Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1467/2003/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 1467/2003/QĐ-BGTVT NGÀY 22 THÁNG 5 NĂM 2003 VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TẠM THỜI TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 12 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông ngày 10 tháng 12 năm 1994,
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 80/CP ngày 05 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định tạm thời trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và hình thức xử lý vi phạm đối với cá nhân trong hoạt động thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông công chính, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1467/2003/QĐ-BGTVT ngày 22 tháng 5 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt (sau đây gọi tắt là thanh tra giao thông) và hình thức xử lý vi phạm đối với cá nhân trong hoạt động thanh tra giao thông.

2. Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý tổ chức thanh tra giao thông các cấp và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra giao thông.

Điều 2. Các tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 1 quy định này gồm:

1. Tổ chức:

a) Bộ Giao thông vận tải.

b) Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sông Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam;

c) Khu quản lý đường bộ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Chi cục Đường sông.

d) Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính;

đ) Phòng (Ban) Thanh tra giao thông;

e) Thanh tra giao thông khu vực;

g) Đội thanh tra giao thông.

2. Cá nhân:

a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thủ trưởng cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cực Đường sông Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông công chính, Tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Chi cục trưởng Chi cục Đường sông;

b) Thanh tra viên thanh tra giao thông, lãnh đạo tổ chức thanh tra giao thông các cấp.

Điều 3. Tổ chức và cá nhân được quy định tại Điều 2 ngoài việc thực hiện quy định này phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thanh tra giao thông, các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương 2:

QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM

MỤC A.

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC

Điều 4. Bộ Giao thông vận tải

1. Chỉ đạo thực hiện và thống nhất tổ chức, hoạt động của thanh tra giao thông trong phạm vi cả nước.

2. Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện về tổ chức và hoạt động của thanh tra giao thông.

3. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức và bảo đảm hoạt động của thanh tra giao thông.

4. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra giao thông.

Điều 5. Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sông Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam

1. Tổ chức thực hiện các quy định của Bộ Giao thông vận tải về hoạt động của thanh tra giao thông trong lĩnh vực bảo vệ công trình giao thông và trật tự an toàn giao thông.

2. Chỉ đạo và trực tiếp quản lý hoạt động của thanh tra giao thông trong phạm vi quản lý chuyên ngành. Riêng đối với Thanh tra giao thông đường sắt do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản này.

3. Phối hợp với chính quyền địa phương để hướng dẫn các biện pháp bảo vệ công trình giao thông

4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động của thanh tra giao thông theo từng chuyên ngành trong phạm vi cả nước.

Điều 6. Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính

1. Quản lý, tổ chức toàn bộ hoạt động của thanh tra giao thông.

2. Tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương và hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan quản lý chuyên ngành về hoạt động của thanh tra giao thông trong việc bảo vệ công trình giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

3. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động của thanh tra giao thông thuộc phạm vi quản lý.

Điều 7. Khu quản lý đường bộ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Chi cục Đường sông

1. Quản lý và chỉ đạo hoạt động của thanh tra giao thông thuộc phạm vi quản lý.

2. Tổ chức triển khai, thực hiện các quy định của Bộ Giao thông vận tải, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về tổ chức hoạt động của thanh tra giao thông.

3. Thanh tra, kiểm tra hoạt động của thanh tra giao thông và xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền.

4. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính trong hoạt động của thanh tra giao thông.

Điều 8. Phòng (Ban) Thanh tra giao thông

1. Tham mưu cho lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hoặc Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông công chính trong công tác quản lý hoạt động của thanh tra giao thông.

2. Chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động của Thanh tra giao thông khu vực, Đội thanh tra giao thông.

3. Đề xuất và thực hiện thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông

4. Đề xuất và thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động của Thanh tra giao thông khu vực, Đội thanh tra giao thông.

Điều 9. Thanh tra giao thông khu vực

1. Tham mưu cho lãnh đạo Khu quản lý đường bộ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Chi cục Đường sông trong công tác quản lý hoạt động của thanh tra giao thông trực thuộc.

2. Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của các Đội thanh tra giao thông.

3. Thực hiện thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

4. Kiểm tra, giám sát hoạt động của các Đội thanh tra giao thông.

Điều 10. Đội Thanh tra giao thông

1. Trực tiếp thực hiện thanh tra trên địa bàn được giao đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về:

a) Bảo vệ công trình giao thông và hành lang an toàn giao thông, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình giao thông và phương tiện tham gia giao thông;

b) Hoạt động vận tải theo quy định được phân cấp của cơ quan quản lý chuyên ngành.

2. Phối hợp với đơn vị quản lý công trình giao thông, địa phương trong khu vực quản lý thực hiện biện pháp bảo vệ công trình giao thông và bảo đảm an toàn giao thông.

3. Xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật

MỤC B.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁ NHÂN

Điều 11. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Thủ trưởng cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động của thanh tra giao thông trong phạm vi cả nước.

Điều 12. Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về những nhiệm vụ sau đây:

1. Quản lý hoạt động của thanh tra giao thông trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

2. Tổ chức lực lượng thanh tra giao thông hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật.

3. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế hoạt động nghiệp vụ của thanh tra giao thông.

4. Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động của thanh tra giao thông.

Điều 13. Tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Chi cục trưởng Chi cục Đường sông chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về những nhiệm vụ sau đây:

1. Tổ chức hoạt động của lực lượng thanh tra giao thông trực thuộc.

2. Tổ chức triển khai thực hiện mọi nhiệm vụ và hướng dẫn của Bộ, Cục về công tác thanh tra giao thông.

3. Thanh tra, kiểm tra, thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực và xử lý các vi phạm trong hoạt dộng thanh tra giao thông.

Điều 14. Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông công chính chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về những nhiệm vụ sau đây:

1. Tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tổ chức lực lượng thanh tra giao thông hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật.

2. Quản lý hoạt động của thanh tra giao thông theo quy định của pháp luật trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động của Thanh tra giao thông Sở.

Điều 15. Chánh Thanh tra giao thông đường bộ, Chánh Thanh tra giao thông đường sắt, Chánh Thanh tra giao thông đường thủy nội địa chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Cục về những nhiệm vụ sau đây:

1. Tham mưu chỉ đạo công tác của thanh tra giao thông.

2. Tổ chức thực hiện các chương trình hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra giao thông.

3. Thanh tra, kiểm tra hoạt động của thanh tra giao thông thuộc chuyên ngành quản lý trong phạm vi cả nước.

4. Lập kế hoạch đào tạo và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho lực lượng thanh tra giao thông trình cấp có thẩm quyền xét duyệt.

Điều 16. Chánh Thanh tra giao thông Sở chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính về những nhiệm vụ sau đây:

1. Trực tiếp tổ chức và quản lý hoạt động của thanh tra giao thông trực thuộc.

2. Tham mưu cho lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính tổ chức thực hiện các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức và hoạt động thanh tra giao thông và thực hiện các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ của Thanh tra giao thông đường hộ, đường thủy nội địa, đường sắt.

3. Phối hợp với Thanh tra giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với tổ chức và cá nhân theo nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.

4. Lập kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho lực lượng thanh tra giao thông trực thuộc Sở, trình cấp có thẩm quyền xét duyệt.

5. Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Điều 17. Chánh Thanh tra giao thông khu vực chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Chi cục trưởng Chi cục Đường sông, Chánh Thanh tra giao thông cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về những nhiệm vụ sau đây:

1. Trực tiếp quản lý hoạt động của Thanh tra giao thông khu vực.

2. Tham mưu cho Tổng giám đốc, Chi cục trưởng triển khai thực hiện các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sông Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam về hoạt động của Thanh tra giao thông khu vực.

3. Lập kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho lực lượng Thanh tra giao thông khu vực trình cấp có thẩm quyền xét duyệt.

4. Xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, giao thông đường sắt, giao thông đường thủy nội địa theo thẩm quyền.

Điều 18. Đội trưởng Đội thanh tra giao thông chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra giao thông khu vực hoặc Chánh Thanh tra giao thông Sở và cấp trên về những nhiệm vụ sau đây:

1. Quản lý và điều hành trực tiếp hoạt động của Đội thanh tra giao thông.

2. Quản lý cơ sở vật chất, kỹ thuật và lao động của đội.

3. Tổ chức thực hiện hoạt động của Đội thanh tra giao thông theo đúng quy định của pháp luật.

4. Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của thanh tra viên, nhân viên. Chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn tiêu cực.

5. Xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa theo thẩm quyền.

Điều 19. Thanh tra viên chịu trách nhiệm trước Đội trưởng Đội thanh tra giao thông và cấp trên về những nhiệm vụ sau đây:

1. Thực hiện nhiệm vụ được lãnh đạo đội phân công.

2. Thực hiện nhiệm vụ thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong địa bàn được giao theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

VI PHẠM VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

MỤC A.

CÁC HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI THANH TRA VIÊN

Điều 20. Các hành vi vi phạm

1. Không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao.

2. Thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn tới sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ và kiểm tra, xử lý vi phạm.

3. Xử phạt vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền và phạm vi quy định.

4. Cố ý làm sai lệch hồ sơ, biên bản.

5. Lợi dụng quyền hạn làm trái các quy định.

6. Thu tiền phạt vi phạm hành chính không có hóa đơn.

7. Nhận hối lộ hoặc đòi hối lộ dưới mọi hình thức.

Điều 21. Hình thức xử lý vi phạm

1. Khiển trách khi vi phạm một trong các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 20.

2. Cảnh cáo khi vi phạm một trong các quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 20 hoặc tái phạm các hành vi bị khiển trách.

3. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị hạ bậc lương, hạ ngạch, chuyển công tác khác hoặc buộc thôi việc khi vi phạm quy định tại khoản 7 Điều 20 hoặc tái phạm nhiều lần các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 20.

MỤC B.

CÁC HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI ĐỘI TRƯỞNG ĐỘI THANH TRA GIAO THÔNG

Điều 22. Các hành vi vi phạm

1. Thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý, tổ chức hoạt động của đội dẫn đến việc thanh tra viên, nhân viên bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

2. Phân công nhiệm vụ cho thanh tra viên, nhân viên không đứng với chức trách, nhiệm vụ dẫn tới việc thanh tra viên, nhân viên bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.

3. Không tổ chức thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ hoạt động của Đội thanh tra giao thông được giao quản lý.

4. Xử phạt vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền hoặc tăng, giảm mức xử phạt vi phạm hành chính trái quy định.

5. Tổ chức hoạt động nghiệp vụ thanh tra trái với các quy định của pháp luật và cơ quan quản lý cấp trên.

6. Không có biện pháp phòng ngừa để xảy ra các sai sót chuyên môn kéo dài của thanh tra viên thuộc đội phụ trách.

7. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, sách nhiễu.

8. Bao che cho hành vi tiêu cực của thanh tra viên, nhân viên dưới quyền; nhận hoặc tổ chức nhận hối lộ dưới mọi hình thức.

Điều 23. Hình thức xử lý vi phạm

1. Khiển trách khi vi phạm một trong các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 22.

2. Cảnh cáo khi vi phạm một trong các quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 22 hoặc tái phạm các hành vi bị khiển trách.

3. Tùy theo tính chất mức độ vi phạm, bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, chuyển công tác khác hoặc buộc thôi việc khi vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 22 hoặc tái phạm nhiều lần các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 22.

4. Khi Đội trưởng Đội thanh tra giao thông thực hiện nhiệm vụ của thanh tra viên mà vi phạm các quy định tại Điều 20, thì bị xử lý theo quy định tại Điều 21 .

MỤC C.

CÁC HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI CHÁNH THANH TRA GIAO THÔNG KHU VỰC

Điều 24. Các hành vi vi phạm

1. Thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý hoạt động, kiểm tra hoạt động của Thanh tra giao thông khu vực dẫn đến việc Thanh tra giao thông khu vực không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Xử phạt hành chính không đúng thẩm quyền hoặc tăng, giảm mức phạt vi phạm hành chính trái quy định.

3. Tổ chức hoạt động nghiệp vụ thanh tra giao thông trái với quy định của pháp luật, Bộ Giao thông vận tải, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

4. Để xảy ra sai sót chuyên môn kéo dài ở các Đội thanh tra giao thông thuộc phạm vi phụ trách.

5. Bao che cho các hành vi tiêu cực của cấp dưới, nhận hoặc tổ chức nhận hối lộ dưới mọi hình thức.

Điều 25. Hình thức xử lý vi phạm

1. Khiển trách khi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 24.

2. Cảnh cáo khi vi phạm một trong các quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 24 hoặc tái phạm hành vi bị khiển trách.

3. Tùy theo tính chất mức độ vi phạm, bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, chuyển công tác khác hoặc buộc thôi việc khi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 24 hoặc tái phạm nhiều lần các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 24.

4. Khi Chánh Thanh tra giao thông khu vực thực hiện nhiệm vụ của Đội trưởng Đội thanh tra giao thông mà vi phạm các quy định tại Điều 22, thì bị xử lý theo quy định tại Điều 23.

MỤC D.

CÁC HÌNH THỨC XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM DO LIÊN ĐỚI

Điều 26. Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam bị xử lý kỷ luật từ mức phê bình, khiển trách đến cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch hoặc cách chức tùy theo mức độ vi phạm các quy định tại Điều 12.

Điều 27. Tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Chi cục trưởng Chi cục Đường sông bị xử lý kỷ luật từ mức phê bình, khiển trách đến cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch hoặc cách chức tùy theo mức độ vi phạm các quy định tại Điều 13.

Điều 28. Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông công chính bị xử lý kỷ luật từ mức phê bình, khiển trách đến cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch hoặc cách chức tùy theo mức độ vi phạm các quy định tại Điều 14.

Điều 29. Chánh Thanh tra giao thông đường bộ, Chánh Thanh tra giao thông đường sắt, Chánh Thanh tra giao thông đường thủy nội địa bị xử lý kỷ luật từ mức phê bình, khiển trách đến cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch hoặc cách chức tùy theo mức độ vi phạm các quy định tại Điều 15.

Điều 30. Chánh Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải, Chánh Thanh tra giao thông Sở Giao thông công chính bị xử lý kỷ luật từ mức phê bình, khiển trách đến cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch hoặc cách chức tùy theo mức độ vị phạm các quy định tại Điều 16.

MỤC E.

THẨM QUYỀN XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 31. Thẩm quyền xử lý vi phạm của các cấp được thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ.

Chương 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 32. Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức hệ thống Thanh tra giao thông đường sắt để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và an toàn vận tải đường sắt theo pháp luật hiện hành.

Điều 33. Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông công chính, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm phổ biến và tổ chức thực hiện Quy định này.

Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời bằng văn bản về Bộ Giao thông vận tải để xem xét bổ sung, sửa đổi.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1467/2003/QĐ-BGTVT quy định tạm thời trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và hình thức xử lý vi phạm đối với cá nhân trong hoạt động thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 1467/2003/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/05/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đào Đình Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 60
  • Ngày hiệu lực: 08/07/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 01/03/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản