Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2012/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 4 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ CHO GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP VÀ NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Giám định tư pháp ngày 29 tháng 9 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp;

Căn cứ Nghị quyết số 31/2011/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII về chế độ hỗ trợ cho giám định viên tư pháp và người làm công tác giám định trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Quyết định số 25/2010/QĐ-UBND ngày 26 tháng 4 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Đề án “Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp, các lĩnh vực giám định tư pháp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2015”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1516/TTr-STP-BTTP ngày 03 tháng 4 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định chế độ hỗ trợ cho giám định viên tư pháp và người làm công tác giám định của Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ:

a) Giám định viên tư pháp;

b) Người giúp việc trực tiếp cho giám định viên tư pháp;

c) Người giúp việc gián tiếp cho giám định viên tư pháp.

Điều 2. Điều kiện để được hưởng chế độ hỗ trợ

1. Đối với giám định viên tư pháp:

Các giám định viên tư pháp được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm theo quy định pháp luật đang công tác tại Trung tâm Pháp y, Trung tâm Giám định pháp y tâm thần, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an thành phố và tại các sở, ngành của Thành phố (không phụ thuộc vào số lượng vụ việc giám định đã thực hiện).

Đối với các giám định viên tư pháp đã nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển làm công tác khác, không do các sở, ngành quản lý về mặt tổ chức thì định kỳ 06 tháng phải thực hiện chế độ báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố thông qua Sở Tư pháp về tình hình hoạt động giám định tư pháp để được hưởng chế độ hỗ trợ nếu có tham gia vào hoạt động giám định tư pháp.

2. Đối với người giúp việc trực tiếp cho giám định viên tư pháp:

- Trực tiếp hỗ trợ cho giám định viên tư pháp thực hiện công tác giám định theo sự phân công của Thủ trưởng các sở, ngành, tổ chức giám định tư pháp được trưng cầu giám định.

- Có xác nhận của Thủ trưởng sở, ngành về danh sách người giúp việc trực tiếp cho giám định viên tư pháp có tham gia vào hoạt động giám định.

Thủ trưởng các sở, ngành, tổ chức giám định tư pháp được trưng cầu giám định căn cứ vào tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc giám định và quy chuẩn chuyên môn của lĩnh vực giám định tư pháp (nếu có), phân công một hoặc nhiều người giúp việc trực tiếp cho giám định viên tư pháp khi thực hiện một vụ việc giám định tư pháp.

3. Đối với người giúp việc gián tiếp cho giám định viên tư pháp:

- Thực hiện một số công việc hỗ trợ gián tiếp cho giám định viên tư pháp trong quá trình thực hiện giám định tư pháp theo sự phân công của Thủ trưởng các sở, ngành, tổ chức giám định tư pháp được trưng cầu giám định.

- Có xác nhận của Thủ trưởng sở, ngành về danh sách người giúp việc gián tiếp cho giám định viên tư pháp có tham gia vào hoạt động giám định.

Người giúp việc gián tiếp cho giám định viên tư pháp là những người do Thủ trưởng các sở, ngành, tổ chức giám định tư pháp được trưng cầu giám định tư pháp phân công giúp cho giám định viên trong việc di chuyển, thực hiện công việc hành chính văn phòng, lưu trữ tài liệu, hồ sơ giám định tư pháp.

4. Trường hợp giám định viên tư pháp, người giúp việc thực hiện nhiều nhiệm vụ trong hoạt động giám định tư pháp thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.

Điều 3. Mức hỗ trợ

1. Đối với giám định viên tư pháp: hỗ trợ 830.000 đồng/người/tháng (Tám trăm ba mươi ngàn đồng).

2. Đối với người giúp việc trực tiếp cho giám định viên tư pháp: hỗ trợ 581.000 đồng/người/tháng (Năm trăm tám mươi mốt ngàn đồng).

3. Đối với người giúp việc gián tiếp cho giám định viên tư pháp: hỗ trợ 415.000 đồng/người/tháng (Bốn trăm mười lăm ngàn đồng).

Điều 4. Thời gian áp dụng chế độ hỗ trợ: từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.

Điều 5. Nguồn kinh phí hỗ trợ

1. Nguồn kinh phí để chi trả chế độ hỗ trợ cho giám định viên tư pháp và người làm công tác giám định do Ngân sách nhà nước thành phố cấp.

2. Định kỳ hàng năm, Ngân sách nhà nước thành phố bố trí dự toán kinh phí để Sở Tư pháp thực hiện việc chi trả chế độ hỗ trợ.

Điều 6. Cách thức chi hỗ trợ

1. Chế độ hỗ trợ được chi hàng quý (03 tháng) vào tài khoản của người được hưởng.

2. Trước ngày 15 tháng đầu của quý, các sở, ngành lập danh sách các giám định viên tư pháp, người giúp việc trực tiếp và người giúp việc gián tiếp cho giám định viên tư pháp được hưởng chế độ hỗ trợ kèm số tài khoản cá nhân gửi về Sở Tư pháp để thực hiện việc chi hỗ trợ của quý trước.

Đối với các giám định viên tư pháp đã nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển làm công tác khác, không do các sở, ngành quản lý về mặt tổ chức thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc của kỳ báo cáo phải thực hiện chế độ báo cáo tình hình hoạt động giám định tư pháp về Sở Tư pháp kèm số tài khoản cá nhân để được hưởng chế độ hỗ trợ nếu có tham gia vào hoạt động giám định tư pháp.

3. Sở Tư pháp căn cứ danh sách giám định viên tư pháp được Ủy ban nhân dân Thành phố bổ nhiệm, người giúp việc trực tiếp và người giúp việc gián tiếp cho giám định viên tư pháp do Thủ trưởng các sở, ngành lập để chi trả hỗ trợ.

Đối với các giám định viên tư pháp đã nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển làm công tác khác, không do các sở, ngành quản lý về mặt tổ chức thì Sở Tư pháp căn cứ vào báo cáo định kỳ để chi trả hỗ trợ nếu trong kỳ báo cáo có tham gia vào hoạt động giám định tư pháp. Trong trường hợp này, chế độ hỗ trợ sẽ được chi theo định kỳ 06 tháng/1 lần vào tài khoản của người được hưởng.

Điều 7. Trách nhiệm của các sở, ngành

1. Giao Sở Tư pháp thực hiện việc chi trả và hướng dẫn việc lập danh sách những người được hưởng chế độ hỗ trợ theo Quyết định này.

2. Giao Sở Tài chính bố trí kinh phí và hướng dẫn, kiểm tra, xét duyệt quyết toán kinh phí hỗ trợ cho giám định viên tư pháp và người làm công tác giám định theo quy định.

3. Giao Thủ trưởng các sở, ngành lập danh sách những người thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ gửi Sở Tư pháp và chịu trách nhiệm về danh sách đã lập.

Điều 8. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày (mười), kể từ ngày ký và thay thế chế độ phụ cấp cho giám định viên tư pháp quy định tại Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 34/2005/QĐ-UB ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức khối Tư pháp.

Điều 9. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ngành thành phố, các giám định viên tư pháp và người làm công tác giám định tư pháp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Trí

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 15/2012/QĐ-UBND về chế độ hỗ trợ cho giám định viên tư pháp và người làm công tác giám định của Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 15/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/04/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Minh Trí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 28/04/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản