Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨ
NH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1205/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 04 tháng 5 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ các Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Số 1384/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2013 về ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ; số 986/QĐ-BNN-KHCN ngày 09/5/2013 về ban hành Kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ phục vụ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; số 1258/QĐ-BNN-KHCN ngày 04/6/2013 về việc phê duyệt Chương trình khuyến nông Trung ương trọng điểm giai đoạn 2013-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh về Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh năm 2017-2018;

Căn cứ Chương trình hành động số 64/CTr-UBND ngày 28/02/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”;

Căn cứ Quyết định số 1373/QĐ-UBND ngày 19/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 697/SNN-KN ngày 25/4/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án công tác Khuyến nông Hà Tĩnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Công tác khuyến nông phải bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Triển khai đồng bộ các hoạt động từ thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện, xây dựng mô hình ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ để công tác khuyến nông đảm bảo bao quát, toàn diện (chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương pháp tổ chức quản lý và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm; vai trò khuyến nông thực sự là cầu nối giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông).

3. Kiện toàn, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực cho hệ thống khuyến nông các cấp (bao gồm kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh tế, thị trường, pháp luật, văn hóa...) đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

II. ĐỊNH HƯỚNG

1. Đối tượng sản xuất là các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, có tiềm năng, lợi thế, khả năng cạnh tranh cao (như cam, bưởi Phúc Trạch, bò chất lượng cao,...).

2. Phát triển sản xuất theo các vùng: Vùng ven biển phát triển nuôi tôm, các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, rau củ quả công nghệ cao trên cát; vùng đồi rừng phát triển chăn nuôi lợn, bò, hươu, trồng cây ăn quả có múi, cây nguyên liệu gỗ rừng trồng; vùng đồng bằng phát triển cây lúa, lạc, cây thức ăn chăn nuôi,...

3. Giống, khoa học công nghệ là động lực then chốt để phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến có khả năng bứt phá và khả năng lan tỏa mạnh, gồm: Tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình sản xuất thâm canh, thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

4. Xác định thị trường là động lực của sản xuất, sản xuất phải gắn chặt thị trường; tổ chức lại sản xuất theo phương châm “doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất, xã hội hóa đầu tư và quốc tế hóa công nghệ”.

5. Chuyển mạnh từ khuyến nông xóa đói, giảm nghèo sang khuyến nông hàng hóa theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh xúc tiến thương mại (hội chợ, hội thảo...), quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh,...

III. PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN

1. Nông dân là đối tượng của hoạt động khuyến nông, các hoạt động khuyến nông phải xuất phát từ nhu cầu của nông dân hoặc nông dân tự nguyện, không áp đặt, rập khuôn, máy móc (phương pháp tiếp cận từ dưới lên). Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất, doanh nghiệp là đầu kéo cho phát triển sản xuất. Do đó, cần phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong hoạt động khuyến nông.

2. Hoạt động khuyến nông có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những điểm nghẽn của hoạt động sản xuất, kinh doanh để từng bước góp phần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, phát triển sản xuất bền vững. Trong điều kiện nguồn lực đầu tư cho khuyến nông còn hạn chế, việc lựa chọn nội dung ưu tiên phù hợp để sử dụng nguồn lực có hiệu quả nhất, tạo được những mô hình điển hình nổi bật có tác dụng lan tỏa nhanh.

IV. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 1373/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Nâng cao vai trò, năng lực, kinh nghiệm của hệ thống khuyến nông đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực đầu tư và sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thật phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao chất lượng Chương trình nông nghiệp nông thôn, duy trì đều đặn bản tin thời tiết nông vụ, thông tin thị trường phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh vào tối thứ tư hàng tuần; phát hành tờ tin khuyến nông hàng quý; tổ chức lễ hội cam, bưởi Phúc Trạch 01 lần/năm;

- Hàng năm tổ chức 10-15 lớp tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho khuyến nông viên cơ sở và nông dân chủ chốt; 30 - 40 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 1.000 - 1.200 nông dân được huấn luyện tay nghề theo phương pháp lớp học hiện trường gắn với mô hình trình diễn;

- Trên 70% cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện được tập huấn nâng cao năng lực hàng năm;

- Hàng năm xây dựng từ 20 - 25 mô hình chuyển giao công nghệ thâm canh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo GAP; trong đó, có trên 05 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; hiệu quả kinh tế các mô hình tăng ít nhất 20% so với sản xuất đại trà để nông dân học tập, làm theo;

- Phối có chửa 14.000 -16.000 bò cái/năm bằng tinh bò đực nhóm Zê bu và bò chất lượng cao; sản xuất, cung ứng trên 25 tấn cá giống nước ngọt/năm. Đến năm 2020, khảo nghiệm, tuyển chọn được ít nhất 01 giống lúa mới bổ sung vào bộ giống của tỉnh; chọn tạo được dòng cam, bưởi Phúc Trạch ít hoặc không hạt để phục vụ sản xuất.

V. MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Kiện toàn, nâng cao năng lực cho mạng lưới khuyến nông

- Tiếp tục kiện toàn mạng lưới khuyến nông đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã và thôn, xóm theo quy định tại Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông gắn với việc triển khai tốt Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ; Thông tư số 15/2015/TT- BNNPTNT ngày 26/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Nghị quyết số 165/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tập trung rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy để xây dựng Đề án tinh giản bộ máy theo tinh thần Kết luận số 05-KL/TU ngày 29/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị nhằm tinh gọn và nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông, tạo sự phối hợp nhịp nhàng, chỉ đạo thống nhất, đạt kết quả cao.

- Quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, khuyến nông viên trên toàn tỉnh về nội dung Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh năm 2017 - 2018; Đề án công tác Khuyến nông Hà Tĩnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 để tạo sự đồng thuận cao trong việc tổ chức, triển khai thực hiện.

- Chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở, vật chất, trang bị phương tiện làm việc cho hệ thống khuyến nông các cấp. Khuyến khích cán bộ mạng lưới khuyến nông thường xuyên học tập nâng cao trình độ; cử khuyến nông cấp tỉnh, huyện tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nâng cao năng lực do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các Viện, Trường tổ chức; hàng năm tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho khuyến nông viên cấp xã. Từng bước nâng cao năng lực cho khuyến nông viên các cấp vừa đảm bảo chuyên sâu khoa học kỹ thuật vừa đạt kỹ năng khuyến nông để làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn tư vấn về chính sách, tổ chức lại sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu cán bộ khuyến nông phải có kiến thức tổng hợp (KHKT, kinh tế, thị trường, pháp luật, xã hội, văn hóa,...), thành thạo nghề, nhiệt tình, gần dân, khiêm tốn, cầu thị.

2. Nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo và huấn luyện

2.1. Thông tin, tuyên truyền

- Tập trung thông tin tuyên truyền phổ biến đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Phổ biến các tiến bộ khoa học và công nghệ, các điển hình trong sản xuất, kinh doanh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, các mô hình tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hành nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình cánh đồng lớn,... Thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai, biến đổi khí hậu, tình hình sâu hại, dịch bệnh và các biện pháp phòng chống để người sản xuất chủ động áp dụng nhằm giảm thiểu thiệt hại. Thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Không ngừng nâng cao chất lượng Chương trình truyền hình Nông nghiệp nông thôn phát sóng trên Đài phát thanh và Truyền hình; đổi mới nội dung, hình thức tờ tin khuyến nông, tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật đảm bảo sinh động dễ hiểu, để áp dụng đáp ứng chủ trương cơ cấu lại sản xuất. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để từng bước hiện đại dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác thông tin tuyên truyền.

- Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan truyền thông Trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác thông tin tuyên truyền.

- Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức thành công lễ hội cam, bưởi Phúc Trạch; tham gia các hội chợ thương mại các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.

2.2. Đào tạo, huấn luyện

- Đào tạo nông dân tham gia sản xuất nông sản hàng hóa gắn với quy hoạch nông thôn mới, đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân nhằm phát huy lợi thế so sánh của địa phương. Đổi mới về tài liệu phù hợp với từng đối tượng. Đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng áp dụng đồng bộ các phương pháp: thuyết trình có minh họa, hỏi và đáp, thảo luận nhóm, thực hành thao giảng. Tăng thời lượng thực hành, thực hiện ngay tại hiện trường với hình thức vừa “cầm tay chỉ việcvừa “hưng dẫn, gợi ý” để nông dân tự chủ, phát huy những kinh nghiệm của họ. Ngoài ra, cần đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp, quản lý kinh tế theo định hướng thị trường cho nông dân chủ chốt và người đứng đầu các tổ chức kinh tế tập thể.

- Đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ gắn với phổ biến và hướng dẫn kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đi sâu hướng dẫn giúp nông dân tiếp cận các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện nông dân thông qua các mô hình mô hình trình diễn, gắn lý thuyết với thực hành sản xuất theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; tổ chức cáo lớp đào tạo ngắn hạn; đào tạo thông qua các phương tiện truyền thông: báo, đài, tờ rơi, tài liệu (sách, đĩa CD-DVD); Nâng cao chất lượng trang Web Sonongnghiephatinh.gov.vn và Khuyennonghatinh.com để trở thành diễn đàn trao đổi thông tin công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm,...

- Đưa nông dân, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), doanh nghiệp tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất điển hình, có hiệu quả kinh tế cao trong và ngoài tỉnh để về nhân rộng tại địa phương. Tổ chức các cuộc hội thảo, hội thi, diễn đàn về công tác khuyến nông.

3. Đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình trình diễn

3.1. Trồng trọt

Chuyển giao cho nông dân tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới (quy trình canh tác theo tiêu chuẩn GAP, nông nghiệp hữu cơ, quy trình thâm canh, quản lý dịch hại tổng hợp,...) vào sản xuất, tổ chức sản xuất theo hướng cánh đồng lớn, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

3.1.1. Phát triển cây ăn quả có múi: Nhân rộng mô hình thâm canh cam, bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và huyện Can Lộc; xây dựng mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, vật liệu chống xói mòn, rửa trôi trên đất dốc; sử dụng phân bón lá, chế phẩm sinh học, bao quả đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.

3.1.2. Phát triển sản xuất rau củ quả: Áp dụng kỹ thuật thâm canh theo hướng VietGAP, nông nghiệp hữu cơ đảm bảo an toàn thực phẩm, liên kết sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị tại vùng được quy hoạch sản xuất rau củ quả trên cát, vùng chuyên canh; tăng cường xúc tiến tiêu thụ hàng hóa; phát triển sản xuất rau an toàn gắn với phát triển nông nghiệp đô thị nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng rau củ quả có chất lượng cho nội tỉnh.

3.1.3. Phát triển sản xuất lúa: Phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Ủy ban nhân dân cấp huyện tuyên truyền hướng dẫn tích tụ ruộng đất quy mô lớn, thu hút nhà đầu tư phát triển sản xuất theo hướng cánh đồng lớn; nhân rộng mô hình chuỗi lúa tại huyện Đức Thọ ra các vùng trọng điểm sản xuất lúa; từng bước ứng dụng nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

3.1.4. Phát triển sản xuất chè: Phổ biến rộng rãi quy trình thâm canh chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, mở rộng diện tích chè liên kết với Công ty Cổ phần Chè Hà Tĩnh theo chuỗi giá trị.

3.1.5. Phát triển sản xuất giống: Khảo nghiệm, chọn lọc các giống cây ăn quả có năng suất, chất lượng, rải vụ đưa vào sản xuất (như bưởi Diễn thu hoạch vào dịp tết nguyên đán, cam CS1 thu hoạch vào tháng 9, cam Valencia thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch,...). Tiếp tục theo dõi, quản lý, chăm sóc cây đầu dòng; định kỳ tổ chức đánh giá lựa chọn, bình tuyển bổ sung cây cam, bưởi Phúc Trạch đầu dòng để lưu giữ, bảo tồn nguồn gen, phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất giống.

Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện: Hương Khê và Hương Sơn khai thác có hiệu quả Trại sản xuất giống bưởi Phúc Trạch, Trại sản xuất giống cam bù, cam chanh.

Xã hội hóa nguồn lực để đầu tư nâng cấp Trại giống cây ăn quả, cây công nghiệp Truông Bát thành Trung tâm chọn lọc, nâng cấp chất lượng giống cây ăn quả có múi, tạo ra các dòng bưởi Phúc Trạch, cam Bù, cam Chanh có năng suất, chất lượng; du nhập và hoàn thiện quy trình sản xuất các giống cây ăn quả có múi mới có tiềm năng. Từng bước đưa Trại giống cây ăn quả, cây công nghiệp Truông Bát trở thành Trung tâm bảo tồn lưu giữ, nghiên cứu, khảo nghiệm phát triển nguồn gen; tư vấn, đào tạo, huấn luyện kỹ thuật trồng cây ăn quả cho nông dân.

Phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Hà Tĩnh, Công ty TNHH một thành viên Giống Vật tư nông nghiệp Mitraco khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, thích ứng rộng và có giá trị thương mại để bổ sung vào bộ giống của tỉnh.

3.2. Chăn nuôi

Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới; quy trình quản lý tiên tiến; phát triển mô hình liên kết trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm phát thải nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhân rộng các mô hình chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ liên kết với doanh nghiệp thông qua THT, HTX nhằm góp phần chuyển đổi nghề nâng cao thu nhập cho người dân ven biển sau sự cố môi trường. Nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc thực hiện vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

3.2.1. Phát triển chăn nuôi lợn: Tiếp tục phổ biến quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng đệm lót sinh học, công trình khí sinh học, công nghệ ép tách phân xử lý vi sinh,...; sử dụng thức ăn tự phối trộn không sử dụng chất phụ gia và kháng sinh, chất kích thích tăng trọng nhằm giảm giá thành sản phẩm và có chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

3.2.2. Phát triển chăn nuôi bò: Nâng cao chất lượng, số lượng mạng lưới thụ tinh nhân tạo, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác truyền tinh. Đẩy mạnh công tác phối giống đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo tinh bò Zê bu (100% máu ngoại) nhằm nâng cao tầm vóc, khuyến khích sử dụng nái lai để lai tạo đàn bò thịt chất lượng cao; phát triển vùng trồng cây thức ăn thô xanh nhằm đảm bảo chủ động nguồn thức ăn; xây dựng mô hình phối trộn thức ăn để phát triển chăn nuôi thâm canh công nghiệp, bán công nghiệp.

3.2.3. Phát triển chăn nuôi gia cầm: Phổ biến quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; phát triển chăn nuôi gà thả đồi, thả vườn, sử dụng giống gia cầm bản địa, thức ăn phối trộn; nhân rộng mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

3.3. Thủy sản

Ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ trong nuôi trồng, khai thác nhằm tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

3.3.1. Đối với nuôi tôm: Mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh công nghiệp trên cát đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP; chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi tôm bền vững vùng bãi triều, hình thành các vùng cộng đồng nuôi tôm an toàn dịch bệnh bảo vệ môi trường.

3.3.2. Phát triển nuôi trồng thủy sản tại hồ chứa, ao đầm: Phổ biến quy trình kỹ thuật nuôi lồng, ao đầm một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế theo hướng VietGAP và phát triển liên kết chuỗi giá trị. Xây dựng các mô hình có hiệu quả để nông dân học tập và làm theo, nhất là vùng ven biển bị ảnh hưởng do sự cố môi trường.

3.3.3. Khai thác thủy sản: Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về lồng, bẩy, máy dò ngang,... để khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, phổ biến công nghệ bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm.

3.3.4. Giống thủy sản: Phát triển cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm có chất lượng, an toàn dịch bệnh, liên kết với người nuôi trồng theo chuỗi giá trị; khai thác có hiệu quả Trại thực nghiệm và sản xuất giống cá Đức Long và Trại thực nghiệm và sản xuất giống cá Xuân Phổ để sản xuất, cung ứng đảm bảo nhu cầu giống trên địa bàn.

3.4. Lâm nghiệp

Ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật và sản xuất kinh doanh để góp phần phát triển và quản lý rừng bền vững theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng rừng.

Xây dựng và nhân rộng mô hình thâm canh cây nguyên liệu gỗ rừng trồng làm nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến ván nhân tạo; mô hình trồng cây bản địa, chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, gắn với công nghệ chế biến tinh, sâu; mô hình nông lâm kết hợp và mô hình sinh kế cho người dân sống ven rừng góp phần quản lý bảo vệ rừng bền vững.

4. Đổi mới về cơ cấu và đẩy mạnh xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông

- Ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư kinh phí cho hoạt động khuyến nông để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, với cơ cấu như sau:

+ Tăng kinh phí cho nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên (thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện khuyến nông) khoảng 30% tổng kinh phí khuyến nông hàng năm.

+ Kinh phí xây dựng mô hình trình diễn khuyến nông chiếm khoảng 70% tổng kinh phí khuyến nông hàng năm.

- Xã hội hóa công tác khuyến nông, huy động các nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp thực hiện các mô hình, dự án khuyến nông:

+ Phấn đấu huy động nguồn kinh phí từ doanh nghiệp và người dân chiếm trên 50% tổng kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, mô hình trình diễn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến tiêu thụ sản phẩm.

+ Thu hút các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng Trại giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp Truông Bát đảm bảo đủ điều kiện để chọn lọc, bảo tồn và nhân giống cây ăn quả chất lượng cao; khảo nghiệm một số giống cây ăn quả mới.

Tổ chức lại sản xuất nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng Trại thực nghiệm và sản xuất cá giống Đức Long để sản xuất cung ứng đủ giống cá nước ngọt cho nhu cầu trên địa bàn và tự chủ nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng công trình đã được đầu tư, phát triển sản xuất bền vững.

- Đẩy mạnh xã hội hóa khuyến nông theo cơ chế đối tác công tư (PPP) nhằm huy động, thu hút nguồn lực của các doanh nghiệp vào hoạt động khuyến nông.

- Tranh thủ tối đa các nguồn vốn từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các dự án: ODA, CIDA, JICA và các nguồn vốn hợp pháp khác để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông.

5. Thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách đã ban hành

- Tiếp tục quán hiệt và thực hiện hiệu quả các nội dung Nghị định số 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông; Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh năm 2017-2018 tại Nghị Quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016.

- Đề xuất Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham mưu bổ sung các cơ chế chính sách về khuyến nông theo hướng tăng cường áp dụng các phương pháp khuyến nông mới, đẩy mạnh khuyến nông công nghệ cao; đồng thời xây dựng bổ sung các chính sách khuyến nông xã hội (hợp tác công tư, đối tác công tư, tư vấn dịch vụ khuyến nông,...) nhằm huy động, thu hút nguồn lực và sự tham gia của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khuyến nông.

6. Tăng cường công tác tư vấn và dịch vụ khuyến nông

- Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông, coi đây là bước đi tất yếu phù hợp với yêu cầu sản xuất. Tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức, HTX, THT, nông hộ sản xuất,... về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, công nghệ sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm... Sản xuất, cung ứng giống, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản chế biến nông sản theo yêu cầu của doanh nghiệp, người dân.

7. Mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế để thu hút nguồn lực, cập nhật chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

7.1. Hợp tác trong nước

- Phát triển các chương trình liên kết với các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ: Trường Đại học, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp, Hội Khoa học kỹ thuật, Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ (VOAA),... về đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, quản trị kinh doanh, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất.

- Liên kết hợp tác với các tập đoàn kinh tế lớn, như: Vingroup,... để thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nghiên cứu, bảo tồn lưu giữ nguồn gen, nhân giống bưởi Phúc Trạch, cam có chất lượng cao và xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất cây ăn quả có múi áp dụng công nghệ mới, nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp,... nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn GAP. Đồng thời, liên kết với chương trình “Hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” của Công ty VinEco để đưa các sản phẩm nông sản Hà Tĩnh vào chuỗi cửa hàng, siêu thị VinMart, từng bước hướng đến xuất khẩu.

- Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ (WB, IMF,...), các dự án ODA, CIDA, JICA,... để triển khai các chương trình, mô hình nhằm chuyển giao kỹ thuật; thúc đẩy người dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

- Phối hợp chặt chẽ với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh, Báo Nông nghiệp việt nam thường trú tại Hà Tĩnh,... chính quyền các địa phương, các ban ngành đoàn thể và hệ thống khuyến nông trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến nông.

7.2. Hợp tác quốc tế

- Hợp tác với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Israel, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... để ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong các lĩnh vực như: Chăn nuôi bò chất lượng cao; nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ; ứng dụng công nghệ tạo ra sản phẩm cam, bưởi ít hạt hoặc không hạt và đưa công nghệ, phương thức canh tác mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên vùng đất bán khô hạn và vùng đất cát ven biển.

- Thông qua các đối tác, từng bước liên kết để đưa các sản phẩm nông sản của Hà Tĩnh xuất khẩu sang các nước phát triển.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2017- 2020: 86.831 triệu đồng.

Trong đó:

- Ngân sách từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: 3.641 triệu đồng.

- Ngân sách tỉnh: 23.380 triệu đồng; gồm:

+ Nguồn ngân sách tỉnh bố trí trong dự toán sự nghiệp nông nghiệp hàng năm: 17.000 triệu đồng;

+ Nguồn kinh phí thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn mới theo Nghị quyết số 32/2017/NQ-HĐND: 6.380 triệu đồng.

- Huy động từ người dân và doanh nghiệp, lồng ghép các dự án (CiDa, ODA...): 59.810 triệu đồng.

Phân bổ các năm như sau:

 Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Nguồn kinh phí

Năm thực hiện

Tổng

2017

2018

2019

2020

1

Kinh phí từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

436

1.060

1.085

1.060

3.641

2

Nguồn ngân sách tỉnh

7.180

7.400

4.300

4.500

23.380

2.1

Nguồn ngân sách tỉnh bố trí trong dự toán sự nghiệp nông nghiệp hàng năm

4.000

4.200

4.300

4.500

17.000

2.2

Nguồn kinh phí thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn mới theo Nghị quyết số 32/2017/NQ-HĐND

3.180

3.200

-

-

6.380

3

Huy động từ người dân và doanh nghiệp, lồng ghép từ các dự án

16.160

12.010

15.470

16.170

59.810

 

Tổng cộng

23.776

20.470

20.855

21.730

86.831

(Chi tiết có phụ lục 01 kèm theo)

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát nông thôn:

- Chủ trì phối hợp với các sở ngành, các đơn vị liên quan và UBND các huyện thực hiện Đề án lập thời có hiệu quả.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các phòng, đơn vị thuộc sở và khuyến nông cấp huyện tổ chức, thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, xây dựng các mô hình, dự án ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật và công tác sự nghiệp khoa học về giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản.

- Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng tháng, quý, năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Các sở, ngành, cơ quan liên quan:

- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu bố trí nguồn kinh phí cho việc thực hiện Đề án.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao và ưu tiên nguồn lực về khoa học công nghệ thực hiện Đề án.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh xây dựng các chương trình truyền thông, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và phát sóng các chuyên đề Nông nghiệp - Nông thôn.

- Các Sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã triển khai Đề án có hiệu quả.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp tỉnh phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt Đề án.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

- Căn cứ Đề án của tỉnh xây dựng Kế hoạch của địa phương để tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện phối hợp với các phòng chức năng tăng cường công tác khuyến nông trên địa bàn.

- Kiện toàn mạng lưới khuyến nông từ huyện đến xã và thôn xóm, có cơ chế, chính sách, bố trí kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khuyến nông ngày càng đạt hiệu quả cao.

- Định kỳ sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh qua Trung tâm khuyến nông tỉnh.

5. Các doanh nghiệp:

Căn cứ Đề án chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) triển khai thực hiện các dự án, mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để tổ chức nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (để b/c);
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (để b/c);
- UBMTTQ tỉnh, các cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy;
- Phó UBND tỉnh (theo dõi NL);
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu: VT, NL, NL1.
Gửi: + VB giấy: Các TP không nhận VBĐT.
 + VB điện tử: Các TP còn lại.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Sơn

 

PHỤ LỤC 01.

KHÁI TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG GIAI ĐOẠN 2017-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 04 tháng 5 năm 2017 của UBND tỉnh)

ĐVT: Triệu đồng

TT

Chương trình

Năm

Tổng

2017

2018

2019

2020

I

Khuyến nông thường xuyên (Thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện, hội nghị chuyên đề, tham quan học tập, mua sắm, sửa chữa thiết bị, nâng cấp máy móc, nghiệp vụ chuyên ngành)

1.226

1.240

1.265

1.330

5.061

II

Xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm NN HH chủ lực

14.510

13.880

14.240

14.950

57.580

1

Trồng trọt

6.240

5.260

5.490

6.200

23.190

1.1

Phát triển cây ăn quả

2.300

2.450

2.670

3.080

10.500

 

Ngân sách tỉnh

800

850

870

880

3.400

 

Nguồn huy động (doanh nghiệp, người dân, dự án,...)

1.500

1.600

1.800

2.200

7.100

1.2

Rau, củ quả

320

360

370

370

1.420

 

Ngân sách tỉnh

120

150

150

150

570

 

Nguồn huy động (doanh nghiệp, người dân, dự án,...)

200

210

220

220

850

1.3

Lúa

2.420

1.650

1.650

1.700

7.420

 

Ngân sách tỉnh

120

150

150

200

620

 

Nguồn huy động (doanh nghiệp, người dân, dự án,...)

2.300

1.500

1.500

1.500

6.800

1.4

Chè

1.200

800

800

1.050

3.850

 

Ngân sách Trung ương

-

200

200

250

650

 

Nguồn huy động (doanh nghiệp, người dân, dự án,...)

1.200

600

600

800

3.200

2

Chăn nuôi

3.650

3.520

3.550

3.550

14.270

2.1

Lợn

1.800

1.820

1.850

1.850

7.320

 

Ngân sách tỉnh

300

320

350

350

1.320

 

Nguồn huy động (doanh nghiệp, người dân, dự án,...)

1.500

1.500

1.500

1.500

6.000

2.2

450

600

600

600

2.250

 

Ngân sách tỉnh

150

200

200

200

750

 

Nguồn huy động (doanh nghiệp, người dân, dự án,...)

300

400

400

400

1.500

2.3

Gia cầm

1.400

1.100

1.100

1.100

4.700

 

Ngân sách tỉnh

300

350

350

350

1.350

 

Nguồn huy động (doanh nghiệp, người dân, dự án,...)

1.100

750

750

750

3.350

3

Thủy sản

3.670

4.000

4.100

4.100

15.870

3.1

Tôm

650

750

850

850

3.100

 

Ngân sách tỉnh

150

200

250

250

850

 

Nguồn huy động (doanh nghiệp, người dân, dự án,...)

500

550

600

600

2.250

3.2

Các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao

2.400

2.500

2.500

2.500

9.900

 

Ngân sách tỉnh

500

600

600

600

2.300

 

Nguồn Trung ương

400

400

400

400

1.600

 

Nguồn huy động (doanh nghiệp, người dân, dự án,...)

1.500

1.500

1.500

1.500

6.000

3.3

Khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao

620

750

750

750

2.870

 

Ngân sách tỉnh

120

150

150

150

570

 

Nguồn huy động (doanh nghiệp, người dân, dự án,...)

500

600

600

600

2.300

4

Lâm nghiệp

950

1.100

1.100

1.100

4.250

-

Phát triển cây gỗ lớn và cây mọc nhanh

950

1.100

1.100

1.100

4.250

+

Ngân sách tỉnh

250

300

300

300

1.150

+

Nguồn huy động (doanh nghiệp, người dân, dự án,...)

700

800

800

800

3.100

III

Nghề muối

-

450

450

450

1.350

 

Ngân sách tỉnh

-

150

150

150

450

 

Nguồn huy động (doanh nghiệp, người dân, dự án,...)

-

300

300

300

900

IV

Giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản

8.040

4.900

4.900

5.000

22.840

1

Zê bu hóa đàn bò

4.000

4.000

4.000

4.000

16.000

 

Ngân sách tỉnh (nguồn Chính sách NQHĐND 32)

3.000

3.000

 

 

6.000

 

Nguồn huy động (doanh nghiệp, người dân, dự án,...)

1.000

1.000

4.000

4.000

10.000

2

Giống thủy sản nước ngọt

540

600

600

600

2.340

 

Ngân sách tỉnh (nguồn Chính sách NQHĐND 32)

180

200

 

 

380

 

Nguồn huy động (doanh nghiệp, người dân, dự án,...)

360

400

600

600

1.960

3

Giống cây ăn quả tại trại Truông Bát

3.500

300

300

400

4.500

 

Nguồn huy động (doanh nghiệp, người dân, dự án,...)

3.500

300

300

400

4.500

 

Tổng cộng

23.776

20.470

20.855

21.730

86.831

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1205/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án công tác Khuyến nông Hà Tĩnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025

  • Số hiệu: 1205/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/05/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Đặng Ngọc Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản