Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1533/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 15 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP VÀ CÁC CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH TRẬT TỰ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ Quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP;

Xét đề nghị của Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên tại Công văn số 474/BQL-QLLĐ ngày 30/6/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp và các cơ quan, doanh nghiệp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp, Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Lãnh đạo các doanh nghiệp khu công nghiệp và Thủ trư­ởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTN, TH.
 (Trinhnq/QĐ.T7/25b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nhữ Văn Tâm

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP VÀ CÁC CƠ QUAN, DOANH NGHIỆP TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH TRẬT TỰ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1533/QĐ/UBND ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nguyên tắc phối hợp, các nội dung phối hợp giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên (gọi tắt là Ban Quản lý) với Công an tỉnh, các cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (gọi tắt là KCN).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Quy chế này bao gồm: Ban Quản lý; Công an tỉnh; Ủy ban nhân dân và Công an các huyện, thành phố, thị xã; Ủy ban nhân dân và Công an xã, phường, thị trấn nơi có KCN; các chủ đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng KCN; các nhà đầu tư thứ cấp tại KCN; các nhà thầu và đơn vị thi công tại KCN (gọi chung là doanh nghiệp KCN).

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Ban Quản lý thực hiện cơ chế chủ trì hoặc phối hợp theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ Quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế và Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP nhằm góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi, giải quyết các thủ tục đơn giản, nhanh gọn và hiệu quả, góp phần thúc đẩy cho các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát triển, hiệu quả, bền vững và đúng quy hoạch.

2. Nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị, địa phương phối hợp và của Ban Quản lý nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

3. Việc phối hợp dựa trên các quy định pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo sự thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh trong KCN.

4. Trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ không làm giảm vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi cơ quan tham gia; cách thức phối hợp không cản trở công việc của nhau.

Chương II

TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP CỦA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG VÀ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN NINH TRẬT TỰ TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

Điều 4. Trách nhiệm của Ban Quản lý

1. Là đầu mối thông tin và tham gia cùng với các cơ quan, ban ngành, chính quyền, công an địa phương, các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng KCN và các doanh nghiệp KCN trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, phối hợp giải quyết công việc theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Chủ động trao đổi với Công an tỉnh tình hình có liên quan đến an ninh trật tự, đầu tư, kinh doanh, sản xuất, xuất nhập khẩu, bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp; tình hình hoạt động đầu tư các doanh nghiệp nước ngoài xin đầu tư vào KCN để phối hợp với các cơ quan ban ngành thẩm định, xét duyệt, cấp phép; tình hình người nước ngoài của các doanh nghiệp trong KCN, đặc biệt là người nước ngoài làm việc tại KCN có dấu hiệu hoạt động trái mục đích, vi phạm pháp luật.

3. Phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp KCN triển khai công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để tuyên truyền giáo dục đội ngũ cán bộ, công nhân viên của các doanh nghiệp KCN nâng cao ý thức cảnh giác đối với âm mưu, thủ đoạn của địch và các loại tội phạm.

4. Chỉ đạo các doanh nghiệp KCN chủ động có kế hoạch bảo vệ an toàn về người, tài sản, bí mật Nhà nước, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường… xây dựng đơn vị an toàn về an ninh trật tự; quan tâm xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng công an trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội trong KCN. Vận động các doanh nghiệp trong KCN hỗ trợ kinh phí cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự KCN.

Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan công an

Công an tỉnh chỉ đạo công an huyện và các phòng nghiệp vụ của ngành công an có trách nhiệm:

1. Thông báo cho Ban Quản lý tình hình âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của địch và các loại tội phạm; cũng như các nội dung, yêu cầu trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đặc biệt là công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, bảo vệ bí mật Nhà nước… trong từng thời kỳ nhằm giúp cho cán bộ, công nhân viên nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng và tinh thần trách nhiệm trong việc góp phần bảo vệ an ninh trật tự.

2. Triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị nội bộ, an ninh thông tin, bảo vệ bí mật Nhà nước; bảo vệ tài sản của Nhà nước và của các doanh nghiệp, quyền lợi chính đáng cho người lao động và người sử dụng lao động tại các KCN.

3. Tổ chức công tác nắm tình hình liên quan đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN. Triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội trong KCN.

Quản lý tốt các loại đối tượng trên địa bàn, đấu tranh triệt phá các ổ nhóm tội phạm hoạt động trên địa bàn KCN như: trộm cắp tài sản, tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm về ma túy, tội phạm mang tính chất “xã hội đen” trong KCN.

4. Phối hợp với Ban Quản lý triển khai có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phối hợp giải quyết các vụ liên quan đến an ninh trật tự tại các KCN như: đình công, lãn công, khiếu kiện liên quan đến ô nhiễm môi trường…

5. Hướng dẫn kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy; công tác đăng ký tạm trú; hoạt động xuất, nhập cảnh của người nước ngoài tại các KCN.

6. Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát các hoạt động của các công ty dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp tại các KCN; hướng dẫn, cấp phép quản lý sử dụng các phương tiện công cụ hỗ trợ, vũ khí cho lực lượng bảo vệ theo quy định.

Điều 6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có KCN

1. Phối hợp với các ngành của tỉnh và chỉ đạo lực lượng công an, các cơ quan chuyên môn của huyện tham gia giữ gìn an ninh trật tự và giải quyết các vụ việc gây mất an ninh trật tự tại KCN theo quy định.

2. Chỉ đạo các lực lượng chuyên môn liên quan có khu công nghiệp phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, xử lý các vụ án hình sự, kinh tế, ma túy,... xảy ra trong KCN.

Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có KCN

1. Chủ động nắm bắt tình hình và xử lý kịp thời các vụ việc gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, nhanh chóng báo cáo những vụ việc phức tạp ngoài thẩm quyền giải quyết đến các cơ quan chức năng để xử lý.

2. Phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia giữ gìn an ninh trật tự và giải quyết các vụ việc mất an ninh trật tự tại các KCN theo quy định.

Điều 8. Trách nhiệm của doanh nghiệp KCN

1. Chủ đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng KCN trong quá trình lập quy hoạch và triển khai xây dựng phải dành quỹ đất sạch phù hợp và tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để xây dựng Đồn, Đội phòng cháy chữa cháy,… của lực lượng công an; hỗ trợ kinh phí cho công tác đảm bảo an ninh trật tự trong KCN.

2. Thực hiện ký kết quy chế phối hợp với công an địa phương để phối hợp giải quyết những vấn đề có liên quan đến an ninh trật tự trong các KCN như: thành lập đội bảo vệ đủ mạnh để đảm đương nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong KCN; trang bị đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ để phục vụ công tác bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự; phối hợp với chính quyền, công an địa phương triển khai các biện pháp phòng chống tai nạn, tệ nạn xã hội trong KCN; xây dựng nội quy bảo vệ của KCN và tích cực phát hiện, xử lý các hoạt động xâm phạm an ninh trật tự.

3. Đăng ký tạm trú, tạm vắng với chính quyền địa phương theo đúng quy định và gửi danh sách cho Ban Quản lý; phải đăng ký số lượng công nhân và nơi ăn ở của công nhân, cấp trang bị bảo hộ lao động có ghi tên công ty cho cán bộ, công nhân thi công trên công trường; đăng ký số lượng phương tiện, máy móc thiết bị thi công trên công trường nhất là những vật tư, thiết bị đặc thù có giá trị cao, dễ mang vác.

4. Trong quá trình thi công trên công trường nếu có hiện tượng xô xát, gây rối, mất trật tự, mất trộm, mất cắp,… phải phối hợp, báo cáo ngay với cơ quan có chức năng để giải quyết kịp thời.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm thực hiện

1. Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên là cơ quan đầu mối, phối hợp với Công an tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có KCN và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Quy chế này, định kỳ hằng năm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có KCN phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tổng hợp, kiến nghị trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1533/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp và cơ quan, doanh nghiệp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

  • Số hiệu: 1533/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Nhữ Văn Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản