Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2023/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 01 tháng 3 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;

Căn cứ Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 4853/TTr-STNMT ngày 23/12/2022 (kèm Báo cáo thẩm định số 450/BC-STP ngày 03/12/2022 của Sở Tư pháp); sau khi lấy Phiếu biểu quyết đồng ý của các Thành viên UBND tỉnh (qua Phần mềm Điện tử TD).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 3 năm 2023.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Tổng cục Môi trường;
- Website Chính phủ;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh và các cơ quan đoàn thể cấp tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh, PCVP UBND tỉnh;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PTTH tỉnh;
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu: VT, NC, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Lĩnh

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2023/QĐ-UBND ngày 01 tháng 03 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này chi tiết việc phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có các hoạt động liên quan đến phát sinh, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ được hiểu như sau:

1. Cơ quan, tổ chức phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trong Quy định này bao gồm cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, chủ dự án đầu tư, ban quản lý khu đô thị, khu chung cư, tòa nhà văn phòng có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt và hoạt động văn phòng.

2. Khu vực công cộng trong quy định này bao gồm công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, đền chùa, miếu mạo, khu di tích lịch sử, khu tưởng niệm, danh lam thắng cảnh, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, nhà văn hóa, sân vận động và khu vực công cộng khác.

3. Điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt là nơi chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt từ các loại phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thải, khu vực công cộng, quét dọn vệ sinh đường phố để chuyển sang phương tiện chuyên dùng vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến khu xử lý.

4. Trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt là nơi để tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt được thu gom từ nguồn phát sinh và tập kết trong thời gian không quá 48 giờ trước khi chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển đến nơi xử lý.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý chất thải rắn sinh hoạt

1. Theo các nguyên tắc chung của pháp luật hiện hành về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

2. Quản lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động làm phát sinh chất thải rắn sinh hoạt.

3. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm hạn chế phát sinh chất thải rắn sinh hoạt; phân loại tại nguồn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh phù hợp với mục đích quản lý, xử lý và chi trả giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan.

4. Cơ quan, tổ chức có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân.

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

Mục 1. PHÂN LOẠI, THU GOM, LƯU CHỨA CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

Điều 5. Phân loại chất thải rắn sinh hoạt

1. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ cá nhân, hộ gia đình được phân loại phù hợp với mục đích quản lý, xử lý theo các loại sau:

a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế gồm các vật dụng, dụng cụ, đồ dùng làm bằng nhựa, kim loại, giấy bị thải bỏ và các loại chất thải vô cơ có khả năng tái sử dụng, tái chế khác.

b) Chất thải thực phẩm gồm thức ăn dư thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng, hư hỏng; các phần rau, củ, quả, thực phẩm thải bỏ từ việc sơ chế, chế biến; rác làm vườn và các loại rác dễ phân hủy khác.

c) Chất thải rắn sinh hoạt khác gồm các loại chất thải rắn còn lại ngoài hai loại quy định tại điểm a, điểm b khoản này, có đặc tính khó phân hủy và không có khả năng sử dụng hoặc chế biến lại, bao gồm cả chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt theo quy định tại điểm d khoản này.

d) Chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt gồm các sản phẩm có thành phần nguy hại bị thải bỏ như pin thải, ắc quy thải, bóng đèn huỳnh quang hư hỏng; sơn, mực in, chất kết dính thải, nhựa thải có thành phần nguy hại; dầu mỡ thải, dẻ lau dính dầu mỡ tra máy móc, thiết bị; hóa chất, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại; thiết bị, linh kiện điện tử thải có thành phần nguy hại và các chất thải khác theo danh mục tại phụ lục III (bảng C, mã 16) ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

2. Khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt theo cách sau:

a) Phân loại rác tái chế thành nhiều loại tùy theo nhu cầu và mục đích tái chế, tái sử dụng. Khuyến khích đổ hết chất thải lỏng hoặc thực phẩm có trong bao bì, hộp, chai lọ… trước khi phân loại đưa vào chất thải tái chế, tái sử dụng.

b) Đối với những loại chất thải có điểm thu hồi theo quy định của nhà sản xuất cần được thu gom, lưu giữ riêng và vận chuyển đến điểm thu hồi của nhà sản xuất.

c) Phân loại riêng chất thải nguy hại từ chất thải rắn sinh hoạt khác; lưu chứa chất thải nguy hại trong thiết bị riêng có nắp đậy và chuyển giao đến điểm tập kết chất thải nguy hại chung của xã/phường/thị trấn (nếu có) hoặc chuyển giao theo quy định của địa phương.

d) Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm thức ăn chăn nuôi hoặc ủ làm phân hữu cơ hoặc làm chất cải tạo đất.

e) Tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải thành các vật dụng hữu ích trong gia đình.

3. Quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại khoản 1 Điều này phải được thực hiện chậm nhất từ ngày 31 tháng 12 năm 2024. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại tại nguồn; không đóng nộp hoặc đóng nộp không đầy đủ giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; không sử dụng bao bì đúng quy định (trừ trường hợp hộ gia đình sử dụng loại bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường). Đồng thời, khi phát hiện hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định thì cơ sở thu gom, vận chuyển có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Các cơ quan, tổ chức theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy định này nếu có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có khối lượng từ 300kg trở lên hoặc nhỏ hơn 300kg mà không lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Quy định này thì phải chuyển giao cho cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải có chức năng phù hợp hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển để vận chuyển đến cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải theo quy định.

Điều 6. Thu gom, lưu chứa, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại

1. Chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại nơi phát sinh phải được thu gom trong bao bì đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại khoản 2 Điều 30 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.

2. Việc sử dụng bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt được quy định như sau:

a) Bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt chuyên biệt:

- Được sản xuất bởi cơ sở sản xuất và phân phối do Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu hoặc đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 30 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.

- Có quy cách, kiểu dáng, kích thước cụ thể, thể tích khác nhau để đảm bảo dễ dàng phân biệt với các loại bao bì thông thường khác.

- Có màu sắc khác nhau để chứa đựng các loại chất thải rắn khác nhau: bao bì đựng chất thải thực phẩm có màu xanh; bao bì đựng chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế có màu đỏ; bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt khác có màu vàng; bao bì đựng chất thải nguy hại có màu đen.

- Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xác định giá bán bao bì trên cơ sở giá thành sản xuất bao bì và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Mỗi loại bao bì có thể tích khác nhau, màu sắc khác nhau tương ứng với mức giá khác nhau.

Việc áp dụng quy định về sử dụng bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt chuyên biệt thực hiện sau khi có văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh chưa có văn bản quy định bắt buộc sử dụng bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt chuyên biệt theo quy định tại điểm a khoản này thì cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì thông thường để đựng chất thải rắn sinh hoạt. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện lựa chọn bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại như sau:

- Sử dụng bao bì có màu sắc phân biệt để đựng các loại chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại, chất liệu bao bì có thể nhìn thấy loại chất thải đựng bên trong.

- Bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt có thiết kế dễ buộc, dễ mở, bảo đảm chất thải rắn sinh hoạt không rơi vãi, không rò rỉ nước rỉ từ chất thải và thuận tiện cho việc kiểm tra.

- Khuyến khích việc sử dụng bao bì dễ phân hủy sinh học để chứa đựng chất thải thực phẩm.

3. Bao bì đựng chất thải theo từng loại phải được lót trong các thiết bị lưu chứa riêng biệt đảm bảo lưu giữ an toàn chất thải rắn sinh hoạt trước khi chuyển giao.

4. Các bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển phải được đặt ở các vị trí thích hợp cho việc thu gom, vận chuyển, đảm bảo không rơi vãi, không rò rỉ nước rỉ rác và không phát tán mùi hôi ra môi trường.

5. Phương án chuyển giao đối với chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại:

a) Đối với chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế sau phân loại định kỳ chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu hoặc tập kết cùng với các chất thải khác theo quy định tại khoản 6 Điều này hoặc vận chuyển đến điểm thu gom rác tái chế của cộng đồng theo quy định tại khoản 7 Điều này.

b) Đối với chất thải thực phẩm (còn lại sau khi đã tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân hữu cơ hoặc làm chất cải tạo đất tại hộ gia đình) phải được phân loại riêng để đơn vị quản lý, vận hành hố ủ rác hữu cơ tại địa phương (nếu có) thu gom, sử dụng làm phân hữu cơ hoặc giao cho cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

c) Đối với chất thải rắn khác sau khi phân loại phải được chuyển giao cho cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Khuyến khích việc thu gom riêng chất thải nguy hại trong thành phần chất thải rắn khác đưa về điểm tập kết chung chất thải nguy hại của địa phương (nếu có) theo quy định tại khoản 6 Điều này.

d) Đối với chất thải rắn cồng kềnh: Chủ nguồn thải phải tự thỏa thuận với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt về phương thức vận chuyển, đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh đến nơi tiếp nhận (trạm trung chuyển, điểm tập kết) hoặc khu xử lý. Trong thời gian chờ đơn vị có chức năng đến thu gom, vận chuyển đi xử lý, chủ nguồn thải có trách nhiệm, biện pháp lưu giữ, bảo quản, hạn chế tập kết ra vỉa hè, lòng đường, khu vực công cộng gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông và cảnh quan môi trường xung quanh.

6. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải bố trí 01 điểm tập kết các bao bì đựng chất thải đã phân loại ở vị trí hợp lý để thuận tiện cho việc chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc đến khu xử lý theo quy định của địa phương; điểm tập kết phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến giao thông, cảnh quan khu vực.

7. Khuyến khích mỗi cộng đồng dân cư (thôn/xóm, tổ dân phố) thiết lập ít nhất 01 (một) điểm thu gom rác tái chế (mô hình “ngôi nhà xanh”) với diện tích phù hợp, có mái che, có các ngăn riêng để chứa từng loại rác tái chế và thiết lập một ngăn chứa riêng để chứa chất thải nguy hại tại điểm thu gom rác tái chế. Định kỳ chuyển giao rác tái chế cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế và chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo quy định.

8. Chủ đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, khu chung cư, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình đáp ứng lưu giữ từng loại chất thải rắn đã phân loại; thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại khoản 4 Điều này; tổ chức thu gom hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sinh sống, làm việc tại khu đô thị, khu chung cư, tòa nhà văn phòng nơi mình quản lý thu gom chất thải rắn sinh hoạt phát sinh về tại điểm tập kết đã bố trí trong khuôn viên để chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

9. Khuyến khích các thôn, xóm, tổ dân phố thiết lập tổ giám sát môi trường để kiểm tra, giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt và các hoạt động bảo vệ môi trường khác tại các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

Mục 2. TẬP KẾT, VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

Điều 7. Tập kết chất thải rắn sinh hoạt

1. Căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương (về địa hình, diện tích, giao thông), Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cơ sở cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để bố trí mặt bằng điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tại khoản 2 Điều này.

2. Điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại khoản 1 Điều 26 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các điều kiện sau:

a) Được bố trí ở vị trí thuận lợi đảm bảo kết nối thuận lợi giữa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý; không ảnh hưởng đến giao thông và môi trường khu vực khi chuyển giao chất thải.

b) Điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phải đặt cách công trình nhà ở và các khu vực thường xuyên tập trung đông người ≥ 20m.

c) Quy mô diện tích của điểm tập kết tùy theo bán kính phục vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt, cụ thể:

- Bán kính phục vụ tối đa 500m thì diện tích điểm tập kết tối thiểu là 20m2;

- Bán kính phục vụ tối đa 1km thì diện tích điểm tập kết tối thiểu là 35m2;

- Bán kính phục vụ tối đa 7km thì diện tích điểm tập kết tối thiểu là 50m2.

d) Điểm tập kết tại các đô thị phải được bố trí ở khu vực có diện tích đảm bảo đủ cho phương tiện dừng chờ đổ chất thải.

đ) Tổng thời gian thực hiện chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt trong mỗi ngày không quá 3 giờ và mỗi ca chuyển giao không quá 45 phút, trừ các trường hợp đặc biệt như ngày lễ, ngày tết hoặc sau các đợt lũ lụt thì thời gian thực hiện chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt có thể kéo dài hơn quy định.

e) Điểm tập kết phải bố trí đủ thiết bị lưu chứa đảm bảo cho việc chứa rác đã được phân loại; thiết bị lưu chứa phải đồng bộ và phù hợp với phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt để thuận tiện cho việc chuyển giao chất thải từ thiết bị lưu chứa ở điểm tập kết lên xe chuyên dụng mà không làm rơi vãi, rò rỉ nước thải ra nền điểm tập kết.

g) Đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cần hạn chế đổ chất thải trực tiếp ra nền điểm tập kết và có trách nhiệm thực hiện vệ sinh phun khử mùi khu vực điểm tập kết sau khi kết thúc hoạt động chuyển giao chất thải.

3. Điểm tập kết tạm thời là điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt chỉ sử dụng tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày để chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt; ngoài thời gian đó khu vực này có thể được sử dụng cho mục đích khác. Khuyến khích các khu vực đô thị sử dụng điểm tập kết tạm thời. Các địa phương tùy theo điều kiện thực tế để quy định cụ thể khoảng thời gian sử dụng của từng điểm tập kết tạm thời trên địa bàn mình quản lý.

Điều 8. Trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt

1. Căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương (về địa hình, diện tích, giao thông), Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt lựa chọn, bố trí địa điểm xây dựng Trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu tại khoản 2 Điều này và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

2. Trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT và đáp ứng các điều kiện sau:

a) Trạm trung chuyển quy hoạch phải có tường bao, mái che, hệ thống thu gom, xử lý nước thải và trồng cây xanh xung quanh để khử mùi đảm bảo không phát tán chất ô nhiễm ra môi trường xung quanh.

b) Đảm bảo yêu cầu tiếp nhận và vận chuyển hết khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trong phạm vi bán kính thu gom đến cơ sở xử lý trong thời gian không quá 48 giờ.

c) Quy mô trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt tùy theo bán kính phục vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt, cụ thể:

- Bán kính phục vụ tối đa 10km thì diện tích trạm trung chuyển tối thiểu là 500m2;

- Bán kính phục vụ tối đa 15km thì diện tích trạm trung chuyển tối thiểu là 3000m2;

- Bán kính phục vụ tối đa 30km thì diện tích trạm trung chuyển tối thiểu là 5000m2.

d) Trạm trung chuyển phải đảm bảo mỹ quan, không gây ô nhiễm môi trường đất, không khí và nguồn nước trong quá trình vận hành.

3. Sở Xây dựng nghiên cứu mô hình công nghệ trạm trung chuyển ngầm, bán ngầm hoặc ngầm hóa một số hạng mục công trình để áp dụng tại các khu vực đô thị nhằm tiết kiệm diện tích sử dụng đất đồng thời bảo đảm mỹ quan đô thị và không gây ô nhiễm môi trường.

Điều 9. Yêu cầu đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

1. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường quy định tại Điều 27 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các quy định cụ thể sau:

- Trang thiết bị, phương tiện phải đảm bảo yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải;

- Xe chuyên dụng cuốn ép chất thải rắn sinh hoạt phải có thiết bị lưu chứa nước rỉ rác;

- Bảo đảm không rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, rò rỉ nước rỉ rác, phát tán mùi trong quá trình vận chuyển; không gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường trên cung đường vận chuyển;

- Thiết bị lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển và phải bảo đảm lưu giữ an toàn, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ, không ngấm, rò rỉ nước rỉ rác, không rơi vãi chất thải và phát tán mùi ra môi trường;

- Trường hợp thu gom, vận chuyển chung chất thải rắn sinh hoạt trên cùng một thiết bị, phương tiện thì phải có ngăn chứa riêng đảm bảo không để lẫn các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực công cộng và các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đồng bộ với phương tiện vận chuyển chuyên dùng chất thải rắn sinh hoạt.

Điều 10. Yêu cầu đối với cơ sở cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

1. Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có thể trực tiếp thu gom chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn hành chính cấp xã hoặc hợp đồng với các cơ sở thu gom có quy mô, phạm vi hoạt động nhỏ hơn (các hợp tác xã hoặc tổ, đội vệ sinh môi trường) để thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

2. Hình thức thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo một trong hai hình thức:

a) Thu gom trực tiếp từ các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đến cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

b) Thu gom từ các điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển đến cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

3. Các cơ sở cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 61 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ và các trách nhiệm sau:

a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc lựa chọn, xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ nơi phát sinh đến điểm tập kết/trạm trung chuyển phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương (xã/phường/thị trấn) và đảm bảo nguyên tắc:

- Tuyến đường thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo hạn chế tối đa việc đi qua khu dân cư, trường học, bệnh viện, khu du lịch, khu vui chơi, giải trí, công viên.

- Tần suất thu gom tối thiểu 03 lần/tuần đối với khu vực đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn) và 02 lần/tuần đối với khu vực nông thôn. Riêng các phường thuộc nội thành phố, thị xã thu gom hằng ngày.

- Đối với điểm tập kết tạm thời, sau mỗi lần chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt phải thu dọn trả lại mặt bằng sạch sẽ cho khu vực để thực hiện các hoạt động khác.

b) Phải có đủ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy định này.

c) Quản lý, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn được giao; thu gom, quét dọn hằng ngày chất thải rắn sinh hoạt trên đường, hè phố, nơi công cộng;

d) Theo dõi, kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định;

đ) Chỉ ký hợp đồng với chủ cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có đủ năng lực theo quy định và đáp ứng các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường.

Mục 3. XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

Điều 11. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt

1. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Điều 28 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

2. Ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; không khuyến khích xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp.

3. Khuyến khích việc lựa chọn đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung có công suất đáp ứng xử lý chất thải rắn quy mô liên huyện; áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại, ưu tiên lựa chọn công nghệ xử lý có thu hồi năng lượng và thành phần có ích trong chất thải rắn sinh hoạt, không gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Điều 12. Yêu cầu đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt

1. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm và các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản khoản 2 Điều 59 và khoản 1 Điều 62 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Khối lượng, chủng loại, thành phần chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận, xử lý phù hợp với công suất và quy trình, công nghệ xử lý chất thải của cơ sở xử lý chất thải.

3. Xử lý hết lượng chất thải rắn sinh hoạt đã tiếp nhận theo đúng hợp đồng đã ký kết bằng công nghệ đã được phê duyệt.

4. Quản lý, vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy trình công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Triển khai thực hiện chương trình giám sát môi trường tại cơ sở và báo cáo kết quả quan trắc đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định.

5. Xây dựng kế hoạch, chương trình và biện pháp phòng ngừa, ứng cứu sự cố môi trường theo quy định đặc biệt là phương án phòng ngừa ứng phó xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã tiếp nhận trong trường hợp xảy ra sự cố đối với trang thiết bị, máy móc, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại cơ sở mình. Thực hiện công tác báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất và chuyên đề theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc địa bàn phục vụ và sở chuyên ngành quản lý liên quan.

6. Phối hợp với chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự, an toàn của khu vực xử lý và xung quanh cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt được giao quản lý, vận hành.

7. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tùy thuộc vào tình hình thực tiễn tại địa phương và căn cứ theo phạm vi xử lý chất thải rắn sinh hoạt của cơ sở xử lý đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư để lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường và khoản 1 Điều 59 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.

Điều 13. Xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển, bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt

1. Điểm tập kết không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 7, trạm trung chuyển không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy định này và bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã ngừng tiếp nhận rác thải trên địa bàn tỉnh phải được xử lý ô nhiễm, cải tạo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

2. Chủ đầu tư cơ sở quản lý bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 80 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 32 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm rà soát các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn để cải tạo, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 7 Quy định này hoặc đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường trong trường hợp không còn nhu cầu sử dụng hoặc không đáp ứng yêu cầu theo quy định.

4. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm rà soát các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được xây dựng trên địa bàn để cải tạo, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy định này hoặc đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường trong trường hợp không còn nhu cầu sử dụng.

Chương III

QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP ĐẶC THÙ

Điều 14. Quản lý chất thải rắn sinh hoạt nơi công cộng

1. Tổ chức, cá nhân quản lý khu vực công cộng có trách nhiệm sau:

a) Lắp đặt đầy đủ thiết bị để phân loại chất thải rắn sinh hoạt, có nắp đậy đảm bảo không rò rỉ nước thải ra ngoài môi trường; có dán nhãn ký hiệu riêng;

b) Lựa chọn vị trí đặt thùng lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt ở vị trí thuận tiện cho việc thải bỏ rác của du khách, đảm bảo khoảng cách cứ 300m có bố trí 01 cụm thiết bị lưu chứa chất thải gồm chất thải tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải khác;

c) Gắn biển tuyên truyền về giảm thiểu, thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại những khu vực thường phát sinh chất thải rắn sinh hoạt;

d) Hợp đồng để chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo quá trình thu gom, vận chuyển không để lẫn các loại chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại với nhau.

e) Ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy chế về bảo vệ môi trường nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý trong đó có nội dung quy định riêng về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

g) Bố trí nhân lực, đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng trong phạm vi quản lý; định kỳ 01 tháng 01 lần tổ chức ra quân vệ sinh môi trường tại khu vực mình quản lý.

2. Tổ chức, cá nhân đến khu vực công cộng khi làm phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải có trách nhiệm phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt vào thiết bị lưu chứa tại nơi công cộng.

3. Tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực công cộng phải thực hiện trách nhiệm sau:

a) Ký cam kết với Ban quản lý khu vực công cộng chấp hành nghiêm túc quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và bảo vệ môi trường tại khu vực công cộng.

b) Bố trí đủ thiết bị lưu chứa chất thải đảm bảo cho việc phân loại tại các điểm phát sinh trong khu vực kinh doanh dịch vụ của mình; thiết bị phải được dán nhãn phân biệt các loại chất tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải khác.

c) Chủ động thực hiện và hướng dẫn khách mua hàng hóa, dịch vụ thực hiện việc phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

d) Vệ sinh khu vực kinh doanh dịch vụ của mình sau mỗi ngày làm việc.

e) Thực hiện trách nhiệm về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy chế của Ban quản lý khu vực công cộng và các trách nhiệm bảo vệ môi trường khác theo quy định.

Điều 15. Quy định quản lý chất thải nhựa trong sinh hoạt

1. Quản lý chất thải nhựa tại hộ gia đình:

Khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân giảm thiểu chất thải nhựa bằng các cách thức sau:

a) Mang túi, vật dụng từ nhà để đựng sản phẩm, hàng hóa khi đi mua sắm thay cho việc sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần từ nơi bán sản phẩm, hàng hóa.

b) Sử dụng túi ni lông dễ phân hủy sinh học thay thế túi ni lông khó phân hủy sinh học.

c) Sử dụng các đồ dùng gia dụng bằng các vật liệu khác như gỗ, tre, inox, thủy tinh, sành, sứ thay thế cho các đồ dùng gia dụng làm bằng nhựa.

2. Quản lý chất thải nhựa tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ:

Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, quán café, quán ăn vỉa hè, cơ sở kinh doanh du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các nội dung sau:

a) Ký cam kết với Ủy ban nhân dân cấp xã về giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy sinh học;

b) Thay thế dần túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần bằng túi ni lông dễ phân hủy hoặc các sản phẩm thân thiện với môi trường, tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

c) Treo khẩu hiệu, pano và tuyên truyền trực tiếp cho khách mua hàng tại cơ sở kinh doanh dịch vụ của mình về việc giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần;

d) Khuyến khích khách hàng đưa túi, dụng cụ đựng hàng hóa, sản phẩm từ nhà khi đến mua hàng để hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần do cơ sở kinh doanh, dịch vụ cung cấp.

đ) Hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần cho khách sử dụng dịch vụ ăn uống ngay tại cơ sở kinh doanh dịch vụ của mình, trừ trường hợp khách sử dụng loại thực phẩm, đồ uống đã đóng gói sẵn.

e) Đối với những hàng hóa dạng khô phải sử dụng túi giấy, túi vải hoặc túi ni lông dễ phân hủy hoặc các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế dần cho túi ni lông khó phân hủy.

f) Đối với các loại thực phẩm, rau, củ, quả phải sử dụng túi ni lông dễ phân hủy để đựng hàng hóa thay thế dần cho túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

g) Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích hạn chế cấp phát miễn phí túi ni lông khó phân hủy cho khách hàng; niêm yết công khai giá bán túi ni lông khó phân hủy cho khách hàng.

h) Hạn chế dần tiến tới chấm dứt lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch (trừ các sản phẩm, hàng hóa đóng gói sẵn bằng bao bì nhựa khó phân hủy của nhà sản xuất) bắt đầu từ 01/01/2026 theo quy định tại khoản 4 Điều 64 Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Quản lý chất thải nhựa trong cơ quan, văn phòng, công sở

a) Các cơ quan, văn phòng, công sở hạn chế tối đa việc sử dụng nước uống đóng chai nhựa, cốc, ống hút và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động hằng ngày và trong các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn, ngày lễ, ngày kỷ niệm và các chương trình, sự kiện khác do cơ quan tổ chức.

b) Sử dụng túi giấy, cặp giấy để đựng tài liệu hội họp thay thế cho túi cúc dùng một lần.

c) Hạn chế sử dụng băng rôn, áp phích, maket, khẩu hiệu làm bằng chất liệu nhựa trong cơ quan, công sở trừ trường hợp thực sự cần thiết.

d) Bố trí đủ các thiết bị đựng chất thải có khả năng tái chế (bao gồm chất thải rắn sinh hoạt) phân biệt riêng với các thiết bị lưu chứa chất thải rắn khác; thiết bị phải được dán nhãn, ký hiệu riêng, để ở vị trí phù hợp để thuận tiện cho việc thu gom, phân loại.

đ) Ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý chất thải rắn sinh hoạt lồng ghép vào quy chế bảo vệ môi trường trong cơ quan, văn phòng, công sở. Truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt.

e) Định kỳ trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, các cơ quan, văn phòng, công sở báo cáo kết quả thực hiện quy định về quản lý chất thải nhựa phát sinh trong sinh hoạt tại đơn vị mình gửi về Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Quản lý chất thải nhựa trong trường học

a) Chất thải nhựa phát sinh trong trường học chủ yếu là bao ni lông bọc sách vở, bút bi, bút mực bằng nhựa, túi cúc nhựa, các dụng cụ học tập làm bằng nhựa khác bị thải bỏ, vỏ kẹo, bánh, hộp sữa và các sản phẩm nhựa dùng một lần…

b) Sở Giáo dục- Đào tạo chỉ đạo đưa nội dung giáo dục, tuyên truyền về tác hại của chất thải rắn sinh hoạt và việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào Tài liệu giáo dục của các cấp học.

c) Các trường học ở tất cả các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông và các trường nghề phải xây dựng nội quy quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong trường học lồng ghép vào quy chế quản lý và vệ sinh môi trường; tuyên truyền đến từng giáo viên, học sinh, sinh viên và cán bộ, viên chức, người lao động làm việc trong trường để thực hiện nghiêm túc; đưa chỉ tiêu về phân loại chất thải rắn, quản lý chất thải rắn sinh hoạt thành một trong các tiêu chí để bình xét, đánh giá chất lượng rèn luyện của các lớp, các trường.

Các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở: Hằng năm xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình “Kế hoạch nhỏ” (thu gom chất thải có khả năng tái chế).

Các trường trung học phổ thông, đại học, cao đẳng, trung cấp nghề tổ chức các chương trình ngoại khóa để tuyên truyền, vận động và thực hiện các hoạt động về phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu chất thải nhựa;

d) Hạn chế tối đa các hoạt động phát thải chất thải rắn sinh hoạt trong các chương trình, lễ hội, sự kiện tổ chức tại các trường như: thả bóng bay, treo băng rôn, khẩu hiệu, pano bằng nhựa, sử dụng bao ni lông, chai nhựa, áo mưa tiện lợi và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các chương trình lễ hội, các hoạt động ngoại khóa do trường tổ chức.

đ) Các trường học tuyên truyền, khuyến khích giáo viên, học sinh, sinh viên thực hiện các nội dung sau:

- Từ năm học 2023-2024, thực hiện bọc sách vở bằng các loại giấy/bìa giấy không làm từ chất liệu nhựa; hạn chế việc bọc sách, vở bằng ni lông.

- Khi thải bỏ dụng cụ học tập, giảng dạy bằng nhựa phải để đúng nơi quy định, phân loại riêng với chất thải khác.

- Hạn chế sử dụng nước uống đóng chai nhựa trong các cuộc họp phụ huynh hoặc các chương trình hội họp, lễ hội khác trong nhà trường.

5. Quản lý chất thải nhựa trong các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch:

a) Hạn chế việc sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích làm bằng nhựa, thả bóng bay trong các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn tỉnh trừ trường hợp thực sự cần thiết.

b) Kết thúc các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, các cơ quan chủ trì sự kiện phải có trách nhiệm tổ chức thu gom chất thải phát sinh từ hoạt động tổ chức sự kiện, phân loại những sản phẩm còn có khả năng tái sử dụng cho sự kiện khác; các chất thải còn lại phải được thu gom, phân loại riêng chất thải tái chế (bao gồm cả chất thải rắn sinh hoạt) với chất thải khác và chuyển giao chất thải tái chế cho cơ sở có chức năng tái chế chất thải.

Chương IV

KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM TRONG QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

Điều 16. Thanh tra, kiểm tra việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh dịch vụ phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường.

Điều 17. Xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động thải bỏ, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại và chịu các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; tham mưu đề xuất giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

b) Chủ trì lập, thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhu cầu sử dụng đất để đầu tư phát triển khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền; Hướng dẫn công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định;

c) Chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của các cơ sở xử lý, các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường;

d) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn việc cải tạo, phục hồi môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và quy trình đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động;

đ) Hằng năm phối hợp với Sở Tài chính, rà soát nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ cho công tác tuyên truyền, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; tham gia đánh giá năng lực thực hiện các hợp đồng đấu thầu, đặt hàng của các đơn vị thực hiện (gồm cả khối lượng thực hiện và nguồn kinh phí sử dụng) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định;

e) Chịu trách nhiệm chủ trì, theo dõi, tổng hợp về chỉ tiêu phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

2. Sở Xây dựng:

a) Tổ chức thẩm định quy hoạch, thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng cho các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các địa bàn theo phân cấp.

b) Hướng dẫn, tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng công trình thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các khu trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ; chung cư kết hợp với văn phòng; tổ hợp công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp phù hợp với việc phân loại chất thải rắn tại nguồn theo quy định.

c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về chất thải rắn sinh hoạt, quản lý, khai thác, trao đổi, cung cấp thông tin có liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

3. Sở Tài chính:

a) Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí, phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường hằng năm cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

b) Chủ trì thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

c) Phối hợp với các sở, ban ngành hướng dẫn cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa.

d) Hướng dẫn cơ chế tài chính đối với các dự án đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt có sử dụng nguồn vốn ngân sách.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và môi trường và các đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt; tham mưu bố trí vốn từ nguồn vốn đầu tư công để hỗ trợ đầu tư cho các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật đầu tư công và các quy định khác có liên quan;

b) Rà soát, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt bổ sung danh mục các dự án đầu tư thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cần kêu gọi đầu tư;

c) Chủ trì thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định;

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi và địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn chi tiết việc đấu thầu lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn hoặc đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định của Luật Đấu thầu được quy định tại khoản 4 Điều 10 và khoản 7 Điều 12 Quy định này.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung, tài liệu giáo dục về bảo vệ môi trường liên quan đến quản lý phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nhựa để tổ chức tuyên truyền, giáo dục trong các cấp học trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Giao thông vận tải:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn hướng dẫn về tuyến đường chính, thời gian thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết, trạm trung chuyển đến khu xử lý chất thải rắn.

b) Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình, cấp giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu chạy xe; thường xuyên kiểm tra, giám sát trong trong quá trình hoạt động của phương tiện.

7. Sở Công thương:

Xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung tuyên truyền, vận động các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, chợ thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy.

8. Sở Khoa học và Công nghệ:

Nghiên cứu các mô hình, công nghệ, giải pháp kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai ứng dụng trong hoạt động thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

9. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chỉ đạo cơ quan thông tin, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tổ chức tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; giảm thiểu rác thải nhựa.

b) Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các hoạt động về phân loại, tái chế, tái sử dụng, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định.

10. Các sở, ban, ngành khác:

a) Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, thanh tra việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, giải quyết các vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý chuyên ngành đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao;

11. Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

Xây dựng phóng sự tuyên truyền, ghi hình, đưa tin phản ánh kịp thời tình hình triển khai thực hiện quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng tại địa phương; kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân, mô hình hay, điển hình và thiết thực để phổ biến, tuyên truyền nhân rộng.

12. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh

a) Kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong khu kinh tế theo quy định.

b) Tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trong khu kinh tế; phát hiện kịp thời vi phạm và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ; điểm đ khoản 1, điểm h khoản 2 Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các quy định sau:

1. Chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý và quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

2. Chủ trì tổ chức xây dựng và ban hành lộ trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở đấu thầu, giao nhiệm vụ, đặt hàng lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ theo quy định; hằng năm xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn.

3. Phối hợp với Mặt Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực đảm bảo vệ sinh môi trường và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt;

4. Chủ động nguồn lực để đầu tư cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương, khuyến khích xã hội hóa về phân loại, thu gom, vận chuyển và đầu tư xây dựng công trình, dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

5. Chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng đủ trạm trung chuyển phù hợp với quy hoạch được duyệt để đảm bảo phục vụ cho công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn;

6. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo phân cấp và các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn trên địa bàn; xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.

7. Công bố rộng rãi số điện thoại đường dây nóng lĩnh vực môi trường của địa phương để người dân được biết và phản ánh các vấn đề về môi trường (nếu có);

8. Tiếp nhận, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và các yêu cầu kiến nghị về chất thải rắn sinh hoạt trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết;

9. Quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý và điểm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; hằng năm bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị công cộng phục vụ quản lý bảo vệ môi trường và chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng công trình, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

10. Tổng hợp kết quả thực hiện quy định về quản lý chất thải nhựa trong sinh hoạt của các cơ quan, văn phòng, công sở theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 15 Quy định này để lồng ghép vào báo cáo theo quy định tại Khoản 11 Điều này gửi Sở Tài nguyên và Môi trường.

11. Giám sát và tổng hợp các chỉ tiêu về tỷ lệ phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn trong năm; định kỳ báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20 tháng 01 năm tiếp theo để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ và các quy định sau:

1. Chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Định kỳ trước ngày 10 tháng 01 năm tiếp theo gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo đánh giá, kết quả triển khai thực hiện trong năm, đồng thời nêu những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai và kiến nghị, đề xuất giải pháp thực hiện.

2. Chịu trách nhiệm chỉ đạo và quản lý hoạt động thu gom, tập kết, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các thôn, xóm, tổ dân phố và các tổ chức tự quản; định kỳ tổ chức các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường; tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết và thực hiện phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa và giữ gìn vệ sinh môi trường.

3. Phối hợp với các chủ cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt xác định cụ thể thời gian, phương thức chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình, chủ nguồn thải và thời gian chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm cố định phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn.

4. Phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện trong việc lựa chọn và xây dựng các điểm tập kết/trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; Phổ biến thời gian và phương thức chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt đến tất cả hộ gia đình và chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý.

5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể cấp xã tuyên truyền, vận động, phổ biến các nội dung liên quan đến việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

6. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa. Rà soát, tổ chức cho các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, quán cà phê, quán ăn vỉa hè, cơ sở kinh doanh du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ khác trên địa bàn quản lý thực hiện nội dung ký cam kết về giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy sinh học.

7. Xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; công khai trên phương tiện truyền thông của xã hoặc trong các cuộc họp về những trường hợp vi phạm về phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Điều 21. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp

1. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện các giải pháp hạn chế phát sinh chất thải, nhất là phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tái chế, tái sử dụng, thu gom, lưu giữ, chuyển giao, xử lý chất thải rắn theo đúng quy định.

2. Giám sát việc triển khai thực hiện quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương.

Điều 22. Điều khoản thi hành

1. Sở Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Quy định này; hằng năm tổng hợp kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo.

2. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc - các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện quy định này; quán triệt, tuyên truyền nội dung Quy định này đến các tổ chức, cá nhân và chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn trong Quy định này có sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản mới.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh các đơn vị phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 15/2023/QĐ-UBND quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

  • Số hiệu: 15/2023/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/03/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Nguyễn Hồng Lĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/03/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản