quy định của khu vực và quốc tế;
- Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để thu hồi quặng Fluorit trong các bãi thải.
d) Ngành cơ khí:
- Tập trung củng cố lực lượng sản xuất cơ khí hiện có, khuyến khích các cơ sở đẩy nhanh đổi mới thiết bị, công nghệ, tăng thêm năng lực sản xuất cần thiết nhằm sửa chữa máy móc, thiết bị nông, lâm, ngư nghiệp, giao thông vận tải; sản xuất công cụ lao động, thiết bị phụ tùng thay thế; sửa chữa và đóng mới tàu thuyền, lắp ráp ô tô, máy móc cơ giới phục vụ nông nghiệp, giao thông vận tải;
- Nâng cao năng lực chế tạo và ứng dụng rộng rãi các phần mềm thiết kế (CAD/CAM, Pro-Engineer) thiết kế trên máy vi tính kết hợp các máy, thiết bị điều khiển theo chương trình số ở phần lớn các khâu, công đoạn chế tạo các chi tiết có độ phức tạp và chính xác cao để thay thế sản phẩm nhập khẩu và từng bước xuất khẩu. Tham gia chế tạo được các sản phẩm thay thế trong dây chuyền thiết bị sản xuất đường, sắn, dược, thiết bị sấy và bảo quản nông sản, thiết bị chế biến lương thực thực phẩm, phân bón, thiết bị trong đóng tàu, thiết bị điện,… có chất lượng cao, có khả năng thay thế hàng nhập khẩu, có giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tỉnh và ngoài tỉnh.
đ) Ngành điện tử - tin học:
- Cần đẩy nhanh thu hút đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa hình thức đầu tư và chú trọng đến công nghệ cao. Không nhất thiết phải sản xuất được những sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng mà cần thiết phải có những bộ phận sản phẩm hoặc linh kiện, chi tiết có chất lượng cao theo yêu cầu chung để tham gia vào thị trường khu vực và thế giới;
- Khuyến khích đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và lắp ráp sản phẩm điện tử gia dụng; nhà máy sản xuất máy tính cá nhân và thiết bị ngoại vi, thiết bị viễn thông, thiết bị quang điện tử, thiết bị đo lượng, điều khiển tự động,…;
- Công nghệ cao được áp dụng trong ngành công nghiệp phần cứng phải có chọn lọc, đi tắt đón đầu;
- Ưu tiên sử dụng công nghệ nguồn mở, dịch vụ thiết kế và tích hợp hệ thống ứng dụng web thế hệ mới, công nghệ điện toán đám mây, ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý;
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nội dung số.
e) Ngành khai thác và chế biến khoáng sản:
- Áp dụng công nghệ khai thác đá ốplát bằng máy cưa dây kim cương, công nghệ tự động hóa trong quá trình cưa, mài bóng sản phẩm đá ốplát.
- Áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất vật liệu xây dựng không nung, phấn đấu sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 đến 25% vào năm 2015 và đạt 30 đến 40% vào năm 2020;
- Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, hệ thống điều khiển tự động trong quá trình luyện kim (từ nguyên liệu đầu vào tới sản phẩm hoàn chỉnh) để sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn như: Fero Titan, Fero Wonfram, Fero Molipden;
- Áp dụng các công nghệ tiên tiến để thu hồi triệt để vàng trong quặng có hàm lượng thấp,… sử dụng công nghệ tự động hóa trong dây chuyền luyện, đúc vàng. Phấn đấu đưa vào hoạt động trước năm 2013 nhà máy sản xuất vàng 99,99.
4.1. Chính sách về xúc tiến thương mại:
a) Sản phẩm của doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao được hỗ trợ giới thiệu miễn phí trên website Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương và các sở có liên quan trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
b) Hỗ trợ doanh nghiệp để trưng bày, giới thiệu sản phẩm để tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.
4.2. Chính sách hỗ trợ về đầu tư thiết bị:
a) Được miễn thuế nhập khẩu máy móc, trang thiết bị phục vụ đầu tư áp dụng công nghệ cao trong các dây chuyền hiện có của doanh nghiệp.
b) Được nhà nước hỗ trợ lãi suất hoặc bảo lãnh vay vốn đầu tư vào các dự án áp dụng công nghệ cao.
c) Doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao được phép khấu hao máy móc và thiết bị nhanh hơn như một khoản chiết khấu khi xác định thuế lợi tức.
4.3. Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao:
a) Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn hoặc một phần kinh phí tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án áp dụng công nghệ cao; khuyến khích thực hiện các chương trình đào tạo, phối hợp giữa các công ty có vốn đầu tư nước ngoài với các nhà cung cấp trong nước.
b) Khuyến khích việc nghiên cứu các chương trình, đề tài ứng dụng phát triển công nghệ cao vào việc tạo sản phẩm có ưu thế về chất lượng, giá thành. Nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu các chương trình, đề tài ứng dụng được cấp bằng nguồn kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học của tỉnh.
c) Tăng cường việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp hướng tới mục tiêu áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các nguồn cung cấp công nghệ cao.
d) Được hưởng ưu đãi theo khoản 1 Điều 10 Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008.
4.4. Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp áp dụng công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn:
Ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ nêu trên còn được hưởng các chính sách theo quy định tại Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ.
4.5. Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước chuyển giao công nghệ cao:
Ủy ban nhân dân tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước chuyển giao công nghệ cao áp dụng tại địa bàn tỉnh.
5.1. Sở Công Thương:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này.
b) Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp như: giới thiệu sản phẩm miễn phí trên website của Sở Công Thương, hỗ trợ trưng bày sản phẩm tại các hội chợ triển lãm của địa phương,…
c) Theo dõi và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung, điều chỉnh các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao phù hợp với đặc thù của tỉnh.
d) Định kỳ hàng năm và 5 năm lập danh sách các doanh nghiệp công nghiệp áp dụng công nghệ cao trình Ủy ban nhân dân tỉnh để tập trung chỉ đạo thực hiện.
đ) Định kỳ tổng hợp, đánh giá và báo cáo Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện Quyết định số 53/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công Thương và Chương trình này.
5.2. Sở Khoa học và Công nghệ:
Hướng dẫn và ưu tiên bố trí vốn cho các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao.
Thường xuyên cập nhật, phổ biến thiết bị, công nghệ cao để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, lựa chọn áp dụng vào quy trình sản xuất.
Chủ động phối hợp với các sở quản lý chuyên ngành xem xét đánh giá việc áp dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp, để xác nhận thiết bị công nghệ cao trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ đầu tư và các hỗ trợ khác cho doanh nghiệp.
Hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ, thủ tục để được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của nhà nước.
Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ.
Cung cấp thông tin về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp.
5.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Xây dựng kế hoạch kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư dự án phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực trong Chương trình này.
5.4. Sở Tài chính:
Phối hợp với các ngành có liên quan đề xuất các cơ chế về vốn, chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp chuyển đổi máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.
5.5. Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và cao đẳng:
Xây dựng kế hoạch chương trình, nội dung đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu cho các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao theo từng giai đoạn phát triển của tỉnh.
Phối hợp thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo nhân lực công nghệ cao.
5.6. Các sở quản lý nhà nước chuyên ngành:
Các sở quản lý nhà nước chuyên ngành như: Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế,… có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này.
5.7. Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên:
Tiếp tục nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ các khu công nghiệp và Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Ưu tiên bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp áp dụng công nghệ cao trong Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
5.8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình “Phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao tỉnh Phú Yên đến năm 2020” trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố theo nội dung của Chương trình.
Tham gia với các sở, ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình này./.
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật Công nghệ cao 2008
- 3Quyết định 53/2008/QĐ-BCT phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 4Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 5Quyết định 1355/QĐ-UBND năm 2009 về ban hành Chương trình Áp dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020
Quyết định 1539/QĐ-UBND năm 2010 ban hành Chương trình Phát triển ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao tỉnh Phú Yên đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành
- Số hiệu: 1539/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/10/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
- Người ký: Phạm Đình Cự
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/10/2010
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực