Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1235/QĐ-UBND

An Giang, ngày 24 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN CHÂU PHÚ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 72/TTr-SKHĐT, ngày 17/4/2017 về việc phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Châu Phú đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Châu Phú đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

Tiếp tục khơi dậy và huy động tối đa các nguồn nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển. Đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, tập trung đúng mức vốn ngân sách cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, nền tảng.

Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh ở các sản phẩm, lĩnh vực thế mạnh của huyện. Phát huy hiệu quả sử dụng các chương trình, dự án đầu tư của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp đầu tư cải tiến, đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất; khuyến khích nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học, các loại giống mới, quy trình sản xuất GAP để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường hàng hoá.

Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; Tăng trưởng kinh tế để giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều một cách bền vững, nâng cao mức sống dân cư, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, chuyển dần lao động nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ, công nghiệp xây dựng. tạo ra sự chuyển biến cơ bản về văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường; kết hợp hài hoà giữa khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên đất và nước. Phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; phát triển các đô thị, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung theo hướng văn minh, hiện đại; tổ chức không gian tại các đô thị cần hài hòa, hạ tầng kỹ thuật cần đầu tư đồng bộ; liên hoàn giữa phát triển đô thị với phát triển thương mại, dịch vụ, khu dân cư tập trung.

Bảo đảm cho mọi người dân được bình đẳng trong tiếp cận các loại thị trường (thị trường lao động, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, giáo dục đào tạo, dịch vụ công ích, an ninh an toàn cuộc sống), cũng như có cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả của phát triển kinh tế mang lại. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật và chương trình giáo dục nghề nghiệp cho người lao động.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu:

Giai đoạn 2016-2020, Châu Phú tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân; đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh. Đồng thời, trong bối cảnh đã có nhiều thay đổi, huyện bổ sung thêm mục tiêu phát triển đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 xây dựng Châu Phú trở thành một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng hoá (lúa, rau màu), nuôi trồng thủy sản, trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của tỉnh An Giang; làm vệ tinh cho hành lang kinh tế biên mậu (thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu) trãi từ cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên - (Quốc lộ 91) - TP.Châu Đốc - (đường tỉnh 957) - cửa khẩu chính Vĩnh Hội Đông - cửa khẩu chính Khánh Bình (An Phú).

Khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết trong tỉnh/vùng và hội nhập quốc tế; huy động nguồn nội lực và ngoại lực tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Phấn đấu đưa tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện cao hơn mức trung bình của cả tỉnh.

2.2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

- Giá trị sản xuất (GO) của ngành Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản:

+ Theo giá hiện hành: năm 2020 đạt 23,4%; năm 2025 đạt 19,5% và năm 2030 đạt 15,2%.

+ Theo giá so sánh 2010: năm 2020 đạt 6.364 tỷ đồng; năm 2025 đạt 7.742 tỷ đồng và năm 2030 đạt 9.195 tỷ đồng.

- Giá trị sản xuất (GO) của ngành Công nghiệp - Xây dựng:

+ Theo giá hiện hành: năm 2020 đạt 46,3%; năm 2025 đạt 48% và năm 2030 đạt 49%.

+ Theo giá so sánh 2010: năm 2020 đạt 11.722 tỷ đồng; năm 2025 đạt 20.116 tỷ đồng và năm 2030 đạt 33.053 tỷ đồng.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2020 ước đạt 9.050 tỷ đồng, năm 2025 đạt 18.500 tỷ đồng và năm 2030 tăng bình quân 17,5%/năm.

- Đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 01 ha đất canh tác đạt bình quân 120 triệu đồng, đến năm 2025 đạt bình quân 145 triệu đồng và đến năm 2030 trên 170 triệu đồng.

- Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn năm 2020 đạt 700 tỷ đồng, năm 2025 đạt 1.000 tỷ đồng và đến năm 2030 tăng thu ngân sách 9-10%/năm.

- Dân số đến năm 2020 ước đạt 250.715 người, năm 2025 đạt 256.410 người và đạt 268.820 người vào năm 2030.

- Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt 55-60% vào năm 2020, 70% năm 2025 và trên 80% vào năm 2030.

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) đến năm 2020 còn 6,4%; năm 2025 là 5% và dến năm 2030 giảm còn dưới 3,5%.

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2020 đạt 88,07%, năm 2025 đạt 96% và năm 2030 đạt trên 98%.

- Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 6 giường vào năm 2020, 6,2 giường vào năm 2025 và 6,3 giường vào năm 2030.

- Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 7,7% vào năm 2020, 5% vào năm 2025 và 3,5% vào năm 2030.

- Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 100% vào năm 2020, đạt 100% vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030.

- Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi bậc trung học cơ sở đạt 90% vào năm 2020, đạt 100% vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030.

- Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi bậc THPT và tương đương năm 2020 đạt 50%, năm 2025 đạt 100% và năm 2030 đạt 100%.

- Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100% vào năm 2020, tiếp tục duy trì mức này đến năm 2030.

- Phấn đấu đến năm 2020 có 9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới và đến năm 2025 có 12 xã đạt nông thôn mới. Tiếp tục củng cố nâng chất và duy trì 100% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2030.

3. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực:

3.1. Ngành Nông - Lâm - Thủy sản:

Nâng cao hiệu quả của ngành trên cơ sở đa dạng hoá cây trồng, sản phẩm, phát huy lợi thế của từng tiểu vùng; thực hiện tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn trên các cánh đồng liên kết, gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế của từng tiểu vùng, trong đó, chú ý đến vấn đề giảm dần diện tích đất trồng lúa, tăng diện tích các loại cây trồng khác trong điều kiện thích hợp. Đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, và thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng các khâu công nghệ sau thu hoạch và chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Phát triển mạnh đàn vật nuôi, trong đó chủ lực là heo, gia cầm, bò thịt. Nhân rộng các mô hình hiệu quả về chăn nuôi heo tập trung, gà quy mô công nghiệp nhằm tạo khối lượng sản phẩm lớn. Phát triển chăn nuôi bò thịt theo mô hình “bắp - bò” ở các địa phương có điều kiện về thức ăn; chăn nuôi heo theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp. Khuyến khích phát triển trang trại chăn nuôi hàng hoá tập trung theo phương thức công nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường.

Hình thành các vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng. Chú trọng các hình thức liên kết, hợp tác giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ; nâng cao vai trò tham gia quản lý của cộng đồng, vai trò của các hội, hiệp hội ngành nghề trong sản xuất thủy sản; đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước.

3.2. Ngành Công nghiệp - Xây dựng:

a) Công nghiệp:

Tập trung giải phóng mặt bằng, huy động mọi nguồn vốn để xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng khu mở rộng khu công nghiệp Bình Long; Cụm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung Bình Mỹ (60 ha), cụm công nghiệp sản xuất gạch ngói Bình Thủy (30 ha), cụm công nghiệp Mỹ Phú (75 ha). Mở rộng khu công nghiệp và cụm công nghiệp để thu hút các ngành công nghiệp chế biến nông thuỷ sản, chế biến lương thực thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc; công nghiệp chế tạo khác như: hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, các loại hình sản xuất công nghiệp liên quan đến hoàn tất (tinh chế, đóng gói, bao bì); công nghiệp sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày dép) phục vụ cho xuất khẩu.

b) Xây dựng:

Khai thác mọi nguồn lực trong nước và đồng thời huy động các nguồn lực từ bên ngoài đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng cho các đô thị,…) nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực; thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng, kiến trúc. Tuân thủ việc phân cấp quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

3.3. Ngành thương mại - dịch vụ:

a) Thương mại:

Phát triển hoạt động thương mại nhằm tạo nguồn hàng nông sản tập trung cho công nghiệp chế biến xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông thủy sản chủ lực. Củng cố hệ thống bán lẻ, chợ bán buôn nông sản phù hợp với quá trình tập trung hoá sản xuất và tiêu dùng ở nông thôn, từng bước nâng cao văn minh thương mại và áp dụng phương thức kinh doanh mới, các dịch vụ hỗ trợ trong các chợ bán buôn, chợ qui mô lớn.

Tích hợp nhiều loại hình, qui mô, công năng khác nhau để phát huy các mô hình chợ; hình thành khu phố thương mại để đạt được hiệu quả đầu tư cũng như hiệu quả kinh doanh. Phát triển thêm các loại hình thương mại hiện đại, hình thành các khu thương mại - dịch vụ dành cho mua sắm tập trung, khu hậu cần phân phối tập kết hàng hóa, cung cấp dịch vụ phụ trợ. Tại các trung tâm xã, cụm xã: phát triển các loại hình, tổ chức thương mại bán lẻ qui mô vừa và nhỏ, tiếp nhận hàng hóa từ thị trường trung tâm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trên địa bàn.

b) Phát triển các ngành dịch vụ:

* Dịch vụ du lịch:

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử và lợi ích của cộng đồng cư dân địa phương; tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế cùng tham gia theo chủ trương xã hội hóa các hoạt động du lịch; tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Liên kết, hợp tác với các địa phương trong tỉnh để cùng đầu tư, khai thác hiệu quả các tài nguyên du lịch, tuyến (tour) du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung và huyên Châu Phú nói riêng. Đồng thời, liên doanh, liên kết với các đơn vị (doanh nghiệp) làm dịch vụ du lịch để tăng hiệu quả quảng bá du dịch, tổ chức tour/tuyến du lịch, cũng như hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để phát triển bền vững. Phấn đấu tăng tổng doanh thu từ hoạt động du lịch bình quân 10-12%/năm giai đoạn 2016-2020, đạt 6,5-7 tỷ đồng năm 2020; tăng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021-2025, đạt 12 tỷ đồng năm 2025 và tăng bình quân 10-15%/năm giai đoạn 2026-2030.

* Dịch vụ tài chính ngân hàng:

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi như quỹ đất, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính... để thu hút các tổ chức tài chính, các ngân hàng thương mại mở chi nhánh, phòng giao dịch tại các thị trấn, trung tâm xã. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn, đồng thời đáp ứng đủ các yêu cầu về năng lực, thủ tục, điều kiện giao dịch được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng trên địa bàn để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

* Dịch vụ thông tin - truyền thông:

Phát triển bưu chính theo hướng tin học hóa, đa dạng hóa loại hình dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ. Phát huy mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ bưu chính, chuyển phát phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển viễn thông đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương; đi đôi với đảm bảo an ninh thông tin, an toàn mạng lưới và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phát huy mọi nguồn lực mở rộng, phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông.

* Dịch vụ vận tải kho bãi:

Đa dạng các loại hình dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách, khuyến khích các doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải hiện có mở rộng qui mô kinh doanh, nâng cấp trang thiết bị và mua sắm phương tiện vận chuyển đảm bảo đủ điều kiện phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa an toàn, chất lượng cao; cũng như tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách hoạt động.

Để phát triển dịch vụ vận tải kho bãi, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng phải đi trước. Trong giai đoạn quy hoạch, Châu Phú cần tập trung vào các công trình dự án xây mới, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, bến xe, bến phà và nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa theo quy hoạch của ngành giao thông vận tải như: QL 91, ĐT 945, 947, các tuyến đường huyện, các cầu đường bộ, xây dựng mới bến phà Năng Gù (về sau là xây cầu thay thế phà), bến phà Phú Bình, bến xe Cái Dầu…

3.4. Phát triển giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp:

Phát triển toàn diện con người, nâng cao dân trí, tạo lập đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện giáo dục toàn diện học sinh với phương châm “Dạy chữ, dạy người, dạy nghề”, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội và nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân, chống các biểu hiện tiêu cực trong giáo dục.

Tiếp tục duy trì và củng cố công tác phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, tiến tới hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục Trung học. Phấn đấu giảm tối thiểu tỷ lệ học sinh phổ thông lưu ban, bỏ học thấp hơn mức bình quân cả tỉnh. Đảm bảo đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên các trường học đều đạt chuẩn và tăng tỷ lệ trên chuẩn, đáp ứng đủ tỉ lệ giáo viên/lớp theo quy định.

3.5. Phát triển y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân:

Phát triển hệ thống y tế trên địa bàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện, gắn liền với đảm bảo an sinh xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và đảm bảo sự công bằng trong khám, chữa bệnh; giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, nâng cao sức khoẻ, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh, bảo đảm cho mọi người dân tiếp cận một cách thuận lợi với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng tại tất cả các cơ sở y tế, bao gồm cả các cơ sở y tế công lập và tư nhân. Các đơn vị y tế đảm bảo đáp ứng được các dịch vụ y tế theo tuyến, hạn chế quá tải tại bệnh viện tuyến trên. Hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế thiết yếu có chất lượng.

3.6. Phát triển văn hóa, thể dục, thể thao:

Tiếp tục phát triển toàn diện các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn; xây dựng môi trường văn hóa, lối sống, văn hóa, đời sống văn hóa trong nhân dân và trong các cơ quan, đơn vị, cơ sở tôn giáo, trường học. Nâng cao chất lượng nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền vận động phù hợp với yêu cầu ngày càng cao về thị hiếu, thẩm mỹ của nhân dân; gắn kết nhiệm vụ phát triển kinh tế với từng bước nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân.

Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao; khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể, nhân dân tham gia các hoạt động. Củng cố, phát huy khả năng hoạt động của các đoàn nghệ thuật, câu lạc bộ đờn ca tài tử phù hợp điều kiện mới, phát triển nghệ thuật biểu diễn theo hướng ưu tiên cho việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trong các cơ quan, đơn vị, trường học, nhất là trong vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc. Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân; từng bước hình thành các trung tâm văn hóa ở nông thôn. Thực hiện tốt chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tốt đội ngũ văn nghệ sĩ, cán bộ quản lý văn hóa - thông tin, văn nghệ.

3.7. Lĩnh vực an sinh xã hội, công tác giảm nghèo:

Đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội kịp thời, đúng quyền lợi đến các đối tượng chính sách, người thụ hưởng.Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, người nghèo được công khai, đầy đủ, kịp thời. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận và thụ hưởng chính sách, dịch vụ cơ bản xã hội. Tiếp tục rà soát, tiếp nhận và giải quyết kịp thời hồ sơ người có công. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào chăm sóc người có công, vận động các ngành, các cấp, các đoàn thể quan tâm, giúp đỡ bằng nhiều nguồn lực nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người có công được kịp thời và đầy đủ.

3.8. Hệ thống kết cấu hạ tầng

Phát triển hệ thống giao thông trên cơ sở tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của trung ương và tỉnh, tập trung vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng mang tính chất trọng tâm, trọng điểm như: QL 91, ĐT 945, ĐT 947, nâng cấp cảng Bình Long, xa hơn là cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc (đoạn qua địa bàn huyện). Đồng thời, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, kết hợp xây dựng mới trên cơ sở đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn ở các xã trên cơ sở lồng ghép với xây dựng tiêu chí giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Định hướng phát triển thủy lợi trên địa bàn hướng đến việc khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm; công trình thủy lợi hướng đến đa mục tiêu: sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt nhân dân; kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình, hạn chế các tác hại do lũ lụt gây ra; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

4. Một số giải pháp chủ yếu:

4.1. Nhóm giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển

Tăng cường quản lý thu, chi ngân sách, đảm bảo huy động đúng mức các nguồn thu từ các thành phần kinh tế theo chính sách thuế hiện hành, tăng cường nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Thực hành triệt để tiết kiệm để sử dụng có hiệu quả và tăng tỷ lệ tích lũy đầu tư từ ngân sách.

Đẩy mạnh xúc tiến thu hút các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BTO, PPP và BT; thu hút FDI... để có đủ nguồn lực xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện. Phát triển kinh tế trang trại, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, nhất là ở vùng nông thôn bằng cách tạo thuận lợi trong việc cấp phép đăng ký kinh doanh, giao đất, cho thuê đất, thuê mặt bằng, miễn giảm thuế và tiền thuê đất, sử dụng đất.

Chủ động xây dựng các đề án để tranh thủ vốn từ các tổ chức tài trợ quốc tế để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là những dự án phát triển giao thông nông thôn, các dự án nâng cao năng lực các công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp, dự án phát triển mạng lưới điện nông thôn, dự án hỗ trợ giáo dục - dạy nghề, y tế, cấp nước sinh hoạt, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

4.2. Nhóm giải pháp phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng

Thu hút nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là mạng lưới đô thị, đô thị hóa nông thôn, điện, thủy lợi, viễn thông, giáo dục, y tế, đầu tư nhà ở xã hội.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm huy động nhiều kênh, thu hút nhiều nguồn, đặc biệt là từ các doanh nghiệp. Huy động nguồn vốn từ khai thác quỹ đất. Sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích theo dự án. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Tiếp tục tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để huy động được sự đóng góp của nhân dân vào phát triển hạ tầng khu vực nông thôn.

4.3. Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Có biện pháp và chính sách hợp lý thu hút lực lượng lao động về địa phương. Có biện pháp và cơ chế cụ thể để thu hút học sinh, sinh viên là con em của huyện sau khi học xong trở về địa phương làm việc bằng những chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Nâng cao chất lượng toàn diện về dân số và lao động, trước hết cần quan tâm sức khỏe cộng đồng, giảm nhanh tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Từng bước đảm bảo các điều kiện giải trí, sinh hoạt văn hóa cho nhân dân.

Nâng cao trí tuệ nguồn nhân lực trên cơ sở nâng cao trình độ học vấn, có chính sách hỗ trợ đào tạo nhân tài. Nâng cao trình độ kỹ thuật và tay nghề cho người lao động, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nhiều ngành nghề mới và đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Có chính sách, biện pháp khuyến khích đào tạo, nâng cao trình độ của người lao động nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nhất là nhu cầu phát triển công nghiệp và dịch vụ.

4.4. Nhóm giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường

Khuyến khích và đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới trong các ngành dịch vụ và sản xuất trên mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề. Lựa chọn, chuyển giao công nghệ mới trong nước và nhập ngoại như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học để nhanh chóng nâng cao trình độ công nghệ trong các ngành sản xuất, dịch vụ như các loại giống mới, thiết bị công nghệ chế biến nông sản, thiết bị công nghệ trong sản xuất các sản phẩm công nghiệp nhằm tạo ra nhiều loại sản phẩm có chất lượng và giá trị cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ. Đa dạng hóa đối tác và hình thức hợp tác về khoa học công nghệ giữa địa phương với các cơ quan, tổ chức và cá nhân hoạt động khoa học công nghệ trong và ngoài nước.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp hợp lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường, quản lý chất thải giữa các ngành, các cấp, khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên huyện; cơ chế để nhân dân giám sát có hiệu quả việc quản lý khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và nghiêm minh xử phạt đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vị phạm Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13.

4.5. Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện quy hoạch

Sau khi được phê duyệt UBND huyện trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện quy hoạch, như: Tổ chức công bố quy hoạch để phổ biến rộng rãi trong toàn dân, các cấp, các ngành, các nhà đầu tư tham gia thực hiện quy hoạch có hiệu quả; thực hiện lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của quy hoạch vào kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm, các chương trình, các dự án phát triển trên địa bàn trong từng thời kỳ; các ngành liên quan xây dựng các kế hoạch thực hiện, trong đó thể hiện cụ thể các nhiệm vụ và giải pháp lớn để thực hiện trong từng giai đoạn. Đồng thời, huyện sẽ rà soát những nhiệm vụ trong quy hoạch ngoài thẩm quyền của mình, để tổng hợp, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan của tỉnh thực hiện hoặc hỗ trợ huyện.

5. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư: (Phụ lục kèm theo)

Điều 2. Quy hoạch này là định hướng, cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Châu Phú theo quy định.

Điều 3. Ủy ban nhân dân huyện Châu Phú căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong Quyết định này, chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan chỉ đạo các bộ phận chuyên môn lập và trình duyệt các chương trình, dự án và triển khai thực hiện theo quy định:

- Nghiên cứu xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành một số chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của huyện và pháp luật của nhà nước trong từng giai đoạn nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.

- Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn; các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể để đầu tư tập trung hoặc từng bước đầu tư theo hướng ưu tiên hợp lý.

- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh trong từng giai đoạn quy hoạch.

Điều 4. Các Sở, Ban ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hỗ trợ huyện Châu Phú nghiên cứu lập các kế hoạch, chương trình, dự án nói trên và hỗ trợ huyện tìm và bố trí các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện quy hoạch; huyện Châu Phú phối hợp các Sở, ban ngành nghiên cứu xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành một số chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong từng giai đoạn nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Đẩy nhanh việc đầu tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất vùng và quan trọng đối với sự phát triển của huyện đã được quyết định đầu tư.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 6. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Phú, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ngành cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VTLT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ THỜI KỲ 2016 - 2030 CỦA HUYỆN CHÂU PHÚ
(Kèm theo Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ

I

Lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi

1

Chương trình cánh đồng liên kết, cánh đồng lớn

2

Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu ANTESCO

3

Hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp điện các vùng chuyên canh lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch nông nghiệp tỉnh An Giang trên địa bàn huyện

4

Đầu tư hạ tầng vùng sản xuất giống cá Tra tỉnh An Giang

5

Hạ tầng các khu chăn nuôi tập trung

6

Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

7

Nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Hậu

8

Duy tu, nạo vét các kênh thủy lợi: kênh Đào, kênh Cần Thảo, kênh Tri Tôn, kênh 10 Châu Phú

9

Công trình cống, trạm bơm điện

10

Kè chống sạt lở bờ sông Hậu xã Bình Thủy

II

Lĩnh vực công nghiệp

1

Hạ tầng khu công nghiệp Bình Long (mở rộng)

2

Hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Bình Long

3

Hạ tầng cụm công nghiệp Bình Thủy

4

Hạ tầng cụm công nghiệp Bình Mỹ

5

Hạ tầng cụm công nghiệp Mỹ Phú

6

Các dự án sản xuất công nghiệp chế biến nông thủy sản, lương thực thực phẩm, gia công may mặc, giàu dép, lắp ráp, đóng gói, bao bì

III

Lĩnh vực đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật

1

Nâng cấp đô thị Cái Dầu lên loại IV

2

Xây dựng đô thị Vĩnh Thạnh Trung ( loại V)

3

Xây dựng đô thị Thạnh Mỹ Tây (loại V)

4

Xây dựng đô thị Mỹ Đức (loại V)

5

Khu dân cư Sao Mai Bắc QL 91 (giai đoạn 2)

6

Khu dân cư - đô thị - thương mại, dịch vụ

7

Cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 mở rộng

8

San lấp rạch Chánh Hưng kết hợp bố trí dân cư

9

Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo QĐ số 33/2015/QĐ-TTg

10

Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo QĐ số 22/2013/QĐ-TTg

11

Chương trình hỗ trợ nhà ở công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, chương trình nhà ở tái định cư cho các hộ khu vực ven sông, kênh, rạch theo QĐ 02/QĐ-UBND ngày 5/01/2016 của UBND tỉnh

12

Dự án nhà ở xã hội thị trấn Cái Dầu

13

Nâng cấp hệ thống cấp nước huyện Châu Phú

IV

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch

1

Nâng cấp cải tạo các chợ

2

Xây mới chợ Khánh Mỹ, Chợ Nam Kinh 10 - Tây Kinh 8, Chợ Cầu Ngang (Ba Tiệm)

3

Siêu thị Cái Dầu

4

Siêu thị Vịnh Tre

5

Du lịch sinh thái các xã: Ô Long Vĩ, Đào Hữu Cảnh, Thạnh Mỹ Tây

6

Du lịch Cồn Khánh Hòa

7

Các trạm dừng chân, khu mua sắm phục vụ du lịch

V

Lĩnh vực giao thông vận tải

1

Nâng cấp QL 91

2

Cao tốc Sóc Trăng-Cần Thơ-Châu Đốc

3

Nâng cấp ĐT 945, ĐT 947

4

Xây mới tuyến tránh TT.Cái Dầu

5

Nâng cấp các tuyến đường huyện

6

Xây mới bến phà Năng Gù, bến phà Phú Bình, các bến khách ngang sông

7

Bến xe Cái Dầu

8

Nâng cấp cảng Bình Long

9

Xây mới cầu Năng Gù

10

Nâng cấp các tuyến GT thủy nội địa: Kênh Cần Thảo, Kênh 10 Châu Phú, Kênh Núi Chóc Năng Gù

VI

Lĩnh vực hạ tầng xã hội, quản lý nhà nước, môi trường

1

Nâng cấp bệnh viện Đa khoa huyện lên 150 giường bệnh

2

Phòng khám đa khoa khu vực Thạnh Mỹ Tây

3

Xây dựng trạm y tế xã

4

Trụ sở HĐND và UBND huyện Châu Phú

5

Trụ sở UBND xã

6

Nâng cấp các trường mẫu giáo, phổ thông

7

Xây dựng nghĩa trang cấp huyện, nhà hỏa táng cấp huyện

8

Nhà thi đấu huyện Châu Phú

9

Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng

* Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1235/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 1235/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/04/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Văn Nưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản