Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1369/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 25 tháng 06 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;

Xét Tờ trình số 44/TTr-SVHTTDL ngày 25/5/2010 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tờ trình số 699/TTr-KHĐT ngày 28/5/2010 của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 với các nội dung chính như sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.

2. Chủ đầu tư: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng.

3. Nội dung quy hoạch:

a) Quan điểm phát triển:

- Phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển du lịch với tốc độ nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường du lịch, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh và bảo vệ trật tự, an toàn xã hội.

- Đảm bảo bền vững trong phát triển du lịch, hài hòa giữa lợi ích kinh tế với lợi ích xã hội và bảo vệ môi trường; quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh phù hợp với chiến lược phát triển du lịch cả nước và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế động lực và đóng góp tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh.

- Đảm bảo tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao trong phát triển du lịch; ngành du lịch phải phát huy vai trò để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

b) Mục tiêu phát triển:

- Mục tiêu tổng quát: khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, truyền thống và các giá trị văn hóa - lịch sử để phát triển ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao và bền vững; nhanh chóng đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh; cùng cả nước xây dựng hình ảnh Việt Nam - Điểm đến an toàn và thân thiện; xây dựng Đà Lạt trở thành một trung tâm du lịch lớn của vùng Tây Nguyên và cả nước.

- Mục tiêu cụ thể:

Phát triển du lịch của Lâm Đồng với tốc độ nhanh, thời kỳ 2011-2015 tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 18,0-19,0%, thời kỳ 2016-2020 đạt 16,5-17%.

Giá trị GDP ngành du lịch đến năm 2015 chiếm 6,5 - 7,0% và năm 2020 chiếm 9,0 - 10,0 % trong cơ cấu GDP toàn tỉnh.

Tập trung thu hút khách du lịch, đến năm 2015 đạt 4,5 triệu lượt khách, năm 2020 đạt 6,5 triệu lượt khách.

Nâng cao nguồn thu từ du lịch, doanh thu du lịch năm 2015 đạt khoảng 5.000 tỷ đồng; năm 2020 đạt khoảng 13.000 tỷ đồng.

Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các khu du lịch, các tuyến, điểm du lịch, các loại hình và sản phẩm du lịch...; đến năm 2015 có khoảng 25 ngàn phòng, năm 2020 có khoảng 50 ngàn phòng.

c) Nội dung quy hoạch:

- Tăng cường thu hút khách du lịch:

Khách du lịch nội địa: thời kỳ 2011-2015 tăng 8,0 - 8,5 %/năm và thời kỳ 2016-2020 tăng 7,5 %/năm; đến năm 2010 đón khoảng 2,8 - 3,0 triệu lượt khách nội địa (bằng 11 % cả nước); năm 2015 đón 4,2 - 4,5 triệu lượt khách nội địa; năm 2020 đón 6,0 triệu lượt khách.

Khách du lịch quốc tế: thời kỳ 2011 - 2015 tăng 11-12 %/năm và thời kỳ 2016-2020 tăng 9-10 %/năm; đến năm 2010 đón khoảng 200 ngàn lượt khách (bằng 3,3% cả nước); năm 2015 đón 280 - 300 ngàn lượt khách; năm 2020 đón được 500 ngàn lượt khách.

Đầu tư phát triển du lịch tại khu vực phía Nam của tỉnh để khai thác tiềm năng và giảm mật độ tập trung khách du lịch tại khu vực Đà Lạt và vùng phụ cận; số khách đến khu vực thành phố Bảo Lộc và vùng phía Nam của tỉnh, đến năm 2020 chiếm khoảng 18 - 20 % của cả tỉnh (trong đó Bảo Lộc chiếm khoảng 13 - 15 %, Cát Tiên chiếm khoảng 5 %).

- Thời gian lưu trú:

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch và phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch, vui chơi giải trí ... để tăng số ngày lưu trú trung bình của du khách đến Lâm Đồng từ 1,9 ngày cho khách quốc tế và 2,3 ngày cho khách nội địa hiện nay lên 3,0 ngày cho khách quốc tế và 2,8 ngày cho khách nội địa vào năm 2015, tương ứng 3,5 ngày và 3,2 ngày vào năm 2020.

- Doanh thu du lịch:

Thực hiện các giải pháp tổng hợp nhằm tăng mức chi tiêu bình quân hàng ngày của khách quốc tế lên 150 USD vào năm 2015 và 200 USD vào năm 2020; khách nội địa lên 40 USD vào năm 2015 và 60 USD vào năm 2020 và chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng của du khách theo hướng giảm tỷ trọng chi cho lưu trú và ăn uống, tăng tỷ trọng chi cho các dịch vụ, giải trí và mua sắm.

Doanh thu xã hội từ du lịch năm 2010 đạt khoảng 4.000 tỷ đồng tương đương 240 triệu USD, chiếm 8,4 % tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh, đến năm 2020 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng tương đương 1.500 triệu USD, chiếm 13,4 % tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh.

Doanh thu thuần túy từ du lịch năm 2010 đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, năm 2015 đạt khoảng 5.000 tỷ đồng; năm 2020 đạt khoảng 13.000 tỷ đồng.

- Đầu tư phát triển du lịch:

Đầu tư phát triển thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch hiện đại của khu vực Tây Nguyên và cả nước; là một cực quan trọng trong các tam giác du lịch Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh - Nha Trang; Đà Lạt - Phan Thiết - TP Hồ Chí Minh; Đà Lạt - Vũng Tàu - TP Hồ Chí Minh; Đà Lạt - Đắc Lắc - TP Hồ Chí Minh.

Đến năm 2020 khu du lịch quốc gia: Tuyền Lâm và Đan Kia - Đà Lạt cùng 20 khu du lịch quy mô lớn có ý nghĩa vùng được đầu tư hoàn chỉnh và hoạt động ổn định; các dự án đầu tư khu điểm tham quan du lịch, công viên văn hóa, khu vui chơi giải trí...được đưa vào khai thác.

Tập trung đầu tư nâng cấp và xây dựng hệ thống lưu trú cao cấp, đến năm 2010 có khoảng 13,3 ngàn phòng khách sạn, trong đó 5 % đạt từ 3 - 5 sao; năm 2015 là 25 ngàn phòng, trong đó 20% đạt 3 - 5 sao; năm 2020: 50 ngàn phòng, trong đó 40% đạt 3 - 5 sao. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú.

Đầu tư xây dựng và phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, hệ thống nhà hàng, các khu hội chợ triển lãm, khu hội nghị, hội thảo, các công trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, công viên, các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp..., đặc biệt chú trọng phát triển các cơ sở vui chơi giải trí về đêm và vào mùa mưa cho du khách. Xây dựng các trạm dịch vụ (bãi đỗ, bảo dưỡng xe, ăn uống, giải khát, vệ sinh ...) trên các lộ trình du lịch với khoảng cách hợp lý; nâng cấp, cải tạo nhà ga, phương tiện vận chuyển đường bộ, đường hàng không, nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng lượng khách du lịch.

Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, nhà vệ sinh, thu hồi và xử lý nước và rác thải...trên toàn địa bàn Tỉnh và trong từng khu, điểm du lịch.

- Lao động du lịch:

Thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong ngành du lịch, nâng số lao động bình quân từ 0,8 người/phòng khách sạn hiện nay lên 1,4 người/phòng vào năm 2015 và 1,5 người/phòng vào năm 2020. Đến năm 2015 có khoảng 83 - 84 ngàn lao động phục vụ du lịch (trong đó 36 ngàn lao động trực tiếp) và năm 2020 có khoảng 168 ngàn lao động (trong đó 76 ngàn lao động trực tiếp).

Xã hội hóa công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đa dạng hóa loại hình đào tạo; chú trọng đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo theo hướng gắn lý thuyết với thực hành, đào tạo với nghiên cứu để nâng cao chất lượng và trình độ đội ngũ cán bộ nhân viên đạt mức phát triển cao của khu vực. Tăng cường hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

- Phát triển thị trường khách du lịch:

Khai thác các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm: Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Á, Úc và các nước ASEAN... trong đó đặc biệt quan tâm thị trường Pháp, Anh, Hà Lan, Mỹ, Singapore và Trung Quốc; từng bước mở rộng thị trường tiềm năng tại các nước Bắc Âu, Nga và các nước SNG, Đông Nam Âu, Niu Zi Lân...

Đối với thị trường khách nội địa, chú trọng phát triển thị trường khách du lịch truyền thống từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung Bộ, mở rộng thị trường các tỉnh miền Trung, miền Bắc và Hà Nội.

- Quy hoạch phát triển các loại hình và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch:

Tập trung phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch có nhiều lợi thế:

+ Du lịch sinh thái, đặc biệt sản phẩm du lịch dưới tán rừng, du lịch thể thao mạo hiểm (leo núi, vượt thác ghềnh, nhảy dù, vượt địa hình...).

+ Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần kết hợp với vui chơi giải trí, mua sắm.

+ Du lịch kết hợp nghiên cứu, đào tạo thực tập, giảng dạy, du lịch canh nông.

+ Du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, triển lãm, trưng bày, xúc tiến thương mại.

+ Du lịch văn hóa với các sản phẩm như tham quan nghiên cứu về tự nhiên, kiến trúc, khảo cổ, nghệ thuật, văn hóa - lễ hội các dân tộc, làng nghề truyền thống...

+ Du lịch thăm thân nhân, du lịch tránh đông, du lịch tuần trăng mật...

Chú trọng phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù như: du lịch kết hợp khám chữa bệnh, điều dưỡng; du lịch gắn với giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học; du lịch gắn với huấn luyện thể thao; du lịch sinh thái gắn với tham quan các di tích lịch sử cách mạng, di chỉ khảo cổ...

Khuyến khích các dự án đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, cao cấp. Chú trọng đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí ở các địa phương, ưu tiên các dự án phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của du khách về đêm và trong mùa mưa. Phát triển các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; giữ gìn, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc biệt là "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" để thu hút du khách.

- Quy hoạch tổ chức không gian du lịch:

Cụm du lịch Đà Lạt và vùng phụ cận: gồm thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Đơn Dương, Lâm Hà. Trung tâm du lịch là thành phố Đà Lạt. Sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch kết hợp công vụ, hội nghị hội thảo... Các điểm du lịch có ý nghĩa quan trọng: khu du lịch Đankia - Đà Lạt, khu du lịch hồ Tuyền Lâm, khu du lịch Cam Ly - Măng Lin, khu du lịch hồ Đại Ninh, khu du lịch núi Langbiang, vườn quốc gia Bi Đúp - Núi Bà, hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Đa Nhim, hồ Đạ Ròn, thung lũng Tình yêu, thác Datanla, thác Prenn, thác Voi, thác Pongour, đèo Mimoza, đèo Ngoạn Mục, khu di tích lịch sử cách mạng Núi Voi và nhiều thắng cảnh, công trình văn hóa, tôn giáo, kiến trúc, làng nghề ....

Cụm du lịch Bảo Lộc và phụ cận: gồm thành phố Bảo Lộc và các huyện Di Linh, Bảo Lâm. Trung tâm du lịch là thành phố Bảo Lộc. Sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch sinh thái, du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần và trung chuyển trên tuyến du lịch Đà Lạt - thành phố Hồ Chí Minh. Các khu điểm du lịch có ý nghĩa quan trọng: khu du lịch thác Đambri, hồ Lộc Thắng, hồ Nam Phương, hồ Ka La, thác Tà Ngào, thác Liliang, thác Bobla, khu di tích lịch sử cách mạng Lộc Bắc, các vườn trà, vườn dâu, các buôn làng đồng bào dân tộc, các làng nghề truyền thống...

Cụm du lịch các huyện phía Nam: gồm các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Sản phẩm du lịch chủ yếu gồm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Các khu điểm du lịch có ý nghĩa quan trọng: vườn quốc gia Cát Tiên, khu di chỉ khảo cổ Cát Tiên, Khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI - Cát Tiên, khu du lịch Mađaguôi - Suối Tiên, hồ Đạ Tẻh ...

- Quy hoạch các tuyến du lịch:

Tuyến du lịch đường bộ nội tỉnh:

+ Các tuyến xuất phát từ trung tâm thành phố Đà Lạt:

Các tuyến du lịch chuyên đề trong thành phố Đà Lạt;

Các tuyến phía bắc thành phố Đà Lạt: Đà Lạt - Đan Kia - Suối Vàng - Đam Rông (theo tỉnh lộ 722) và Đà Lạt - Vườn quốc gia Bi Đúp - Núi Bà - Đạ Sar - Đạ Chais (theo tỉnh lộ 723);

Tuyến phía tây thành phố Đà Lạt: Đà Lạt - Lâm Hà - Di Linh - Bảo Lâm - Đạ Tẻh (theo tỉnh lộ 725);

Tuyến phía nam thành phố Đà Lạt: Đà Lạt - Đức Trọng - Di Linh - Bảo Lộc - Đạ Huoai (theo quốc lộ 20);

Tuyến phía đông thành phố Đà Lạt: Đà Lạt - Đơn Dương (theo quốc lộ 20).

+ Các tuyến xuất phát từ trung tâm thành phố Bảo Lộc và các huyện trong tỉnh:

Tuyến Bảo Lộc - Hàm Thuận - Đa Mi (theo quốc lộ 55);

Tuyến Bảo Lộc - Bảo Lâm (theo tỉnh lộ 726);

Tuyến Di Linh - Gia Bắc - Đinh Trang Thượng (theo quốc lộ 28);

Tuyến Madagui - ĐaTẻh - Cát Tiên (theo tỉnh lộ 721);

Tuyến Đức Trọng - hồ Đại Ninh (theo tỉnh lộ 724);

Tuyến Đơn Dương - Đức Trọng - Lâm Hà - Đam Rông (theo quốc lộ 27).

+ Tuyến du lịch liên vùng theo đường bộ: Liên kết hình thành các tam giác du lịch Đà Lạt - Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang; Đà Lạt - Phan Thiết - Thành phố Hồ Chí Minh; Đà Lạt - Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chi Minh... để khai thác có hiệu quả thế mạnh du lịch của mỗi địa phương, xây dựng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh và gắn du lịch Đà Lạt với các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Duyên hải miền Trung. Tích cực tham gia nối tour với các tuyến du lịch có nhiều tiềm năng như: “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại và trở về chiến trường xưa”...; quy hoạch các tuyến sau:

Lâm Đồng - thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông nam bộ - Nam bộ, nối với quốc lộ 1 và đường xuyên Á (theo quốc lộ 20 hoặc đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt);

Lâm Đồng - Ninh Thuận và nối với tuyến du lịch xuyên Việt, tuyến Con đường Di sản miền Trung (theo quốc lộ 27);

Lâm Đồng - Nha Trang (theo tỉnh lộ 723 nối quốc lộ 1);

Lâm Đồng - thủy điện Đại Ninh - Mũi Né - Bình Thuận (theo tỉnh lộ 724);

Lâm Đồng - Bình Thuận (theo quốc lộ 28);

Lâm Đồng - Đắk Nông và nối với tuyến du lịch "Con đường xanh Tây Nguyên "và tuyến du lịch "Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" (theo quốc lộ 28 nối với quốc lộ 14, đường Trường Sơn);

Lâm Đồng - Thủy điện Hàm Thuận - Đạ Mi - Bình Thuận (theo quốc lộ 55);

Lâm Đồng - Đắk Lắk (theo quốc lộ 27);

Lâm Đồng - vùng Tây Nguyên (theo tỉnh lộ 722 nối đường Đông Trường Sơn).

+ Liên kết với các hãng du lịch quốc tế đế xây dựng các tour du lịch quốc tế bằng đường bộ đến các nước Thái Lan - Lào - Cam Pu Chia qua cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum).

+ Tuyến du lịch đường sắt: sau năm 2010 khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm và nối với hệ thống đường sắt Thống nhất.

+ Tuyến du lịch đường hàng không:

Sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) - sân bay Nội Bài (Hà Nội), nối với các địa phương trong nước và quốc tế;

Sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) - sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), nối với các địa phương trong nước và quốc tế;

Sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) - sân bay Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng), nối với các địa phương trong nước và quốc tế;

Từ năm 2010 mở các chuyến bay quốc tế trực tiếp từ sân bay Liên Khương đến Hồng Kông, Băng Cốc, Singapore ...

- Vốn đầu tư:

Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành du lịch Lâm Đồng từ nay đến năm 2020 là khoảng 2.700 triệu USD (tương đương 56 nghìn tỷ đồng) trong đó giai đoạn từ nay đến năm 2015 khoảng 800 triệu USD (tương đương 16 nghìn tỷ đồng), thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 1.900 triệu USD (tương đương 40 nghìn tỷ đồng).

Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư:

+ Đầu tư phát triển hệ thống khu, điểm du lịch mới gắn liền với việc đa dạng hóa loại hình và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

+ Đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú, công trình dịch vụ du lịch, hệ thống nhà hàng, các khu hội chợ triển lãm, hội chợ, hội nghị, hội thảo, các công trình vui chơi giải trí, đặc biệt các khu vui chơi trong nhà, ban đêm và dành cho trẻ em...

+ Đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.

+ Xúc tiến, quảng bá và phát triển thị trường du lịch.

+ Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

+ Bảo vệ và tôn tạo các tài nguyên và môi trường du lịch.

Nguồn vốn đầu tư: huy động từ các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư; nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tu bổ, tôn tạo, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng hoặc đã được xếp hạng.

d) Các chính sách và giải pháp phát triển du lịch:

- Năng cao hiệu lực quản lý du lịch theo quy hoạch; rà soát lại quy hoạch các khu, điểm du lịch và quy hoạch các điểm có tiềm năng để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

- Thực hiện xã hội hóa trong việc đầu tư, bảo vệ, tôn tạo các di tích, cảnh quan môi trường, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch; kết hợp tốt việc sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách với khai thác, sử dụng nguồn vốn nước ngoài và huy động nguồn vốn trong dân để phát triển du lịch. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và nguồn vốn nước ngoài để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng phục vụ du lịch, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các các khu du lịch tổng hợp, khu du lịch chuyên đề. Tạo môi trường thông thoáng để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực du lịch; tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án du lịch.

- Phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển đô thị, bảo tồn và phát triển văn hóa, trồng rừng, xóa đói giảm nghèo, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để phục vụ du lịch; hiện đại hóa và nâng cao chất lượng phục vụ của các dịch vụ: y tế, vận tải, viễn thông, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, cấp điện, cấp nước, an ninh,... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để đẩy mạnh xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch với các hình thức linh hoạt; xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch theo các chuyên đề, tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn cho khách du lịch; tranh thủ hợp tác trong hoạt động xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước, từng bước tạo dựng và nâng cao hình ảnh du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt trên thị trường du lịch.

- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: xây dựng mới và mở rộng các chuyên ngành du lịch trong các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học; mở rộng trường Trung cấp du lịch tại Đà Lạt; tổ chức các chương trình đào tạo lại, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hiện có nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ du lịch và hướng dẫn viên du lịch có trình độ cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Tăng cường hợp tác, trao đổi nghiệp vụ thông qua các chuyến khảo sát, các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế; có chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút nhân tài, chuyên gia, nghệ nhân tham gia vào việc phát triển du lịch của tỉnh.

- Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển du lịch; chú trọng đúng mức việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin du lịch. Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động kinh doanh du lịch. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cơ quan khoa học trong và ngoài nước để tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm, tiếp cận với những thành tựu mới, tiên tiến về khoa học công nghệ du lịch quốc tế để áp dụng cho du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để đẩy mạnh xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch với các hình thức linh hoạt; tranh thủ hợp tác trong hoạt động xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và của nhân dân về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phát triển du lịch bền vững gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, thực hiện các giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, kịp thời có biện pháp khắc phục, tôn tạo nâng cao giá trị tài nguyên, môi trường du lịch. Nâng cao nhận thức về việc bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch cho khách du lịch và cộng đồng dân cư thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tăng cường vai trò và hiệu lực quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh du lịch. Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa ngành du lịch và các ngành chức năng trên lĩnh vực quản lý du lịch - dịch vụ nhằm tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy du lịch phát triển.

Điều 2. Giao Sở Văn hóa thể thao và Du lịch cùng các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, cụ thể hóa vào kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm của tỉnh, ngành và từng địa phương; xây dựng thành các chương trình hành động, huy động vốn đầu tư trong và ngoài nước của các thành phần kinh tế để thực hiện quy hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, các huyện và các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ quyết định thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ VHTT&DL;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Như điều 3;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX2. KH, TKCT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1369/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020

  • Số hiệu: 1369/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/06/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Huỳnh Đức Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản