Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1290/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 30 tháng 7 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số: 2561/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”;

Căn cứ Quyết định số: 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số;

Căn cứ Công văn số: 61/UBDT-DTTS ngày 18/01/2019 của Ủy ban dân tộc về việc thực hiện Quyết định số: 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số: 360/TTr-BDT ngày 25/7/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phổ biến, triển khai thực hiện Quyết định này đến người có uy tín trên địa bàn.

Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

QUY ĐỊNH

NHIỆM VỤ, TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1290/QĐ-UBND ngày 30 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Điều 1. Đối tượng áp dụng

1. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (sau đây gọi là người có uy tín).

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động quản lý và thực hiện chính sách đối với người có uy tín.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 3. Nhiệm vụ

1. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

2. Phối hợp với các tổ chức tại thôn, bản, tổ phố tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Điều 4. Trách nhiệm

1. Tích cực nghiên cứu tìm hiểu thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tìm hiểu sâu sắc về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn nơi mình cư trú để từ đó tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từng bước đẩy lùi và loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, nguy hại đang tồn tại trong đời sống cộng đồng dân cư.

2. Tích cực tham gia các phong trào của địa phương, có ý thức trách nhiệm cao trong tham gia xây dựng Chi bộ và các tổ chức ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, chủ động đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình công tác của thôn, bản, tổ phố; vận động bà con nhân dân tích cực tham gia lao động sản xuất, giảm nghèo; tham gia hưởng ứng cuộc vận động các phong trào: Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua khác tại địa phương.

3. Chủ động, tích cực phối hợp với tổ hòa giải ở cơ sở, tổ chức hòa giải các vụ việc xảy ra tại thôn, bản, tổ phố; vận động, cảm hóa, tác động để làm thay đổi tư tưởng và hành vi của những đối tượng hoạt động tuyên truyền, phát triển tà đạo trái pháp luật; đấu tranh ngăn chặn kịp thời các luận điệu xuyên tạc, lừa bịp, kích động của kẻ xấu; tham gia cùng với công an, dân quân tự vệ giáo dục thuyết phục các đối tượng lầm lỡ sớm hòa nhập cộng đồng.

4. Giải thích, tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tích cực, chủ động, có hiệu quả vào quá trình tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn nhằm đảm bảo các chính sách dân tộc được triển khai đúng với mục tiêu, đối tượng, định mức và tiến độ thực hiện theo quy định. Chủ động đề xuất hoặc tham gia vào việc quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng các kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư tại địa bàn, góp phần bảo vệ, duy trì năng lực phục vụ, phát huy hiệu quả của các công trình. Trực tiếp tham gia vào hoạt động kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn khi được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu.

5. Tích cực phối hợp với Trưởng thôn, bản, tổ dân phố, Trưởng ban Công tác Mặt trận và các hội, đoàn thể trong việc xây dựng quy ước, hương ước của thôn bản, tổ phố; tổ chức các hoạt động của thôn, tổ dân phố; chủ động trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Phản ánh, đề nghị với chính quyền các cấp giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thôn, tổ dân phố.

6. Bản thân và gia đình có kế hoạch phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các gia đình khác cách thức làm ăn để thoát nghèo; tích cực tham gia vào việc duy trì, kế tục, bảo tồn, phát huy các ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc mình.

Điều 5. Mối quan hệ

1. Đối với chính quyền địa phương: Người có uy tín do địa phương trực tiếp quản lý; định kỳ 06 tháng và cuối năm hoặc đột xuất người có uy tín được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện phổ biến cung cấp thông tin mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự và kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang thực hiện ở địa phương.

2. Đối với Chi bộ thôn, tổ phố: Định kỳ 06 tháng và cuối năm hoặc đột xuất người có uy tín được Chi bộ mời tham dự cuộc họp với chi bộ để được cung cấp thông tin về tình hình thời sự trong nước, quốc tế, về kết quả lãnh đạo của Chi bộ, của địa phương; đồng thời được tham gia thảo luận, đề xuất với Chi bộ các nội dung liên quan đến nhiệm vụ của địa phương.

3. Đối với thôn, tổ phố: Ban Lãnh đạo thôn, tổ phố, Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể thôn, tổ phố tạo điều kiện để người có uy tín thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm theo Quy định này.

4. Đối với người có uy tín: Người có uy tín phải thường xuyên giữ mối liên hệ và chủ động phối hợp, báo cáo, đề xuất kịp thời với cấp ủy Chi bộ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, tổ dân phố về các nhiệm vụ của người có uy tín.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền rộng rãi Quy định này để các tổ chức và cá nhân ủng hộ và tạo điều kiện giúp đỡ người có uy tín hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ vào Quy định này chỉ đạo, hướng dẫn các xã phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn và làm cơ sở để hằng năm tổ chức đánh giá, rà soát, bình chọn bổ sung theo đúng quy định.

3. Hằng năm, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức gặp mặt giao nhiệm vụ cho người có uy tín và tổ chức đánh giá chất lượng đội ngũ người có uy tín, có hình thức khen thưởng động viên kịp thời.

4. Các thôn, tổ phố có người có uy tín tổ chức triển khai các nội dung trong Quy định này đến người có uy tín và toàn thể nhân dân trong thôn; hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân xã về tình hình hoạt động của người có uy tín; đánh giá, nhận xét và báo cáo những vấn đề phát sinh đột xuất trong quá trình hoạt động của người có uy tín tại địa phương với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để kịp thời xem xét, giải quyết theo quy định.

Trong quá trình thực hiện, nếu có những phát sinh, vướng mắc cần phải bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Ban Dân tộc tỉnh) để xem xét, quyết định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1290/QĐ-UBND năm 2019 quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu: 1290/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/07/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Phạm Duy Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản