Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1355/QĐ-UBND | Long Xuyên, ngày 29 tháng 6 năm 2009 |
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 53/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ Công Thương phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình “Áp dụng công nghệ cao trong các ngành công nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020”.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Khoa học - Công nghệ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1355/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2009 của UBND tỉnh An Giang)
UBND tỉnh An Giang ban hành Chương trình “Áp dụng công nghệ cao trong các ngành công nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020” với các nội dung như sau:
I. Hiện trạng công nghệ của các ngành công nghiệp tỉnh An Giang:
Hiện nay, trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp tỉnh An Giang nhìn chung còn nhiều hạn chế; ngoại trừ các doanh nghiệp ngành đông lạnh thủy sản và xay xát, lau bóng gạo xuất khẩu có sử dụng các thiết bị hiện đại, quy trình công nghệ tiên tiến, sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thì phần lớn các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp khác có trình độ kỹ thuật sản xuất và công nghệ nhìn chung kém phát triển, thiết bị cũ kỹ, thiếu đồng bộ.
Đồng thời các doanh nghiệp quốc doanh và các doanh nghiệp quy mô lớn có trình độ công nghệ từ mức trung bình trở lên; các doanh nghiệp ngoài quốc doanh quy mô nhỏ có trình độ công nghệ lạc hậu, quy trình sản xuất chủ yếu mang tính thủ công hoặc bán cơ giới, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.
1. Quan điểm phát triển:
a) Phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại trong nước và khu vực dựa trên việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ;
b) Phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh An Giang;
c) Có lộ trình phát triển thích hợp, bắt đầu từ việc tiếp thu, làm chủ, thích nghi với các công nghệ ngoại nhập, tiến tới áp dụng các công nghệ cao được tạo ra ở trong nước, phù hợp với khả năng của nền kinh tế địa phương;
d) Phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao phải gắn chặt với việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao;
đ) Áp dụng công nghệ cao vào các ngành công nghiệp phải đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Mục tiêu:
a) Chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng các ngành áp dụng công nghệ cao phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh; tập trung đầu tư áp dụng công nghệ cao vào một số ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn đã được tỉnh xác định như:
- Gạo, thủy sản và rau quả chế biến xuất khẩu;
- Máy gặt xếp dãy, máy gặt đập liên hợp, thiết bị sấy nông sản, cơ điện tử;
- Hóa dược, phân bón;
- Lụa, quần áo xuất khẩu;
- Giầy dép xuất khẩu.
b) Đến năm 2020, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao chiếm tỉ trọng 45% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
c) Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao đáp ứng yêu cầu sản xuất đồng thời chuẩn bị điều kiện hình thành Khu công nghệ cao giai đoạn 2020.
3. Định hướng phát triển một số ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao:
a) Chế biến lương thực và thực phẩm:
- Chế biến gạo xuất khẩu: áp dụng công nghệ chế biến gạo liên hoàn tự động hóa; công nghệ bảo quản lương thực trong hệ thống kho kín có sử dụng khí trơ; công nghệ bảo quản lương thực ở nhiệt độ thấp; sử dụng các hoạt chất có nguồn gốc thảo mộc trong quá trình bảo quản lương thực.
- Chế biến thủy hải sản, gia súc, gia cầm: áp dụng công nghệ đông lạnh, công nghệ chế biến đồ hộp, công nghệ cấp đông, công nghệ bảo quản bằng phóng xạ, bằng sóng siêu âm.
- Chế biến rau quả: bảo quản theo phương pháp sử dụng các chất có nguồn gốc thực vật, công nghệ nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Sử dụng máy ozon ly tâm loại trừ vi khuẩn và các loại thuốc trừ sâu trong bảo quản, chế biến rau quả sạch.
b) Cơ khí:
Ứng dụng rộng rãi các loại máy, thiết bị điều khiển theo chương trình số ở phần lớn các khâu, công đoạn để sản xuất máy gặt xếp dãy, máy gặt đập liên hợp, thiết bị sấy và bảo quản nông sản, máy dùng trong chế biến lương thực thực phẩm xuất khẩu, máy chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản chất lượng cao có khả năng thay thế hàng nhập khẩu, có giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tỉnh và xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh.
c) Hóa chất:
- Áp dụng công nghệ cao vào lĩnh vực sản xuất nguyên liệu từ dược liệu và dược phẩm đạt trình độ tiên tiến, hiện đại để cung cấp nguyên liệu và sản xuất các loại thuốc chữa bệnh thiết yếu phục vụ nhu cầu phòng trị bệnh của nhân dân.
- Áp dụng công nghệ cao vào các nhà máy sản xuất phân lân, phân hữu cơ sinh học. Đối với thuốc, hóa chất dùng trong sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm gốc sinh học, sử dụng các hoạt chất thế hệ mới, các dung môi ít gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với những quy định của khu vực và quốc tế.
d) Điện tử - tin học:
Áp dụng công nghệ cao trong ngành điện tử - tin học, trong việc chế tạo các thiết bị đo lường, điều khiển tự động, thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm.
đ) Năng lượng mới, năng lượng tái tạo:
Ứng dụng công nghệ cao cho nguồn phát điện sử dụng năng lượng mặt trời, sức gió, biogas phục vụ cho các hộ gia đình, cụm dân cư và các dự án đầu tư nhà máy sản xuất điện từ trấu, rác thải sinh hoạt để bổ sung cho nguồn cung cấp điện trên địa bàn tỉnh.
1. Xúc tiến thương mại:
a) Sản phẩm của doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao được hỗ trợ giới thiệu miễn phí trên website của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương và các sở có liên quan trên địa bàn tỉnh An Giang.
b) Doanh nghiệp khi tham gia hội chợ để trưng bày, giới thiệu sản phẩm được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền thuê 01 (một) gian hàng tiêu chuẩn 9 m2 trong nhà hoặc 01 (một) lô đất trống 36 m2 trong nhà hay 01 (một) lô đất trống 50 m2 ngoài trời với tổng số tiền không quá 30 (ba mươi) triệu đồng. Mỗi doanh nghiệp chỉ được hưởng hỗ trợ 01 lần trong năm từ ngân sách nhà nước của địa phương.
Ngoài ra doanh nghiệp còn được hỗ trợ theo Quyết định số 53/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao đến năm 2020.
2. Đầu tư thiết bị:
a) Được miễn thuế nhập khẩu máy móc, trang thiết bị phục vụ đầu tư áp dụng công nghệ cao trong các dây chuyền hiện có của doanh nghiệp;
b) Được nhà nước hỗ trợ lãi suất hoặc bảo lãnh vay vốn đầu tư vào các dự án áp dụng công nghệ cao;
c) Doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao được phép khấu hao máy móc và thiết bị nhanh hơn như một khoản chiết khấu khi xác định thuế lợi tức.
3. Nghiên cứu đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao:
a) Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn hoặc một phần kinh phí tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án áp dụng công nghệ cao; khuyến khích thực hiện các chương trình đào tạo, phối hợp giữa các công ty có vốn đầu tư nước ngoài với các nhà cung cấp trong nước;
b) Khuyến khích việc nghiên cứu các chương trình, đề tài ứng dụng phát triển công nghệ vào việc tạo sản phẩm có ưu thế về chất lượng giá thành bằng nguồn kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học của tỉnh;
c) Tăng cường việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp hướng tới mục tiêu áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại hoặc tìm kiếm các nguồn cung cấp công nghệ cao.
4. Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước chuyển giao công nghệ cao:
Tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước chuyển giao công nghệ cao áp dụng tại địa bàn tỉnh; đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách bán cổ phần cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển áp dụng công nghệ cao.
1. Sở Công Thương:
- Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình “Áp dụng công nghệ cao trong các ngành công nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020”.
- Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao.
2. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Thường xuyên cập nhật, phổ biến thiết bị, công nghệ cao để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, lựa chọn áp dụng vào quy trình sản xuất.
- Chủ động phối hợp với các sở quản lý chuyên ngành xem xét đánh giá việc áp dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp, để xác nhận thiết bị công nghệ cao trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ đầu tư và các hỗ trợ khác cho doanh nghiệp.
- Đề xuất UBND tỉnh dành một phần kinh phí nghiên cứu khoa học hàng năm để hỗ trợ cho việc nghiên cứu đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
- Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án áp dụng công nghệ cao.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Thực hiện đăng ký đầu tư kịp thời cho các nhà đầu tư áp dụng công nghệ cao.
- Xây dựng kế hoạch kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư dự án phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao, hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ, thủ tục để được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của nhà nước.
4. Sở Tài chính:
Phối hợp với các ngành có liên quan đề xuất các cơ chế về vốn, chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp chuyển đổi máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.
5. Các sở quản lý nhà nước chuyên ngành:
Các sở quản lý nhà nước chuyên ngành như Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương,... có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xác nhận doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, xác nhận thiết bị công nghệ cao để trình UBND tỉnh xét hỗ trợ đầu tư.
6. Ban Quản lý các khu công nghiệp:
Ưu tiên bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp áp dụng công nghệ cao trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
7. Điện lực An Giang:
Cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao.
8. UBND huyện, thị xã, thành phố:
Tổ chức triển khai thực hiện chương trình “Áp dụng công nghệ cao trong các ngành công nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020” trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố theo nội dung của chương trình./.
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 53/2008/QĐ-BCT phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 3Quyết định 1539/QĐ-UBND năm 2010 ban hành Chương trình Phát triển ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao tỉnh Phú Yên đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành
Quyết định 1355/QĐ-UBND năm 2009 về ban hành Chương trình Áp dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020
- Số hiệu: 1355/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/06/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Phạm Kim Yên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra