Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1510/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 26 tháng 8 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHÍ THẨM ĐỊNH HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ THÀNH LẬP VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Căn cứ Quyết định số 183/QĐ-UBND ngày 27/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về Tiêu chí thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 19/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về tiêu chí và cách thức thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- TT.Tỉnh ủy; TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Cục THADS tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Hiệp

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHÍ THẨM ĐỊNH HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ THÀNH LẬP VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Kèm theo Quyết định số 1510/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về tiêu chí thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (sau đây viết tắt là Văn phòng).

2. Quy định này được áp dụng đối với Thừa phát lại đề nghị thành lập Văn phòng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc xét duyệt hồ sơ

1. Việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan.

2. Việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng phải phù hợp với các quy định của pháp luật về Thừa phát lại và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

3. Việc thành lập Tổ xét duyệt để thẩm định hồ sơ được thực hiện khi có từ 02 hồ sơ trở lên đề nghị thành lập Văn phòng trên cùng một địa bàn cấp huyện. Trường hợp chỉ có một hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng trong một địa bàn cấp huyện, không thành lập Tổ xét duyệt, giao Sở Tư pháp thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định nếu hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Điều 3. Các trường hợp không được tham gia nộp hồ sơ và không được tính điểm

1. Các trường hợp không được tham gia nộp hồ sơ:

Thừa phát lại đang trong thời gian tạm đình chỉ hành nghề theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

2. Các trường hợp không được tính điểm:

Tại cùng một thời điểm xét duyệt hồ sơ, Thừa phát lại có tên tham gia thành lập tại 02 hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng trở lên.

Chương II

SỐ ĐIỂM CỦA CÁC TIÊU CHÍ

Điều 4. Tiêu chí về nhân sự của Văn phòng

Mỗi hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng được tính điểm tối đa cho 03 Thừa phát lại có điểm số cao nhất, trong đó phải có Thừa phát lại là Trưởng Văn phòng, 03 thư ký nghiệp vụ, 01 nhân viên kế toán, 01 nhân viên công nghệ thông tin, 01 nhân viên lưu trữ.

1. Thừa phát lại:

Tối đa 36 điểm, trong đó số điểm tính cho mỗi Thừa phát lại như sau:

a) Thừa phát lại có thời gian công tác pháp luật trước khi được bổ nhiệm Thừa phát lại (tối đa 04 điểm), cụ thể:

- Từ 05 năm đến dưới 07 năm: 01 điểm;

- Từ đủ 07 năm đến dưới 09 năm: 02 điểm;

- Từ đủ 09 năm đến dưới 11 năm: 03 điểm;

- Từ đủ 11 năm trở lên: 04 điểm.

b) Thừa phát lại có bằng tốt nghiệp từ Thạc sĩ trở lên chuyên ngành luật trước khi được bổ nhiệm Thừa phát lại: 01 điểm.

c) Thừa phát lại có thời gian công tác là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên, luật sư, công chứng viên trước khi được bổ nhiệm Thừa phát lại (tối đa 02 điểm), cụ thể:

- Từ đủ 03 năm đến dưới 05 năm: 01 điểm;

- Từ đủ 05 năm đến dưới 10 năm: 1,5 điểm;

- Từ đủ 10 năm trở lên: 02 điểm.

d) Thừa phát lại đã có kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của Văn phòng (tối đa 05 điểm), cụ thể:

- Từ đủ 01 năm đến dưới 03 năm: 1,5 điểm.

- Từ đủ 03 năm đến dưới 05 năm: 2,5 điểm.

- Từ đủ 05 năm trở lên: 05 điểm.

2. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại:

Tối đa 09 điểm, trong đó:

a) Số lượng thư ký nghiệp vụ: mỗi thư ký nghiệp vụ được tính 01 điểm.

b) Mỗi thư ký nghiệp vụ được cộng tối đa 02 điểm nếu thuộc các trường hợp sau đây:

- Có thời gian làm công tác pháp luật (tính từ ngày có bằng cử nhân Luật) từ 03 năm trở lên: 01 điểm.

- Đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại: 01 điểm.

3. Nhân sự phụ trách kế toán:

Tối đa 02 điểm, trong đó:

a) Trình độ của nhân viên làm kế toán:

- Có trình độ đại học chuyên ngành kế toán: 01 điểm.

- Có trình độ dưới đại học chuyên ngành kế toán: 0,5 điểm.

b) Thời gian công tác kế toán của Nhân viên làm kế toán:

a) Dưới 02 năm: 0,5 điểm;

b) Từ 02 năm trở lên: 01 điểm.

4. Nhân sự phụ trách công nghệ thông tin:

Tối đa 02 điểm, trong đó:

a) Trình độ của nhân viên làm công nghệ thông tin:

- Có trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin: 01 điểm.

- Có trình độ dưới đại học chuyên ngành công nghệ thông tin: 0,5 điểm.

b) Thời gian công tác công nghệ thông tin của Nhân viên làm công nghệ thông tin:

a) Dưới 02 năm: 0,5 điểm;

b) Từ 02 năm trở lên: 01 điểm.

5. Nhân sự phụ trách lưu trữ:

Tối đa 02 điểm, trong đó:

a) Trình độ của nhân viên làm lưu trữ:

- Có trình độ đại học chuyên ngành lưu trữ: 01 điểm.

- Có trình độ dưới đại học chuyên ngành lưu trữ: 0,5 điểm.

b) Thời gian công tác lưu trữ của Nhân viên làm lưu trữ:

a) Dưới 02 năm: 0,5 điểm;

b) Từ 02 năm trở lên: 01 điểm.

Điều 5. Tiêu chí về trụ sở của Văn phòng

Tổng số điểm đánh giá cho tiêu chí về trụ sở của Văn phòng do Thừa phát lại thành lập: tối đa 30 điểm.

1. Vị trí dự kiến đặt trụ sở của Văn phòng:

Tối đa 02 điểm, trong đó:

a) Nằm trên đường nhánh (đường nối vào đường chính): 01 điểm

b) Nằm trên đường chính: 02 điểm.

2. Diện tích trụ sở của Văn phòng (không bao gồm diện tích để xe, kho lưu trữ):

Tối đa 10 điểm, trong đó:

a) Từ 80 m2 đến dưới 100m2: 02 điểm;

b) Từ 100 m2 đến dưới 120 m2: 04 điểm;

c) Từ 120 m2 đến dưới 150 m2: 06 điểm;

d) Từ 150 m2 đến dưới 200 m2: 08 điểm;

đ) Từ 200 m2 trở lên: 10 điểm.

3. Tính pháp lý của trụ sở Văn phòng:

Tối đa 08 điểm, trong đó:

a) Trụ sở Văn phòng do Thừa phát lại ký hợp đồng thuê hoặc hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật và có thời hạn thuê (hoặc thời hạn được sử dụng) từ đủ 02 năm trở lên: 02 điểm.

b) Trụ sở Văn phòng do Thừa phát lại ký hợp đồng thuê hoặc hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật và có thời hạn thuê (hoặc thời hạn được sử dụng) từ 03 năm trở lên: 03 điểm.

c) Trường hợp trụ sở của Văn phòng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Trưởng Văn phòng hoặc Thừa phát lại hợp danh: 08 điểm.

4. Điều kiện thực hiện các quy định về an ninh trật tự và an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ:

Tối đa 05 điểm, trong đó:

a) Diện tích làm địa điểm để giữ xe cho khách hàng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông:

- Dưới 30m2: 02 điểm.

- Từ 30m2 trở lên: 03 điểm.

- Diện tích để xe ngoài khuôn viên đất trụ sở Văn phòng (cách trụ sở Văn phòng ≤ 100m) thì được tính 50% số điểm với diện tích tương ứng nêu trên.

b) Văn phòng có phương án phòng chống cháy nổ đảm bảo khả thi, đúng quy định của pháp luật: 02 điểm.

5. Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin:

Tối đa 05 điểm, trong đó:

a) Có phương án trang bị máy tính cho Trưởng văn phòng, Thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ; máy photocopy, máy fax, thiết bị ghi âm, ghi hình, đo vẽ và các trang thiết bị cần thiết khác đảm bảo cho hoạt động của Văn phòng: tối đa 03 điểm.

b) Có phương án kết nối internet và phần mềm quản lý nghiệp vụ, quản lý kế toán: tối đa 02 điểm.

Điều 6. Tiêu chí về quy trình nghiệp vụ của Văn phòng

Tổng số điểm đánh giá cho tiêu chí về quy trình nghiệp vụ của Văn phòng tối đa 10 điểm.

1. Xây dựng quy trình nghiệp vụ Thừa phát lại chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật:

Tối đa 06 điểm, trong đó:

a) Quy trình tống đạt hồ sơ, tài liệu; quy trình xác minh điều kiện thi hành án; quy trình lập vi bằng; quy trình thi hành án dân sự: 01 điểm/quy trình.

b) Quy trình tiếp khách hàng, giải quyết khiếu nại của khách hàng; quy trình kiểm tra, giám sát hoạt động nội bộ: 01 điểm/quy trình.

2. Xây dựng quy trình về lưu trữ hồ sơ; quản lý tài chính và các quy trình khác:

Tối đa 04 điểm, trong đó:

a) Quy trình về lưu trữ hồ sơ: 02 điểm.

b) Quy trình quản lý tài chính và các quy trình khác: 02 điểm.

Điều 7. Tiêu chí khả năng quản trị Văn phòng

Tổng số điểm đánh giá cho tiêu chí khả năng quản trị Văn phòng tối đa 05 điểm.

1. Trưởng Văn phòng có bằng cấp hoặc giấy tờ chứng minh đã qua lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức về quản trị doanh nghiệp hoặc quản trị văn phòng: 2,5 điểm.

2. Trưởng Văn phòng đã từng làm các chức vụ quản lý doanh nghiệp (Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên) hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên 01 năm: 2,5 điểm.

Điều 8. Tiêu chí về tính khả thi trong triển khai thực hiện

Tổng số điểm đánh giá cho tiêu chí về tính khả thi tối đa 04 điểm.

1. Bản thuyết minh hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng nêu đầy đủ nội dung và chứng minh được sự cần thiết của việc thành lập Văn phòng tại địa phương nơi đặt trụ sở: 02 điểm.

2. Bản thuyết minh hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng xây dựng được nội dung, tiến độ công việc và giải pháp về quản lý, duy trì các nguồn lực về tài chính, nhân lực để đảm bảo Văn phòng hoạt động ổn định và phát triển; dự kiến được kết quả hoạt động và đóng góp của Văn phòng vào công tác thi hành án dân sự, cải cách tư pháp: 02 điểm.

Chương III

TIẾP NHẬN VÀ XÉT DUYỆT HỒ SƠ

Điều 9. Tiếp nhận hồ sơ

1. Sở Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện thông báo, hướng dẫn về việc thành lập Văn phòng, thực hiện tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng.

2. Hết hạn nộp hồ sơ theo thông báo, người nộp không được bổ sung hoặc thay đổi hồ sơ.

Điều 10. Thành lập Tổ xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng

1. Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Tổ xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng gồm 05 thành viên.

Tổ xét duyệt do lãnh đạo Sở Tư pháp làm Tổ trưởng, các thành viên gồm đại diện từ lãnh đạo cấp phòng hoặc tương đương trở lên của các cơ quan: Sở Tư pháp (kiêm Thư ký Tổ xét duyệt), Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Các thành viên Tổ xét duyệt làm việc độc lập, căn cứ vào tiêu chí và thang điểm nêu tại Chương II của Quy định này để chấm điểm từng hồ sơ.

Điều 11. Xét duyệt hồ sơ

1. Điểm của từng hồ sơ là điểm trung bình cộng của các thành viên Tổ xét duyệt tham gia chấm điểm. Trường hợp có thành viên Tổ xét duyệt cho tổng số điểm chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) từ 15% trở lên so với điểm trung bình cộng của các thành viên Tổ xét duyệt tham gia chấm điểm thì điểm của thành viên này không được chấp nhận và kết quả điểm của hồ sơ được tính theo kết quả cho điểm của các thành viên còn lại của Tổ xét duyệt.

2. Việc xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng phải được lập thành biên bản và có đầy đủ chữ ký của các thành viên Tổ xét duyệt.

3. Trường hợp có nhiều hồ sơ bằng điểm nhau thì hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng được chọn theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a) Ưu tiên 1: Hồ sơ có tổng điểm của các tiêu chí về nhân sự cao hơn;

b) Ưu tiên 2: Hồ sơ có tổng điểm của các tiêu chí về hình thức hoạt động và trụ sở cao hơn;

c) Ưu tiên 3: Hồ sơ có tổng điểm của các tiêu chí về quy trình nghiệp vụ, kỹ năng quản lý và tính khả thi trong triển khai thực hiện cao hơn.

4. Căn cứ vào kết quả số điểm của hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc cho phép thành lập Văn phòng theo quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm thực hiện

1. Sở Tư pháp có trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện Quy định này và tham mưu giải quyết các vấn đề phát sinh trong triển khai thực hiện. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thẩm định, xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

2. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp triển khai Quy định này.

Điều 13. Sửa đổi, bổ sung Quy định

Trong quá trình thực hiện, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy định phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương./.