Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 140/1999/QĐ-BNN-ĐCĐC

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 140/1999/QĐ-BNN-ĐCĐC NGÀY 14 THÁNG 10 NĂM 1999 VỀ NỘI DUNG, TIÊU CHÍ ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 05/1998/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia;
Theo đề nghị của Ông Cục trưởng Cục Định canh định cư và vùng kinh tế mới.

QUYẾT ĐỊNH

Chương 1:

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Điều 1- Quyết định này quy định nội dung tiến hành Định canh định cư (ĐCĐC), và tiêu chí xác định, phân loại đối tượng ĐCĐC, phục vụ cho việc quản lý, chỉ đạo công tác ĐCĐC trong điều kiện mới, phù hợp với tình hình thực tế ở miền núi nước ta hiện nay.

Điều 2- Định canh định cư là một chủ chương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là giải pháp tích cực, có hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề du canh du cư (DCDC); phát triển kinh tế xã hội ở miền núi, bảo vệ tài nguyên môi trường của đất nước.

Công tác ĐCĐC là sắp xếp lại dân cư, tổ chức lại sản xuất, xây dựng nông thôn mới đối với bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn sống DCDC, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, củng cố an ninh quốc phòng.

Điều 3- Mục tiêu của công tác ĐCĐC là tạo điều kiện cho bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số sống ở miền núi còn du cư phá rừng có nhà ở, có đất đai canh tác hoặc việc làm ổn định, giảm dần đói nghèo, góp phàn bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Điều 4- Nhiệm vụ của công tác ĐCĐC là vận động, hướng dẫn, giúp đỡ và tổ chức đồng bào còn DCDC và định cư du canh xây dựng cơ sở ĐCĐC, ổn định sản xuất, đời sống.

Điều 5- Nội dung cơ bản của công tác ĐCĐC:

- Hỗ trợ gia đình tạo tư liệu sản xuất ổn định (chủ yếu là đất canh tác kể cả đất bằng và đất dốc), phát triển sản xuất.

- Hỗ trợ sắp xếp lại dân cư, xây dựng nông thôn mới.

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống.

- Phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở, nâng cao trình độ nhận thức và kỹ năng sản xuất của người dân.

Điều 6- Đối tượng của công tác ĐCĐC là hộ gia đình và thôn, bản, xã đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi còn du canh du cư hoặc đã định cư còn du canh.

Điều 7- Những từ ngữ trong quyết định được hiểu như sau:

- Du canh du cư là hình thức canh tác và cư trú không ổn định, nguồn sống chủ yếu dựa vào phá rừng làm rẫy sản xuất lương thực theo lối bóc lột đất, tự cung, tự cấp.

- Định cư du canh là hình thức đã cư trú ổn định, đã có một phần đất đai canh tác ổn định, nhưng sản xuất không đủ ăn, còn phải phá rừng làm rẫy.

- Định canh định cư là hình thức canh tác và cư trú đã ổn định, không còn phá rừng làm rẫy, không còn du cư, không còn đói giáp hạt. Trong đó, hộ ĐCĐC có đủ tư liệu sản xuất ổn định (chủ yếu là đất canh tác) và thôn, bản, xã ĐCĐC có đủ cơ sở vật chất thiết yếu đảm bảo sản xuất và đời sống.

- Tư liệu sản xuất ổn định: (chủ yếu là đất canh tác) như:

+ Ruộng nước, ruộng bậc thang, mương thâm canh sản xuất lương thực ổn định lâu dài.

+ Đất trồng cây công nghiệp, cây đặc sản, cây ăn quả có thu nhập.

+ Bãi cỏ, ao hồ để phát triển chăn nuôi.

+ Rừng và đất rừng được giao cho hộ kinh doanh, hoặc giao khoán bảo vệ lâu dài.

+ Đất ở và vườn hộ.

- Cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống bao gồm:

+ Các công trình thuỷ lợi nhỏ và vừa phục vụ sản xuất thâm canh.

+ Các tuyến đường giao thông nội vùng giữa các thôn bản, xã phục vụ đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hoá và cung ứng dịch vụ cho nhân dân trong vùng.

+ Các công trình phúc lợi công cộng như trường, lớp học, trạm y tế, tủ thuốc, các công trình nước sinh hoạt... đảm bảo việc học hành, chữa bênh và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.

- Phát triển nguồn nhân lực tại chỗ là tạo điều kiện để người dân nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt đời sống xã hội. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở biết tổ chức sản xuất và quản lý xã hội.

Chương 2:

NỘI DUNG TIẾN HÀNH ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ

Điều 8- Tổ chức tuyên truyền vận động, phổ biến chủ trương chính sách ĐCĐC của Đảng và Nhà nước, những kinh nghiệm, mô hình thực hiện ĐCĐC tốt, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức đoàn thể quần chúng nhằm làm cho người dân hiểu rõ và tự nguyện thực hiện ĐCĐC.

Điều 9- Tiến hành khảo sát, nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội, địa bàn đối tượng ĐCĐC, xây dựng đề án ĐCĐC chung của tỉnh, huyện và dự án ĐCĐC xã phù hợp với phương hướng phát triển chung, với khả năng đất đai, lao động của từng địa bàn. Trên cơ sở đó lập kế hoạch cụ thể hàng quý, năm và dài hạn để thực hiện.

Điều 10- Quy hoạch bố trí đất đai, cây con phù hợp để sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp, cây đặc sản, cây ăn quả, trồng và kinh doanh rừng, phát triển ngành nghề đảm bảo có thu nhập ổn định thay thế cho sản xuất nương rẫy du canh.

Điều 11- Sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn cho dân biết cách tính toán làm ăn có hiệu quả, tổ chức thực hiện khuyến nông khuyến lâm, đưa dần tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, tạo điều kiện để đồng bào, hoà nhập với trình độ chung trong khu vực, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

Điều 12- Tiến hành xây dựng cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, đảm bảo ĐCĐC bền vững.

Điều 13- Có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở biết tổ chức sản xuất và quản lý xã hội tại địa phương ĐCĐC. Tổ chức tham quan học tập, phổ biến kinh nghiệm, nâng cao trình độ nhận thức của đồng bào.

Chương 3:

TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH, PHÂN LOẠI ĐỐI TƯỢNG ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ

Điều 14- Tiêu chí xác định du canh du cư:

- Hộ DCDC là hộ có ít hoặc không có đất canh tác ổn định. Nguồn sống chủ yếu của hộ dựa vào thu nhập từ phá rừng để sản xuất nương rẫy du canh (từ 50% trở lên). Chỗ ở không ổn định và thay đổi theo nương rẫy du canh.

- Thôn, bản du canh du cư là thôn bản có từ 50% số hộ du canh du cư trở lên (so với tổng số hộ của thôn bản đó).

Điều 15- Tiêu chí xác định định cư du canh:

- Hộ định cư du canh là hộ đã có chỗ ở và có một phần đất đai canh tác ổn định. Nguồn sống của hộ dựa vào thu nhập trên đất canh tác ổn định đạt từ 50% đến dưới 80% so với tổng thu nhập.

- Thôn, bản, xã định cư du canh là thôn, bản, xã có từ 50% số hộ định cư du canh trở lên (so với tổng số hộ của thôn bản, xã đó).

Những thôn bản, xã có dưới 50% số hộ định cư du canh là thôn, bản, xã có hộ định cư du canh.

Điều 16- Tiêu chí xác định đối tượng Định canh định cư:

- Thôn bản hoặc xã có từ 50% số hộ bao gồm hộ DCDC và hộ Định cư du canh trở lên là thôn, bản, xã thuộc đối tượng ĐCĐC.

Thôn, bản, xã có dưới 50% số hộ bao gồm hộ du canh du cư và hộ định cư du canh là thôn, bản, xã có hộ thuộc đối tượng Định canh định cư.

Điều 17 - Tiêu chí xác định cơ bản hoàn thành Định canh định cư:

- Hộ cơ bản hoàn thành Định canh định cư là hộ không còn đói giáp hạt, không phá rừng làm rẫy, không du cư và được xác định như sau:

+ Đạt 80% trở lên giá trị thu nhập đảm bảo đời sống của hộ thu được từ sản xuất trên đất canh tác ổn định.

+ Có nước sinh hoạt bình thường.

+ Có nơi ở ổn định, có vườn hộ và có chăn nuôi.

- Thôn, bản, xã cơ bản hoàn thành ĐCĐC là thôn, bản, xã sau khi thực hiện ĐCĐC đạt được từ 85% số hộ trở lên cơ bản hoàn thành ĐCĐC (so với tổng số hộ thuộc đối tượng ĐCĐC của thôn, bản, xã đó).

- Những huyện, tỉnh cơ bản hoàn thành ĐCĐC là những huyện, tỉnh sau khi thực hiện ĐCĐC đạt được từ 85% số hộ trở lên cơ bản hoàn thành ĐCĐC (so với tổng số hộ thuộc đối tượng ĐCĐC của huyện, tỉnh đó).

- Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở và phát triển sản xuất bằng các chương trình kinh tế - xã hội khác để ĐCĐC bền vững.

Chương 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục (Ban) Đinh canh định cư - Kinh tế mới các tỉnh có đối tượng ĐCĐC căn cứ vào nội dung và tiêu chí quy định tại quyết định này, tiến hành rà soát và phân loại đối tượng (du canh du cư, định cư du canh và cơ bản hoàn thành ĐCĐC) làm cơ sở cho việc quản lý chỉ đạo thực hiện ĐCĐC có hiệu quả.

Cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới giúp Bộ tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện; Hàng quý, sáu tháng và hàng năm tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo định kỳ.

Điều 19- Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 20- Các ông Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng (Trưởng ban) Định canh định cư - Kinh tế mới các tỉnh miền núi và có miền núi chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Văn Đẳng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 140/1999/QĐ-BNN-ĐCĐC về nội dung, tiêu chí định canh định cư do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 140/1999/QĐ-BNN-ĐCĐC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/10/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Văn Đẳng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 47
  • Ngày hiệu lực: 29/10/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản