Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1293/QĐ-UBND | Bến Tre, ngày 04 tháng 6 năm 2010 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 7 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất;
Căn cứ Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
Căn cứ Thông tư số 02/2010/TTLT-BTNMT-BTC ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành bảng giá đất và điều chỉnh bảng giá đất thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Xét nội dung Dự án xây dựng, thẩm định, ban hành bảng giá đất và điều chỉnh bảng giá đất các loại năm 2011 do Sở Tài nguyên và Môi trường lập ngày 28 tháng 5 năm 2010;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 678/TTr-STNMT ngày 28 tháng 5 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nội dung Dự án số 677/DA-STNMT ngày 28 tháng 5 năm 2010 do Sở Tài nguyên và Môi trường lập về xây dựng, thẩm định, ban hành bảng giá đất và điều chỉnh bảng giá đất các loại năm 2011 tỉnh Bến Tre (kèm Dự án).
Kinh phí thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường quan hệ với Sở Tài chính thẩm định kinh phí và ghi vốn, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Dự án.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
UBND TỈNH BẾN TRE | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 677/DA-STNMT | Bến Tre, ngày 28 tháng 5 năm 2010 |
XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH, BAN HÀNH BẢNG GIÁ ĐẤT VÀ ĐIỀU CHỈNH BẢNG GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT NĂM 2011
Phần Mở đầu
Đất đai là một nguồn tài nguyên thiên nhiên, là tư liệu sản xuất chủ yếu, đặc biệt, là thành phần quan trọng của môi trường sống, là địa bàn phân bố khu dân cư, xây dựng cơ sở kinh tế, văn hoá, an ninh và quốc phòng. Đất đai là tài sản vì đất đai có đầy đủ thuộc tính của một tài sản như: đáp ứng được nhu cầu nào đó của con người tức là có giá trị sử dụng; con người có khả năng chiếm hữu và sử dụng; là đối tượng trao đổi mua bán (tức là có tham gia vào giao lưu dân sự).... Đất đai còn được coi là tài sản quốc gia vô cùng quý giá, được chuyển tiếp qua các thế hệ và được coi là một dạng tài sản trong phương thức tích luỹ của cải vật chất của xã hội.
Đồng thời đất đai còn được coi là một tài sản đặc biệt vì bản thân nó không do lao động làm ra, mà lao động tác động vào đất đai để biến nó từ trạng thái hoang hoá trở thành sử dụng vào đa mục đích. Đất đai cố định về vị trí, có giới hạn về không gian và vô hạn về thời gian sử dụng. Bên cạnh đó đất đai có khả năng sinh lợi vì trong quá trình sử dụng, nếu biết sử dụng và sử dụng một cách hợp lý thì giá trị của đất (đã được khai thác sử dụng) không những không mất đi mà có xu hướng tăng lên. Vì tính tài sản đặc biệt và tính hàng hoá đặc biệt là một trong những nguyên nhân đòi hỏi phải xác định giá. Tính đặc biệt có tính chất đòi hỏi phải định giá là đất đai tham gia nhiều vào quá trình sản xuất nhưng nó không chuyển dần giá trị của nó vào giá thành của sản phẩm, không hao mòn, càng tham gia nhiều vào quá trình sản xuất thì giá đất càng tăng lên. Việc đầu tư của xã hội để làm tăng giá trị của đất đai, phần lớn là đầu tư trực tiếp cho các tài sản khác như: hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...; do đó, chi phí đầu tư làm tăng giá trị của đất đai là rất trừu tượng, khó xác định, khó phân bổ cho từng thửa đất… thiếu cơ sở xác định mức chi phí cụ thể làm ảnh hưởng đến giá đất.
Thực hiện Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ điều chuyển nhiệm vụ, quyền hạn định giá đất, hồ sơ, tài liệu, tổ chức và cán bộ, công chức làm công tác định giá đất từ ngành tài chính sang ngành tài nguyên và môi trường. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, xây dựng Dự án: Điều tra, khảo sát, xây dựng bảng giá các loại đất trong phạm vi tỉnh Bến Tre năm 2011.
I. SỰ CẦN THIẾT THỰC HIỆN DỰ ÁN
Nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai và thực hiện Luật Đất đai năm 2003 thì giá đất do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định được công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 hàng năm được sử dụng làm căn cứ để tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tính tiền sử dụng đất và tiền thuê đất khi giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất; tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước.
Căn cứ Điều 56 Luật Đất đai năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất;
Căn cứ Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ;
Căn cứ Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTNMT-BTC ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành bảng giá đất và điều chỉnh bảng giá đất thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Thông tư số 03/2010/TT-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng bảng giá đất.
III. MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN
Điều tra, khảo sát, đánh giá và đề xuất bảng giá đất năm 2011 được cấp có thẩm quyền thông qua, ban hành áp dụng theo đúng trình tự của pháp luật quy định.
IV. NHIỆM VỤ DỰ ÁN
- Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về điểm điều tra và giá đất thị trường tại điểm điều tra trong phạm vi toàn tỉnh.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra giá đất thị trường cấp xã.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra giá đất thị trường cấp huyện.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra giá đất thị trường cấp tỉnh.
- Xử lý tính toán, xây dựng bảng dự thảo giá các loại đất năm 2011, xây dựng báo cáo thuyết minh về dự thảo bảng giá đất.
- Tổng hợp tài liệu, trình thẩm định bảng giá đất.
V. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN DỰ ÁN
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh:
Có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo toàn bộ công tác xây dựng bảng giá các loại đất năm 2011 trên địa bàn tỉnh; trình Hội đồng nhân dân tỉnh cho ý kiến về dự thảo bảng giá đất; quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án. Thành phần Ban chỉ đạo gồm:
a) Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh là Trưởng ban.
b) Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường là Phó Trưởng Ban thường trực.
c) Các thành viên của Ban chỉ đạo là đại diện lãnh đạo của các Sở: Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng; đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh.
Giúp việc cho Ban chỉ đạo là các tổ công tác do Trưởng Ban chỉ đạo quyết định thành lập.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Có trách nhiệm giúp Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án, cụ thể:
a) Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ thuộc các tổ công tác. Nội dung tập huấn gồm: mục đích, yêu cầu, kế hoạch, biện pháp thực hiện dự án xây dựng bảng giá đất; phương pháp điều tra và cách ghi phiếu điều tra; phương pháp xử lý, tổng hợp số liệu giá đất điều tra; xây dựng báo cáo về tình hình và kết quả điều tra khảo sát giá đất thị trường.
b) Ký kết hợp đồng thuê các tổ chức, cá nhân có chức năng cung cấp dịch vụ tư vấn giá đất thực hiện việc điều tra giá đất thị trường, xây dựng bảng giá đất theo quy định của pháp luật.
c) In và cung cấp phiếu điều tra.
d) Chỉ đạo các tổ công tác thực hiện việc kiểm tra, nghiệm thu kết quả điều tra giá đất thị trường tại các điểm điều tra; kết quả tổng hợp giá đất điều tra tại cấp tỉnh và dự kiến bảng giá đất áp dụng cho năm kế tiếp.
đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban chỉ đạo phân công trong quá trình xây dựng bảng giá đất.
3. Sở Tài chính:
Hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện dự án, cung cấp các thông tin có liên quan đến việc xây dựng bảng giá đất. Tổ chức thẩm định bảng giá đất đúng nội dung, thời gian quy định và có thông báo kết quả thẩm định gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và báo cáo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh.
4. Sở Xây dựng:
Hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện dự án, cung cấp các thông tin có liên quan đến việc xây dựng bảng giá đất. Phối hợp trong việc xác định phân loại đô thị, đường phố, vị trí đất tại đô thị.
5. Uỷ ban nhân nhân cấp huyện:
- Chỉ đạo đôn đốc UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp cung cấp thông tin phục vụ điều tra giá đất.
- Thành lập tổ công tác gồm cán bộ các phòng, ban trực thuộc như: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thuế và Tài chính phối hợp với cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn, trưởng ấp khảo sát, điều tra giá chuyển nhượng đất trên thị trường, tổng hợp, tham mưu đề xuất mức giá đất đối với các khu vực, đường phố, đoạn đường phố, vị trí trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát giá đất tại thị trường cấp huyện.
6. UBND xã, phường, thị trấn:
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ công tác trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ.
- Cử cán bộ địa chính theo lịch điều tra phối hợp cùng đơn vị thực hiện để thực hiện điều tra giá đất với nội dung phối hợp như sau:
+ Hướng dẫn cán bộ điều tra đến đúng vị trí mẫu cần thu thập thông tin về giá đất.
+ Hướng dẫn cán bộ địa phương (ấp, khóm) phối hợp cung cấp thông tin điều tra cho cán bộ điều tra.
+ Phối hợp cùng cán bộ điều tra thu thập xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
7. Phòng Tài nguyên và Môi trường:
Tổng hợp kết quả điều tra giá đất thị trường đối với từng loại đất tại cấp huyện; chủ trì cùng các phòng, ban có liên quan tham mưu đề xuất mức giá đất đối với các khu vực, đường phố, đoạn đường phố, vị trí trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát giá đất tại thị trường cấp huyện.
VI. HỒ SƠ XÂY DỰNG BẢNG GIÁ ĐẤT NĂM 2011
1. Cấp xã, phường, thị trấn:
- Phiếu thu thập thông tin về điểm điều tra.
- Phiếu thu thập thông tin về thửa đất.
- Thống kê số phiếu đã được điều tra.
- Báo cáo về tình hình và kết quả điều tra giá đất thị trường tại điểm điều tra.
2. Cấp huyện:
- Bảng tổng hợp thống kê số phiếu đã được điều tra trên địa bàn cấp huyện.
- Bảng tổng hợp kết quả điều tra giá đất thị trường trên địa bàn cấp huyện.
- Báo cáo về tình hình và kết quả điều tra, khảo sát giá đất thị trường tại cấp huyện.
3. Cấp tỉnh:
- Bảng tổng hợp kết quả điều tra giá đất thị trường đối với từng loại đất cấp tỉnh.
- Dự thảo bảng giá đất đối với từng loại đất.
- Báo cáo thuyết minh về dự thảo bảng giá đất.
Phần II
NỘI DUNG THỰC HIỆN DỰ ÁN
I. THU THẬP THÔNG TIN, TÀI LIỆU
Các thông tin, tài liệu chung phục vụ việc xây dựng dự án gồm:
1. Vị trí địa lý, địa hình, địa mạo.
2. Tình hình kinh tế - xã hội.
3. Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng; mức độ phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh.
4. Tình hình quản lý, sử dụng đất; chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ ngày 01/10/2009 đến ngày 01/7/2010.
5. Bảng giá đất hiện hành và bảng giá đất của 02 năm liền kề trước bảng giá đất hiện hành.
6. Giá đất đã thực hiện trong năm điều tra, gồm: giá đất thị trường (bao gồm cả giá đất giao dịch trên sàn bất động sản); giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất; giá đất được xác định lại khi tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, khi doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá.
II. ĐIỀU TRA KHẢO SÁT, THU THẬP THÔNG TIN VỀ ĐIỂM ĐIỀU TRA VÀ GIÁ ĐẤT THỊ TRƯỜNG TẠI ĐIỂM ĐIỀU TRA
1. Loại đất Điều tra:
a) Đất trồng lúa.
b) Đất trồng cây hàng năm còn lại.
c) Đất trồng cây lâu năm.
d) Đất rừng sản xuất.
đ) Đất nuôi trồng thuỷ sản.
e) Đất làm muối.
g) Đất ở tại nông thôn.
h) Đất ở tại đô thị.
i) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn.
k) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại đô thị.
2. Phiếu điều tra:
Sử dụng phiếu điều tra theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTNMT-BTC , bao gồm:
Mẫu số 1: phiếu thu thập thông tin về điểm điều tra.
Mẫu số 2: phiếu thu thập thông tin về thửa đất (áp dụng đối với đất nông nghiệp).
Mẫu số 3: phiếu thu thập thông tin về thửa đất (áp dụng đối với đất ở tại nông thôn).
Mẫu số 4: phiếu thu thập thông tin về thửa đất (áp dụng đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn).
Mẫu số 5: phiếu thu thập thông tin về thửa đất (áp dụng đối với đất ở tại đô thị).
Mẫu số 6: phiếu thu thập thông tin về thửa đất (áp dụng đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại đô thị).
3. Số lượng điểm điều tra khảo sát (số đơn vị hành chính cấp xã):
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTNMT-BTC thì việc chọn điểm điều tra phải đảm bảo: số xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm điều tra khảo sát phải đạt từ 50% trở lên trong tổng số xã, phường, thị trấn của mỗi huyện, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm điều tra phải đại diện cho loại đất điều tra và được phân bố đều trên địa bàn cấp huyện.
Số đơn vị hành chính cấp xã điều tra, khảo sát giá đất thị trường gồm 86/164 xã, phường, thị trấn chiếm tỷ lệ 53%.
STT | Đơn vị hành chính cấp huyện | Đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn | Tỷ lệ |
1 | Thành phố Bến Tre | 5 phường + 3 xã | 8/15 xã, phường chiếm 53% |
2 | Châu Thành | Thị trấn Châu Thành + 11 xã | 12/23 xã, thị trấn chiếm 52% |
3 | Giồng Trôm | Thị trấn Giồng Trôm + 10 xã | 11/22 xã, thị trấn chiếm 50% |
4 | Chợ Lách | Thị trấn Chợ Lách + 5 xã | 6/11 xã, thị trấn chiếm 54% |
5 | Mỏ Cày Nam | Thị trấn Mỏ Cày + 8 xã | 9/16 xã, thị trấn chiếm 56% |
6 | Mỏ Cày Bắc | 7 xã | 7/13 xã, thị trấn chiếm 54 % |
7 | Bình Đại | Thị trấn Bình Đại + 10 xã | 11/20 xã, thị trấn chiếm 55 % |
8 | Ba Tri | Thị trấn Ba Tri + 12 xã | 13/24 xã, thị trấn chiếm 54 % |
9 | Thạnh Phú | Thị trấn Thạnh Phú + 8 xã | 9/18 xã, thị trấn chiếm 50 % |
4. Số lượng thửa đất điều tra khảo sát:
Căn cứ số trường hợp chuyển nhượng thành công trong năm điều tra của từng loại đất để xác định số thửa đất điều tra của loại đất đó nhưng đảm bảo đạt từ 50% trở lên trong tổng số thửa đất của loại đất đó (nhưng không ít hơn 03 thửa).
Tổng số thửa đất cần điều tra của 86 xã, phường, thị trấn 6450 thửa, bình quân mỗi xã, phường, thị trấn 75 thửa.
5. Đối tượng điều tra:
Đối tượng điều tra khảo sát giá đất thị trường là những thửa đất thuộc điểm điều tra đã được chuyển nhượng thành công trong năm điều tra những thửa đất đang cho thu nhập như: đất đang cho thuê hoặc đất sản xuất nông nghiệp, đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.
Trong quá trình điều tra, thu thập giá đất thị trường, cán bộ điều tra phải đối chiếu giữa hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hiện trạng sử dụng đất. Không điều tra thu thập giá đất thị trường đối với các trường hợp đã chuyển nhượng sau đây:
a) Người chuyển nhượng hoặc người nhận chuyển nhượng không có quyền sử dụng đất hoặc không đủ điều kiện để được công nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất đã chuyển nhượng.
b) Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng là những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự.
c) Quyền sử dụng đất là tài sản bị bán phát mại, bán đấu giá để thi hành án hoặc để thu hồi nợ.
d) Quyền sử dụng đất do các chủ sử dụng đất có đồng quyền sử dụng đất chuyển nhượng cho nhau.
đ) Quyền sử dụng đất được chuyển nhượng có mức giá chênh lệch quá lớn so với mức giá phổ biến trên thị trường của các thửa đất có đặc điểm tương tự trong khu vực.
Trường hợp thửa đất có tài sản gắn liền với đất thì áp dụng một trong những phương pháp định giá đất để tách riêng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản gắn liền với đất ngay trong khi điều tra. Cụ thể như sau:
- Đối với thửa đất đã chuyển nhượng trong năm điều tra thì áp dụng phương pháp chiết trừ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 123/2007/NĐ-CP để xác định giá đất.
- Đối với thửa đất đang cho thu nhập nhưng trong năm điều tra không có chuyển nhượng thì trước hết áp dụng phương pháp thu nhập quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 188/2004/NĐ-CP để ước tính giá trị của cả thửa đất và tài sản gắn liền với đất; sau đó áp dụng phương pháp chiết trừ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 123/2007/NĐ-CP để xác định giá đất.
III. TỔNG HỢP KẾT QUẢ ĐIỀU TRA
1. Cấp xã:
- Kết thúc việc điều tra, thu thập giá đất thị trường, tại mỗi xã, phường, thị trấn điều tra phải kiểm tra, rà soát toàn bộ số phiếu đã được điều tra và tổng hợp theo Mẫu số 07.
- Xây dựng báo cáo về tình hình và kết quả điều tra giá đất thị trường tại điểm điều tra. Báo cáo gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Đánh giá tổng quan về điểm điều tra.
b) Đánh giá tình hình và kết quả điều tra, thu thập, tổng hợp giá đất thị trường tại điểm điều tra; tình hình biến động và mức biến động (tăng hoặc giảm) giữa giá đất thị trường với giá đất cùng loại trong bảng giá đất hiện hành do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
c) Đề xuất mức giá đất đối với các khu vực, đường phố, đoạn đường phố, vị trí tại điểm điều tra.
2. Cấp huyện:
- Tổng hợp kết quả điều tra giá đất thị trường đối với từng loại đất tại cấp huyện thực hiện theo mẫu biểu từ Mẫu số 08 đến Mẫu số 10 ban hành kèm theo.
- Xây dựng báo cáo về tình hình và kết quả điều tra, khảo sát giá đất thị trường tại cấp huyện. Báo cáo gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Đánh giá về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; tình hình quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng; tình hình quản lý, sử dụng đất; tình hình chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tình hình thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và một số vấn đề khác ảnh hưởng đến giá các loại đất trên địa bàn cấp huyện.
b) Đánh giá tình hình và kết quả thu thập, tổng hợp, phân tích giá đất thị trường; tình hình biến động và mức biến động (tăng hoặc giảm) giữa giá đất thị trường với giá đất cùng loại trong bảng giá đất hiện hành do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại cấp huyện.
c) Đề xuất mức giá đất đối với các khu vực, đường phố, đoạn đường phố, vị trí trên địa bàn cấp huyện.
3. Cấp tỉnh:
Tổng hợp kết quả điều tra giá đất thị trường đối với từng loại đất tại cấp tỉnh thực hiện theo mẫu biểu từ Mẫu số 11 đến Mẫu số 13.
IV. PHÂN LOẠI KHU VỰC, VỊ TRÍ CÁC LOẠI ĐẤT
1. Phân loại khu vực trong xây dựng bảng giá đất:
Việc phân loại khu vực trong xây dựng bảng giá đất tại địa phương được thực hiện theo 3 khu vực:
Khu vực 1: thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành.
Khu vực 2: huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách.
Khu vực 3: huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại.
2. Phân loại vị trí đất nông nghiệp:
Được thực hiện theo từng đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn cụ thể như sau:
Vị trí 1: là vị trí có mức giá đất cao nhất hoặc mức giá đất bình quân cao nhất trong xã, phường, thị trấn.
Vị trí 2: có mức giá đất hoặc mức giá đất bình quân thấp hơn so với mức giá đất hoặc mức giá đất bình quân của vị trí 1.
Vị trí 3: có mức giá đất hoặc mức giá đất bình quân thấp hơn so với mức giá đất hoặc mức giá đất bình quân của vị trí 2.
2.1. Phân loại vị trí đối với đất trồng lúa nước; đất trồng cây hàng năm còn lại; đất trồng cây lâu năm; đất rừng sản xuất; đất nuôi trồng thuỷ sản; đất làm muối thực hiện theo từng đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) cụ thể như sau:
a) Đối với loại đất điều tra được giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường (sau đây gọi là giá đất thị trường) từ 03 trường hợp chuyển nhượng trở lên thì việc phân loại vị trí đối với từng loại đất thực hiện như sau:
- Vị trí 1: áp dụng cho đất ở tính từ mép đường giao thông: đường bộ, đường sông (nếu ven đường bộ là kênh thì tính từ mép kênh phía bên trong) thể hiện trên bản đồ địa chính vào 35 mét được tính theo bảng giá đất ở của các đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường sông các loại.
- Vị trí 2: 50m tiếp theo vị trí 1.
- Vị trí 3: 50m tiếp theo vị trí 2.
- Vị trí 4: 50m tiếp theo vị trí 3.
Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ giá đất thị trường tại địa phương đề nghị cụ thể chênh lệch về mức giá đất hoặc mức giá đất bình quân giữa các loại vị trí đối với từng loại đất cho phù hợp nhưng phải bảo đảm thực hiện theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 123/2007/NĐ-CP .
b) Đối với loại đất trong trường hợp không điều tra được giá đất thị trường (không đủ 03 trường hợp chuyển nhượng) thì việc xác định loại vị trí phải căn cứ vào năng suất cây trồng, điều kiện kết cấu hạ tầng, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh khác (đối với đất trồng lúa nước, đất trồng cây hàng năm còn lại, đất trồng cây lâu năm); điều kiện kết cấu hạ tầng, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh khác, khoảng cách từ nơi cư trú của cộng đồng người sử dụng đất đến nơi sản xuất, khoảng cách từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ tập trung (đối với đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối).
Các yếu tố và điều kiện nêu trên tại vị trí 1 là thuận lợi nhất, các vị trí tiếp theo có điều kiện kém thuận lợi hơn so với vị trí liền kề trước đó.
2.2. Phân loại khu vực, loại vị trí đối với đất ở tại nông thôn; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn.
a) Việc phân loại khu vực đối với đất ở tại nông thôn; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 188/2004/NĐ-CP .
b) Việc phân loại vị trí trong từng khu vực đối với đất ở tại nông thôn; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn trong trường hợp điều tra được giá đất thị trường (từ 03 trường hợp chuyển nhượng trở lên đối với từng loại đất) thực hiện như sau:
- Vị trí 1: là vị trí có mức giá đất cao nhất hoặc mức giá đất bình quân cao nhất trong khu vực.
- Các vị trí tiếp theo: có mức giá đất hoặc mức giá đất bình quân thấp hơn so với mức giá đất hoặc mức giá đất bình quân của vị trí liền kề trước đó.
Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ giá đất thị trường tại địa phương đề nghị cụ thể chênh lệch về mức giá đất hoặc mức giá đất bình quân giữa các loại vị trí đối với từng loại đất cho phù hợp nhưng phải bảo đảm thực hiện theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 123/2007/NĐ-CP .
c) Việc phân loại vị trí trong từng khu vực đối với đất ở tại nông thôn; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn trong trường hợp không điều tra được giá đất thị trường (không đủ 03 trường hợp chuyển nhượng đối với từng loại đất) thì căn cứ vào điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh trong khu vực; khoảng cách đến trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại trong khu vực; trong đó các yếu tố và điều kiện nêu trên tại vị trí 1 là thuận lợi nhất, các vị trí tiếp theo có điều kiện kém thuận lợi hơn so với vị trí liền kề trước đó.
2.3. Phân loại đường phố, loại vị trí đối với đất ở tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại đô thị.
a) Việc phân loại đường phố đối với đất ở tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại đô thị thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ; trường hợp địa phương không phân loại đường phố mà trực tiếp phân loại vị trí thì việc phân loại vị trí thực hiện theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này.
b) Việc phân loại vị trí đối với đất ở tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại đô thị trong trường hợp điều tra được giá đất thị trường (từ 03 trường hợp chuyển nhượng trở lên đối với từng loại đất) thực hiện như sau:
- Vị trí 1: là vị trí có mức giá đất cao nhất hoặc mức giá đất bình quân cao nhất đối với từng loại đường phố hoặc từng đường phố, đoạn đường phố (nếu địa phương không phân loại đường phố).
- Các vị trí tiếp theo: có mức giá đất hoặc mức giá đất bình quân thấp hơn so với mức giá đất hoặc mức giá đất bình quân của vị trí liền kề trước đó.
Uỷ ban nhân dân cấp huyện, thành phố căn cứ giá đất thị trường tại địa phương đề nghị cụ thể chênh lệch về mức giá đất hoặc mức giá đất bình quân giữa các loại vị trí đối với từng loại đất cho phù hợp nhưng phải bảo đảm thực hiện theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 123/2007/NĐ-CP .
c) Việc phân loại vị trí đối với đất ở tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại đô thị trong trường hợp không điều tra được giá đất thị trường (không đủ 03 trường hợp chuyển nhượng đối với từng loại đất) thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2.2 Điều này.
V. KẾ HOẠCH VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
STT | Nội dung công việc | Sản phẩm | Thời gian |
1 | Lập và phê duyệt dự án | - Dự án xây dựng bảng giá đất. - Tờ trình. - Dự thảo quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt Dự án. | Từ ngày 01/5/2010 đến ngày 15/6/2010 |
2 | Công tác chuẩn bị | - Thành lập Ban chỉ đạo. - Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ thuộc các tổ công tác. - Chọn đơn vị tư vấn thực hiện. | Từ ngày 15/6/2010 đến ngày 01/7/2010 |
3 | Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin và giá đất thị trường cấp xã | - Phiếu thu thập thông tin về điểm điều tra. - Phiếu thu thập thông tin về thửa đất. - Thống kê số phiếu đã được điều tra. - Báo cáo về tình hình và kết quả điều tra giá đất thị trường tại điểm điều tra. | Từ ngày 01/7/2010 đến ngày 10/8/2010 |
4 | Tổ công tác kiểm tra, nghiệm thu kết quả điều tra giá đất thị trường cấp xã | Các sản phẩm tại cấp xã | Từ ngày 10/8/2010 đến ngày 15/8/2010 |
5 | Tổng hợp kết quả điều tra giá đất thị trường tại cấp huyện | - Bảng tổng hợp thống kê số phiếu đã được điều tra. - Bảng tổng hợp kết quả điều tra giá đất thị trường. - Báo cáo về tình hình và kết quả điều tra, khảo sát giá đất thị trường. | Từ ngày 15/8/2101 đến ngày 01/9/2010 |
6 | Tổng hợp kết quả điều tra giá đất thị trường tại cấp tỉnh | Bảng tổng hợp kết quả điều tra giá đất thị trường. | Từ ngày 01/9/2010 đến ngày 15/9/2010 |
7 | Dự thảo bảng giá đất | - Dự thảo bảng giá đất đối với từng loại đất. - Báo cáo thuyết minh về dự thảo bảng giá đất. | Từ ngày 15/9/2010 đến ngày 05/10/2010 |
8 | Thẩm định bảng giá đất | - Công văn đề nghị thẩm định bảng giá đất. - Dự thảo tờ trình UBND tỉnh về việc ban hành bảng giá đất kèm theo báo cáo thuyết minh về dự thảo bảng giá đất. - Kết quả điều tra, tổng hợp thống kê giá đất thị trường. - Dự thảo quyết định ban hành bảng giá đất của UBND tỉnh. | Từ ngày 05/10/2010 đến ngày 15/10/2010 |
9 | Hoàn thiện dự thảo bảng giá đất |
| Từ ngày 15/10/2010 đến ngày 31/10/2010 |
10 | UBND tỉnh trình HĐND tỉnh | Tờ trình UBND tỉnh về việc ban hành bảng giá đất kèm theo báo cáo thuyết minh về dự thảo bảng giá đất. | Từ ngày 31/10/2010 đến ngày 20/12/2010 |
11 | Hồ sơ gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường | - Quyết định ban hành bảng giá đất của UBND tỉnh. - Báo cáo thuyết minh về dự thảo bảng giá đất. - Biểu tổng hợp giá đất thị trường từ Mẫu số 11 đến Mẫu số 13. | Ngày 15/01/2011 |
VI. SẢN PHẨM GIAO NỘP
STT | Sản phẩm | Đơn vị tính | Số lượng | Ghi chú |
1 | Phiếu thu thập thông tin điểm điều tra (Mẫu số 01) | bộ | 01 | cấp xã |
2 | Phiếu thu thập thông tin thửa đất (Mẫu số 02 đến Mẫu số 06) | bộ | 01 | cấp xã |
3 | Thống kê số phiếu đã được điều tra (Mẫu số 07) | bộ | 01 | cấp xã |
4 | Báo cáo về tình hình và kết quả điều tra giá đất thị trường tại điểm điều tra | báo cáo | 01 | cấp xã |
5 | Bảng thống kê số phiếu đã được điều tra trên địa bàn cấp huyện (Mẫu số 07) | bộ | 01 | cấp huyện |
6 | Bảng tổng hợp kết quả điều tra giá đất thị trường trên địa bàn cấp huyện (Mẫu số 08 đến Mẫu số 10) | bộ | 01 | cấp huyện |
7 | Báo cáo về tình hình và kết quả điều tra giá đất thị trường tại cấp huyện | bộ | 01 | cấp huyện |
8 | Bảng tổng hợp kết quả điều tra giá đất thị trường trên địa bàn cấp tỉnh (Mẫu số 11 đến Mẫu số 13) | bộ | 01 | cấp tỉnh |
9 | Báo cáo thuyết minh về bảng giá đất năm 2010 | báo cáo | 01 | cấp tỉnh |
10 | Bảng giá đất đối với từng loại đất | bộ | 01 | cấp tỉnh |
VII. NHÂN LỰC VÀ TRANG THIẾT BỊ
1. Nhân lực:
Để thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát xây dựng bảng giá đất năm 2011, nguồn nhân sự phải đảm bảo như sau:
- Điều tra, khảo sát giá đất thị trường: 5 người x 9 = 45 người
- Tổng hợp thống kê và viết báo cáo cấp huyện: 1 người x 9 = 9 người
- Tổng hợp thống kê và viết báo cáo cấp tỉnh: 1 người
Tổng: 55 người
Ngoài ra, còn trưng dụng cán bộ địa chính 86 xã, phường, thị trấn trong quá trình điều tra giá đất thị trường.
2. Trang thiết bị:
Từ các yêu cầu nhiệm vụ trên, đơn vị thực hiện cần trang bị một số trang thiết bị máy móc chính như sau:
- Máy in Ao 01 cái
- Máy in A3 01 cái
- Máy vi tính 09 cái
- Máy chiếu Slide 01 cái
- Máy tính cầm tay 28 cái
- Máy photo 01 cái
Phần III
DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN
I. CĂN CỨ LẬP DỰ TOÁN
Nghị định số 28/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu chung (730.000 đồng);
Thông tư số 03/2010/TT-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng bảng giá đất;
Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BTNMT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán kinh phí đo đạc bản đồ và quản lý đất đai;
Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh Bến Tre.
II. DỰ TOÁN KINH PHÍ
1. Chi phí trực tiếp:
a) Chi phí nhân công:
- Đơn giá tiền lương công nhân kỹ thuật theo Nghị định số 28/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ (mức lương tối thiểu 730.000 đồng).
- Lương phụ = 11% lương cơ bản.
- Phụ cấp lưu động = 0,4 x lương tối thiểu.
- Phụ cấp trách nhiệm = 0,2 x lương tối thiểu/5.
- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm = 0,2 x lương tối thiểu.
- BHXH-YT-KPCĐ = 19% x lương cơ bản.
b) Chi phí vật liệu, dụng cụ, công lao động:
Theo định mức ban hành kèm theo Thông tư số 03/2010/TT-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đơn giá vật tư tính theo giá thị trường trung bình tại địa bàn thành phố Bến Tre do Sở Tài chính thẩm định.
2. Chi phí chung:
Tính bằng 15% chi phí trực tiếp đối với nội nghiệp và 20% chi phí trực tiếp đối với ngoại nghiệp theo Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BTNMT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính.
3. Chi phí lập dự án:
Tính bằng 2% chi phí trực tiếp đối với nội nghiệp và 3% chi phí trực tiếp đối với ngoại nghiệp theo Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BTNMT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính.
4. Chi phí kiểm tra nghiệm thu:
Tính bằng 4% chi phí trực tiếp đối với nội nghiệp và 5% chi phí trực tiếp đối với ngoại nghiệp theo Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BTNMT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính.
III. TỔNG DỰ TOÁN
Tổng số: 272.500.000 đồng
Bằng chữ: hai trăm bảy mươi hai triệu, năm trăm ngàn đồng.
Trong đó:
Chi phí thực hiện dự án: 247.727.000 đồng.
Thuế VAT 10%: 24.773.000 đồng
Chi tiết kinh phí tính theo khối lượng tổng hợp xem trong bảng tính dự toán kinh phí đính kèm.
| KT. GIÁM ĐỐC |
- 1Kế hoạch 100/KH-UBND năm 2013 thực hiện điều tra, xây dựng bảng giá đất năm 2014 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 2Quyết định 1124/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt dự án xây dựng bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2014
- 3Quyết định 1549/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch thực hiện dự án xây dựng bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2014
- 1Bộ luật Dân sự 2005
- 2Luật Đất đai 2003
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Nghị định 188/2004/NĐ-CP về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất
- 5Nghị định 123/2007/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 188/2004/NĐ-CP về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất.
- 6Thông tư liên tịch 04/2007/TTLT/BTNMT-BTC hướng dẫn lập dự toán kinh phí đo đạc bản đồ và quản lý đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường-Bộ Tài chính ban hành
- 7Quyết định 1735/QĐ-TTg năm 2008 về việc điều chuyển nhiệm vụ, quyền hạn định giá đất, hồ sơ, tài liệu, tổ chức và cán bộ, công chức làm công tác định giá đất từ ngành tài chính sang ngành tài nguyên và môi trường do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị định 69/2009/NĐ-CP bổ sung quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
- 9Thông tư liên tịch 02/2010/TTLT-BTNMT-BTC hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành bảng giá đất và điều chỉnh bảng giá đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính ban hành
- 10Thông tư 03/2010/TT-BTNMT quy định về Định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng bảng giá đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 11Nghị định 28/2010/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu chung
- 12Kế hoạch 100/KH-UBND năm 2013 thực hiện điều tra, xây dựng bảng giá đất năm 2014 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 13Quyết định 1124/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt dự án xây dựng bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2014
- 14Quyết định 1549/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch thực hiện dự án xây dựng bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2014
Quyết định 1293/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt nội dung dự án xây dựng, thẩm định, ban hành bảng giá đất và điều chỉnh bảng giá đất các loại năm 2011 do tỉnh Bến Tre ban hành
- Số hiệu: 1293/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/06/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Người ký: Cao Văn Trọng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/06/2010
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra