Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 133/2005/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 04 tháng 07 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH - DỊCH VỤ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/1l/2003;

- Căn cứ Quyết định số 63/2004/QĐ-UB ngày 07/4/2004 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và quản lý thu thuế của ngành thuế Lâm Đồng đến năm 2010;

- Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng tại Tờ trình số 747/TT-CT ngày 21/6/2005,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Đổi mới quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh du lịch - dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010.

Điều 2. Giao Cục trưởng Cục Thuế căn cứ nội dung đề án đã được ban hành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện theo đúng quy định.

Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Du Lịch và Thương mại và các sở ban, ngành có liên quan; UBND các huyện, Thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt và các tổ chức, đơn vị có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Cục Thuế tỉnh triển khai thực hiện Đề án kèm theo quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Du Lịch và Thương mại; Cục Trưởng Cục Thuế, Chủ tịch UBND các huyện, Thị xã Bảo Lộc, Thành phố Đà Lạt và thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Quang Thái

 

ĐỀ ÁN

ĐỔI MỚI QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH - DỊCH VỤ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2010
(Kèm theo Quyết định số 133/2005/QĐ-UB ngày 04/7/2005 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

PHẦN THỨ NHẤT

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH - DỊCH VỤ DU LỊCH TRONG CÁC NĂM 2001 – 2004

Du lịch - Dịch vụ Du lịch là một bộ phận quan trọng của kinh tế du lịch Tỉnh Lâm Đồng, đã được xác định qua Nghị quyết các kỳ Đại hội của Tỉnh Đảng bộ và Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 20/11/2001 của Tỉnh uỷ và kế hoạch số 54/KH-UB ngày 07/01/2002 của UBND Tỉnh Lâm Đồng về phát triển kinh tế du lịch thời kỳ 2001 - 2005 và định hướng đến năm 2010.

Thực hiện chủ trương nêu trên, nhiều năm qua Tỉnh đã tập trung tạo mọi điều kiện cần thiết để đẩy mạnh tốc độ phát triển du lịch và dịch vụ du lịch. Hệ thống kết cấu hạ tầng đã được chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp bước đầu đã tạo được sự hấp dẫn đối với du khách. Số lượng khách du lịch hàng năm đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Đây chính là tiền đề để thúc đẩy ngành du lịch của Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ.

Hoạt động kinh doanh du lịch ngày nay không chỉ đơn thuần là nghỉ dưỡng, mà được đa dạng hoá ở nhiều loại hình dịch vụ, phục vụ nhu cầu của khách và ở địa phương đã phát triển nhiều loại hình kinh doanh như: khách sạn, nhà hàng, ăn uống, tham quan danh lam thắng cảnh, các tour lữ hành trọn gói và bán hàng đặc sản lưu niệm...từ đó, đã thu hút được đông đảo lượng khách du lịch đến Lâm Đồng và nguồn thu thuế ngày càng tăng.

I. Kết quả thực hiện quản lý thu thuế qua các năm 2001 - 2004:

1. Hoạt động kinh doanh khách sạn nhà nghỉ:

Tính đến 31/12/2004 số lượng khách sạn nhà nghỉ trên địa bàn Lâm Đồng có 522 doanh nghiệp, hộ kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ; Trong đó DNNN và cổ phần hoá DNNN nắm giữ hơn 50% vốn với 26 DNNN, 1 DN ĐTNN; 495 DNNQD (2 Công ty cổ phần, 12 công ty T'NHH; 217 Doanh nghiệp tư nhân; 2 cơ sở là tổ chức kinh tế), 3 HTX có 151 khách sạn, nhà nghỉ và 111 hộ kinh doanh cá thể. Ngoài ra còn có hơn 800 nhà trọ sinh viên.

- Số lượng khách sạn, nhà nghỉ tuy nhiều nhưng quy mô còn nhỏ, lẻ, chất lượng phục vụ chưa cao, chỉ có một số khách sạn,.nhà nghỉ mới xây dựng trong các năm gần đây là đáp ứng được nhu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn. Hệ thống nhà nghỉ trong các hợp tác xã đông về số lượng nhưng khả năng cạnh tranh, chất lượng dịch vụ còn ở trình độ thấp, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú còn diễn biến phức tạp.

- Cơ sở vật chất của hệ thống cơ sở lưu trú có bước chuyển biến về số lượng nhưng chất lượng và trình độ, phong cách phục vụ của các doanh nghiệp kinh doanh, khách sạn nhà nghỉ, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn hạn chế, lực lượng lao động được quan tâm bồi dưỡng nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Lượng khách du lịch đến tham quan Đà Lạt không có tính ổn định, phụ thuộc theo mùa, thường tập trung quá đông vào các thời điểm Lễ, Tết trong khi lượng nhà nghỉ khách sạn không cung ứng đủ. Chính quyền địa. phương cho phép nhân dân tận dụng các phòng ốc của nhà mình sửa sang lại để đón khách.

- Do thường xuyên xảy ra khủng hoảng thừa và thiếu chỗ ở, dẫn đến việc cạnh tranh hết sức gay gắt, tạo nên một môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh. Việc giảm giá, chi tiền môi giới cao cho những người dẫn khách đã làm tăng chi phí của các khách sạn, nhà nghỉ dẫn đến việc chủ khách sạn, nhà nghỉ tìm mọi cách để trốn thuế như: đăng ký không đủ lượng khách nghỉ, ghi hoá đơn không đúng giá thực tế để dấu doanh thu...nhằm trốn thuế.

Kết quả quản lý thu thuế các năm từ 2001 đến 2004:

Năm     Tổng số ngày khách       Doanh thu                      Số thuế             tỷ trọng/

Lưu trú              (1000đ)                                                Thuế phí

2001     972.396                        51.906.091                    5.289.573          1,8%

2002     1.256.249                     64.612.828                    6.161.965          1,9%

2003     1.484.551                     69.641.635                    6.401.206          1,5%

2004     1.621.770                     88.693.339                    8.939.065          1,5%

Qua quản lý thu thuế các năm 2001-2004 ở lĩnh vực khách sạn-nhà nghỉ, thì :

- Số ngày khách lưu trú hàng năm đều tăng so năm trước: Năm 2002 bằng 129% so năm 2001; Năm 2003 bằng 118% so năm 2002; Năm 2004 bằng 109% so năm 2003;

- Doanh thu kê khai tính thuế năm 2002 bằng 125% so năm 2001; Doanh thu năm 2003 bằng 108% so năm 2002; Doanh thu năm 2004 bằng 127% so năm 2003;

- Số thuế năm sau đều tăng so năm trước: Năm 2001 chiếm tỷ trọng 1,8% trên tổng số thu về thuế phí; Năm 2002 tăng 16% so năm 2001, chiếm tỷ trọng 1,9% trên tổng số thu về thuế phí; Năm 2003 tăng 4% so năm 2002, chiếm tỷ trọng 1,5% trên tổng số thu về thuế phí; Năm 2004 tăng 40%, chiếm tỷ trọng 1,5% trên tổng số thu về thuế phí.

2. Các loại hình hoạt động dịch vụ du lịch khác:

Bên cạnh hoạt động khách sạn, nhà nghỉ thì các loại hình dịch vụ du lịch của Tỉnh cũng đã có bước phát triển; Tuy nhiên, trong thời gian qua hoạt động này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có; chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, loại hình du lịch còn đơn điệu, khả năng cạnh tranh thấp, chưa tạo được nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh và bền vững; tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành tuy có tăng nhưng chưa mang tính đột phá và chưa đạt so với mục tiêu mà Tỉnh đã đề ra, mức đóng góp của ngành dịch vụ - du lịch vào GDP còn thấp. Riêng năm 2004 tổng doanh thu về du lịch và dịch vụ đạt 897 tỷ đồng (trong đó riêng đối với lĩnh vực du lịch và dịch vụ mang tính chất phục vụ du lịch có doanh thu 530 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 10,5% GDP của Tỉnh và thuế đã huy động vào NSNN 45,9 tỷ đồng, chiếm 5,08% tổng thu NSNN, chiếm 7,83% trong tổng thu về thuế phí; Trong đó tổng doanh thu dịch vụ 441 tỷ đồng, thuế đã nộp vào NSNN là 37 tỷ đồng.

Kết quả quản lý thu thuế hoạt động dịch vụ năm 2004:

Loại dịch vụ                               Doanh thu                     Số thuế             tỷ trọng/

(tỷ đ)                             (tỷ đ)                Thuế phí

- Ăn uống                                  161,0                           12,4                 2,12%

- Massage-Karaoke                    3,3                               0,7                   0,12%

- ảnh màu                                  4,7                               0,5                   0,09%

- Tham quan                              16,0                             0,8                   0,14%

Tổng:                                       185                              14,4                 2,45%

Như vậy, tính riêng năm 2004 thu từ hoạt động kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch được 23,4 tỷ, chiếm 4% tổng thu về thuế phí.

II. Nguyên nhân đạt được trong công tác quản lý:

- Thường xuyên được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ và UBND Tỉnh trong hoạt động du lịch - dịch vụ du lịch, sự phối hợp tương đối tốt của các ngành liên quan trong công tác quản lý thu thuế.

- Luật Doanh nghiệp tạo sự thông thoáng trong kinh doanh, UBND Tỉnh đã ban hành quyết định 07/2000/QĐ-UB ngày 13/1/2000 " Bãi bỏ các quyết định về giá buồng phòng đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú khách du lịch trên địa bàn Tỉnh Lâm Đồng". Khẳng định việc bãi bỏ các quyết định giá tối thiểu vào năm 2000 là phù hợp, tạo sự tự chủ trong kinh doanh dịch vụ lưu trú và phù hợp với quy luật cạnh tranh của cơ chế thị trường; Ngay sau khi UBND tỉnh bãi bỏ giá buồng phòng tối thiểu để các cơ sở kinh doanh tự định giá buồng phòng cho thuê, Cơ quan Thuế đã kịp thời có hướng dẫn thống nhất thực hiện các biện pháp quản lý như kê khai đăng ký niêm yết giá, đăng ký khách.

- Nhằm tăng cường sự quản lý nhà nước mọi mặt về hoạt động du lịch trên địa bàn. UBND Tỉnh đã chỉ đạo Cục thuế Lâm Đồng tiến hành phân cấp các DN hoạt động khách sạn, nhà nghỉ cho các địa phương quản lý; Đồng thời ngành thuế đã thành lập các đội thuế chuyên quản lý các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động du lịch - dịch vụ du lịch để đảm bảo việc quản lý tập trung và phối hợp với các ban ngành của huyện, thị thành trong việc hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát để đưa hoạt động kinh doanh này đi vào nề nếp, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước.

- Qua việc phân loại khách sạn nhà nghỉ chia thành các hạng khách sạn đạt tiêu chuẩn sao và các nhà nghỉ khách sạn theo loại A, B, C theo thang điểm của Tổng cục Du lịch và thực hiện Nghị định 39/2000/NĐ-CP về phân loại, hạng cơ sở lưu trú, ngành du lịch đã phối hợp với các ngành cơ bản thực hiện tốt công tác phân hạng cơ sở lưu trú trên địa bàn Tỉnh, tính đến nay đã phận hạng được 45 khách sạn đạt tiêu chuẩn sao và 358 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn tối thiểu. Trên cơ sở đó cơ quan thuế có căn cứ để tổ chức quản lý thu thuế, xác định giá cả dịch vụ phù hợp.

- Các ngành chức năng như cơ quan Công an, Quản lý thị trường, thuế đã tiến hành phối hợp thực hiện kiểm tra việc chống quay vòng vé ở các điểm tham quan; kiểm tra việc niêm yết giá và thực hiện thu đúng giá niêm yết khi cung cấp dịch vụ lưu trú của các cơ sở kinh doanh, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Việc kiểm tra đột xuất góp phần ngăn chặn việc dấu khách, dấu doanh thu để trốn thuế của các cơ sở kinh doanh.

III. Những tồn tại và hạn chế trong công tác quản lý.

Bên cạnh những kết quả đạt được trên đây; thì trong thực tế hoạt động kinh doanh du lịch - dịch vụ du lịch còn những mặt hạn chế tồn tại trong công tác quản lý thuế, đó là:

- Việc thực hiện nguyên tắc tự kê khai, tự tính thuế và nộp thuế của các doanh nghiệp đã nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở kinh doanh. Nhưng bên cạnh đó các cơ sở kinh doanh thường đăng ký giá thấp hơn giá thực tế thu của khách hàng và đã xuất hoá đơn không trung thực nhằm mục đích trốn thuế.

- Công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch - dịch vụ du lịch, đặc biệt là kinh doanh khách sạn nhà nghỉ chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan, không kịp thời và hiệu quả không cao; Mặt khác doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của Luật doanh nghiệp để tránh sự kiểm tra, qua đó thực hiện dấu khách không đăng ký, dấu doanh thu, ghi hoá đơn không đúng với giá thực thu của khách hàng; cơ sở kinh doanh tự nâng giá ăn uống, quay vòng vé ở các điểm tham quan, massage. .. diễn ra thường xuyên nhưng chưa có biện pháp kiểm tra xử lý.

- Các loại hình du lịch dịch vụ khác ngoài hoạt động kinh doanh lưu trú như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị - hội thảo chưa được quản lý chặt chẽ.

- Việc Luật thuế khống chế các khoản chi phí tiếp thị, quảng cáo không vượt 10% trên tổng chi phí cũng làm cho việc quảng bá du lịch nhằm thu hút khách về địa phương bị hạn chế. Các ngành trong Tỉnh như Sở KH& ĐT, Công an Tỉnh, Thuế, UBND huyện, thị xã, thành phố chưa có quy chế phối hợp liên ngành trong công tác hậu kiểm để thẩm định năng lực thực tế của doanh nghiệp.

IV. Những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn quản lý ở địa phương:

- Đối với những lĩnh vực khá nhạy cảm như hoạt động kinh doanh du lịch - dịch vụ, một mặt phải đảm bảo tranh thủ cảm tình của du khách đối với địa phương, mặt khác phải đảm bảo cho yêu cầu công tác quản lý của ngành chức năng, đồng thời phải đảm bảo nguồn thu cho NSNN. Do đó đòi hỏi phải được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.

- Hoạt động kinh doanh du lịch - dịch vụ du lịch, đặc biệt là kinh doanh lưu trú là một lĩnh vực hoạt động thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Trong đó khu vực NQD trong các năm gần đây đã phát triển một cách ồ ạt không có một quy hoạch định hướng nên việc cạnh tranh, giành giật khách nhất là đối với những cơ sở kinh doanh vay tiền ngân hàng đê đầu tư thì bằng mọi cách thu hút nguồn khách về cho mình qua các thủ thuật đón khách thông qua "cò du lịch", hoặc chi tiền cho người môi giới, chi cho lái xe, lãnh đạo các đoàn khách, đã làm tăng chi phí kinh doanh. Từ đó cơ sở tìm mọi cách dấu khách, dấu doanh thu, trốn thuế để vừa bù đắp vào những khoản chi phí đó vừa bảo đảm có được lợi nhuận. Vì vậy quản lý thu thuế đối với các cơ sở kinh doanh khách sạn - nhà nghỉ trong tình hình hiện nay là rất khó khăn, yêu cầu chính quyền địa phương các cấp, cơ quan thuế và các ngành liên quan phải kiên trì và thường xuyên tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các quy định về thực hiện đăng ký giá, đăng ký khách lưu trú cũng như việc kê khai thuế hàng tháng của các cơ sở.

- Để các cơ sở thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước, kê khai giá sát đúng với thực tế kinh doanh thì cần phải thông qua các hoạt động của hiệp hội du lịch, các Hợp tác xã dịch vụ du lịch, hiệp hội ngành nghề có liên quan đến du lịch... để vừa nắm chắc các hoạt động của chủ doanh nghiệp khách sạn, trên cơ sở tiếp tục bổ sung các biện pháp quản lý các hoạt động như du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn, trọn gói và các dịch vụ khác như ăn uống, massage, karaoke, ảnh màu, tham quan....

PHẦN THỨ HAI

NHỮNG NỘI DUNG ĐỔI MỚI VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ THU THUẾ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH - DỊCH VỤ ĐẾN NĂM 2010

I. Mục tiêu phát triển kinh tế và quản lý thu thuế đối với du lịch và dịch vụ du lịch từ nay đến năm 2010:

- Đưa kinh tế du lịch phát triển theo hướng nhanh và bền vững, tập trung đầu tư phát triển Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành một trung tâm du lịch Quốc gia và Quốc tế. Quản lý kết hợp giữa quy hoạch chiến lược với quy luật cung cầu cạnh tranh, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ du lịch hiện có, phát triển các sản phẩm mới, nhất là các loại hình du lịch lữ hành, sinh thái, dã ngoại, văn hoá, du lịch hội nghị, hội thảo. Sớm đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của Tỉnh, thông qua đó đẩy mạnh việc giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm công nông nghiệp đặc thù của địa phương.

- Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án đã được triển khai thực hiện và các dự án lớn đã được quy hoạch phê duyệt như khu du lịch trọng điểm Đankia-Suối Vàng, khu hồ Tuyền Lâm, nài voi, khu du lịch sinh thái Cam Ly - Manline, rừng Đạ Chay, Đạ Sar, khu du lịch thác Đamb'ri, khu du lịch sinh thái văn hoá Cát Tiên....

- Nâng cao hiệu quả của các cơ quan quản lý Nhà nước và trách nhiệm của hiệp hội du lịch gắn lợi ích của người kinh doanh với việc chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế du lịch, chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nâng giá phá giá làm rối loạn thị trường.

- Tăng tích tụ và tích luỹ vốn để tái đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng, mật độ đường giao thông, phát triển mạnh hệ thống thông tin liên lạc, bảo vệ được môi trường sinh thái.

- Nhanh chóng hiện đại hoá và nâng cao năng lực của bộ máy quản lý thuế, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi gian lận thuế, công tác thuế là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân do vậy các cấp, các ngành, hiệp hội du lịch đều có trách nhiệm cùng ngành thuế thực hiện công tác quản lý và thu thuế.

- Phấn đấu đến năm 2010 sự đóng góp vào GDP của kinh tế du lịch tăng ít nhất từ 2 đến 2,5 lần so với năm 2005 và thu ngân sách ở lĩnh vực này cũng phải tăng tương ứng, nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm phải đạt từ 15% đến 20%.

II. Nội dung đổi mới:

Xuất phát từ những kết quả đạt được và tồn tại trong thời gian qua, nhằm đưa hoạt động kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch hoạt động đúng định hướng, đạt hiệu quả cao, hạn chế tiêu cực, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà Nước - tăng trưởng kinh tế gắn liền với công bằng xã hội đòi hỏi phải có sự đổi mới hoạt động và quản lý đối với kinh tế du lịch nhất là trong giai đoạn từ nay đến năm 2010. Việc đổi mới tập trung chủ yếu vào một số nội dung sau:

1. Đổi mới cơ chế quản lý:

Đổi mới cơ chế quản lý phải trên tinh thần hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế, theo hướng mở rộng thị trường phục vụ tối đa cho sự nghiệp phát triển kinh tế.

- Do kinh tế du lịch mang tính tự phát, nguồn vốn đầu tư chủ yếu dựa vào nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, nên để huy động vốn và sử dụng vốn tối ưu cần phải hoàn thiện hơn nữa chính sách kêu gọi đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư hiện có nhằm thu hút mạnh nguồn vốn trong và ngoài nước. Môi trường đầu tư phải thông thoáng, hấp dẫn, công khai các khu quy hoạch du lịch mới, xây dựng tiêu chuẩn và điều kiện tối thiểu cần có từ cơ sở vật chất - kỹ thuật trên yếu tố con người để tham gia hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực này. Các doanh nghiệp đầu tư mới phải được hướng ưu đãi đúng, đủ và kịp thời theo quy định chung của Nhà nước, môi trường pháp lý đầu tư phải đồng bộ, tránh các thủ tục phiền hà phức tạp nhất là ở các khâu thành lập, cấp phép, nên tập trung một đầu mối từ Sở Kế Hoạch và Đầu Tư hoặc từ các Ban Quản Lý Dự án. Các ngành trong Tỉnh với chức năng nhiệm vụ của mình phải có trách nhiệm trong việc xúc tiến đầu tư quảng bá du lịch và dịch vụ du lịch của Tỉnh.

- Đối với hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch dưới tán rừng, du lịch dã ngoại danh lam thắng cảnh gắn việc giao đất giao rừng được kinh doanh ổn định còn phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về chi phí quản lý bảo vệ rừng, doanh nghiệp ngoài thu được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính còn quy định doanh nghiệp được hưởng những quyền lợi từ rừng, đồng thời phải thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Xoá bỏ ngay phương thức tiếp thị "cò", giành giật khách, thiết lập và lập lại nét đẹp văn hoá vốn có của người Đà Lạt. Nhằm hạn chế việc dấu khách, trốn khách, không đăng ký khách, cơ quan Công an mở rộng nhiều hình thức đăng ký khách như đến đăng ký tại cơ quan Công an, đăng ký qua mạng thông tin. Sở Thương Mại Du Lịch cần có quy chế hướng dẫn đăng ký giá và niêm yết giá cụ thể, tránh trường hợp mùa vắng khách thì hạ giá cho thuê để tranh giành khách, mùa đông khách thì nâng giá để móc túi khách hàng. Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chế độ đăng ký giá, niêm yết giá, các đơn vị làm tốt cần được khuyến khích tuyên dương, khen thưởng kịp thời cả vật chất lẫn tinh thần.

- Khẩn trương tiến hành phân loại doanh nghiệp theo quy mô và theo tiêu thức tốt, khá, trung bình để có biện pháp hỗ trợ và quản lý phù hợp, tránh tình trạng doanh nghiệp có xu hướng giải thể để hoạt động theo hình thức cá thể.

- Thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch - dịch vụ phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch, chặt chẽ và đồng bộ.

2. Xác lập mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý Nhà Nước với vai trò của Hiệp Hội Du Lịch:

- Đó là sự kết hợp giữa sức mạnh của Nhà Nước với sức mạnh của đại diện hợp pháp của doanh nghiệp nhằm đưa hoạt động du lịch phát triển theo đúng định hướng của Tỉnh. Do vậy hoạt động của các Hiệp Hội không thể thoát ly khỏi việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và việc thực hiện nghiêm túc các quy định của hệ thống pháp luật và các quy định của Tỉnh.

- Hiệp Hội du lịch thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà Nước với các doanh nghiệp, đồng thời cùng với cơ quan quản lý Nhà Nước trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Tỉnh về phát triển kinh tế du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, phổ biến kinh nghiệm quản lý tiên tiến - đẩy lùi các hình thức cạnh tranh không lành mạnh, thiếu văn hoá.

3. Phân cấp uỷ quyền thu:

- Thực tiễn hiện nay, trừ thành phần kinh tế Nhà Nước và thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô kinh doanh lớn, được tổ chức bài bản. Kinh tế tập thể, HTX chủ yếu làm dịch vụ phục vụ cho hoạt động kinh doanh của từng thành viên trong HTX. và thực hiện nhiệm vụ tập trung tiền thuế để nộp vào NSNN. DNTN, kinh tế cá thể chủ yếu là tận dụng nguồn lực tài chính nhàn rỗi để xây dựng khách sạn, nhà nghỉ đưa vào kinh doanh - do vậy mức độ, quy mô kinh doanh nhỏ và hiệu quả kinh doanh không cao. Trên cơ sở tiêu thức phân cấp doanh nghiệp đã được UBND có ý kiến chỉ đạo thực hiện; Ngành thuế chủ động phân loại những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có quy mô nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân và HTX, tiếp tục phân cấp cho Huyện, Thị xã, Thành Phố quản lý. Riêng các khách sạn không đạt chuẩn tối thiểu và các nhà trọ không thực hiện được SSKT, hoá đơn chứng từ thì nghiên cứu trình Tỉnh uỷ quyền cho xã phường thị trấn thu. Các khoản thu được từ các đối tượng này UBND Tỉnh sẽ xem xét cấp lại cho đơn vị được phân cấp nhằm tạo điều kiện kích thích quản lý, khai thác hết nguồn thu ở cơ sở.

4. Đổi mới công tác quản lý thu thuế:

- Do đặc thù của sản phẩm kinh tế du lịch không tồn tại dưới dạng vật chất cụ thể nên phải có phương thức quản lý cho phù hợp kể cả khách sạn và các loại hình dịch vụ khác. Ngành thuế phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành để tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Trong đó vai trò của cơ quan Công an, quản lý thị trường và chính quyền cơ sở là hết sức quan trọng.

- Tất cả các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch đều phải thực hiện nghiêm túc việc sử dụng hoá đơn chứng từ, ghi chép SSKT và hạch toán kế toán để tiến tới tự tính thuế, tự kê khai và tự nộp thuế vào NSNN. Những cơ sở không thực hiện được cơ chế tự khai, tự nộp sẽ phân cấp cho huyện, thị xã thành phố hoặc uỷ quyền thu cho xã, phường, thị trấn.

- Đẩy mạnh công tác tư vấn về thuế, giúp cho đối tượng nộp thuế hiểu biết về hạch toán kinh tế, hạch toán kế toán, từng bước phát huy tính chủ động về khả năng kinh doanh, khả năng tài chính trong việc quản lý và hoạch định các chương trình đầu tư và phát triển kế hoạch thu nộp ngân sách thông qua kết quả hoạt động SXKD của mình và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật Nhà Nước về kết quả đó; Đồng thời tăng cường trách nhiệm, quyền hạn kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước để đảm bảo các luật thuế được thực thi nghiêm túc.

- Ngành thuế phải vận dụng có hiệu quả quy trình quản lý của ngành với quy định của địa phương để hoàn chỉnh cơ chế quản lý thuế, hạn chế đến mức thấp nhất hộ kinh doanh khoán thuế.

III. Biện pháp tổ chức thực hiện:

1. Nhóm biện pháp về thực hiện cơ chế quản lý, chính sách:

Xuất phát từ quan điểm mục tiêu và nội dung đổi mới, việc phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ của Lâm Đồng là đòi hỏi cấp thiết, phù hợp với thực tiễn, cơ cấu định hướng kinh tế của Tỉnh. Do vậy các cấp, các ngành với chức năng quản lý cần có chương trình nâng cao chất lượng dịch vụ hiện có, phát triển mạnh các sản phẩm du lịch mới theo hướng đa dạng, nhất là phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo. Từng bước nâng dần tỷ trong kinh tế du lịch trong GDP cũng như số thu về kinh tế du lịch trong tổng thu Ngân sách.

Các cấp các ngành nghiêm túc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng một cửa, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, ổn định, khuyến khích phát triển SXKD của các thành phần kinh tế, trong đó chú ý thí điểm mô hình công ty mẹ và công ty con đối với DNNN làm nòng cốt trung tâm cho định hướng phát triển kinh tế du lịch của Tỉnh.

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ở các khu du lịch đã được quy hoạch gồm đường giao thông, điện, thông tin liên lạc khác, tạo tiền đề cho các nhà kinh doanh mạnh dạn bỏ vốn đầu tư. Du lịch nghỉ dưỡng gắn liền với hoạt động chăm sóc và phục hồi sức khoẻ thì mới phát huy hết lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng Đà Lạt. Tổ chức các tour du lịch, tuyến tham quan dã ngoại, nghiên cứu văn hoá dân tộc, thể thao leo núi, dù lượn... làm đa dạng hoá các loại hình du lịch ở địa phương.

Lựa chọn và tổ chức các lễ hội truyền thống, đặc biệt là lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thu hút khách trong và ngoài nước, mặt khác việc tạo điều kiện cho sự hấp dẫn của du lịch làm tăng ngày khách lưu trú là hết sức có ý nghĩa trong việc thúc đẩy kinh tế du lịch tăng trưởng.

Hệ thống thể chế quản lý kinh tế phải được cải cách đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển SXKD, thông qua đó kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp trong việc thực hiện Luật thuế, Luật kế toán, Pháp lệnh giá, chế độ in phát hành và quản lý sử dụng hoá đơn chứng từ.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành để triển khai thực hiện tốt chỉ thị 15/2005/CT-TTg ngày 15/04/2005 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp xử lý nợ đọng và chống thất thu ngân sách nhà nước.

2. Nhóm biện pháp về quản lý các hiệp hội:

Hiệp hội du lịch phải có nghĩa vụ đóng góp cho sự nghiệp phát triển du lịch của Lâm Đồng bằng nhiều hình thức như định hướng phát triển, quảng bá du lịch, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về hoạt động du lịch. Vận động hình thành các hình thức kinh doanh du lịch, dịch vụ đa dạng, hiệu quả để cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người kinh doanh và du khách. Củng cố và phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch và các Chi hội thành viên - tổ chức xã hội xã hội nghề nghiệp của những người làm nghề kinh doanh dịch vụ du lịch. Làm cho tổ chức này xứng đáng là diễn đàn của những người cùng làm trong nghề, cùng tạo điều kiện, trao đổi, học tập và giám sát lẫn nhau nhằm hạn chế tiêu cực và cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh hợp tác hỗ trợ để cùng phát triển.

Trên cơ sở quy luật cung cầu, thông qua hiệp hội các doanh nghiệp thống nhất một phương thức cạnh tranh. Phối hợp cùng các sở, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện quản lý giá khách sạn có hiệu quả, không những đóng góp tích cực nguồn thu cho NSNN mà còn góp phần làm tăng thu nhập của cộng đồng.

3. Nhóm biện pháp của các cơ quan quản lý Nhà nước:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì cùng sở ngành xây dựng cơ chế thu hút vốn đầu tư, các chế độ ưu đãi đầu tư mới. Triển khai công tác thẩm định các quy hoạch của các dự án thuộc chương trình phát triển du lịch của tỉnh từ nay đến năm 2010. Phối hợp với UBND TP Đà Lạt, Cục Thuế xem xét lại việc doanh nghiệp xin giải thể xuống kinh doanh hộ cá thể để nộp thuế khoán có ảnh hưởng gì đến nguồn lực đầu tư hay không,

- Sở Tài nguyên và môi trường chủ động soát xét quy hoạch sử dụng đất, thông báo công khai khu quy hoạch du lịch ổn định lâu dài, tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư được thuê đất, giao đất theo quy định.

- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng quy chế giao đất giao rừng, gắn với phát triển du lịch dã ngoại, sinh thái, soát xét lại 32 khu điểm, khu du lịch sinh thái hiện có để thúc đẩy việc đầu tư theo dự án được duyệt. Quy định thời hạn giao đất, giao rừng, trách nhiệm và quyền lợi người được giao đất rừng. Song song đó những đất rừng đã được giao để phát triển kinh tế du lịch, nhưng quá thời hạn mà chưa triển khai thực hiện dự án, cần phải kiên quyết thu hồi, không để tình trạng chiếm giữ đất rừng sử dụng sai mục đích.

- Sở Du lịch và thương mại có biện pháp phát triển toàn diện kinh tế du lịch cùng với Sở Xây dựng, sở Tài nguyên Môi trường quy hoạch phát triển các khu du lịch mới đa dạng phong phú, hấp dẫn. Phối hợp cùng với Sở văn hoá thông tin lựa chọn và tổ chức thường kỳ các lễ hội dân tộc truyền thống mang đậm bản sắc Tây Nguyên. Tổ chức quảng bá các sản phẩm du lịch của Đà Lạt - Lâm Đồng trên mọi phương tiện thông tin, trực tiếp, tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch của các tỉnh bạn, của các nước trong khu vực và phổ biến kinh nghiệm đó đến từng tổ chức cá nhân làm kinh tế du lịch. Phối hợp với UBND Thành phố Đà Lạt, Sở xây dựng, Cục Thuế tiến hành phân loại khách sạn, nhà hàng theo quy mô và địa điểm để quản lý thuế được tốt hơn, chậm nhất phải hoàn chỉnh đến cuối năm 2005. Có đề án trình Tỉnh cần đầu tư phát triển những lĩnh vực ngành nghề nào bổ trợ cho hoạt động du lịch và hiệu quả mang lại từ việc đầu tư đó. Phối hợp với các ngành chức năng xây dựng quy chế thưởng cho các cơ sở kinh doanh du lịch có nhiều thành tích trong công tác phát triển du lịch Tỉnh nhà. Tham gia cùng các ngành chức năng đề xuất phương án xác định giá tính thuế tối thiểu thay cho phương án tính thuế hiện tại đang áp dụng tại địa bàn Đà Lạt

- Các Ban quản lý dự án khu du lịch hồ Tuyền Lâm, DanKia Suối Vàng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình, cố gắng đưa các dự án vào hoạt động đúng thời gian kế hoạch có hiệu quả.

- Sở Văn Hoá Thông Tin - Đài phát thanh truyền hình thường xuyên mở các cuộc vận động, tuyên truyền trong toàn thành phố về xã hội hoá du lịch. Những cơ sở kinh doanh, cá nhân làm du lịch cần phải đổi mới phong cách, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ uy tín ngành, của cơ sở và cá nhân đối với du khách. Những tổ chức, cá nhân làm các dịch vụ khác phục vụ đời sống chung, du khách nói riêng như thương mại, vận chuyển, dịch vụ cũng phải làm ăn chính đáng đúng pháp luật, giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt. Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng gia đình, khu phố, thôn, cơ quan văn hoá. Có nhiều biện pháp sinh động để giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt, làm cho thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp. Mọi công dân phải ứng xử với tư cách là người chủ nhà thành phố du lịch. Tăng cường tuyên truyền quảng bá về Đà Lạt và du lịch Đà Lạt để nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết về du lịch Đà Lạt. Trên cơ sở kế hoạch chỉ đạo chung của chính quyền, mỗi cơ sở kinh doanh tìm kiếm những hình thức, nội dung giới thiệu quảng bá về du lịch.

- Công an Tỉnh chủ động xây dựng quy chế quản lý an ninh trật tự về khai báo đăng ký khách đi và đến theo hướng hiện đại, chặt chẽ tránh làm phiền hà cho du khách nhất là khách quốc tế, tham gia cùng các địa phương giải quyết dứt điểm các tệ nạn xã hội.

- UBND các huyện, thị xã thành phố phối hợp cùng các sở ngành xây dựng phát triển các làng nghề phục vụ du lịch ở các địa phương như dự án làng nghề dệt thổ cẩm ( Lạc Dương, Đức Trọng ); dự án làng nghề gốm B'Ro ( Đơn Dương ); dự án làng nghề đan lát mây tre lá (ĐạHuoai ); dự án làng nghề tranh thêu tay (Đà Lạt ); khu giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ tại Đà Lạt. Chủ trì cùng các ngành liên quan thực hiện giải phóng mặt bằng trong đó tập trung giải toả các công trình khu du lịch Tuyền lâm, ĐanKia - Suối Vàng...

4. Nhóm biện pháp quản lý cơ quan thuế:

Cục Thuế Tỉnh sớm xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành để triển khai thực hiện tốt chỉ thị 15/2005/CT-TTg ngày 15/04/2005 của Thủ tướng Chính Phủ về các biện pháp xử lý nợ đọng và chống thất thu ngân sách nhà nước.

- Tiếp tục xem xét phân cấp quản lý thu đối với doanh nghiệp khách sạn, nhà nghỉ cho phù hợp thực tế với địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện việc tuân thủ pháp luật về thuế, động thời nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Từng bước triển khai thí điểm cơ chế quản lý thu thuế theo phương thức tự khai, tự nộp theo lộ trình cải cách thuế của Nhà nước, nhằm phát huy được tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm trước Pháp luật của các doanh nghiệp về kết quả SXKD và thực hiện chế độ thu nộp thuế đối với NSNN.

- Về công tác hành thu phải tổ chức triển khai kịp thời các văn bản điều hành thu Ngân sách của Nhà nước, phải thường xuyên bám sát hoạt động kinh doanh của tổ chức cá nhân có tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch. Chủ động bám sát thực tế cơ sở, nắm chắc thông tin đối tượng cần quản lý. Rà soát hoạt động của các nhà khách, nhà nghỉ của các đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị hành chính sự nghiệp, bảo đảm đưa tất cả các đơn vị này vào diện quản lý thu thuế, mọi thành phần kinh tế có kinh doanh phải bình đẳng trong việc thực hiện pháp luật thuế. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống tài chính, nhất là với kho bạc Nhà nước để huy động tiền thuế kịp thời vào NSNN.

- Chủ trì để phối hợp cùng Sở Du lịch và Thương mại, UBND thành phố Đà Lạt hướng dẫn xác định giá tính thuế tối thiểu đối với hoạt động lưu trú trên địa bàn Tỉnh theo nội dung văn bản số 5524/UB ngày 31/12/2004 của UBND Tỉnh.

- Cần nghiên cứu kỹ, toàn diện mô hình hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là việc khách trả tiền từ nước ngoài của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hoặc trả tiền từ ngoài Tỉnh đối với các doanh nghiệp ngoài Tỉnh nhưng phục vụ tại Lâm Đồng để quản lý hết doanh thu, thu nhập và thuế phải nộp thực tế có phát sinh tại địa phương.

- Công tác tập huấn và tuyên truyền: Thông qua công tác này làm cho cơ sở SXKD và người nộp thuế vừa phát huy được tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm đối với kết quả SXKD của mình, vừa am hiểu về các chính sách thuế để họ tự kê khai, tự tính và tự nộp thuế qua kết quả SXKD của mình vào NSNN. Do đó đòi hỏi cán bộ công tác ở lĩnh vực này từ tỉnh xuống cơ sở phải giỏi về nghiệp vụ, giỏi về công tác quản lý, am hiểu về tình hình kinh tế xã hội, cập nhật thông tin kịp thời phục vụ tốt công tác tư vấn cho ĐTNT.

- Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra trong và ngoài ngành. Thanh kiểm tra là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của công tác quản lý thuế nhằm phát hiện kịp thời nhưng vi phạm để giáo dục và ngăn chặn những hành vi không tuân thủ Pháp luật thuế và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp cố ý gian lận tiền thuế dưới mọi hình thức. Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra trong nội bộ ngành về việc thực hiện các quy trình quản lý, chấp hành kỷ cương kỷ luật ngành thuế. Đổi mới công tác quản lý cán bộ theo hướng quy định rõ trách nhiệm của từng cán bộ đối với nhiệm vụ được giao. Đánh giá cán bộ chủ yếu căn cứ vào kết quả công tác, vào việc hoàn thành khối lượng và chất lượng công việc được giao, coi trọng phẩm chất đạo đức chính trị, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Triển khai ứng dụng có hiệu quả các chương trình quản lý trên máy tính để phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo điều hành và quản lý thu thuế. Từng bước hoàn thiện tiến tới nối mạng với bộ phận tiếp nhận đăng ký tạm trú khách lưu trú của cơ quan công an, từ đó kịp thời kiểm tra phát hiện những cơ sở kinh doanh cố tình trốn khách, dấu khách.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời đề ra các biện pháp quản lý thuế hữu hiệu trên từng lĩnh vực du lịch dịch vụ, nhằm đạt được kết quả thu như lộ trình đã đề ra./.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 133/2005/QĐ-UBND về Đề án Đổi mới quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010

  • Số hiệu: 133/2005/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/07/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Trần Quang Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/07/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản