Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 14/2008/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 20 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20/5/1998;
Căn cứ Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
Căn cứ Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24/6/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
Căn cứ Quyết định số 17/2006/QĐ-BTNMT ngày 12/10/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định về việc cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất;
Căn cứ Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT ngày 04/9/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng;
Căn cứ Chỉ thị số 17/2004/CT-UBT ngày 04/6/2004 của UBND tỉnh Đồng Nai về tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;
Căn cứ Chỉ thị số 08/2006/CT-UBND ngày 20/02/2006 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc tổ chức thực hiện quy định về cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 996/TTr-TNMT ngày 11 tháng 12 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

UB NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
PHÓ CHỦ TỊCH




Ao Văn Thinh

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này điều chỉnh việc quản lý xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất, bảo vệ, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước (trừ nước khoáng và nước nóng thiên nhiên) gọi chung là hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài (gọi chung là tổ chức, cá nhân) có liên quan đến hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nước sinh hoạt là nước hợp vệ sinh dùng cho ăn uống, vệ sinh của con người.

2. Nước thô là nước khai thác trực tiếp từ nguồn nước chưa qua xử lý.

3. Nước thải bao gồm nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt đã qua sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt và thải ra môi trường.

4. Thăm dò nước dưới đất là sử dụng tổ hợp các phương pháp khảo sát địa chất để đánh giá, xác định trữ lượng, chất lượng nước dưới đất và dự báo tác động môi trường do khai thác nước gây ra trên một diện tích nhất định để phục vụ thiết kế công trình khai thác nước theo lưu lượng đặt ra.

5. Thăm dò kết hợp khai thác nước dưới đất là thăm dò nước dưới đất mà trong quá trình thi công thăm dò, một hoặc một số lỗ khoan được kết cấu thành giếng khai thác và được sử dụng làm giếng khai thác.

6. Doanh nghiệp cấp nước là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoặc cá nhân có đăng ký kinh doanh hoạt động chuyên ngành cung cấp nước hợp vệ sinh.

7. Khu vực nghiêm cấm khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất là những khu vực có hệ thống cấp nước máy từ nước mặt, nước dưới đất của doanh nghiệp cấp nước cung cấp đảm bảo nhu cầu sử dụng cho mục đích sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tưới cây xanh, phòng cháy chữa cháy.

8. Khu vực khai thác nước dưới đất là vùng diện tích bố trí công trình khai thác và đới phòng hộ vệ sinh quy định trong giấy phép khai thác.

9. Lưu lượng của một công trình khai thác nước dưới đất là tổng lưu lượng của các giếng khoan, giếng đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác nước dưới đất thuộc công trình đó. 

10. Tiêu chuẩn xả thải là tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường hiện hành quy định giới hạn các thông số và nồng độ cho phép của các chất ô nhiễm trong nước thải xả vào nguồn nước sông, suối, rạch, vùng biển ven bờ, hồ, đầm, ao.

11. Đơn vị thi công là tổ chức hoặc cá nhân được Nhà nước cho phép thi công công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất. 

Chương II

CẤP PHÉP HOẠT ĐỘNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 4. Nguyên tắc và căn cứ cấp phép

Việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

1. Cấp phép phải đúng thẩm quyền, đúng đối tượng và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật;

2. Phải bảo đảm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

3. Ưu tiên cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước để cung cấp nước sinh hoạt;

4. Không gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;

5. Khai thác nước dưới đất trong một vùng không được vượt quá trữ lượng nước khai thác của vùng đó; khi nước dưới đất tại vùng khai thác đã đạt tới trữ lượng có thể khai thác thì không được mở rộng quy mô khai thác, nếu chưa có biện pháp xử lý, bổ sung nhân tạo.

Điều 5. Các trường hợp không phải xin phép được áp dụng với đối tượng là hộ sinh hoạt gia đình và hộ sản xuất nông nghiệp nông thôn, không nhằm mục đích kinh doanh:

1. Đối với nước dưới đất 

a) Khai thác, sử dụng nước dưới đất để phục vụ sinh hoạt với quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm;

b) Khai thác, sử dụng nước dưới đất không nhằm mục đích kinh doanh phục vụ các hoạt động lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hải sản, sản xuất muối.

2. Đối với nước mặt

a) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp với quy mô không vượt quá 0,01m3/s;

b) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện không có chuyển đổi dòng chảy với công suất lắp máy không vượt quá 25 KW;

c) Khai thác, sử dụng nước mặt cho mục đích không phải là phát điện và sản xuất nông nghiệp với quy mô không vượt quá 50m3/ngày đêm;

d) Khai thác, sử dụng nước mưa, nước mặt, nước biển trong phạm vi đất được giao, được thuê phục vụ các hoạt động lâm nghiệp, giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, hải sản, sản xuất muối, an dưỡng được áp dụng trong trường hợp khai thác, sử dụng nước từ các ao, hồ tự nhiên được hình thành từ mưa trong phạm vi đất được giao, được thuê hoặc được quyền sử dụng hợp lệ theo quy định của pháp luật về đất đai, về tài nguyên nước.

3. Đối với xả nước thải vào nguồn nước

Xả nước thải vào nguồn nước với quy mô không vượt quá 8m3/ngày đêm.

Điều 6. Các trường hợp không phải xin phép nhưng phải đăng ký tại UBND cấp huyện được áp dụng với đối tượng là hộ sản xuất kinh doanh; hộ kinh doanh cá thể:

1. Đối với nước dưới đất: Đăng ký tại UBND huyện Cẩm Mỹ khi chiều sâu giếng khoan 55 mét thuộc địa bàn huyện Cẩm Mỹ; đăng ký tại UBND huyện Thống Nhất khi chiều sâu giếng khoan 60 mét thuộc địa bàn huyện Thống Nhất; đăng ký tại UBND thị xã Long Khánh khi chiều sâu giếng khoan 50 mét thuộc địa bàn thị xã Long Khánh, trong trường hợp: 

a) Khai thác, sử dụng nước dưới đất để phục vụ sinh hoạt với quy mô từ 10m3/ngày đêm đến không vượt quá 20m3/ngày đêm;

b) Khai thác, sử dụng nước dưới đất không nhằm mục đích kinh doanh phục vụ các hoạt động lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hải sản, sản xuất muối, thể thao, giải trí, du lịch, y tế, an dưỡng, nghiên cứu khoa học.

2. Đối với nước mặt

a) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp với quy mô từ 0,01 m3/s đến không vượt quá 0,02m3/s;

b) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện không có chuyển đổi dòng chảy với công suất lắp máy từ 25 KW đến không vượt quá 50 KW;

c) Khai thác, sử dụng nước mặt cho mục đích không phải là phát điện và sản xuất nông nghiệp với quy mô từ 50m3/ngày đêm đến không vượt quá 100m3/ngày đêm;

d) Khai thác, sử dụng nước mưa, nước mặt, nước biển trong phạm vi đất được giao, được thuê phục vụ các hoạt động lâm nghiệp, giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, hải sản, sản xuất muối, thể thao, giải trí, du lịch, y tế, an dưỡng, nghiên cứu khoa học không nhằm mục đích kinh doanh được áp dụng trong trường hợp khai thác, sử dụng nước từ các ao, hồ tự nhiên được hình thành từ mưa trong phạm vi đất được giao, được thuê hoặc được quyền sử dụng hợp lệ theo quy định của pháp luật về đất đai, về tài nguyên nước.

3. Đối với xả nước thải vào nguồn nước

Xả nước thải vào nguồn nước với quy mô từ 8m3/ngày đêm đến không vượt quá 10m3/ngày đêm.

Điều 7. Trình tự, thủ tục đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước

1. UBND xã, phường, thị trấn phát phiếu đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo phụ lục 1 đến các hộ sản xuất kinh doanh; các hộ kinh doanh cá thể có hoạt động liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước để điền vào phiếu đăng ký và phô tô làm 2 bản.

2. Trong thời hạn ba (3) ngày làm việc kể từ ngày nhận phiếu đăng ký, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xác nhận vào phiếu đăng ký của các hộ sản xuất kinh doanh; các hộ kinh doanh cá thể và lưu giữ 01 bản tại UBND xã, phường, thị trấn để báo cáo định kỳ theo quy định.

3. Trong thời hạn năm (5) ngày làm việc kể từ ngày nhận phiếu đăng ký, UBND cấp huyện có trách nhiệm chứng nhận vào phiếu đăng ký việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước cho các hộ sản xuất kinh doanh; các hộ kinh doanh cá thể và lưu giữ 01 bản tại UBND cấp huyện. 

Điều 8. Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước

1. Đối với nước dưới đất

Vùng bảo hộ vệ sinh công trình khai thác là khu vực ở đó một số hoạt động sử dụng đất bị cấm hoặc bị hạn chế nhằm bảo vệ chất lượng nguồn nước của công trình khai thác. Vùng bảo hộ vệ sinh được chia làm 2 đới:

a) Đới I hay đới hàng rào: Có bán kính tính từ tâm các giếng, mạch nước, hành lang khai thác nước bằng 5m khi lưu lượng khai thác của các giếng, của mạch nước, hành lang lớn hơn 1000m3/ngày và bằng 3m khi lưu lượng của chúng nhỏ hơn 1000m3/ngày. Trong đới I cấm tất cả các hoạt động sử dụng đất và có hàng rào để không cho người lạ và súc vật ra vào.

b) Đới II hay là đới liền kề: Toàn bộ các giếng, mạch nước, hành lang khai thác thuộc quyền sở hữu của tổ chức hoặc cá nhân trong phạm vi đất được giao, được thuê theo quy định của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và các quy định khác của pháp luật. Trong đó phải đảm bảo hệ thống thoát nước hoạt động tốt, không gây úng ngập để các chất bẩn có thể thấm xuống xâm nhập vào tầng chứa nước, tổ chức tốt việc thu gom nước thải và chất thải (nước thải và chất thải rắn công nghiệp). Nước thải phải được xử lý và cho thoát vào hệ thống thoát nước đã được quy hoạch. 

2. Đối với nước mặt

a) Tính từ điểm lấy nước (công trình thu nước) lên thượng nguồn, từ 200 mét đến 500 mét.

b) Tính từ điểm lấy nước (công trình thu nước) xuống thượng nguồn, từ 100 mét đến 200 mét.

3. Trong khu vực bảo vệ nguồn nước mặt, nghiêm cấm những hành vi sau:

- Xây dựng bất cứ công trình nào trên bờ, trên mặt nước, dưới mặt nước (trừ các công trình phục vụ cho việc bơm nguồn nước mặt), làm ảnh hưởng tới chất lượng nước.

- Xả nước thải vào nguồn nước sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, ao khi chưa xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường quy định.      

Điều 9. Cấp phép hoạt động tài nguyên nước

Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi giấy phép trong các trường hợp sau đây:

1. Thăm dò, khai thác nước dưới đất các công trình có lưu lượng khai thác dưới 3000m3/ngày đêm;

2. Khai thác, sử dụng nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp có lưu lượng  dưới 2m3/giây;

3. Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy dưới 2000 KW;

4. Khai thác, sử dụng nước mặt phục vụ cho các mục đích khác (cấp nước đô thị, công nghiệp, dịch vụ…) với lưu lượng dưới 50.000m3/ngày đêm;

5. Xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng dưới 5000m3/ngày đêm.

6. Hành nghề khoan nước dưới đất có quy mô vừa và nhỏ. Cụ thể:

a) Hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ là hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách dưới 110mm và thuộc công trình có lưu lượng dưới 200m3/ngày đêm;

b) Hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa là hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách dưới 250mm và thuộc công trình có lưu lượng từ 200m3/ngày đêm đến dưới 3000m3/ngày đêm.

7. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi giấy phép trong các trường hợp hành nghề khoan nước dưới đất; thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước có quy mô lớn hơn khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 9 của Quy định này.

Điều 10. Thời hạn, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực, thu hồi, trả lại, chấm dứt hiệu lực giấy phép hoạt động tài nguyên nước

Thời hạn, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực, thu hồi, trả lại, chấm dứt hiệu lực giấy phép hoạt động tài nguyên nước được thực hiện theo Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24/6/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 149/2004/NĐ-CP, quy định về việc cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất ban hành kèm theo Quyết định số 17/2006/QĐ-BTNMT ngày 12/10/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các quy định khác có liên quan.

Điều 11. Trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước

Tổ chức, cá nhân nộp hai (2) bộ hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai theo quy định tại Điều 9 Quy định này. Trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ, Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24/6/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các mẫu hồ sơ liên quan thực hiện theo hướng dẫn tại phụ lục Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24/6/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 12. Cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, thu hồi giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất

Tổ chức, cá nhân nộp hai (2) bộ hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai theo quy định tại điểm a và điểm b, khoản 6, Điều 9 Quy định này. Trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, thu hồi giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất và mẫu hồ sơ cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện theo quy định tại Quyết định số 17/2006/QĐ-BTNMT ngày 12/10/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định về việc cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

Điều 13. Kiểm tra việc thực hiện các nội dung quy định ghi trong giấy phép

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra định kỳ hàng năm về việc thực hiện các quy định ghi trong giấy phép do Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đối với các tổ chức và cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Về trình tự, thủ tục và nội dung kiểm tra sau cấp giấy phép, bao gồm:

1. Về trình tự, thủ tục kiểm tra

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện có liên quan thống nhất kế hoạch kiểm tra.

- Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra;

- Thông báo cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra biết trước 03 ngày về kế hoạch làm việc của Đoàn kiểm tra;

- Tiến hành kiểm tra.

2. Nội dung kiểm tra

a) Đối với giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất

- Trang thiết bị sử dụng trong hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất;

- Cán bộ, công nhân của tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất;

- Tổng số lượng công trình khoan thăm dò, khoan khai thác nước dưới đất đã thực hiện qua các năm;

- Nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước về tình hình hoạt động.

b) Đối với giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước

- Địa điểm thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;

- Kiểm tra thực tế về số lượng, chất lượng nước, quy mô thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;

- Thiết bị đo mực nước, lưu lượng khai thác, sổ sách ghi chép tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

- Nghĩa vụ thuế tài nguyên nước đối với Nhà nước.

3. Kết quả kiểm tra được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại phụ lục 2 kèm theo Quy định  này và phải được người đại diện của cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, tổ chức hoặc cá nhân được kiểm tra và đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường cùng ký. Nếu không ký thì ghi rõ lý do vào biên bản.

4. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất với các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có liên quan để xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị UBND tỉnh xử lý.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN ĐƠN VỊ TRONG HOẠT ĐỘNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 14. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo các quy định của pháp luật hiện hành;

b) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý; thông tin, tuyên truyền; cấp phép, kiểm tra, thanh tra hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

c) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước của các tỉnh, thành phố trong hệ thống lưu vực sông Đồng Nai, các cơ quan liên quan trong công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch, quản lý hoạt động tài nguyên nước;

d) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình quản lý, cấp phép hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh;

đ) Là cơ quan tiếp nhận, lưu trữ hồ sơ, tổ chức thẩm định, lấy ý kiến các cơ quan có liên quan, xem xét các trường hợp đề nghị cấp, gia hạn giấy phép hoạt động tài nguyên nước do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp;

e) Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật;

g) Tổ chức việc điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh;

h) Tham gia xây dựng phương án và phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh;

i) Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến hoạt động tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;

j) Chủ trì hướng dẫn UBND cấp huyện xây dựng phương án, dự toán kinh phí phục vụ công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do khai thác nước gây ra gửi Sở Tài chính chủ trì thẩm định kinh phí và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

2. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Đồng Nai có trách nhiệm cung cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh và các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có liên quan theo định kỳ hàng tháng:

a) Tư liệu khí tượng thủy văn trong tỉnh và các bản tin dự báo khí tượng thủy văn.

b) Thông tin khí tượng thủy văn cần thiết phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về khí tượng thủy văn, bao gồm: Danh mục và vị trí các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng, danh mục các tài liệu khí tượng thủy văn hiện có; danh mục các yếu tố khí tượng thủy văn được quan trắc; những điều kiện khí tượng thủy văn chủ yếu trong tỉnh.

3. Sở Công nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ thủy điện, sản xuất công nghiệp; tổng hợp kết quả tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước nêu trên, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ vào tháng 12 hàng năm.

4. Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch cấp, thoát nước đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung. Tổng hợp kết quả tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ các nội dung trên, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ vào tháng 12 hàng năm.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm:

a) Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho việc nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, cấp nước sinh hoạt nông thôn.

b) Tổ chức triển khai thực hiện việc cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp cho các tổ chức và cá nhân theo đúng Quyết định số 56/2004/QĐ-BNN ngày 01/11/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi.

Tổng hợp kết quả tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ  nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, sinh hoạt nông thôn và tình hình cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ vào tháng 12 hàng năm theo Chỉ thị số 08/2006/CT-UBND ngày 20/02/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức thực hiện quy định về cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

6. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch mạng lưới giao thông thủy và xây dựng các công trình giao thông thủy theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào chương trình giáo dục, đào tạo học sinh nội dung có liên quan đến bảo vệ tài nguyên nước để triển khai trên địa bàn tỉnh.  

8. Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các Sở, ban, ngành, có liên quan xây dựng trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch khai thác tài nguyên nước phục vụ cho an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.  

9. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai, chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước vào sản xuất và đời sống. 

10. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các công việc, nhiệm vụ do UBND tỉnh phân công liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

11. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép, phí thẩm định tài nguyên nước, thuế tài nguyên nước theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

12. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành viên của tổ chức và nhân dân tham gia bảo vệ tài nguyên nước; giám sát việc thực hiện pháp luật tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 15. Thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước tại địa phương theo quy định của pháp luật và của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch quản lý; thông tin, tuyên truyền về tài nguyên nước nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

3. Xây dựng và thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nguồn nước; phòng chống khắc phục hậu quả, tác hại do khai thác nước gây ra, kết hợp với việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên khác, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.

4. Xây dựng kế hoạch, tiến hành kiểm tra, phối hợp kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn quản lý. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn mình quản lý.

6. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn quản lý tổ chức đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo phụ lục 1 và theo Điều 5, 6 của Quy định này.

7. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm và đột xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình quản lý tài nguyên nước trên địa bàn quản lý.

Điều 16. Thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật và của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Thực hiện sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan hữu trách trong công tác quy hoạch, quản lý, thông tin, tuyên truyền về hoạt động tài nguyên nước; xây dựng và thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nguồn nước; phòng chống, khắc phục hậu quả, tác hại do khai thác nước gây ra, kết hợp với việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên khác, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước;

3. Xác nhận các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không phải xin phép nhưng phải đăng ký theo quy định.

4. Tham gia công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tài nguyên nước; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, giám sát việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước, Quy định này và các quy định khác có liên quan; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động tài nguyên nước tại địa phương theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất cho Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình quản lý hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn quản lý.

Chương IV

 QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động tài nguyên nước:

Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động tài nguyên nước có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 17, 18 Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, Điều 4 Quy định về việc cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất ban hành theo Quyết định số 17/2006/QĐ-BTNMT ngày 12/10/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quy định này và các quy định khác có liên quan.

1. Tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước có nghĩa vụ lắp đặt thiết bị đo lưu lượng nước thô đã khai thác hàng ngày và mở sổ ghi chép theo đúng quy định.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước có nghĩa vụ:

a) Lắp đặt thiết bị đo lưu lượng nước xả thải và mở sổ ghi chép theo đúng quy định.

b) Kiểm tra chất lượng, thành phần nước thải, chất lượng nguồn nước nơi tiếp nhận nước thải ba (3) tháng một (01) lần.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước khi gặp sự cố gây ảnh hưởng xấu đến số lượng, chất lượng nguồn nước hoặc phát hiện các trường hợp bất thường về số lượng, chất lượng nguồn nước phải báo cáo ngay Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo các cơ quan có liên quan hướng dẫn biện pháp xử lý.   

4. Tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước thực hiện công tác báo cáo đến Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai sáu (6) tháng một (01) lần số liệu về lưu lượng nước thô đã khai thác định kỳ.

5. Tổ chức, cá nhân được cấp phép xả nước thải vào nguồn nước thực hiện chế độ báo cáo đến Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai sáu (6) tháng một (1) lần gồm các nội dung sau:

a) Số liệu về lưu lượng nước đã xả thải vào nguồn nước định kỳ.

b) Kết quả phân tích chất lượng, thành phần nước thải, chất lượng nguồn nước tiếp nhận nước thải.

Điều 18. Nghiêm cấm việc khai thác nước dưới đất tại các khu vực có hệ thống cấp nước máy từ nước mặt, nước dưới đất đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhu cầu sử dụng nước cho tổ chức, cá nhân.

Điều 19. Công tác trám lấp giếng

Việc trám lấp giếng phải tuân thủ Chỉ thị số 08/2006/CT-UBND ngày 20/02/2006 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc tổ chức thực hiện quy định về cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và  Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT ngày 04/9/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng.

Chương V

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, THANH TRA CHUYÊN NGÀNH VỀ HOẠT ĐỘNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 20. Chế độ báo cáo

1. Định kỳ hàng quý, hàng năm và đột xuất, các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổng kết, báo cáo tình hình quản lý, đăng ký hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn cho Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai. Nội dung báo cáo cần trình bày rõ tình hình quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, những thuận lợi, khó khăn, kiến nghị và đề xuất giải quyết.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận các báo cáo tình hình quản lý tài nguyên nước của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và có trách nhiệm tổng hợp các báo cáo trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Điều 21. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tài nguyên nước thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, thực hiện theo Nghị định số 34/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và Thông tư số 05/2005/TT-BTNMT ngày 22/7/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thi hành Nghị định số 34/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ.

Chương VI

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 22. Khen thưởng

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước;

2. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ tài nguyên nước được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân hoạt động tài nguyên nước trái phép, không có giấy phép của cấp có thẩm quyền; tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở việc bảo vệ tài nguyên nước, cản trở hoạt động tài nguyên nước hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, cản trở việc kiểm tra, thanh tra tài nguyên nước hoặc các vi phạm khác của pháp luật và Quy định này thì tùy thuộc mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại gây ra.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn theo chức năng và nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc, hoặc Chính phủ ban hành những văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến nội dung của Quy định này, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, thay thế trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.    

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 14/2008/QĐ-UBND quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành

  • Số hiệu: 14/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/02/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Ao Văn Thinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 06/03/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản