Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1536/QĐ-UB

Bình Phước, ngày 22 tháng 06 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ HỘI TRÊN ĐỊA TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003.

Căn cứ Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ: Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Căn cứ Thông tư số 01/2004/BNV ngày 15/01/2004 của Bộ Nội vụ: Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 88/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “bản Hướng dẫn thực hiện một số nội dung về tổ chức, hoạt động và quản lý hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những văn bản trước đây trái với nội dung bản Hướng dẫn kèm theo Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- CP, PCT
- Như điều 3
- LĐVP, CV: các khối
- Sở Nội vụ: 50 bản
- Lưu

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Tấn Hưng

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1536/QĐ-UB ngày 22/6/2004 của UBND tỉnh Bình Phước)

- Căn cứ Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ: Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

- Căn cứ Thông tư số 01/2004/TT-BNV ngày 15/01/2004 của Bộ Nội vụ: Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

UBND tỉnh hướng dẫn một số nội dung về tổ chức, hoạt động và quản lý hội trên địa bàn tỉnh như sau:

I. Về phạm vi điều chỉnh:

1/ Hội được quy định trong hướng dẫn này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2/ Hội có các tên gọi khác nhau gồm: Hội, liên hiệp hội, hội liên hiệp, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, các câu lạc bộ và hội có tên gọi khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là hội) có tư cách pháp nhân, có phạm vi hoạt động trong tỉnh, trong huyện, thị xã (dưới đây gọi chung là huyện), xã, phường, thị trấn (dưới đây gọi chung là xã)

3/ Hướng dẫn này không áp dụng với các tổ chức sau:

a/ Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Thanh niên Công sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh.

b/ Các tổ chức giáo hội.

II. Số lượng thành viên Ban Vận động thành lập hội, hồ sơ thành lập Ban vận động hội, công nhân Ban vận động thành lập hội và nhiệm vụ của Ban vận động thành lập hội.

1/ Muốn thành lập hội những người sáng lập phải thành lập Ban vận động thành lập hội. Số thành viên trong Ban vận động thành lập hội được quy định như sau:

a/ Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, có ít nhất 5 thành viên.

b/ Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã, có ít nhất 3 thành viên

2/ Hồ sơ thành lập Ban vận động thành lập hội gồm:

a/ Đơn xin công nhận Ban vận động thành lập hội, trong đơn nêu rõ tên hội, tôn chỉ, mục đích của hội, lĩnh vực mà hội dự kiến hoạt động, phạm vi hoạt động, dự kiến thời gian trù bị thành lập hội và nơi tạm thời làm địa điểm hội họp.

b/ Danh sách trích ngang của những người dự kiến trong Ban vận động thành lập hội: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; trú quán; trình độ văn hóa; trình độ chuyên môn, nghề nghiệp hiện nay.

3/ Việc công nhận Ban vận động thành lập hội:

a/ Ban Vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, do Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh (dưới đây gọi chung là Sở) quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận.

b/ Ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong huyện, thị xã (dưới đây gọi tắt là huyện), xã, phường, thị trấn (dưới đây gọi tắt là xã) do UBND huyện quyết định công nhận.

4/ Nhiệm vụ của Ban vận động thành lập hội:

a/ Vận động công dân, tổ chức đăng ký tham gia hội.

b/ Chuẩn bị hồ sơ thành lập hội theo quy định, hồ sơ xin phép thành lập hội, bao gồm:

- Đơn xin phép thành lập hội (người sáng lập đứng đơn)

- Dự thảo Điều lệ (hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động) của hội

- Dự kiến phương hướng hoạt động.

- Danh sách những người trong Ban vận động thành lập hội được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.

- Sơ yếu lý lịch người đứng đầu Ban vận động thành lập hội có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

- Các văn bản xác định về trụ sở và tài sản của hội (nếu có).

Sau khi đã hoàn thành việc trù bị thành lập hội, Ban vận động thành lập hội gởi hồ sơ đến Sở Nội vụ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, huyện, xã.

Ban Vận động thành lập hội tự giải thể khi đại hội bầu ra Ban chấp hành của hội.

5/ Chủ tịch UBND tỉnh cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể và phê duyệt Điều lệ, công nhận Ban chấp hành của hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh.

III. Số lượng người đăng ký tham gia thành lập hội:

1/ Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất 50 chữ ký (đơn xin tham gia) của công dân, tổ chức trong tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện đăng ký tham gia thành lập hội.

2/ Hội có phạm vi hoạt động trong huyện ít nhất 20 chữ ký (đơn xin tham gia) của công dân, tổ chức trong huyện có đủ điều kiện, tự nguyện đăng ký tham gia thành lập hội.

3/ Hội có phạm vi hoạt động trong xã có ít nhất 10 chữ ký (đơn xin tham gia) của công dân, tổ chức trong xã có đủ điều kiện, tự nguyện đăng ký tham gia thành lập hội.

IV. Tổ chức đại hội thành lập hội:

1/ Thời gian tiến hành Đại hội thành lập hội:

a/ Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày quyết định cho phép thành lập hội có hiệu lực, Ban vận động thành lập hội phải tổ chức đại hội.

b/ Nếu quá thời hạn trên không tổ chức Đại hội, Ban vận động thành lập hội có văn bản gởi UBND tỉnh đề nghị gia hạn. Thời gian gia hạn không quá 30 ngày, nếu quá thời gian được gia hạn mà không tổ chức Đại hội thì Quyết định cho phép thành lập hội hết hiệu lực.

2/ Báo cáo kết quả Đại hội

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Đại hội, Ban lãnh đạo hội gởi tài liệu Đại hội đến UBND tỉnh.

3/ Việc phê duyệt điều lệ hội

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đại hội, Ban lãnh đạo hội gởi báo cáo theo quy định tại điều 13, Nghị định số 88/2003/NĐ-CP của Chính phủ và văn bản đề nghị phê duyệt Điều lệ hội đến UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) bao gồm:

- Điều lệ và biên bản thông qua Điều lệ hội.

- Biên bản bầu Ban lãnh đạo, Ban kiểm tra (có danh sách kèm theo) và lý lịch của người đứng đầu hội.

- Chương trình hoạt động của hội.

- Nghị quyết Đại hội.

V. Tổ chức, chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác hội và kinh phí hoạt động

1/ Tổ chức hội do Điều lệ hội quy định.

2/ Tiền lương và các chế độ chính sách khác đối với nhân sự làm việc tại cơ quan thường trực hội thực hiện theo quy định của hội, do nguồn kinh phí của hội chi trả. Đối với cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền điều động đến làm việc cho hội thì tiền lương và các chế độ chính sách khác thực hiện theo quy định của Nhà nước được áp dụng đối với cán bộ, công chức.

3/ Kinh phí hoạt động của hội thực hiện theo nguyên tắc tự đảm bảo. Trong trường hợp hội có hoạt động gắn liền với nhiệm vụ của Nhà nước thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Việc hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho hội được thực hiện theo Quyết định số 21/2003/QĐ-TTg ngày 29/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp đối với hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác của UBND tỉnh.

VI. Về việc thay đổi lãnh đạo chủ chốt của hội

Khi thay đổi Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thư ký hoặc các chức danh tương đương, lãnh đạo hội gởi văn bản đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:

1/ Đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, lãnh đạo hội gởi văn bản đến Sở Nội vụ và Sở quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội hoạt động.

2/ Đối với hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã, lãnh đạo hội gởi văn bản báo cáo Sở Nội vụ và UBND huyện.

Báo cáo của hội về thay đổi Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thư ký hoặc các chức danh tương đương, gởi kèm theo Nghị quyết về việc bầu các chức danh trên và lý lịch của người mới thay.

VII. Xử lý vi phạm

1/ Việc lập tổ chức pháp nhân trực thuộc hội không đúng thẩm quyền thì người đứng đầu hội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2/ Việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ hội phải báo cáo:

a/ Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh báo cáo Sở Nội vụ và Sở quản lý ngành, lĩnh vực mà hội hoạt động.

b/ Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã báo cáo Sở Nội vụ và UBND huyện.

Việc tổ chức đại hội mà không báo cáo, UBND tỉnh sẽ yêu cầu hội đình chỉ việc tổ chức Đại hội hoặc phê duyệt Điều lệ mà Đại hội thông qua.

VIII. Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với hội

1/ Sở Nội vụ có trách nhiệm:

- Tham mưu giúp UBND tỉnh trong việc theo dõi quản lý hội ở địa phương, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động của hội, phối hợp với các ngành hữu quan tạo điều kiện giúp hội hoạt động có hiệu quả.

- Lấy ý kiến bằng văn bản của Sở quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội hoạt động đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh hoặc UBND huyện, đối với hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã làm cơ sở để thẩm định trình UBND tỉnh quyết định việc cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, đổi tên, giải thể và phê duyệt Điều lệ.

- Tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý hội trong tỉnh báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nội vụ.

2/ Các Sở chuyên ngành khác có trách nhiệm:

- Phối hợp với Sở Nội vụ trong việc tham mưu UBND tỉnh cho phép thành lập, chia, tách, hợp nhất, giải thể, phê duyệt Điều lệ hội, công nhận Ban vận động thành lập hội đối với các hội hoạt động thuộc lĩnh vực mình quản lý.

- Hướng dẫn, tạo điều kiện cho hội tham gia các hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Sở, ngành theo quy định của pháp luật; thường xuyên tổ chức lấy ý kiến của hội để hoàn thiện các quy định quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực.

- Hàng năm báo cáo UBND tỉnh về tình hình quản lý Nhà nước đối với hội hoạt động thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý

3/ UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm:

- Tạo điều kiện giúp các hội trên địa bàn huyện, thị xã hoạt động có hiệu quả, khuyến khích các hoạt động của hội gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

- Tạo điều kiện để hội tham gia vào quá trình xã hội hóa các hoạt động phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, thể dục thể thao ở huyện, thị xã, xem xét tạo điều kiện để hội tham gia một số dịch vụ công mà hội có điều kiện và khả năng thực hiện theo đúng pháp luật.

- Đối với các hội mới thành lập hoặc còn gặp nhiều khó khăn, tạo điều kiện giúp hội ổn định hoạt động.

- Hàng năm báo cáo UBND tỉnh về tình hình quản lý các hội hoạt động trên địa bàn.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1536/QĐ-UB năm 2004 hướng dẫn tổ chức, hoạt động và quản lý hội trên địa bàn tỉnh do Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành

  • Số hiệu: 1536/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/06/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Nguyễn Tấn Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/06/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản