Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1508/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 26 tháng 6 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI GIÁO DỤC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG, GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 52/2006/NQ-HĐND Hội đồng nhân dân ngày 21 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV, kỳ họp thứ 8 về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Quyết định số 50/2006/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Bình giai đoạn từ 2006 đến 2010 và định hướng đến 2015;

Căn cứ Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 5 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ''Quy định về trình tự, thủ tục chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non dân lập; cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập'';

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình, tại Tờ trình số 995/TTr-SGD&ĐT ngày 09 tháng 6 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2015 với những nội dung chính sau đây:

1. Quan điểm

Quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2015, phục vụ mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên phải đảm bảo:

- Mạng lưới phù hợp với sự phân bố dân cư trên địa bàn các vùng miền;

- Đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên tất cả các vùng miền;

- Đáp ứng mục tiêu xây dựng trường THPT đạt chuẩn và mục tiêu phổ cập giáo dục trung học của tỉnh, mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS;

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.

2. Mục tiêu

Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới giáo dục trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh đồng bộ, có cơ sở hạ tầng phù hợp, có môi trường và chất lượng giáo dục tốt, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong giáo dục.

3. Các chỉ tiêu

a) Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT:

Đối với các huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa: Chủ yếu là học sinh công lập; tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập đạt bình quân hàng năm từ 70 - 75 %;

- Đối với các huyện chưa có trường tư thục: Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập đạt bình quân từ 60 - 65 %;

- Đối với các huyện, thành phố có trường tư thục: Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập đạt bình quân từ 60 - 65 %; tỷ lệ vào tư thục đạt bình quân từ 10 - 15 %.

b) Tỷ lệ tuyển sinh vào bổ túc THPT và bổ túc THPT có nghề:

Đảm bảo tỷ lệ học sinh học bổ túc THPT, bổ túc THPT có nghề, học nghề tại các trung tâm, trường nghề huyện, thành phố và trung cấp chuyên nghiệp, bình quân đạt từ 25 - 30% so với số học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm, nhằm thực hiện phân luồng và tạo tiền đề thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục trung học toàn tỉnh vào năm 2015.

4. Định hướng phát triển

4.1. Định hướng chung:

Hệ thống mạng lưới giáo dục trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên định hướng đến 2015, phải đảm bảo sự kế thừa các ưu điểm của định hướng ''Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng 2015'' đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 50/2006/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2006.

Định hướng chung phải đảm bảo theo hướng phát triển hợp lý giữa các vùng miền: Thành phố, thị trấn, đồng bằng, vùng miền núi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, vùng bãi ngang; gắn với việc phát triển dân số, nhu cầu học tập và thu nhập của các tầng lớp dân cư trong từng vùng miền, địa bàn.

Từ nay đến năm 2015, ưu tiên phát triển các trường công lập tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, vùng nhân dân có thu nhập thấp, đồng thời phát triển các trường tư thục ở các khu trung tâm đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn), nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và không ngừng đáp ứng nhu cầu học tập của người học theo dịch vụ chất lượng cao.

4.2. Định hướng tổ chức không gian hệ thống giáo dục trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên:

4.2.1. Mạng lưới giáo dục các trường trung học phổ thông:

4.2.1.1. Huyện Minh Hóa:

Hiện nay có 3 trường THPT, THCS và THPT công lập. Hệ thống mạng lưới hiện tại là tương đối hợp lý.

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, dự kiến năm học 2010 - 2011 sẽ nâng cấp Trường THCS Dân tộc nội trú Minh Hóa, thành Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú huyện, nhằm tăng tỷ lệ huy động học sinh dân tộc ở huyện Minh Hóa vào học THCS và THPT, tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố phổ cập giáo dục THCS, thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục trung học vào năm 2015.

4.2.1.2. Huyện Tuyên Hóa:

Có 4 trường THPT, THCS và THPT công lập. Việc phân bố hệ thống các trường THPT hiện nay là tương đối hợp lý. Vì vậy, giữ nguyên hiện trạng vị trí, loại hình các trường trên địa bàn theo quy hoạch cũ.

4.2.1.3. Huyện Quảng Trạch:

Có 3 trường THPT công lập và 3 trường THPT bán công. Với hệ thống mạng lưới hiện tại, cần có sự sắp xếp lại để có sự phù hợp hơn.

Hướng quy hoạch như sau:

+ Vùng Nam Quảng Trạch: Có 5 xã thuộc bãi ngang, vùng công giáo (Quảng Minh, Quảng Lộc, Quảng Hải, Quảng Minh, Quảng Văn), thu nhập người dân thấp. Do đó, hệ thống giáo dục trung học phổ thông ở đây giữ nguyên quy hoạch cũ là 2 trường, với loại hình công lập.

+ Vùng Bắc Quảng Trạch: Có 9 xã, trong đó 2 xã thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Quảng Hợp, Quảng Châu) và 3 xã thuộc bãi ngang (Quảng Đông, Quảng Hưng, Quảng Phú); đa số người dân có thu nhập thấp, nên sẽ sáp nhập Trường THPT Bán công Bắc Quảng Trạch vào Trường THPT số 3 Quảng Trạch.

+ Vùng trung tâm huyện Quảng Trạch: Giữ nguyên hệ thống 2 trường THPT. Tuy nhiên, thị trấn Ba Đồn trong tương lai sẽ nâng cấp thành thị xã. Do đó, sẽ chuyển Trường THPT Bán công Quảng Trạch sang tư thục, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của các gia đình có thu nhập khá trong vùng và huyện;

4.2.1.4. Huyện Bố Trạch:

Có 6 trường THPT, THCS và THPT (với 5 công lập, 01 bán công).

Hướng quy hoạch: Sẽ chuyển Trường THPT Bán công Bố Trạch sang tư thục, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em các gia đình có thu nhập khá trong thị trấn Hoàn Lão và huyện. Các trường THPT, THCS và THPT còn lại giữ nguyên theo quy hoạch cũ. Trong tương lai (dự kiến sau 2015), khi Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng phát triển, sẽ thành lập 01 trường THPT tư thục tại khu vực này.

4.2.1.5. Thành phố Đồng Hới:

Có 5 trường THPT (04 công lập, 01 bán công, trong đó có 01 trường chuyên và 01 trường PTDTNT tỉnh tuyển học sinh trên địa bàn toàn tỉnh).

Hướng quy hoạch: Chuyển Trường Bán công Đồng Hới sang tư thục. Hệ thống trường còn lại là công lập và giữ theo quy hoạch cũ.

4.2.1.6. Huyện Quảng Ninh:

Có 3 trường THPT (01 bán công, 02 công lập).

Hướng quy hoạch: Chuyển Trường THPT Bán công Quảng Ninh sang công lập, toàn huyện sẽ có 3 trường công lập. Trong tương lai (sau 2015), dự kiến sẽ có trường tư thục tại thị trấn Quán Hàu, nhằm đáp ứng nhu cầu của các gia đình có thu nhập khá; khi đó sẽ điều chỉnh, sắp xếp lại hệ thống trường THPT trên địa bàn của huyện.

4.2.1.7. Huyện Lệ Thủy:

Có 6 trường (05 công lập, 01 bán công).

Hướng quy hoạch: Chuyển Trường THPT Bán công Lệ Thủy sang tư thục; chia tách Trường THCS và THPT Dương Văn An thành Trường THPT Dương Văn An và THCS Thanh Thủy, kết hợp với việc điều chỉnh quy mô lớp ở mỗi trường phù hợp với từng địa bàn, khu vực. Hệ thống các trường còn lại (Trần Hưng Đạo, Lệ Thủy, Kỹ thuật Lệ Thủy, Hoàng Hoa Thám giữ nguyên theo quy hoạch cũ).

4.2.3. Mạng lưới các trung tâm GDTX và KTTH - HN huyện, thành phố:

4.2.3.1. Trung tâm GDTX huyện, thành phố

Trong thời gian qua, các trung tâm GDTX huyện, thành phố cơ bản thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Bộ GD và ĐT, về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDTX huyện, thành phố; đã tổ chức các lớp xóa mù chữ và sau xóa mù chữ cho hàng ngàn lượt người; dạy bổ túc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cho hàng ngàn học sinh không có cơ hội học tập phổ thông, góp phần củng cố, duy trì phổ cập tiểu học - chống mù chữ, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS và từng bước thực hiện phổ cập giáo dục trung học trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, các trung tâm GDTX còn tổ chức được các lớp liên kết đào tạo vừa làm vừa học, góp phần tham gia đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cho các huyện, thành phố.

4.2.3.2. Trung tâm KTTH - HN các huyện, thành phố:

Thời gian qua đã tập trung vào các nhiệm vụ hướng nghiệp dạy nghề phổ thông, liên kết đào tạo và đào tạo chứng chỉ; riêng Trung tâm KTTH - HN Đồng Hới, đã mở bổ túc THPT kết hợp liên kết đào tạo với trường nghề của tỉnh, để dạy nghề dài hạn cho hàng trăm học sinh. Đây là một mô hình cần được mở rộng, phát triển, nhằm đáp ứng thiết thực nhu cầu phân luồng học sinh sau THCS và nhu cầu đào tạo nghề cho lực lượng trong độ tuổi lao động.

4.2.3.3. Hướng quy hoạch:

a) Hiện nay 2 trung tâm này có nhiều điểm trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; mặt khác nhiệm vụ XMC và duy trì phổ cập tiểu học - chống mù chữ, không còn bức bách như thời gian trước đây; quy mô đào tạo, nhất là đào tạo bổ túc THPT có xu hướng giảm; trong khi đó, mô hình bổ túc THPT kết hợp với dạy nghề dài hạn là xu thế, nguyện vọng của nhiều học sinh hệ bổ túc THPT, đồng thời là điều kiện tốt nhất để thực hiện phân luồng sau THCS, thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục trung học, nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo;

Trong khi đó, tại các trung tâm KTTH - HN, công tác hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông chủ yếu dựa vào giáo viên các trường phổ thông, đội ngũ giáo viên trung tâm KTTH - HN chủ yếu tập trung làm nhiệm vụ tư vấn, giám sát việc hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông. Với thực tế đó, nhiều trung tâm KTTH - HN các huyện, thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nếu không có sự liên kết với các trung tâm GDTX.

Vì vậy, sắp xếp hệ thống các trung tâm GDTX, KTTH - HN huyện, thành phố trong xu thế phát triển của sự nghiệp giáo dục hiện nay là cần thiết, nhằm:

- Đáp ứng nhu cầu của xã hội về mô hình học bổ túc THPT kết hợp dạy nghề dài hạn, phục vụ yêu cầu cấp bách hiện nay về đào tạo nghề, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, góp phần nâng cao tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề.

- Giảm đầu mối và giảm biên chế quản lý, nhưng không ảnh hưởng đến nhiệm vụ và chức năng hoạt động theo quy định của 2 trung tâm;

- Tạo sức mạnh tổng hợp, khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún về đội ngũ, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo.

b) Hướng quy hoạch: Sáp nhập hai trung tâm GDTX và KTTH - HN của các huyện, thành phố thành trung tâm GDTX - HN. Cụ thể, sau khi sáp nhập sẽ có các trung tâm GDTX - HN sau:

- Trung tâm GDTX - HN Minh Hóa;

- Trung tâm GDTX - HN Tuyên Hóa;

- Trung tâm GDTX - HN Quảng Trạch;

- Trung tâm GDTX - HN Bố Trạch;

- Trung tâm GDTX - HN Đồng Hới;

- Trung tâm GDTX - HN Quảng Ninh;

- Trung tâm GDTX - HN Lệ Thủy.

Khi sáp nhập, sẽ chọn địa điểm thuận lợi làm địa điểm của trung tâm GDTX - HN, các địa điểm còn lại của các trung tâm GDTX, KTTH - HN không được chọn làm địa điểm trung tâm mới, sẽ là cơ sở 2 thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của trung tâm mới (GDTX - HN) hoặc sẽ bàn giao cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chuyển giao cho các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn sử dụng.

5. Lộ trình thực hiện

5.l. Giai đoạn 2009 - 2010:

a) Giáo dục THPT:

- Chuyển các đơn vị sau đây sang công lập: Sáp nhập Trường THPT Bán công Bắc Quảng Trạch vào Trường THPT số 3 Quảng Trạch;

- Chuyển Trường THPT Bán công Đồng Hới sang trường tư thục.

b) Giáo dục thường xuyên và KTTH - HN:

- Sáp nhập các trung tâm KTTH - HN huyện Lệ Thủy, Minh Hóa vào Trung tâm GDTX huyện Lệ Thủy, Minh Hóa, thành Trung tâm GDTX - HN Lệ Thủy, Minh Hóa.

5.2. Giai đoạn 2011 - 2015:

a) Giáo dục THPT:

- Chuyển Trường THPT Bán công Nam Quảng Trạch, Bán công Quảng Ninh sang công lập;

- Chuyển các Trường THPT Bán công Quảng Trạch, Bán công Bố Trạch, Bán công Lệ Thủy sang tư thục.

b) Giáo dục thường xuyên và KTTH - HN:

- Sáp nhập các trung tâm KTTH - HN vào TTGDTX của các huyện, thành phố còn lại.

6. Các giải pháp, cơ chế chính sách chủ yếu

6.1. Giải pháp về tổ chức thực hiện:

- Trên cơ sở các cơ chế, chính sách của Nhà nước, các sở, ban ngành cụ thể hóa cơ chế, chính sách liên quan trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai... tạo thuận lợi cơ bản cho việc thực hiện quy hoạch theo lộ trình;

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch; công tác quản lý quy hoạch tỉnh, huyện cần phải được phân cấp cụ thể từ bước xây dựng đến bước thực hiện quy hoạch, kể cả phân cấp xây dựng và triển khai các dự án theo chức năng quản lý ngành của các sở, ban, ngành trong tỉnh.

- Công khai hóa quy hoạch đã phê duyệt; tổ chức tuyên truyền, quảng cáo, thu hút sự chú ý của toàn dân, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để huy động tham gia thực hiện quy hoạch. Đồng thời thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Triển khai quy hoạch vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Kế hoạch hàng năm phải bám vào các mục tiêu quy hoạch đã được duyệt và tiến độ phải thực hiện trong từng thời kỳ.

- Giám sát việc thực hiện đầu tư phát triển theo quy hoạch. Cuối mỗi kỳ quy hoạch cần tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch của từng thời kỳ, điều chỉnh và bổ sung lại mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế.

6.2. Giải pháp về huy động vốn đầu tư:

Xây dựng hệ thống quỹ đầu tư phát triển quy hoạch phát triển giáo dục trung học và GDTX; xây dựng cơ chế phát triển quy hoạch bằng nhiều nguồn vốn theo hướng khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài Nhà nước (các nguồn đầu tư của các nhà tài trợ, doanh nghiệp, tổ chức tập thể, cá nhân...).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch; cụ thể hóa các chủ trương, nhiệm vụ thành các chương trình đề án trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện; kiểm tra, tổng hợp báo cáo, đánh giá kết quả và tiến độ thực hiện; định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ GD - ĐT.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở GD và ĐT và các sở, ban, ngành liên quan cân đối nguồn lực đầu tư hàng năm để ưu tiên thực hiện Quy hoạch. Xúc tiến đầu tư các công trình giáo dục nhằm kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trường phổ thông tư thục, công lập, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở KH và ĐT, Sở GD và ĐT bố trí đủ ngân sách, xây dựng cơ chế chính sách thực hiện mục tiêu chuyển đổi và sáp nhập các cơ sở giáo dục; khuyến khích các thành phần kinh tế - xã hội đầu tư cho giáo dục, nhất là cho mục tiêu phổ cập, mục tiêu phân luồng và phát triển trường tư thục.

4. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở LĐTB và XH, Sở GD và ĐT, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các ban ngành liên quan trong việc xây dựng chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng công chức, viên chức, ban hành các chế độ chính sách để thực hiện Quy hoạch.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở GD và ĐT hướng dẫn lập quy hoạch; rà soát, điều chỉnh bổ sung việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cơ sở giáo dục, nhằm đảm bảo đủ quỹ đất cho các trường, cơ sở thực hiện mục tiêu phát triển, mục tiêu chuyển đổi, đồng thời dành quỹ đất dự phòng cho các cơ sở dự kiến phát triển theo Quy hoạch trong các giai đoạn tiếp theo.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố cụ thể hóa nội dung Quy hoạch, để chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện trong lĩnh vực dạy nghề. Thể chế hóa vai trò, chức năng của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xã hội hoá giáo dục trong lĩnh vực dạy nghề, góp phần phân luồng học sinh và tạo tiền đề từng bước thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục trung học.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Có trách nhiệm đối chiếu các mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục của địa phương với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên của ngành giai đoạn 2006 - 2015, để có sự điều chỉnh phù hợp. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện các mục tiêu chuyển đổi, sáp nhập đồng thời chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp huyện và tỉnh về kết quả thực hiện Quy hoạch nơi địa phương mình quản lý.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này (kèm theo Phụ lục I)./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giáo dục & Đào tạo;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban VHXH-HĐND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, NC-VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Công Thuật

 


PHỤ LỤC I

DỰ KIẾN QUY MÔ HỌC SINH, LỚP KHỐI THPT - LỚP 10 QUA CÁC NĂM

TT

HUYỆN, THÀNH PHỐ

Dân số năm 2007

Tổng số xã thuộc chính sách

Số trường THPT, THCS và THPT năm 2009

Quy mô học sinh năm học 2008 - 2009

L10 năm 2008

Dự kiến số học sinh lớp 9
tham gia tuyển sinh vào lớp 10 qua các năm

GHI CHÚ
(số HS học ở trường DTNT, Chuyên tỉnh năm 2008)

Tổng số

Chia ra

Tổng số

Chia ra

% đi học so D.số

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

135

Bãi ngang

CL

BC

1

Minh Hóa

45699

10

10

 

3

1774

1774

0

3,9

16

931

843

948

937

791

770

776

145 học DTNT

2

Tuyên Hóa

81414

8

8

 

4

4722

4127

595

5,8

37

1778

197

1796

1756

1541

1338

1329

5 học DTNT

3

Quảng Trạch

205187

12

4

8

6

9002

5232

3770

4,4

69

4326

4522

4152

4152

3846

3650

3660

20 học Chuyên

4

Bố Trạch

176540

7

5

2

6

7789

5566

2223

4,4

58

3699

4100

3749

3528

3134

2964

3120

30 học DTNT 50 học Chuyên

5

Đồng Hới

107187

0

0

0

5

5174

3137

2037

4,8

45

1917

1904

1681

1779

1414

1440

1410

220 học Chuyên

6

Quảng Ninh

92315

3

2

1

3

4373

2921

1452

4,7

32

1905

1890

1635

1576

1366

1292

1252

20 học DTNT 15 học Chuyên

7

Lệ Thủy

146576

11

3

8

6

6731

4850

1881

4,6

51

3397

3238

2907

2906

2750

2562

2455

80 học DTNT

 

Cộng

854918

51

32

19

33

39565

27607

11958

4,6

308

17953

16694

16868

16634

14842

14016

14002

 

 

 

Dự kiến tỷ lệ tuyển sinh vào L10 hàng năm 72%

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

* Tổng số HS lớp 10 tuyển mới qua các năm:

 

 

 

 

12926

12020

12145

11976

10686

10092

10081

 

 

 

* Số lớp 10 tuyển mới qua các năm:

 

 

 

 

287

267

270

266

237

224

224

 

 

 

* Số lớp 10 tăng, giảm qua các năm:

 

 

 

 

-21

-20

3

-4

-29

-13

0

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1508/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2015

  • Số hiệu: 1508/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/06/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Công Thuật
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản