Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/1997/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH TIÊU CHUẨN NGÀNH DA GIẦY (ĐO CHÂN ĐỂ THIẾT KẾ GIẦY - PHƯƠNG PHÁP ĐO)

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01/11/1995 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 141/HĐBT ngày 24/8/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá; - Căn cứ Pháp lệnh chất lượng hàng hoá ngày 27/12/1990 của Hội đồng Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 86/CP ngày 8/12/1995 của Chính phủ quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá;
Theo đề nghị của đồng chí Vụ trưởng Vụ Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Da giầy Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành 01 tiêu chuẩn ngành về "Đo chân để thiết kế giầy - Phương pháp đo" để sử dụng cho toàn ngành.

Điều 2: Đồng chí Vụ trưởng Vụ Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3: Các đồng chí: Chánh Văn phòng Bộ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Da giầy Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất da giầy trong toàn quốc có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Lê Quốc Khánh

(Đã ký)

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

BỘ CÔNG NGHIỆP

DO KÍCH THƯỚC CHÂN ĐỂ THIẾT KẾ GIẦY - PHƯƠNG PHÁP ĐO

34 TCN 72-97

1. Phạm vi ứng dụng

Tiêu chuẩn này quy định phương pháp do kích thước chân người (không phân biệt lứa tuổi và giới tính) phục vụ cho việc thiết kế các loại giầy.

2. Dụng cụ đo

2.1 Thước đo nhân học Martin được chia tới mm để đo các kích thước cao (xem hình vẽ mục 1 - phụ lục).

2.2 Thước dây vải có tráng nhựa chia tới mm để đo các kích thước ngang (xem hình vẽ mục 1 - phụ lục).

2.3 Thước kẹp được chia tới mm để đo các kích thước ngang (xem hình vẽ mục 1 - phụ lục).

2.4 Thước đo độ dùng để đo góc

3. Nguyên tắc đo

3.1 Việc đo chân phải được thực hiện ở tư thế ngồi và ở tư thế đứng (xem hình vẽ mục 2 - phụ lục).

3.2 Khi đo ở tư thế ngồi người được đo phải ngồi trên ghế, ống chân vuông góc với mặt phẳng đặt bàn chân.

3.3 Khi đo ở tư thế đứng, người được đo phải đứng tự nhiên.

3.4 Người được đo mang tất thích hợp cho từng kiểu giầy. Theo hướng dẫn của người đo.

3.5 Phải đo kích thước của cả hai chân.

3.6 Khi đo các kích thước vòng, phải đặt thước đúng mốc đo. (Mốc đo xác định bằng cách sờ nắn khớp xương và bắp cơ - Xem hình vẽ mục 3 - phụ lục). Không kéo dãn thước - Chu vi vòng đo phải tạo thành mặt phẳng song song với mặt đất.

3.7 Khi đo các kích thước ngang, phải đặt hai đầu thước kẹp vào đúng hai mốc đo.

4. Phương pháp đo và các quy định cho hệ đo

4.1 Hệ mét là hệ thống duy nhất được dùng để đo kích thước chân.

4.2 Milimét là đơn vị của số đo chiều dài, rộng và chu vi của chân.

4.3 Các phương pháp đo được miêu tả cụ thể trong bảng 1.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐO

TT

Tên kích thước đo

Mốc đo và phương pháp đo

1

Vòng khớp ngón chân

Đo vòng quanh vị trí rộng nhất của bàn chân. Thước dây được đặt từ khớp xương ngón cái về phía khớp xương ngón út rồi vòng lại vị trí ban đầu. (Khi gặp bàn chân béo ta kéo căng thước một chút).

Người đo được ngồi tự nhiên, bàn chân đặt trên mặt phẳng vuông góc với cẳng chân.

2

Vòng mu bàn chân

Đo tại điểm giữa của chiều dài bàn chân đi qua điểm cao nhất của mu bàn chân.

Thước dây được đặt tại điểm giữa của vòm dọc bàn chân.

Người được đo ngồi tự nhiên, bàn chân đặt trên mặt phẳng vuông góc với cẳng chân.

3

Vòng gót chân (hay còn gọi là vòng xỏ chân)

Đo tại điểm nhô ra nhất của gót và đi qua mắt cá lên trụ xương ống chân. Đặt thước dây qua điểm giữa của vòng tròn gót lên đến khuỷu cổ chân (nếp gấp cổ chân) ở khớp xương sên.

Người được đo ngồi tự nhiên, bàn chân đặt trên mặt phẳng vuông góc với cẳng chân.

4

Vòng cổ chân

Đo vòng quanh cổ chân tại vị trí nhỏ nhất phía trên mắt cá. Thước đặt vuông góc với trục chân. Người được đo đứng thẳng trên mặt đất phẳng.

5

Vòng bắp chân

Đo xung quanh bắp chân tại vị trí nở nhất. Vòng thước vuông góc với trục chân.

Người được đo đứng thẳng trên mặt đất phẳng.

6

Vòng dưới gối

Đo xung quanh cẳng chân tại vị trí nhỏ nhất dưới đầu gối. Vòng thước vuông góc với trục chân. Người được đo đứng thẳng trên mặt đất phẳng.

7

Chiều dài bàn chân

Đo khoảng cách từ điểm lồi ra nhất của gót chân đến đầu ngón chân dài nhất.

Người được đo đứng thẳng để trọng lượng phân bố đều lên hai chân.

8

Chiều rộng bàn chân

Đo khoảng cách nằm ngang giữa đường thẳng đứng tiếp xúc với khối xương bàn chân thứ nhất và thứ năm.

Người được đo ngồi tự nhiên, bàn chân đặt trên mặt phẳng vuông góc với cẳng chân.

9

Chiều rộng gót chân

Đo khoảng cách rộng nhất của gót (vị trí tương ứng với 2 mắt cá chân).

Người được đo ngồi tự nhiên, bàn chân đặt trên mặt phẳng vuông góc với cẳng chân.

10

Độ dầy của ngón cái

Đo khoảng cách từ mặt phẳng đặt bàn chân đến điểm cao nhất của ngón cái.

Người được đo ngồi tự nhiên, bàn chân đặt trên mặt phẳng vuông góc với cẳng chân.

11

Chiều cao đất - mắt cá trong

Đo khoảng cách từ mặt phẳng đặt bàn chân đến đỉnh mắt cá trong.

Người được đo ngồi tự nhiên, bàn chân đặt trên mặt phẳng vuông góc với cẳng chân.

12

Chiều cao bàn chân

Đo khoảng cách từ mặt đất nơi đặt bàn chân đến ngấn cổ chân, phần trên của xương sên.

Người được đo ngồi tự nhiên, bàn chân đặt trên mặt phẳng vuông vóc với cẳng chân.

13

Chiều cao đất - bắp chân

Đo khoảng cách từ mặt phẳng đặt bàn chân đến vị trí đo vòng bắp chân. Thước đặt ở phía mang trong bàn chân.

Người được đo ngồi tự nhiên - bàn chân đặt trên mặt phẳng vuông góc với cẳng chân.

14

Chiều cao cẳng chân

Đo khoảng cách từ vị trí đo vòng dưới gối đến mặt đất nơi đặt bàn chân. Thước đặt phía mang trong bàn chân.

Người được đo ngồi tự nhiên, bàn chân đặt trên mặt phẳng vuông góc với cẳng chân.

15

Góc ngón cái a1

Đo góc tạo ra bởi đường mang trong bàn chân và đường biên ngoài ngón cái.

16

Góc ngón út a2

Đo góc tạo ra bởi đường mang ngoài bàn chân và đường biên ngoài ngón út.

PHỤ LỤC

1- Các dụng cụ đo chân

- Thước dây

- Thước kẹp

- Thước đo nhân học MARTIN

- Thước đo độ

2- Tư thế đứng và ngồi để đo

3- Các mốc đo

Đo vòng chu vi

- Vòng khớp ngón

- Vòng mu bàn chân

- Vòng gót chân

- Chiều dài bàn chân

- Chiều rộng bàn chân

- Chiều rộng gót chân

- Độ dầy của ngón cái

- Chiều cao đất - mắt cá trong

- Chiều cao bàn chân

- Chiều cao đất - bắp chân

- Chiều cao cẳng chân

- Chiều dài bàn chân

- Chiều rộng bàn chân

- Chiều rộng gót chân

- Bề dầy của ngón cái

- Góc ngón cái (ngón 1)

- Góc ngón út (ngón 5)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 15/1997/QĐ-BCN về tiêu chuẩn ngành Da dầy (đo chân để thiết kế giầy-phương pháp đo) do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 15/1997/QĐ-BCN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/12/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
  • Người ký: Lê Quốc Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản