Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1246/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 09 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GÀ ĐỒI YÊN THẾ THEO HƯỚNG VIETGAHP GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị Quyết số 43-NQ/TU ngày 22/02/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về ban hành 5 Chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm giai đoạn 2011-2015 thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII;

Xét đề nghị của UBND huyện Yên Thế tại Tờ trình số 68/TTr-UBND ngày 18/6/2013; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 180/SNN-CN ngày 01/3/2013; Sở Tài chính tại Công văn số 604/STC-NS ngày 09/5/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi Gà đồi Yên Thế theo hướng VietGAHP giai đoạn 2013-2015, với một số nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát: Đưa quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học theo hướng VietGAHP áp dụng vào các hộ chăn nuôi với quy mô lớn tại 3 xã Đồng Tâm, Tam Tiến, Tiến Thắng; giúp người dân từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi tạo ra sản phẩm gà đồi Yên Thế đảm bảo chất lượng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường chất lượng cao.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

- Hỗ trợ 03 cơ sở ấp nở, sản xuất con giống gia cầm có công suất từ 100.000 trứng/năm trở lên trên địa bàn nhằm tạo ra con giống chất lượng tốt và đúng chủng loại theo yêu cầu (Mía lai hoặc Ri lai) cung cấp cho các hộ chăn nuôi tham gia Đề án.

- Trang bị kiến thức, kỹ thuật và hỗ trợ vật tư cho 100 lượt hộ chăn nuôi gà thương phẩm tại 3 xã Đồng Tâm, Tam Tiến, Tiến Thắng áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAHP để tạo ra 350.000 con gà chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn đưa vào các nhà hàng, siêu thị lớn.

- Hỗ trợ 3 cơ sở chế biến giết mổ tập trung với quy mô từ 1.000 con/ngày đêm đủ điều kiện đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các siêu thị lớn trong cả nước.

2. Nội dung, mức hỗ trợ

2.1. Hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật:

- Hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi gia cầm cho các hộ tham gia đề án tại 3 xã được lựa chọn.

2.2. Hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất chăn nuôi:

* Hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất giống gia cầm:

- Đối tượng: 03 cơ sở ấp nở, sản xuất giống gia cầm là doanh nghiệp hoặc cá nhân, hộ gia đình có công suất từ 100.000 trứng/năm trở lên trên địa bàn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật và cam kết thực hiện đúng theo yêu cầu của Đề án (lựa chọn 03 cơ sở có quy mô lớn nhất tính từ cao xuống thấp).

- Nội dung và mức hỗ trợ:

+ Hỗ trợ gà giống bố mẹ, với mức hỗ trợ là 10.000.000đ/1000 gà bố mẹ. Mức hỗ trợ cao nhất không quá 50 triệu đồng/cơ sở.

+ Hỗ trợ 20% giá máy ấp nở gia cầm đối với cơ sở phải mua mới hoặc chuyển đổi công nghệ, công suất đối với máy ấp từ 2 - 2,2 vạn trứng/lượt, đối với máy nở công suất đạt 1 vạn con/lượt (mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/cơ sở).

+ Hỗ trợ 20% giá máy nghiền và máy phối trộn thức ăn chăn nuôi (mức hỗ trợ cao nhất không quá 10 triệu đồng/cơ sở).

Tổng mức hỗ trợ tối đa/1 cơ sở không quá 75 triệu đồng.

* Hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng VietGAHP:

- Đối tượng: Hỗ trợ 100 hộ chăn nuôi gà thả đồi thương phẩm có quy mô từ 3.500 con/hộ/năm trở lên được lựa chọn tại các xã tham gia Đề án.

- Thời gian hỗ trợ: Tổng thời gian hỗ trợ là 2 năm, chia làm 2 đợt; mỗi đợt 50 hộ chăn nuôi, mỗi hộ được hỗ trợ 1 năm (đủ 12 tháng, kết thúc năm lựa chọn các hộ nuôi khác để tiếp tục thực hiện theo hướng luân phiên).

- Nội dung và mức hỗ trợ:

+ Hỗ trợ tiền mua con giống 01 ngày tuổi đủ tiêu chuẩn giống theo quy định. Mức hỗ trợ: 4.000đ/con.

+ Hỗ trợ phòng chống dịch bệnh: vắc xin tiêm phòng: 1.120đ/con/lứa; hóa chất tiêu độc khử trùng: 20lít/01 hộ chăn nuôi gà/năm; chế phẩm sinh học xử lý chất đệm lót nền chuồng trại, giảm thiểu mùi hôi thối: 8kg chế phẩm/hộ/năm.

+ Hỗ trợ hộ gia đình mua mới máy nghiền và máy phối trộn thức ăn chăn nuôi. Mức hỗ trợ không quá 20% giá máy tính theo giá hóa đơn xuất xưởng, trường hợp máy tự chế tạo tính theo công suất tương đương theo loại máy có giá thấp nhất.

+ Hỗ trợ theo tiêu chí VietGAHP: Hỗ trợ một lần 100% chi phí kiểm tra, xét nghiệm nguồn nước dùng; 50% chi phí kiểm tra chất cấm trong thức ăn chăn nuôi và 100% chi phí xét nghiệm tồn dư chất độc hại trong thịt gà. Hỗ trợ 60% chi phí giám sát chăn nuôi theo VietGAHP.

2.3. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, thông tin, quảng bá tìm nguồn tiêu thụ cho sản phẩm:

Hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, thông tin, quảng bá tìm nguồn tiêu thụ cho sản phẩm gà đồi Yên Thế chăn nuôi theo hướng VietGAHP, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo Đề án khoảng 345.300.000 đồng.

2.4. Hỗ trợ chế biến giết mổ gia cầm tập trung và tiêu thụ sản phẩm:

- Đối tượng: Lựa chọn 03 doanh nghiệp hoặc cá nhân, hộ gia đình xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm tập trung quy mô từ 1.000 con/ngày trở lên trên địa bàn huyện.

- Nội dung:

+ Hỗ trợ thủ tục trong việc giao đất, cho thuê đất, miễn giảm tiền sử dụng đất theo đúng quy định.

+ Hỗ trợ lắp đặt dây chuyền thiết bị giết mổ đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình, mức hỗ trợ cụ thể như sau: 50 triệu đồng/1.000 gà/ngày đêm; 100 triệu đồng/2.000 gà/ngày đêm; 150 triệu đồng/3.000 gà/ngày đêm; 200 triệu đồng/4.000 gà/ngày đêm; 250 triệu đồng/5.000 gà trở lên; mức hỗ trợ không quá 250 triệu đồng/01 cơ sở.

+ Hỗ trợ bù lãi suất tiền vay (phần chênh lệch lãi suất giữa tiền vay ngân hàng Thương mại và ngân hàng Chính sách) đối với sản phẩm gà đồi Yên Thế khi tiêu thụ tại các siêu thị. Số tiền vay được bù lãi suất không quá 500 triệu đồng/năm/cơ sở.

2.5. Hỗ trợ chi phí quản lý: Kiểm tra, hướng dẫn, nghiệm thu thanh quyết toán cho đề án với mức 3% tổng kinh phí hỗ trợ của Đề án.

3. Phạm vi thực hiện

- Thực hiện tập trung trọng điểm vào 3 xã: Đồng Tâm, Tam Tiến và Tiến Thắng (riêng cơ sở sản xuất giống gia cầm và cơ sở giết mổ gia cầm tập trung trên địa bàn toàn huyện).

4. Nhu cầu vốn thực hiện

4.1. Tổng kinh phí: 17.823.565.000 đồng (Mười bảy tỷ, tám trăm hai mươi ba triệu năm trăm sáu mươi lăm nghìn đồng).

Trong đó:

- Vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ: 3.002.500.000 đ.

- Vốn ngân sách huyện hỗ trợ: 1.933.765.000 đ.

- Vốn đối ứng của dân: 12.887.300.000 đ.

4.2. Phân kỳ hỗ trợ:

- Năm 2013: 11.584.578.000 đồng, trong đó

+ Vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ: 1.501.250.000 đ.

+ Vốn ngân sách huyện hỗ trợ: 1.230.078.000 đ.

+ Vốn đối ứng của dân: 8.853.250.000 đ.

- Năm 2014: 6.137.601.000 đồng, trong đó:

+ Vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ: 1.501.250.000 đ.

+ Vốn ngân sách huyện hỗ trợ: 602.301.000 đ.

+ Vốn đối ứng của dân: 4.034.050.000 đ.

- Năm 2015: 101.386.000 đồng, trong đó:

+ Vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ: 0 đ.

+ Vốn ngân sách huyện: 101.386.000 đ.

+ Vốn đối ứng của dân: 0 đ.

(Chi tiết theo Đề án được phê duyệt)

5. Thời gian thực hiện: Từ năm 2013-2015.

Điều 2. Giao cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trình tự, hỗ trợ các nội dung thuộc Đề án và định kỳ kiểm tra việc triển khai thực hiện, đảm bảo đúng nguyên tắc quản lý tài chính theo các quy định hiện hành.

UBND huyện Yên Thế căn cứ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế được giao kế hoạch hàng năm có trách nhiệm phân bổ vốn chi tiết và tổ chức thực hiện đảm bảo đúng nội dung và mục tiêu của Đề án; định kỳ báo cáo tình hình thực hiện về UBND tỉnh để nắm bắt tình hình và kịp thời giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh; UBND huyện Yên Thế và các cơ quan liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT. UBND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ LĐVP, TH, KT, KTN, TTTH-CB;
+ Lưu: VT, NN.

CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hải