Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 134/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 25 tháng 02 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa tại Điều 1 Quyết định này.

Điều 3. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, PCVP UBND tỉnhKGVX;
- Lưu: VT, KGVX.THT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Y Ngọc

 

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

(Ban hành kèm, theo Quyết định số: 134/QĐ-UBND ngày 25/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. Nhóm tiêu chí 1: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương (gồm 03 tiêu chí)

1. Nội dung sách giáo khoa đảm bảo tính kế thừa, linh hoạt; ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp với việc giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống cho học sinh tại địa phương; dễ điều chỉnh để phù hợp với năng lực đội ngũ và khả năng học tập của nhiều nhóm đối tượng học sinh tại địa phương.

2. Cấu trúc sách giáo khoa có tính mở, thuận tiện khi nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung, điều chỉnh ngữ liệu; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo điều kiện của từng trường, sát với thực tế địa phương.

3. Sách giáo khoa có chất lượng tốt (giấy in, khổ sách, cỡ chữ, font chữ,...); giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của cộng đồng dân cư tại địa phương.

II. Nhóm tiêu chí 2: Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông (gồm 07 tiêu chí)

* Phù hợp với việc học của học sinh

4. Kiến thức đảm bảo khoa học, hiện đại, thiết thực, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng học sinh, đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình.

5. Các bài học chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi và chiếm lĩnh tri thức.

6. Các nhiệm vụ học tập trong mỗi bài học hướng đến việc phát triển phẩm chất, năng lực; kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.

7. Sách giáo khoa được trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hoà giữa kênh chữ và kênh hình, đảm bảo tính thẩm mỹ; kênh hình sách giáo khoa chân thực, gần gũi với cuộc sống giúp học sinh dễ nhận biết, tạo được sự hứng thú cho học sinh; phù hợp với đặc trưng môn học/hoạt động giáo dục và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.

* Thuận lợi cho việc dạy của giáo viên

8. Các chủ đề/bài học được thiết kế, trình bày phong phú, đa dạng với nhiều hoạt động, tạo điều kiện cho giáo viên linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; chú trọng việc tích hợp kiến thức nội môn, liên môn.

9. Nội dung sách giáo khoa giúp giáo viên tích cực hóa hoạt động học của học sinh; giúp phát triển được năng lực tự học, hợp tác, phát triển được tư duy sáng tạo, năng khiếu, sở trường của học sinh; đánh giá được mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh.

10. Cấu trúc, nội dung sách giáo khoa tạo điều kiện để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên lựa chọn, đa dạng hóa được hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục, hoạt động giáo dục của nhà trường theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

III. Nhóm tiêu chí 3: Sách giáo khoa và các yếu tố hỗ trợ sách giáo khoa phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và các điều kiện khác tại địa phương (gồm 03 tiêu chí)

11. Nội dung sách giáo khoa phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại địa phương.

12. Nguồn tài nguyên, học liệu điện tử bổ sung cho sách giáo khoa đa dạng, phong phú, hữu ích, dễ khai thác sử dụng, phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục.

13. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong việc sử dụng sách giáo khoa hiệu quả.