Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 137/2003/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CHUYỂN CÔNG TY ĐIỆN TỬ HẢI PHÒNG THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN ĐIỆN TỬ HẢI PHÒNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần;
Xét đề nghị của Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt Nam (Công văn số 61-03 CV/ ĐT-HĐQT ngày 30 tháng 7 năm 2003), Phương án cổ phần hoá Công ty Điện tử Hải Phòng và Biên bản thẩm định Phương án của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ ngày 07 tháng 8 năm 2003;
Theo đề nghị của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án cổ phần hoá Công ty Điện tử Hải Phòng (doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt Nam) gồm những điểm chính như sau :

1. Cơ cấu vốn điều lệ :

Vốn điều lệ của Công ty cổ phần là 6.100.000.000 đồng (Sáu tỷ một trăm trệu đồng chẵn). Trong đó :

- Tỷ lệ cổ phần của Nhà nước : 51,00 %;

- Tỷ lệ cổ phần bán cho người lao động trong Công ty : 41,50 %;

- Tỷ lệ cổ phần bán ra ngoài Công ty : 07,50 %.

Trị giá một cổ phần : 100.000 đồng.

2. Giá trị thực tế của Công ty Điện tử Hải Phòng tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2002 để cổ phần hoá (Quyết định số 1547/QĐ-TCKT ngày 02 tháng 7 năm 2003 của Bộ Công nghiệp) là 19.927.094.846 đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại Công ty là 6.100.951.462 đồng.

3. Ưu đãi cho người lao động trong Công ty.

Tổng số cổ phần bán ưu đãi cho 124 lao động trong Công ty là 14.640 cổ phần với giá trị được ưu đãi là 439.200.000 đồng. Trong đó, số cổ phần bán ưu đãi trả chậm cho 08 lao động nghèo là 1.215 cổ phần, trị giá 85.050.000 đồng.

4. Về chi phí cổ phần hoá, đào tạo lại lao động và giải quyết lao động dôi dư, Công ty Điện tử Hải Phòng làm thủ tục, báo cáo Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt Nam và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo các quy định hiện hành.

Điều 2. Chuyển Công ty Điện tử Hải Phòng thành Công ty cổ phần Điện tử Hải Phòng,

- Tên giao dịch quốc tế : HAIPHONG ELECTRONICS JOINT STOCK COMPANY;

- Tên viết tắt : HAPELEC;

- Trụ sở chính đặt tại : số 73 Điện Biên Phủ, Hải Phòng.

Điều 3. Công ty cổ phần kinh doanh các ngành nghề:

- Lắp ráp, kinh doanh các sản phẩm điện tử: video, tivi, radiocassette, đồng hồ điện tử, điện lạnh, máy thông tin liên lạc và các sản phẩm điện, điện tử tin học khác;

- Tư vấn, thiết kế, sản xuất và lắp đặt các sản phẩm: công trình điện, điều hoà không khí, hệ thống thiết bị tự động điều khiển, cơ khí nhựa, hệ thống thiết bị bảo đảm an toàn, thiết bị tàu thuyền;

- Cung cấp thiết bị, giải pháp tổng thể, tư vấn, thiết kế và cài đặt phần mềm cho mạng máy tính và mạng thông tin;

- Dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu và sản xuất các sản phẩm: điện công nghiệp và dân dụng, điện lạnh, điện tử, tin học, thông tin liên lạc, điện thoại di động các loại, thiết bị văn phòng;

- Kinh doanh sản xuất cơ khí, nhựa, bao bì, vật tư, phụ tùng cho các ngành hàng điện tử;

- Kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng và vật tư, xăng dầu, khí hoá lỏng;

- Kinh doanh các ngành nghề khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 4. Công ty cổ phần Điện tử Hải Phòng là pháp nhân theo pháp luật Việt Nam kể từ ngày được cấp đăng ký kinh doanh, thực hiện hạch toán kinh tế độc lập, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật, hoạt động theo Điều lệ của Công ty cổ phần và Luật Doanh nghiệp.

Điều 5. Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo Công ty Điện tử Hải Phòng tổ chức bán đấu giá số cổ phần bán ra ngoài Công ty và tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu Công ty cổ phần Điện tử Hải Phòng theo đúng quy định hiện hành.

Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty Điện tử Hải Phòng có trách nhiệm điều hành công việc của Công ty cho đến khi bàn giao toàn bộ vốn, tài sản, lao động, đất đai cho Hội đồng quản trị và Giám đốc Công ty cổ phần.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt Nam, Giám đốc Công ty Điện tử Hải Phòng và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Điện tử Hải Phòng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận: 
- Như Điều 6,
- Văn phòng Chính phủ,
- Ban Chỉ đạo ĐM và PTDN,
- Các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, LĐTB và XH,
- Ngân hàng Nhà nước VN,
- UBND TP Hà Nội,
- CTCP Điện Tử Hải Phòng
- Công báo,
- Đ/c Bộ trưởng (để báo cáo),
- Các đ/c Thứ trưởng,
- Các TV Ban ĐM và PTDN Bộ,
- Lưu VP, TCCB (3b).

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Xuân Thuý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 137/2003/QĐ-BCN về việc chuyển Công ty Điện tử Hải Phòng thành Công ty cổ phần Điện tử Hải Phòng do Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 137/2003/QĐ-BCN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/08/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
  • Người ký: Nguyễn Xuân Thuý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 141
  • Ngày hiệu lực: 17/09/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản