Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1302/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 03 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM ĐIỀU TRỊ CẮT CƠN, CAI NGHIỆN MA TÚY BẰNG THUỐC CEDEMEX TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09/12/2000;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy ngày 03/6/2008;

Căn cứ Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ về quy định tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng;

Căn cứ Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 2263/QĐ-UBND ngày 18/9/2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 928/TTr-LĐTBXH ngày 13 tháng 5 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thí điểm điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đính kèm Đề án số 929/ĐA-LĐTBXH ngày 13/5/2020).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Tài chính và các ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án này. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp, báo cáo đánh giá hiệu quả, kết quả thực hiện Đề án thí điểm điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng hàng năm, làm cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện trong năm kế tiếp và tổng kết 05 năm thực hiện Đề án này.

Hàng năm, căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách địa phương, giao Sở Tài chính thẩm định và tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; đồng thời, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện các hồ sơ, thủ tục và thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (03b);
- LĐVP, P. VHXH;
- Lưu: VT, tthuy (03b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Thanh Bình

 

UBND TỈNH KIÊN GIANG
SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Đ
ộc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 929/ĐA-LĐTBXH

Kiên Giang, ngày 13 tháng 5 năm 2020

 

ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM

ĐIỀU TRỊ CẮT CƠN, CAI NGHIỆN MA TÚY BẰNG THUỐC CEDEMEX TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Công văn số 1391/VP-VHXH ngày 16/3/2020 của Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang về việc kết quả thực hiện Đề án thí điểm điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2016- 2019 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thanh Bình;

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án thí điểm điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 -2025.

1. Tên Đề án: Thí điểm điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021- 2025:

2. Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Cơ quan phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện Đề án:

- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan;

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Đề án.

- Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo.

4. Địa bàn thực hiện Đề án:

Các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố trong tỉnh, (tập trung ở các xã, phường, thị trấn có tỷ lệ người nghiện ma túy cao).

5. Thời gian thực hiện: Đề án thực hiện trong 05 năm (từ năm 2021-2025) kể từ ngày triển khai.

6. Số lượng người nghiện ma túy tham gia thực hiện Đề án: Tổng số 200 người/số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có hồ sơ quản lý (tính đến 24/03/2020 có 2.484 người nghiện ma túy).

Phần 1

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Kiên Giang có dân số trên 1,8 triệu người, giáp với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia, trên 140 hòn đảo lớn nhỏ, có 03 huyện, thành phố giáp biên giới (thành phố Hà Tiên, huyện Giang Thành và huyện Phú Quốc), 01 cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, 01 cửa khẩu quốc gia Giang Thành; 02 Cảng hàng không (Rạch Giá, Phú Quốc); 05 đường tiểu ngạch trên bộ, có nhiều cảng biển tàu thuyền qua lại mua bán trao đổi hàng hóa, tham quan, du lịch, đánh bắt hải sản; vùng biên giới giáp Campuchia có 03 casinô, 01 trường đá gà...là tỉnh có nhiều tài nguyên khoáng sản đang được khai thác; có nhiều khu công nghiệp, nhiều trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề đóng trên địa bàn, nên hàng năm có hàng trăm ngàn người từ các tỉnh khác đến làm việc, lao động và học tập ở lưu trú và tham quan du lịch.

Bên cạnh những mặt tiến bộ, việc phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ du lịch vốn năng động sẽ không thể tránh khỏi việc phát sinh tệ nạn xã hội, là điều kiện để tội phạm về ma túy trao đổi, mua bán từ nước ngoài vào kể cả trên biển và trên đường bộ. Tình hình tệ nạn ma túy đang có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Mỗi năm số người nghiện tăng bình quân khoảng 12%. Tỷ lệ tái phạm, tái nghiện bình quân hàng năm trên 90%. Năm 2020 số người nghiện có hồ sơ quản lý 2.484 người tăng 1.264 người so với năm 2016 (nam chiếm 95%, nữ chiếm 5%); người nghiện từ 16 tuổi đến dưới 30 tuổi 48%, từ 30 tuổi trở lên 52%), phần lớn là lao động nông nghiệp, lao động tự do, việc làm không ổn định, sống phụ thuộc gia đình. Điều đáng lo ngại hiện nay là người nghiện ma túy có độ tuổi trẻ tăng rất nhanh (hơn 1,8 lần). Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên sử dụng các chất kích thích mới và tổ chức thành băng, nhóm, các em ở độ tuổi vị thành niên bỏ học lang thang, gây rối trật tự công cộng, bạo lực học đường.... diễn ra ngày càng phức tạp; một số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như: Nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, quán bar, cafe đèn mờ, karaoke, massge và nhiều hình thức kinh doanh khác để lợi dụng hoạt động mua bán ma túy.

Hằng năm, Cơ sở cai nghiện ma túy đã tổ chức cai nghiện cho trên 400 lượt người, đạt 18% tổng số người nghiện ma túy bằng cả hai hình thức là cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Trung bình một người nghiện được cai ít nhất là 01 lần, cao nhất 03 lần, song hiệu quả còn thấp, tỷ lệ không sử dụng lại ma túy dưới 20%.

Từ kết quả bước đầu triển khai thí điểm dùng thuốc Cedemex trong hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy cho 50 đối tượng tại gia đình, cộng đồng và Cơ sở cai nghiện ma túy giai đoạn từ năm 2016-2019 bằng nguồn ngân sách địa phương và nguồn vận động, đã có 28 người không còn sử dụng ma túy và lệ thuộc ma túy chiếm 56%, còn 44% số người sử dụng lại ma túy.

Nghiện ma túy là một căn bệnh đặc thù mang tính xã hội, để góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, phòng, chống tái nghiện cho người nghiện ma túy ở gia đình, cộng đồng theo hướng đổi mới công tác cai nghiện, phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính (năm 2012), đẩy mạnh công tác tư vấn và điều trị nghiện ma túy ở cộng đồng để giảm thiểu tác hại do ma túy gây nên, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, ngăn ngừa, phòng chống các loại tội phạm ở khu dân cư.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Luật phòng, chống ma túy ngày 19/12/2000; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy ngày 03/6/2008.

2. Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ, quy định tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

3. Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới.

4. Quyết định số 5635/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế về việc công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ “thuốc Cedemex trong hỗ trợ điều trị nghiện ma túy nhóm Opiates tại cộng đồng”.

5. Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 10/02/2012 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

6. Thông tư số 117/2017/TT-BTC ngày 06/11/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

7. Thông tư liên tịch số 124/2018/TT-BTC ngày 20/12/2018 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện.

8. Quyết định số 2263/QĐ-UBND ngày 18/9/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

9. Nghị quyết số 223/2019/NQ-HĐND ngày 26/7/2019 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ đối với người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện tai Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh.

III. THỰC TRẠNG THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH CAI NGHIỆN BẰNG THUỐC CEDEMEX Ở ĐỊA PHƯƠNG THỜI GIAN QUA

1. Mô hình cai nghiện tại 6 huyện, thành phố và Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh:

- Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện mô hình cai nghiện bằng thuốc Cedemex 06 huyện, thành phố tại 12 xã, phường, thị trấn (thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới huyện Phú Quốc; thị trấn Minh Lương và xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành; thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương; thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng; thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp; phường Vĩnh Lạc, Vĩnh Quang, An Hòa, Rạch Sỏi, Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá) với 18 cas.

- Tại Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh 32 cas.

2. Kết quả thí điểm mô hình điều trị cai nghiện bằng thuốc Cedemex:

* Có 28/50 người không còn sử dụng ma túy lệ thuộc ma túy, chiếm 56%. Mục tiêu của Đề án đề ra là 30% số cas thực hiện thành công. Vượt 26%.

* Có 22/50 người tham gia thực hiện thí điểm không thành công, chiếm 44%. Cụ thể:

+ 19 người tái nghiện. Trong đó (đang tiếp tục cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh 08 người; 11 người rời bỏ địa phương sống, không có nơi cư trú ổn định).

+ 03 người bị cơ quan Công an tạm giam về tội gây rối trật tự nơi công cộng và trộm cắp tài sản.

Phần hai

MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU, PHẠM VI ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu của Đề án:

1.1. Mục tiêu tổng quát:

Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ cắt cơn cai nghiện và điều trị nghiện ma túy ở tại gia đình, tại cộng đồng (nhóm Opiates); từng bước giảm dần số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy; kiềm chế sự gia tăng các tội phạm về ma túy và các tệ nạn xã hội khác; phòng ngừa sự lây lan đại dịch HIV/AIDS, giảm tác hại của ma túy đến sức khỏe, gia đình, xã hội và an ninh trật tự.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

- Nâng tỷ lệ không sử dụng lại ma túy đạt 50% trở lên (theo số lượng 200 người nghiện chất ma túy của Đề án này);

- Làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và gia đình có người nghiện ma túy, người nghiện ma túy hiểu một cách đầy đủ về căn bệnh nghiện ma túy, tác hại của tệ nạn ma túy;

- Nâng cao năng lực, kỹ năng tư vấn dự phòng và điều trị nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho tình nguyện viên và cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy.

2. Phạm vi và đối tượng thực hiện Đề án:

2.1. Phạm vi của Đề án: Thực hiện tại 35 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thành phố và Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh trong đó:

- Thành phố Rạch Giá: 09 phường (Vĩnh Lạc, Vĩnh Bảo, Vĩnh Quang, An Hòa, An Bình, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lợi; Rạch Sỏi và Vĩnh Thanh).

- Thành phố Hà Tiên: 03 phường (Bình San; Pháo Đài và Tô Châu).

- Huyện Phú Quốc: 02 thị trấn (thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới).

- Huyện Kiên Lương: 02 xã, thị trấn (thị trấn Kiên Lương và xã Bình Trị).

- Huyện Châu Thành: 03 xã, thị trấn (thị trấn Minh Lương; xã Mong Thọ và xã Vĩnh Hòa Hiệp).

- Huyện Giồng Riềng: 06 xã, thị trấn (thị trấn Giồng Riềng, xã Hòa Thuận, xã Thạnh Lộc, xã Ngọc Chúc, xã Thạnh Hưng và xã Hòa An).

- Huyện Tân Hiệp: 04 xã, thị trấn (thị trấn Tân Hiệp, xã Thạnh Đông A; Thạnh Đông B và xã Thạnh Trị).

- Huyện Hòn Đất: 02 xã, thị trấn (thị trấn Hòn Đất và xã Mỹ Lâm).

- Huyện Gò Quao: 03 xã, thị trấn (thị trấn Gò Quao; xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc và xã Vĩnh Hòa Hưng Nam).

- Huyện An Biên: 01 thị trấn (thị trấn Thứ Ba).

- Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh.

2.2. Đối tượng thực hiện Đề án:

a) Về số lượng:

Tổng số đối tượng thực hiện Đề án trong 05 năm là 200 người. Bình quân hằng năm là 40 người.

Ưu tiên lựa chọn hỗ trợ cho người nghiện ma túy là con đối tượng chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách xã hội (60 người chiếm 30%).

b) Đối tượng thực hiện Đề án và điều kiện xét chọn: Có đủ các điều kiện sau:

- Là người nghiện ma túy đã được xác định nghiện của cơ quan chuyên môn thuộc nhóm Opiates, có hồ sơ quản lý và hộ khẩu thường trú ở địa phương;

- Người nghiện ma túy có đơn tự nguyện xin cai nghiện bằng thuốc Cedemex tại gia đình và tại cộng đồng;

- Gia đình có cam kết và đủ điều kiện quản lý người nghiện ma túy tham gia thực hiện Đề án trong và sau khi dùng thuốc Cedemex;

- Người nghiện ma túy phải được UBND và tổ chức đoàn thể xã, phường, thị trấn xét chọn, đề nghị cho sử dụng thuốc Cedemex trong hỗ trợ điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng đồng;

- Người nghiện ma túy và gia đình có người nghiện ma túy phải chấp hành đầy đủ những cam kết và hướng dẫn, quy trình, phác đồ điều trị trong suốt quá trình hỗ trợ điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex cho người nghiện do Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo hướng dẫn; thực hiện đúng các quy trình, thủ tục theo quy định hiện hành của Nhà nước về cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng và quản lý phục hồi sau cai, phòng chống tái nghiện cho người nghiện ma túy.

2.3. Chế độ miễn giảm:

- Người nghiện ma túy thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật được hỗ trợ toàn bộ thuốc điều trị theo phác đồ điều trị là 06 tháng (sáu tháng).

- Nếu gia đình không thuộc đối tượng được miễn, giảm các khoản đóng góp thì gia đình có người nghiện ma túy và người nghiện ma túy phải thực hiện đầy đủ cam kết và đóng góp từ ½ chi phí theo phác đồ điều trị trở lên (phác đồ là 06 tháng).

II. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

1. Đề án triển khai, thực hiện sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức cai nghiện ma túy ở gia đình và cộng đồng, nâng cao hiệu quả phòng, chống tái nghiện cho người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện mà không ràng buộc bằng biện pháp bắt buộc (pháp lý).

2. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để người nghiện ma túy được tiếp cận, kết nối với các dịch vụ y tế-xã hội ngay tại cộng đồng, hỗ trợ điều trị cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

3. Thông qua việc thực hiện Đề án sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex còn thuận lợi cho công tác chăm sóc sau cai, tư vấn dự phòng tại cộng đồng, địa phương để cho người nghiện ma túy phòng, chống được tái nghiện, hòa nhập vơi cộng đồng bền vững.

Phần ba

KINH PHÍ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. KINH PHÍ VÀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Đề án: Trong 05 năm từ năm 2021-2025 tổng kinh phí dự kiến: 3.285.000.000 đồng.

Bằng chữ (Ba tỷ, hai trăm tám mươi lăm ngàn đồng chẵn).

Chia ra:

- Năm 2021 là 655.000.000 đồng;

- Năm 2022 là 655.000.000 đồng;

- Năm 2023 là 655.000.000 đồng;

- Năm 2024 là 655.000.000 đồng;

- Năm 2025 là 665.000.000 đồng.

2. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án:

- Ngân sách địa phương hỗ trợ: 2.745.000.000 đồng (gồm tiền hỗ trợ mưa thuốc và chi phí quản lý thực hiện Đề án). Bình quân hằng năm là 549.000.000 đồng (Năm trăm, bốn mươi chín triệu đồng chẵn).

- Nguồn hỗ trợ giúp đỡ về thuốc của Viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo: 20 cas x 13.500.000 đồng với số tiền 270.000.000 đồng (Hai trăm, bảy mươi triệu đồng chẵn);

- Huy động cộng đồng và đóng góp của gia đình người nghiện: 40 cas đóng góp ½ chi phí x 6.750.000 đồng với số tiền 270.000.000 đồng (Hai trăm, bảy mươi triệu đồng chẵn). (có biểu phụ lục dự toán chi tiết kèm theo).

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ chế, quản lý, điều hành:

- UBND tỉnh giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan Chủ trì, triển khai, quản lý, điều hành thực hiện Đề án và thành lập Tổ chuyên môn giúp việc thực hiện Đề án.

- Tổ giúp việc Đề án gồm có:

+ Trưởng phòng, Bảo trợ xã hội, Trẻ em, BĐG& TNXH làm Tổ trưởng;

+ Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh và Phòng nghiệp vụ y dược, Sở Y tế làm Tổ phó;

+ Phó Trưởng phòng, BTXH,TE, BĐG&TNXH làm thành viên;

+ Mời Ban phong trào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh làm thành viên;

+ Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố có triển khai thực hiện Đề án làm thành viên.

2. Tổ chức cai nghiện và tiếp nhận, quản lý, cấp phát thuốc Cedemex cho người nghiện ma túy/gia đình có người nghiện ma túy tham gia thực hiện Đề án

2.1. Công tác tổ chức cai nghiện:

Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 10/02/2012 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

2.2. Công tác tiếp nhận, quản lý, cấp phát thuốc:

- Tổ chuyên môn giúp việc Đề án tham mưu BGĐ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo cung cấp thuốc và bàn giao cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện.

- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tiếp nhận và giao cho Đội CTXHTN/cán bộ Y tế cấp xã quản lý thuốc, cấp phát thuốc, tổ chức điều trị cắt cơn nghiện, điều trị duy trì thuốc Cedemex cho người cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng theo quy định hiện hành của Nhà nước, theo sự hướng dẫn của Tổ giúp việc Đề án và Viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo.

2.3. Quy trình điều trị và nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá:

Thực hiện theo hướng dẫn của viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo, hướng dẫn của Tổ giúp việc Đề án và cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền.

3. Phân công trách nhiệm và phối hợp triển khai hoạt động Đề án

3.1. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo tiến độ, Kế hoạch hằng năm;

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả các hoạt động Đề án.

- Định kỳ 06 tháng, 01 năm và kết thúc Đề án tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án.

3.2. Công an tỉnh:

Hướng dẫn Công an cấp huyện, cấp xã và phối hợp với các ngành có liên quan đề rà soát, điều tra, thống kê, phân loại đối tượng nghiện ma túy, nắm chắc tình hình người nghiện ma túy; đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu và theo dõi, quản lý, giúp đỡ đối tượng trong quá trình thực hiện Đề án.

3.3. Sở Y tế:

Phối hợp với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, các đơn vị, ngành liên quan, Viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo trong việc hướng dẫn, chỉ đạo giám sát, kiểm tra, đánh giá cận lâm sàng người nghiện ma túy tham gia thực hiện Đề án điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình, cộng đồng.

3.4. Sở Tài chính:

Thẩm định dự toán kinh phí và bố trí kinh phí thực hiện Đề án hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách và các quy định hiện hành.

3.5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở, ngành có liên quan cấp tỉnh hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã trong việc phối hợp triển khai, tổ chức các nội dung hoạt động của Đề án ở địa phương như:

- Phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy và trách nhiệm của gia đình và xã hội trong việc phòng, chống ma túy.

- Phối hợp trong việc xét chọn đối tượng tham gia cai nghiện, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người nghiện học nghề, vay vốn, tạo việc làm...

- Giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách ở địa phương hỗ trợ đối với người nghiện tự nguyện cai nghiện và quản lý sau cai tại địa phương.

3.6. Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố:

- Chỉ đạo phòng Lao động-Thương binh và Xã hội; cơ quan, đơn vị liên quan ở địa phương hướng dẫn, đôn đốc UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, xét chọn đối tượng, theo dõi, quản lý người cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng đúng quy định hiện hành của nhà nước, chức năng nhiệm vụ được giao; phối hợp với cơ quan chuyên môn, ngành cấp trên theo dõi, quản lý, giám sát, kiểm tra, đánh giá các đối tượng sử dụng thuốc Cedemex tại gia đình, cộng đồng.

- Chỉ đạo xem xét hỗ trợ các chế độ, chính sách ở địa phương cho các đối tượng cai nghiện có hiệu quả, không tái nghiện như hỗ trợ vay vốn, học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

3.7. UBND các xã, phường, thị trấn:

- Trực tiếp xét, chọn người nghiện ma túy và đề nghị cho sử dụng thuốc Cedemex trong hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan (Công an, Y tế, Đội công tác xã hội tình nguyện) triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án ở địa phương theo chức năng, nhiệm vụ.

- Phân công cán bộ theo dõi, quản lý đối tượng theo phân cấp quản lý nhà nước ở địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy tham gia thực hiện cai nghiện hiệu quả sớm hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.

III. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Quý I/2020:

Phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan và các huyện, thành phố/xây dựng Đề án.

2. Quý II/2020:

- Tổ chức lấy ý kiến các Sở, ngành, có liên quan và UBND các huyện, thành phố;

- Trình UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt Đề án;

- Sau khi Đề án được phê duyệt tổ chức Hội nghị triển khai (các Sở, ngành liên quan và Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện);

- Thành lập Tổ chuyên môn giúp việc;

- Phối hợp các cơ quan liên quan, đơn vị cấp tỉnh; huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn; Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo triển khai các hoạt động Đề án theo tiến độ;

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về sử dụng thuốc Cedemex trong hỗ trợ cắt cơn và điều trị cai nghiện ma túy cho người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.

3. Quý III và Quý IV năm 2020:

Tổng hợp trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện Đề án.

4. Quý I năm 2021-2025:

Triển khai các hoạt động nội dung của Đề án theo tiến độ, kế hoạch hằng năm và sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả, xét khen thưởng tập thể, cá nhân và gia đình tham gia thực hiện đạt hiệu quả Đề án./.

 


Nơi nhận:
- UBND tỉnh;
- Bộ Lao động-TBXH (Cục phòng chống TNXH);
- Viện nghiên cứu ĐT các bệnh hiểm nghèo;
- Sở Tài chính; Công an tỉnh; Sở Y tế;
- BGĐ Sở LĐ-TBXH;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, lvanh

GIÁM ĐỐC




Đặng Hồng Sơn

 

Phụ lục kinh phí:

BẢNG DỰ TOÁN CHI TIẾT KINH PHÍ

Thực hiện đề án thí điểm điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025

Đơn vị tính: 1.000 đồng

Stt

Nội dung

Đơn vị tính

Số tiền chia ra

Tổng cộng

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Thuốc điều trị Cedemex

Người

40

40

40

40

40

200

 

Số tiền

13.500

540.000

540.000

540.000

540.000

540.000

2.700.000

2

Triển khai các hoạt động Đề án

 

 

 

 

 

 

 

2.1

Hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết Đề án

100

20.000

20.000

20.000

20.000

20.000

100.000

2.2

Tập huấn kỹ năng cho cán bộ huyện và Đội CTXHTN

500

30.000

30.000

30.000

30.000

30.000

150.000

2.3

Kiểm tra, giám sát

10 cuộc

20.000

20.000

20.000

20.000

20.000

100.000

2.4

In ấn tài liệu tuyên truyền

30 xã

20.000

20.000

20.000

20.000

20.000

100.000

2.5

Khen thưởng tập thể, cá nhân và gia đình tham gia thực hiện tốt (tiêu biểu).

Cá nhân

10.00

10.000

10.000

10.00

20.000

60.000

2.6

Chi phí quản lý Đề án (VP phẩm, Photo tài liệu, điện thoại...

Năm

15.000

15.000

15.000

15.000

15.000

75.000

Tổng cộng

 

655.000

655.000

655.000

655.000

665.000

3.285.000

Tổng kinh phí: 3.285.000.000 đồng.

Bằng chữ (Ba tỷ, hai trăm tám mươi lăm ngàn đồng chẵn).

Chia ra:

- Ngân sách địa phương chi hỗ trợ mua thuốc và chi phí quản lý: 2.745.000.000 đồng (Hai tỷ, bảy trăm bốn mươi lăm ngàn đồng chẵn);

- Nguồn hỗ trợ giúp đỡ về thuốc của Viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo: 270.000.000 đồng (Hai trăm, bảy mươi triệu đồng chẵn);

- Huy động cộng đồng và đóng góp của gia đình người nghiện: 270.000.000 đồng (Hai trăm, bảy mươi triệu đồng chẵn).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1302/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án thí điểm điều trị cắt cơn, cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

  • Số hiệu: 1302/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/06/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Đỗ Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/06/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản