Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1250/2007/QĐ-UBND

Tuy Hòa, ngày 16 tháng 7 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG ĐOÀN KIỂM TRA LIÊN NGÀNH GIỮA CÁC NGÀNH CÓ LIÊN QUAN: SỞ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG, SỞ VĂN HÓA - THÔNG TIN, SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ, CÔNG AN TỈNH TRONG VIỆC KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG INTERNET, GAME ONLINE TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1037/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Yên ngày 10 tháng 7 năm 2006 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động Internet trên địa bàn Tỉnh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông (tại Công văn số 194/TTra-SBCVT ngày 11/6/2007) và các ý kiến góp ý của các Sở: Tư pháp, Văn hóa - Thông tin, Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế hoạt động Đoàn kiểm tra liên ngành giữa các ngành có liên quan: Sở Bưu chính, Viễn thông, Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh trong việc kiểm tra hoạt động Internet, Game Online trên địa bàn tỉnh Phú Yên”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các ông: Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở: Bưu chính, Viễn thông, Văn hóa - Thông tin, Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Chi

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG ĐOÀN KIỂM TRA LIÊN NGÀNH GIỮA CÁC NGÀNH CÓ LIÊN QUAN: SỞ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG, SỞ VĂN HÓA - THÔNG TIN, SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ, CÔNG AN TỈNH TRONG VIỆC KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG INTERNET, GAME ONLINE TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1250/2007/QĐ-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh Phú Yên)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, mục đích điều chỉnh

Quy chế này quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet, Game online trên địa bàn tỉnh Phú Yên (sau đây được gọi là Đoàn kiểm tra liên ngành), nhằm nâng cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật của thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra (sau đây gọi tắt là thanh, kiểm tra).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này được áp dụng cho Đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên, nhằm thực hiện nhiệm vụ thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet, Game online trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động Đoàn kiểm tra liên ngành

Hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành phải bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời, đúng nội dung, đối tượng, thời hạn ghi trong quyết định thanh, kiểm tra.

Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành và các thành viên khác của đoàn phải tuân thủ theo quy định Luật Thanh tra; Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 của Chính phủ về công tác thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp; các văn bản pháp luật có liên quan và các quy định tại Quy chế này.

Điều 4. Địa điểm, thời gian làm việc, chế độ bảo mật thông tin, tài liệu

1. Trong quá trình thanh, kiểm tra, thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại công sở, hoặc nơi tiến hành kiểm tra.

2. Đoàn thanh, kiểm tra làm việc với đối tượng thanh, kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong giờ hành chính, trường hợp làm việc ngoài giờ hành chính với đối tượng thanh, kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm tiến độ thì Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành (sau đây được gọi tắt là Trưởng đoàn) quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

3. Trong quá trình thanh, kiểm tra, việc cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến cuộc thanh, kiểm tra của thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành cho cơ quan, tổ chức, cá nhân phải được sự đồng ý của người ra quyết định thanh, kiểm tra.

4. Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành phải thực hiện chế độ bảo mật thông tin, tài liệu về cuộc thanh, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Những hành vi bị cấm trong hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành

1. Thanh, kiểm tra vượt quá phạm vi, nội dung ghi trong quyết định thanh, kiểm tra;

2. Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh, kiểm tra hoặc thực hiện các hành vi khác nhằm vụ lợi;

3. Cố ý báo cáo sai sự thật, quyết định xử lý trái pháp luật, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật;

4. Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh, kiểm tra trong quá trình thanh, kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức;

5. Các hành vi khác được quy định tại Điều 12 Luật Thanh tra.

Chương II

TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA ĐOÀN KIỂM TRA LIÊN NGÀNH

Điều 6. Tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành

1. Đoàn kiểm tra liên ngành là Đoàn công tác do Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập gồm các đơn vị: Sở Bưu chính, Viễn thông, Sở Văn hóa - Thông tin, Công an Tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

2. Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet, Game online trên địa bàn tỉnh Phú Yên do UBND Tỉnh thành lập gồm có Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành và các thành viên khác.

3. Căn cứ vào mục đích, yêu cầu, nội dung của cuộc thanh, kiểm tra UBND Tỉnh quyết định Đoàn kiểm tra liên ngành có Phó trưởng đoàn.

Điều 7. Chức năng, trách nhiệm của Đoàn kiểm tra liên ngành

1. Đoàn kiểm tra liên ngành có chức năng giúp UBND tỉnh Phú Yên thực hiện việc thanh kiểm tra hoạt động Internet, Game online trên địa bàn Tỉnh theo quy định tại quy chế này và theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm thực hiện đúng trình tự, thủ tục thanh, kiểm tra, không gây phiền hà, cản trở các hoạt động bình thường và gây thiệt hại tới lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh, kiểm tra. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định thanh, kiểm tra về quá trình thanh tra, kiểm tra và kết luận của mình.

Điều 8. Nhiệm vụ, nội dung thanh, kiểm tra hoạt động Internet bao gồm:

1. Thanh, kiểm tra việc thực thi pháp luật tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet trên địa bàn tỉnh Phú Yên, bao gồm:

- Kiểm tra việc lưu giữ các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng, chất lượng dịch vụ, giá cước liên quan đến loại hình dịch vụ Internet;

- Các giấy phép mà doanh nghiệp được cấp liên quan đến Internet gồm có: Giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy phép cung cấp dịch vụ kết nối, truy nhập và ứng dụng Internet; chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng thiết bị, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ;

- Kiểm tra việc xây dựng các hợp đồng mẫu cho tất cả các loại dịch vụ; quy trình quản lý khách hàng, giám sát khách hàng; nội quy truy nhập Internet công cộng, xem xét tính pháp lý của các hợp đồng mẫu;

- Kiểm tra việc tập huấn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho các đại lý Internet;

- Chế độ báo cáo của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

- Việc triển khai các giấy phép: Kiểm tra hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ về tiêu chuẩn kỹ thuật, thực hiện các kết nối, sử dụng hạ tầng cơ sở thông tin quốc gia, an ninh mạng;

- Việc triển khai thuê bao, ký kết hợp đồng sử dụng dịch vụ với khách hàng; việc quản lý các đại lý Internet công cộng, việc cung cấp trò chơi trực tuyến;

- Kiểm tra các phương án đảm bảo chất lượng dịch vụ truy nhập Internet theo đúng các tiêu chuẩn hiện hành khi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến thuê kênh, kết nối Internet và khi có hiện tượng nghẽn mạng;

- Giá cước các dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp bao gồm: Thuê kênh riêng, ADSL, XDSL, ISDN, quay số trực tiếp Dial-up, Prepaid, Internet Telephony;

- Quy trình giải quyết khiếu nại cho khách hàng: Kiểm tra tất cả các vụ khiếu nại của khách hàng, trình tự, thời gian giải quyết có đúng không, phòng tiếp dân và quy trình có đầy đủ không, tổng số vụ khiếu nại và số vụ khiếu nại chưa giải quyết xong, lý do.

2. Thanh, kiểm tra việc thực thi pháp luật tại các đại lý hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet công cộng trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Đoàn kiểm tra liên ngành có nhiệm vụ tiến hành thanh, kiểm tra về:

a) Việc đảm bảo điều kiện hoạt động kinh doanh đại lý Internet:

- Kiểm tra tư cách pháp nhân của các đại lý gồm giấy đăng ký kinh doanh và hợp đồng đại lý Internet ký kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet.

- Kiểm tra việc đảm bảo các điều kiện hoạt động kinh doanh đại lý Internet theo quy định pháp luật hiện hành:

+ Địa điểm, mặt bằng phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định;

+ Kiểm tra chứng chỉ tin học của chủ đại lý hoặc nhân viên, số lượng nhân viên hướng dẫn và kiểm tra bố trí ở các phòng;

+ Kiểm tra hệ thống trang thiết bị máy chủ quản lý tập trung để thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ đảm bảo an toàn thiết bị, an ninh thông tin;

+ Tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ Internet;

+ Giá, cước dịch vụ Internet;

+ Kiểm tra sơ đồ hệ thống máy tính, việc đánh số thứ tự theo vị trí của từng máy;

- Kiểm tra sổ tập hợp các quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng dịch vụ Internet;

- Kiểm tra việc niêm yết nội quy sử dụng dịch vụ Internet đúng theo quy định của pháp luật và phải niêm yết đầy đủ các hành vi nghiêm cấm tại Điều 11, Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ.

b) Thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ nghĩa vụ của đại lý Internet trong quá trình kinh doanh đại lý, bao gồm:

- Thời gian mở cửa, đóng cửa phục vụ;

- Sổ đăng ký sử dụng dịch vụ;

- Máy chủ của mạng máy tính tại đại lý Internet phải cài đặt phần mềm ngăn chặn, hạn chế người dùng truy nhập website có nội dung xấu;

- Kiểm tra việc lưu giữ dấu ấn các website đã truy cập trên máy chủ và máy trạm trong thời gian 30 ngày;

- Kiểm tra thực tế tốc độ đường truyền, thiết bị sử dụng để kết nối tới địa điểm cung cấp dịch vụ;

- Việc cung cấp cấu hình kỹ thuật, sơ đồ kết nối lưu lượng thông tin trong phạm vi quản lý của đại lý;

- Việc tham gia tập huấn do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đã ký kết với đại lý tổ chức;

- Việc đảm bảo bí mật thông tin về người sử dụng dịch vụ;

- Các nguồn thông tin trên mạng Internet;

- Về việc đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động Internet;

- Việc tuân thủ các điều khoản của hợp đồng đại lý Internet;

- Đại lý Internet có cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến phải cách trường học đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 về quản lý trò chơi trực tuyến;

- Trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Điều 9. Nhiệm vụ, nội dung thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ Game Online bao gồm:

1. Thanh, kiểm tra việc thực thi pháp luật tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Game Online trên địa bàn tỉnh Phú Yên, bao gồm:

- Việc tuân thủ các quy định của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

- Đảm bảo được các điều kiện cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến theo quy định tại Điều 5, Điều 7, Điều 8 Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT- BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 về quản lý trò chơi trực tuyến;

- Về việc xây dựng các quy định quản lý hoạt động trò chơi trực tuyến đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 về quản lý trò chơi trực tuyến và các quy định khác của pháp luật hiện hành;

- Trách nhiệm lưu giữ thông tin về người sử dụng dịch vụ và cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu;

- Kiểm tra việc đăng ký thiết lập trang tin điện tử và quản lý thông tin trên trang tin điện tử và thông tin do người sử dụng dịch vụ trao đổi trong diễn đàn của trò chơi theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành; Trang chủ của trò chơi phải cung cấp đầy đủ các thông tin về: luật lệ trò chơi, các quy định quản lý hoạt động trò chơi trực tuyến và quy định bảo đảm tính công bằng của trò chơi;

- Kiểm tra việc thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sử dụng dịch vụ và giải quyết tranh chấp giữa những người sử dụng dịch vụ; Chịu trách nhiệm trước người sử dụng dịch vụ về chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin, cước phí; Đồng thời không được khởi tạo các tài sản có giá trị trong trò chơi trực tuyến với mục đích kinh doanh thu lợi và không được sữa đổi thông tin về tài sản, giá trị của người chơi;

- Tiến hành kiểm tra chế độ báo cáo của doanh nghiệp có đúng với quy định của pháp luật;

2. Thanh, kiểm tra việc thực thi pháp luật tại các đại lý kinh doanh dịch vụ Game Online trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Đoàn kiểm tra liên ngành có nhiệm vụ tiến hành thanh, kiểm tra:

- Việc nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về người sử dụng được quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ngày 14/7/2005 của các bộ: Bưu chính, Viễn thông, Văn hóa - Thông tin, Công an, Kế hoạch và Đầu tư về quản lý đại lý Internet;

- Về thời gian đóng, mở cửa phục vụ dịch vụ trò chơi trực tuyến chỉ được hoạt động từ 6 giờ đến 23 giờ;

- Về địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đối với các đại lý Internet phải cách trường học (từ mẫu giáo đến phổ thông trung học) tối thiểu 200m, không phân biệt trường đó thuộc địa phương nào.

- Việc lưu giữ đầy đủ, chính xác các thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân cũng như các yếu tố khác có ý nghĩa trong việc xác định nhân thân người sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của doanh nghiệp cung cấp trò chơi trực tuyến.

Điều 10. Quan hệ phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra

1. UBND tỉnh và Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm chỉ đạo thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, Game Online; các đại lý kinh doanh dịch vụ Internet, Game online trên địa bàn Tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Sở Bưu chính, Viễn thông:

Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra liên ngành về Internet, Game Online trình UBND Tỉnh phê duyệt.

Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác quản lý nhà nước về Internet, Game Online trên địa bàn Tỉnh như sau:

- Cử người tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động Internet, Game Online trên địa bàn Tỉnh theo thẩm quyền;

- Chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet, Game Online trên địa bàn Tỉnh;

- Chủ trì các hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành trong quá trình tiến hành thanh, kiểm tra và đi đến kết luận.

- Làm đầu mối tiếp nhận, tổng hợp thông tin, tài liệu cuộc thanh, kiểm tra;

- Xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm quy định về cung cấp và sử dụng dịch vụ truy nhập, dịch vụ kết nối Internet tại Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2006 của Chính phủ và các hành vi vi phạm quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ngày 14/7/2005 về quản lý đại lý Internet, Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 về quản lý trò chơi trực tuyến.

3. Sở Văn hóa - Thông tin:

- Thực hiện quản lý nhà nước đối với thông tin trên Internet, ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định về cấp phép và quản lý đối với việc phát hành báo chí, xuất bản phẩm trên Internet, việc thiết lập và cung cấp các loại hình tin tức điện tử trên Internet; các thông tin về trò chơi trực tuyến trên Internet;

- Có trách nhiệm cử người tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra trong hoạt động Internet, Game Online trên đia bàn Tỉnh theo thẩm quyền;

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện tuyên truyền kiến thức về Internet trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về tầm quan trọng của việc khai thác thông tin lành mạnh, phòng tránh những thông tin độc hại, đồi trụy trên Internet;

- Phối hợp với các cơ quan chức năng và đề xuất các biện pháp để xử lý, ngăn chặn thông tin có nội dung vi phạm pháp luật về văn hoá - thông tin;

- Thu hồi các giấy phép cung cấp thông tin trên mạng Internet, thiết lập trang tin điện tử trên Internet, cung cấp trò chơi Game Online trên mạng Internet, xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền trong trường hợp các cơ quan, tổ chức vi phạm các quy định tại Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 về quản lý trò chơi trực tuyến và các quy định của Bộ Văn hóa - Thông tin.

4. Công an tỉnh:

- Thực hiện quản lý nhà nước đối với việc bảo đảm an ninh trong hoạt động Internet, Game online; thực hiện các biện pháp kỹ thuật để quản lý an ninh thông tin trên Internet, Game Online theo quy định của pháp luật.

- Có trách nhiệm cử người tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra trong hoạt động Internet trên địa bàn Tỉnh theo thẩm quyền;

- Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn các chủ thể kinh doanh dịch vụ Internet, Game Online thực hiện công tác bảo đảm an toàn mạng lưới an ninh thông tin trong hoạt động Internet, Game Online và thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa điểm kinh doanh đúng theo quy định pháp luật hiện hành;

- Triển khai công tác phòng, chống các loại tội phạm phát sinh từ hoạt động trò chơi trực tuyến;

- Tổ chức, phổ biến, hướng dẫn cơ quan Công an huyện, thành phố về việc phối hợp thực hiện công tác quản lý trong hoạt động Internet tại địa phương;

- Hổ trợ và phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý trong hoạt động Internet, Game Online, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động Internet để xử lý theo thẩm quyền.

5. Sở Kế hoạnh và Đầu tư, Phòng Tài chính - Kế hoạch (của các huyện, thành phố) phối hợp với các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký và các nội dung đăng ký kinh doanh khác sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Xử lý theo thẩm quyền đối với các doanh nghiệp, đại lý cung cấp, kinh doanh dịch vụ Internet, Game Online có hành vi vi phạm các nội dung đăng ký kinh doanh.

Điều 11. Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành

1. Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, điều hành các thành viên trong đoàn thực hiện đúng nội dung, đối tượng, thời hạn ghi trong quyết định thanh, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định thanh, kiểm tra về việc thực hiện nhiệm vụ của Đoàn kiểm tra liên ngành.

2. Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 39 của Luật Thanh tra, khoản 1 và 2 Điều 26, các Điều 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34 và khoản 5 Điều 35 Nghị Định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/3/2005 của Chính phủ, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Tổ chức việc xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra và phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo yêu cầu, nội dung, kế hoạch thanh, kiểm tra;

b) Trực tiếp chỉ đạo về nghiệp vụ thanh, kiểm tra cho các thành viên của Đoàn;

c) Quyết định biện pháp xử lý tình huống phát sinh trong quá trình thanh, kiểm tra; tra;

d) Báo cáo về tiến độ cuộc thanh, kiểm tra với người ra quyết định thanh, kiểm

đ) Tổ chức xây dựng báo cáo kết quả thanh, kiểm tra.

Điều 12. Phó trưởng đoàn kiểm tra liên ngành

1. Phó trưởng đoàn kiểm tra liên ngành là người giúp Trưởng đoàn thực hiện nhiệm vụ của Trưởng đoàn; được Trưởng đoàn giao thực hiện một số nhiệm vụ, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng đoàn về việc thực hiện nhiệm vụ đó.

2. Phó trưởng đoàn kiểm tra liên ngành có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 40 của Luật Thanh tra, khoản 1 Điều 26 của Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/3/2005 của Chính phủ và thay mặt Trưởng đoàn chỉ đạo hoạt động của Đoàn thanh, kiểm tra khi được Trưởng đoàn giao.

Điều 13. Thành viên khác của Đoàn kiểm tra liên ngành

1. Thành viên khác của Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thanh, kiểm tra theo sự phân công của Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra các thành viên khác của Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quy định tại các điểm a, c, d, đ khoản 1 Điều 40 của Luật Thanh tra và khoản 1 Điều 26 Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/3/2005 của Chính phủ, các quy định khác của pháp luật có liên quan và nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao và báo cáo Trưởng đoàn thông qua;

b) Chủ động, sáng tạo để thực hiện có kết quả nhiệm vụ được giao;

c) Tham gia xây dựng báo cáo kết quả thanh, kiểm tra;

d) Thực hiện các công việc khác liên quan đến cuộc thanh, kiểm tra khi Trưởng đoàn giao.

3. Thanh tra viên là thành viên của Đoàn kiểm tra liên ngành có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 50 của Luật Thanh tra, khoản 1 Điều 26, Điều 27, 28 Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/3/2005 của Chính phủ, các quy định khác của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định thanh tra về mọi hành vi, quyết định của mình.

Điều 14. Trình tự, thủ tục tiến hành thanh, kiểm tra

Trình tự, thủ tục tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet, Game Online của Đoàn kiểm tra liên ngành được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/3/2005, Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 của Chính phủ, Quy chế hoạt động của Đoàn thanh tra ban hành kèm theo Quyết định số 2151/2006/QĐ-TTCP ngày 10/11/2006 của Tổng Thanh tra và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 15. Cơ sở vật chất kỹ thuật và kinh phí hoạt động

1. Đoàn kiểm tra liên ngành được trang bị phương tiện thông tin liên lạc và các trang thiết bị kỹ thuật khác phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành được thực hiện theo điểm 12, Mục I về chế độ công tác phí tại Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 của Bộ Tài chính, và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 16. Thay đổi, bổ sung thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành

1. Trong quá trình thanh, kiểm tra nếu thấy cần thiết bổ sung, thay đổi thành viên Đoàn thanh, kiểm tra để cuộc thanh, kiểm tra đảm bảo đúng thời hạn, nội dung, chất lượng thì Trưởng đoàn đề nghị bằng văn bản (trong đó ghi rõ lý do thay đổi, bổ sung, họ, tên thành viên được thay đổi, bổ sung) trình UBND Tỉnh bổ sung, thay đổi thành viên Đoàn.

2. Việc thay đổi Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành do UBND Tỉnh quyết định.

Chương III

QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 17. Quan hệ giữa Đoàn kiểm tra liên ngành với người ra quyết định thanh, kiểm tra

1. Trong quá trình thanh, kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành phải chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của người ra quyết định thanh, kiểm tra.

2. Người ra quyết định thanh, kiểm tra phải thường xuyên theo dõi, chỉ đạo hoạt động và xử lý kịp thời các kiến nghị của Đoàn kiểm tra liên ngành.

Điều 18. Quan hệ giữa Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành với thành viên của đoàn, giữa các thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành

1. Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành phải chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Trường hợp có vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền thì báo cáo kịp thời với Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành và đề xuất các biện pháp xử lý.

Điều 19. Quan hệ giữa Trưởng đoàn, thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp

1. Giám đốc các sở: Bưu chính, Viễn thông, Văn hóa - Thông tin, Công an Tỉnh, Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để Trưởng đoàn, thành viên của đoàn kiểm tra liên ngành hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành để bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch tiến hành thanh, kiểm tra được phê duyệt; tham gia ý kiến dự thảo báo cáo kết quả thanh, kiểm tra dự thảo kết luận thanh, kiểm tra trước khi trình người ra quyết định thanh, kiểm tra.

Điều 20. Xử lý các dấu hiệu hoặc hành vi vi phạm của đối tượng thanh, kiểm tra

1. Tổ chức, cá nhân cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, Game Online có hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ngày 14/7/2005, Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006, các văn bản pháp luật có liên quan khác và các quy định theo Quy chế này sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Trường hợp đối tượng thanh, kiểm tra có hành vi cản trở hoạt động thanh, kiểm tra, cố tình trì hoãn việc thi hành các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh, kiểm tra thì thành viên Đoàn báo cáo ngay với Trưởng đoàn để giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người ra quyết định thanh, kiểm tra giải quyết.

3. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thanh, kiểm tra thì phải báo cáo ngay với Trưởng đoàn để giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người ra quyết định thanh, kiểm tra giải quyết. Nếu hành vi có dấu hiệu tội phạm thì người ra quyết định thanh, kiểm tra phải chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 23/5/2006.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 21. Khen thưởng

1. Đoàn kiểm tra liên ngành, Trưởng đoàn, thành viên đoàn kiểm tra liên ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không có hành vi vi phạm trong hoạt động thanh, kiểm tra thì được đề nghị cấp có thẩm quyền xét khen thưởng.

2. Việc bình bầu, đề nghị khen thưởng phải được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tổng Thanh tra về xét khen thưởng.

Điều 22. Xử lý vi phạm

1. Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành vi phạm các quy định pháp luật và quy chế này trong công tác thanh, kiểm tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Việc xem xét, kỷ luật đối với thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành phải được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan và đúng theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thanh tra

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thanh, kiểm tra được thực hiện theo quy định tại Điều 49, Điều 50 Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/3/2005 của Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Hiệu lực thi hành

Quy chế hoạt động đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 25. Tổ chức thực hiện

Sở Bưu chính, Viễn thông, Công an tỉnh, Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc hoặc cần kiến nghị, sửa đổi, bổ sung Quy chế này thì các cơ quan, đơn vị chức năng báo cáo, phản ánh về Sở Bưu chính, Viễn thông để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến xử lý hoặc quyết định điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1250/2007/QĐ-UBND ban hành Quy chế hoạt động Đoàn kiểm tra liên ngành giữa các ngành có liên quan: Sở Bưu chính, Viễn thông, Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh trong việc kiểm tra hoạt động Internet, Game Online trên địa bàn tỉnh Phú Yên

  • Số hiệu: 1250/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/07/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Phạm Ngọc Chi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/07/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản