Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1270/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 06 tháng 9 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG TIỀN KHÔNG XÁC ĐỊNH HOẶC CHƯA XÁC ĐỊNH ĐƯỢC ĐỐI TƯỢNG NHẬN TIỀN DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 2264/TTr-SNNPTNT ngày 21/8/2019; ý kiến của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 1739/STC- TCHCSN ngày 17/7/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án sử dụng tiền không xác định hoặc chưa xác định được đối tượng nhận tiền dịch vụ môi trường rừng gồm những nội dung như sau:

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Nhằm sử dụng có hiệu quả số tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) không xác định hoặc chưa xác định được đối tượng nhận tiền dịch vụ môi trường rừng; góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số là chủ rừng hoặc có tham gia quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) đối với diện tích có cung ứng DVMTR ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tạo động lực cho người dân tham gia tích cực vào công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương.

b) Mục tiêu cụ thể:

Duy trì ổn định mức chi trả tiền DVMTR cho diện tích rừng trong các lưu vực thủy điện để đạt mức khoán bảo vệ rừng bình quân chung trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao thu nhập cho hộ dân thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển rừng và trồng cây phân tán, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

2. Nội dung sử dụng tiền không xác định hoặc chưa xác định được đối tượng nhận tiền như sau:

a) Ưu tiên sử dụng tiền để điều tiết cho những diện tích rừng thuộc các lưu vực thủy điện tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng có mức chi trả dịch vụ môi trường rừng bình quân 01 ha từ thấp nhất trở lên, để đạt mức 400.000 đồng/ha/năm (đối với diện tích rừng thuộc các xã có điều kiện kinh tế khó khăn khu vực II,III thuộc vùng dân tộc và miền núi thực hiện theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ); đạt mức 300.000 đồng/ha/năm đối với các xã còn lại.

b) Hỗ trợ công tác bảo vệ, phát triển rừng gồm các hoạt động sau: Hỗ trợ trồng cây phân tán, trồng rừng cảnh quan trong khu vực có cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

c) Tập huấn, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

3. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ:

a) Đối tượng hỗ trợ:

- Các chủ rừng có diện tích rừng trong lưu vực thủy điện có tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng;

- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn trong vùng các lưu vực có các nội dung hỗ trợ nêu trên.

b) Điều kiện hỗ trợ:

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn có chương trình, dự án hoặc phi dự án có nội dung phù hợp với nội dung hỗ trợ như trên và có nhu cầu hỗ trợ.

4. Thời gian áp dụng: Thực hiện kể từ năm 2019 trở đi.

5. Nguồn vốn thực hiện:

Tiền thu được từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng nhưng không xác định được hoặc chưa xác định được đối tượng nhận tiền dịch vụ môi trường rừng.

6. Tổ chức thực hiện: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện phương án theo quy định của pháp luật về chi trả dịch vụ môi trường rừng và các văn bản của pháp luật khác có liên quan.

b) Thực hiện việc điều tiết đảm bảo tính công bằng, khách quan, phát huy tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.

c) Chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng:

- Hàng năm, trên cơ sở đăng ký kế hoạch nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, văn bản đề nghị hỗ trợ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phối hợp với các Cơ quan chức năng tổ chức thẩm định nội dung đề nghị hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; lập kế hoạch điều tiết tiền DVMTR, kế hoạch tập huấn tuyên truyền và tổng hợp kế hoạch chung cho toàn tỉnh, báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ thông qua, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt cùng kỳ với lập kế hoạch thu - chi tiền dịch vụ môi trường rừng.

- Trên cơ sở Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, Giám đốc Quỹ thông báo kế hoạch hỗ trợ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được biết để triển khai thực hiện.

- Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra tình hình thực hiện các nội dung do Quỹ cấp tỉnh hỗ trợ.

- Thực hiện thanh, quyết toán các nguồn kinh phí theo quy định.

(Có Phương án sử dụng tiền không xác định hoặc chưa xác định được đối tượng nhận tiền kèm theo)

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện phương án theo đúng quy định của pháp luật về chi trả dịch vụ môi trường rừng và các văn bản của pháp luật khác có liên quan.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có sự thay đổi về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng làm ảnh hưởng đến nội dung của Phương án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1896/QĐ-UBND ngày 22/10/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- VPUB: PCVP(NL),CN-XD,CB-TH;
- Lưu: VT, NNTN (lnphong357)

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Tăng Bính

 

PHƯƠNG ÁN

SỬ DỤNG TIỀN KHÔNG XÁC ĐỊNH HOẶC CHƯA XÁC ĐỊNH ĐƯỢC ĐỐI TƯỢNG NHẬN TIỀN DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG
(Kèm theo Quyết định số: 1270/QĐ-UBND ngày 06/9/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh)

I. Khái quát chung

Ngày 24/9/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ - CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 với mục tiêu huy động nguồn lực của toàn xã hội vào công tác quản lý bảo vệ rừng. Theo đó, các đối tượng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng gồm: Cơ sở sản xuất thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ cho sản xuất kinh doanh; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, giải trí; tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả dịch vụ môi trường rừng về hấp thụ và lưu giữ cacbon của rừng; các cơ sở nuôi trồng thủy sản có sử dụng dịch vụ môi trường rừng.

Triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ, ngày 04/7/2012, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 998/QĐ-UBND thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi; Quỹ tỉnh chính thức đi vào hoạt động tháng 10 năm 2013. Qua 06 năm (2013-2019) triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, đã triển khai thu 02 đối tượng (cơ sở sản xuất thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch), với tổng số đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng nộp tiền ủy thác về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh 16 đơn vị, gồm 10 đơn vị sản xuất thủy điện (gồm các thủy điện: Nước Trong, Sông Riềng, Đăkđrinh, Cà Đú, Hà Nang, Định Bình, Văn Phong, Vĩnh Sơn 5, Huy Măng, Sơn Trà 1) và 06 đơn vị sản xuất và cung ứng nước sạch (Nhà máy nước khoáng Thạch Bích, Công ty CP Vinaconex Dung Quất, Công ty CP đường Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Quảng Ngãi, Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Đội quản lý Trật tự Xây dựng đô thị và Môi trường huyện Lý Sơn), tổng số tiền đã nộp ủy thác về Quỹ tỉnh là 35.249 triệu đồng (trong đó thu nội tỉnh: 29.017 triệu đồng; Quỹ TW chuyển về là 6.232 triệu đồng). Dự kiến kế hoạch từ nay đến năm 2020, tiếp tục mở rộng 02 đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng là các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ cho sản xuất kinh doanh; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, giải trí. Ước tính nguồn thu tiền DVMTR đến năm 2020 đạt khoảng trên 10 tỷ đồng/năm.

Tình hình sử dụng tiền đối với tiền dịch vụ môi trường rừng thu ủy thác từ các cơ sở sản xuất thủy điện (từ năm 2015 đến nay), Quỹ tỉnh đã tiến hành lập các đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt các đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng thuộc các lưu vực thủy điện: Nước Trong, Sông Riềng, Đăkđrinh, Cà Đú, Hà Nang, Định Bình, Huy Măng, Sơn Tây, Sơn Trà 1 với tổng diện tích đủ điều kiện tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng khoảng 23.422 ha, làm cơ sở chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng;

Đối với nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng thu ủy thác từ các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, Quỹ tỉnh đã xây dựng phương án sử dụng tiền, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1896/QĐ-UBND ngày 22/10/2015. Theo đó, nội dung phương án sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng thu từ các đối tượng sản xuất và cung ứng nước sạch chi hỗ trợ cho những diện tích rừng trong lưu vực thủy điện có mức chi trả thấp hơn 200.000 đồng/ha/năm (điều kiện diện tích rừng hỗ trợ không được trùng lặp với những diện tích rừng đang được đầu tư bằng nguồn vốn của Chương trình 30a, Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn).

Qua 04 năm (2015-2018) triển khai thực hiện phương án, số tiền đã hỗ trợ cho các chủ rừng là 876 triệu đồng/1.922 triệu đồng, đạt 46% tổng số tiền thu từ các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, số tiền còn lại chưa sử dụng được bởi các lý do sau:

- Theo Điều 59, Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định mức chi trả tiền DVMTR tăng (đối với các cơ sở sản xuất thủy điện tăng từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh, các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch tăng từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3;

- Đối với những lưu vực thủy điện có mức chi trả dịch vụ môi trường rừng lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, Quỹ tỉnh đã thực hiện điều tiết từ các lưu vực lớn hơn 02 lần sang các lưu vực có mức chi trả thấp (thực hiện theo Quyết định 1709/QĐ-UBND ngày 14/9/2017, nay được thay thế bởi Quyết định 97/QĐ-UBND ngày 17/01/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi).

Từ những nguyên nhân nêu trên dẫn đến đơn giá chi trả cho các lưu vực thủy điện đều tăng, đa phần lớn hơn 200.000 đồng/ha/năm, vượt ngưỡng quy định hỗ trợ.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, việc điều chỉnh phương án sử dụng tiền DVMTR thu được từ các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch là cần thiết, nhằm sử dụng nguồn tiền thu được đạt hiệu quả, tăng thu nhập cho người trực tiếp tham gia công tác bảo vệ rừng, giảm nguồn đầu tư từ ngân sách.

II. Cơ sở xây dựng phương án

1. Cơ sở pháp lý

- Điểm e khoản 2 Điều 70 của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp, cụ thể “Đối với số tiền thu được từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng nhưng không xác định được hoặc chưa xác định được đối tượng nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều tiết số tiền dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng có mức chi trả dịch vụ môi trường rừng bình quân 01 ha từ thấp nhất trở lên; hỗ trợ công tác bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây phân tán, trồng rừng cảnh quan trong khu vực có cung ứng dịch vụ môi trường rừng; tuyên truyền, phổ biến chính sách, nâng cao năng lực thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng”.

- Mục 3 phần II Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ: “Trường hợp không xác định hoặc chưa xác định được bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều tiết số tiền dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng có mức chi trả dịch vụ môi trường rừng bình quân 01 ha từ thấp nhất trở lên”.

- Quyết định số 97/QĐ-UBND ngày 17/01/ 2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc điều chỉnh phương án điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng từ lưu vực có mức chi trả cao sang lưu vực có mức chi trả thấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

2. Cơ sở thực tiễn

- Đối với Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Quảng Ngãi, Nhà máy nước khoáng Thạch Bích và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Đội quản lý Trật tự Xây dựng đô thị và Môi trường huyện Lý Sơn phần lớn sử dụng nước ngầm để sản xuất kinh doanh. Do vậy, việc xác định lưu vực điều tiết và cung cấp nước cho các đối tượng này rất khó để có thể xác định được;

- Đối với Công ty Cổ phần VinaConex Dung Quất, sử dụng nước mặt lấy nước từ nguồn nước thủy lợi Thạch Nham, thuộc lưu vực sông Trà Khúc: Nếu như lấy số tiền thu DVMTR hàng năm (hiện tại khoảng trên 200 triệu, cộng với số tiền dự kiến thu từ các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ lưu vực các sông: Trà Khúc, Trà Bồng khoảng 2-3 tỷ đồng/năm) để chi trả cho diện tích rừng trong lưu vực khoảng 108.000 ha thì số tiền hàng năm chi trả cho 01 ha rừng tham gia cung ứng DVMTR khoảng 20.000-30.000 đồng/ha/năm. Đây là con số rất nhỏ so với thu nhập của người dân hiện nay; hơn nữa, theo quy định để thực hiện chi trả số tiền này cho chủ rừng thì ngân sách Nhà nước phải đầu tư kinh phí tương đối lớn để xác định giá trị chi trả DVMTR, hiệu quả mang lại không cao, không phát huy vai trò của chính sách chi trả DVMTR.

Như vậy, theo quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 70, Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp thì tiền DVMTR thu từ các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ cho sản xuất kinh doanh là “ngu ồn tiền không xác định hoặc chưa xác định được đối tượng nhận tiền dịch vụ môi trường rừng”.

III. Nội dung phương án

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát:

Nhằm sử dụng có hiệu quả số tiền DVMTR không xác định hoặc chưa xác định được đối tượng nhận tiền dịch vụ môi trường rừng; góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số là chủ rừng hoặc có tham gia QLBVR đối với diện tích có cung ứng DVMTR ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tạo động lực cho người dân tham gia tích cực vào công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương.

b) Mục tiêu cụ thể:

Duy trì ổn định mức chi trả tiền DVMTR cho diện tích rừng trong các lưu vực thủy điện để đạt mức khoán bảo vệ rừng bình quân chung trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao thu nhập cho hộ dân thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển rừng và trồng cây phân tán, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

2. Nội dung sử dụng tiền không xác định hoặc chưa xác định được đối tượng nhận tiền như sau:

a) Ưu tiên sử dụng tiền để điều tiết cho những diện tích rừng thuộc các lưu vực thủy điện tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng có mức chi trả dịch vụ môi trường rừng bình quân 01 ha từ thấp nhất trở lên, để đạt mức 400.000 đồng/ha/năm (đối với diện tích rừng thuộc các xã có điều kiện kinh tế khó khăn khu vực II,III thuộc vùng dân tộc và miền núi thực hiện theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ); đạt mức 300.000 đồng/ha/năm đối với các xã còn lại.

b) Hỗ trợ công tác bảo vệ, phát triển rừng gồm các hoạt động sau: Hỗ trợ trồng cây phân tán, trồng rừng cảnh quan trong khu vực có cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

c) Tập huấn, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

3. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ:

a) Đối tượng hỗ trợ:

- Các chủ rừng có diện tích rừng trong lưu vực thủy điện có tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng;

- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn trong vùng các lưu vực có các nội dung hỗ trợ nêu trên.

b) Điều kiện hỗ trợ:

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn có chương trình, dự án hoặc phi dự án có nội dung phù hợp với nội dung hỗ trợ như trên và có nhu cầu hỗ trợ.

4. Thời gian áp dụng: Thực hiện kể từ năm 2019 trở đi.

5. Nguồn vốn thực hiện:

Tiền thu được từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng nhưng không xác định được hoặc chưa xác định được đối tượng nhận tiền dịch vụ môi trường rừng.

6. Tổ chức thực hiện: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện phương án theo quy định của pháp luật về chi trả dịch vụ môi trường rừng và các văn bản của pháp luật khác có liên quan.

b) Thực hiện việc điều tiết đảm bảo tính công bằng, khách quan, phát huy tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.

c) Chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng:

- Hàng năm, trên cơ sở đăng ký kế hoạch nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, văn bản đề nghị hỗ trợ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phối hợp với các Cơ quan chức năng tổ chức thẩm định nội dung đề nghị hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; lập kế hoạch điều tiết tiền DVMTR, kế hoạch tập huấn tuyên truyền và tổng hợp kế hoạch chung cho toàn tỉnh, báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ thông qua, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt cùng kỳ với lập kế hoạch thu - chi tiền dịch vụ môi trường rừng.

- Trên cơ sở Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, Giám đốc Quỹ thông báo kế hoạch hỗ trợ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được biết để triển khai thực hiện.

- Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra tình hình thực hiện các nội dung do Quỹ cấp tỉnh hỗ trợ.

- Thực hiện thanh, quyết toán các nguồn kinh phí theo đúng quy định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1270/QĐ-UBND năm 2019 Phê duyệt Phương án sử dụng tiền không xác định hoặc chưa xác định được đối tượng nhận tiền dịch vụ môi trường rừng do tỉnh Quảng Ngãi ban hành

  • Số hiệu: 1270/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/09/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Nguyễn Tăng Bính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/09/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản