Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2013/NQ-HĐND | Quảng Ngãi, ngày 10 tháng 12 năm 2013 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHÓA XI - KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 4709/TTr-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc đề nghị thông qua Quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với những nội dung chủ yếu sau:
a) Phát triển du lịch Quảng Ngãi theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường.
b) Phát triển du lịch Quảng Ngãi trong mối liên hệ vùng, cả nước và quốc tế để khai thác cả nguồn khách du lịch quốc tế và nội địa, trong đó, chú trọng phát triển khách du lịch nội địa và tăng cường thu hút khách quốc tế.
c) Phát triển đồng thời du lịch biển, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái với việc lấy du lịch biển làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm nền tảng để phát huy tính đặc thù tài nguyên du lịch của tỉnh.
d) Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển du lịch.
a) Mục tiêu tổng quát
- Cụ thể hóa quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch thành những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp khả thi, phát triển có định hướng theo lộ trình nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và chỉ đạo các hoạt động du lịch trên địa bàn.
- Phấn đấu đến năm 2020, du lịch Quảng Ngãi cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, tạo tiền đề đến năm 2025 là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung với hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang bản sắc văn hóa Quảng Ngãi, thân thiện với môi trường, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm đến đạt mức trung bình khá của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và của cả nước.
b) Mục tiêu cụ thể
- Khách du lịch:
+ Đến năm 2015 đạt 600.000 lượt khách, trong đó 50.000 lượt khách quốc tế; đến năm 2020 đạt 950.000 lượt khách, trong đó 70.000 lượt khách quốc tế; đến năm 2025 đạt 1.350.000 lượt khách, trong đó 90.000 lượt khách quốc tế.
+ Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế giai đoạn 2014 - 2020 đạt từ 10% - 15%/năm; giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 8% - 10%/năm. Tốc độ tăng trưởng khách nội địa giai đoạn 2014 - 2020 đạt từ 7% - 9%/năm; giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 6% - 7%/năm.
+ Ngày lưu trú trung bình của khách quốc tế giai đoạn 2014 - 2020 đạt từ 2,8 ngày - 3 ngày; giai đoạn 2021 - 2025 đạt 3 ngày - 3,5 ngày. Mức chi tiêu bình quân của khách quốc tế giai đoạn 2014 - 2020 đạt từ 78 USD - 90 USD/người/ngày đêm; giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 100 USD/người/ngày đêm.
+ Ngày lưu trú trung bình của khách nội địa giai đoạn 2014 - 2020 đạt từ 2,3 ngày - 2,9 ngày; giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 3,0 ngày - 3,4 ngày. Mức chi tiêu bình quân giai đoạn 2014 - 2020 đạt từ 750.000 - 850.000 VNĐ/người/ngày đêm; giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 900.000 - 1.000.000 VNĐ/người/ngày đêm.
- Tổng thu từ khách du lịch: Đến năm 2015 đạt 550 tỷ đồng; đến năm 2020 đạt 880 tỷ đồng; đến năm 2025 đạt 1.152 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng tổng thu du lịch giai đoạn 2014 - 2015 đạt 17,3 %/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13 %/năm; giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11 %/năm.
- Số lượng cơ sở lưu trú: Đến năm 2015 có 2.000 buồng; đến năm 2020 có 4.000 buồng và đến năm 2025 có 5.800 buồng; trong đó, tỷ lệ buồng đạt chất lượng 3 sao trở lên chiếm 15% - 25% theo từng giai đoạn.
- Về việc làm: Đến năm 2015 tạo việc làm cho 9.300 người, trong đó, lao động trực tiếp 3.000 người; đến năm 2020 tạo việc làm cho 13.000 người, trong đó, lao động trực tiếp 4.200 người; đến năm 2025 tạo việc làm cho 16.000 người, trong đó, lao động trực tiếp là 5.200 người.
- Về văn hóa, xã hội: Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và cảnh quan, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo, phát triển thể chất, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, cải thiện điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa…
- Về môi trường: Phát triển du lịch “xanh”, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm; gắn hoạt động du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị các tài nguyên, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và bảo vệ môi trường.
- Về quốc phòng, an ninh: Gắn phát triển du lịch với đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, đặc biệt là vùng biển, đảo.
a) Định hướng phát triển thị trường khách du lịch
- Thị trường khách quốc tế
+ Ưu tiên phát triển thị trường gần: Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan), ASEAN; trong đó, đặc biệt chú trọng khai thác thị trường ASEAN theo hành lang Đông - Tây.
+ Phát triển thị trường truyền thống: Mỹ, Canada, Đức, Anh, Pháp, Úc, Nga, Ukraine.
+ Mở rộng thị trường mới: Hướng tới các nước thuộc khu vực Trung, Bắc Âu, vùng Trung Đông; các nước New Zealand, Ấn Độ…
- Thị trường khách nội địa: Khai thác nguồn khách từ các địa phương trên cả nước theo các tuyến du lịch xuyên Việt, các vùng phụ cận và trong vùng, các địa phương vùng Tây Nguyên theo hướng Đông - Tây; trong đó, đặc biệt chú trọng khách thương mại, công vụ, khách lễ hội tâm linh…
b) Định hướng phát triển sản phẩm du lịch
- Sản phẩm du lịch gắn với biển, đảo: Phát triển du lịch nghỉ mát, tắm biển, vui chơi giải trí, thể thao khám phá ở Mỹ Khê, Lý Sơn, Sa Huỳnh, Vạn Tường, Khe Hai gắn với khu vực tàu cổ ở vùng biển Bình Châu, huyện Bình Sơn; trong đó, phát triển khu du lịch sinh thái biển đảo Lý Sơn là sản phẩm đặc trưng làm tiền đề định vị thương hiệu du lịch cho tỉnh Quảng Ngãi.
- Sản phẩm du lịch gắn với văn hóa: Tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, lịch sử cách mạng, bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, các công trình kinh tế - xã hội, làng nghề. Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh như: Di tích quốc gia Trường Lũy, khởi nghĩa Ba Tơ và Trà Bồng, khu chứng tích Sơn Mỹ, khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, núi Thiên Ấn...
- Sản phẩm du lịch gắn với sinh thái: Tham quan cảnh quan, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe ở núi Cà Đam, thác Trắng, các sông Trà Khúc, Trà Bồng...
- Sản phẩm du lịch gắn với các sự kiện (du lịch MICE): Lễ hội (Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội Điện Trường Bà...), hội nghị, hội thảo, triển lãm...
c) Tổ chức không gian du lịch
- Phát triển các khu, điểm du lịch
+ Khu, điểm du lịch quốc gia:
Lý Sơn: Điểm du lịch biển, đảo quốc gia, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí; sau năm 2020 phát triển thành khu du lịch quốc gia.
Mỹ Khê: Khu du lịch quốc gia.
Di tích Trường Lũy: Điểm du lịch văn hóa lịch sử quốc gia, phát triển sau năm 2020.
+ Khu, điểm du lịch địa phương: Sa Huỳnh, Cà Đam, Vạn Tường, Đặng Thùy Trâm, Thiên Ấn, Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu chứng tích Sơn Mỹ, di tích khởi nghĩa Ba Tơ, Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, Nhà máy lọc dầu Dung Quất…
- Tuyến du lịch
+ Tuyến du lịch nội tỉnh:
Tuyến thành phố Quảng Ngãi - Mỹ Khê - Vạn Tường.
Tuyến thành phố Quảng Ngãi - Nghĩa Hành - Minh Long - Ba Tơ. Tuyến thành phố Quảng Ngãi - Mộ Đức - Đức Phổ - Ba Tơ.
Tuyến thành phố Quảng Ngãi - Mộ Đức - Đức Phổ. Tuyến thành phố Quảng Ngãi - Sơn Hà - Sơn Tây. Tuyến thành phố Quảng Ngãi - Trà Bồng - Tây Trà. Tuyến thành phố Quảng Ngãi - Mỹ Khê - Lý Sơn.
+ Tuyến du lịch liên tỉnh (liên vùng và quốc tế): Theo đường bộ, đường biển cùng với hệ thống tuyến du lịch quốc gia; trong đó, chú trọng phát triển tuyến du lịch đảo Lý Sơn - Cù Lao Chàm.
+ Các tuyến du lịch theo chuyên đề:
Tuyến đường sông: Sông Trà Khúc, sông Trà Bồng.
Tuyến du lịch khám phá: Tuyến theo địa hình phía Tây của tỉnh; Tuyến biển, đảo. Tuyến tham quan tìm hiểu theo dấu tích Trường Lũy.
- Nhu cầu sử dụng đất phát triển du lịch: Đất chuyên dùng để phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật trong các khu, điểm du lịch khoảng 3.807 ha, bao gồm các khu, điểm du lịch quốc gia và các khu, điểm du lịch địa phương.
d) Đầu tư phát triển du lịch
- Tổng nhu cầu đầu tư và cơ cấu nguồn vốn:
+ Nhu cầu đầu tư phát triển du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025 khoảng 5.255 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2014 - 2020 cần 2.635 tỷ đồng.
+ Cơ cấu nguồn vốn như sau:
Vốn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn ODA) chiếm gần 8% - 10%, tương đương 545 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2014 - 2020 cần khoảng 280 tỷ đồng. Vốn ngân sách dùng để hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch, xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu, phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ…
Khu vực tư nhân (kể cả FDI) chiếm hơn 90% - 92%, tương đương khoảng 4.710 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2014 - 2020 cần khoảng 2.355 tỷ đồng. Nguồn vốn này tập trung đầu tư cho phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu.
- Phân kỳ đầu tư:
+ Giai đoạn 2014 - 2015: Nhu cầu vốn khoảng 597 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 80 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2016 - 2020: Nhu cầu vốn khoảng 2.038 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2021 - 2025: Nhu cầu vốn khoảng 2.620 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 265 tỷ đồng.
- Các dự án ưu tiên đầu tư: Gồm 18 dự án, trong đó, có 01 dự án về phát triển nguồn nhân lực, 01 dự án về xúc tiến quảng bá, 01 dự án về phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch, còn lại 15 dự án phát triển các khu, điểm, sản phẩm du lịch được phân bổ theo các kỳ đầu tư (Có phụ lục kèm theo).
4. Các nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách
Nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách khuyến khích về đầu tư hạ tầng các khu, điểm du lịch trọng điểm, về vốn vay, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng và hỗ trợ thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có sức cạnh tranh, cơ chế ưu tiên các dự án phát triển sản phẩm du lịch “xanh” thân thiện với môi trường. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển các loại hình vui chơi giải trí hiện đại, mạo hiểm, đặc thù. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
b) Nhóm giải pháp về huy động vốn đầu tư
Ưu tiên bố trí kinh phí trong khả năng cân đối ngân sách của tỉnh cho các dự án xác định điểm nhấn, trọng điểm của ngành du lịch theo từng giai đoạn. Tập trung huy động nguồn vốn thực hiện mục tiêu phát triển du lịch với nhiều hình thức huy động khác nhau trên quan điểm huy động từ nguồn nội lực là chủ yếu, sử dụng nguồn vốn ngân sách hợp lý để kích thích các nguồn vốn khác, thực hiện xã hội hóa, lồng ghép nguồn vốn từ dự án của các ngành liên quan.
c) Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực du lịch
Phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu, ngành nghề và trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch theo bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (tiêu chuẩn VTOS), đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng lực lượng lao động làm việc trong ngành du lịch có tính chuyên nghiệp. Thu hút, khuyến khích nhân lực du lịch chất lượng cao về làm việc tại địa phương.
d) Nhóm giải pháp về phát triển các sản phẩm du lịch
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm. Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch bao gồm du lịch biển đảo với mũi nhọn là Lý Sơn, các di tích lịch sử, văn hóa, chứng tích, kiến trúc văn hóa của dân tộc ít người… Bảo tồn và phát triển các sản phẩm văn hóa phi vật thể, như là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội Điện Trường Bà (Trà Bồng), Lễ cầu ngư, các điệu hát dân ca Quảng Ngãi, hát sắc bùa, bả trạo, bài chòi… nhằm góp phần thu hút khách du lịch. Nâng cao chất lượng, thương hiệu các sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: Quế Trà Bồng, hành, tỏi Lý Sơn, Don, cá Bống sông Trà, đường Phèn, đường Phổi, kẹo gương.
đ) Nhóm giải pháp về ứng dụng khoa học, công nghệ
Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và thống kê du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại trong hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nghiên cứu thị trường và xúc tiến, quảng bá du lịch.
e) Nhóm giải pháp về quản lý nhà nước
Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, tăng cường công tác chỉ đạo triển khai quy hoạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch. Kiện toàn và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo về du lịch tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND cấp huyện. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phát triển du lịch và tạo điều kiện để người dân tại địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch và hưởng lợi từ du lịch.
g) Nhóm giải pháp về xúc tiến quảng bá
Đẩy mạnh tuyên truyền xúc tiến, quảng bá du lịch có trọng tâm, trọng điểm; phát triển thị trường, phân đoạn thị trường theo sản phẩm trong và ngoài nước; tổ chức các chương trình, sự kiện, hội chợ, hội thảo, hợp tác quốc tế về xúc tiến du lịch; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan xúc tiến du lịch của Tổng Cục Du lịch, kênh thông tin đối ngoại, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Ngãi. Xúc tiến du lịch gắn kết chặt chẽ với xúc tiến đầu tư.
h) Nhóm giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển du lịch
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ để phát triển du lịch biển đảo. Triển khai có hiệu quả Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch 03 tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định - Kon Tum để khai thác dòng khách du lịch từ vùng Tây Nguyên và ASEAN. Mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh miền Trung – Tây nguyên và cả nước, đặc biệt với thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng như các trung tâm du lịch lớn và các địa phương của Việt Nam trên hành lang xuyên Việt.
i) Nhóm giải pháp về bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường:
Xây dựng, ban hành quy chế bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường tại các khu, điểm du lịch; hệ thống tiêu chuẩn về bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường để áp dụng cho các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh du lịch. Phối hợp các ngành, địa phương để tránh sự xung đột lẫn nhau giữa phát triển công nghiệp (như khai thác, sản xuất) với phát triển du lịch; có các giải pháp đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng, bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường khi lập quy hoạch cụ thể khai thác các khu, điểm du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường cho cộng đồng dân cư, khách du lịch. Tăng cường kiểm tra giám sát công tác bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường.
k) Nhóm giải pháp về bảo đảm quốc phòng, an ninh
Tăng cường nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong việc gắn hoạt động phát triển du lịch với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Phát triển du lịch bền vững gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2013, tại kỳ họp thứ 10./.
| CHỦ TỊCH |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2014-2025
(Kèm theo Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2013 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi)
TT | Tên dự án | Quy mô | Tổng mức đầu tư | Nguồn vốn ngân sách nhà nước | Nguồn vốn ngoài ngân sách |
I | Giai đoạn 2014-2015 |
| 597 | 80 | 517 |
1 | Khu du lịch biển Mỹ Khê | 352,0 | 200 | 25 | 175 |
2 | Khu du lịch Sa Huỳnh | 158,0 | 150 | 30 | 120 |
3 | Khu du lịch Đặng Thùy Trâm | 104,8 | 120 | 10 | 100 |
4 | Khu du lịch văn hóa Thiên Ấn | 67,4 | 50 | 10 | 40 |
5 | Phát triển nguồn nhân lực du lịch | - | 25 | 3 | 22 |
6 | Xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ngãi | - | 25 | 1 | 24 |
7 | Hỗ trợ phát triển tài nguyên, cải tạo môi trường du lịch | - | 27 | 1 | 26 |
II | Giai đoạn 2016-2020 |
| 2.038 | 200 | 1.838 |
1 | Tiếp tục đầu tư phát triển Khu du lịch Mỹ Khê |
| 400 | 40 | 360 |
2 | Khu du lịch nghĩ dưỡng sinh thái Cà Đam | 266,0 | 250 | 25 | 225 |
3 | Tiếp tục Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Đặng Thùy Trâm | 104,8 | 200 | 20 | 180 |
4 | Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch văn hóa Thiên Ấn | 67,4 | 150 | 15 | 135 |
5 | Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Sa Huỳnh | 158,0 | 230 | 20 | 210 |
6 | Điểm du lịch đảo Lý Sơn | 200,0 | 500 | 50 | 450 |
7 | Khu du lịch sinh thái Vạn Tường | 150,0 | 200 | 10 | 190 |
8 | Khu du lịch Thiên Đàng | 50,0 | 50 | 5 | 45 |
9 | Tiếp tục đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch | - | 15 | 5 | 10 |
10 | Tiếp tục đầu tư xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ngãi | - | 15 | 5 | 10 |
11 | Tiếp tục đầu tư hỗ trợ phát triển tài | - | 28 | 5 | 23 |
| nguyên, cải tạo môi trường du lịch |
|
|
|
|
III | Giai đoạn 2021-2025 |
| 2.620 | 265 | 2.355 |
1 | Tiếp tục đầu tư phát triển điểm du lịch đảo Lý Sơn thành Khu du lịch Quốc gia |
| 700 | 70 | 630 |
2 | Tiếp tục đầu tư phát triển Khu du lịch Mỹ Khê |
| 200 | 20 | 180 |
3 | Tiếp tục đầu tư phát triển Khu du lịch Đặng Thùy Trâm |
| 300 | 30 | 270 |
4 | Tiếp tục đầu tư phát triển Khu du lịch Sa Huỳnh |
| 100 | 10 | 90 |
5 | Tiếp tục đầu tư phát triển Khu du lịch Cà Đam |
| 200 | 20 | 180 |
6 | Tiếp tục đầu tư phát triển Khu du lịch sinh thái Vạn Tường |
| 180 | 15 | 165 |
7 | Quần thể di tích chiến thắng Vạn Tường | 50,0 | 120 | 10 | 110 |
8 | Quần thể di tích chiến thắng Trà Bồng | 35,0 | 110 | 10 | 100 |
9 | Khu du lịch Thạch Nham | 25,0 | 60 | 5 | 55 |
10 | Tôn tạo quần thể di tích Trường Lũy- Quảng Ngãi | 120 (km) | 200 | 20 | 180 |
11 | Khu du lịch sinh thái Hà Nang | 30,0 | 100 | 10 | 90 |
12 | Khu du lịch suối Chí | 30,0 | 100 | 10 | 90 |
13 | Khu du lịch sinh thái Thác Trắng | 30,0 | 150 | 15 | 135 |
14 | Tiếp tục đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch | - | 10 | 5 | 5 |
15 | Tiếp tục đầu tư xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ngãi | - | 10 | 5 | 5 |
16 | Tiếp tục đầu tư hỗ trợ phát triển tài nguyên, cải tạo môi trường du lịch | - | 80 | 10 | 70 |
| Tổng nhu cầu đầu tư cả giai đoạn 2014-2025 |
| 5.255 | 545 | 4.710 |
- 1Nghị quyết 59/2012/NQ-HĐND về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 2Nghị quyết 10/2013/NQ-HĐND về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013-2030
- 3Nghị quyết 29/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng 2030
- 4Quyết định 1369/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
- 5Quyết định 59/2013/QĐ-UBND về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 1Luật du lịch 2005
- 2Nghị định 92/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Du lịch
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Nghị quyết 59/2012/NQ-HĐND về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 5Nghị quyết 10/2013/NQ-HĐND về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013-2030
- 6Nghị quyết 29/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng 2030
- 7Quyết định 1369/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
- 8Quyết định 59/2013/QĐ-UBND về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
Nghị quyết 24/2013/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
- Số hiệu: 24/2013/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 10/12/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
- Người ký: Phạm Minh Toản
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/12/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra