Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1484/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 10 tháng 6 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26 Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH ngày 20/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai Đề án tái cơ cấu Ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 510/SNN-KHTC ngày 08/4/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014 - 2020.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá - Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Bộ NN và PTNT;
- Thường trực Tỉnh uỷ; (B/c)
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- VP Tỉnh uỷ, VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CVNN.

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tuân

 

ĐỀ ÁN

TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2014 – 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1484/QĐ-UBND ngày 10/6/2014 của UBND tỉnh)

Phần 1

SỰ CẦN THIẾT PHẢI TÁI CƠ CẤU

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI TÁI CƠ CẤU

Những năm qua, phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư nên sản xuất nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đạt được những kết quả tích cực, từng bước chuyển dịch theo hướng sản lượng sang sản xuất hàng hóa, chất lượng, giá trị, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh chính trị của tỉnh,...

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nên sản xuất nông nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, phần lớn quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng sản phẩm thấp, chủ yếu xuất thô, ít có sản phẩm chế biến sâu, chưa có thương hiệu; sản phẩm mang tính hàng hóa nổi bật ít nên hiệu quả và sức cạnh tranh kém; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, có hiệu quả vào sản xuất chưa mạnh; sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất lao động và thu nhập từ nông nghiệp không cao so với các ngành khác, tình trạng nông dân bỏ ruộng, ao, chuồng có xu hướng gia tăng.

Từ thực tế trên, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng là yêu cầu thực tế khách quan và cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, thực tế ở địa phương và xu thế phát triển trong tình hình mới nhằm nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất, đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Nghị quyết 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của BCH TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Quyết định số 952/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.

- Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XV.

- Quyết định số 1700/QĐ-UBND ngày 20/7/2011 của UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển Nông nghiệp và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011-2015.

- Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 25/4/2011; Quyết định số 932/QĐ-UBND ngày 25/4/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp và phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Bình đến năm 2020.

- Quyết định số 1358/QĐ-UBND ngày 15/6/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su tỉnh Quảng Bình đến năm 2020.

- Quyết định số 32/2008/QĐ-UBND ngày 30/12/2008 của UBND tỉnh phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020.

- Quyết định số 2354/QĐ-UBND ngày 08/10/2012 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển Quảng Bình đến năm 2020.

- Quyết định số 2346/QĐ-UBND ngày 1/9/2009 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020.

- Quyết định số 195/QĐ-UBND ngày 26/01/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.

Phần 2

THỰC TRẠNG NGÀNH NÔNG NGHIỆP

I. NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC

Những năm qua, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của suy thoái kinh tế, nguồn vốn, thị trường, thiên tai, dịch bệnh..., nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của nông dân nên sản xuất nông nghiệp thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, đảm bảo an ninh lương thực, từng bước chuyển dịch sản xuất nông nghiệp sản lượng sang chất lượng, giá trị, hàng hoá, nâng cao thu nhập. Đến hết năm 2013, với gần 84% dân số nông thôn và 66% lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp (giá 2010) 6.763 tỷ đồng, chiếm 20,4% GDP toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2013 đạt 4,2%; cơ cấu có bước chuyển dịch đáng kể, tỷ trọng trồng trọt giảm, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản tăng; bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung và một số sản phẩm trở thành hàng hóa như cao su, sắn, gỗ dăm, thủy sản,...; thu nhập, đời sống của cư dân nông thôn từng bước cải thiện, góp phần đáng kể vào chương trình xoá đói, giảm nghèo; ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

1. Trồng trọt

Sản xuất trồng trọt liên tiếp được mùa, đặc biệt năm 2011 và năm 2012 đạt 28,1 và 28,4 vạn tấn, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (27,5 - 28 vạn tấn); diện tích có giá trị trên 50 triệu đồng/ha/năm đến hết năm 2013 có 13.006 ha, tăng 2.869 ha so với 2010, chiếm 15,8% diện tích canh tác; tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận chiếm 57%, có 13.005 ha lúa chất lượng cao, chiếm 42,8%; đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung; một số cây trồng như lúa, sắn, ớt bước đầu đã có liên kết trong sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân; nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp canh tác tiên tiến được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt năm 2013 đã thực hiện có hiệu quả mô hình thí điểm cánh đồng mẫu lớn đối với cây lúa; biện pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI); chuyển đổi một số diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác đưa lại thu nhập đáng kể; việc thực hiện dồn điền, đổi thửa ở một số địa phương tạo thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

2. Chăn nuôi

Chăn nuôi từng bước chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị; phát triển theo hướng trang trại, gia trại, bán công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh phòng dịch và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp (năm 2013 đạt 44,9%). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng, đặc biệt chất lượng đàn tăng, năm 2013, tỷ lệ bò lai trên 32%, tăng 15% so với 2010, lợn có máu ngoại trên 80%. Chăn nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, an toàn sinh học tiếp tục được quan tâm đầu tư.

3. Thủy sản

Thủy sản phát triển đồng bộ cả khai thác, nuôi trồng. Toàn tỉnh có 4.119 tàu cá, công suất 265.259 CV, trong đó có trên 1.000 tàu từ 90 CV trở lên tham gia khai thác vùng đánh cá vịnh Bắc bộ, vùng biển xa, sản lượng, chất lượng sản phẩm khai thác ngày càng tăng. Năm 2013, sản lượng khai thác 47.435 tấn, tăng 6.708 tấn so với 2010. Đã có 423 tàu được lắp đặt đài tàu, 382 tàu đã hoạt động vùng biển xa. Dịch vụ hậu cần hỗ trợ khai thác như cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp.

Nuôi trồng thuỷ sản từng bước phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2013, diện tích thả nuôi 4.792ha, tăng 1,5% và sản lượng 10.005 tấn, tăng 1.562 tấn so với 2010. Hạ tầng nuôi trồng thủy sản tiếp tục được đầu tư nâng cấp, nhất là các vùng nuôi tập trung; nhiều nơi nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao (năng suất trên 30 tấn/ha, cá biệt có hộ trên 60 tấn/ha) mang lại thu nhập cao.

4. Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp từng bước xã hội hóa và chuyển đổi theo hướng giá trị; công tác giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi, trồng rừng được chú trọng chỉ đạo thực hiện; diện tích rừng tăng nhanh hàng năm, góp phần nâng độ che phủ rừng lên 70%, tăng 2,8% so với 2010. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi mạnh rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng trồng hiệu quả thấp đủ điều kiện sang trồng cao su theo quy hoạch, kế hoạch: Đến hết năm 2013, diện tích chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cao su 3.541 ha.

Sản lượng gỗ rừng tự nhiên theo kế hoạch 11.000 - 12.000m3/năm; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân mỗi năm trên 200.000m3.

5. Kinh tế hợp tác, trang trại

Toàn tỉnh có 141 hợp tác xã nông lâm ngư nghiệp, chiếm 58% hợp tác xã toàn tỉnh. Hoạt động các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất. Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và chỉ đạo thành lập các tổ đoàn kết, tổ hợp tác được tăng cường, đến nay có 91 tổ hợp tác được thành lập; 200 tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển với 1.406 tàu, 10.113 thuyền viên, góp phần hỗ trợ trong khai thác, cứu nạn, bảo vệ tài sản, chủ quyền biển đảo.

Kinh tế trang trại phát triển nhanh về số lượng, góp phần giải quyết việc làm, tăng sản lượng hàng hoá phục vụ nguyên liệu chế biến, xuất khẩu, dần khẳng định là mô hình sản xuất hàng hoá có hiệu quả. Toàn tỉnh có 627 trang trại, tăng 78 trang trại so với 2010; diện tích đất 4.595 ha.

6. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn

Toàn tỉnh có 08 cơ sở chế biến mủ cao su, 4.705 cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo quy mô hộ gia đình, 02 nhà máy sản xuất tinh bột sắn, dong riềng, 01 nhà máy chế biến nhựa thông xuất khẩu, 02 nhà máy chế biến gỗ, 04 cơ sở giết mổ tập trung và nhiều cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, nội địa... góp phần tiêu thụ, chế biến nông lâm thủy sản cho nông dân.

Toàn tỉnh có 24 làng nghề, làng nghề truyền thống, hơn 25 nghìn cơ sở ngành nghề nông thôn, ổn định thường xuyên cho hơn 51 nghìn lao động. Một số mặt hàng có sản lượng khá như nón lá, mây tre đan, nước mắm, hải sản..... Toàn tỉnh có 26 cơ sở dạy nghề, năm 2013 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 29,5%, tăng 9,5% so với 2010, góp phần nâng cao tay nghề, khơi dậy hoạt động của các làng nghề, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động.

7. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư

Những năm qua, nhờ tranh thủ nhiều nguồn vốn nên tỉnh đã ưu tiên đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nông thôn, các trạm, trại sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; tỷ lệ tưới, tiêu chủ động ngày càng tăng, năm 2013 đạt 95,5% (vụ Đông xuân 99,6%), tăng 3,6% so với 2010, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng và hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang chất lượng, giá trị, bảo vệ sản xuất, đời sống.

8. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

100% số xã hoàn thành quy hoạch chung, 81,6% xã hoàn thành quy hoạch chi tiết trung tâm xã, 98,6% xã cắm mốc chỉ giới; cơ sở hạ tầng thiết yếu được chú trọng đầu tư; phong trào hiến đất, hiến tài sản... được các cấp, các ngành chỉ đạo tích cực và được người dân đồng tình, hưởng ứng; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức được triển khai đồng bộ, hiệu quả; bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi; có 32 xã đạt từ 13 đến 19 tiêu chí, 01 xã đạt xã nông thôn mới; số tiêu chí bình quân cả tỉnh 8,9% tiêu chí/xã.

II. TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Tồn tại, hạn chế

Quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ, diện tích manh mún, áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; tốc độ chuyển dịch nội bộ ngành còn chậm; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận, giống chất lượng cao còn thấp; việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả hơn và nhân rộng mô hình hiệu quả vào sản xuất còn chậm; tỷ trọng, chất lượng hàng hoá nông sản thấp, phần lớn nông sản xuất khẩu thô, sơ chế, chưa có chế biến sâu nên giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh thấp; chưa có thương hiệu nên thị trường tiêu thụ gặp khó khăn; đặc biệt thiếu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp.

Chăn nuôi ở quy mô nhỏ vẫn phổ biến, chủ yếu nông hộ, mang tính quảng canh, nuôi tận dụng còn chiếm tỷ trọng lớn; tầm vóc, thể trọng gia súc còn nhỏ; chất lượng đàn còn thấp, tỷ lệ bò lai, lợn ngoại chưa cao so với tổng đàn; chăn nuôi các đối tượng đặc sản, giá trị còn ít; giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường thấp, tiêu thụ khó khăn, thiếu bền vững; xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, giết mổ tập trung chưa được chú trọng; thiếu sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp đầu mối với các trang trại, gia trại và nông dân.

Tàu cá dưới 30CV chiếm tỷ lệ cao, khai thác ven bờ chiếm tỷ trọng lớn; chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng bãi ngang, cồn bãi vẫn gặp nhiều khó khăn; cơ khí dịch vụ sửa chữa tàu cá còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu; hạ tầng nuôi thủy sản mặn lợ chưa đáp ứng yêu cầu thâm canh, hiệu quả chưa cao; quản lý chất lượng giống, môi trường nuôi và dịch bệnh tại các địa phương, cơ sở còn bất cập; đối tượng nuôi ngọt tuy đa dạng song chất lượng cao còn hạn chế; chế biến thuỷ sản chưa phát triển, chủ yếu là gia công, sơ chế, giá trị gia tăng thấp.

Tăng trưởng ngành lâm nghiệp chậm, chưa bền vững; hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh thấp; diện tích rừng tuy có tăng, độ che phủ rừng cao nhưng năng suất, chất lượng rừng còn thấp, chủ yếu là sản phẩm gỗ nhỏ; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế; tổ chức sản xuất chưa chặt chẽ, thiếu sự liên kết giữa các khâu trồng rừng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thu nhập của người dân, nhất là vùng cao, đồng bào dân tộc còn thấp và chưa thể sống được bằng nghề rừng; công nghiệp chế biến gỗ, nhất là chế biến sâu còn ít, chế biến gỗ rừng tự nhiên rất hạn chế, gỗ rừng trồng chủ yếu khai thác gỗ non, xuất khẩu dăm gỗ; tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.

Hoạt động các loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả chưa cao, nhiều hợp tác xã lúng túng trong khâu tổ chức; sản xuất, kinh doanh, quy mô nhỏ, chưa đa dạng hàng hoá, dịch vụ; tổ hợp tác hoạt động còn hình thức; quy mô trang trại nhỏ, phát triển không theo quy hoạch, sản phẩm nhỏ lẻ.

Ngành nghề nông thôn phát triển chậm, quy mô nhỏ, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu; chưa có sản phẩm nổi bật mang tính hàng hóa, các sản phẩm phục vụ du lịch ít; hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; đào tạo nghề chưa gắn với quy hoạch, định hướng phát triển các làng nghề; chất lượng đào tạo thấp; số lao động sau đào tạo có việc làm ổn định, lao động có tay nghề cao còn ít.

Chất lượng nông sản thấp không đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt thị trường xuất khẩu; việc áp dụng công nghệ thu hoạch, bảo quản còn rất nhiều hạn chế; cơ sở chế biến nông lâm sản còn ít, quy mô nhỏ, công nghệ thiết bị lạc hậu, chủ yếu là chế biến thô, chất lượng, mẫu mã chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến sức cạnh tranh thấp; liên kết "bốn nhà" nhà trong sản xuất theo chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ thị trường hạn chế.

2. Một số nguyên nhân chủ yếu

2.1. Khách quan:

Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nông sản có xu thế bảo hộ mậu dịch và tự túc sản xuất ở nhiều thị trường; định hướng thị trường cho tiêu thụ sản phẩm, nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; giá vật tư đầu vào sản xuất và đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp biến động thất thường, một số sản phẩm, nhất là lúa gạo, lợn hơi giá bán thấp hơn giá thành.

Sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, số lượng; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, nhiều công trình đầu tư lâu ngày xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo phục vụ sản xuất, dân sinh; một số công trình cấp bách đa mục tiêu thiếu vốn đầu tư; việc huy động vốn cho sản xuất gặp nhiều khó khăn, lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn đang ở mức cao, doanh nghiệp, nông dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, thời tiết cực đoan xảy ra mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, như cơn bão số 10, hoàn lưu bão số 11/2013; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản xuất hiện ở nhiều địa phương trong nước, diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan.

2.2. Chủ quan:

Công tác chỉ đạo, điều hành ở một số địa phương chưa quyết liệt, đặc biệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chất lượng, giá trị; chưa có Đề án phát triển sản xuất cụ thể, chưa tạo được sản phẩm có tính hàng hóa.

Ngân sách đầu tư cho nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu và tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng, phân bổ vốn đầu tư chưa hợp lý, việc đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất còn hạn chế, chưa kích thích phát triển sản xuất; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, quản lý chất lượng nông sản, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường.... chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Một số cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chậm điều chỉnh. Chính sách ban hành nhưng do thiếu nguồn lực tài chính nên triển khai gặp rất nhiều khó khăn; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi giá trị chưa đủ sức hấp dẫn để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhân rộng các mô hình có hiệu quả vào sản xuất còn chậm.

Đời sống một bộ phận nông dân còn nghèo, trình độ còn thấp, chưa chủ động trong sản xuất.

Phần 3

ĐỊNH HƯỚNG VÀ NỘI DUNG TÁI CƠ CẤU

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thúc đẩy tăng trưởng, từng bước xây dựng nền nông nghiệp giá trị gia tăng, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần đẩy nhanh phát triển nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nông dân.

2. Mục tiêu cụ thể

Duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng gắn với đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân từ 3,5 - 4%/năm giai đoạn 2014 - 2015 và 4,5 - 5% giai đoạn 2016 - 2020. Đến 2015, cơ cấu nông, lâm, ngư chiếm 16,5%, năm 2020 chiếm 14 - 15% GDP toàn tỉnh. Đến 2020, cơ cấu ngành nông nghiệp đạt: nông nghiệp 63%, thuỷ sản 29%, lâm nghiệp 7%.

Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng 2 - 3 lần so với năm 2013;

Đến năm 2015, 20% số xã và năm 2020, 50% đạt tiêu chí xã nông thôn mới.

Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực khác đối với môi trường, chủ động phòng tránh thiên tai, giữ vũng độ che phủ rừng 70%.

II. QUAN ĐIỂM TÁI CƠ CẤU

1. Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương; gắn phát triển nông nghiệp bền vững với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường.

2. Trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, giá trị cao và thân thiện với môi trường; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có lợi thế như cao su, gỗ rừng trồng, hải sản...; áp dụng khoa học công nghệ là khâu đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, gắn sản xuất với nhu cầu của thị trường nhằm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

3. Vừa theo cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sản xuất, tiêu dùng. Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cung cấp thông tin, dịch vụ.

4. Được thực hiện đồng bộ trên các nội dung: Cơ cấu lại quy mô, sản xuất giống, kỹ thuật công nghệ, hình thức tổ chức sản xuất, thị trường và điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ.

5. Tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và phát triển đối tác công tư, phát huy vai trò của các tổ chức theo hướng nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

III. ĐỊNH HƯỚNG, NỘI DUNG TÁI CƠ CẤU

1. Định hướng chung

1.1. Về kinh tế:

Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng và từng bước phát triển các vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp theo hình thức trang trại, gia trại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kết nối sản xuất nông nghiệp với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có lợi thế như lúa gạo, cao su, hải sản, gỗ nguyên liệu,...; đồng thời, duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm có tiềm năng như ngô, lạc, sắn, ớt, hồ tiêu…

1.2. Về xã hội:

Tăng thu nhập cho nông dân trên cơ sở tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là người nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số không thuận lợi về các điều kiện sản xuất thông qua hỗ trợ giảm nghèo, duy trì sản xuất và thu nhập, tăng khả năng tiếp cận thị trường lao động phi nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng.

1.3. Về môi trường:

Giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường do khai thác các nguồn lực cho sản xuất; tăng hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên; tăng cường áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý, sử dụng hiệu quả, an toàn các loại vật tư nông nghiệp, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

2. Sản phẩm chủ lực

2.1. Nông nghiệp: Lúa gạo, cao su, sắn nguyên liệu, bò zebu, gà chất lượng cao, hải sản, gỗ rừng trồng.

2.2. Sản phẩm ngành nghề nông thôn: Khoai deo, mực khô, mây xiên, nước mắm.

3. Nội dung tái cơ cấu trên các lĩnh vực

3.1. Trồng trọt:

Tái cơ cấu trồng trọt theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng. Sử dụng linh hoạt diện tích, sản lượng lúa hợp lý, duy trì sản lượng lương thực 27,5 - 28 vạn tấn đến 2015 và ổn định đến 2020, tập trung phát triển chất lượng, nâng cao giá trị lúa hàng hóa; tập trung phát triển mạnh cao su đáp ứng chế biến; ổn định diện tích theo quy hoạch và tập trung chỉ đạo để tăng năng suất ngô, sắn, lạc...,chú trọng sản xuất rau an toàn; phát triển mạnh các vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của từng địa phương; bố trí thời vụ phù hợp né tránh diễn biến cực đoan của biến đổi khí hậu, tăng cường công tác dự tính, dự báo phòng trừ dịch hại; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là giống, biện pháp canh tác tiên tiến, thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao thu nhập. Tập trung một số cây trồng có lợi thế, tiềm năng để ưu tiên chuyển đổi, cụ thể:

3.1.1.Nhóm cây trồng có lợi thế

a. Sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa:

- Sử dụng linh hoạt, có hiệu quả 29.000 ha đất chuyên trồng lúa, sản lượng trên 25 vạn tấn/năm, đến năm 2015 lúa chất lượng đạt 14.000 ha và năm 2020 đạt 16.500ha. Đẩy mạnh chuyển đổi linh hoạt đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác như ngô, lạc, đậu đỗ, dưa hấu, ớt, nuôi trồng thủy sản, trồng cỏ chăn nuôi,... theo kế hoạch, hạn chế tình trạng bỏ ruộng, cụ thể: năm 2014 chuyển đổi 1.287 ha, năm 2015 là 1.465 ha, giai đoạn 2016 - 2020 là 2.100 ha:

Ruộng 2 vụ ăn chắc: Tiếp tục sản xuất lúa, tập trung chuyển đổi mạnh sang cơ cấu giống lúa chất lượng cao, áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến (SRI, ICM...), đẩy mạnh đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng lúa hàng hóa.

+ Ruộng 1 vụ vùng thấp trũng, thường bị ngập úng trong vụ Hè Thu: Tập trung sản xuất vụ Đông Xuân ăn chắc, để lúa tái sinh, kết hợp nuôi cá, vịt, cua đồng... thực hiện quy hoạch liền vùng và tăng đầu tư, thực hiện đúng quy trình để nâng cao năng suất lúa tái sinh, tăng thu nhập.

+ Ruộng vàn cao, bị thiếu nước, năng suất thấp, sản xuất bấp bênh: Chuyển đổi sang gieo trồng ngô, lạc, ớt, đậu xanh, dưa hấu, rau các loại, trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò.

+ Chân đất 2 vụ lúa, nhưng đầu vụ Đông Xuân thường bị ảnh hưởng của mưa rét và lũ sớm cuối vụ Hè Thu: Sử dụng giống ngắn, cực ngắn ngày như P6 đột biến...; tiếp tục khảo nghiệm các giống cực ngắn khác đưa vào sản xuất.

- Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng nâng cao chất lượng, khả năng kháng sâu bệnh, kết hợp với bố trí lịch thời vụ hợp lý, né tránh những bất lợi của thời tiết để đảm bảo sản xuất bền vững, ổn định, nâng cao chất lượng lúa, gạo. Tăng diện tích sử dụng giống xác nhận, đặc biệt hỗ trợ giống chất lượng cao như CTX30, XT28, P6, PC6, HT1, Bắc thơm 7, QR1…, nâng tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao trên 50% vụ Đông Xuân và trên 80% vụ Hè Thu; giảm dần các giống dài ngày vụ Đông Xuân, tăng cường sử dụng các giống trung, ngắn ngày để gieo cấy muộn hơn nhằm tránh ngập úng và rét đầu vụ. Giảm dần, tiến tới loại bỏ những giống thoái hoá, năng suất, chất lượng thấp; tiếp tục khảo nghiệm ở diện rộng để sớm đưa vào cơ cấu sản xuất các giống mới có tiềm năng như: SV1, SV5, SV7, SV55, SV47, SV181, CXT30, Gia Lộc 105…Tập trung ưu tiên thực hiện các mô hình khảo nghiệm, trình diễn về giống mới để bổ sung vào cơ cấu; từng bước cải tổ bộ giống năng suất, chất lượng cao thay thế các giống cũ, thoái hoá, nhằm đổi mới căn bản về bộ giống.

- Đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến (SRI), đồng thời đưa nhanh cơ giới hoá vào sản xuất (từ khâu làm đất, thu hoạch đến bảo quản, chế biến) giảm chi phí, ô nhiễm nguồn nước, giảm tổn thất sau thu hoạch; sử dụng hiệu quả sản phẩm phụ (rơm, rạ, trấu,...), tăng hiệu quả, giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

- Tiếp tục dồn điền đổi thửa, khuyến khích nông dân có đất nhưng không có khả năng sản xuất, cho thuê, góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa; triển khai thực hiện có hiệu quả cánh đồng lớn và tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức liên kết với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

b. Phát triển cao su:

- Phát triển mạnh cao su theo quy hoạch, tập trung chuyển đổi mạnh diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng trồng kém hiệu quả đủ điều kiện sang trồng cao su theo quy hoạch, đến năm 2020 diện tích đạt 23.000 ha, sản lượng mủ khô đạt 19.500 tấn.

- Tổ chức khôi phục cao su bị gãy, đổ sau bão số 10/2013; khẩn trương rà soát quy hoạch cao su để loại bỏ những diện tích không phù hợp. Thực hiện nghiêm ngặt quy trình trồng cao su, đặc biệt là sử dụng giống có năng suất, khả năng chống đổ, kháng sâu bệnh như RRIM600, RRIM712, RRIC100, RRIC121, GT1,...; sử dụng các giống chịu rét như IAN 873, VN772, VN774 ở những vùng cao thường gặp mưa, rét, nhiệt độ thấp vào mùa Đông; thực hiện liên kết trồng cao su với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

c. Sắn nguyên liệu:

- Ổn định diện tích sắn nguyên liệu, đến năm 2020 đạt 5.500 - 6.000 ha, tập trung phát triển ở các vùng đồi. Tiếp tục khảo nghiệm, trình diễn các giống sắn năng suất và hàm lượng tinh bột cao dần thay thế các giống cũ năng suất thấp; quy hoạch vùng nguyên liệu, thực hiện cánh đồng lớn, kết hợp trồng sắn rải vụ để đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột trên địa bàn.

- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và các nhà máy chế biến theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ để chủ động trong sản xuất.

3.1.2. Nhóm cây trồng khác

a. Cây ngô:

- Mở rộng diện tích ngô trên chân đất có điều kiện, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả tại các huyện Bố Trạch, Minh Hoá, Tuyên Hoá sang trồng ngô. Đến năm 2020 đạt 6.500ha, sản lượng 27.780 tấn.

- Chuyển đổi mạnh cơ cấu giống ngô, nâng cao tỷ lệ các giống cao sản như DK9901, CP919, CP989, áp dụng giống ngô biến đổi gen…

b. Cây lạc:

- Đẩy mạnh sản xuất lạc, phấn đấu nâng diện tích lạc lên 6.000 ha vào năm 2020, tập trung các huyện Bố Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá. Chuyển đổi cơ cấu giống lạc, nâng tỷ lệ giống năng suất cao, chống chịu sâu bệnh như L14, L23, MD7,…; tiếp tục khảo nghiệm, trình diễn để sớm đưa vào sản xuất giống SVL1 nhằm thay đổi căn bản cơ cấu giống lạc, hạn chế sử dụng các giống địa phương. Tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh.

c. Phát triển rau màu:

Đa dạng cơ cấu các loại rau màu, phát triển mạnh rau màu đang có thị trường tiêu thụ như: ớt, các loại rau, quả,…tập trung ở các xã ven Quốc lộ 1, ven đô thị, khu công nghiệp; tăng cường sử dụng các loại giống mới kết hợp với áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo hướng VietGap, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Triển khai một số mô hình và từng bước hình thành, phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cây rau tại một số địa phương có lợi thế.

3.1.3. Công nghiệp chế biến nông sản

- Phát triển mạng lưới xay xát, chế biến gạo: Khuyến khích xây dựng các cơ sở xay xát, đánh bóng gạo, trước mắt đầu tư xây dựng cơ sở xay xát đánh bóng gạo cao cấp ở huyện Lệ Thủy nhằm tăng tỷ lệ gạo cao cấp, đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Khuyến khích các nhà máy chế biến tinh bột sắn, dong riềng xuất khẩu mở rộng quy mô, cải tiến công nghệ, nâng công suất để liên kết sản xuất, tiêu thụ sắn, dong riềng cho nông dân theo mô hình cánh đồng lớn.

- Khuyến khích các nhà máy, cơ sở chế biến từng bước đầu tư, nâng công suất, đặc biệt là 2 nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH MTV Lệ Ninh, Việt Trung lên 4.000 - 5.000 tấn sản phẩm đến năm 2020; tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng 4 cơ sở chế biến mủ cao su, nâng tổng số lên 12 cơ sở, với công suất thiết kế 12.000 tấn vào năm 2020, ưu tiên chế biến sâu; hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng ISO, xây dựng thương hiệu hàng hóa, nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ sản phẩm cao su. Về lâu dài tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm cao su công nghiệp.

3.2. Chăn nuôi

Tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng tập trung đẩy mạnh phát triển chất lượng; từng bước chuyển chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp; phát triển chăn nuôi nông hộ đối với vùng nông thôn có mật độ dân cư thưa (vùng gò đồi); khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao chất lượng, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

3.2.1. Chăn nuôi trâu, bò:

- Tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò cả số lượng, chất lượng. Tiếp tục hỗ trợ để cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo, đẩy mạnh thiến bò đực cóc, tăng nhanh tỷ lệ bò lai zebu. Phấn đấu đến năm 2015 đàn bò 112.000 con (bò lai đạt trên 40%), đến 2020 là 165.000 con (bò lai trên 60%), tập trung chủ yếu các vùng có đồng cỏ, vùng gò đồi ở các huyện. Trên nền đàn bò được cải tạo cho lai với các giống bò chuyên thịt năng suất cao như Brahman, Droughmater,... trước mắt đưa nhanh bò Brahman trắng để xây dựng một số mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò thịt thâm canh, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ bò lai hướng thịt 20% tổng đàn.

- Chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, các loại cây rau màu hiệu quả thấp sang trồng cỏ, kết hợp sử dụng các loại phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn cho trâu, bò.

- Khuyến khích một số doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi bò.

3.2.2. Đàn lợn:

- Duy trì, ổn định quy mô hợp lý, tập trung phát triển về chất lượng. Đến năm 2015 có 395.000 con (lợn có máu ngoại chiếm 86%), năm 2020 có 420.000 con (lợn có máu ngoại 94%). Tiếp tục thực hiện chương trình nạc hoá đàn lợn bằng các giống ngoại có năng suất cao, chất lượng như: Landrace, Yorshire, Pietrain, Duroc,... cho các vùng chăn nuôi tập trung đã quy hoạch; đồng thời áp dụng phương thức chăn nuôi tiên tiến, chuồng trại hiện đại kết hợp với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh,...

- Đối với các vùng chưa có điều kiện để phát triển mạnh chăn nuôi lợn ngoại, tiếp tục áp dụng phương thức lai tạo giữa lợn đực giống thuần ngoại với lợn nái F1 hoặc Móng cái để tạo con lai có 50 - 75% máu ngoại nuôi thịt; hướng dẫn người dân cải tiến phương thức chăn nuôi, sử dụng nguồn thức ăn sẵn có để chế biến, sử dụng, đồng thời áp dụng tốt quy trình phòng chống dịch bệnh.

- Tiếp tục phát triển các trang trại quy mô vừa và lớn liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Đối với chăn nuôi nông hộ, tổ chức phát triển theo hướng hình thành các tổ hợp tác, câu lạc bộ chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đẩy mạnh phát triển mạng lưới tư thương để tiêu thụ, tạo ra sản phẩm lớn kết nối thị trường chế biến thực phẩm hoặc giết mổ ở các cơ sở tập trung tiêu thụ nội tỉnh.

3.2.3. Gia cầm:

- Tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm cả số lượng, chất lượng. Phấn đấu đến năm 2015 đàn gia cầm có 3,2 triệu con, đến 2020 có 4,5 triệu con, (đàn gà 3,4 triệu con), tập trung các vùng chăn nuôi có lợi thế ở hầu hết các huyện, thị xã. Du nhập, tuyển chọn và nhân giống gia cầm năng suất cao, chất lượng tốt; chuyển đổi mạnh cơ cấu giống gà theo hướng giảm giống công nghiệp, tăng nhanh giống gà thả vườn chất lượng cao, dễ tiêu thụ như Ri vàng rơm, Lương Huệ, Jdabaco,... Phát triển các trang trại chăn nuôi gia cầm theo hình thức thả vườn ở các vùng đồi, gắn sản xuất với tiêu thụ để từng bước hình thành “thương hiệu gà đồi” cho một số địa phương, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Đẩy mạnh chăn nuôi thuỷ cầm có kiểm soát ở những địa phương có lợi thế.

- Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống gia cầm tập trung, chất lượng cao, trước mắt hoàn thành đưa vào khai thác có hiệu quả Trại giống gia cầm Phương Hạ, huyện Bố Trạch.

3.2.4. Vật nuôi đặc sản, giá trị cao

Phát triển một số giống vật nuôi mới đặc sản, có giá trị cao phù hợp thị hiếu tiêu dùng hiện nay như: Lợn rừng, Dê, Kỳ đà, Nhím, Bồ câu Pháp, Ong,... gắn với mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại theo lợi thế của từng địa phương nhằm đa dạng hoá cơ cấu giống vật nuôi, tạo thêm việc làm và thu nhập, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi.

3.2.5. Cơ sở giết mổ tập trung, chế biến thức ăn chăn nuôi, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các lò giết mổ tập trung, phấn đấu đến năm 2020 đưa 70 - 80% số điểm giết mổ nhỏ lẻ gia súc, gia cầm vào cơ sở giết mổ tập trung nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Rà soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ nằm ở trung tâm huyện, thành phố, thị xã, thị trấn, vùng đông dân cư... xây dựng quy hoạch cơ sở giết mổ loại I; đối với những vùng có ít điểm giết mổ, chủ yếu bán ở các chợ nhỏ lẻ, bố trí xây dựng cơ sở loại II, III.

Xây dựng chính sách kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc công suất 100.000 - 150.000 tấn/năm tại KCN Hòn La; kêu gọi đầu tư các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô từ 500 - 1.000 tấn sản phẩm/năm nhằm đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

3.3. Thủy sản

3.3.1. Về khai thác:

- Chuyển đổi mạnh khai thác thuỷ sản ven bờ sang xa bờ. Tiếp tục đầu tư cải hoán, đóng mới phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ (trên 90 CV), khuyến khích phát triển tàu cá công suất 400CV trở lên, trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại để tham gia khai thác vùng biển xa; giảm hợp lý tàu cá dưới 20 CV vùng bãi ngang, cồn bãi; từng bước thay thế tàu vỏ gỗ bằng vật liệu mới. Phấn đấu đến năm 2015 có 4.700 tàu, công suất 290.000 CV (tàu >90 CV: 1.200 chiếc, tàu dưới 20CV giảm tối đa còn 2.100 chiếc).

- Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu thuyền/nghề khai thác hướng theo các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, gắn với bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên biển. Tăng nghề khai thác hiệu quả như lưới vây, đặc biệt là vây ngày có sử dụng máy dò cá Sonar; nghề câu cá ngừ đại dương; chụp mực 4 cần ganh; phát triển các nghề mới như lồng bẩy, chụp mực, chụp cá, rê khơi, câu khơi....; giảm nghề kém hiệu quả như mành đèn, lưới kéo...

- Tiếp tục thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, tổ đoàn kết khai thác thủy sản, phấn đấu có 30 - 35% tàu cá khai thác hải sản hoạt động theo mô hình liên kết giữa khai thác, dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm; đầu tư, ứng dụng công nghệ bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10% (hầm bảo quản trên tàu cá bằng chất liệu bọt xốp Polyurethane thay cho hầm vách gỗ, lót xốp truyền thống); phấn đấu đến năm 2015, sản lượng khai thác 45.500 tấn, năm 2020 đạt 46.000 tấn (khai thác biển 45.000 tấn, nội địa 1.000 tấn); hỗ trợ tích cực chuyển đổi nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thuỷ sản, khai thác xa bờ, dịch vụ, chế biến thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt,...; áp dụng mô hình tổ chức đồng quản lý nghề cá quy mô nhỏ vùng biển ven bờ, gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Tiếp tục hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa theo Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chú trọng khai thác các đối tượng có giá trị xuất khẩu, thị trường tiêu thụ tốt, đưa tỷ trọng sản phẩm có giá trị xuất khẩu chiếm 35 - 40% tổng sản lượng khai thác biển.

3.3.2. Về nuôi trồng thủy sản

Tiếp tục chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng nuôi, đặc biệt vùng nuôi tập trung, đảm bảo đủ điều kiện nuôi thâm canh theo hướng sản xuất hàng hoá, bền vững và khả năng cạnh tranh cao. Tập trung phát triển đối tượng nuôi chủ lực, phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường và áp dụng VietGAP trong quản lý nuôi trồng thủy sản. Đa dạng đối tượng và hình thức nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng và khai thác cơ hội thị trường. Khuyến khích các Trại sản xuất tôm giống đầu tư cơ sở, trang thiết bị hoặc liên kết, chủ động sản xuất, cung ứng giống đảm bảo chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu người nuôi. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích nuôi 6.600ha (mặn lợ 2.600ha, nước ngọt 4.000ha); sản lượng 13.000 tấn, tập trung nuôi mặn lợ, nuôi ngọt ở các huyện có lợi thế.

- Nuôi mặn lợ: Ổn định diện tích, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, giống, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh, hàng hóa phục vụ xuất khẩu; áp dụng công nghệ nuôi tôm tiên tiến, quy trình nuôi tôm bền vững, nuôi tôm theo quy trình VietGAP, tiến tới áp dụng nuôi có trách nhiệm (CoC). Đa dạng hình thức nuôi (luân canh, xen canh, nuôi ghép kết hợp) nhằm hạn chế dịch bệnh.

+ Vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú ao đất dọc lưu vực sông Gianh, Lý Hòa, Nhật Lệ.

+ Vùng nuôi tôm thâm canh thẻ chân trắng trên cát ở các xã ven biển quy mô phù hợp, đảm bảo bền vững, hiệu quả; khuyến khích phát triển nuôi các loài cá mặn lợ, đối tượng hải sản khác theo phương pháp lồng bè trên hạ lưu các cửa sông Gianh, Nhật Lệ.

- Nuôi nước ngọt: Duy trì các đối tượng nuôi truyền thống (trắm, chép, mè, rô phi); đẩy mạnh nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt như cá lăng, chiên, chình,... phát triển một số đối tượng khác như cá điêu hồng, mè trắng, mè hoa... trên các ao hồ sẵn có, hồ thuỷ lợi không cấp nước sinh hoạt, nuôi lồng bè trên sông Son, Gianh; nuôi ếch, baba,...; mở rộng diện tích nuôi cá - lúa; nuôi cá lóc; nghiên cứu, bảo tồn và phát triển một số loài cá bản địa như cá Bọp, cá Trẽng,...

3.3.3. Dịch vụ hậu cần thủy sản

Khuyến khích khôi phục, phát triển cơ sở đóng, sửa chữa tàu cá; sản xuất, dịch vụ ngư lưới cụ, máy móc, thiết bị khai thác, đá lạnh, nhiên liệu...hình thành hạ tầng dịch vụ đồng bộ, gắn kết các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ tốt cho khai thác, thu mua, chế biến thủy sản; từng bước đầu tư phát triển hoàn thiện và bổ sung quy hoạch, nâng cao năng lực quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, phục vụ tốt cho khai thác; thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, dịch vụ khai thác tại cảng cá, bến cá, khu neo đậu; hình thành dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, nhất là tàu thu mua hải sản trên biển để giảm chi phí bảo quản, vận chuyển, tăng thời gian bám biển, tăng chất lượng sản phẩm.

3.3.4. Chế biến thủy sản

- Khuyến khích các nhà máy, cơ sở chế biến tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp dây chuyền các cơ sở chế biến hiện có, chế biến các mặt hàng đảm bảo chất lượng ATVSTP, phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm nâng cao giá trị, giảm tỷ trọng sản phẩm sơ chế, tăng tỷ trọng chế biến các mặt hàng thủy sản đông lạnh, sản phẩm ăn liền, đa dạng hóa mặt hàng chế biến theo yêu cầu thị trường, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng.

- Phấn đấu đến 2015, có 30% tổng sản lượng thủy sản được chế biến, trong đó chế biến xuất khẩu 15%; đến 2020, có 35% tổng sản lượng thủy sản được chế biến, trong đó chế biến xuất khẩu 20%. Đầu tư nâng công suất Nhà máy chế biến thủy sản Sông Gianh, tăng sản lượng hàng đông xuất khẩu lên 2.000 tấn/năm, hàng khô 1.000 tấn/năm; quy hoạch và đầu tư nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu và nhà máy bột cá tại KCN Hòn La; kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến bột cá ở Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch; nhà máy chế biến thủy sản ăn liền ở Bố Trạch; nhà máy chế biến thủy sản tại KCN Hòn La (công suất 5.000 tấn/năm); các cơ sở sơ chế và bảo quản nguyên liệu chế biến ở Roòn, Ngư Thủy, Hải Ninh, Nhân Trạch...

3.4. Lâm nghiệp

3.4.1. Phát triển, sử dụng rừng:

Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp theo hướng giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao sinh kế cho người dân miền núi; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng, phát triển công nghiệp chế biến nhằm gia tăng giá trị từ rừng; tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2020.

- Tăng cường khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng để nâng cao trữ lượng rừng tự nhiên là rừng sản xuất, cung cấp gỗ lớn và phát huy vai trò, chức năng phòng hộ của rừng theo hướng bền vững, đáp ứng các dịch vụ môi trường rừng. Đẩy mạnh công tác trồng rừng sản xuất, phấn đấu đến năm 2015, diện tích rừng trồng 105.000 ha và 130.000 ha đến 2020, trong đó rừng nguyên liệu tập trung chuyên canh 75.000 - 80.000 ha được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC); thực hiện tốt việc chuyển mục đích sử dụng rừng, cải tạo rừng theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt, nhất là chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng trồng hiệu quả thấp sang trồng rừng kinh tế, đặc biệt trồng cao su. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, duy trì độ che phủ rừng 70%.

- Chỉ đạo thực hiện tốt Đề án quy hoạch nguồn giống cây trồng lâm nghiệp đến năm 2020; đẩy mạnh ứng dụng TBKT trong sản xuất giống, nhất là sử dụng các giống năng suất cao, chu kỳ khai thác nhanh để chuyển mạnh sang trồng rừng thâm canh và xem đây là bước đột phá quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn gỗ và nguyên liệu cho các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn; từng bước đưa vào khảo nghiệm các loài cây gỗ lớn gắn với chế biến sâu đồ gỗ xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh khai thác gỗ rừng trồng nhằm đáp ứng nguyên liệu; tăng cường công tác giao khoán, bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi rừng; khai thác gỗ rừng tự nhiên hằng năm theo phương án điều chế rừng gắn với quản lý rừng bền vững.

- Xây dựng và từng bước nhân rộng mô hình quản lý rừng bền vững; cải thiện sinh kế cho cộng đồng các dân tộc thiểu số và đối tượng khác được hưởng lợi thông qua phí dịch vụ môi trường rừng; thực hiện quản lý rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững; chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Dự án JICA2, Chương trình REDD+ theo kế hoạch nhằm hỗ trợ tích cực cho việc phát triển rừng bền vững, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng.

3.4.2. Chế biến lâm sản

- Gắn phát triển trồng rừng nguyên liệu năng suất cao với công nghiệp chế biến gỗ và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng; tổ chức lại hệ thống chế biến gỗ và lâm sản theo hướng hiện đại, đồng bộ (từ sản xuất, cung ứng nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm) gắn với quy hoạch mạng lưới cưa xẻ gỗ, ưu tiên chế biến tinh, sâu, chế biến mặt hàng có thị trường tiêu thụ và khả năng cạnh tranh cao. Phấn đấu đến năm 2020 có 60% sản lượng gỗ đưa vào chế biến.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh, sâu gỗ, lâm sản; thu hút đầu tư trong, ngoài nước nhằm đổi mới thiết bị công nghệ, cải tiến quy trình chế biến, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp có phương án đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất các mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao; nhanh chóng chuyển hướng sản xuất vào chế biến tinh, sâu với các sản phẩm (MDF, ván thanh, đồ gỗ cao cấp...) để tiêu thụ nguyên liệu gỗ trên địa bàn tỉnh.

- Kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy gỗ MDF tại Quảng Bình với công suất 120.000m3/năm.

3.5. Ngành nghề nông thôn

3.5.1. Ngành nghề truyền thống

- Khôi phục, phát triển các nghề truyền thống như chế biến hải sản; nước mắm; mộc mỹ nghệ; rèn đúc; bún bánh mè xát, rượu, khoai gieo, chế biến thuỷ sản ăn liền ở các địa phương có truyền thống...

- Đẩy mạnh sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí nhỏ, nhất là các mặt hàng chạm khảm cao cấp, điêu khắc từ sản phẩm gỗ, đá, cơ sở thêu ren, sản xuất bàn ghế học sinh và thiết bị trường học; mây tre mỹ nghệ ở các vùng nghề; chiếu trúc và bàn ghế song mây; sản xuất chiếu cói.

- Phát triển cơ khí sữa chữa, chế tạo một số máy móc, phương tiện, phụ tùng thay thế thông thường phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp như máy sấy, máy tuốt lúa, gặt đập liên hợp, làm đất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch; phát triển các cơ sở đóng mới, sửa tàu cá, xây dựng, vận tải và dịch vụ khác.

3.5.2. Ngành nghề mới

Nghiên cứu, du nhập, đào tạo ngành nghề mới phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường gắn với sản xuất hàng lưu niệm, phục vụ tốt nhu cầu du khách tại các điểm du lịch.

3.5.3. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

- Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo hướng đào tạo nâng cao tay nghề đối với các nghề truyền thống, đồng thời đào tạo nghề mới phù hợp; chú trọng đào tạo nghề gắn với việc làm sau đào tạo, nhu cầu thực tiễn của người dân, địa phương; đào tạo nghề mới, nghề truyền thống phải gắn với quy hoạch, định hướng phát triển ngành nghề của tỉnh và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề có đủ điều kiện dạy nghề lao động nông thôn; tăng cường đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề; từng bước đầu tư các trang thiết bị dạy nghề đáp ứng tiêu chuẩn quy định.

3.6. Xây dựng nông thôn mới

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã, thôn bản; tiếp tục chỉ đạo lập quy hoạch sản xuất; tập trung huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu theo dự toán và thiết kế mẫu; chỉ đạo các địa phương rà soát, tập trung để mỗi năm hoàn chỉnh thêm 3 - 4 tiêu chí/xã; vận động, khuyến khích người dân và cộng đồng tham gia đóng góp nguồn lực và tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức; tổ chức sơ kết, tổng kết kinh nghiệm, nhân rộng các điển hình, cách làm hay. Phấn đấu trong năm 2014, 100% số xã hoàn thành quy hoạch khu trung tâm xã, 11 xã đạt nông thôn mới; năm 2105 có 18 xã đạt nông thôn mới; đến 2016 toàn tỉnh có 30 xã đạt nông thôn mới.

Phần 4

CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, sâu rộng nội dung Đề án, tạo đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và cộng đồng doanh nghiệp, người dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất theo hướng hàng hóa; liên kết hóa trong sản xuất, doanh nghiệp hóa sản phẩm và xã hội hóa đầu tư.

2. Nâng cao chất lượng quy hoạch; rà soát, điều chỉnh và tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch

Chỉ đạo thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời rà soát, điều chỉnh một số quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu ngành gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, làng nghề và các nhà máy, cơ sở chế biến; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đặc biệt quy hoạch phát triển sản xuất.

Xác định thứ tự ưu tiên thực hiện quy hoạch để khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của vùng; chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ưu tiên vùng chuyên canh như lúa, cao su, sắn, gỗ rừng trồng,...

Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch ngành, lĩnh vực với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và quy hoạch xây dựng nông thôn mới; thực hiện công khai, minh bạch đối với các loại quy hoạch theo quy định.

3. Chuyển đổi, tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất

Tiếp tục chỉ đạo dồn điền đổi thửa, phấn đấu bình quân 1,5-2 thửa/hộ; khuyến khích nông dân có đất nhưng không có khả năng sản xuất cho thuê, góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Chỉ đạo triển khai Đề án giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng sau khi được phê duyệt nhằm bảo vệ, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất, rừng của địa phương, tạo động lực khuyến khích nhân dân tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng.

4. Đẩy mạnh cơ giới hoá, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến nông

Tập trung hỗ trợ nâng cao tỷ lệ cơ giới vào sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất đối với cây hàng năm đạt 70 - 80%, cơ giới hoá khâu gieo trồng đạt 20 -30%, cơ giới hóa khâu phòng trừ sâu bệnh đạt 70 - 80%, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản đạt 70 - 80%...

Tiếp tục triển khai các đề tài khoa học, mô hình khuyến nông có hiệu quả nhân rộng vào sản xuất, chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao phù hợp với nhu cầu thị trường; áp dụng quy trình tiên tiến vào sản xuất như SRI, ICM, trồng lạc mật độ dày, che phủ nilon, trồng ngô mật độ thưa hợp lý; sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, nuôi tôm, cá theo quy trình sinh học,... ; áp dụng công nghệ bảo quản, chế biến, gắn với phát triển liên kết vùng sinh thái.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, huy động sự tham gia các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp; tăng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và khuyến nông. Hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận với dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Phát triển mạng lưới công nghệ thông tin đến tận xã, thôn, xóm để người dân tiếp cận thông tin kinh tế khoa học kỹ thuật, thị trường.

5. Xã hội hóa đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công

5.1. Xã hội hóa đầu tư

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyển giao một số dịch vụ công sang tư nhân và tổ chức xã hội thực hiện. Khuyến khích tư nhân tổ chức sản xuất, chế biến, dịch vụ, công nghệ, thủy lợi nội đồng, thương mại,...; từng bước chuyển việc cung cấp một số dịch vụ công cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện.

5.2. Quản lý và sử dụng vốn đầu tư công

Nâng cao tính minh bạch trong quản lý, sử dụng đầu tư công; từng bước điều chỉnh xây dựng dự án kêu gọi đầu tư theo hướng thu hút tối đa nguồn lực xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tập trung đầu tư các lĩnh vực trọng tâm, công trình đa mục tiêu, liên quan đến nhiều ngành, phục vụ sản xuất, đời sống.

Nâng cao chất lượng lựa chọn dự án, chú trọng lợi ích kinh tế, môi trường khi thẩm định phê duyệt các dự án đầu tư; tổ chức quản lý, vận hành các dự án có hiệu quả; từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ. Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý chi tiêu công cho các đơn vị, địa phương.

Tập trung ưu tiên đầu tư công để phát triển giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu với sâu bệnh, biến đổi thời tiết; các dự án giám sát, dự báo phòng ngừa, kiểm soát sâu bệnh, dịch bệnh; công nghệ, thiết bị chế biến, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng; sản xuất giống; hệ thống cảnh báo và giám sát môi trường, quản lý dịch bệnh, các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá; quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi ven bờ; bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch, hiện đại hóa tàu cá và cải thiện đời sống ngư dân bãi ngang, cồn bãi; phát triển cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; tăng cường năng lực lực lượng kiểm lâm, năng lực dự báo, phòng cháy, chữa cháy rừng; phát triển mô hình quản lý lâm nghiệp cộng đồng và dịch vụ môi trường rừng; đầu tư theo hướng đa chức năng để phục vụ sản xuất cho nhiều loại cây trồng, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, ưu tiên công trình thủy lợi đầu mối, các dự án lớn; các dự án đê, kè, an toàn hồ chứa, kiểm soát lũ; nâng cấp, sửa chữa các công trình sau đầu tư; phát triển thủy lợi nhỏ ở miền núi; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

6. Cải cách thể chế

6.1. Đối với doanh nghiệp nhà nước

Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Chỉ đạo rà soát hiện trạng sử dụng đất rừng, tiếp tục bóc tách diện tích rừng của các lâm trường giao cho địa phương để cho các tổ chức, cá nhân thuê sử dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, rừng theo quy hoạch 3 loại rừng.

Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục, sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

6.2. Kinh tế hợp tác, trang trại

Mở rộng các dịch vụ, tăng cường năng lực, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào hợp tác xã; đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tiếp tục thành lập, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển, tổ quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản, từng bước hình thành tổ hợp tác sản xuất trong khai thác, nuôi trồng thuỷ sản.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế trang trại; nâng cao hiệu quả sản xuất của các trang trại hiện có; phát triển trang trại phù hợp ở các vùng đồi, vùng cát ven biển theo hướng chất lượng, gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại; có chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất phát triển trang trại; hỗ trợ trang trại tiếp cận, thay đổi máy móc thiết bị công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, xử lý môi trường và quản lý chất lượng nông sản theo hướng VietGAP; thành lập các chi hội, câu lạc bộ trang trại để chia sẻ kinh nghiệm, liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

6.3. Đối tác công tư, hợp tác đầu tư

Phát triển đối tác công tư, hợp tác công tư trong xây dựng, quản lý và vận hành các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công; tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

6.4. Tổ chức bộ máy, đào tạo nguồn nhân lực

Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo tinh gọn, đồng bộ, thông suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Tổ chức thực hiện tốt quy chế quản lý, tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao năng lực cán bộ kỹ thuật và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cho các cơ quan chuyên môn từ tỉnh xuống cơ sở; đồng thời tăng cường cán bộ kỹ thuật và nâng cao năng lực hoạt động cho hệ thống bảo vệ thực vật, khuyến nông, thú y, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, quản lý chất lượng nông lâm thủy sản....,chú trọng xây dựng mạng lưới cộng tác viên cơ sở.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình dạy nghề và Đề án phát triển ngành nghề nông thôn; nâng cao hiệu quả đào tạo của các trường, trung tâm dạy nghề; tiếp tục mở rộng đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao tay nghề cho lao động có tay nghề khá ở các địa phương; thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề đối với lao động, giáo viên, cơ sở dạy nghề.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, nâng cao kiến thức kỹ thuật về nông lâm ngư nghiệp cho nông dân gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhất là các nghề thị trường lao động cần, ưu tiên vùng sâu, vùng xa.

6.5. Cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; thực hiện tốt cơ chế một cửa; nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở.

Tăng cường kỷ luật hành chính, kỷ luật công vụ, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, sâu sát cơ sở để nắm bắt tình hình, tham mưu đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra các hoạt động sản xuất, nhất là vật tư đầu vào, không để gây thiệt hại cho nông dân.

Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng.

7. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách

7.1. Chính sách đất đai

Chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định; rà soát, bổ sung các quy hoạch phù hợp với thực tiễn; đẩy mạnh giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định.

Thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất linh hoạt trong nội bộ ngành theo đúng quy hoạch, kế hoạch và nhu cầu thị trường, nhất là chuyển đổi đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả hơn nhưng bảo đảm nguyên tắc vẫn đáp ứng đủ các điều kiện trồng lại lúa khi cần thiết; hạn chế thu hồi đất nông nghiệp cho các mục đích khác

7.3. Xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có lợi thế; hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, đăng ký thương hiệu, thông tin, tìm kiếm thị trường. Xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến cách thức quản lý, kỹ thuật nuôi trồng an toàn và chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; xây dựng và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia chương trình chứng nhận theo tiêu chuẩn truy xuất sản phẩm; thực hiện thủ tục đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu thương mại sản phẩm để tránh bị nhái, bị mất thương hiệu; tạo dựng kênh phân phối thuận tiện, bền vững để sản phẩm dễ dàng đến tay người tiêu dùng.

Tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích mạng lưới thương lái phát triển làm đầu mối thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân; đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các nhà máy chế biến với các vùng nguyên liệu, thực hiện tốt chương trình liên kết 4 nhà theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013.

Dự báo và nắm bắt kịp thời những biến động của thị trường để điều chỉnh cơ cấu cấy trồng, vật nuôi phù hợp từng giai đoạn.

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại; tiếp tục tăng cường tiếp thị quảng bá sản phẩm để tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, chủ động tìm thị trường và hợp tác liên kết sản xuất.

8. Các dự án ưu tiên

- Xây dựng vùng lúa chất lượng cao đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng với diện tích 3.500ha tại các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch và Quảng Trạch.

- Trồng cỏ thâm canh năng suất cao phục vụ chăn nuôi trâu, bò thịt với quy mô 1.000ha tại các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá.

- Nâng cấp Nhà máy Chế biến thủy sản Sông Gianh.

- Chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ các xã bãi ngang, cồn bãi.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm thâm canh trên cát các huyện ven biển.

- Trồng rừng nguyên liệu năng suất, chất lượng cao các huyện miền núi.

- Nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở chế biến cao su ở Bố Trạch.

- Xây dựng nhà máy gỗ MDF (công suất 120.000m3/năm).

- Dự án liên kết trồng cao su với Tập đoàn cao su VN.

Phần 5

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Trên cơ sở Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, xây dựng, dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Đề án trình UBND tỉnh ký, ban hành.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án và Kế hoạch hành động, định kỳ tổng hợp tình hình thực hiện báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách; tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ; tham mưu lồng ghép bố trí nguồn kinh phí thực hiện Đề án; đồng thời tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nhất là các dự án ưu tiên.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã ưu tiên, bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học để thực hiện các đề tài, dự án và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ có hiệu quả vào sản xuất; hướng dẫn xây dựng thương hiệu sản phẩm

4. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo tinh gọn, đồng bộ, thông suốt, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

5. Sở Công Thương

Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường xúc tiến thương mại, thành lập các hiệp hội ngành hàng; quy hoạch, đầu tư nâng cấp, xây dựng các nhà máy, cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, phát triển hệ thống điện đến các vùng sản xuất,…

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn thủ tục, hồ sơ giao đất cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất theo quy hoạch; hướng dẫn lập báo cáo, đề án bảo vệ môi trường và tăng cường quản lý bảo vệ môi trường.

7. Sở Lao động - Thương binh và xã hội

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp theo hướng ưu tiên nâng cao chất lượng nghề, đào tạo chuyển đổi nghề gắn với Đề án tái cơ cấu ngành và phù hợp với thị trường lao động.

8. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Chủ trì cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng quảng bá các sản phẩm phục vụ du lịch của địa phương và phối hợp chuyển đổi các làng nghề có điều kiện thành điểm du lịch.

9. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Quảng Bình và các cơ quan thông tin đại chúng

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án.

10. Các tổ chức chính trị xã hội

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, lồng ghép các nguồn kinh phí, chỉ đạo các cấp hội, đoàn thể tích cực tham gia thực hiện tốt Đề án.

11. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện tốt Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Các Ngân hàng: Chính sách xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Quảng Bình và các Ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vay vốn phát triển nông nghiệp.

12. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Trên cơ sở Đề án, Kế hoạch hành động thực hiện Đề án của tỉnh, xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Kế hoạch hành động hành động thực hiện Đề án phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

 

MỤC LỤC

Phần1: Sự cần thiết phải tái cơ cấu

I. Sự cần thiết phải tái cơ cấu

II. Căn cứ pháp lý

Phần 2: Thực trạng ngành nông nghiệp

I. Những thành tựu đạt được

II. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Phần 3: Định hướng và nội dung tái cơ cấu

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

2. Mục tiêu cụ thể

II. Quan điểm tái cơ cấu

III. Định hướng, nội dung tái cơ cấu

1. Định hướng

2. Sản phẩm chủ lực

3. Tái cơ cấu các lĩnh vực

3.1. Trồng trọt

3.2. Chăn nuôi

3.3. Thủy sản

3.4. Lâm nghiệp

3.5. Ngành nghề nông thôn

Phần 4: Giải pháp chủ yếu thực hiện Đề án

1. Công tác tuyên truyền

2. Nâng cao chất lượng quy hoạch; rà soát, điều chỉnh và tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch

3. Tích cực chuyển đổi, tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất

4. Đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ-KN

5. Đẩy mạnh XHH đầu tư, không ngừng nâng cao HQQL đầu tư công

6. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế

7. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách tạo động lực cho tái cơ cấu ngành

8. Các dự án ưu tiên thực hiện tái cơ cấu ngành

9. Hiệu quả Đề án

Phần 5: Tổ chức thực hiện

Phần 6: Kết luận, kiến nghị

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1484/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014 - 2020 do tỉnh Quảng Bình ban hành

  • Số hiệu: 1484/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/06/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Trần Văn Tuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/06/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản