Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 15/2001/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 19 tháng 03 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH DẠY THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

Căn cứ Chỉ thị số 15/2000/CT-BGD&ĐT ngày 17/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về các biện pháp cấp bách tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm;

Theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng tại tờ trình số 822 ngày 31/10/2000,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành theo quyết định này Quy định về việc dạy thêm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2: Giao Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện quyết định này.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 30 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây của tỉnh về dạy thêm, học thêm trái với quy định tại quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4: Các ông : Chánh Văn phòng UBND tỉnh, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan có liên quan trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Định

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC DẠY THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo quyết định số 15/2001/QĐ-UB ngày 19/3/2001 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Hoạt động dạy thêm nêu trong Bản Quy định này là giảng dạy ngoài giờ chính khóa cho học sinh phổ thông; giảng dạy ôn luyện thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh các cấp bậc học phổ thông, kể cả luyện thi tuyển sinh vào các trường Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học; giảng dạy các môn tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật, âm nhạc ngoài các cơ sở có chức năng đào tạo chuyên ngành; dạy thêm gắn với hình thức bán trú; bao gồm dạy thêm thuộc trách nhiệm phục vụ của các trường phổ thông và dạy thêm theo nhu cầu của người học có thu tiền.

Điều 2: Dạy thêm phải được tổ chức quản lý trên cơ sở đảm bảo tính sư phạm và sự tự nguyện của người học. Các trường phổ thông không được tổ chức dạy thêm tràn lan, đồng loạt đối với học sinh ở các lớp học của trường, giáo viên không được dùng các biện pháp trực tiếp hay gián tiếp dưới mọi hình thức để ép buộc học sinh phải học thêm.

Điều 3: Giáo viên các trường phổ thông phải thực hiện đầy đủ, có chất lượng nhiệm vụ dạy học theo đúng kế hoạch, chương trình và sách giáo khoa đã quy định. Ngoài số giờ chính khóa (kể cả dạy bù) phải tham gia phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi theo yêu cầu, kế hoạch của nhà trường và phải xem đây là nhiệm vụ của người giáo viên. Ngoài thời gian dạy ở trường, giáo viên được mở lớp dạy thêm cho đối tượng học sinh có nhu cầu nhưng phải chấp hành theo quy định về dạy thêm.

Điều 4: Giáo viên không còn công tác trong ngành giáo dục - đào tạo tỉnh, giáo viên đang công tác trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và mọi tổ chức, cá nhân khác muốn mở lớp dạy thêm các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông theo nhu cầu của người học phải có đủ các điều kiện về bằng cấp chuyên môn, cơ sở vật chất và làm các thủ tục đăng ký theo quy định này, đồng thời chịu sự kiểm tra, quản lý của cơ quan có thẩm quyền.

Nghiêm cấm việc mở lớp dạy thêm khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Điều 5:

1. Dạy thêm theo hình thức "Gia sư", dạy kèm không quá 3 học sinh không thuộc loại hình dạy thêm tại quy định này.

2. Các trường hợp giáo viên nhận trông nom học sinh tiểu học ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình, không được biến thành lớp dạy thêm. Nếu dạy thêm phải thực hiện theo quy định về dạy thêm.

Điều 6: Quản lý dạy thêm là nhiệm vụ của ngành Giáo dục và Đào tạo mà trước hết là của Hiệu trưởng các trường phổ thông nhưng đồng thời là trách nhiệm của chính quyền địa phương, của các ngành chức năng liên quan. Trong quản lý phải có sự phối hợp chặt chẽ để việc dạy thêm đảm bảo đúng mục đích, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.

Chương II

DẠY THÊM THUỘC TRÁCH NHIỆM PHỤC VỤ CỦA CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG.

Điều 7: Các trường phổ thông có trách nhiệm và được phép tổ chức dạy thêm cho các đối tượng học sinh sau:

1. Phụ đạo học sinh yếu kém về học lực một môn hoặc nhiều môn (có điểm trung bình môn dưới 5).

2. Bồi dưỡng học sinh xếp loại học lực giỏi hoặc có năng khiếu về một môn học hay một số môn học (có điểm trung bình từ 8 trở lên) - chủ yếu là ở các lớp cuối cấp và cận lớp cuối cấp (gồm các lớp 4; 5; 8; 9; 11; 12).

3. Ôn tập - luyện thi tốt nghiệp cho học sinh các lớp cuối cấp học của nhà trường.

Tiểu học: Ôn thi trong 1 tháng trước kỳ thi, mỗi tuần không quá 2 buổi.

THCS và THPT: Ôn thi trong 2 tháng trước kỳ thi, mỗi tuần không quá 3 buổi.

4. Ôn tập thi lên lớp cho học sinh thuộc diện phải thi lại.

Thời gian mở lớp: từ tháng 7 hàng năm.

5. Riêng ở bậc tiểu học, khuyến khích các trường có điều kiện tổ chức thu hút tối đa học sinh vào học các lớp học 2 buổi/ngày theo nguyện vọng của gia đình học sinh. Việc đưa thêm các môn học khác vào giảng dạy, ngoài các môn học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép và phải đảm bảo học sinh được nghỉ 2 ngày mỗi tuần. Không tổ chức dạy thêm trong các kỳ nghỉ hè hàng năm.

Điều 8:

1/ Việc dạy thêm theo các nội dung quy định tại điều 7 do Hiệu trưởng các trường phổ thông tổ chức và quản lý đảm bảo dạy, học như học chính khóa. Riêng dạy thêm theo quy định tại khoản 2, 4 trong hè và dạy thêm theo quy định tại khoản 5, Hiệu trưởng các trường phải xin phép cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp, nếu được cho phép mới tổ chức thực hiện.

2/ Ngoài 5 loại hình dạy thêm được quy định tại điều 7, các Trường phổ thông có điều kiện được phép tổ chức dạy thêm luyện thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường chuyên, luyện thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, THCN cho các đối tượng học sinh có nhu cầu, ngoài ra không tổ chức dạy thêm với bất cứ một loại hình nào khác. Thời gian mở lớp, ngay sau kỳ thi tốt nghiệp đến kỳ thi tuyển sinh.

Chương III

DẠY THÊM THEO NHU CẦU CỦA NGƯỜI HỌC

Điều 9: Ngoài loại hình dạy thêm thuộc trách nhiệm phục vụ của các trường phổ thông được quy định tại điều 7, mọi tổ chức, cá nhân có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại các điều liên quan của Quy định này có thể tổ chức các lớp dạy thêm cho mọi đối tượng có nhu cầu (trừ một số đối tượng và thời gian mà quy định này không cho phép), nhưng chỉ được hoạt động sau khi đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm, bao gồm các loại hình sau:

1. Các lớp dạy thêm do giáo viên các trường phổ thông mở trong hoặc ngoài trường học.

2. Các lớp do giảng viên, giáo viên của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp mở trong hoặc ngoài cơ sở đó để luyện thi tuyển sinh hoặc nâng cao kiến thức các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông.

3. Các lớp do tổ chức, cá nhân khác mở để củng cố, nâng cao kiến thức, luyện thi các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông; các lớp (trung tâm) dạy tin học, ngoại ngữ do cá nhân hoặc tổ chức không có chức năng đào tạo chuyên ngành môn học đó tổ chức.

Điều 10: Người dạy thêm phải có đủ tiêu chuẩn và điều kiện sau:

1. Có phẩm chất đạo đức tốt, không trong thời gian đang bị kỷ luật từ khiển trách trở lên, được cơ quan, đơn vị đang công tác đồng ý cho dạy thêm. Đối với người đã nghỉ hưu hoặc không làm việc trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước được chính quyền địa phương cấp xã, phường xác nhận về tư cách đạo đức, đồng ý đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét cho mở lớp dạy thêm và được các cơ sở khám chữa bệnh (từ Bệnh viện cấp huyện trở lên) xác nhận không mắc các bệnh truyền nhiễm.

2. Có bằng cấp sư phạm đạt chuẩn phù hợp với yêu cầu bộ môn và cấp lớp dạy thêm.

3. Riêng đối với giáo viên các trường phổ thông phải thực hiện tốt nhiệm vụ của nhà trường giao và có chuyên môn - nghiệp vụ được xếp từ loại khá trở lên.

Điều 11: Lớp học dạy thêm phải đảm bảo các điều kiện sau:

1. Lớp học không quá chật hẹp, có đủ bàn ghế, ánh sáng, thoáng khí, tránh được mưa, nắng; xa nơi ồn ào, huyên náo và các nơi bị nhiễm bẩn (hố rác, chuồng gia súc, kho hóa chất gây độc hại) hoặc dễ cháy.

2. Số lượng không quá 30 học sinh/lớp.

3. Không xếp chung học sinh khá giỏi với học sinh yếu kém vào 1 lớp (tính theo môn học).

Điều 12: Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm phải:

1. Làm đầy đủ hồ sơ, thủ tục đăng ký mở lớp dạy thêm theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.

2. Thực hiện đúng các quy định về dạy thêm. Đảm bảo việc học thêm là tự nguyện, không được ép buộc học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào. Tự chịu trách nhiệm về tổ chức, quản lý nhóm, lớp, về nội dung, chương trình và chất lượng dạy thêm. Không được lợi dụng việc mở lớp dạy thêm để truyền bá tôn giáo, xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc lợi dụng dạy thêm để thu tiền không chính đáng.

3. Chịu sự kiểm tra của các cơ quan quản lý có thẩm quyền về việc thực hiện các quy định về dạy thêm. Cụ thể là:

Thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để Đoàn kiểm tra, thanh tra làm việc.

Chấp hành các quyết định xử lý của các Đoàn kiểm tra, thanh tra và các cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Chỉ được mở lớp khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm và báo cáo cơ quan cấp giấy chứng nhận khi có thay đổi về lớp học hoặc ngưng việc mở lớp.

Điều 13: Thời gian dạy thêm:

1. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày trừ thời gian trong hè.

2. Thời gian không được dạy thêm trong tuần (trong năm học):

Tiểu học: trong giờ hành chính vào các ngày thứ 4 và thứ 6.

THCS và THPT: trong giờ hành chính vào các ngày thứ 5 và thứ 7.

Để học sinh có thời gian tham gia sinh hoạt chung theo kế hoạch của trường và của ngành.

3. Thời gian được tổ chức dạy thêm trong ngày.

a) Tiểu học: Từ 7 giờ đến 10 giờ, từ 14 giờ đến 17 giờ.

b) Trung học: Từ 7 giờ đến 10 giờ 30, từ 13 giờ 30 đến 20 giờ.

c) Các lớp luyện thi tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, thời gian học được phép mở rộng thêm không quá 2 giờ so với thời gian quy định trên và phải đảm bảo thời gian nghỉ ngơi hợp lý nhằm tránh những ảnh hưởng xấu đến phát triển thể chất của học sinh.

Điều 14: Quy trình tổ chức, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm và quản lý dạy thêm.

1. Hiệu trưởng các trường phổ thông chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thẩm định việc mở lớp dạy thêm của giáo viên thuộc trường quản lý trình các cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Nội dung thẩm định gồm: phòng học, thời gian dạy thêm, danh sách học sinh của trường được học thêm đối với từng lớp học, thời gian giáo viên được phép tổ chức dạy thêm; Đồng thời phối hợp quản lý dạy thêm đối với giáo viên của trường.

2. Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra thẩm định việc mở lớp dạy thêm đối với các tổ chức, cá nhân còn lại (ngoài đối tượng quy định ở khoản 1) trên địa bàn.

3. Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm và thực hiện việc quản lý đối với các lớp dạy thêm theo chương trình tiểu học, THCS và tương đương ở trên địa bàn.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm và thực hiện việc quản lý đối với các lớp dạy thêm theo chương trình THPT và tương đương.

5. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm của cấp học nào thì có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm đối với các lớp dạy thêm thuộc cấp học đó khi các lớp dạy thêm vi phạm các quy định về dạy thêm, đồng thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý về các vi phạm có liên quan khác theo quy định của pháp luật.

Điều 15: Một số quy định khác.

1. Các đơn vị trường học chỉ được cho các tổ chức, cá nhân mượn, thuê cơ sở trường, lớp của nhà trường để tổ chức dạy thêm sau khi báo cáo và được cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp cho phép.

2. Mọi cơ quan, đơn vị, các hộ gia đình không được cho mượn, cho thuê cơ sở, nhà, xưởng của mình để dạy thêm đối với những lớp dạy thêm chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm.

Chương IV

HỌC PHÍ VỀ DẠY THÊM

Điều 16:

1. Dạy thêm theo quy định tại khoản 1, 2 điều 7: Nhà trường sử dụng giáo viên, kinh phí trong kế hoạch hàng năm của trường để tổ chức thực hiện (vận dụng thực hiện từ nhiều nguồn: Ngân sách cấp, học phí, quỹ phụ huynh). Trường hợp quá khó khăn, không cân đối được thì có thể thu thêm một phần học phí để chi. Định mức chi trả tiết dạy thực hiện theo quy định tiết dạy ngoài định mức hiện hành. Nhà trường lập kế hoạch cụ thể và trình các cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp phê duyệt.

2. Dạy thêm theo quy định tại khoản 3, 4 điều 7: Nhà trường được thu học phí để chi phí. Định mức chi được cơ cấu như sau:

85% chi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy.

10% chi cho công tác tổ chức, quản lý.

5% chi trả tiền điện nước, khấu hao tài sản.

Trong đó định mức chi trả giờ dạy tính như tiết dạy ngoài định mức hiện hành.

3. Dạy thêm theo quy định tại khoản 5 điều 7: Thực hiện theo quy định hiện hành của UBND tỉnh.

Điều 17:

Học phí học thêm được quy định tại khoản 2 điều 8 và tại chương III thực hiện theo thỏa thuận giữa người dạy và người học trong phạm vi khung học phí do UBND tỉnh quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính -Vật giá tham mưu trình UBND tỉnh quy định cụ thể mức thu theo từng năm học.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18: Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

1/ Hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quyết định này, đảm bảo việc tiếp nhận đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm phải được giải quyết nhanh, gọn, tránh phiền hà. Đồng thời tổ chức quán triệt trong toàn thể cán bộ, giáo viên, các đơn vị trường học trong tỉnh về tình hình, quan điểm, chủ trương của Nhà nước về dạy thêm, học thêm. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp về chuyên môn, nghiệp vụ để chống dạy thêm tràn lan, tiêu cực;

2/ Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chức năng tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm; Phối hợp cùng các cơ quan thông tin đại chúng và các hội đoàn thể quần chúng tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh học sinh tổ chức cho học sinh học thêm có hiệu quả, thiết thực, chống việc học thêm tràn lan, quá tải.

3/ Phối hợp cùng Sở Tài chính - Vật giá trình UBND tỉnh quy định khung học phí về dạy thêm.

Điều 19: UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND cấp xã, phường, các ngành Công an, Tài chính có trách nhiệm phối hợp cùng các cấp quản lý giáo dục tổ chức kiểm tra, quản lý về hoạt động dạy thêm, học thêm ở trên địa bàn.

Điều 20: Mọi tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về dạy thêm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật (nếu là CB-CC) theo quy định của pháp luật./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 15/2001/QĐ-UB về Quy định dạy thêm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 15/2001/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/03/2001
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Định
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/04/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 06/09/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản