Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2017/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 08 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHÍ, THANG ĐIỂM, PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09 tháng 01 năm 2015 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới;

Thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25 tháng 02 năm 2010 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị;

Thực hiện Quyết định số 1669-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị;

Thực hiện Công văn số 2712-CV/TU ngày 08 tháng 10 năm 2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14 tháng 7 năm 2015 của Ban Bí thư khóa XI;

Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 444/TTr-SNV ngày 06 tháng 3 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tiêu chí, thang điểm, phương pháp đánh giá công tác dân vận của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2017./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Cao Văn Trọng

 

QUY ĐỊNH

VỀ TIÊU CHÍ, THANG ĐIỂM, PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí, thang điểm và phương pháp đánh giá công tác dân vận của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh.

b) Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thành phố.

c) Các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp thuộc (UBND) cấp huyện.

d) Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.

Điều 2. Mục đích đánh giá, phân loại công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp

Việc đánh giá, phân loại hàng năm về công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp nhằm xem xét toàn diện các hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh,… tại địa bàn theo quy định. Trên cơ sở đánh giá nhằm phát huy các nhân tố tích cực trong công tác dân vận chính quyền, góp phần tạo động lực thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các cơ quan nhà nước.

Điều 3. Nguyên tắc đánh giá công tác dân vận

Đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ.

Chương II

TIÊU CHÍ, THANG ĐIỂM VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Điều 4. Tiêu chí đánh giá công tác dân vận của các cơ quan nhà nước

1. Thực hiện tổ chức triển khai các văn bản (8 điểm)

a) Triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận kịp thời và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) (4 điểm).

b) Cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận thành các văn bản quy phạm pháp luật hoặc kế hoạch, chương trình, đề án… để áp dụng tại cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý và khả thi (4 điểm).

2. Thực hiện nhiệm vụ chính trị (10 điểm).

- Cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khi ban hành phải được cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, nhân dân đồng tình và mang lại hiệu quả thiết thực (5 điểm).

- Cơ quan, đơn vị, địa phương không để xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật, lãng phí, tiêu cực (5 điểm).

3. Thực hiện công tác cải cách hành chính (12 điểm).

a) Triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính tại địa phương, cơ quan, đơn vị, đảm bảo hiệu quả và phục vụ tốt cho nhân dân; tạo được sự hài lòng của người dân đối với bộ máy và hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước (4 điểm).

b) Thực hiện nghiêm và đầy đủ việc công khai minh bạch, rõ ràng các thủ tục hành chính theo quy định tại đơn vị, địa phương cả về hình thức lẫn nội dung, để người dân biết, hiểu, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm việc giải quyết thủ tục hành chính đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân (4 điểm).

c) Hàng năm, tổ chức kiểm tra nội bộ (hoặc rà soát, kiến nghị) để phát hiện những bất cập trong các quy định về thủ tục hành chính, quy trình giải quyết hồ sơ, nhằm cải tiến, hợp lý hóa thủ tục hành chính, quy trình giải quyết hồ sơ, không để xảy ra tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn và người dân phải đi lại quá một lần để bổ sung hồ sơ (4 điểm).

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo (6 điểm).

a) Cơ quan, đơn vị, địa phương phải kịp thời chỉ đạo xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của nhân dân (3 điểm).

b) Không có vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài và tạo thành điểm nóng. Thực hiện tốt công tác thanh tra nhân dân, công tác hòa giải ở cơ sở (3 điểm).

5. Xây dựng cơ quan, công sở văn minh (10 điểm).

a) Xây dựng công sở văn minh, thực hiện tốt các quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành công vụ, tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân (2 điểm).

b) Cơ quan, đơn vị, địa phương không có cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật và bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên (3 điểm).

c) Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tạo sự chuyển biến tích cực về xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm dân tin” và phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả” (2,5 điểm).

d) Cán bộ, công chức, viên chức quán triệt và thực hiện tốt nội dung “Ba không, ba nên, ba cần” trong công tác dân vận chính quyền (2,5 điểm).

6. Thực hiện quy chế dân chủ theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ (12 điểm).

a) Cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt dân chủ và mở rộng các hình thức dân chủ, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được thông tin, bàn bạc và tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ công tác chuyên môn. Phát huy vai trò của các đoàn thể trong việc phát huy dân chủ ở địa phương, đơn vị (2,5 điểm).

b) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm cao trong thực thi công vụ và vận động nhân dân, thực hiện đầy đủ các nội dung công khai minh bạch theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” (2,5 điểm).

c) Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, phải gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, chịu trách nhiệm cá nhân, nói đi đôi với làm, thực sự là tấm gương sáng cho cán bộ, công chức, viên chức noi theo. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức, lối sống, giảm sút uy tín đối với nhân dân (2,5 điểm).

d) Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong cơ quan, đơn vị và việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng địa phương, đơn vị nhằm hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức gương mẫu, tận tâm, tận tình phục vụ nhân dân. Triển khai, quán triệt Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 04 tháng 11 năm 2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre (2,5 điểm).

đ) Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nhận thức về công tác dân vận; phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành (2 điểm).

7. Công tác vận động nhân dân (15 điểm).

a) Thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa xã hội ở cơ sở (5 điểm).

b) Phát động và tổ chức thiết thực các phong trào, hoạt động xã hội từ thiện (5 điểm).

c) Mỗi năm tổ chức ít nhất 03 hoạt động “Dân vận” và các hoạt động giúp dân trên các lĩnh vực đời sống xã hội, cụ thể như: Những việc làm nhằm giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây cầu, làm đường giao thông, xây và sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương, hỗ trợ người có công, gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… (5 điểm).

8. Tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tham gia quản lý nhà nước (10 điểm)

a) Cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành cơ chế, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân tham gia giám sát phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền) (4 điểm).

b) Bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tại cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao (3 điểm).

c) Các cấp chính quyền có lịch làm việc định kỳ 06 tháng, một năm với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp (3 điểm).

9. Thực hiện công tác tiếp dân (10 điểm).

a) Thực hiện tốt chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân và chế độ tiếp dân định kỳ (5 điểm).

b) Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân (5 điểm).

10. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo (7 điểm).

a) Báo cáo đầy đủ theo yêu cầu (2 điểm).

b) Báo cáo đúng thời gian quy định (2 điểm).

c) Nội dung báo cáo chất lượng (3 điểm).

Điều 5. Phương pháp đánh giá công tác dân vận

1. Việc đánh giá, phân loại được thực hiện dựa trên 10 tiêu chí đánh giá được nêu tại Điều 4 của Quy định này. Mỗi tiêu chí quy định một, hoặc nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến việc thực hiện công tác dân vận của các cơ quan nhà nước trên cơ sở Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 04/11/2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo thang điểm từ 6 đến 15 điểm, với tổng số là 100 điểm.

2. Cách chấm điểm từng nội dung tiêu chí: tiêu chí nào đạt tất cả các nội dung thì chấm điểm tối đa, trường hợp không đạt thì tùy theo mức độ đạt được để chấm điểm.

Điều 6. Phân loại công tác dân vận

1. Tùy theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ mà các đơn vị đánh giá, chấm điểm theo từng tiêu chí, sau đó lấy điểm tổng cộng của 10 tiêu chí để phân loại theo các mức như sau:

a) Hoàn thành xuất sắc: Từ 90 đến 100 điểm;

b) Hoàn thành tốt: Từ 70 đến dưới 90 điểm;

c) Hoàn thành: Từ 50 đến dưới 70 điểm;

d) Không hoàn thành: Dưới 50 điểm.

2. Trường hợp hạ mức độ hoàn thành nhiệm vụ xuống một bậc:

Cơ quan, đơn vị, địa phương có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở xuống (đối với cán bộ) và hạ bậc lương trở xuống (đối với công chức) thì hạ mức độ hoàn thành nhiệm vụ xuống một bậc so với mức độ phân loại theo tổng số điểm được chấm.

3. Các trường hợp xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ công tác dân vận:

Cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra tham nhũng; hoặc có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật từ hình thức cách chức trở lên (đối với cán bộ) và trên hình thức hạ bậc lương (đối với công chức), bị xử lý hình sự; mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng thì xếp loại là không hoàn thành nhiệm vụ.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Thẩm quyền, trình tự, thời gian xét duyệt, phân loại đối với công tác dân vận

1. Thẩm quyền.

a) UBND tỉnh ban hành Quyết định phân loại công tác dân vận chính quyền đối với các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện.

b) UBND cấp huyện ban hành Quyết định phân loại công tác dân vận chính quyền đối với các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã.

2. Trình tự, thời gian xét duyệt, phân loại đối với công tác dân vận.

a) Đối với cấp huyện: Trong tháng 11 hàng năm, các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã tiến hành tự chấm điểm công tác dân vận và gửi về Phòng Nội vụ trước ngày 10 tháng 12 để tổng hợp. Tiếp theo đó, Phòng Nội vụ phối hợp với Ban Dân vận huyện ủy, thành ủy tiến hành rà soát kết quả chấm điểm, báo cáo UBND cấp huyện xem xét, quyết định trong khoảng thời gian trước 20/12 hàng năm.

b) Đối với cấp tỉnh: Trong tháng 12 hàng năm, các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện tiến hành tự chấm điểm công tác dân vận và báo cáo Sở Nội vụ trước ngày 31 tháng 12 để tổng hợp. Và tuần đầu tháng 01 của năm liền kề, Sở Nội vụ phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tiến hành rà soát kết quả chấm điểm, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 8. Trách nhiệm thực hiện

1. Trách nhiệm tự đánh giá của các cơ quan, đơn vị.

Dựa trên các tiêu chí và phương pháp đánh giá, phân loại nêu trên, vào tháng 11 hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương tự đánh giá, phân loại. Kết quả đánh giá, phân loại cho thấy việc thực hiện công tác dân vận chính quyền của các cơ quan, đơn vị tốt hay chưa tốt; đây cũng là tiêu chí để xét thi đua, khen thưởng cuối năm của cơ quan, đơn vị, địa phương.

2. Trách nhiệm của Sở Nội vụ.

a) Triển khai, hướng dẫn thực hiện Quy định này đến các cơ quan, đơn vị, địa phương.

b) Sở Nội vụ phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác dân vận chính quyền tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở các tiêu chí nêu trên.

c) Rà soát, tổng hợp, báo cáo kết quả chấm điểm công tác dân vận của các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

2. Trách nhiệm của Phòng Nội vụ.

a) Hướng dẫn các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện Quy định này.

b) Rà soát, tổng hợp, báo cáo kết quả chấm điểm công tác dân vận của các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện kịp thời phản ảnh về UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 12/2017/QĐ-UBND Quy định về tiêu chí, thang điểm, phương pháp đánh giá công tác dân vận của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành

  • Số hiệu: 12/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/03/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Cao Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản