Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/2012/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 24 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ Thông tư số 11/2010/TT-BNV ngày 26/11/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ- CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 294/TTr -SNV ngày 04 tháng 9 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về quản lý hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức hội trên địa bàn; Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Vịnh

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 49/2012/QĐ-UBND ngày 24/10/2012 của UBND tỉnh Lào Cai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố (gọi tắt là cấp huyện); Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện quản lý đối với các hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai; quy định về trách nhiệm của hội trong việc thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý hội.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Quy định này áp dụng đối với các hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh được UBND tỉnh Lào Cai cho phép thành lập theo Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 ban hành Luật quy định quyền lập hội, Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2003 và Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Các Hội được UBND tỉnh Lào Cai cho phép đặt văn phòng đại diện tại Lào Cai.

b) Quy định này không áp dụng với các tổ chức:

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản HCM, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

- Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai, Liên đoàn lao động huyện, thành phố và các tổ chức trực thuộc Liên đoàn lao động cấp tỉnh, cấp huyện.

- Các tổ chức giáo hội.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý đối với hội.

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý hội, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tôn trọng quyền tự quản, tự quyết định của các hội trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội. Tạo điều kiện để hội hoạt động có hiệu quả, khuyến khích các hoạt động của hội gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã về quản lý nhà nước đối với hội; Căn cứ những nội dung quản lý được UBND tỉnh phân cấp và chức năng nhiệm vụ được giao các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, chủ động và chịu trách nhiệm thực hiện đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Chương II

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HỘI

Điều 3. Nội dung quản lý hội.

Theo các nội dung quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ và phân cấp của tỉnh, bao gồm:

1. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hội.

2. Hướng dẫn các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, các hội và công dân thi hành pháp luật về hội.

3. Cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ hội.

4. Cho phép đặt văn phòng đại diện của các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

5. Hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý hội.

6. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hội.

7. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội; kiểm tra việc thực hiện điều lệ hội đối với các hội.

8. Quản lý việc ký kết hợp tác quốc tế về hội theo quy định của pháp luật.

9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về hội.

10. Quản lý về biên chế, cán bộ; công chức, viên chức thuộc các tổ chức hội theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ của tỉnh.

11. Quản lý kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động của hội; quản lý việc chấp hành quy định của pháp luật về sử dụng, quyết toán tài chính khoản tiếp nhận viện trợ của các cá nhân, tổ chức nước ngoài.

12. Tổng họp báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

13. Những nội dung khác về quản lý nhà nước đối với hội không quy định tại văn bản này thì được thực hiện theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ- CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 4. Nhiệm vụ quản lý của UBND tỉnh.

1. UBND tỉnh thống nhất quản lý đối với hội trên địa bàn tỉnh.

2. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hội.

3. Trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương về việc thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên đối với các hội thuộc Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy quản lý.

4. Trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương đối với cán bộ, công chức thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy quản lý tham gia các tổ chức hội. Cho chủ trương đối với cán bộ, công chức của sở, ngành thuộc diện UBND tỉnh quản lý tham gia các tổ chức hội.

5. Trình HĐND tỉnh thông qua các chế độ, chính sách, kinh phí hoạt động của các tổ chức hội theo quy định của pháp luật.

6. Công nhận hội có tính chất đặc thù; Giao chỉ tiêu biên chế cho các hội có tính chất đặc sau khi được HĐND tỉnh phê chuẩn, cấp kinh phí hoạt động cho các hội theo quy định.

7. Cung cấp các thông tin cần thiết về chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình công tác và phương hướng phát triển của tỉnh để hội có cơ sở định hướng và xây dựng kế hoạch hoạt động; tạo điều kiện để hội tham gia các hoạt động phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, thể dục thể thao và khuyến khích hoạt động của các tổ chức hội gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của của tỉnh.

8. Hàng năm tổng hợp, báo cáo Tỉnh ủy, Bộ Nội vụ về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý hội ở địa phương.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh

1. Quyết định thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên các hội hoạt động trên địa bàn tỉnh, huyện, thành phố theo quy định của pháp luật. Cho phép tổ chức Đại hội nhiệm kỳ; Đại hội bất thường đối với hội có phạm vi hoạt động toàn tỉnh và hội động trong phạm vi huyện, thành phố (đối với các hội thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy quản lý thực hiện sau khi có ý kiến của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy).

2. Quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức được giới thiệu, cử sang công tác tại các tổ chức hội (đối với cán bộ, công chức diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy quản lý thực hiện sau khi có ý kiến của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy).

3. Quyết định phê duyệt Điều lệ hoạt động của hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, huyện, thành phố khi Điều lệ đã được Đại hội thông qua.

4. Cho phép thành lập pháp nhân trực thuộc hội hoạt động trong các lĩnh vực phù hợp với điều lệ hội mà chưa có quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục, trình tự, hồ sơ thành lập;

5. Cho phép hợp tác, nhận tài trợ của các cá nhân, tổ chức nước ngoài theo quy định của pháp luật.

6. Cho phép đặt chi nhánh, văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh Lào Cai; xác nhận việc đổi tên, địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của các tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong cả nước hoặc liên tỉnh đối với chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trên địa bàn tỉnh;

7. Khen thưởng đối với các tổ chức hội và hội viên có nhiều đóng góp phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo quy định của pháp luật.

8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về hội.

Điều 6. Trách nhiệm, quyền hạn của các sở, ban, ngành trong quản lý hội.

1. Giám đốc các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh quản lý đối với các hội có phạm vi, lĩnh vực hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực mà sở, ban, ngành được giao phụ trách.

2. Sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh.

3. Có ý kiến bằng văn bản về việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên; tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh thuộc lĩnh vực ngành quản lý.

4. Trình UBND tỉnh cho chủ trương đối với cán bộ, công chức của sở, ngành thuộc diện UBND tỉnh quản lý tham gia các tổ chức hội.

5. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hội.

6. Cung cấp các thông tin cần thiết về chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình công tác và phương hướng phát triển của tỉnh thuộc lĩnh vực được giao để hội có cơ sở định hướng và xây dựng kế hoạch hoạt động; tạo điều kiện để hội tham gia các hoạt động phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, thể dục thể thao và khuyến khích hoạt động của các tổ chức hội gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực và của tỉnh.

7. Lấy ý kiến của các hội để hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức hội tham gia đóng góp ý kiến với vai trò phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách, kế hoạch, quy hoạch, phương hướng, chương trình công tác sắp tới của của ngành.

8. Kiểm tra hoạt động của các tổ chức hội trong việc chấp hành pháp luật và thực hiện điều lệ hội, đề xuất biện pháp xử lý đối với các vi phạm của các tổ chức hội; Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra việc sử dụng và quản lý tài chính của các tổ chức hội, bảo đảm việc sử dụng tài chính đúng mục đích đã đề ra.

9. Hướng dẫn các tổ chức hội xây dựng, sửa đổi điều lệ.

10. Quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đối cán bộ, công chức, viên chức được sở, ban, ngành luân chuyển, điều động, phân công làm việc tại các hội theo chỉ tiêu biên chế được giao theo quy định.

11. Khen thưởng đối với các tổ chức hội và hội viên có nhiều đóng góp phục vụ phát triển ngành theo quy định của pháp luật.

12. Định kỳ tổng hợp báo cáo 6 tháng, báo cáo năm và đột xuất (khi cần thiết) với UBND tỉnh về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý các tổ chức hội thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý, theo dõi.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Nội vụ.

1. Trình UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hội; Tham mưu giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất quản lý hội trên địa bàn tỉnh.

2. Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh cho phép thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên các hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, huyện. Thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt điều lệ hội đối với các tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, trong huyện, thành phố.

3. Trình Chủ tịch UBND tỉnh cho phép tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường đối với các tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, trong huyện, thành phố Lào Cai.

4. Thẩm định, trình UBND tỉnh giao chỉ tiêu biên chế cho các hội đặc thù; hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc quản lý, sử dụng biên chế theo quy định của pháp luật và phân cấp của tỉnh.

5. Tiếp nhận, thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh cho phép đặt chi nhánh, văn phòng đại diện; xác nhận việc đổi tên, địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện đối với các tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong cả nước hoặc liên tỉnh đối với chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trên địa bàn tỉnh.

6. Tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối cán bộ, công chức, viên chức được tuyển dụng hoặc luân chuyển, điều động, phân công làm việc tại các hội theo quy định của pháp luật và phân cấp tổ chức, cán bộ của tỉnh.

7. Theo dõi quản lý và phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động của các tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh.

8. Phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan kiểm tra, thanh tra việc thực hiện điều lệ và chấp hành pháp luật đối với các hội; trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định việc xử lý vi phạm đối với các tổ chức hội theo quy định của pháp luật.

9. Hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý hội.

10. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hội.

11. Trình Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng đối với các tổ chức hội và hội viên có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội của tỉnh.

12. Định kỳ tổng hợp báo cáo 6 tháng, báo cáo năm và đột xuất (khi cần thiết) với UBND tỉnh, Bộ Nội vụ về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh.

Điều 8. Nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp huyện.

1. UBND cấp huyện được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền quản lý nhà nước đối với hội trên địa bàn huyện, thành phố.

2. Ban hành, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về hội theo thẩm quyền.

3. Quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong huyện, thành phố.

4. Trình UBND tỉnh cho chủ trương đối với cán bộ, công chức diện tỉnh quản lý tham gia các tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong huyện, thành phố.

5. Có ý kiến bằng văn bản về việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên; tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường đối với hội có phạm vi hoạt động trong huyện, thành phố.

6. Cung cấp các thông tin cần thiết về chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình công tác và phương hướng phát triển của địa phương để hội có cơ sở định hướng và xây dựng kế hoạch hoạt động; tạo điều kiện để hội tham gia các hoạt động phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, thể dục thể thao và khuyến khích hoạt động của các tổ chức hội gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực và của địa phương;

7. Định kỳ tổng hợp báo cáo 6 tháng, báo cáo năm và đột xuất (khi cần thiết) với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý các tổ chức hội trên địa bàn theo quy định.

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn Chủ tịch UBND cấp huyện.

1. Được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền xem xét cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã). Thành lập pháp nhân trực thuộc hoạt động trong các lĩnh vực phù hợp với điều lệ hội mà chưa có quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục, trình tự, hồ sơ thành lập đối với các hội thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện.

2. Có ý kiến bằng văn bản về việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên; tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường; nhân sự trước Đại hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong huyện, thành phố.

3. Cho phép tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường, phê duyệt kết quả Đại hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã.

4. Cần thiết, lấy ý kiến của các hội để hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức hội tham gia đóng góp ý kiến với vai trò phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách, kế hoạch, quy hoạch, phương hướng, chương trình công tác sắp tới của của địa phương;

5. Xem xét, cấp kinh phí hoạt động cho các hội theo quy định. Đối với các hội mới thành lập còn nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND cấp huyện tạo điều kiện giúp hội ổn định hoạt động. Kiểm tra việc sử dụng và quản lý tài chính của các tổ chức hội, bảo đảm việc sử dụng tài chính đúng mục đích đã đề ra.

6. Quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đối cán bộ, công chức, viên chức được tỉnh, huyện, thành phố luân chuyển, điều động, phân công làm việc tại các hội theo chỉ tiêu biên chế được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ của tỉnh.

7. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hội.

8. Kiểm tra việc thực hiện điều lệ và chấp hành pháp luật đối với các hội có phạm vi hoạt động trong địa bàn cấp huyện, cấp xã; xem xét quyết định việc xử lý vi phạm đối với các tổ chức hội hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

9. Khen thưởng đối với các tổ chức hội và hội viên có nhiều đóng góp phục vụ phát triển kinh tế xã hội của huyện, thành phố theo quy định của pháp luật.

10. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về hội.

11. Định kỳ báo cáo 6 tháng, báo cáo năm và đột xuất về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý các tổ chức hội thuộc địa phương cho UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ).

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của các các cơ quan chuyên môn thuôc UBND cấp huyện.

1. Trưởng các phòng, ban của huyện, thành phố giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước đối với hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Phòng, ban quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong xã.

3. Giúp UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện tạo điều kiện để các hội tham gia phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện, thành phố.

4. Hướng dẫn các tổ chức hội cấp xã xây dựng, sửa đổi Điều lệ. Kiểm tra việc thực hiện điều lệ, chấp hành pháp luật của hội. Đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý khi phát hiện có sai phạm.

Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Nội vụ.

1. Tham mưu giúp UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện cụ thể hóa pháp luật về hội trên địa bàn.

2. Hướng dẫn thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về hội trên địa bàn.

3. Tiếp nhận, thẩm định, trình UBND cấp huyện quyết định thành lập ban vận động hội có phạm vị hoạt động trong huyện.

4. Tiếp nhận, thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên các hội hoạt động trong xã; cho phép Đại hội, Đại hội bất thường đối với hội hoạt động trong xã. Trình phê duyệt điều lệ hội đối với các tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong xã.

5. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hội.

6. Hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức công chức xã làm công tác quản lý hội.

7. Tham mưu giúp UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện các chế độ chính sách đối với hội, người đang công tác trong các tổ chức hội theo quy định.

8. Trình Chủ tịch UBND cấp huyện khen thưởng đối với các tổ chức hội và hội viên có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội của tỉnh.

9. Tổng hợp báo cáo UBND huyện, thành phố, Sở Nội vụ về công tác quản lý nhà nước đối với hội theo quy định.

Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã.

1. UBND xã được UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND huyện ủy quyền quản lý nhà nước đối với hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hội.

3. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức hội tham gia đóng góp ý kiến với vai trò phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách, kế hoạch, quy hoạch, phương hướng, chương trình công tác sắp tới của của địa phương.

4. Thực hiện các chế độ chính sách đối với hội, người đang công tác trong các tổ chức hội theo quy định.

5. Khen thưởng đối với các tổ chức hội và hội viên có nhiều đóng góp phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

6. Định kỳ báo cáo 6 tháng, báo cáo năm và đột xuất về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý các tổ chức hội với UBND huyện, thành phố (thông qua Phòng Nội vụ).

Chương III

TRÁCH NHIỆM, NGHĨA VỤ CỦA CÁC HỘI

Điều 13. Trách nhiệm, nghĩa vụ của các hội.

1. Chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của hội và điều lệ hội. Không được lợi dụng hoạt động của hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

2. Hội hoạt động thuộc lĩnh vực nào phải chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đó.

3. Trước khi tổ chức đại hội nhiệm kỳ ba mươi ngày, ban lãnh đạo hội phải có Văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (đối với hội hoạt động trong tỉnh, trong huyện, thành phố); Chủ tịch UBND cấp huyện (đối với hội hoạt động trong xã) và cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực hội hoạt động.

4. Việc lập Văn phòng đại diện của hội ở địa phương khác phải xin phép UBND cấp tỉnh nơi đặt văn phòng đại diện và báo cáo bằng văn bản với UBND tỉnh Lào Cai.

5. Khi thay đổi Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký của hội, thay đổi trụ sở, sửa đổi, bổ sung điều lệ, hội phải báo cáo UBND tỉnh (đối với hội hoạt động trong tỉnh, trong huyện, thành phố); UBND cấp huyện (đối với hội hoạt động trong xã) và cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực hội hoạt động.

6. Việc lập các pháp nhân thuộc hội phải theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo UBND tỉnh (đối với hội hoạt động trong tỉnh, trong huyện, thành phố); UBND cấp huyện (đối với hội hoạt động trong xã).

7. Định kỳ báo cáo 6 tháng (trước ngày 15/5), báo cáo năm (trước ngày 01/12) và báo cáo đột xuất về tình hình tổ chức, hoạt động của hội với UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ, đối với hội hoạt động trong tỉnh, trong huyện, thành phố) và các cơ quan quản lý về ngành, lĩnh vực hội hoạt động; UBND cấp huyện (qua phòng Nội vụ đối với hội hoạt động trong xã)

8. Chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tuân thủ pháp luật.

9. Lập và lưu giữ hồ sơ tại trụ sở hội: danh sách hội viên, chi hội, văn phòng đại diện và các đơn vị trực thuộc hội, sổ sách, chứng từ về tài sản, tài chính của hội và văn phòng đại diện, biên bản các cuộc họp ban lãnh đạo hội, Nghị quyêt, báo cáo hoạt động của hội và các văn bản khác có liên quan.

10. Kinh phí thu được chỉ dùng để chi cho hoạt động của hội theo quy định của điều lệ hội, không được chia cho hội viên.

11. Việc sử dụng kinh phí của hội phải chấp hành quy định của pháp luật. Hàng năm, hội phải báo cáo quyết toán tài chính theo quy định của Nhà nước gửi Sở Tài chính (đối với hội hoạt động trong tỉnh), Phòng Tài chính (đối với hội hoạt động trong huyện, thành phố; trong xã) về việc tiếp nhận, sử dụng nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài.

12. Xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động của hội.

13. Ngoài trách nhiệm như đối với các tổ chức hội khác, hội có tính chất đặc thù phải tuân thủ các nghĩa vụ khác quy định tại Điều 34 Nghị định 45/2010/NĐ- CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Tổ chức thực hiện.

1. Giám đốc Sở Nội vụ chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Quyết định này.

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nội vụ để nghiên cứu báo cáo UBND tỉnh sửa đổi cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 49/2012/QĐ-UBND về Quy định quản lý hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai

  • Số hiệu: 49/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/10/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Nguyễn Văn Vịnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/11/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản