Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1356/QĐ-UBND

Long Xuyên, ngày 17 tháng 7 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CÔNG CHỨC TỈNH GIAI ĐOẠN 2006 – 2010.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 40/2005/QĐ-TTg ngày 15/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ Công văn số 2327/BNV-ĐT ngày 06/6/2006 của Bộ Nội vụ về việc xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức giai đoạn 2006 - 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành Kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức tỉnh giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 2. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả cao.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- CT, PCT. Lê minh Tùng;
- Các Sở, Ban ngành tỉnh;
- Sở Nội vụ (02b)
- UBND huyện, thị, thành;
- Phòng VHXH, TH;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Tùng

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CÔNG CHỨC TỈNH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1356/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức luôn là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước quan tâm xuyên suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của đất nước; đặc biệt trong thời kỳ đổi mới Nghị quyết TW 8 (Khoá 7) đã đề ra “Đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những nhiệm vụ trọng tâm” của mục tiêu cải cách nền hành chính Nhà nước và Nghị quyết TW 3 (Khoá 8) về Chiến lược công tác cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đã khẳng định “Mọi cán bộ, công chức phải có kế hoạch thường xuyên học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn và năng lực hoạt động thực tiễn, bồi dưỡng đạo đức cách mạng”.

Căn cứ Quyết định số 40/2005/QĐ-TTg ngày 15/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010 và thực hiện Công văn số 2327/BNV-ĐT ngày 06/6/2006 của Bộ Nội vụ về việc xây dựng Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010; trên cơ sở nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh như sau:

Phần I

THỰC TRẠNG VÀ NHU CẦU ĐÀO TẠO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TỈNH

I. Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức:

Tính đến tháng 01/2006 tổng số cán bộ, công chức trong toàn tỉnh là: 5.327 người. Trong đó chia ra theo ngạch công chức và trình độ chuyên môn được đào tạo như sau:

1. Tổng số cán bộ, công chức hành chính cấp tỉnh - huyện: 2.231, trong đó:

- Phân loại theo ngạch công chức:

+ Công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương: 07 người, chiếm tỉ lệ 0.31 %.

+ Công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương: 241 người, chiếm tỉ lệ 10.80 %.

+ Công chức ngạch chuyên viên và tương đương: 1.168 người, chiếm tỉ lệ 52.36 %.

+ Công chức ngạch cán sự và tương đương: 640 người, chiếm tỉ lệ 28.69 %.

+ Các ngạch còn lại: 175 người, chiếm tỉ lệ 7.84 %.

- Phân loại theo trình độ chuyên môn được đào tạo:

+ Tiến sĩ: 03 người, chiếm tỉ lệ 0.13 %.

+ Thạc sĩ: 34 người, chiếm tỉ lệ 1.52 %.

+ Đại học và Cao đẳng: 1.344 người, chiếm tỉ lệ 60.24 %.

+ Trung cấp: 446 người, chiếm tỉ lệ 20.00 %.

+ Sơ cấp và chưa qua đào tạo: 404 người, chiếm tỉ lệ 18.11 %.

2. Tổng số cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn: 3.096 người, trong đó phân loại theo trình độ chuyên môn:

- Đối với cán bộ chuyên trách cấp xã: 1.662 người.

+ Đại học và Cao đẳng: 274 người, chiếm tỉ lệ 16.49 %.

+ Trung cấp: 265 người, chiếm tỉ lệ 15.94 %.

+ Sơ cấp: 143 người, chiếm tỉ lệ 8.60 %.

+ Chưa qua đào tạo: 980 người, chiếm tỉ lệ 58.97 %.

- Đối với công chức cấp xã (chức danh chuyên môn): 1.434 người.

+ Đại học và Cao đẳng: 153 người, chiếm tỉ lệ 10.67 %.

+ Trung cấp: 539 người, chiếm tỉ lệ 37.59 %.

+ Sơ cấp: 125 người, chiếm tỉ lệ 8.71 %.

+ Chưa qua đào tạo: 617 người, chiếm tỉ lệ 43.03 %.

II. Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh - huyện và cán bộ, công chức cơ sở:

Trước thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh còn nhiều bất cập và để đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp với trình độ chuyên môn cao, trong sạch, tận tụy phục vụ nhân dân đã đặt ra những nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức như sau:

- Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đào tạo chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp (trong đó đặc biệt chú trọng vào đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn).

- Thứ hai, tập trung thực hiện đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn sau đại học cho đội ngũ cán bộ, công chức các ngành, các cấp. Trong đó tập trung vào đội ngũ cán bộ quản lý và công chức thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn và thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

- Thứ ba, đào tạo bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ và tin học cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ và phục vụ cho công tác đào tạo nâng cao trình độ sau đại học (đào tạo ở nước ngoài).

- Thứ tư, là nhu cầu đào tạo tiền công vụ, đào tạo cán bộ nguồn nhằm đảm bảo nguồn cán bộ kế cận trong thời gian tới.

- Thứ năm, thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng hành chính, kỹ năng ngiệp vụ và kiến thức Makerting ... cho yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

- Thứ sáu, là nhu cầu phát triển tổng nhân lực của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh - huyện và cán bộ, công chức cơ sở đến năm 2010 là 6.450 người. Trong đó, nhu cầu đội ngũ công chức hành chính tỉnh, huyện đến năm 2010 sẽ là 2.600 lượt người; nhu cầu cán bộ công chức cơ sở đến năm 2010 là từ 3.850 lượt người.

Phần II

MỤC TIÊU, TIẾN ĐỘ VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

I. Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng:

1. Mục tiêu chung:

- Bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh - huyện cũng như cán bộ, công chức chính quyền cơ sở có trình độ chuyên môn đúng theo tiêu chuẩn chức danh, ngạch công chức theo quy định TW.

- Không ngừng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức để thật sự ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó đặc biệt chú ý đến đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật. Phấn đấu đến năm 2010 khắc phục được tình trạng yếu kém về năng lực quản lý nhà nước, giải quyết triệt để nhu cầu về trình độ, năng lực chuyên môn trong hệ thống bộ máy của Nhà nước, giảm thấp tỉ lệ vừa làm, vừa học và đào tạo lại như trong thời gian qua.

- Trong giai đoạn 2006 - 2010 tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh theo hướng: vừa đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, loại hình đào tạo theo nhu cầu phát triển của tỉnh, vừa đạt được các yêu cầu về cơ cấu ngạch công chức theo ngành, lĩnh vực; vừa đảm bảo tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của từng ngạch công chức gắn liền với chức danh, chức trách của cán bộ, công chức nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mới. Đội ngũ cán bộ, công chức phải thực sự chuyên nghiệp có đủ năng lực thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu công việc, thật sự trong sạch, tận tụy phục vụ nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể về đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức đến 2010:

2.1. Đối với cán bộ, công chức hành chính cấp tỉnh - huyện:

2.1.1. Đào tạo trình độ sau đại học về chuyên môn, nghiệp vụ: 265/2.600 tương ứng với 10,19 % cán bộ, công chức. Trong đó:

- Cán bộ lãnh đạo Sở ngành, huyện

=

20

người

- Cán bộ quản lý phòng thuộc Sở, Huyện (10 CB lãnh đạo Phòng có 01 thạc sĩ chuyên ngành).

=

84

người

- 10% Cán bộ Chuyên môn (tập trung ngành Du lịch, Thủy sản, Kinh tế nông nghiệp, Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Hành chính, Luật).

=

161

người

2.1.2 Đào tạo trình độ Đại học và tương đương cho cán bộ, công chức tỉnh - huyện:

- Lý luận chính trị:

Hằng năm, Sở Nội vụ phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ tổng hợp, xem xét và cử cán bộ công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị tại các cơ sở đào tạo tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (dự kiến trong 05 năm sẽ cử đào tạo, bồi dưỡng khoảng 250 lượt cán bộ, công chức).

- Chuyên môn, nghiệp vụ: 50 người

Không thực hiện đào tạo trình độ Đại học chuyên môn rộng rãi theo diện đào tạo lại như những năm trước đây, tuy nhiên vẫn duy trì đào tạo lại để chuẩn hoá trình độ Đại học Hành chính cho một số ít cán bộ còn chưa có trình độ đại học theo quy định. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ đào tạo mới cho các nhóm ngành đặc thù (tôn giáo, dân tộc ...) mà hiện nay còn thiếu cán bộ, công chức do ít có nguồn để bổ sung, thay thế.

2.2. Đào tạo đối với cán bộ, công chức cơ sở:

2.2.1. Đào tạo trình độ đại học, trung cấp chuyên môn và lý luận chính trị cho cán bộ, công chức cơ sở đến năm 2010:

- Lý luận chính trị: phấn đấu đảm bảo 100% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên (Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND - UBND, Ủy viên thường trực HĐND, Trưởng Mặt trận, đoàn thể cấp xã). Chia ra:

+ Ít nhất một xã có từ 3 đến 5 cử nhân hoặc cao cấp (dự kiến tăng đến 170 xã), như vậy sẽ đạt chung là 15% (khoảng 670 người người) có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị.

+ Mọi đảng viên ở xã đều đạt trình độ sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị (bình quân chung sẽ có 1/2 cán bộ xã là đảng viên 50% x 3.850CB xã - 670 CB chủ chốt (cử nhân, cao cấp) = 1.225 người; trong đó đào tạo 50% trình độ trung cấp lý luận chính trị, còn lại 50% qua sơ cấp lý luận chính trị (tức đào tạo 613 trung cấp và 612 sơ cấp)).

- Chuyên môn, nghiệp vụ: phấn đấu đạt 100% công chức xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (05 chức danh x 170 xã = 850 cán bộ, chưa kể hai chức danh Xã đội trưởng, Trưởng Công an xã). Chia ra:

+ Phấn đấu có 40% (khoảng 340 người) đạt trình độ Đại học về chuyên môn, như vậy ít nhất mỗi xã sẽ có 2/6 chức danh cán bộ chuyên môn đạt trình độ Đại học.

+ Còn lại 60% (khoảng 510 người) đạt trình độ trung cấp chuyên môn.

2.2.2. Đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức công tác tại vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống (Tịnh Biên, Tri Tôn: tiếng Khmer; Tân Châu, Phú Tân, An phú: tiếng Chăm) và đào tạo cán bộ nguồn là người dân tộc.

- Phối hợp với các cơ sở đào tạo đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer cho khoảng 1.000 lượt cán bộ, công chức thuộc 02 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.

- Đào tạo dự nguồn cả về trình độ chuyên môn, lẫn tiếng dân tộc (ưu tiên người dân tộc) khoảng 200 người (cả Chăm, Khmer) nhằm bổ sung nguồn cán bộ kế cận phục vụ yêu cầu công tác trong tình hình mới.

2.2.3. Đào tạo Tin học phấn đấu đến năm 2010 100% cán bộ xã đạt trình độ tin học văn phòng, biết sử dụng thành thạo máy tính phục vụ yêu cầu công tác (dự kiến đào tạo bồi dưỡng khoảng 2.117 người).

3. Mục tiêu cụ thể về bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính tỉnh - huyện và cán bộ, công chức cơ sở đến 2010:

3.1. Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và Tiền công vụ:

- Đảm bảo 100% công chức tỉnh - huyện thuộc ngạch Chuyên viên chính qua bồi dưỡng kiến thức QLNN (dự kiến khoảng 150 người).

- Phấn đấu đạt 100% công chức tỉnh - huyện thuộc ngạch Chuyên viên qua bồi dưỡng kiến thức QLNN trình độ Chuyên viên (dự kiến khoảng 500 người).

- Cán bộ chủ chốt xã và công chức xã có trình độ Đại học đều được bồi dưỡng kiến thức QLNN trình độ Chuyên viên: 600/3.850 người, chiếm khoảng 15% so với tổng cán bộ, công chức cơ sở.

- Công chức dự bị được tuyển dụng qua các kỳ thi tuyển công chức đều được bồi dưỡng lớp Tiền công cụ theo quy định (dự kiến 300 người).

3.2. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kiến thức quản lý nhà nước:

- Bồi dưỡng cho 100% đại biểu HĐND tỉnh, huyện, xã nhiệm kỳ mới (bầu cử năm 2009): khoảng 5.300 đại biểu (có ước tính gia tăng đại biểu theo dân số) - 30% tái cử đã học = 3.710 đại biểu.

- Bồi dưỡng cho 100% Trưởng, Phó ấp - khóm cho hai nhiệm kỳ mới trong 05 năm (2006 - 2010) về kiến thức về quản lý nhà nước và pháp luật: khoảng 800 ấp, khóm (có tính tỉ lệ gia tăng chia ấp, khóm mới) x 03 chức danh (01 trưởng, 02 phó) x 02 nhiệm kỳ. Trong đó, trừ 50% tái cử đã học = 2.400 người.

- Bồi dưỡng kiến thức xúc tiến thương mại cho cán bộ lãnh đạo, quản lý phòng cấp tỉnh - huyện và cán bộ chủ chốt xã: 1.677 người (trong đó: 170 CB lãnh đạo Sở, huyện, 837 CB phòng thuộc Sở, huyện, 670 cán bộ chủ chốt xã).

- Bồi dưỡng Ngoại ngữ chuyên ngành kinh tế quốc tế cho cán bộ, công chức tỉnh, huyện: 150 người (yêu cầu trình độ B Anh văn trở lên).

- Bồi dưỡng kỹ năng hành chính: dự kiến khoảng 250 người (mỗi năm cử tham gia các khóa bồi dưỡng khoảng 50 cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện).

4. Biểu tổng hợp chỉ tiêu đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức hành chính nhà nước tỉnh - huyện và cán bộ, công chức cơ sở đến năm 2010:

4.1. Biểu tổng hợp Đào tạo đến 2010:

Lĩnh vực đào tạo

Trình độ và chỉ tiêu đào tạo

Tiến độ thực hiện

Sau Đại học

Đại học (và tương đương)

Trung cấp (và tương đương)

Sơ cấp

2006 - 2008

2008 - 2010

1- Lý luận chính trị

 

 

 

 

 

 

- Cấp tỉnh, huyện

0

250

0

0

125

125

- Cấp xã

0

670

613

612

1000

895

2- Chuyên môn, nghiệp vụ

 

 

 

 

 

 

- Cấp tỉnh, huyện

265

50

0

0

25

25

- Cấp xã

0

340

510

0

400

450

Cộng

265

1310

1123

612

1550

1495

4.2. Biểu tổng hợp bồi dưỡng đến 2010:

Lĩnh vực bồi dưỡng

Chỉ tiêu bồi dưỡng

Tiến độ thực hiện

Cấp tỉnh - huyện

Cấp xã

2006 - 2008

2008 - 2010

1. Kiến thức quản lý nhà nước và Tiền công vụ:

 

 

 

 

- Chuyên viên chính

150

0

75

75

- Chuyên viên

500

600

550

550

- Tiền công vụ

300

0

150

150

2. Kiến thức quản lý nhà nước và pháp luật:

 

 

 

 

- Đại biểu HĐND

500

3210

0

3710

- Trưởng, Phó ấp – khóm

0

2400

1200

1200

3. Ngoại ngữ chuyên ngành kinh tế thương mại quốc tế

150

0

75

75

4. Kỹ năng hành chính

250

0

125

125

5. KT về xúc tiến thương mại

1007

670

900

777

6. Tiếng dân tộc Khmer, Chăm

300

700

500

500

Cộng

3157

7580

3575

7162

II. Các giải pháp thực hiện Kế hoạch:

Để đạt được mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao nâng lực cán bộ, công chức các cấp của tỉnh giai đoạn 2006 – 2010, tỉnh An Giang tập trung thực hiện các giải pháp sau:

1. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

- Tiến hành rà soát lại các thể chế đã ban hành, sửa đổi các điều bất hợp lý, bổ sung các điểm còn thiếu, hoàn thiện các văn bản pháp quy làm cơ sở cho hoạt động quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng (Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài chính đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác đào tạo).

- Để làm cơ sở cho việc thực hiện các chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức như trên tỉnh sẽ tổ chức thực hiện công tác điều tra tổng thể trình độ và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính và cán bộ, công chức cơ sở. Mục đích của việc điều tra này nhằm nắm chính xác thực trạng về đối tượng; số lượng người cần được đào tạo, bồi dưỡng; nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng để vừa nâng cao trình độ nghiệp vụ, khả năng tác nghiệp vừa đảm bảo tiêu chuẩn từng ngạch công chức theo quy định.

- Tăng cường sự phối hợp, cộng tác giữa các trường cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh để có kế hoạch tổ chức thực hiện việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đạt hiệu quả, chất lượng, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch.

- Trên cơ sở các quy định hiện hành giao Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trình UBND tỉnh điều chỉnh các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức đi học sau đại học và chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn cao, năng lực, nhiệt tình về công tác tại tỉnh.

2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở thực tiễn công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức ngắn hạn, dài hạn nhưng cần phải đảm bảo tính cụ thể, khả thi và thiết thực. Những kế hoạch này phải đảm bảo hướng vào các mục tiêu cụ thể sau:

- Đào tạo, bồi dưỡng để “xóa nợ” cho những cán bộ, công chức chưa chuẩn hoá theo chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức của Trung ương.

- Đào tạo, bồi dưỡng gắn liền với sử dụng: để đáp ứng yêu cầu công tác của đơn vị, địa phương cần cán bộ trình độ nào thì mới đưa đi đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ yêu cầu công tác được phân công.

3. Bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, giữa các chương trình, đề án, dự án:

Triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức nhà nước giai đoạn 2006 – 2010, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các tổ chức, cơ quan chủ trì các Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, Dự án mở rộng các Trường Trung học chuyên nghiệp, thành lập các Trung tâm GDTX huyện, Dự án đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật sau đại học tại nước ngoài,... để tạo sự thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau giữa các chương trình.

4. Kế hoạch kinh phí đào tạo, bồi dưỡng chung:

4.1. Các nội dung chi:

- Chi phí mở lớp: chi cho giảng viên, giáo viên, chi phí lớp học như điện, nước, vệ sinh, các chi phí phục vụ giảng dạy, hội trường, phòng học, chi phí giao dịch liên hệ, liên kết mở lớp,... tính theo chế độ hợp đồng trọn gói/lớp/năm hoặc có thể theo khoá đào tạo.

- Chi phí cho cử đào tạo: tiền học phí, hỗ trợ tàu - xe đi lại, đưa rước học viên, ăn, ở, thực tập, khảo sát thực tế địa bàn ...

- Chi phí đào tạo trình độ trên đại học: Tiến sĩ, Thạc sĩ.

- Chi phí khác: văn phòng phẩm, khảo sát, điều tra nhân lực, xây dựng dự án, đề án, kế hoạch, hội họp, hội thảo...

4.2. Tổng kinh phí dự kiến cho Kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010 là 20.000.000.000 đồng (Hai mươi tỷ đồng). Đối tượng đào tạo thuộc các lĩnh vực: ngoại ngữ kinh tế hội nhập quốc tế, trình độ chuyên môn sau đại học (kể cả khối sự nghiệp); lý luận chính trị (Đại học, Cao cấp); kiến thức quản lý nhà nước; kiến thức quốc phòng; trung cấp chuyên môn, tin học, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cơ sở (xã, phường, thị trấn).

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Sở Nội vụ có trách nhiệm tiến hành điều tra tổng thể trình độ và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính tỉnh - huyện, cán bộ công chức cơ sở để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể hằng năm (cả kinh phí) trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Hàng năm thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tuổi đời cũng như việc quy hoạch cán bộ... báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ để tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chung toàn tỉnh và triển khai tổ chức thực hiện đạt kết quả).

- Cuối năm thực hiện kế hoạch, Sở Nội vụ có trách nhiệm tổng hợp, phân tích kết quả đào tạo, bồi dưỡng so với kế hoạch 05 năm để báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh về các giải pháp đảm bảo khả thi và hiệu quả cho kế hoạch 05 năm tiếp sau./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1356/QĐ-UBND năm 2006 về kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức tỉnh An Giang giai đoạn 2006 – 2010

  • Số hiệu: 1356/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/07/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Minh Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/07/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản