Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 127/2008/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GIÁM SÁT GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 được Quốc Hội thông qua ngày 29/06/2006;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 63/2007/QĐ-TTg ngày 10/05/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Giám sát Giao dịch Chứng khoán trên thị trường chứng khoán.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Chánh văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng TƯ và các ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBND, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Công báo, Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, UBCKNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà

 

QUY CHẾ

GIÁM SÁT GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 127/2008/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nguyên tắc và nội dung cơ bản liên quan đến hoạt động giám sát giao dịch chứng khoán đối với các thị trường giao dịch chứng khoán tập trung, thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết, nhằm đảm bảo ngăn ngừa và chấn chỉnh các vi phạm pháp luật, duy trì sự công bằng, công khai của thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

Quy chế này áp dụng đối với các chủ thể giám sát và đối tượng giám sát dưới đây:

1. Chủ thể giám sát:

a) Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước;

b) Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán;

2. Đối tượng giám sát là các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình giao dịch, cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch chứng khoán, bao gồm:

a) Công ty đại chúng; Tổ chức niêm yết; Tổ chức đăng ký giao dịch;

b) Công ty chứng khoán; Thành viên lưu ký chứng khoán;

c) Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán;

d) Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán khi tham gia cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch chứng khoán;

đ) Các đối tượng liên quan (ngân hàng giám sát, ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ mở tài khoản tiền gửi đầu tư chứng khoán);

e) Các tổ chức và cá nhân tham gia giao dịch, cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán.

Điều 3. Mục đích, yêu cầu của giám sát giao dịch chứng khoán

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý những hành vi gian lận, lừa đảo, giao dịch nội bộ, thao túng thị trường và các hành vi vi phạm các quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán.

Điều 4. Tổ chức bộ máy giám sát

1. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán, cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch chứng khoán trên toàn bộ thị trường chứng khoán đối với các đối tượng nêu tại Khoản 2 Điều 2 Quy chế này; xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

2. Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán giám sát hoạt động giao dịch, cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch chứng khoán trong phạm vi thị trường giao dịch chứng khoán do Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán tổ chức theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm xác định rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với các giao dịch bất thường, xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền, báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để tiếp tục xử lý các dấu hiệu vi phạm, hành vi vi phạm vượt thẩm quyền.

3. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán có trách nhiệm tổ chức bộ máy giám sát giao dịch chứng khoán trong phạm vi quyền hạn, chức năng theo quy định của pháp luật; được ban hành các quy định, quy trình để thực hiện công tác giám sát có hiệu quả trên cơ sở báo cáo, trao đổi, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác; chủ động phối hợp, hạn chế chồng chéo giữa các chủ thể giám sát.

Điều 5. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Giao dịch chứng khoán là việc mua, bán, chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu chứng khoán.

2. Tổ chức đăng ký giao dịch chứng khoán là công ty đại chúng có chứng khoán đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán.

3. Chứng khoán đăng ký giao dịch là cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi của các công ty đại chúng chưa niêm yết được chấp thuận đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán.

Chương II

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN CỦA SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN, TRUNG TÂM GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN

Điều 6. Trách nhiệm và quyền hạn giám sát giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán

1. Trách nhiệm:

a) Tổ chức bộ máy giám sát phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; ban hành các quy chế, quy định, quy trình giám sát để đảm bảo thực hiện công tác giám sát một cách có hiệu quả;

b) Ban hành Hệ thống tiêu chí giám sát giao dịch chứng khoán bất thường trên Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán theo quy định tại Điều 8 Quy chế này sau khi được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận;

c) Giám sát diễn biến các giao dịch hàng ngày, nhiều ngày, định kỳ; phân tích, đánh giá nhằm kịp thời ngăn ngừa các hành vi gian lận hoặc lừa đảo trong giao dịch chứng khoán, hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội bộ và các hành vi vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán theo quy định tại Điều 7, Điều 9 Quy chế này;

d) Giám sát việc công bố thông tin và chế độ báo cáo theo quy định hiện hành liên quan đến giao dịch chứng khoán của công ty chứng khoán, tổ chức niêm yết chứng khoán, tổ chức đăng ký giao dịch chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư;

đ) Có trách nhiệm lập và gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo định kỳ, báo cáo bất thường và báo cáo theo yêu cầu về giám sát giao dịch chứng khoán và tuân thủ các quy định pháp luật về giao dịch chứng khoán của các đối tượng giám sát theo quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Quy chế này;

e) Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác giám sát, bao gồm các nội dung quy định tại Điều 14 Quy chế này;

g) Báo cáo định kỳ hoặc bất thường theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

2. Quyền hạn:

a) Kiểm tra theo uỷ quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, xử lý theo thẩm quyền đối với thành viên giao dịch vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán, kiến nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xử lý các hành vi giao dịch chứng khoán vi phạm quy định của pháp luật;

b) Được yêu cầu thành viên giao dịch cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch chứng khoán phục vụ việc giám sát.

Điểu 7. Nội dung giám sát giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán

1. Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán thực hiện giám sát nhằm ngăn ngừa, phát hiện các giao dịch và hành vi vi phạm pháp luật về giao dịch chứng khoán, bao gồm:

a) Các hành vi gian lận hoặc lừa đảo trong giao dịch chứng khoán;

b) Các giao dịch nội bộ;

c) Các giao dịch thao túng thị trường;

d) Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và các quy định khác của pháp luật liên quan.

2. Giám sát công bố thông tin liên quan đến giao dịch chứng khoán được niêm yết, đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán của các tổ chức niêm yết chứng khoán, tổ chức đăng ký giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán và nhà đầu tư theo đúng quy định hiện hành.

3. Giám sát việc tuân thủ chế độ báo cáo, các quy định về niêm yết chứng khoán, đăng ký giao dịch chứng khoán đối với tổ chức niêm yết chứng khoán, tổ chức đăng ký giao dịch chứng khoán.

Điều 8. Tiêu chí giám sát giao dịch chứng khoán

1. Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán xây

dựng và ban hành hệ thống tiêu chí giám sát giao dịch chứng khoán bất thường trên Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán để làm cơ sở tiến hành giám sát giao dịch hàng ngày và nhiều ngày.

2. Nội dung và các tham số cụ thể trong hệ thống tiêu chí giám sát giao dịch chứng khoán phải được quy định phù hợp với tình hình giao dịch trên thị trường chứng khoán và đảm bảo giám sát giao dịch chứng khoán có hiệu quả.

Điều 9. Phương thức giám sát giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán

1. Giám sát trực tuyến các giao dịch hàng ngày của các chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán để phát hiện các giao dịch bất thường.

2. Giám sát giao dịch chứng khoán nhiều ngày dựa trên:

a) Cơ sở dữ liệu giao dịch chứng khoán;

b) Các báo cáo, phản ánh thông tin của các công ty chứng khoán, công ty đại chúng, các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán; các bản công bố thông tin của các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán;

c) Các nguồn tin trên các phương tiện thông tin đại chúng;

d) Các nguồn thông tin khác.

3. Thực hiện kiểm tra theo uỷ quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đối với các thành viên giao dịch theo quy định tại Điều 10 Quy chế này. Phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các chủ thể giám sát khác kiểm tra định kỳ hoặc bất thường đối với các đối tượng giám sát thuộc phạm vi quản lý của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán.

Điều 10. Kiểm tra hoạt động giao dịch chứng khoán đối với các thành viên giao dịch theo uỷ quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

1. Các nội dung kiểm tra:

a) Kiểm tra định kỳ

- Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quy trình giao dịch, quy chế giao dịch, quy định về đăng ký giao dịch, quy chế thành viên do Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán ban hành;

- Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về niêm yết và công bố thông tin của các tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch chứng khoán khi thực hiện giao dịch chứng khoán.

b) Kiểm tra bất thường: việc kiểm tra tiến hành trên cơ sở dấu hiệu các giao dịch bất thường thông qua việc giám sát giao dịch hàng ngày, nhiều ngày theo uỷ quyền hoặc theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

2. Khi phát hiện các giao dịch bất thường, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán thực hiện kiểm tra theo uỷ quyền bằng văn bản của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước như sau:

- Yêu cầu thành viên giao dịch, các đối tượng liên quan cung cấp giải trình các thông tin liên quan đến giao dịch đó;

- Kiểm tra tại trụ sở của thành viên giao dịch, tổ chức liên quan đến giao dịch chứng khoán (khi cần thiết).

3. Khi tiến hành kiểm tra tại trụ sở chính, chi nhánh và các địa điểm đăng ký hoạt động giao dịch chứng khoán của thành viên giao dịch theo quy định của pháp luật, căn cứ vào uỷ quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán phải ra quyết định kiểm tra kèm theo đề cương kiểm tra; phải gửi văn bản về kết quả kiểm tra cho đối tượng bị kiểm tra trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc kiểm tra.

4. Căn cứ kết quả kiểm tra theo các quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều này, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán có trách nhiệm:

a) Xử lý theo quy định tại các quy chế do Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán ban hành trong trường hợp phát hiện vi phạm các quy định liên quan đến giao dịch chứng khoán của thành viên giao dịch;

b) Báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về nội dung kiểm tra, kết luận kiểm tra và xử lý trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi ra kết luận kiểm tra và xử lý;

c) Kiến nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xử lý các hành vi vi phạm đối với thành viên giao dịch trong trường hợp vượt thẩm quyền của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán.

Điều 11. Báo cáo giám sát giao dịch định kỳ

1. Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán có trách nhiệm gửi các báo cáo định kỳ sau cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:

a) Báo cáo ngày: Sổ lệnh giao dịch, Kết quả khớp lệnh giao dịch trong ngày theo nội dung quy định tại Mẫu 01 Phụ lục I kèm theo Quy chế này phải được gửi về Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trước 14h00 ngày giao dịch;

b) Báo cáo giám sát giao dịch tuần: theo nội dung quy định tại Mẫu 02 Phụ lục I kèm theo Quy chế này và phải được gửi về Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong vòng 02 ngày làm việc đầu tiên của tuần tiếp theo.

c) Báo cáo giám sát giao dịch tháng: theo nội dung quy định tại Mẫu 03 Phụ lục I kèm theo Quy chế này và phải được gửi về Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong vòng 10 ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo.

d) Báo cáo giám sát giao dịch năm: theo nội dung quy định tại Mẫu 04 Phụ lục I kèm theo Quy chế này và phải được gửi về Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong vòng 20 ngày làm việc đầu tiên của năm kế tiếp.

2. Các báo cáo quy định tại Khoản 1 Điều này được lập dưới hình thức văn bản và file điện tử. Riêng báo cáo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này chỉ cần gửi dưới dạng file điện tử. Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán có trách nhiệm lưu giữ thông tin đã báo cáo theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Báo cáo giám sát giao dịch bất thường

Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán có trách nhiệm gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các báo cáo bất thường theo quy định sau:

1. Các trường hợp phải báo cáo bất thường bao gồm:

a) Khi phát hiện các sự kiện quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quy chế này;

b) Khi nhận được báo cáo bất thường liên quan đến giao dịch chứng khoán của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán theo quy định tại Thông tư số 38/2007/TT-BTC ngày 18/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (Thông tư số 38/2007/TT-BTC);

c) Khi thực hiện kiểm tra và kết thúc kiểm tra theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Quy chế này.

2. Báo cáo gửi cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về các sự kiện nêu tại Khoản 1 Điều này dưới hình thức văn bản và file dữ liệu điện tử trong vòng hai mươi bốn (24) giờ kể từ khi Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán phát hiện sự việc hoặc nhận được các báo cáo bất thường liên quan đến giao dịch chứng khoán.

Điều 13. Báo cáo giám sát giao dịch theo yêu cầu

1. Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán có trách nhiệm gửi báo cáo khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

2. Báo cáo gửi cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nêu tại Khoản 1 Điều này phải được thể hiện dưới hình thức văn bản và file dữ liệu điện tử theo nội dung và thời hạn Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu.

Điều 14. Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ giám sát giao dịch chứng khoán

1. Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán có trách nhiệm và chủ động xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác giám sát giao dịch chứng khoán. Hệ thống cơ sở dữ liệu tối thiểu phải gồm các nội dung sau:

a) Các dữ liệu về kết quả giao dịch chứng khoán;

b) Danh sách và thông tin về các đối tượng giám sát thuộc phạm vi quản lý vi phạm quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán và quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán;

c) Các báo cáo và thông tin đã công bố qua hệ thống công bố thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán;

d) Dữ liệu liên quan đến tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư.

2. Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ giám sát giao dịch chứng khoán phải được xây dựng một cách khoa học để có thể khai thác một cách có hiệu quả khi thực hiện công tác giám sát, phải được lưu giữ dưới hình thức dữ liệu file điện tử và văn bản theo quy định của pháp luật và các quy định của quy chế này.

Chương III

GIÁM SÁT GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN CỦA UỶ BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC

Điều 15. Trách nhiệm và quyền hạn giám sát giao dịch chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

1. Trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về giám sát giao dịch chứng khoán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Ban hành quy định về giám sát giao dịch chứng khoán bao gồm nội dung, phương thức và quy trình giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

c) Xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát giao dịch chứng khoán hàng năm;

d) Thông qua các báo cáo giám sát giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán và diễn biến giao dịch chứng khoán hàng ngày trên Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán kịp thời phát hiện, phân tích, đánh giá và tiến hành kiểm tra, xử lý khi cần thiết đối với các đối tượng liên quan đến các giao dịch chứng khoán bất thường;

đ) Kịp thời có các cảnh báo phù hợp với quy định của pháp luật nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch chứng khoán của các đối tượng giám sát;

e) Định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính về hoạt động giám sát giao dịch chứng khoán của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán. Thực hiện báo cáo giám sát giao dịch chứng khoán bất thường và theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

2. Quyền hạn: Được yêu cầu các đối tượng giám sát cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch chứng khoán phục vụ việc giám sát.

Điều 16. Nội dung giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

1. Giám sát hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán trong việc thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán theo quy định tại Chương II Quy chế này.

2. Giám sát việc ban hành, thực hiện quy định, quy trình đặt lệnh, chuyển lệnh giao dịch chứng khoán cho khách hàng của công ty chứng khoán, việc thực hiện chế độ kiểm soát nội bộ, thực hiện đạo đức nghề nghiệp của các công ty chứng khoán liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán.

3. Giám sát công bố thông tin liên quan đến giao dịch chứng khoán của các tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, công ty đại chúng, công ty chứng khoán, nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

4. Giám sát việc cung cấp dịch vụ liên quan đến giao dịch chứng khoán của các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 2 Quy chế này (ngoại trừ công ty đại chúng).

Điều 17. Phương thức giám sát giao dịch chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

1. Giám sát giao dịch chứng khoán thông qua hệ thống máy tính giám sát giao dịch kết nối với Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán nhằm phát hiện giao dịch bất thường.

2. Giám sát giao dịch chứng khoán dựa trên thông tin từ các nguồn:

a) Báo cáo giám sát giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán;

b) Báo cáo của các công ty chứng khoán;

c) Báo cáo của các công ty đại chúng;

d) Báo cáo, phản ánh của các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán;

đ) Các nguồn tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tin đồn;

e) Các nguồn thông tin khác.

3. Kiểm tra định kỳ theo kế hoạch giám sát giao dịch chứng khoán hàng năm; kiểm tra bất thường đối với các đối tượng giám sát thông qua việc phát hiện các giao dịch bất thường, theo báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán và của các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch và cung cấp các dịch vụ giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán.

Chương IV

NGHĨA VỤ CỦA CÁC ĐỐI TƯỢNG GIÁM SÁT

Điều 18. Nghĩa vụ về cung cấp thông tin và giải trình theo yêu cầu

1. Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến nội dung giám sát giao dịch chứng khoán theo yêu cầu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán;

2. Giải trình theo yêu cầu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán đối với các sự việc liên quan đến giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Nghĩa vụ báo cáo của công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán

1. Công ty đại chúng gửi báo cáo định kỳ, bất thường và theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại Thông tư 38/2007/TT-BTC.

2. Tổ chức niêm yết gửi báo cáo định kỳ, bất thường và theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán theo quy định tại Thông tư 38/2007/TT-BTC.

3. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán gửi báo cáo định kỳ, bất thường và theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước,

Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán theo quy định tại Thông tư 38/2007/TT-BTC; cập nhật danh sách khách hàng mở tài khoản tại công ty chứng khoán, danh sách người hành nghề làm việc tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và người có liên quan.

4. Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán gửi báo cáo về quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng định kỳ, bất thường và theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán theo quy định tại Thông tư 38/2007/TT-BTC.

5. Công ty đầu tư chứng khoán gửi báo cáo định kỳ, bất thường và theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán theo quy định tại Thông tư 38/2007/TT- BTC.

Điều 20. Nghĩa vụ báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán

Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán có trách nhiệm gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo định kỳ, bất thường và theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại Điều 11, 12 và 13 Quy chế này.

Điều 21. Nghĩa vụ của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán

1. Trung tâm Lưu ký Chứng khoán có trách nhiệm thống kê, tổng hợp, hàng tháng gửi báo cáo lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để phục vụ công tác giám sát đối với các nội dung sau:

Các nội dung quy định tại Phụ lục số 05, 07, 08 và 11 ban hành kèm theo Quyết định số 87/2007/QĐ- BTC ngày 22/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế Đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán;

Báo cáo tình hình sửa lỗi sau giao dịch;

Tình hình cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài (theo Biểu 01 Phụ lục II kèm theo Quy chế này); cung cấp hồ sơ đăng ký mã số đối với các quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ, ngân hàng đầu tư nước ngoài;

Tình hình cấp mã chứng khoán;

đ) Đại diện uỷ quyền của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước, quỹ đầu tư chứng khoán; thống kê danh sách tổ chức, cá nhân đầu tư có cùng đại diện uỷ quyền (theo Biểu 02 Phụ lục II kèm theo Quy chế này);

e) Thống kê giao dịch chứng khoán không qua sàn (cho, biếu, tặng, thừa kế...);

g) Thống kê danh sách nhà đầu tư cùng lúc mở nhiều tài khoản (theo Biểu

04 Phụ lục II kèm theo Quy chế này);

h) Danh sách cổ đông lớn của các công ty đại chúng.

2. Trung tâm lưu ký chứng khoán có trách nhiệm gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các báo cáo bất thường khi phát hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến việc chuyển nhượng, cầm cố, thay đổi sở hữu chứng khoán, các vi phạm của thành viên lưu ký.

3. Các báo cáo khác theo yêu cầu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

4. Thời hạn và trách nhiệm của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán trong việc lập và gửi báo cáo: Các báo cáo nêu trên được lập dưới hình thức file điện tử và văn bản. Các báo cáo nêu tại điểm a, b, c, d, đ Khoản 1 Điều này được lập hàng tháng và gửi về Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong vòng 10 ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo. Các báo cáo nêu tại Điểm e, Điểm g Khoản 1 Điều này được lập theo quý và gửi về Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong vòng 20 ngày đầu tiên của quý tiếp theo. Báo cáo nêu tại Khoản 3 Điều này được gửi trong vòng hai mươi bốn (24) giờ kể từ khi nhận được yêu cầu hoặc theo thời hạn do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước quy định.Trung tâm Lưu ký Chứng khoán có trách nhiệm lưu giữ thông tin đã báo cáo theo quy định của pháp luật.

5. Trường hợp cần thiết, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thực hiện báo cáo định kỳ hoặc bất thường theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Điều 22. Nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân tham gia giao dịch chứng khoán, cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán

1. Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định của pháp luật về chứng khoán trong các trường hợp dưới đây:

a) Giao dịch chứng khoán của tổ chức, cá nhân là cổ đông lớn theo quy định tại Điều 29 Luật Chứng khoán.

b) Giao dịch chứng khoán của tổ chức, cá nhân hoặc người có liên quan có ý định nắm giữ tới hai mươi lăm phần trăm (25%) vốn cổ phần hoặc đang nắm giữ từ hai mươi lăm phần trăm (25%) trở lên vốn cổ phần của một tổ chức niêm yết theo quy định tại Điều 32 Luật Chứng khoán và Thông tư 38/2007/TT-BTC.

c) Giao dịch cổ phiếu của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng và những người có liên quan theo quy định Thông tư 38/2007/TT-BTC.

d) Các ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ mở tài khoản tiền đầu tư chứng khoán cho nhà đầu tư có trách nhiệm cung cấp thông tin về số dư tài khoản tiền của khách hàng theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

đ) Các ngân hàng giám sát có trách nhiệm cung cấp số liệu liên quan đến hoạt động đầu tư, giao dịch chứng khoán của quỹ đầu tư mà ngân hàng thực hiện giám sát theo yêu cầu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Thành viên lưu ký có trách nhiệm gửi báo cáo theo yêu cầu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán liên quan đến số dư chứng khoán của nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký tại thành viên lưu ký.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Điều khoản thi hành

1. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn cụ thể các nội dung thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán phù hợp với quy định của Quy chế này và theo quy định của pháp luật.

2. Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán quy định chi tiết quy chế, quy trình giám sát giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán.

3. Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc theo yêu cầu, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo Bộ Tài chính về kết quả thực hiện công tác giám sát giao dịch theo quy định tại Quy chế này.

4. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 127/2008/QĐ-BTC về quy chế giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 127/2008/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 127 đến số 128
  • Ngày hiệu lực: 05/03/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 08/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản