Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1356/QĐ-UBND

Đắk Nông, ngày 09 tháng 9 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

Căn cứ Nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất độc hại;

Căn cứ Thông tư số 32/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

Căn cứ Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 08/8/2019 của Bộ Công Thương về việc xây dựng và tăng cường thực hiện Kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh;

Căn cứ Công văn số 1924/BCT-HC ngày 19/3/2020 của Bộ Công Thương về việc đôn đốc xây dựng và thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh và quản lý an toàn thực phẩm;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 32/TTr - SCT ngày 06 tháng 8 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1740/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông về việc ban hành kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Y tế; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (b/c);
- Bộ Công Thương (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CTTĐT, KTTH, KTN(H).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hải

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1356/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về công tác an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất, đặc biệt là các loại hóa chất nguy hiểm trên địa bàn tỉnh.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, chính quyền các địa phương, người đứng đầu các cơ quan, các đơn vị hoạt động hóa chất trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại địa phương.

Đề phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả sự cố hóa chất độc hại, góp phần cho sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất an toàn, hiệu quả, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường.

2. Yêu cầu

Đảm bảo các hoạt động có liên quan đến hóa chất, đặc biệt là các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ các quy định pháp luật về hóa chất.

Tổ chức, huy động kịp thời mọi nguồn lực, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, thống nhất giữa các lực lượng trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống sự cố hóa chất, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại khi xảy ra sự cố hóa chất.

II. TỔNG QUAN VỀ HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất

Hóa chất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, gồm hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp, hóa chất nông nghiệp, hóa chất ngành y tế và hóa chất trong phòng thí nghiệm... Tuy nhiên, hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp có nguy cơ cao gây ra sự cố hóa chất lớn, như sản xuất, kinh doanh, san chiết hóa chất: khí CO2 thiên nhiên, khí CO2 hóa lỏng, LPG, cồn công nghiệp, khí oxi, xăng dầu; sử dụng hóa chất vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản; các loại hóa chất: NaOH, KOH, HCl, H2SO4, NH2H2O, dầu DO,..., trong công nghiệp chế biến cao su, sản xuất gỗ, ván MDF; hóa chất Clo, vôi sống CaO, phèn nhôm, Al2(SO4)3 trong xử lý nước.

2. Các nguy cơ gây ra sự cố hóa chất

Các nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất tập trung những cơ sở kinh doanh, san chiết hóa chất, đơn vị khai thác khoáng sản có kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, những cơ sở hoạt động có sử dụng hóa chất với lượng lớn trong lĩnh vực gas, xăng dầu, chế biến mủ cao su, chế biến gỗ, ván MDF, khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim gồm có các nguy cơ sự cố như sau: Rò rỉ, tràn đổ hóa chất, cháy nổ, mất vật liệu nổ công nghiệp.

3. Tình hình sự cố hóa chất trong thời gian qua

Hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh cơ bản an toàn, không xảy ra sự cố hóa chất nghiêm trọng. Năm 2017, có một trường hợp vỡ cổ bơm đường ống dẫn dung dịch kiềm (NaOH) tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Công ty nhôm Đắk Nông -TKV đã thực hiện các biện pháp xử lý kỹ thuật và khắc phục kịp thời, không gây sự cố môi trường.

4. Đánh giá năng lực về con người, trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố hóa chất

Năng lực phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất trên cơ sở năng lực phòng ngừa, ứng phó tại chỗ của đơn vị trực tiếp hoạt động hóa chất và năng lực phòng ngừa, ứng phó của chính quyền cấp xã, cấp huyện, thành phố và cấp tỉnh. Tuy nhiên, sự cố hóa chất lớn, nghiêm trọng lực lượng chủ lực, nòng cốt là các đơn vị Phòng cháy chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy - lực lượng - phương tiện - hậu cần tại chỗ) và các cơ quan: Công an, y tế, quân đội, môi trường... Về cơ bản, nguồn lực ứng phó sự cố được trang bị về chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật, các trang thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác ứng phó sự cố: Xe cứu hỏa, xe phun nước, phương tiện cấp cứu, mặt nạ chống độc,..., đáp ứng yêu cầu sẵn sàng ứng phó khi có sự cố hóa chất.

Trên cơ sở quy định hiện hành về hoạt động hóa chất, các đơn vị hoạt động hóa chất đang từng bước triển khai thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động hóa chất tại đơn vị. Đối với các đơn vị hoạt động hóa chất có quy mô lớn và vừa thì công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tập trung vào các nội dung công việc như: bố trí cán bộ có phụ trách an toàn hóa chất; đầu tư trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố hóa chất theo quy định; phương tiện bảo hộ cá nhân, an toàn cho người lao động làm việc trực tiếp với hóa chất được đảm bảo.

III. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nội dung

Khảo sát, thu thập thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Điều tra, xác định các cơ sở, các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất, xác định vùng ảnh hưởng xung quanh các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất tác động ảnh hưởng lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Dự báo các tình huống, diễn biến các nguy cơ xảy ra sự cố để lựa chọn phương án ứng cứu tương ứng và phù hợp.

Xây dựng kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất và kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất.

2. Nhiệm vụ

Tổ chức thực hiện công công tác quản lý hoạt động an toàn hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất, Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 và Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại; Thông tư số 32/2017/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công Thương quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính Phủ.

Phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả sự cố hóa chất độc hại tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất an toàn, hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường; đồng thời nêu cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

3. Các giải pháp ứng phó

3.1. Kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị hoạt động hóa chất có vai trò quan trọng trực tiếp trong phòng ngừa sự cố hóa chất, do vậy quá trình hoạt động hóa chất phải chấp hành các quy định pháp luật về an toàn hóa chất. Các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ đơn vị trong việc phòng ngừa sự cố hóa chất như: hướng dẫn thực hiện an toàn hóa chất; kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định về an toàn hóa chất và các hỗ trợ khác khi có đề xuất của cơ sở. Trên cơ sở đó, Kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất được tập trung vào các nội dung như sau:

a) Giải pháp về quản lý

- Giải pháp về quy hoạch:

Quy hoạch, đầu tư dự án hóa chất theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở ưu tiên những dự án hóa chất phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, dự án hóa chất áp dụng các công nghệ mới, ít chất thải, hạn chế thấp nhất những tác động gây ô nhiễm môi trường;

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp hoá chất; khuyến khích tiếp cận và sử dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và an toàn cho người sản xuất, người sử dụng và môi trường;

- Giải pháp quản lý nhà nước:

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các quy định pháp luật về hoạt động hóa chất; chú trọng quản lý, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp; việc thực hiện Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; kiểm tra năng lực ứng phó sự cố hóa chất của các đơn vị hoạt động hóa chất theo quy định hiện hành.

Triển khai thực hiện các nội dung pháp luật quy định đối với hoạt động hóa chất: lưu trữ hóa chất, kho chứa hóa chất, khoảng cách an toàn với các khu vực sản xuất, khu dân cư; công tác huấn luyện an toàn hóa chất; kiểm soát môi trường trong hoạt động hóa chất.

- Giải pháp phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng:

Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm quản lý hóa chất trong lĩnh vực được giao; tăng cường công tác phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, nâng cao nhận thức về an toàn hoạt động hóa chất cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý; chú trọng công tác phòng ngừa sự cố hóa chất, phối hợp chặt chẽ với đơn vị hoạt động hóa chất và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để ứng phó nếu sự cố hóa chất xảy ra.

b) Giải pháp nâng cao năng lực của người lao động, cơ sở hoạt động hóa chất trong phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

Các cơ sở hoạt động hóa chất tập huấn cho người lao động: Quy trình sản xuất, tính chất, độc tính của các hóa chất tham gia trong quá trình sản xuất; các nguy cơ có thể dẫn đến sự cố hóa chất; các biện pháp, quy trình sơ cứu ban đầu; trách nhiệm, vai trò, nhiệm vụ của các bên trong toàn cộng đồng.

Tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất hoặc cử người làm việc liên quan đến hóa chất tham gia các khóa huấn luyện của các tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất. Đảm bảo tất cả những người làm việc với hóa chất nguy hiểm phải nhận thức được mối nguy hiểm và thông thạo quy trình làm việc có liên quan đến hóa chất.

Xây dựng quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố, quy trình bảo dưỡng cho dây chuyền, máy thiết bị; Quy định an toàn cho xưởng sản xuất, dây chuyền, máy, thiết bị, vật tư, hóa chất sử dụng; quy định các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, xây dựng biện pháp kỹ thuật về an toàn, phòng chống cháy nổ và đầu tư trang thiết bị bảo đảm công tác an toàn, đồ dùng bảo hộ lao động. Xây dựng Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của pháp luật.

Định kỳ bảo dưỡng, sửa chữa các máy, thiết bị; thực hiện kiểm định định kỳ theo quy định và đăng ký sử dụng với cơ quan có chức năng đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và máy, thiết bị có khả năng gây mất an toàn hóa chất theo quy định.

c) Kế hoạch kiểm tra, giám sát nguồn nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất.

Cơ quan quản lý nhà nước về hóa chất thực hiện việc kiểm tra theo quy định về các nguồn nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất đối với các đơn vị có nguy cơ cao xảy ra sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị hoạt động hóa chất thường xuyên tự kiểm tra, giám sát người lao động tuân thủ thực hiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất tại đơn vị. Thường xuyên tự kiểm tra, phát hiện và kịp thời khắc phục những hư hỏng, khiếm khuyết đảm bảo công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được thực hiện thường xuyên, liên tục.

d) Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra tuân thủ quy định về an toàn hóa chất, kiểm tra tính sẵn sàng lực lượng để ứng phó sự cố hóa chất.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện kế hoạch kiểm tra hoạt động vận chuyển hóa chất.

Các Sở, ngành kiểm tra theo quy định việc chấp hành pháp luật về an toàn hóa chất: Khai báo hóa chất, xây dựng Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; tập huấn an toàn hóa chất, kiểm tra tính sẵn sàng lực lượng để ứng phó sự cố hóa chất của các đơn vị hoạt động liên quan đến hóa chất.

3.2. Kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.

a) Các kịch bản sự cố hóa chất lớn có thể xảy ra.

- Kịch bản xảy ra sự cố cháy nổ hóa chất, tràn đổ hóa chất trong quá trình vận chuyển xăng dầu, LPG, CO2, oxi, vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất sử dụng trong sản xuất công nghiệp.

Nguyên nhân: sự cố cháy nổ hóa chất do tác động cơ học, phương tiện vận chuyển không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nhiệt độ môi trường lớn và các nguyên nhân bất khả kháng. Sự cố tràn đổ hóa chất do va chạm giao thông gây nghiêng đổ, bao bì chứa bị thủng, hỏng hoặc các nguyên nhân khác.

Vị trí xảy ra sự cố: Các tuyến đường vận chuyển hóa chất chủ yếu là quốc lộ 14, 14C, 28, các tuyến đường tỉnh lộ.

- Kịch bản xảy ra sự cố cháy nổ bồn chứa, cột bơm; rò rỉ hóa chất lớn đối với cửa hàng xăng dầu, cơ sở chiết nạp CO2, oxi, trạm nạp LPG vào chai.

Nguyên nhân:

Bồn chứa không được bảo dưỡng định kỳ, kiểm định theo quy định; nhập vượt quá dung tích bồn trong khi các thiết bị kiểm soát, van an toàn không hoạt động hoặc hoạt động không theo yêu cầu kỹ thuật; nhiệt độ môi trường tăng cao; sự cố hệ thống đường ống; bình khí nén cũ không được kiểm tra, kiểm định bảo dưỡng đúng quy định.

Vô tình hay cố ý sử dụng nguồn lửa nơi có vật liệu dễ bắt cháy; sử dụng nguồn phát sinh tĩnh điện hay tia lửa điện; các thiết bị nối mát, nối đất không đảm bảo yêu cầu.

Phát sinh lửa do va chạm xe bồn, xe tải trong kho, khi nạp hoặc xuất từ bồn chứa và xe bồn; hệ thống ống mềm bị lỗi gây tuột hoặc đứt, làm rò rỉ khí hóa lỏng.

Vị trí xảy ra sự cố: Cột bơm xăng, dầu của các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Trạm nạp LPG, xưởng san chiết oxi, CO2.

- Kịch bản xảy ra sự cố cháy nổ kho vật liệu nổ công nghiệp đối với kho chứa vật liệu nổ công nghiệp.

Nguyên nhân: Do ngọn lửa xung quanh kho cháy lan vào kho chứa vật liệu nổ công nghiệp. Các phần tử xấu đột nhập vào kho gây cháy nổ. Các trường hợp bất khả kháng gây ra như sét đánh,...

Vị trí xảy ra sự cố: Kho chứa vật liệu nổ công nghiệp của các đơn vị khai thác khoáng sản.

- Kịch bản xảy ra sự cố cháy nổ; sự cố rò rỉ, tràn đổ đối với các nhà máy sử dụng hóa chất.

Nguyên nhân:

Sự cố cháy nổ trong quá trình sử dụng hóa chất do bị chập điện không phát hiện kịp thời, không tuân thủ quy trình an toàn hóa chất, quy trình vận hành thiết bị và các nguyên nhân khác dẫn đến cháy nổ hóa chất.

Sự cố rò rỉ, tràn đổ hóa chất trong quá trình sử dụng do trong quá trình sử dụng, bảo quản hóa chất không đảm bảo quy định về an toàn; quá trình bảo quản không cẩn thận làm hư hỏng thiết bị, bao bì chứa, các mối nối, các roang đệm bị hở dẫn đến rò rỉ hóa chất.

Vị trí xảy ra sự cố: Bồn chứa hóa chất. Kho chứa hóa chất. Xưởng sản xuất. Các đường ống, lưu trình sản xuất với hóa chất có nhiệt độ cao, lưu lượng lớn và nồng độ hóa chất cao.

b) Kế hoạch ứng phó với các kịch bản sự cố hóa chất lớn.

- Các bước thực hiện ứng phó sự cố hóa chất:

Thông báo ngay vị trí, phạm vi sự cố tới thủ trưởng đơn vị hoặc người chịu trách nhiệm chính trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Khoanh vùng, cô lập sự cố và đảm bảo an toàn khu vực tránh sự cố dây chuyền.

Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện cứu nạn cứu hộ, sơ tán người và tài sản.

Thực hiện, phối hợp với các đơn vị chức năng trong ứng phó sự cố và khắc phục môi trường sau sự cố.

- Quy trình ứng phó với kịch bản xảy ra sự cố hóa chất lớn vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở:

Bước 1. Người phát hiện sự cố thông báo ngay cho lãnh đạo cơ sở, người điều khiển phương tiện vận chuyển hóa chất (đối với trường hợp vận chuyển hóa chất), cung cấp chi tiết nhất các thông tin quan sát được như: vị trí xảy ra sự cố, hiện trạng, nguyên nhân, quy mô, mức độ...

Bước 2. Tại khu vực xảy ra sự cố

- Trường hợp xảy ra sự cố khi vận chuyển hóa chất: người điều khiển phương tiện vận chuyển hóa chất lập tức triển khai các biện pháp để xử lý sơ bộ, khống chế lây lan sự cố, hạn chế tối đa thiệt hại. Thông báo về đơn vị tình hình xảy ra sự cố hóa chất, lãnh đạo đơn vị trực tiếp liên hệ và thông báo có sự cố hóa chất với lực lượng phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, Sở Công Thương, các cấp chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố hóa chất để kịp thời ứng phó sự cố hóa chất.

- Trường hợp xảy ra sự cố hóa chất đối với trạm nạp LPG, xưởng san chiết oxi, xưởng san chiết CO2, kho vật liệu nổ công nghiệp, xưởng sản xuất, kho hóa chất của đơn vị sử dụng hóa chất: cần tìm cách cách ly nguồn gây ra sự cố (ngắt điện, khóa van, khí...) lực lượng ứng phó sự cố hóa chất tại cơ sở cần thực hiện nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất được phê duyệt. Lãnh đạo đơn vị trực tiếp liên hệ và thông báo có sự cố hóa chất với lực lượng phòng cháy, chữa cháy cấp tỉnh, Sở Công Thương, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, lực lượng y tế, chính quyền địa phương hoặc Ban Quản lý khu, cụm công nghiệp nơi xảy ra sự cố hóa chất để ứng phó sự cố hóa chất.

Số điện thoại liên lạc:

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy: 113

Lực lượng cấp cứu y tế: 115

Thường trực Ban tác chiến Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh: 02613.544.326

Sở Công Thương: 02612.216.947

- Bước 3. Xử lý thông tin và đưa ra phương án: Khi nhận được thông tin các Sở, Ban, ngành và chính quyền địa phương có liên quan xác định quy mô lan truyền, phương án phòng cháy, chữa cháy, xác định nguồn nhân lực, phương tiện và thiết bị, cấp cứu y tế để huy động mọi nguồn lực có thể nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người và tài sản do sự cố hóa chất gây ra.

Bước 4. Sau khi lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, lực lượng y tế, lực lượng quân đội có mặt, tiến hành khoanh vùng cách ly. Thực hiện công tác cứu hộ, sơ tán người và tài sản tại khu vực xung quanh ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong trường hợp cần thiết, Sở Công Thương đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo huy động lực lượng, trưng dụng phương tiện, tài sản của tổ chức, cá nhân để phục vụ công tác sự cố tại hiện trường. Các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của ngành và nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đảm bảo an toàn cho lực lượng ứng phó khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời thực hiện nhiệm vụ khác khi Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu.

- Bước 5. Sau khi quá trình ứng phó sự cố tại hiện trường đã được xử lý an toàn, chủ cơ sở có trách nhiệm báo cáo về Sở Công Thương và các Sở, Ban ngành có liên quan nguyên nhân gây ra sự cố, tình hình thiệt hại, kế hoạch khắc phục sự cố tại cơ sở, phương án bồi thường thiệt hại và chi phí khắc phục sự cố. Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành công tác kiểm soát chất lượng môi trường, khắc phục sự cố môi trường, khi môi trường đã trở lại trạng thái an toàn xem xét việc kết thúc hoạt động ứng cứu, thông báo hoạt động trở lại bình thường.

c) Các giải pháp kỹ thuật khắc phục sự cố hóa chất.

Tùy thuộc vào sự cố và tác nhân gây sự cố mà có giải pháp khắc phục sự cố hóa chất phù hợp, đối với các sự cố hóa chất lớn trên địa bàn tỉnh cần giải quyết là cháy nổ và hóa chất rò rỉ hoặc đổ tràn hóa chất, khắc phục sự cố bao gồm:

- Khi hóa chất độc hại rò rỉ hoặc đổ tràn (các loại axit vô cơ, xút...):

Cách ly và cô lập khu vực xảy ra sự cố để hạn chế thương vong và thiệt hại.

Sử dụng bảo hộ lao động, các trang thiết bị chống ăn mòn hóa chất và không phát sinh tia lửa điện.

Khẩn trương thực hiện các biện pháp giảm phát tán ra môi trường, hạn chế sử dụng nước để tránh việc chảy tràn vào các nguồn nước. Hấp thụ hóa chất tràn đổ bằng chất liệu trơ (đất, cát, mùn cưa), áp dụng các phương pháp thu gom, vận chuyển và xử lý hóa chất theo quy định.

Trung hòa bằng acid (với chất tràn đổ là kiềm) và ngược lại.

- Khi xảy ra cháy nổ:

Cách ly và cô lập khu vực xảy ra sự cố để hạn chế thương vong và thiệt hại.

Sử dụng bảo hộ lao động, các trang thiết bị chống ăn mòn hóa chất và không phát sinh tia lửa điện.

Cách ly một trong ba yếu tố gây nên quá trình cháy (nhiệt, chất cháy và oxy), ngăn ngừa cháy lan và cháy trở lại. Các vật liệu dùng để ngăn ngừa cháy lan gồm: Cát, bột đá, nước, các bình chữa cháy,... tùy thuộc vào đặc tính của từng đám cháy do nguồn nhiên liệu tham gia khác nhau mà sử dụng các loại hóa chất hoặc phương tiện chữa cháy khác nhau cho phù hợp.

- Phục hồi môi trường:

Sau khi xảy ra sự cố hóa chất và công tác ứng cứu sự cố hóa chất được thực hiện, tuy nhiên hiện trường còn tồn tại một lượng lớn hóa chất. Do đó, cần phải có biện pháp thu gom và làm sạch môi trường bị ô nhiễm do sự cố hóa chất để lại bằng phương pháp hóa lý, sinh học hay cơ học để khôi phục trở lại tình trạng ban đầu của môi trường nơi xảy ra sự cố hóa chất.

d) Công tác đảm bảo kế hoạch nâng cao năng lực ứng phó sự cố hóa chất về con người và trang thiết bị của các lực lượng ứng cứu sự cố hóa chất.

- Về nâng cao năng lực con người:

Các Sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm có kế hoạch rà soát, bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị hoạt động hóa chất: cử cán bộ phụ trách hóa chất và những người làm việc trực tiếp với hóa chất tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện về an toàn hóa chất theo quy định; tổ chức phổ biến nhắc nhở cán bộ, nhân viên thực hiện các biện pháp an toàn khi tiếp xúc với hóa chất, các biện pháp sơ cấp cứu cần thiết khi xảy ra tai nạn lao động, các biện pháp xử lý ứng phó khi xảy ra sự cố; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất với sự hướng dẫn, chỉ đạo, tham gia của các cơ quan có liên quan.

- Về nâng cao năng lực trang thiết bị ứng cứu sự cố hóa chất đối với các lực lượng của tỉnh:

Các Sở, Ban, ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo nhiệm vụ được phân công, hàng năm rà soát mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị hoạt động hóa chất kiểm tra, rà soát, lắp đặt các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảo dưỡng định kỳ các hạng mục công trình phòng cháy chữa cháy đảm bảo tính sẵn sàng trong công tác ứng phó sự cố hóa chất.

- Về phối hợp hành động giữa các lực lượng bên trong và lực lượng bên ngoài:

Tùy thuộc vào quy mô, tính chất xảy ra sự cố hóa chất, cách thức tổ chức lực lượng để thực hiện các nhiệm vụ có thể khác nhau, lực lượng ứng phó sự cố hóa chất được tổ chức thành lập và triển khai thực hiện nhiệm vụ trong suốt quá trình xảy ra sự cố đến khi kết thúc.

Khi sự cố hóa chất lớn xảy ra, Sở Công Thương báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và thông tin đến các Sở, Ban, ngành và đơn vị có liên quan về vị trí xảy ra sự cố, hiện trạng, quy mô, mức độ,...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì họp khẩn cấp và trực tiếp chỉ đạo lực lượng Phòng cháy chữa cháy tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị có liên quan để kịp thời triển khai các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố hóa chất; trong trường hợp cần thiết, huy động lực lượng, thiết bị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ứng phó sự cố hóa chất, thông báo cho Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các đơn vị có liên quan để phối hợp xử lý.

Trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện theo quy định tại Kế hoạch này.

Lực lượng ứng cứu sự cố khẩn cấp gồm: tổ chức xảy ra sự cố; lực lượng phụ trách an toàn môi trường; phụ trách an ninh; phụ trách phòng cháy, chữa cháy; phụ trách liên lạc, phụ trách cấp cứu, cứu thương; phối hợp với địa phương và đại diện khu vực dân cư. Lực lượng ứng cứu sự cố khẩn cấp chịu trách nhiệm tham gia trực tiếp các hoạt động ứng phó, kiểm soát, khắc phục sự cố; có trách nhiệm đảm bảo thông tin liên lạc, an toàn giao thông trong khu vực sự cố và thực hiện các nhiệm vụ được giao.

e) Kế hoạch diễn tập ứng phó sự cố hóa chất.

Căn cứ vào tình hình hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch diễn tập phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong phòng ngừa sự cố hóa chất.

a) Sở Công Thương:

- Thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa sự cố hóa chất theo quy định Luật Hóa chất và các quy định khác liên quan.

- Thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hóa chất theo quy định. Định kỳ kiểm tra, thanh tra hoạt động hóa chất, việc thực hiện kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại cơ sở.

- Rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về hóa chất.

b) Công an tỉnh:

- Tổ chức huấn luyện, luyện tập phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Kiểm tra, rà soát và quản lý chặt chẽ các loại vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

- Phối hợp Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan kiểm tra công tác huấn luyện, diễn tập, ứng phó sự cố hóa chất của các doanh nghiệp hoạt động hóa chất, đặc biệt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng lượng lớn hóa chất, có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất.

- Tăng cường quản lý, kiểm tra việc trang bị phòng cháy, chữa cháy; kỹ năng nâng cao năng lực trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

- Xây dựng phương án đầu tư trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố và cứu hộ, cứu nạn.

c) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

- Tăng cường quản lý hóa chất trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh việc đầu tư các phương tiện, vật tư cần thiết phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

- Tổ chức huấn luyện cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

- Phối hợp chính quyền địa phương, đơn vị liên quan lập phương án chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp về sự cố hóa chất.

d) Sở Y tế:

- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong ngành y tế, ngành thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về hoạt động hóa chất.

- Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thuốc và lực lượng y, bác sĩ cứu chữa người bị nạn khi có sự cố hóa chất.

e) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, quản lý các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động hóa chất.

- Thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

f) Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ, tác hại của sự cố hóa chất và trách nhiệm, ý thức của người dân, doanh nghiệp về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

g) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các đơn vị hoạt động hóa chất trong lĩnh vực nông nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật đối với hóa chất bảo vệ thực vật, thú y.

h) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn hóa chất cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn quản lý.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động hóa chất.

i) Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp Thuận An:

- Phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn hóa chất cho các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.

- Thông tin Sở Công Thương khi có doanh nghiệp mới hoạt động hóa chất, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về hóa chất theo quy định.

k) Trách nhiệm của các đơn vị hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh:

- Chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về hóa chất, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động hóa chất.

- Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật phù hợp với quy mô hoạt động và đặc tính của hóa chất theo quy định.

- Chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm khi có đủ điều kiện và có Giấy chứng nhận, Giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định; có trách nhiệm đảm bảo duy trì đúng các điều kiện sản xuất, kinh doanh như đã được cấp Giấy chứng nhận, Giấy phép trong quá trình sản xuất, kinh doanh hóa chất.

- Thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao nhận thức cho người quản lý, người lao động; tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất cho người lao động, trang bị đầy đủ, đúng chủng loại các phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc, ứng phó với sự cố hóa chất tại đơn vị.

- Thực hiện đầy đủ và đúng các nội dung về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt.

- Tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra các điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định; chấp hành các quy định về kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền.

2. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong ứng phó sự cố hóa chất.

a) Sở Công Thương:

- Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh khi có sự cố hóa chất lớn xảy ra.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác ứng phó, xử lý sự cố, điều tra nguyên nhân, khắc phục hậu quả sự cố hóa chất và tổng hợp báo cáo khi có yêu cầu. Đánh giá rút kinh nghiệm trong việc quản lý hóa chất trên địa bàn.

- Khi sự cố hóa chất gây ra chưa xác định được nguyên nhân thì Sở Công Thương trong quyền hạn và trách nhiệm của mình, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố cho phù hợp.

b) Công an tỉnh: Chỉ huy, huy động lực lượng tham gia ứng phó sự cố hóa chất, cụ thể:

- Chỉ đạo lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuẩn bị lực lượng, thiết bị và lập phương án ứng phó khi có sự cố hóa chất xảy ra, phối hợp với chính quyền địa phương sơ tán toàn bộ người dân khỏi vùng nguy hiểm và tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố hóa chất.

- Lực lượng công an giao thông: đảm bảo an toàn giao thông khu vực xảy ra sự cố.

- Huy động các lực lượng của Công an tỉnh và phối hợp với các lực lượng khác của địa phương sơ tán toàn bộ người dân trong vùng nguy hiểm khi có sự cố hóa chất, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản. Điều tra, đánh giá sự cố, xác định thiệt hại, xử lý nếu có dấu hiệu tội phạm,...

- Chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan điều tra, xử lý và hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động hóa chất theo quy định.

c) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó và xử lý các tình huống khẩn cấp, khắc phục hậu quả sự cố, đảm bảo quân đội là lực lượng chủ lực trong ứng phó sự cố.

- Chỉ đạo Ban chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức huấn luyện cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, ứng cứu sự cố theo kế hoạch huấn luyện hàng năm.

d) Sở Y tế:

- Tổ chức cấp cứu, khám chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe cho người bị nạn do sự cố hóa chất.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan điều tra nguyên nhân gây ra sự cố hóa chất.

e) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố hóa chất, điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố, hướng dẫn tổ chức, cá nhân xảy ra sự cố hóa chất thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo quy định.

- Tổ chức quan trắc môi trường tại khu vực xảy ra sự cố để xác định mức độ ảnh hưởng của sự cố đến môi trường, đưa ra các dự báo và giải pháp nhằm hạn chế tác động đến con người và môi trường khi sự cố xảy ra.

f) Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Nông, các cơ quan báo chí kịp thời thông tin về sự cố hóa chất, tình hình ứng phó, khắc phục sự cố hóa chất, tuyên truyền các hoạt động ngăn ngừa, nâng cao cảnh giác về sự cố hóa chất đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

g) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các đơn vị có liên quan điều tra nguyên nhân gây ra sự cố hóa chất có liên quan lĩnh vực nông nghiệp.

h) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nơi xảy ra sự cố:

- Huy động mọi nguồn lực trên địa bàn tham gia công tác ứng phó sự cố hóa chất.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại khu vực xảy ra sự cố hóa chất khắc phục nơi ở, ổn định đời sống.

i) Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Trung tâm phát triển cụm công nghiệp nơi xảy ra sự cố: Huy động mọi nguồn lực sẵn có tại khu, cụm công nghiệp tham gia ứng phó sự cố hóa chất; thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp sơ tán và tham gia ứng phó sự cố hóa chất.

k) Trách nhiệm của các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh:

- Khi xảy ra sự cố hoá chất doanh nghiệp phải báo ngay cho người có trách nhiệm, người đứng đầu đơn vị để trực tiếp điều khiển các biện pháp ứng phó; thực hiện đánh giá sự cố, nắm rõ tình hình và thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lan rộng sự cố.

- Huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ của cơ quan, tổ chức, cơ sở do mình trực tiếp quản lý để chỉ huy chữa cháy ban đầu, khi chưa có lực lượng cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đến cứu chữa.

- Ngắt, cô lập ngay các nguồn điện, các nguồn đánh lửa, thực hiện tốt chế độ thông gió, tắt các thiết bị máy đang vận hành, áp dụng các biện pháp đã lập (đã được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt) trong bản kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố hoá chất tại đơn vị.

- Nếu sự cố lớn vượt quá khả năng kiểm soát của cơ sở thì phải báo ngay cho các cơ quan chức năng có liên quan như: lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường... để phối hợp ứng phó sự cố hóa chất.

- Phối hợp với cơ quan chức năng để tham gia bảo vệ hiện trường, điều tra, kết luận nguyên nhân sự cố hóa chất.

3. Kinh phí thực hiện.

Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cho các cơ quan, đơn vị dự toán, đơn vị sử dụng ngân sách các cấp.

4. Công tác báo cáo:

Định kỳ trước ngày 10 tháng 12 hàng năm, các Sở, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công Thương.

Trên đây là Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Yêu cầu các Sở, ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Kế hoạch này triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, trong đó tập trung xây dựng lực lượng con người và phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chuyên ngành sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn sự cố hóa chất xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh cần bổ sung, sửa đổi các đơn vị gửi ý kiến về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1356/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

  • Số hiệu: 1356/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/09/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Trần Xuân Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản