- 1Thông báo số 1034/1999/TB-NHNN10 về Danh mục các văn bản đã bị huỷ bỏ, thay thế trong ngành Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2Quyết định 81/1999/QĐ-NHNN6 về quy chế tiêu huỷ tiền do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 3Quyết định 211/QĐ-NHNN năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kỳ hệ thống hóa 2014-2018
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 135/QĐ-NH6 | Hà Nộingày 06 tháng 5 năm 1995 |
BAN HÀNH QUY CHẾ TIÊU HUỶ CÁC LOẠI TIỀN GIẤY RÁCH NÁT, HƯ HỎNG, VÀ TIỀN ĐÌNH CHỈ LƯU HÀNH
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 23-5-1990;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Quyết định số 66/TTg ngày 22-2-1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu hồi, tiêu hủy và giám sát tiêu huỷ tiền rách nát, hư hỏng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ phát hành và Kho quỹ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế tiêu huỷ các loại tiền giấy rách nát, hư hỏng và tiền đình chỉ lưu hành".
Bản quy chế này cũng được áp dụng cho việc tiêu huỷ các loại Ngân phiếu thanh toán hết hạn lưu hành và Ngân phiếu thanh toán mẫu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế chế độ tiêu huỷ tiền giấy rách nát, hư hỏng ban hành kèm theo Quyết định số 29/QĐ-NH6 ngày 26-2-1993 của Thống đốc NHNN.
Điều 3. Chủ tịch Hội đồng tiêu huỷ tiền NHNN, Vụ trưởng Vụ Phát hành - Kho quỹ, Trưởng Ban giám sát tiêu hủy, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan trực thuộc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Ngọc Oánh (Đã Ký) |
QUY CHẾ
TIÊU HUỶ TIỀN RÁCH NÁT, HƯ HỎNG À TIỀN ĐÌNH CHỈ LƯU HÀNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 135/QĐ-NH6 ngày 6-5-1995 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Các loại tiền giấy do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phát hành, trong quá trình lưu thông bị rách nát, hư hỏng và tiền đình chỉ lưu hành do Ngân hàng Nhà nước thu hồi về, dưới đây gọi chung là tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông (TCLT), được NHNN tổ chức tiêu hủy thường xuyên theo các quy định tại Quy chế này.
Việc tổ chức tiêu huỷ tiền không đủ TCLT phải đáp ứng các yêu cầu:
1. Đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản và bí mật Nhà nước;
2. Tiền sau khi tiêu huỷ không thể sử dụng trở lại;
3. Tiêu huỷ đúng tiền không đủ TCLT;
4. Số tiền thực tế tiêu hủy phải phù hợp với Lệnh cho phép tiêu huỷ của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHNN và sổ sách hạch toán của Vụ Phát hành - Kho quỹ.
Điều 2. Chủ tịch Hội đồng Quản trị NHNN có Quyết định cho tiêu hủy về tổng số lượng và chi tiết từng loại tiền cụ thể.
Trước khi tiêu huỷ, tiền không đủ TCLT đã được lựa chọn thuộc quỹ điều hòa tiền mặt (QĐHTM) phải được nhập vào Quỹ dự trữ phát hành (QDTPH) để xuất đổi ngang giá trị loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Điều 3. Việc tiêu huỷ tiền không đủ TCLT được thực hiện tại hai địa điểm: Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng tiêu huỷ tiền NHNN (HĐTH) tổ chức thực hiện dưới sự giám sát trực tiếp của Ban Giám sát tiêu huỷ tiền NHNN (BGSTH).
Ban Giám sát tiêu huỷ tiền NHNN hoạt động theo quy chế riêng.
Hội đồng tiêu hủy tiền NHNN được thành lập hàng năm và có bộ phận giúp việc chuyên trách thuộc Vụ Phát hành - Kho quỹ để tổ chức tiêu huỷ tiền không đủ TCLT theo Quy chế này.
Chương 2:
BỘ MÁY TIÊU HUỶ TIỀN
Điều 4. Hàng năm, theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Phát hành - Kho quỹ (thông qua Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo), Thống đốc NHNN ra Quyết định thành lập HĐTH, với thành phần:
- Chủ tịch: Phó Thống đốc NHNN phụ trách khối;
- Phó Chủ tịch thường trực: Vụ trưởng Vụ PHKQ;
- Phó Chủ tịch: 1 Phó Vụ trưởng Vụ PHKQ;
- Phó Chủ tịch: 1 Phó Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính;
- Uỷ viên thư ký: Trưởng phòng Kế toán - Thống kê, Vụ Phát hành - Kho quỹ;
- Uỷ viên: Trưởng phòng Quản lý và tiêu huỷ tiền, Vụ Phát hành - Kho quỹ;
- Các uỷ viên khác: Tuỳ theo khối lượng và tính chất công việc, sẽ cử thêm một số cán bộ từ các Vụ, Cục thuộc NHNN hoặc Chi nhánh, Sở Giao dịch NHNN có liên quan.
Hội đồng tiêu huỷ có 2 bộ phận:
- Bộ phận chỉ đạo chung trong toàn quốc.
- Bộ phận khu vực, trực tiếp điều hành tại các địa điểm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 5. Bộ phận giúp việc chuyên trách: Gồm toàn bộ cán bộ, nhân viên thuộc Phòng quản lý và tiêu huỷ tiền, Vụ PHKQ.
Cán bộ, công nhân viên thuộc bộ phận chuyên trách được biên chế thành 4 tổ công tác, với nhiệm vụ cụ thể:
5.1. Tổ 1 (Tổ giao nhận): Có nhiệm vụ tiếp nhận tiền không đủ TCLT từ kho tiền TW theo các quyết định của Chủ tịch HĐQT và kế hoạch của HĐTH và sau đó giao tiền cho Tổ 2 (Tổ đếm kiểm) và Tổ 3 (Tổ tiêu huỷ) theo đúng quy trình quy định ở chương III dưới đây.
Tổ 1 được biên chế một thủ kho tiêu huỷ chuyên trách.
5.2. Tổ 2 (Tổ đếm kiểm): Thực hiện việc kiểm đếm, xác định số lượng, giám định chất lượng tiền (từng tờ), đối với số tiền nhận từ Tổ 1. Đóng bó, niêm phong toàn bộ số tiền sau khi kiểm đếm và giao tiếp cho Tổ 3 để tiêu huỷ hoàn toàn.
5.3. Tổ 3 (Tổ tiêu huỷ): Sử dụng máy chuyên dùng để tiêu huỷ hoàn toàn số tiền không đủ TCLT nhận từ Tổ 1 và Tổ 2, làm cho đồng tiền không thể sử dụng trở lại. Đóng bao các mảnh giấy bạc đã cắt nhỏ, bảo quản theo quy định của Chủ tịch HĐTH.
5.4. Tổ 4 (Tổ tổng hợp): Làm công tác hành chính, phục vụ, kế toán, thống kê. Là đầu mối tổ chức việc bán phế liệu sau khi tiêu huỷ, làm các báo cáo và tích luỹ các số liệu liên quan đến công tác tiêu huỷ.
Mỗi tổ công tác bố trí 1 tổ trưởng và từ 1 đến 2 tổ phó để điều hành công việc chung.
Trong trường hợp thật cần thiết, được sự đồng ý của Thống đốc NHNN, HĐTH được trưng dụng một số kiểm ngân từ các NHTMQD trên địa bàn (Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh) làm nhiệm vụ kiểm đếm tiền tiêu huỷ và một số cán bộ, công nhân viên từ các Vụ, Cục thuộc NHTW tham gia vào các khâu tiêu hủy.
Chương 3:
QUY TRÌNH TIÊU HUỶ TIỀN KHÔNG ĐỦ TCLT
A. TUYỂN CHỌN, GIAO NHẬN
Điều 6. Căn cứ hướng dẫn tuyển chọn tiền không đủ TCLT của NHNN trong từng thời kỳ, các Trưởng kho tiền TW, các Giám đốc Chi nhánh và Sở giao dịch NHNN thường xuyên tổ chức tuyển chọn đối với số tiền đã qua lưu thông tại đơn vị mình theo đúng tiêu chuẩn đã quy định. Đồng thời các Chi nhánh NHNN có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức tín dụng, kho bạc Nhà nước trên địa bàn tiến hành tuyển chọn đối với số tiền thu hồi từ lưu thông trước khi nộp về Ngân hàng Nhà nước.
Tiền không đủ TCLT sau khi tuyển chọn, thu hồi, được đóng bó, đóng bao, niêm phong và bảo quản tại kho tiền NHNN theo chế độ hiện hành. Hàng tháng, các đơn vị trên báo cáo kết quả tuyển chọn về NHTW (Vụ PHKQ) để có kế hoạch điều chuyển, chuẩn bị tiêu huỷ.
Điều 7. Căn cứ báo cáo tồn kho tiền không đủ TCLT của các chi nhánh NHNN, Vụ PHKQ thường xuyên trình Thống đốc ra lệnh điều chuyển tiền từ các kho tiền địa phương về các kho tiền TW (Kho tiền I và Kho tiền II), nhập vào quỹ ĐHTM.
Về nguyên tắc, việc lập và chấp hành Lệnh điều chuyển tiền không đủ TCLT phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố pháp lý và thủ tục (như xác định loại tiền, số lượng, giá trị, lập phiếu xuất, phiếu nhập, biên bản giao nhận, tổ chức áp tải, bảo vệ...) như điều chuyển và giao nhận tiền bình thường theo chế độ hiện hành. Tiền được giao nhận theo bó niêm phong, đếm thếp. Nghiêm cấm việc giao tiền tay ba giữa bên giao (các NH giao, Kho tiền III) với bên nhận (Kho tiền I và Kho tiền II) và HĐTH.
B. TIÊU HỦY
Điều 8. Căn cứ kết quả nhập tiền không đủ TCLT về QĐHTM thuộc các kho tiền TW, định kỳ hàng tháng, Vụ Phát hành - Kho quỹ làm thủ tục trình Thống đốc nhập vào Quỹ DTPH, đổi ngang giá trị để lấy loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông tiếp tục sử dụng. Sau đó làm thủ tục trình Chủ tịch HĐQT ký quyết định cho phép tiêu hủy tiền không đủ TCLT với số tiền cụ thể (chủng loại, số lượng, giá trị) từ quỹ DTPH.
Điều 9.
9.1. Căn cứ lệnh của Thống đốc NHNN cho xuất tiền không đủ TCLT từ quỹ DTPH bảo quản tại Kho tiền TW cho HĐTH và kế hoạch đã thống nhất với HĐTH, Tổ 1 trực tiếp nhận tiền từ Kho tiền TW (có BGSTH chứng kiến), đưa vào bảo quản tại các gian kho riêng biệt (thuộc kho tiền TW) do HĐTH quản lý, sử dụng - gọi là kho tiêu hủy. Việc giao nhận được tiến hành theo bó niêm phong, đếm thếp.
9.2. Theo kế hoạch và lệnh xuất (phiếu xuất ghi cụ thể chủng loại tiền, số lượng, bao bó, giá trị) của HĐTH, Tổ 1 giao tiền cho tổ 2 và tổ 3 theo phương thức giao nhận bó niêm phong, đủ thếp.
Tỷ lệ đếm kiểm tờ làm căn cứ giao tiền từ tổ 1 sang tổ 2 và tổ 3 do Chủ tịch HĐTH quy định (bằng văn bản) cụ thể cho từng loại tiền và từng đợt tiêu hủy trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ PHKQ.
Việc giao tiền từ tổ 1 cho tổ 2 được thực hiện theo phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên từng loại tiền của từng đơn vị Ngân hàng có tiền tiêu hủy. Số tiền còn lại không phải kiểm đếm tờ được tổ 1 giao thẳng cho tổ 3 để tiêu hủy hoàn toàn.
Tùy theo kết quả kiểm đếm cụ thể và yêu cầu kiểm tra giám sát, HĐTH và BGSTH tại mỗi địa điểm có thể điều chỉnh nâng tỷ lệ đếm kiểm cho thích hợp từng loại tiền của từng đơn vị trong mỗi đợt tiêu hủy, đảm bảo chất lượng công tác tiêu hủy.
Điều 10. Tổ kiểm đếm chịu trách nhiệm kiểm tra tiêu chuẩn (chất lượng) và số lượng đối với toàn bộ số tiền nhận từ tổ 1 trước sự chứng kiến của BGSTH. Cuối ngày làm việc, toàn bộ số tiền đã được kiểm đếm phải được đóng bó lại (dùng dây buộc không có mối nối, buộc một vòng ngang một vòng dọc) và giao lại cho tổ 3 để tiêu hủy hoàn toàn.
10.1. Khi cắt dây buộc của bó bạc để kiểm đếm, không được làm rách niêm phong. Nếu kết quả kiểm đếm mỗi bó phù hợp với số tiền ghi trên niêm phong (đủ số lượng, đúng chất lượng), kiểm ngân phải huỷ ngay niêm phong cũ, đóng bó lại, dán niêm phong mới đè lên nút buộc.
10.2. Nếu bó bạc sau khi kiểm đếm có thừa, thiếu, lẫn loại, lẫn bạc giả, bạc không đủ tiêu chuẩn tiêu hủy, thì tổ trưởng tổ 2 trực tiếp lập biên bản ghi đầy đủ nội dung, với chữ ký của đại diện HĐTH và BGSTH - kèm niêm phong của bó bạc làm cơ sở xử lý tiếp theo. Các tờ bạc lẫn loại, bạc còn mới, bạc giả, bạc thừa được giao cho tổ trưởng tổ 2 để tổng hợp chung vào cuối ngày làm việc. Các tờ thiếu, tiền lẫn loại, tiền chưa đủ tiêu chuẩn tiêu hủy, tiền giả sẽ được tổ trưởng tổ 2 bù hoặc đổi (đảm bảo nguyên tắc tiêu huỷ đúng số tiền theo lệnh), kiểm ngân đóng bó lại, dán niêm phong mới đè lên nút buộc.
10.3. Tổ trưởng tổ 2 được ứng trước 1 số tiền không đủ TCLT để làm quỹ bù hoặc đổi cho các bó tiền thiếu, tiền lẫn loại, tiền chưa đủ tiêu chuẩn tiêu hủy, tiền giả. Số tiền ứng trước này được quyết toán cùng kết quả thừa, thiếu, lẫn loại, bạc giả vào cuối mỗi đợt tiêu hủy.
10.4. Tổ 3: Sau khi tiếp nhận các loại tiền không đủ TCLT nhận từ tổ 1 và tổ 2 (nhận theo niêm phong), tổ 3 có trách nhiệm đưa 100% tiền vào máy tiêu hủy chuyên dùng, thao tác theo quy trình vận hành máy để tiêu hủy hoàn toàn. Các tờ bạc sau khi tiêu hủy được cắt nhỏ với bề rộng dưới 10mm (các mảnh giấy bạc đã được cắt nhỏ, dưới đây gọi tắt là phế liệu). Phải kiểm tra kỹ phế liệu, nếu sót phải nhặt để cắt lại. Phế liệu được đóng bao, khâu kín miệng và đưa về địa điểm tập kết theo quy định của HĐTH để bán.
Đơn vị mua phế liệu phải chấp hành các quy định về quản lý, bảo quản và sử dụng phế liệu theo chế độ bảo mật của Nhà nước.
Vụ trưởng Vụ Phát hành - Kho quỹ xây dựng quy trình vận hành máy tiêu hủy chuyên dùng và biên chế nhân lực, trình Thống đốc NHNN phê duyệt làm cơ sở tổ chức thực hiện công tác tiêu hủy.
C. XỬ LÝ THỪA - THIẾU.
Điều 11. Về nguyên tắc, HĐTH chỉ tiêu huỷ số tiền không đủ TCLT thực tế, đúng với số tiền được phép tiêu hủy tại lệnh của Chủ tịch HĐQT, đã qua kiểm soát tờ theo tỷ lệ quy định.
Căn cứ kết quả kiểm soát tờ đã được tiến hành có sự chứng kiến của BGSTH, HĐTH thực hiện việc báo nợ (hoặc báo có) số chênh lệch thiếu (hoặc thừa) tiền cho từng Chi nhánh hoặc Sở Giao dịch NHNN (kèm theo biên bản chi tiết và niêm phong của từng bó tiền thừa, thiếu) để địa phương xử lý. Việc báo có, báo nợ tiền thừa, thiếu thực hiện theo chế độ kế toán hiện hành, qua Cục Quản trị NHNN (hoặc VP II-TP. HCM).
Tổng số tiền thừa và tiền thiếu của một đơn vị Ngân hàng có thể được bù trừ, nhưng với cá nhân không được bù trừ. Do vậy, việc xử lý kết quả thừa thiếu tiền đối với từng cá nhân tại các Chi nhánh, Sở Giao dịch NHNN được tiến hành theo nguyên tắc ghi thu nghiệp vụ số tiền thừa, ghi nợ cá nhân số tiền thiếu.
D. HẠCH TOÁN.
Điều 12.
12.1. Việc xuất, nhập tiền không đủ TCLT từ khâu thu hồi đến khi tiêu hủy hoàn toàn đều phải được hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác theo chế độ kế toán hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
12.2. Việc giao nhận tiền giữa các tổ, kể từ khi xuất kho tiêu hủy đến khi tiêu hủy hoàn toàn và bán phế liệu, phải theo phiếu xuất của HĐTH và lập biên bản theo kết quả thực tế, có chữ ký của người giao, người nhận, tổ trưởng tổ giao, tổ trưởng tổ nhận và đại diện BGSTH.
Điều 13. Tại mỗi tổ công tác, phải mở các loại sổ sách, báo biểu để theo dõi việc giao nhận tiền hàng ngày theo mẫu biểu đính kèm.
Chương 4:
ĐỊA ĐIỂM VÀ QUY CHẾ LÀM VIỆC
Điều 14. Việc giao nhận và tiêu hủy tiền phải được thực hiện trong các gian phòng riêng biệt, có cửa và khoá chắc chắn. Vào những lúc nghỉ (giải lao giữa buổi, nghỉ cuối buổi, cuối ngày) ngày nghỉ mọi người đều phải ra ngoài. Tiền đang được kiểm đếm trong ngày phải để trong hòm riêng, có khoá; tổ trưởng khoá cửa, HĐTH và BGSTH niêm phong cửa. Cuối ngày nếu tiền không đếm kiểm hết, phải được gửi vào kho tiêu hủy.
Điều 15. Khi vào làm việc trong các gian kho tiêu hủy, phòng giao nhận, phòng kiểm soát tờ và phòng tiêu hủy, toàn thể cán bộ công nhân viên (kể cả thành viên HĐTH và BGSTH) tham gia công tác tiêu hủy không được mang theo tư trang (tiền, ví, cặp...). Mỗi cán bộ, công nhân viên tham gia công tác tiêu hủy phải đeo phù hiệu, mặc quần áo (không túi), đội mũ bảo hộ lao động. Chủ tịch HĐTH quy định màu sắc trang phục nhằm phân biệt: nhân viên tiêu hủy, uỷ viên Ban giám sát, uỷ viên Hội đồng tiêu hủy.
Việc kiểm soát người ra vào kho tiền và các phòng tiêu hủy do nhân viên bảo vệ thuộc BGSTH đảm nhiệm.
Chương 5:
DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN CHI PHÍ TIÊU HỦY
Điều 16. Trong quá trình tham gia công tác tiêu huỷ, các thành viên HĐTH, BGSTH và cán bộ, công nhân viên giúp việc được hưởng các khoản phụ cấp trách nhiệm, làm đêm, làm thêm giờ, độc hại, bảo hộ lao động theo chế độ chung của Nhà nước và của Ngành (ngoài trang bị phù hiệu, quần, áo, mũ đồng phục theo quy định tại điều 15 trên đây).
Trước mỗi đợt tiêu hủy, căn cứ chế độ chi tiêu hiện hành của Nhà nước và của Ngành, HĐTH lập dự toán chi tiết, xác định số thu nhập và chi phí của từng đợt, trình Thống đốc NHNN phê duyệt. Kinh phí sử dụng cho mỗi đợt tiêu hủy chủ yếu lấy từ nguồn bán phế liệu, nếu thừa thì nộp (ghi giảm), nếu thiếu thì bù (ghi tăng) vào chi phí phát hành tiền. Dự toán thu nhập, chi phí trước khi trình Thống đốc NHNN phải có sự thống nhất ý kiến giữa HĐTH và BGSTH.
Thu nhập và chi phí tiêu hủy được tổ chức hạch toán và quyết toán tại NHNN TW. HĐTH chịu trách nhiệm về các khoản thu, chi thực hiện theo chế độ. Báo cáo quyết toán thu thập - chi tiêu hàng năm phải có ý kiến xác nhận của Vụ Tổng kiểm soát.
Chương 6:
TỔNG KẾT, BÁO CÁO VÀ KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT.
Điều 17. Cuối mỗi tuần và mỗi tháng làm việc, HĐTH họp với các tổ trưởng để kiểm điểm, rút kinh nghiệm công tác tiêu hủy tuần trước, tháng trước; đề ra nhiệm vụ công tác tuần sau, tháng sau.
Cuối mỗi đợt tiêu hủy, có tổng kết, khen thưởng và kỷ luật. Tuỳ theo mức độ hoàn thành công việc của từng thành viên và từng tổ, Chủ tịch HĐTH trình Thống đốc quyết định khen thưởng cho cá nhân hay tập thể (lấy từ chi phí tiêu hủy trong phạm vi dự toán được duyệt). Nếu vi phạm quy chế tiêu hủy, để lộ bí mật, làm mất tài sản... thì tùy theo mức độ để xử lý, kỷ luật. Vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy tố trước pháp luật.
Những người có hành vi vi phạm hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, tuy chưa gây hậu quả cũng phải đưa ra khỏi bộ phận tiêu hủy do Chủ tịch HĐTH quyết định.
Điều 18. Kết thúc mỗi đợt tiêu hủy, HĐTH làm báo cáo Thống đốc NHNN. Kết thúc năm, HĐTH làm báo cáo toàn diện công tác tiêu hủy với Thống đốc và HĐQT NHNN trước phiên họp đầu tiên của năm tiếp theo. Báo cáo từng đợt và tổng kết năm gồm các vấn đề:
1. Xác nhận số liệu tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông đã tiêu hủy thực tế so với lệnh tiêu hủy;
2. Tình hình chấp hành quy chế tiêu hủy;
3. Quyết toán Thu - Chi tài chính;
4. Các kiến nghị về chỉnh sửa quy chế tiêu hủy;
5. Các kiến nghị về khen thưởng, kỷ luật.
Chương 7:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Việc bổ sung, sửa đổi Quy chế này do Thống đốc NHNN quyết định.
- 1Quyết định 15/2006/QĐ-NHNN sửa đổi Quy chế tiêu hủy tiền ban hành kèm theo Quyết định 326/2004/QĐ-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2Thông báo số 1034/1999/TB-NHNN10 về Danh mục các văn bản đã bị huỷ bỏ, thay thế trong ngành Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 3Quyết định 81/1999/QĐ-NHNN6 về quy chế tiêu huỷ tiền do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 4Quyết định 211/QĐ-NHNN năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 1Thông báo số 1034/1999/TB-NHNN10 về Danh mục các văn bản đã bị huỷ bỏ, thay thế trong ngành Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2Quyết định 81/1999/QĐ-NHNN6 về quy chế tiêu huỷ tiền do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 3Quyết định 211/QĐ-NHNN năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 1Quyết định 15/2006/QĐ-NHNN sửa đổi Quy chế tiêu hủy tiền ban hành kèm theo Quyết định 326/2004/QĐ-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1990 do Hội đồng Nhà nước ban hành
- 3Nghị định 15-CP năm 1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ
- 4Thông báo số 1034/1999/TB-NHNN10 về Danh mục các văn bản đã bị huỷ bỏ, thay thế trong ngành Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước ban hành
Quyết định 135/QĐ-NH6 năm 1995 về Quy chế tiêu huỷ các loại tiền giấy rách nát, hư hỏng, và tiền đình chỉ lưu hành do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 135/QĐ-NH6
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/05/1995
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Nguyễn Ngọc Oánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/05/1995
- Ngày hết hiệu lực: 10/03/1999
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực