Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1387/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 12 tháng 05 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ HỘI ĐÔNG Y HUYỆN BẢO THẮNG (NHIỆM KỲ 2016-2020)

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/04/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ về việc quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND ngày 24/10/2012 của UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quy định về quản lý Hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Bảo Thắng tại Văn bản số 75/TTr-UBND ngày 04/4/2016 về việc đề nghị phê duyệt Điều lệ Hội Đông y huyện Bảo Thắng nhiệm kỳ 2016- 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều lệ Hội Đông y huyện Bảo Thắng, nhiệm kỳ 2016 - 2020, đã được Đại hội thành lập của Hội nhất trí thông qua ngày 19 tháng 3 năm 2016 (Có Điều lệ kèm theo).

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám Sở Nội vụ; Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng; Chủ tịch Hội Đông y huyện Bảo Thắng và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- TT. UBND tỉnh;
- Như Điều 2 (QĐ);
- Sở Nội vụ (02 bản);
- Hội Đông y tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, VX, NC.

CHỦ TỊCH




Đặng Xuân Phong

 

ĐIỀU LỆ

HỘI ĐÔNG Y HUYỆN BẢO THẮNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1387/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2016 của UBND tỉnh Lào Cai)

Chương I

TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH

Điều 1. Tên gọi, biểu tượng

1. Tên hội: Hội Đông y huyện Bảo Thắng.

2. Tên viết tắt: HĐY.

3. Trụ sở của Hội: Đặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng.

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

1. Hội Đông y huyện Bảo Thắng (sau đây gọi tắt là Hội Đông y) là tổ chức xã hội nghề nghiệp, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Hội hành nghề đông y, đông dược, hoạt động trong các lĩnh vực khám chữa bệnh bằng đông y; thừa kế, phát huy, phát triển, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thuộc lĩnh vực Đông y trên địa bàn huyện Bảo Thắng và có vai trò nòng cốt trong phát triển nền Đông y ở địa phương.

Điều 3. Nguyên tắc, phạm vi hoạt động

1. Hội được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, hiệp thương, đồng thuận.

2. Tự đảm bảo kinh phí hoạt động.

3. Không vì mục đích lợi nhuận.

4. Hội hoạt động trong phạm vi huyện Bảo Thắng, Hội có tư cách pháp nhân. Có con dấu và tài khoản riêng.

5. Hội có cơ quan Thường trực chuyên trách để tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về đông y, đông dược và xây dựng chương trình, kế hoạch, điều hành công tác Hội. Truyền bá học thuật cho hội viên và nhân dân, giới thiệu những kinh nghiệm phòng bệnh và chữa bệnh bằng đông y, đông dược cho nhân dân.

6. Hội Đông y huyện Bảo Thắng là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bảo Thắng.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 4. Nhiệm vụ của Hội

1. Vận động, tập hợp, giáo dục y đức, y thuật cho những người hành nghề đông y, đông dược. Động viên mọi người đoàn kết mang hết tài năng trí tuệ, kinh nghiệm vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

2. Xây dựng tổ chức Hội trên các mặt: Truyền bá y thuật của nền đông y, dịch thuật, hướng dẫn lý luận và kinh nghiệm cho hội viên.

3. Tổ chức khám chữa bệnh bằng đông y và các bài thuốc gia truyền đề đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, từng bước xã hội hóa nền đông y, đông dược trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

4. Vận động người có bài thuốc gia truyền cống hiến cho Hội hoặc truyền thụ cho con cháu với mục đích bảo tồn và phát triển nền đông y, đông dược của huyện.

5. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên để nâng cao trình độ y đức nhằm phục vụ tốt sức khỏe của nhân dân.

6. Tham gia xây dựng chính sách pháp luật tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong việc xây dựng chế độ chính sách nhằm bảo tồn và phát triển nền đông y, đông dược của huyện, của tỉnh cũng như của cả nước.

7. Mở rộng phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế của Hội về đông y, đông dược theo quy định của pháp luật.

8. Xác định khả năng chuyên môn của người hành nghề theo Luật khám, chữa bệnh.

Điều 5. Quyền hạn của Hội

1. Tạo điều kiện cho hội viên hành nghề, truyền nghề đông y, đông dược theo Điều lệ của Hội và Pháp luật hiện hành của Nhà nước. Chống lợi dụng danh nghĩa đông y để hành nghề mê tín dị đoan hoặc làm những việc trái với nghề nghiệp đông y.

2. Bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên.

3. Tổ chức, hướng dẫn hoạt động đông y, đông dược của hội viên trong phạm vi toàn huyện.

4. Bồi dưỡng và cấp chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên.

5. Tổ chức khám chữa bệnh, điều trị bằng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc phục vụ sức khỏe nhân dân tại cộng đồng.

6. Sưu tầm, thừa kế, ứng dụng các môn thuốc hay, các bài thuốc quý, các bài thuốc gia truyền, tổ chức nuôi trồng, bào chế thuốc nam để sử dụng.

7. Tổng kết kinh nghiệm chuyên môn, nghiên cứu khoa học, kết hợp đông y với tây y, kết hợp phương pháp cổ truyền với hiện đại để chữa bệnh cho nhân dân.

Chương III

HỘI VIÊN

Điều 6. Tiêu chuẩn và hình thức hội viên

1. Hội viên của Hội gồm:

a) Hội viên chính thức:

Là công dân Việt Nam ở trong huyện hoạt động trong lĩnh vực đông y, đông dược có đủ tiêu chuẩn như Khoản 2 điều này, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, có thể trở thành hội viên chính thức của Hội.

b) Hội viên liên kết:

Là công dân Việt Nam muốn hợp tác, giúp đỡ góp phần phát triển nền đông y, đông dược trong tỉnh, được Ban Thường vụ Hội Đông y Lào Cai công nhận. Việc đóng hội phí của hội viên liên kết là do tự nguyện.

c) Hội viên danh dự:

Là công dân Việt Nam có uy tín, tâm huyết đóng góp vào sự nghiệp phát triển nền đông y, đông dược của huyện, được Ban Chấp hành Hội Đông y chấp nhận. Việc đóng hội phí của hội viên danh dự là do tự nguyện.

2. Tiêu chuẩn hội viên chính thức

Công dân Việt Nam là Lương y, Lương dược, người khám thuốc gia truyền, thuốc dân tộc; Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ, Bác sỹ, Y sỹ, Dược sỹ, Kỹ thuật viên, Điều dưỡng viên có liên quan đến đông y và những người đi sâu nghiên cứu đông y, đông dược hoặc đang hành nghề đông y, đông dược, có lương tâm nghề nghiệp, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện làm đơn xin gia nhập Hội thì được kết nạp vào Hội.

Điều 7. Quyền của hội viên

1. Thực hiện quyền dân chủ, bình đẳng khi thảo luận các vấn đề của Hội, được ứng cử, đề cử và Ban Chấp hành và các chức vụ khác của Hội.

2. Được Hội bảo vệ quyền lợi chính đáng về chuyên môn, về bản quyền tác giả, tác phẩm, bài thuốc kinh nghiệm, bài thuốc gia truyền và các sáng kiến có giá trị khoa học và kinh tế.

3. Thảo luận biểu quyết mọi công việc của Hội và được học tập, tham quan, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về đông y, đông dược.

4. Được hưởng mọi quyền lợi về thi đua khen thưởng theo Pháp luật và Điều lệ Hội quy định.

5. Được tham gia hội nghị của Hội để nhận xét và đề nghị ý kiến của mình đến Ban Chấp hành tỉnh Hội.

Điều 8. Nhiệm vụ của hội viên

1. Sinh hoạt đều đặn trong tổ chức cơ sở của Hội.

2. Chấp hành Điều lệ Hội và Nghị quyết của Đại hội, của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Hội.

3. Tham gia đầy đủ các hoạt động chuyên môn của Hội.

4. Tuyên truyền phát triển hội viên mới, đoàn kết hợp tác với các hội viên khác để cùng nhau thực hiện mục đích vì sự phát triển của Hội, góp phần xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.

5. Đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn theo quy định.

Điều 10. Xóa tên hội viên

Hội viên sẽ bị xóa tên nếu vi phạm Pháp luật Nhà nước và Điều lệ Hội.

Chương IV

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 9. Cơ cấu tổ chức của Hội

1. Đại hội.

2. Ban Chấp hành.

3. Ban Thường vụ.

4. Các chi hội trực thuộc:

a) Các Chi hội trực thuộc: Trung tâm y tế; Chi hội cấp xã; Trạm y tế có ít nhất 03 hội viên trở lên thì được thành lập Chi hội trực thuộc Hội Đông y huyện Bảo Thắng.

b) Việc thành lập các Chi hội khác trực thuộc Hội Đông y huyện Bảo Thắng do Ban Thường vụ Hội xem xét, quyết định theo quy định của Điều lệ và các quy định về quản lý hội của pháp luật.

Điều 10. Đại hội

1. Đại hội Đại biểu Hội Đông y huyện được tổ chức 05 năm một lần.

2. Nhiệm vụ của Đại hội:

Thảo luận, báo cáo, tổng kết nhiệm kỳ, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.

Thảo luận, biểu quyết Điều lệ hoặc sửa đổi, bổ sung Điều lệ và quyết định việc chia, tách, sát nhập, hợp nhất, giải thể Hội.

Thảo luận, góp ý kiến vào báo cáo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Hội Đông y và Báo cáo tài chính của Hội.

Bầu Ban Chấp hành Hội Đông y và thông qua Nghị quyết nhiệm kỳ mới.

Điều 11. Ban Chấp hành

1. Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa hai nhiệm kỳ Đại hội, số lượng ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định. Trường hợp khuyết ủy viên Ban Chấp hành thì Ban Chấp hành có thể bầu bổ sung, tỷ lệ bầu bổ sung không quá 10% số với số lượng ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội quy định.

2. Ban Chấp hành họp thường kỳ mỗi năm 02 lần, khi cần có thể họp bất thường.

3. Ban Chấp hành có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

Quyết định các biện pháp thực hiện Nghị quyết, Chương trình hoạt động trong nhiệm kỳ của Đại hội, kế hoạch 6 tháng, hàng năm của Hội.

Bầu và miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo của Hội gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và ủy viên Thường vụ; bầu bổ sung, bãi nhiệm ủy viên Ban Chấp hành, bầu Ban kiểm tra và quyết định công nhận hội viên danh dự.

Xem xét, quyết định khen thưởng và kỷ luật ủy viên Ban Chấp hành Hội Đông y.

Chuẩn bị nội dung, chương trình, nhân sự phục vụ Đại hội.

Quyết định triệu tập Đại hội nhiệm kỳ hoặc Đại hội bất thường.

Việc bầu, bãi miễn và kỷ luật các chức danh lãnh đạo của Hội phải được 2/3 số ủy viên Ban Chấp hành có mặt tán thành.

Điều 12. Ban Thường vụ Hội Đông y

1. Ban Chấp hành Hội Đông y bầu Ban Thường vụ: số ủy viên Ban Thường vụ không quá 1/3 số ủy viên Ban Chấp hành.

2. Ban Thường vụ gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và một số ủy viên. Ban Thường vụ họp thường kỳ 6 tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.

3. Ban Thường vụ có những nhiệm vụ sau:

Thay mặt Ban Chấp hành chỉ đạo, điều hành các công việc của Hội giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành.

Dự thảo các báo cáo kiểm điểm công tác trong các kỳ họp của Ban Chấp hành.

Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký Hội Đông y và một số ủy viên Ban Thường vụ được Ban Chấp hành giao nhiệm vụ Thường trực để giải quyết công việc hàng ngày.

4. Ban Thường vụ có những quyền hạn sau:

Phê chuẩn nhân sự chủ chốt của Hội và quyết định thành lập các tổ chức trực thuộc Hội theo quy định của Pháp luật và công nhận hội viên liên kết.

Cử cán bộ đi dự hội nghị, hội thảo khoa học trong nước, nước ngoài và đi công tác trong nước, nước ngoài theo quy định của Pháp luật.

Quyết định các vấn đề thi đua khen thưởng, kỷ luật thuộc quyền hạn của Hội.

5. Ban Thường vụ giao Thường trực giải quyết công việc hàng ngày và đột xuất.

Điều 13. Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký Hội Đông y

1. Chủ tịch là người đứng đầu tổ chức Hội do Ban Chấp hành bầu, chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành, quyết định các mặt công tác của Hội.

2. Các Phó Chủ tịch do Ban Chấp hành bầu giúp Chủ tịch một số công việc được phân công.

3. Thư ký Hội giúp Ban Thường vụ Hội xây dựng các chương trình, kế hoạch, ghi chép biên bản các kỳ họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực và soạn thảo các văn bản của Hội; giúp Chủ tịch, Phó Chủ tịch một số công việc khi được phân công.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 14. Khen thưởng

1. Tổ chức, đơn vị thuộc Hội, hội viên có thành tích xuất sắc được Hội khen thưởng hoặc được Hội đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Ban Chấp hành Hội quy định cụ thể hình thức, thẩm quyền, thủ tục khen thưởng trong nội bộ Hội theo quy định của pháp luật về Điều lệ Hội.

Điều 15. Kỷ luật

1. Tổ chức, đơn vị thuộc Hội, hội viên vi phạm pháp luật; vi phạm Điều lệ, quy định, quy chế hoạt động của Hội thì xem xét, thi hành kỷ luật bằng các hình thức tùy thuộc vào mức độ vi phạm, gồm các hình thức: Khai trừ ra khỏi Hội, cảnh cáo, khiển trách.

2. Ban Chấp hành Hội quy định cụ thể thẩm quyền, quy trình xem xét kỷ luật trong nội bộ Hội theo quy định của pháp luật về Điều lệ Hội.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Sửa đổi Điều lệ

Chỉ có Đại hội Đại biểu của Hội Đông y huyện Bảo Thắng mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ này. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ phải được 2/3 số Đại biểu chính thức có mặt tại Đại hội tán thành.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Điều lệ của Hội Đông y huyện Bảo Thắng gồm 6 Chương, 17 Điều đã được Đại hội Đại biểu lần thứ I của Hội Đông y huyện Bảo Thắng thông qua ngày 19 tháng 3 năm 2016 và có hiệu lực thi hành theo Quyết định phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai.

Căn cứ quy định pháp luật về hội và Điều lệ Hội, Ban Chấp hành Hội Đông y huyện Bảo Thắng nhiệm kỳ 2016 - 2020 có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Điều lệ này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1387/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Điều lệ Hội Đông y huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2016 - 2020

  • Số hiệu: 1387/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/05/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Đặng Xuân Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/05/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản