Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------

Số: 119/2009/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2009

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ngày 24 tháng 5 năm 2005;
Căn cứ các Luật thuế hiện hành;
Căn cứ Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nước ngoài và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam ngày 23 tháng 8 năm 1993;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 9 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA ở Việt Nam (gọi tắt là Quy chế chuyên gia nước ngoài).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 11 năm 2009 và thay thế Quyết định số 211/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA ở Việt Nam.

Điều 3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện Quy chế; kiểm tra theo chức năng việc thực hiện Quy chế này.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, QHQT (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

QUY CHẾ

CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 119/2009/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Quy chế này áp dụng cho đối tượng là các chuyên gia nước ngoài tham gia quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA tại Việt Nam và thành viên gia đình của họ.

2. Quy chế này áp dụng đối với các chương trình, dự án tài trợ bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng

Chuyên gia nước ngoài và thành viên gia đình của các chuyên gia này không phân biệt quốc tịch đều được Nhà nước Việt Nam đối xử bình đẳng và bảo hộ tài sản và thu nhập hợp pháp trong thời gian làm việc và lưu trú tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Một số từ ngữ sử dụng trong Quy chế này được hiểu như sau:

1. “Chương trình, dự án ODA” là chương trình, dự án sử dụng vốn ODA do Bên nước ngoài cung cấp theo quy định tại Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 9 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ.

2. “Bên nước ngoài” (Nhà tài trợ vốn ODA) bao gồm: Chính phủ nước ngoài, các tổ chức tài trợ song phương và các tổ chức liên quốc gia hoặc liên Chính phủ cung cấp vốn ODA cho Bên Việt Nam để thực hiện các chương trình, dự án tại Việt Nam.

3. “Bên Việt Nam” bao gồm: Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA; các cơ quan chủ quản chương trình, dự án ODA; các chủ chương trình, dự án ODA và các Ban quản lý chương trình, dự án ODA, trong đó:

a) “Các cơ quan quản lý Nhà nước về ODA” bao gồm các cơ quan tham gia quản lý Nhà nước trong quy trình quản lý và sử dụng vốn ODA, bao gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan quản lý ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện chương trình, dự án ODA;

b) “Cơ quan chủ quản chương trình, dự án ODA” (Người quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư hoặc người quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật, sau đây gọi chung là Cơ quan chủ quản dự án) là các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan trực thuộc Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”) có chương trình, dự án ODA;

c) “Chủ chương trình, dự án ODA” (chủ đầu tư đối với chương trình, dự án đầu tư, chủ dự án đối với chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật – sau đây gọi chung là chủ dự án) là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan chủ quản giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn đối ứng để thực hiện chương trình, dự án theo nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, và quản lý, sử dụng công trình sau khi chương trình, dự án kết thúc;

d) “Ban Quản lý chương trình, dự án ODA” là đơn vị có chức năng giúp chủ chương trình, dự án ODA quản lý thực hiện chương trình, dự án.

4. “Các bên” bao gồm: Bên Việt Nam, Bên nước ngoài và chuyên gia nước ngoài.

5. “Chuyên gia nước ngoài” (sau đây gọi tắt là chuyên gia) là người không có quốc tịch Việt Nam vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án ODA theo quy định hay thỏa thuận trong các Điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Bên Việt Nam và Bên nước ngoài. Họ vào Việt Nam theo các hình thức sau:

a) Bên nước ngoài tuyển chọn và ký hợp đồng với chuyên gia hoặc nhà thầu (công ty) mà chuyên gia thuộc danh sách tư vấn trong tài liệu đấu thầu của nhà thầu (công ty) trên cơ sở kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền của Bên nước ngoài phê duyệt và phía Việt Nam chấp nhận;

b) Bên Việt Nam tuyển chọn và ký hợp đồng với chuyên gia hoặc nhà thầu (công ty) mà chuyên gia thuộc danh sách tư vấn trong tài liệu đấu thầu của nhà thầu (công ty) trên cơ sở kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền của Bên Việt Nam phê duyệt và phía nước ngoài chấp thuận.

6. “Thành viên gia đình” là vợ hoặc chồng và con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động của chuyên gia mà chuyên gia phải nuôi dưỡng, sống chung với chuyên gia thành một hộ và có quốc tịch nước ngoài.

Điều 4. Ngoài những quyền lợi được hưởng theo quy định tại Quy chế này và các quyền lợi hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, các chuyên gia và thành viên gia đình của họ có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo quy định tại Quy chế này và tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Điều 5. Các cơ quan có thẩm quyền Bên Việt Nam và Bên nước ngoài có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng chuyên gia; bảo đảm thực hiện mọi quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của chuyên gia và thành viên gia đình của họ trong quá trình chuyên gia thực hiện nhiệm vụ ở Việt Nam.

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Ưu đãi dành cho chuyên gia

1. Ưu đãi về thị thực:

Chuyên gia và thành viên gia đình của họ được cấp thị thực Việt Nam có giá trị nhập xuất cảnh nhiều lần theo đề nghị của cơ quan chủ quản chương trình, dự án ODA. Thủ tục cấp thị thực theo quy định hiện hành.

Những chuyên gia và thành viên gia đình của họ có thời gian công tác và lưu trú ở Việt Nam từ 06 tháng trở lên và được xét cấp thị thực nhiều lần cho cả thời hạn làm việc tối đa là 03 năm (nếu có yêu cầu).

Trong trường hợp khẩn cấp, nếu Bên Việt Nam xét thấy cần thiết phải bảo đảm an ninh, an toàn tính mạng và tài sản cho chuyên gia và thành viên gia đình của họ, thì chuyên gia và thành viên gia đình của họ được hưởng chế độ xuất cảnh áp dụng như đối với viên chức ngoại giao của nước ngoài đang công tác tại Việt Nam và phù hợp với quy định của Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

2. Ưu đãi về ngoại hối:

Chuyên gia và thành viên gia đình của họ được mang ngoại tệ vào Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam; được chuyển đổi ra ngoại tệ và mang ra khỏi Việt Nam các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công thực hiện chương trình, dự án ODA hoặc các khoản thu hợp pháp khác theo quy định tại Điều 7 Quy chế này. Thủ tục mang ngoại tệ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Đăng ký lưu trú, đi lại:

Chuyên gia và thành viên gia đình của họ được tự do đi lại và đăng ký lưu trú trên lãnh thổ Việt Nam, trừ khu vực cấm.

4. Ưu đãi khác:

a) Cấp, đổi bằng lái xe, đăng ký biển số xe: Chuyên gia và thành viên gia đình của họ khi vào Việt Nam được đăng ký dự học, thi tuyển và xét cấp bằng lái xe tại các trường lái xe dân sự, được tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển đổi bằng lái xe và đăng ký biển số xe theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Trường hợp chuyên gia hoặc thành viên gia đình của họ vi phạm pháp luật Việt Nam bị khởi tố, bắt, xét xử, chấp hành hình phạt tù, trục xuất hoặc bị liên đới trong các thủ tục tố tụng, thì đại diện Bên nước ngoài cử hoặc thuê chuyên gia đó và Cơ quan đại diện Lãnh sự của nước mà chuyên gia hoặc thành viên gia đình của họ mang quốc tịch sẽ được Bên Việt Nam thông báo kịp thời và có quyền thăm viếng. Chuyên gia hoặc thành viên gia đình của họ bị liên quan nói trên có quyền mời luật sư theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 7. Miễn trừ dành cho chuyên gia

1. Miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và phí trước bạ:

a) Chuyên gia được phép lưu trú ở Việt Nam dưới 183 ngày được miễn thuế khi tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam những vật dụng theo danh mục và định lượng tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này (trừ xe ô tô, xe gắn máy hai bánh).

b) Chuyên gia được phép lưu trú ở Việt Nam từ 183 ngày trở lên được miễn thuế khi tạm nhập khẩu, nhập khẩu hoặc mua tại Việt Nam những vật dụng theo danh mục và định lượng tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này.

c) Chuyên gia tạm nhập khẩu ôtô và xe gắn máy đã qua sử dụng phải tuân thủ điều kiện, trình tự, thủ tục nhập khẩu ôtô và xe gắn máy đã qua sử dụng theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

d) Tái xuất khẩu, xuất khẩu hoặc chuyển nhượng, biếu tặng xe ôtô, xe gắn máy hai bánh:

- Chuyên gia phải tái xuất khẩu, xuất khẩu hoặc chuyển nhượng, biếu tặng xe ôtô, xe gắn máy hai bánh trong thời hạn ít nhất là 30 (ba mươi) ngày trước khi kết thúc thời hạn công tác tại Việt Nam theo xác nhận chuyên gia nước ngoài của Cơ quan chủ quản dự án. Trong trường hợp không kịp tái xuất khẩu, xuất khẩu, chuyển nhượng, biếu tặng xe ôtô, xe gắn máy hai bánh, thì chuyên gia phải làm thủ tục trả biển kiểm soát và hủy đăng ký xe tại cơ quan cảnh sát giao thông và phải ủy quyền cho Cơ quan chủ quản dự án giải quyết việc tái xuất khẩu, xuất khẩu, chuyển nhượng, biếu tặng xe ôtô, xe gắn máy hai bánh; xe ôtô, xe gắn máy hai bánh được bảo quản tại Cơ quan chủ quản dự án;

- Nếu chuyên gia tái xuất khẩu xe ôtô, xe gắn máy hai bánh đã tạm nhập khẩu hoặc xuất khẩu xe xe ôtô, xe gắn máy hai bánh đã mua miễn thuế tại Việt Nam, thì được miễn các loại thuế, phí và lệ phí liên quan theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam;

- Chuyên gia được phép chuyển nhượng, biếu tặng xe ôtô, xe gắn máy hai bánh đã tạm nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam;

Nếu chuyên gia chuyển nhượng, biếu, tặng cho chuyên gia khác hoặc cho đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, đối tượng được hưởng ưu đãi về chính sách thuế theo quy định của Nhà nước Việt Nam thì được miễn các loại thuế, phí liên quan;

Trong mọi trường hợp chuyển nhượng, biếu tặng khác, chuyên gia phải nộp đủ các loại thuế, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật Việt Nam.

đ) Xe ôtô, xe gắn máy hai bánh bị tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai không thể tiếp tục sử dụng được hoặc bị mất phải được cơ quan Công an Việt Nam hoặc cơ quan giám định có thẩm quyền, cơ quan Bảo hiểm xác nhận bằng văn bản. Trong trường hợp thời gian thực hiện các chương trình, dự án ODA tại Việt Nam của chuyên gia còn từ 183 ngày trở lên, thì chuyên gia mới được tạm nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam xe ôtô, xe gắn máy hai bánh thay thế.

e) Tiêu hủy xe ôtô, xe gắn máy hai bánh:

- Trường hợp chuyên gia có nhu cầu tiêu hủy xe ôtô, xe gắn máy hai bánh tạm nhập khẩu hoặc mua miễn thuế tại Việt Nam bị tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai không thể tiếp tục sử dụng được, thì chuyên gia có văn bản đề nghị cơ quan chủ quản dự án trên cơ sở văn bản xác nhận của cơ quan Công an Việt Nam hoặc cơ quan giám định có thẩm quyền, cơ quan Bảo hiểm về việc tiêu hủy;

- Việc tiêu hủy xe ôtô, xe gắn máy hai bánh nêu trên chỉ được thực hiện khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Cơ quan chủ quản dự án và việc tiêu hủy được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

g) Chuyên gia có trách nhiệm sử dụng các vật dụng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu và mua miễn thuế tại Việt Nam đúng mục đích và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Miễn thuế thu nhập:

Trong thời gian công tác tại Việt Nam, chuyên gia nước ngoài được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công thực hiện chương trình, dự án ODA.

3. Tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của chuyên gia và thành viên gia đình của họ tại Việt Nam được miễn trưng thu, trưng dụng, tịch thu. Việc chuyển về nước các tài sản này cũng như việc bán lại chúng trên lãnh thổ Việt Nam phải được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Miễn trừ khác:

Trong thời gian lưu trú tại Việt Nam:

a) Chuyên gia và thành viên gia đình của họ được miễn đóng góp cá nhân vì lợi ích công cộng, an ninh, quốc phòng của Nhà nước Việt Nam;

b) Chuyên gia được miễn đăng ký chuyên môn, giấy phép hành nghề và được miễn việc cấp giấy phép lao động.

Điều 8. Trách nhiệm của các Bên

1. Trách nhiệm của Bên Việt Nam

a) Chủ dự án:

- Hỗ trợ bảo đảm thực hiện những quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của chuyên gia và thành viên gia đình của họ trong thời hạn làm việc và lưu trú ở Việt Nam;

- Phối hợp với Bên nước ngoài quản lý và đánh giá chuyên gia trong quá trình thực hiện dự án, bảo đảm thực hiện đúng các nghĩa vụ, trách nhiệm đã nêu trong hợp đồng thuê sử dụng chuyên gia;

- Kiến nghị biện pháp xử lý với cơ quan chủ quản dự án và Bên nước ngoài trong trường hợp công việc hoặc tư cách của chuyên gia và thành viên gia đình của họ không phù hợp với thỏa thuận hoặc cam kết trong hợp đồng sử dụng chuyên gia hoặc trong Điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Bên Việt Nam và Bên nước ngoài;

- Hỗ trợ chuyên gia và phối hợp với Cơ quan chủ quản dự án và Bên nước ngoài giải quyết những vụ việc liên quan đến chuyên gia và thành viên gia đình của họ trong thời gian làm việc và lưu trú ở Việt Nam hoặc các trường hợp nêu tại điểm b khoản 4 Điều 6 của Quy chế này (nếu có);

- Thông báo cho Cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan trong thời hạn 30 ngày trước khi chuyên gia kết thúc thời gian làm việc tại Việt Nam;

- Báo cáo Cơ quan chủ quản định kỳ 6 tháng và hàng năm về công tác quản lý và sử dụng chuyên gia.

b) Cơ quan chủ quản dự án:

- Có văn bản xác nhận chuyên gia nước ngoài và gửi văn bản xác nhận cho các cơ quan liên quan để thực hiện quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành và chịu trách nhiệm về sự xác nhận này;

- Chỉ đạo các chủ dự án trong việc quản lý và sử dụng chuyên gia có hiệu quả;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền Bên Việt Nam và Bên nước ngoài bảo đảm thực hiện những quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp khác của chuyên gia và thành viên gia đình của họ trong thời gian làm việc và lưu trú ở Việt Nam;

- Nghiên cứu kiến nghị của chủ dự án quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và phối hợp với Bên nước ngoài có quyết định xử lý;

- Phối hợp với Bộ Công an và Bộ Ngoại giao hoặc các cơ quan chức năng khác giải quyết các công việc liên quan đến chuyên gia và thành viên gia đình của họ trong trường hợp khẩn cấp và các trường hợp khác nêu tại khoản 1 và khoản 4 Điều 6 của Quy chế này (nếu có);

- Tổng hợp chung về tình hình quản lý và sử dụng chuyên gia, định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền liên quan có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ cơ quan chủ quản, chủ dự án và Bên nước ngoài thực hiện Quy chế này đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.

d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm giám sát và tổng hợp chung tình hình thực hiện Quy chế này, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Trách nhiệm của Bên nước ngoài:

a) Tuyển chọn, đề cử hoặc thuê chuyên gia theo yêu cầu của Bên Việt Nam;

b) Cung cấp những thông tin cần thiết cho Bên Việt Nam thẩm định các chuyên gia ứng cử viên được chọn;

c) Cung cấp hợp đồng sử dụng chuyên gia cho Bên Việt Nam để theo dõi và quản lý;

d) Phối hợp với Bên Việt Nam giải quyết những vụ việc liên quan đến chuyên gia và thành viên gia đình của họ trong thời gian làm việc và lưu trú tại Việt Nam hoặc các trường hợp nêu tại khoản 1 và 4 Điều 6 của Quy chế này (nếu có).

3. Trách nhiệm của chuyên gia và thành viên gia đình của họ:

a) Trong thời gian lưu trú hoặc công tác ở Việt Nam, chuyên gia và thành viên gia đình của họ phải tuân theo sự hướng dẫn và quản lý của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp của Việt Nam;

b) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký giữa các bên;

c) Ngoài những công việc hoặc hoạt động đã được thỏa thuận hay quy định trong các văn bản ký kết giữa các Bên, chuyên gia nước ngoài không được phép hành nghề vì bất kỳ mục đích thu lợi nào trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định trong Quy chế này và các vi phạm khác của pháp luật, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này./.

PHỤ LỤC

DANH MỤC VÀ SỐ LƯỢNG VẬT DỤNG CẦN THIẾT PHỤC VỤ NHU CẦU CÔNG TÁC VÀ SINH HOẠT CỦA CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA TẠI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quy chế tại Quyết định số 119/2009/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

TÊN HÀNG, VẬT DỤNG

SỐ LƯỢNG

GHI CHÚ

1

Xe ô tô

01 chiếc

Tay lái thuận

2

Xe gắn máy hai bánh

01 chiếc

3

Ti vi

01 cái

4

Máy giặt

01 cái

5

Rượu các loại

40 lít

6

Bia các loại

400 lít

7

Thuốc lá

20 tút

8

Điều hòa nhiệt độ

01 chiếc

Không quá 18000 PTU

9

Máy tính cá nhân

01 cái

10

Lò nướng điện

01 cái

11

Lò vi sóng

01 cái

12

Tủ lạnh

01 cái

13

Các vật dụng cá nhân khác

Mỗi loại 01 đơn vị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 119/2009/QĐ-TTg về Quy chế chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 119/2009/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/10/2009
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 475 đến số 476
  • Ngày hiệu lực: 20/11/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản