Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1404/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2025 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT KHU ĐỀN THÁP MỸ SƠN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh;
Căn cứ Nghị quyết số 1659/NQ-UBTVQH15, ngày 16 tháng 6 năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Đà Nẵng năm 2025;
Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Căn cứ Nghị định số 67/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Căn cứ Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại các Tờ trình: số 217/TTr-BVHTTDL ngày 18 tháng 6 năm 2025 và số 239/TTr-BVHTTDL ngày 26/6/2025,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, với những nội dung sau:
1. Phạm vi, quy mô và ranh giới lập quy hoạch
a) Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch
Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch, diện tích khoảng 30.875 ha, thuộc địa giới đơn vị hành chính nơi phân bố di tích; trong đó bao gồm: Diện tích khoanh vùng bảo vệ Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn và diện tích khoanh vùng bảo vệ các di tích có liên quan đến Khu đền tháp Mỹ Sơn (như: Trà Kiệu, Bằng An, lưu vực sông Thu Bồn, các di chỉ khảo cổ học và phế tích Champa khác).
b) Quy mô quy hoạch là toàn bộ diện tích 1.158 ha Khu vực khoanh vùng bảo vệ I và II của Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn (theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt).
Quy mô và ranh giới khu vực lập quy hoạch được thể hiện tại bản đồ Phạm vi lập quy hoạch và được xác định cụ thể, chi tiết tại bước tổ chức khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch; phù hợp với quy định của pháp luật về sắp xếp đơn vị hành chính.
2. Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch
a) Hệ thống các đền tháp, phế tích và dấu tích kiến trúc - khảo cổ học, cảnh quan núi rừng, khe suối... tạo nên giá trị đặc biệt tiêu biểu của Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn.
b) Các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến di tích (lễ hội, phong tục tập quán, truyền thuyết dân gian,...).
c) Công tác quản lý, bảo vệ, đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; cơ sở hạ tầng kỹ thuật; các yếu tố về kinh tế - xã hội, môi trường liên quan tới di tích; các thể chế và chính sách, các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án có liên quan.
d) Vị trí, vai trò và mối liên hệ giữa Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn với các di tích, công trình, địa điểm có giá trị khác trên địa bàn và các khu vực phụ cận.
3. Mục tiêu lập quy hoạch
a) Bảo quản, tu bổ, phục hồi các giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn; bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học và di sản văn hóa của cộng đồng trong khu vực nghiên cứu quy hoạch trên cơ sở kế thừa các mục tiêu của Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020.
b) Phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn tiếp tục là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn; kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh khác tại địa phương, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch, kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
c) Xác định ranh giới khoanh vùng bảo vệ Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn làm cơ sở pháp lý để quản lý di tích, xác định các khu chức năng, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và bố trí hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
d) Làm cơ sở pháp lý cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn theo quy hoạch được phê duyệt và tiếp tục triển khai các dự án chưa hoặc đang thực hiện dở dang của giai đoạn 2008-2020. Xây dựng quy định quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích và các giải pháp quản lý, bảo vệ di tích theo quy hoạch.
4. Tính chất khu vực lập quy hoạch: Là khu vực Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt, Di sản văn hóa thế giới; là khu vực du lịch văn hóa, sinh thái nổi tiếng của địa phương, của Việt Nam và thế giới.
5. Nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch
a) Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch:
- Kết quả khảo sát, nghiên cứu về đặc điểm, hiện trạng di tích; tình trạng kỹ thuật, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mối liên hệ di tích được quy hoạch với các di tích khác trong khu vực nghiên cứu.
- Nghiên cứu, đánh giá tổng thể các phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học qua các nguồn tư liệu từ trước đến nay. Thực hiện điều tra, khảo sát khảo cổ học khu vực lập quy hoạch; thăm dò, khai quật khảo cổ.
- Phân tích, đánh giá các yếu tố của môi trường tự nhiên và xã hội tác động tới di tích; hiện trạng về sử dụng đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực quy hoạch.
b) Xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích: Nhận diện đặc trưng, yếu tố gốc cấu thành di tích, các giá trị tiêu biểu của di tích làm cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị di tích:
- Xác định đặc trưng của di tích:
+ Là di tích được công nhận Di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam (với Tiêu chí (ii): Là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập vào văn hóa bản địa. Những ảnh hưởng văn hóa bên ngoài, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ giáo từ tiểu lục địa Ấn Độ; và Tiêu chí (iii): Phản ảnh sinh động tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa Champa trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á);
+ Là điểm du lịch, khám phá lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo và hấp dẫn;
+ Nằm trong quần thể cảnh quan rừng núi, khe suối và môi trường sinh thái đặc trưng của vùng núi miền Trung Việt Nam.
- Xác định giá trị tiêu biểu của di tích:
+ Giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ học và kiến trúc nghệ thuật;
+ Giá trị về cảnh quan đa dạng sinh học; giá trị khai thác sử dụng và phát triển du lịch, dịch vụ;
+ Giá trị, vai trò hạt nhân kết nối, tạo động lực phát triển: Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong hệ thống giá trị văn hóa của tỉnh Quảng Nam, trong hệ thống các di tích Champa ở các tỉnh miền Trung và trong hệ thống các di sản khác trong khu vực.
c) Đề xuất phạm vi nghiên cứu quy hoạch, phạm vi quy hoạch
- Phân tích, xác định phạm vi nghiên cứu quy hoạch; thống nhất ranh giới, quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch.
- Xác định, thống nhất ranh giới khu vực bảo vệ di tích, kiến nghị về việc điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp khu vực bảo vệ di tích; xác định khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực xây dựng mới; đề xuất việc xếp hạng bổ sung công trình, địa điểm mới phát hiện.
d) Đề xuất nội dung về định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới:
- Nội dung định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích:
+ Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tại khu vực bảo vệ nguyên vẹn, nghiêm ngặt và lâu dài tất cả các dấu vết còn sót lại; các khu vực cần tôn tạo, chỉnh trang các công trình dịch vụ, công cộng, cảnh quan không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác phát huy giá trị khu di tích, trên cơ sở phù hợp với đặc trưng và các giá trị di tích, cảnh quan môi trường thiên nhiên khu vực;
+ Định hướng phát huy bền vững giá trị di tích đã được UNESCO công nhận gắn với các đặc điểm địa hình cảnh quan và giá trị của di tích, với tư cách là tài nguyên du lịch. Đồng thời, bổ sung các công trình dịch vụ du lịch mới, chuyển đổi mô hình cây trồng đáp ứng những yếu tố và nhu cầu mới phát sinh trong giai đoạn lập quy hoạch;
+ Đề xuất sản phẩm và loại hình du lịch phù hợp; nghiên cứu, xây dựng thử nghiệm các sản phẩm du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, các mô hình du lịch gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, du lịch xanh gắn với không gian văn hóa truyền thống; đề xuất các giải pháp phát triển thị trường du lịch trong và ngoài nước (khách quốc tế, khách trong nước); đề xuất các giải pháp thông tin truyền thông, quảng bá du lịch...
+ Định hướng giải pháp nâng cao trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển bền vững, khuyến khích xã hội hóa, cơ chế ưu đãi đối với các dự án ưu tiên đầu tư cho bảo vệ các đặc trưng và giá trị di tích theo từng giai đoạn.
- Nội dung định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới:
+ Quy hoạch kiến trúc cảnh quan một số khu vực di tích trọng tâm; đề xuất giải pháp phục hồi, tôn tạo cảnh quan di tích và khu vực xung quanh;
+ Đề xuất hình thức kiến trúc các hạng mục công trình phát huy giá trị di tích phù hợp di tích; giải pháp cải tạo đối với các công trình hiện có, kiến trúc công trình sửa chữa;
+ Đề xuất các giải pháp kiểm soát, quản lý và phát triển; các thông số, quy định về kiến trúc, cảnh quan cho từng khu vực (định hướng tổ chức không gian, độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu của công trình xây dựng mới; định hướng cải tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch di tích).
+ Rà soát các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác không phù hợp với việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích hoặc lấn chiếm đất bảo vệ di tích (Khu vực bảo vệ I và II) để đề xuất chỉnh sửa các quy hoạch đó (nếu có).
đ) Dự báo và xác định các chỉ tiêu phát triển của khu vực lập quy hoạch: Nhu cầu sử dụng đất, phát triển du lịch; xác định các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, chỉ tiêu phát triển du lịch để áp dụng lập quy hoạch.
e) Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật: giao thông, cấp nước sạch, cấp điện, thoát nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn, thông tin liên lạc.
g) Định hướng bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu: Dự báo tác động môi trường và đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường trong khu vực quy hoạch di tích.
6. Kế hoạch thực hiện quy hoạch
- Thời kỳ và tầm nhìn của quy hoạch: Thời kỳ quy hoạch đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
- Đề xuất danh mục các nhóm dự án thành phần; phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên phù hợp với thời kỳ quy hoạch và nguồn vốn đầu tư, với khả năng cân đối, bố trí vốn từng thời kỳ quy hoạch (gồm cả các dự án giai đoạn 2008 - 2020), bao gồm: Dự án cắm mốc giới di tích và đền bù giải phóng mặt bằng; Dự án nghiên cứu khoa học; Dự án nghiên cứu, khảo sát khảo cổ học, thăm dò, khai quật khảo cổ; Dự án nghiên cứu khôi phục các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Dự án đào tạo cán bộ bảo tồn khu di tích; Dự án cung cấp phương tiện kỹ thuật phục vụ quản lý bảo tồn di tích; Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Dự án cải tạo, xây dựng mới hạ tầng kỹ thuật; Dự án cải tạo, xây dựng mới các công trình quản lý, dịch vụ du lịch; Dự án bảo tồn, tôn tạo không gian cảnh quan, môi trường tự nhiên.
- Đề xuất các quy chế quản lý và bảo tồn di tích.
7. Giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch
- Giải pháp thực hiện quy hoạch: Giải pháp về quản lý quy hoạch (mô hình quản lý, cơ chế phối hợp liên ngành, cơ chế huy động sự tham gia của cộng đồng); giải pháp về đầu tư; giải pháp huy động nguồn lực bảo vệ di tích; giải pháp phối hợp liên ngành; giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng; giải pháp phát triển nguồn nhân lực quản lý và bảo vệ di tích.
- Cơ chế thực hiện: Đề xuất cơ chế huy động các nguồn lực, phân bổ nguồn vốn và lộ trình đầu tư, cơ chế quản lý, phối hợp liên ngành...
8. Thành phần Hồ sơ sản phẩm
Hình thức, quy cách thể hiện thành phần hồ sơ sản phẩm quy hoạch bảo đảm tuân thủ quy định tại Luật Di sản văn hóa; quy định tại Điều 10 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Cụ thể:
a) Báo cáo thuyết minh tổng hợp; các văn bản thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, đồ án quy hoạch di tích và văn bản khác có liên quan; Tờ trình phê duyệt đồ án quy hoạch; Dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch.
b) Hệ thống bản đồ, bao gồm:
- Bản đồ vị trí di tích và mối liên hệ với di tích khác trong khu vực nghiên cứu quy hoạch, tỷ lệ 1:5.000 - 1:15.000.
- Bản đồ hiện trạng về sử dụng đất, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và bản đồ quy hoạch xây dựng khu vực đã được phê duyệt, tỷ lệ: 1/2.000 hoặc tỷ lệ phù hợp.
- Bản đồ xác định khu vực bảo vệ và cắm mốc giới di tích; khu vực cần giải tỏa vi phạm di tích, tỷ lệ: 1/2.000 hoặc tỷ lệ phù hợp.
- Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng; phương án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phát huy giá trị di tích, tỷ lệ: 1/2.000 hoặc tỷ lệ phù hợp.
- Bản đồ định hướng tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật, tỷ lệ: 1/2.000 hoặc tỷ lệ phù hợp.
- Các bản vẽ minh họa (nếu có) tỷ lệ phù hợp.
c) Hồ sơ lưu trữ quy hoạch theo quy định của pháp luật về lưu trữ (bao gồm cả định dạng tài liệu điện tử đối với các thành phần hồ sơ nêu trên).
9. Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch bao gồm vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước.
10. Thời gian lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ lập Quy hoạch được duyệt (không bao gồm thời gian thẩm định, phê duyệt dự toán, đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm định, phê duyệt quy hoạch).
11. Phân công trách nhiệm:
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.
- Cơ quan chủ trì thẩm định và trình duyệt: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam (Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12 tháng 6 năm 2025) có trách nhiệm:
a) Chủ trì tổ chức lập quy hoạch; bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập quy hoạch;
b) Phân công cơ quan chủ đầu tư; lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình phê duyệt đồ án quy hoạch theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và quy định pháp luật liên quan; chịu trách nhiệm và bảo đảm thực hiện nghiêm, đầy đủ quy định về lấy ý kiến cộng đồng, chuyên gia, nhà khoa học về bảo tồn, cảnh quan, kiến trúc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tại địa phương trong quá trình tổ chức lập quy hoạch.
d) Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật. Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng có liên quan đối với phạm vi, ranh giới quy hoạch đề xuất; về trình tự, thủ tục, tính chính xác, hợp pháp của nội dung, tài liệu, số liệu, thông tin báo cáo, bản đồ tại Hồ sơ trình duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch và trong quá trình tổ chức lập quy hoạch; bảo đảm nội dung các định hướng, đề xuất trong quy hoạch tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không hợp pháp hóa các sai phạm (nếu có); phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy hoạch có liên quan, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đất đai.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm về số liệu, kết quả thẩm định hồ sơ Nhiệm vụ lập Quy hoạch, về nội dung, đề xuất và kiến nghị tại Tờ trình số 217/TTr-BVHTTDL ngày 18 tháng 6 năm 2025; chủ trì tổ chức thẩm định đồ án quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật; giám sát, kiểm tra tiến độ lập quy hoạch, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng nội dung, đúng kế hoạch theo Nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.
3. Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành có trách nhiệm phối hợp với địa phương trong quá trình nghiên cứu, tổ chức lập quy hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc đánh giá, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 757/QĐ-TTg năm 2025 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 861/QĐ-TTg năm 2025 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 1404/QĐ-TTg năm 2025 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1404/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/06/2025
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Mai Văn Chính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/07/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra