Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1512/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Đường sắt số 35/2005/QH11;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04/03/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/07/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 3177/QĐ-BGTVT ngày 20/8/2014 của Bộ Giao thông vận tải “Ban hành chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020 theo Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ”;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu vận tải đường sắt với các nội dung chính sau đây:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Tái cơ cấu vận tải đường sắt phải được quán triệt theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013, chỉ đạo của Nghị quyết TW số 13/NQ-TW ngày 16/1/2014 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam;

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; thực hiện chủ trương của Đảng “giao thông vận tải phải đi trước một bước”; thu hút mạnh các thành phần kinh tế đầu tư và tham gia kinh doanh vận tải đường sắt; đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn đường sắt; tách bạch được quản lý doanh nghiệp và quản lý Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân tham gia đối với các dịch vụ công mà tư nhân có thể làm được;

- Thực hiện tái cơ cấu vận tải đường sắt, đồng thời với tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải khác với các giải pháp đồng bộ để từng bước nâng cao thị phần vận tải đường sắt, phát huy tiềm lực, tiềm năng sẵn có, chú trọng vận tải đa phương thức, vận tải logistics nhất là trên các trục chính tiềm năng như hành lang Bắc - Nam, Đông - Tây, kết nối với cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng cạn (ICD) và các khu công nghiệp, nhà máy lớn;

- Các mục tiêu đề ra cho việc tái cơ cấu vận tải đường sắt phải thiết thực, bảo đảm việc phát triển tiên tiến, bền vững nhưng phải phù hợp với khả năng, tiềm lực và khả thi khi thực hiện.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát:

- Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt theo tiêu chí tăng nhanh lượng luân chuyển hàng hóa, hạ giá thành và bảo đảm an toàn, thuận lợi, tiện nghi, hấp dẫn, thoải mái trong vận tải hành khách; thông thoáng trong tổ chức vận tải hàng hóa;

- Từng bước nâng thị phần vận tải đường sắt tăng lên tương xứng với tiềm năng và nhu cầu vận tải, tập trung vào các mặt hàng, luồng hàng truyền thống, đồng thời khai thác thêm các nguồn hàng mới; đặc biệt là kết nối với các cảng biển, cảng sông, cảng ICD, vận tải đa phương thức, vận tải logistics. Thu hút vận tải hành khách bằng đường sắt trong các hành lang trọng điểm, kết nối các khu đô thị, thành phố lớn, kết hợp vận tải hành khách ngoại ô với đường sắt đô thị;

- Xây dựng thể chế, chính sách hợp lý để phát huy được hiệu quả vận tải đường sắt và hấp dẫn đối với khách hàng.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Tái cơ cấu vận tải đường sắt theo hướng đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn trên chặng đường dài hoặc trung bình; vận tải hành khách cự ly trung bình và hành khách công cộng tại các thành phố lớn. Tăng thị phần vận tải đường sắt trên các hành lang vận tải chủ yếu và vận tải hành khách công cộng tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2020, thị phần vận tải đạt: 1% - 2% vận tải hành khách; khoảng 1% - 3% khối lượng vận tải hàng hóa. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đặc biệt tại các ga, đầu mối vận tải, cụ thể như sau:

+ Số đôi tàu khai thác trên các hành lang đến năm 2020:

TT

Tuyến đường

Số đôi tàu đến năm 2020/ngày đêm

Khách

Hàng

Tổng

1

Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh

17

8

25

2

Hà Nội-Hải Phòng

14

10

24

3

Hà Nội - Lào Cai

10

15

25

4

Hà Nội - Đồng Đăng

7

7

14

+ Thị phần vận tải hành khách trên các hành lang chính:

TT

Tuyến đường

KLVT hành khách (HK/năm)

Thị phần trên các hành lang

Năm 2012

Năm 2020

%

1

Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh

7.185.645

7.446.000

6,2%-6,6%

2

Hà Nội - Hải Phòng

1.409.267

6.132.000

3%-4%

3

Hà Nội - Lào Cai

3.258.536

4.380.000

16%-18%

4

Hà Nội - Đồng Đăng

223.287

3.066.000

2%-3%

+ Thị phần vận tải hàng hóa trên các hành lang chính

TT

Tuyến đường

KLVT hàng hóa (tấn/năm)

Thị phần trên hành lang so với toàn ngành ĐS

Năm 2012

Năm 2020

%

1

Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh

2.752.748

3.504.000

8%-10%

2

Hà Nội - Hải Phòng

411.930

4.380.000

2%-3%

3

Hà Nội - Lào Cai

2.499.047

6.570.000

13%-15%

4

Hà Nội - Đồng Đăng

839.048

3.066.000

19%-21%

- Vận tải hành khách công cộng đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm từ 4% - 5% nhu cầu đi lại.

- Phát triển phương tiện đường sắt theo hướng hiện đại, công suất hợp lý, tiết kiệm nhiên liệu, hiệu quả.

- Giảm giá thành, chi phí vận tải đường sắt, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải để cạnh tranh lành mạnh với các loại hình vận tải khác.

- Nâng cao tỷ lệ tàu khách đi đến đúng giờ cụ thể: tỷ lệ tàu đi đúng giờ đạt trên 95%; tỷ lệ tàu đến đúng giờ đạt trên 90%.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU THỊ TRƯỜNG VÀ KẾT NỐI CÁC PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI GIAI ĐOẠN 2015 - 2020.

1. Nhóm giải pháp về hiện đại hóa công tác phục vụ hành khách, quản lý và điều hành vận tải

a) Hiện đại hóa tổ chức vận chuyển hành khách:

- Hoàn thiện hệ thống bán vé đặt chỗ điện tử, hệ thống tin học quản lý ga khách;

- Hiện đại hóa khâu phục vụ vận chuyển hành khách:

+ Đầu tư nâng cấp, đóng mới toa xe khách theo hướng tiện nghi, thân thiện với môi trường;

+ Nâng cấp, cải tạo hệ thống phòng chờ, lắp đặt các tiện ích dịch vụ như máy tính có kết nối internet, hệ thống thông tin chỉ dẫn, làm cầu vượt, cải tạo ke ga tạo điều kiện thuận tiện cho hành khách đi tàu;

+ Chủ động trong công tác tiếp thị với khách hàng, nắm bắt và làm chủ thị trường theo hướng minh bạch, thuận tiện và hiệu quả trong kinh doanh;

+ Nghiên cứu xây dựng được hệ thống giá vé linh hoạt phù hợp với điều kiện bất bình hành theo mùa vụ, theo chiều vận tải, theo đối tượng khách hàng, tăng doanh thu và phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế thị trường.

b) Hiện đại hóa tổ chức vận chuyển hàng hóa:

- Xây dựng “hệ thống quản lý và điều phối luồng xe”;

- Đầu tư mới đầu máy, toa xe hàng theo hướng tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường và phù hợp với vận tải đa phương thức.

c) Hiện đại hóa tổ chức chạy tàu:

- Hiện đại hóa công tác chỉ huy điều hành chạy tàu đảm bảo tỷ lệ tàu đi, đến đúng giờ cao;

- Xây dựng hệ thống tự động lập và vẽ biểu đồ chạy tàu;

- Từng bước tự động hóa ga lập tàu: Trước mắt chú trọng đầu tư hệ thống xử lý thông tin:

+ Tu sửa xác báo tàu đến và xử lý thông tin tàu đến;

+ Quản lý và truy tìm xe hiện có;

+ Xử lý thông tin tàu xuất phát;

- Xây dựng hệ thống điều khiển quá trình phục vụ công tác đón gửi tàu, giải thể và dồn dịch toa xe xếp dỡ, quản lý theo dõi (truy tìm) việc dịch chuyển các xe hàng ở trong ga.

2. Nhóm giải pháp về giảm chi phí vận tải

- Nghiên cứu, áp dụng các công nghệ vận tải đường sắt tiên tiến trong khai thác vận tải để tăng năng lực, giảm chi phí vận tải;

- Đầu tư các trang thiết bị xếp dỡ phù hợp tại các ga hàng hóa để giảm thời gian xếp dỡ và thời gian lưu kho của hàng hóa;

- Ưu tiên tổ chức vận chuyển hàng có khối lượng lớn, cự ly vận chuyển dài;

- Tổ chức các đoàn tàu hàng chuyên tuyến, chạy suốt từ nơi xếp đến nơi dỡ;

- Kiến nghị Chính phủ có chính sách bình ổn, trợ giá cho vận tải đường sắt;

- Hoàn thiện và đổi mới phương thức xây dựng và quản lý hệ thống các định mức kinh tế-kỹ thuật trong lĩnh vực vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt làm cơ sở để giảm giá thành vận tải đường sắt.

3. Nhóm giải pháp về xây dựng cơ chế, thể chế liên quan đến tái cơ cấu vận tải đường sắt

a) Về cơ chế chính sách:

- Xây dựng Thông tư thay thế Quy định về việc xây dựng, công bố công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng, biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia (được ban hành kèm theo Quyết định số 69/2005/QĐ-BGTVT ngày 9/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) trong năm 2015 nhằm công khai, minh bạch trong công tác lập biểu đồ chạy tàu và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc lập, chỉ huy thực hiện biểu đồ chạy tàu;

- Xây dựng cơ chế thị trường kinh doanh tự do lành mạnh, bình đẳng, không phân biệt đối xử, đúng pháp luật giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;

- Nghiên cứu xây dựng một cơ chế về phí, giá cước vận tải vừa tạo quyền chủ động cho doanh nghiệp, vừa quản lý chặt chẽ được phí, giá cước vận tải đường sắt phù hợp với quy định của pháp luật trong từng thời kỳ nhất định. Xây dựng các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt trên hệ thống đường sắt quốc gia, trong đó quy định cụ thể nội dung kinh doanh dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt và kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt, đảm bảo bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp;

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý Nhà nước của Cục Đường sắt Việt Nam đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2898/QĐ-BGTVT ngày 31/7/2014;

- Nghiên cứu xây dựng và công bố khung giá thuê điều hành giao thông vận tải trên đường sắt quốc gia;

- Xây dựng Thông tư thay cho Quyết định số 44/2005/QĐ-BGTVT về quy chế quản lý sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái tàu và Quyết định số 37/2006/QĐ-BGTVT về nội dung quy trình sát hạch cấp giấy phép lái tàu trên đường sắt;

- Nghiên cứu xây dựng thông tư quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt;

- Xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên các tuyến đường sắt vì mục đích phát triển kinh tế và an sinh xã hội;

- Đẩy nhanh việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đường sắt đô thị;

- Đổi mới phương pháp, nâng cao năng lực thống kê, dự báo và phân tích thị trường vận tải đường sắt nhằm cung cấp số liệu và thông tin ngày càng có chất lượng phục vụ việc xây dựng các chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch về đường sắt của Nhà nước cũng như giúp các đơn vị kinh doanh vận tải có cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện thành công chiến lược sản xuất kinh doanh;

- Đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng phục vụ khách hàng ở tất cả các khâu, thực hiện tốt chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc triển khai phong trào “4 xin và 4 luôn” đối với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải;

- Tăng cường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra và thực hiện các điều kiện kinh doanh và chất lượng dịch vụ vận tải;

- Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo Quyết định 198/QĐ-TTg ngày 21/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ trong đó tập trung hoàn thành việc cổ phần hóa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo đúng lộ trình. Hoàn thành việc xây dựng và ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp này theo mô hình công ty cổ phần gọn nhẹ, giảm tối đa các đầu mối quản lý gián tiếp, đảm bảo kinh doanh hiệu quả và đảm bảo chất lượng dịch vụ đã cam kết.

b) Về cải cách thủ tục hành chính trong quản lý khai thác điều hành vận tải

Rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải đường sắt đã được công bố để đơn giản hóa bằng hình thức như: giảm tần xuất thực hiện và giảm thời gian trả kết quả để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

4. Nhóm giải pháp về phát triển các phương thức vận tải đa phương thức, logistics

- Ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đường sắt kết nối với cảng biển, cảng sông, ICD... kết nối vận tải hành khách đô thị với vận tải hành khách quốc gia tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng...;

- Tập trung chuyên môn hóa vận tải hàng hóa bằng container trên đường sắt, đồng bộ cả phương tiện chuyên chở, kho bãi và thiết bị cơ giới hóa xếp dỡ tại các đầu mối cảng biển, cảng sông và cảng ICD;

- Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp vận tải đường sắt với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải (như dịch vụ kho bãi, thủ tục hải quan, giao nhận) và doanh nghiệp vận tải đường bộ chặng ngắn đến kho chủ hàng để giảm giá cước vận chuyển trọn gói container bằng đường sắt, tăng khả năng cạnh tranh với vận tải container bằng đường bộ;

- Tăng cường kết nối các phương thức vận tải thông qua việc từng bước đưa sàn giao dịch vận tải hàng hóa vào hoạt động để tạo điều kiện kết nối chủ hàng và đơn vị vận tải nhằm giảm mật độ phương tiện vận tải tham gia giao thông và giảm giá thành vận tải;

- Triển khai các giải pháp kết nối hạ tầng, vận tải trên hành lang giữa Việt Nam và các nước chung đường biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia...;

- Xây dựng phương án tổ chức chạy tàu kết nối với đường sắt Trung Quốc trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu mới khổ 1435mm.

5. Nhóm giải pháp về khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư khai thác lĩnh vực vận tải đường sắt, nhất là đối với các tuyến đường sắt còn thừa năng lực và phải bù lỗ

- Nghiên cứu xây dựng các hành lang pháp lý liên quan đến xã hội hóa đầu tư ngành đường sắt giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện khi có nhu cầu tham gia đầu tư;

- Thực hiện xã hội hóa về kinh doanh vận tải đường sắt.

6. Các giải pháp về tăng năng lực thông qua trên các tuyến đường sắt

a) Tuyến đường sắt Bắc - Nam:

- Cải tạo các nút thắt cổ chai tại khu vực đèo Khe Nét, hầm Hải Vân;

- Cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện;

- Giảm độ dốc hạn chế trên khu đoạn Nha Trang - Sài Gòn, mở mới 18 ga trong khu đoạn nói trên;

- Cải tạo cục bộ bình diện đoạn có bán kính nhỏ ảnh hưởng đến dải tốc độ trên các khu gian có điều kiện nâng cao tốc độ để nâng cao năng lực chạy tàu của toàn tuyến lên 25 đôi tàu/ngày đêm. Ưu tiên đến công tác tổ chức khai thác tàu khách và tàu hàng suốt trên tuyến này;

- Nghiên cứu và thí điểm phương án xã hội hóa kinh doanh khai thác vận tải trên tuyến Cầu Giát - Nghĩa Đàn, Đà Lạt - Trại Mát.

b) Tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai:

- Tiến hành cải tạo một số khu gian, mở mới ga Mai Tùng, xây dựng mới bãi hàng ga Xuân Giao;

- Tập trung thế mạnh trong khai thác vận tải hàng hóa: hàng từ các khu mỏ, hàng từ kết nối liên vận quốc tế tại cửa khẩu Lao Cai; hàng từ hệ thống cảng biển đi đến các khu công nghiệp của các tỉnh;

- Xã hội hóa đầu tư và kinh doanh khai thác một số bãi hàng, nhà ga có lợi thế về kinh doanh thương mại như: ga Yên Viên, ga Lào Cai.

c) Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng:

- Tập trung khai thác vận tải hành khách (theo hướng vận tải ngoại ô - vận chuyển khung giờ cao điểm với khối lượng lớn và tốc độ nhanh);

- Đối với vận chuyển hàng hóa: ngoài khai thác tàu hàng suốt từ các tuyến khác sang, tổ chức khai thác hệ thống tàu hàng cảng ICD (phát triển tại Yên Viên và Lạc Đạo và cảng Hải Phòng).

d) Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng:

- Đến năm 2020, năng lực thông qua trên tuyến đạt 14 đôi tàu/ngày đêm (đạt 73,68% năng lực có thể của tuyến; trong đó bao gồm 7 đôi tàu khách và 7 đôi tàu hàng);

- Tập trung khai thác vận tải liên vận quốc tế và tàu nội địa hỗn hợp (tàu chợ);

Riêng tuyến Kép - Lưu Xá tập trung nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, nhượng quyền khai thác cho nhà đầu tư có thế mạnh nhằm xã hội hóa đầu tư và kinh doanh vận tải đường sắt trên đoạn tuyến này.

7. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Thực hiện kế hoạch hành động tăng cường siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện (ban hành kèm theo Quyết định số 968/QĐ-BGTVT ngày 31/03/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) tại các nhà ga đường sắt có tác nghiệp xếp dỡ hàng hóa;

- Thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được ban hành kèm theo quyết định số 2207/QĐ-BGTVT ngày 11 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải được ban hành kèm theo Quyết định số 2207/QĐ-BGTVT ngày 11/06/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về vận tải và kinh doanh vận tải đường sắt rộng rãi để tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải đường sắt và chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật về vận tải đường sắt;

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác phục vụ hành khách, hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hành vi tiêu cực làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt;

- Tiếp tục triển khai thực hiện các đề án: “Vận chuyển container bằng đường sắt nhằm giảm tải cho giao thông đường bộ” (ban hành kèm theo quyết định số 2443/QĐ-BGTVT ngày 05/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải); “kết hợp hài hòa các phương thức vận tải từ Hải Phòng đến Lào Cai” (ban hành kèm theo quyết định số 3009/QĐ-BGTVT ngày 07/08/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải); “kế hoạch hành động tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải để giảm áp lực vận tải cho đường bộ” (ban hành kèm theo quyết định số 1811/QĐ-BGTVT ngày 14/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải), “Tăng cường kết nối giao thông vận tải trong ASEAN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; tái cơ cấu thị trường và kết nối các phương thức vận tải giai đoạn 2013-2016 (ban hành kèm theo quyết định số 3549/QĐ-BGTVT ngày 06/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Vụ trực thuộc Bộ, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Đề án nhằm đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu lĩnh vực vận tải đường sắt giai đoạn đến năm 2020.

2. Vụ Vận tải chủ trì kiểm tra, theo dõi và đôn đốc quá trình thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Đề án; định kỳ 6 tháng tổng hợp, báo cáo và đề xuất với Lãnh đạo Bộ giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án.

3. Vụ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính, Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư lập kế hoạch huy động nguồn vốn xã hội hóa và bố trí nguồn vốn trong kế hoạch hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.

4. Cục Đường sắt Việt Nam:

a) Tổ chức thực hiện Đề án, có trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện và hàng quý báo cáo Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Vận tải); tổng hợp, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án và chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện;

b) Chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện Đề án này và các Đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Thường xuyên nắm bắt thông tin để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp;

d) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án hàng năm. Trong đó đảm bảo về thời gian:

- Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Đề án năm thứ nhất: xây dựng và phê duyệt sau 30 ngày tính từ ngày Đề án được phê duyệt;

- Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Đề án hàng năm (từ năm thứ hai trở đi): xây dựng và phê duyệt trước ngày 15/12 của năm trước để thực hiện năm tiếp theo.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên và Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Trung tâm CNTT, Báo GT;
- Cổng TTĐT Bộ GTVT;
- Lưu: VT, V.Tải (Trường5b).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

PHỤ LỤC 1

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VỀ TÁI CƠ CẤU TỔ CHỨC, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, ĐIỀU CHỈNH BỔ SUNG CÁC ĐIỀU LUẬT VĂN BẢN, THỂ CHẾ LIÊN QUAN ĐẾN VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT.

STT

Chương trình hành động

Cơ quan chủ trì soạn thảo

Cơ quan phối hợp

Tiến độ dự kiến hoàn thành

1

Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt

Cục ĐSVN

Vụ Pháp chế, các Vụ, Cục thuộc Bộ, Tổng công ty ĐSVN

2016-2017

2

Nghị định bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định số 175/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty ĐSVN

Cục ĐSVN

Vụ Tổ chức cán bộ, các Vụ, Cục thuộc Bộ, Tổng công ty ĐSVN

2015

3

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đường sắt cho từng tuyến (Khối lượng vận tải hàng hóa, hành khách, số lượng - chủng loại phương tiện vận tải, chi phí, giá thành, doanh thu...) đối với ngành đường sắt nhằm phục vụ cho công tác xã hội hóa kinh doanh vận tải đường sắt

Tổng công ty ĐSVN

Vụ Vận tải, các Vụ thuộc Bộ, Cục ĐSVN, Trung tâm tin học BGTVT.

2015-2016

4

Xây dựng Thông tư quy định về Xây dựng, công bố, ban hành biểu đồ chạy tàu trên Đường sắt quốc gia thay cho Quyết định số 69/2005/QĐ-BGTVT ngày 19/12/2005 của Bộ GTVT

Cục ĐSVN

Các Vụ: Vận tải, An toàn giao thông, Kết cấu hạ tầng, Pháp chế; Tổng công ty ĐSVN.

2015

5

Xây dựng Thông tư quy định về Quản lý sát hạch cấp đổi, thu hồi giấy phép lái tàu

Cục ĐSVN

Các Vụ: Vận tải, An toàn giao thông, Pháp chế, Tổ chức cán bộ; Tổng công ty ĐSVN.

2015

6

Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về ký hợp đồng trợ giá cước vận tải để tổ chức chạy tàu vì mục đích an sinh, xã hội.

Cục ĐSVN

Các Vụ: Pháp chế, Vận tải, Quản lý doanh nghiệp.

Tổng công ty ĐSVN.

2015-2016

7

Đề án nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra vận tải.

Cục ĐSVN

Thanh tra Bộ, Vụ Vận tải, Tổng công ty ĐSVN, các công ty cổ phần vận tải

2016

8

Đề án nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên phục vụ trên tàu

Tổng công ty ĐSVN

Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Vận tải, Thanh tra Bộ, Cục ĐSVN, các công ty cổ phần vận tải

2016

9

Điều lệ tổ chức và hoạt động của các Công ty cổ phần vận tải Đường sắt

Tổng công ty ĐSVN

Vụ Quản lý doanh nghiệp, các Vụ thuộc Bộ, Cục ĐSVN

2015

 

PHỤ LỤC 2

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VỀ QUY HOẠCH, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC, KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

STT

Chương trình hành động

Cơ quan chủ trì soạn thảo

Cơ quan phối hợp

Tiến độ dự kiến hoàn thành

1

Hoàn thành việc điều chỉnh chiến lược, các quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đang được giao có bổ sung các nội dung tái cơ cấu; chỉ đạo triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt

Cục ĐSVN

Tổng công ty ĐSVN

2015

2

Lập quy hoạch chi tiết phát triển nguồn nhân lực Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2015 - 2020

Tổng công ty ĐSVN

Vụ Quản lý doanh nghiệp, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục ĐSVN

2015

3

Xây dựng đề án về duy trì và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Tổng công ty ĐSVN

Vụ Quản lý doanh nghiệp, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục ĐSVN

2015

4

Xây dựng và triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý của Tổng công ty ĐSVN

Tổng công ty ĐSVN

Vụ Quản lý doanh nghiệp, Trung tâm CNTT

2015-2016

 

PHỤ LỤC 3

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VỀ HIỆN ĐẠI HÓA CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ HÀNH VẬN TẢI

STT

Chương trình hành động

quan chủ trì soạn thảo

Cơ quan phối hợp

Tiến độ dự kiến hoàn thành

1

Xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống tự động hóa công tác lập và quản lý kế hoạch vận tải

Tổng công ty ĐSVN

Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Vận tải, Trung tâm CNTT, Cục ĐSVN

2016

2

Tiếp tục cải tạo nâng cao ke ga và cầu vượt, thông tin chỉ dẫn tại các ga hành khách

Tổng công ty ĐSVN

Vụ Vận tải, Vụ Kết cấu hạ tầng, Vụ An toàn giao thông, Cục ĐSVN

2015

3

Xây dựng “hệ thống quản lý và phối luồng xe”

Tổng công ty ĐSVN

Vụ Vận tải, Vụ Khoa học Công nghệ, Trung tâm CNTT, Cục ĐSVN

2016

4

Xây dựng hệ thống tự động lập và vẽ biểu đồ chạy tàu

Tổng công ty ĐSVN

Vụ Vận tải, Vụ Khoa học Công nghệ, Trung tâm CNTT, Cục ĐSVN

2015-2016

 

PHỤ LỤC 4

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VỀ TÁI CƠ CẤU ĐẦU TƯ PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI

STT

Chương trình hành động

Cơ quan chủ trì soạn thảo

Cơ quan phối hợp

Tiến độ dự kiến hoàn thành

1

Xây dựng đề án tái cơ cấu đoàn phương tiện chuyên chở container trên đường sắt

Tổng công ty ĐSVN

Vụ Vận tải, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Tài Chính, Cục ĐSVN, Cục Đăng kiểm Việt Nam

2015

2

Dự án đầu tư chế tạo mới trong nước 250 toa xe hàng chuyên dùng chở container

Tổng công ty ĐSVN

Vụ Vận tải, Vụ Tài chính, Vụ Khoa học Công nghệ, Cục ĐSVN, Cục Đăng kiểm Việt Nam

2015

3

Thực hiện đầu tư mua mới 2 ram tàu khách (khoảng 30 toa xe) hiện đại

Tổng công ty ĐSVN

Vụ Vận tải, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Tài chính, Cục ĐSVN

2015-2016

 

PHỤ LỤC 5

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VỀ KẾT NỐI VẬN TẢI VÀ PHÁT TRIỂN CÁC PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC LOGISTICS

STT

Chương trình hành động

Cơ quan chủ trì soạn thảo

Cơ quan phối hợp

Tiến độ dự kiến hoàn thành

1

Xây dựng đề án "Nâng cao năng lực xếp dỡ tại các đầu mối xếp dỡ, tập kết hàng hóa"

Cục ĐSVN

Vụ Vận tải, Vụ An toàn giao thông, Tổng công ty ĐSVN

2015-2016

2

Xây dựng đề án "Phát triển hệ thống ICD tại các ga hàng hóa làm cơ sở kết nối với các phương thức vận tải khác và phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải (như dịch vụ đóng gói bảo quản hàng hóa, dịch vụ cho thuê kho bãi, thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa)"

Cục ĐSVN

Vụ Vận tải, Vụ An toàn giao thông, Vụ Kết cấu hạ tầng, Tổng công ty ĐSVN

2015-2016

3

Xây dựng đề án "Phát triển mở rộng và đầu tư các trang thiết bị liên quan khu vực nhà ga, quảng trường ga làm cơ sở kết nối với các phương thức vận tải khác (đường sắt đô thị, xe buýt, taxi, phương tiện cá nhân...) và phát triển dịch vụ (kinh doanh thương mại, quảng cáo...)".

Cục ĐSVN

Vụ Vận tải, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ An toàn giao thông, Tổng công ty ĐSVN

2015-2016

4

Xây dựng phương án khai thác, tổ chức chạy tàu kết nối với đường sắt Trung Quốc trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu mới khổ 1435mm.

Cục ĐSVN

Vụ Vận tải, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ An toàn giao thông, Tổng công ty ĐSVN

2015-2016

5

Xây dựng hệ thống kết nối điện tử liên thông giữa các loại hình vận tải sắt, thủy, bộ...

Tổng công ty ĐSVN

Vụ Vận tải, Vụ Tài chính, Cục ĐSVN, Trung tâm CNTT

2016-2017

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1512/QĐ-BGTVT năm 2015 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu vận tải đường sắt đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 1512/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/04/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản