Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2017/NQ-HĐND

Bắc Kạn, ngày 11 tháng 4 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH BẮC KẠN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ NĂM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số: 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Xét Tờ trình số: 14/TTr-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của Đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu Quy hoạch

a) Mục tiêu chung

Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm, kết hợp hài hòa phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống dân cư và đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

b) Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2020:

Đánh giá toàn diện hiện trạng bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Kạn;

Bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Đẩy mạnh trồng rừng và cây phân tán trên diện tích hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi đưa độ che phủ rừng đạt 72% vào năm 2020. Hạn chế tối đa các vụ xâm hại đến động vật hoang dã;

Thành lập mới khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng thuộc phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn với diện tích 496ha;

Chuyển tiếp 03 khu bảo tồn đã có sang hệ thống khu bảo tồn theo Luật Đa dạng sinh học, bao gồm:

Vườn Quốc gia Ba Bể: Diện tích 10.048ha, thuộc các xã Cao Trĩ, Khang Ninh, Cao Thượng, Quảng Khê, Nam Mẫu, Hoàng Trĩ (huyện Ba Bể); xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn). Vùng đệm ngoài có diện tích 25.309ha;

Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc: Diện tích 4.150,21ha, thuộc các xã Bản Thi, Đồng Lạc, Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn). Vùng đệm ngoài có diện tích 16.371,53ha;

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ: Diện tích 15.715,02ha, thuộc các xã Lạng San, Ân Tình, Lương Thượng, Kim Hỷ, Côn Minh (huyện Na Rì) và các xã Cao Sơn, Vũ Muộn (huyện Bạch Thông). Vùng đệm ngoài có diện tích 22.928,28ha.

Đến năm 2030:

Thành lập 07 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học tại các Khu Bảo tồn, gồm: Vườn thực vật Ba Bể với diện tích 20ha, Trung tâm cứu hộ và bảo tồn, phát triển sinh vật với diện tích 2,55ha, Bảo tàng thiên nhiên với diện tích 0,5ha thuộc Vườn Quốc gia Ba Bể; Vườn thực vật Lũng Lỳ với diện tích 7,13ha, Vườn ươm Kéo Nàng với diện tích 02ha thuộc Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc; Vườn thực vật với diện tích 220ha, Trung tâm Bảo tồn Du Sam diện tích 01ha thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ;

Xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của tỉnh Bắc Kạn;

Khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của các khu bảo tồn để phát triển du lịch.

2. Nhu cầu vốn và nguồn vốn thực hiện

Tổng nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch khoảng 9.000 triệu đồng, trong đó: Giai đoạn 2017 - 2020 là 1.500 triệu đồng, giai đoạn 2021 - 2030 là 7.500 triệu đồng;

Nguồn vốn thực hiện: Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

3. Các giải pháp thực hiện Quy hoạch

a) Giải pháp về tuyên truyền: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Đa dạng sinh học, các văn bản có liên quan về ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ và phát triển bền vững đa dạng sinh học, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn.

b) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực: Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý cho cán bộ làm công tác bảo tồn tại các khu bảo tồn và các cơ quan quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học. Rà soát, bổ sung nguồn nhân lực tại các khu bảo tồn đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ.

c) Giải pháp về khoa học - công nghệ: Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học. Tiếp cận các công nghệ mới để bảo tồn đa dạng sinh học như bảo quản, lưu giữ nguồn gen, nuôi cấy mô tế bào, nhân giống các loài quý hiếm.

d) Giải pháp về cơ chế, chính sách: Rà soát, bổ sung, xây dựng các văn bản quy định về quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên theo Luật Đa dạng sinh học. Tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Tập trung thực hiện tốt các chính sách bảo vệ rừng, giải quyết sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học. Xem xét ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng địa phương tham gia công tác bảo tồn đa dạng sinh học, chính sách hỗ trợ cộng đồng và người dân sống trong vùng đệm khu bảo tồn.

đ) Giải pháp về nguồn vốn: Đa dạng hóa các nguồn tài chính đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học và tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước. Ưu tiên lồng ghép các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

e) Giải pháp hợp tác: Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh lân cận về bảo tồn đa dạng sinh học, phối hợp thực hiện tốt quy hoạch hành lang đa dạng sinh học Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang). Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực đào tạo, chuyển giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật về đa dạng sinh học.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ Đại biểu Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn khóa IX, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 11 tháng 4 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 21 tháng 4 năm 2017./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Du

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 01/2017/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 11/04/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Nguyễn Văn Du
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản