Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 116/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 02 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 36/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành ngày 19/10/2016 và xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 138/TTr-STNMT ngày 10/01/2017 về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chính sau:

1. Quan điểm quy hoạch

- Quan điểm chung của Quy hoạch là: Bảo tồn kết hợp với phát triển bền vững.

- Đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan của tỉnh: Quy hoạch phát triển nông nghiệp, Quy hoạch 03 loại rừng, Quy hoạch sử dụng đất đến 2020, định hướng đến 2030.

- Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng tài nguyên tự nhiên với việc xóa đói, giảm nghèo góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững và nâng cao đời sống cộng đồng; bảo đảm sự tham gia của các thành phần xã hội và cộng đồng địa phương trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm các nguyên tắc về chia sẻ, hài hòa lợi ích của các bên liên quan.

- Đảm bảo tính thống nhất quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học và thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương, tăng cường nguồn thu từ dịch vụ sinh thái môi trường tạo nguồn kinh phí bền vững và lâu dài cho bảo tồn đa dạng sinh học.

- Huy động mọi nguồn lực và kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng dân cư các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tham gia vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học; đảm bảo các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên liên quan.

- Tăng cường hợp tác với các tỉnh giáp ranh, các tỉnh và thành phố khác trong cả nước, hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia nhằm huy động nguồn lực, trao đổi khoa học, kinh nghiệm, hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn đa dạng sinh học cho tỉnh.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung:

Bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù của tỉnh Quảng Ngãi (bao gồm các nguồn gen trong tự nhiên, giống cây trồng, vật nuôi đặc trưng ở địa phương); phục hồi các sinh cảnh, hệ sinh thái bị suy thoái thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cho các khu vực cần được bảo tồn; nâng cao nhận thức cộng đồng.

b) Mục tiêu cụ thể:

b1) Giai đoạn 2017-2020:

- Thành lập mới và đưa vào hoạt động 03 khu bảo tồn bao gồm: khu dự trữ thiên nhiên khu Tây huyện Ba Tơ, khu dự trữ thiên nhiên khu Tây huyện Trà Bồng, khu bảo tồn sinh cảnh loài Rùa Trung bộ Bình Sơn; thành lập mới 04 hành lang đa dạng sinh học.

- Bảo vệ và phát triển bền vững diện tích các hệ sinh thái rừng tự nhiên, bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới trên núi cao phân bố ở 06 huyện miền núi.

- Xây dựng huyện Lý Sơn trở thành huyện đảo du lịch, mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh.

- Quy hoạch công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn và các vùng phụ cận giai đoạn 1: Thành lập và quy hoạch chi tiết.

- Đẩy mạnh trồng rừng và cây phân tán trên diện tích hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi, đưa độ che phủ rừng đạt trên 52% vào năm 2020.

- Tăng cường kế hoạch giao khoán bảo vệ rừng; quy hoạch các khu rừng cộng đồng; giải quyết từng bước sinh kế, ổn định đời sống, nâng cao mức sống của người dân địa phương trong vùng quy hoạch các khu bảo tồn.

- Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn.

- Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học cho các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

b2) Giai đoạn 2021 - 2025:

- Quy hoạch công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn và các vùng phụ cận giai đoạn 2: Hoàn thiện Quy hoạch chi tiết công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn và các vùng phụ cận.

- Thành lập Khu dự trữ sinh quyển thế giới Sa Huỳnh - Quảng Ngãi giai đoạn 1: Xây dựng đề án thành lập Khu dự trữ sinh quyển thế giới Sa Huỳnh - Quảng Ngãi; đồng thời, xin ý kiến chấp thuận của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển.

- Nghiên cứu và tiếp tục đề xuất thành lập hành lang đa dạng sinh học từ Tây Trà đến Trà Bồng, từ Trà Bồng đến Minh Long và kết nối các khu bảo tồn trong tỉnh và các khu bảo tồn của các tỉnh giáp ranh.

- Hoàn thành chương trình giảm nghèo bền vững cho người dân vùng đệm các khu bảo tồn thông qua các mô hình, giải pháp quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

- Tiếp tục tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học.

- Tiếp tục tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học cho các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn.

- Quản lý và kiểm soát chặt chẽ các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, loài có nguy cơ xâm hại, xây dựng và thực hiện chiến lược phòng ngừa và giảm thiểu tác động môi trường.

- Xây dựng hệ thống các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và các vườn thực vật, vườn cây thuốc, trung tâm cứu hộ, nhằm bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm trong tỉnh như: Chà vá chân xám, quế Trà Bồng, hành tỏi Lý Sơn, các giống vật nuôi bản địa (lợn Kiềng sắt, gà H’Re, bò vàng) có giá trị kinh tế đặc biệt của tỉnh.

b3) Giai đoạn 2026 - 2030:

- Tiếp tục hoàn thiện và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn và các vùng phụ cận giai đoạn 3: Xây dựng Bảo tàng địa chất Lý Sơn.

- Thành lập Khu dự trữ sinh quyển thế giới Sa Huỳnh - Quảng Ngãi giai đoạn 2: Đầu tư xây dựng và phát triển. Triển khai cơ chế bảo tồn cảnh quan đa dạng sinh học và không gian văn hóa Sa Huỳnh - Quảng Ngãi.

- Tăng cường bảo vệ và phát triển hệ thống hành lang đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi và kết nối các khu bảo tồn trong tỉnh và các khu bảo tồn của các tỉnh giáp ranh.

- Hoàn thiện mô hình đồng quản lý trong các khu bảo tồn.

- Tiếp tục quản lý và kiểm soát chặt chẽ các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, loài có nguy cơ xâm hại.

- Tiếp tục tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học cho các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn.

3. Nội dung quy hoạch

a) Khu dự trữ thiên nhiên khu Tây huyện Ba Tơ:

Vị trí: Khu dự trữ thiên nhiên khu Tây huyện Ba Tơ nằm bên trái trên trục quốc lộ 24, theo hướng Quảng Ngãi- Kon Tum, nối liền Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung, có tọa độ địa lý: từ 14°31’58.68”đến 14°42’ 36.26” độ vĩ Bắc và từ 108°32’5.73” đến 108°45’38.74” độ kinh Đông.

Ranh giới: Phía Tây giáp huyện KonPlong (tỉnh Kon Tum), phía Bắc giáp xã Ba Tô, xã Ba Tiêu huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi), phía Đông Bắc giáp xã Ba Bích, huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi), phía Nam giáp huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) và huyện An Lão (tỉnh Bình Định).

Diện tích được quy hoạch là 35.723ha (trong đó diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 9.253ha, phân khu phục hồi sinh thái 10.604,71ha, phân khu dịch vụ hành chính là 281,84ha và vùng đệm là 15.583,45ha). Khu bảo tồn nằm trên địa bàn của 4 xã: Ba Vì, Ba Xa, Ba Nam, Ba Lế, thuộc phạm vi của 25 tiểu khu (tiểu khu 423 của xã Ba Vì; tiểu khu: 436, 441, 442, 446, 448, 449, 454, 455 của xã Ba Xa; tiểu khu: 444, 450, 451, 456, 457, 459, 460, 461, 462, 463 của xã Ba Nam; tiểu khu: 433, 443, 447, 452, 453, 458 của xã Ba Lế).

b) Khu dự trữ thiên nhiên khu Tây huyện Trà Bồng:

Vị trí: Khu dự trữ thiên nhiên khu Tây huyện Trà Bồng thuộc vùng núi Cà Đam và các vùng phụ cận, có tọa độ địa lý: từ 15°9’23.92” đến 15°11’18.89” độ vĩ Bắc và từ 108°27’58.18” đến 108°31’38.10” độ kinh Đông.

Ranh giới: Phía Tây giáp huyện Tây Trà; phía Bắc là xã Trà Tân, huyện Trà Bồng; phía Đông và phía Nam giáp xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng.

Diện tích khu bảo tồn khoảng 1.199,33ha (trong đó diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 525,13ha, phân khu phục hồi sinh thái 647,65ha, phân khu dịch vụ hành chính 26,55ha, diện tích vùng đệm là 1.427,91ha). Khu bảo tồn nằm trên địa bàn của 2 xã Trà Bùi và Trà Tân, thuộc phạm vi của 4 tiểu khu (tiểu khu 94, 95 của xã Trà Bùi; tiểu khu: 83, 84 của xã Trà Tân).

c) Khu bảo tồn biển Lý Sơn:

Khu Bảo tồn biển Lý Sơn bao gồm một phần diện tích trên đảo và vùng biển xung quanh đảo; có tọa độ địa lý được xác định như sau: Phía Bắc (kinh độ: 109°04’37”, vĩ độ: 15°26’51’’), phía Nam (kinh độ: 109°05’49”, vĩ độ: 15°20’50”), phía Tây (kinh độ: 109°03’37”, vĩ độ: 15°26’02”), phía Nam (kinh độ: 109°09’56”, vĩ độ: 15°22’54”). Tổng diện tích khu bảo tồn là 7.925ha, trong đó diện tích mặt nước biển là 7.113ha, bao gồm các phân khu:

- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: có diện tích khoảng 620ha; được bố trí chủ yếu nằm ở phía Nam của đảo Lớn; đây là khu vực đông dân cư, có thành phần hệ sinh thái (san hô, cỏ biển, rong biển,...) tương đối phong phú, đa dạng.

- Phân khu phục hồi sinh thái: có diện tích khoảng 2.024ha, trong đó diện tích khu vực phục hồi san hô khoảng 1.649 ha, diện tích phục hồi rong và cỏ biển có diện tích khoảng 375ha.

- Phân khu phát triển: có diện tích khoảng 4.469 ha; đây là khu vực còn lại của khu bảo tồn biển, bao gồm âu cảng và phần biển bao quanh phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái.

- Vùng bảo vệ: có diện tích khoảng 2.500 ha mặt nước biển, là vành đai bảo vệ nằm phía ngoài của Khu bảo tồn biển Lý Sơn có độ rộng tối thiểu 500m tính từ ranh giới Khu bảo tồn biển.

d) Khu bảo tồn sinh cảnh loài Rùa Trung bộ:

Khu bảo tồn sinh cảnh loài Rùa Trung bộ có diện tích khoảng 136ha, nằm trên vùng cảnh quan sinh thái rừng trồng với cây bụi hoang dại và vùng đất ướt ven suối thuộc 2 xã Bình Khương và Bình Minh, huyện Bình Sơn; tọa độ địa lý được xác định khoảng 15°18’32.1” độ vĩ Bắc và 108°42’18.2” độ kinh Đông.

đ) Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn và vùng phụ cận:

Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn và vùng phụ cận có vị trí nằm về phía Đông của tỉnh Quảng Ngãi; tổng diện tích dự kiến khoảng 299.842ha. Việc xác định phạm vi, ranh giới, quy mô Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn và vùng phụ cận sẽ được điều chỉnh, bổ sung chi tiết trong quá trình điều tra, nghiên cứu cụ thể sau này.

e) Khu dự trữ sinh quyển thế giới Sa Huỳnh - Quảng Ngãi:

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Sa Huỳnh - Quảng Ngãi chính là sự phát triển mở rộng dựa trên sự quản lý hiệu quả của Khu Bảo tồn Biển Lý Sơn và Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn, với tổng diện tích dự kiến khoảng 537.620,6ha (trong đó diện tích vùng lõi 22.096,1ha, diện tích vùng đệm 33.392,8ha, diện tích vùng chuyển tiếp 483.128,7ha). Khu dự trữ sinh quyển thế giới Sa Huỳnh - Quảng Ngãi có tọa độ địa lý được xác định:

Điểm

Kinh độ

Vĩ độ

Cực Tây

108° 26’62.19”

15° 12’16.22”

Cực Đông

109° 24’10.98”

15° 39’40.12”

Cực Nam

108° 61’30.47”

14° 53’48.88”

Cực Bắc

108° 83’72.19”

15° 48’31.37”

g) Quy hoạch hành lang đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi: bao gồm 04 hành lang như sau:

TT

Tên

Vị trí

Tọa độ

Diện tích
(ha)

1

Hành lang Sơn Tây - Tây Trà

Các huyện: Sơn Tây, Sơn Hà, Tây Trà

Từ 14°56’14.30” đến 15°5’4.31” độ vĩ Bắc

Từ 108°18’ 36.37” đến 108°22’ 51.48” độ kinh Đông

3.494,62

2

Hành lang Tư Nghĩa - Sơn Hà-Minh Long

Huyện Sơn Hà

Từ 14°51’37.97” đến 14°54’44.97” độ vĩ Bắc

Từ 108°25’0.82” đến 108°28’ 16.92” độ kinh Đông

1.779,77

3

Hành lang Ba Tơ - Sơn Hà

Các huyện: Sơn Hà, Ba Tơ

Từ 14°51’37.97” đến 14°54’44.97” độ vĩ Bắc

Từ 108°25’0.82” đến 108°28’ 16.92” độ kinh Đông

3.494,31

4

Hành lang Minh Long - Ba Tơ

Các huyện: Minh Long, Ba Tơ

Từ 14°52’ 55.16” đến 14°57’ 7.76” độ vĩ Bắc

Từ 108°38’30.32” đến 108°41’ 23.78” độ kinh Đông

1.738,80

h) Quy hoạch bảo tồn chuyển chỗ:

h1) Quy hoạch bảo tồn chuyển chỗ:

- Vườn thực vật: Kết hợp với 06 vườn cây thuốc bản địa dự kiến xây dựng tại 06 huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi.

- Vườn cây thuốc: Xây dựng 06 vườn cây thuốc ở 06 huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi.

h2) Quy hoạch hệ thống trung tâm cứu hộ:

Cứu hộ những loài động vật nguy cấp.

Thành lập Trung tâm cứu hộ và bảo vệ các loài linh trưởng tại huyện Ba Tơ nhằm góp phần tích cực để bảo tồn các loài linh trưởng (Chà vá chân xám, khỉ mặt đỏ,...) đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ở tỉnh Quảng Ngãi.

h3) Trung tâm bảo tồn giống cây trồng bản địa có nhiều tiềm năng:

- Về thực vật có 02 loài là quế Trà Bồng, tỏi Lý Sơn, đây là loài bản địa, gen địa phương cần được bảo tồn khẩn cấp.

- Về động vật có các loài cá: cá niên (Ba tơ), cá bống sông Trà (sông Trà Khúc) đang bị suy giảm trong tự nhiên do khai thác mang tính hủy diệt, cần bảo tồn nhằm giữ lại nguồn gen địa phương.

h4) Quy hoạch các vùng được ưu tiên kiểm soát và phòng chống loài ngoại lai xâm hại trên bàn tỉnh:

- Về thực vật ngoại lai xâm hại: có 04 loài, gồm: cây cứt lợn, cỏ lào, ngũ sắc, mai dương.

- Về động vật ngoại lai xâm hại: có 05 loài, gồm: cá trê phi, cá ăn muỗi, cá lau kiếng, cá rô phi đen, ốc bươu vàng.

Ngoài ra còn có các loài sinh vật ngoại lai khác như: cá trôi trắng, cá trắm cỏ, cá mè trắng, cá rô phi vằn.

4. Chương trình, dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

a) Tổng số chương trình, dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: 27 chương trình, dự án (Chi tiết tại Phụ lục kèm theo).

b) Tổng kinh phí thực hiện: 119.000.000.000 đồng (Một trăm mười chín tỷ đồng), trong đó:

- Giai đoạn 2017 - 2020: 64.000.000.000 đồng;

- Giai đoạn: 2021 - 2025: 36.500.000.000 đồng;

- Giai đoạn: 2026 - 2030: 18.500.000.000 đồng.

c) Nguồn vốn thực hiện: Dự kiến từ các nguồn: sự nghiệp khoa học, sự nghiệp môi trường, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đào tạo, xã hội hóa, từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tài trợ và các nguồn hợp pháp khác.

5. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

a) Giải pháp tuyên truyền:

- Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học theo hướng trực quan sinh động.

- Kết hợp với các tổ chức như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, trường học để lồng ghép chương trình giáo dục tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phổ biến kiến thức khuyến nông, khuyến lâm; các kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp bền vững cho người dân địa phương trong các hoạt động của các tổ chức đoàn thể.

- Các nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học bao gồm phổ biến kiến thức về chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật của Nhà nước, thông tin về hiện trạng rừng, đa dạng sinh học với các chương trình tuyên truyền có nội dung dễ hiểu, dễ nhớ.

b) Giải pháp về nguồn vốn thực hiện quy hoạch:

Tăng cường huy động các nguồn lực tài chính để triển khai 27 chương trình/ dự án bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh đến năm 2025, với kinh phí khoảng 119 tỷ đồng; bao gồm ngân sách Nhà nước, nguồn tài trợ, các tổ chức quốc tế, nguồn xã hội hóa, các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia khác.

c) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực:

Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý của đội ngũ làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh; tăng cường vai trò của các hội, đoàn thể, quần chúng trong việc tuyên truyền, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

d) Giải pháp về khoa học công nghệ: Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.

đ) Giải pháp về cơ chế chính sách:

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng địa phương tham gia thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng và triển khai các mô hình đồng quản lý tài nguyên, sinh cảnh và các hệ sinh thái.

e) Cải cách thủ tục hành chính:

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

g) Giải pháp lập quy hoạch:

Bố trí các khu du lịch dịch vụ hợp lý nhằm cung cấp các sản phẩm du lịch cho cộng đồng; đẩy nhanh tiến độ phủ kín đất đồi núi trọc, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu; nâng cao giá trị, thương hiệu cây Quế truyền thống tại huyện Trà Bồng; giao đất, giao rừng; khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc; khuyến khích trồng cây gỗ lớn, gỗ quý, phát huy hiệu quả kinh tế từ rừng.

6. Tăng cường hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước tiến hành điều tra, nghiên cứu và phát triển đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; công khai các đề tài, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh; kêu gọi hợp tác đầu tư của các nhà đầu tư, các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế; đào tạo đội ngũ cán bộ đủ năng lực về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đa dạng sinh học.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh có liên quan tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch.

Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn các địa phương, huyện và thành phố rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất địa phương phù hợp với quy hoạch này. Kiểm tra việc thực hiện quy hoạch bảo tồn trên phạm vi toàn tỉnh. Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch cho UBND tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, các đơn vị liên quan trong việc triển khai các dự án ưu tiên trong quy hoạch thuộc lĩnh vực quản lý; chịu trách nhiệm chủ trì các dự án hợp phần được phân công trong dự án Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học này.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, các đơn vị liên quan trong việc quản lý bảo vệ rừng và các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức về quản lý bảo vệ các khu bảo tồn theo quy định của Luật Đa dạng sinh học.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch ngân sách trung hạn, dài hạn cho các dự án ưu tiên, xây dựng quy định về việc bảo tồn đa dạng sinh học trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đề xuất trong quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.

4. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ các nguồn kinh phí để triển khai thực hiện quy hoạch.

5. Các sở, ngành có liên quan

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ phù hợp với các mục tiêu, nội dung và giải pháp của quy hoạch.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện quy hoạch tại địa phương và theo chức năng, nhiệm vụ được giao về công tác quản lý về đa dạng sinh học trên địa bàn.

Xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, các dự án ưu tiên liên quan về bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng mô hình bảo vệ và quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng đặc biệt là đối với các rừng Nà, rừng cấm trên địa bàn.

Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong việc bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- Tổng cục Môi trường;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Mặt trận TQVN tỉnh và các Hội, đoàn thể tỉnh;
- VPUB: PCVP, các Phòng nghiên cứu, CB-TH;
- Lưu: VT, NN-TN(tnh22).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng

 

PHỤ LỤC

CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 116/QĐ-UBND ngày 02/02/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

TT

Tên chương trình, dự án ưu tiên

Mục tiêu

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Kinh phí thực hiện theo giai đoạn (tỷ đồng)

Tổng kinh phí (tỷ đồng)

2017-2020

2021-2025

2026-2030

I

TUYÊN TRUYỀN NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VỀ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

25,0

1

Chương trình giáo dục bảo tồn và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học trong trường tiểu học

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học

Sở Giáo dục và Đào tạo

Sở Tài nguyên và Môi trường

2,0

2,0

2,0

6,0

2

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi

Đưa thông tin đến người dân thông qua việc công bố danh mục các loài quý hiếm cần ưu tiên bảo tồn.

Nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của đa dạng sinh học và trách nhiệm của người dân về bảo tồn, ngăn chặn các loài xâm hại.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Thông tin và Truyền thông; địa phương liên quan

2,0

1,0

1,0

4,0

3

Xây dựng Chương trình du lịch cộng đồng bền vững trong các khu bảo tồn của Quảng Ngãi

Quản lý bền vững các khu bảo tồn và hệ sinh thái trong tự nhiên

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Tài nguyên và Môi trường; địa phương liên quan

2,0

2,0

2,0

6,0

4

Chương trình thí điểm đưa môn học ngoại khóa giáo dục xanh vào trong các trường học

Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học

Sở Giáo dục và Đào tạo

Sở Tài nguyên và Môi trường

3,0

3,0

3,0

9,0

II

HOÀN THIỆN CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH QUẢNG NGÃI

3,0

5

Cơ chế chính sách quản lý bảo tồn và khai thác, sử dụng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi

Hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý bảo tồn và khai thác sử dụng đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hướng tới chính sách xã hội hóa công tác bảo tồn.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Tư pháp

3,0

 

 

3,0

III

QUY HOẠCH CHI TIẾT VÀ THÀNH LẬP CÁC KHU BẢO TỒN THEO LUẬT ĐA DẠNG SINH HỌC

29,0

6

Lập quy hoạch chi tiết hành lang đa dạng sinh học

Thành lập hành lang đa dạng sinh học kết hợp kiểm soát vùng bảo tồn an toàn cho nhóm động vật quý hiếm.

Đề xuất, triển khai một số biện pháp bảo tồn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Khoa học và Công nghệ

4,0

2,0

 

6,0

7

Lập quy hoạch chi tiết khu bảo tồn Sinh cảnh - loài Rùa Trung Bộ

Thành lập khu bảo tồn loài và cảnh quan đi vào hoạt động theo Luật Đa dạng sinh học.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chi cục Kiểm Lâm; Viện Sinh thái học Miền Nam; Trung tâm bảo tồn Rùa Châu Á

2.0

 

 

2,0

8

Lập quy hoạch chi tiết chuyển đổi và mở rộng Khu Bảo tồn Biển Lý Sơn thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới Sa Huỳnh - Quảng Ngãi

Chuyển đổi khu bảo tồn theo các tiêu chí quy định của Luật Đa dạng sinh học.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện nghiên cứu

3,0

 

 

3,0

9

Xây dựng, triển khai chương trình phát triển vùng đệm và mô hình đồng quản lý rừng

Phát triển bền vững vùng đệm các khu bảo tồn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Kế hoạch và Đầu tư; địa phương liên quan

6,0

6,0

 

12,0

10

Chương trình điều tra cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ (LSNG), xây dựng kế hoạch bảo tồn nguồn gen cây dược liệu địa phương

Bảo vệ rừng và canh tác dưới tán rừng bền vững.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Viện nghiên cứu; địa phương liên quan

4,0

 

 

4,0

11

Điều tra và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của Quảng Ngãi

Kiểm kê và đánh giá tài nguyên

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Viện nghiên cứu

2,0

 

 

2,0

IV

NÂNG CAO NĂNG LỰC NGHIỆP VỤ CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ, CÁN BỘ THỰC HIỆN BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

9,0

12

Tập huấn và đào tạo cho cán bộ cấp xã 06 huyện miền núi về lĩnh vực đa dạng sinh học và bảo tồn

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Khoa học và Công nghệ; địa phương liên quan

1,0

1,0

 

2,0

13

Tăng cường năng lực nghiệp vụ về quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái dành cho các cán bộ trong các khu bảo tồn trong tỉnh Quảng Ngãi

Quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học trong các khu bảo tồn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Tài nguyên và Môi trường; Ban Quản lý khu bảo tồn

2,0

2,0

 

4,0

14

Nâng cao năng lực cán bộ cấp xã trong tham gia các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học

Nâng cao năng lực cán bộ quản lý trong tình hình mới

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; địa phương liên quan

3,0

 

 

3,0

V

PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGUỒN GEN

12,0

15

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản các lưu vực sông Quảng Ngãi

Bảo vệ nguồn gen đa dạng sinh học quý hiếm trong tự nhiên

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Khoa học và Công nghệ

2,0

 

 

2,0

16

Xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm

Bảo vệ nguồn gen đa dạng sinh học trong tự nhiên

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Khoa học và Công nghệ

2,0

 

 

2,0

17

Nghiên cứu, lập kế hoạch bảo tồn các loài đặc hữu, quý hiếm; thuần hóa và chuyển giao công nghệ nhận nuôi các loài hoang dã, quý hiếm phục vụ phát triển kinh tế

Bảo tồn các loài đặc hữu, thuần hóa và chuyển giao công nghệ cho người dân.

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

4,0

2,0

2,0

8,0

VI

TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CƠ SỞ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

8,0

18

Dự án bảo vệ, phục hồi năng suất sinh học và khả năng cung cấp nguồn dinh dưỡng, nơi sinh sản của các hệ sinh thái rừng vùng cửa sông và ven biển

Bảo vệ nguồn gen đa dạng sinh học trong tự nhiên vùng đất ngập nước ven biển

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2,0

2,0

 

4,0

19

Khảo sát, xây dựng các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và các vườn thực vật trong các khu bảo tồn của tỉnh Quảng Ngãi

Thành lập các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và các vườn thực vật theo Luật Đa dạng sinh học thuộc Nhà nước quản lý

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Khoa học và Công nghệ

 

2,0

2,0

4,0

VII

XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM CÁC DỰ ÁN BẢO TỒN NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ KỸ THUẬT TÀI CHÍNH - NHÂN DÂN THỰC HIỆN

15,0

20

Xây dựng các mô hình tham gia quản lý rừng bền vững

Quản lý hiệu quả tài nguyên tự nhiên

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Kế hoạch và Đầu tư; địa phương liên quan

1,0

1,0

 

2,0

21

Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu có sự tham gia cộng đồng

Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Kế hoạch và Đầu tư; địa phương liên quan

1,0

1,0

1,0

3,0

22

Nghiên cứu cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc điểm sinh thái của các vùng và địa phương; ven biển

Các biện pháp giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2,0

2,0

2,0

6,0

23

Xây dựng vườn thực vật, động vật, mạng lưới bảo tồn do Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện

Bảo tồn các loài động - thực vật quý hiếm, có giá trị dược liệu, kinh tế do nhân dân thực hiện, Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật và tài chính.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Khoa học và Công nghệ

 

2,0

2,0

4,0

VIII

DỰ ÁN HỖ TRỢ LIÊN NGÀNH

18,0

24

Xây dựng các mô hình bảo vệ và đồng quản lý tài nguyên, bảo tồn loài dựa vào cộng đồng.

Quản lý tài nguyên bền vững

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Kế hoạch và Đầu tư; địa phương liên quan

2,0

2,0

 

4,0

25

Điều tra đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản vùng biển sâu Quảng Ngãi

Bảo vệ tài nguyên vùng biển

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Khoa học và Công nghệ

3,0

2,0

 

5,0

26

Mô hình truyền thống và làng văn hóa vùng miền núi Quảng Ngãi

Hỗ trợ kỹ thuật để áp dụng thí điểm cho dân cư sống tại vùng đệm khu bảo tồn, hướng dẫn xây dựng các kiểu nhà truyền thống, nhằm giữ gìn không gian văn hóa bản địa, thúc đẩy du lịch, bảo vệ môi trường.

Sở Xây dựng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; địa phương liên quan

4,0

 

 

4,0

27

Xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh Quảng Ngãi về đa dạng sinh học biển phục vụ cho đánh bắt xa bờ

Điều tra, kiểm kê đa dạng sinh học và xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học của tỉnh Quảng Ngãi.

Chia sẻ và tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học cấp quốc gia.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Khoa học và Công nghệ; địa phương liên quan

2,0

1,5

1,5

5,0

Tổng cộng

 

 

 

119,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 116/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 116/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/02/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Trần Ngọc Căng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản