Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1141/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH XÂY DỰNG DỌC TUYẾN CAO TỐC HÀ NỘI-THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ văn bản số 1900/TTg-CN ngày 29/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc uỷ quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và dự toán chi phí lập đồ án quy hoạch;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kiến trúc, quy hoạch xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên đến năm 2030 với những nội dung chính sau:

1. Mục tiêu:

- Kết nối không gian phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và đặc biệt đối với không gian phát triển kinh tế các tỉnh miền núi Đông Bắc như Bắc Cạn, Cao Bằng;

- Định hướng phát triển, tổ chức, kết nối không gian đô thị, các khu chức năng ngoài đô thị, cảnh quan, môi trường và hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên theo định hướng quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và quy hoạch các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên;

- Khai thác hiệu quả quỹ đất dọc đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên nhằm phát triển kinh tế xã hội của các địa phương có tuyến cao tốc đi qua đồng thời với việc đảm bảo sự hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững của đường cao tốc;

- Quản lý các không gian phát triển kinh tế - xã hội, kiến trúc cảnh quan dọc đường cao tốc, làm cơ sở để triển khai các quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

2. Phạm vi lập quy hoạch:

Tổng chiều dài toàn tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên khoảng 62km, điểm đầu xuất phát từ tuyến Quốc lộ 1A mới, thuộc địa phận xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, điểm cuối nối vào điểm đầu tuyến đường tránh thành phố Thái Nguyên, thuộc địa phận phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên. Phạm vi lập quy hoạch xây dựng dọc tuyến cao tốc với chiều rộng trung bình là 4km (mỗi bên 2km).

Tổng diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 250 km2 (sẽ được xác định cụ thể trong quá trình nghiên cứu quy hoạch).

3.Tính chất :

- Là hành lang giao thông cao tốc quan trọng kết nối vùng Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và vùng Đông Bắc;

- Là hành lang phát triển kinh tế, trục đô thị hoá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Hà Nội, vùng Đông Bắc và cả nước.

4. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật

- Dự báo dân số và đất đai phải đảm bảo phù hợp với các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của vùng Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố có tuyến giao thông cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên đi qua và Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;.

- Đối với đất đai từng khu vực phải tiết kiệm và phù hợp với yêu cầu phát triển, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp cho phát triển đô thị. Khai thác đất đồi núi ít thuận lợi về địa hình tự nhiên để bổ sung đất xây dựng;

- Các chỉ tiêu quy hoạch về đất xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị phải đảm bảo phù hợp với quy chuẩn quy hoạch xây dựng và các quy chuẩn ngành có liên quan;

5. Nguyên tắc lập quy hoạch xây dựng dọc tuyến đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên.

- Phù hợp với định hướng Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên cũng như các quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan;

- Phù hợp với quan điểm phát triển và hội nhập trong khu vực và cả nước, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thích ứng linh hoạt với môi trường cạnh tranh quốc tế;

- Phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo giao lưu thuận lợi, an toàn giao thông trên tuyến đường;

- Nghiên cứu phát triển đô thị dọc hai bên tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đảm bảo phát triển bền vững, mang bản sắc riêng của từng đô thị; lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trọng tâm, song song với việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo an ninh lương thực, hạn chế tối đa sử dụng đất canh tác sản lượng cao, đất lâm nghiệp trong việc khai thác xây dựng các khu chức năng;

- Tạo ra cơ hội phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương lân cận trên trục đường như: Yên Viên (Hà Nội), Từ Sơn, Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh), Yên Bình, Bãi Bông, Ba Hàng, Sông Công, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), hình thành các không gian phát triển kinh tế dọc hành lang;

- Gắn kết quy hoạch này với các quy hoạch ngành và phối hợp giữa việc hình thành tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên với sự phát triển chung của các tỉnh thành: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội;

- Đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng và của từng địa phương;

- Phù hợp với Quy chuẩn về quy hoạch xây dựng.

6. Các nội dung nghiên cứu

6.1. Đánh giá thực trạng xây dựng và các dự án đã và đang triển khai về sử dụng đất, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội dọc tuyến cao tốc.

 6.2. Đề xuất các chỉ tiêu sử dụng đất, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật khác liên quan đến sự phát triển vùng dọc tuyến, các đô thị và khu chức năng trong vùng.

 6.3. Đề xuất định hướng phát triển không gian vùng dọc theo tuyến cao tốc:

- Xác định các tiềm năng và động lực phát triển vùng; dự báo về xu hướng, tốc độ đô thị hoá, tổ chức không gian, phân vùng chức năng, phân bố dân cư; xác định các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và xã hội có ý nghĩa vùng trên dọc tuyến. Không gian kinh tế và đô thị dọc tuyến phải gắn kết về kinh tế - xã hội với vùng Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc;

- Xác định các khu vực bảo tồn, cấm hoặc hạn chế phát triển: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; các khu an ninh, quốc phòng; hạn chế phát triển tại các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp;

- Tổ chức các vùng chức năng về công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng, các khu vực bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên môi trường, di tích, danh thắng; rừng phòng hộ, sản xuất; sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh .v.v…;

- Tổ chức hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn: xác định hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn trên dọc tuyến về vị trí, quy mô, tính chất, chức năng và hướng phát triển (hiện có và dự kiến hình thành mới);

- Xác định mạng lưới các điểm xăng dầu, dịch vụ giao thông.

6.4.Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng (diện rộng) và bảo vệ môi trường:

a) Giao thông

- Xác định khung giao thông kết nối với vùng Hà Nội, vùng Đông Bắc và kinh tế trọng điểm phía Bắc;

- Xác định hệ thống giao thông nội vùng kết nối đô thị với các khu chức năng dọc tuyến;

- Xác định các đầu mối giao cắt giữa đường cao tốc với các đường giao thông khác;

- Đề xuất các yêu cầu chính về giao thông đô thị và nông thôn; giải pháp cho các tuyến đường đối ngoại đi qua đô thị và các khu vực dân cư nông thôn.

b/ Chuẩn bị kĩ thuật đất xây dựng

- Việc chọn đất xây dựng, san nền đất xây dựng phải tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của khu vực như địa hình tự nhiên, sông, hồ, vùng cây xanh, rừng đầu nguồn....;

- Xác định các yêu cầu và giải pháp khai thác quĩ đất, đặc biệt cho các vùng có nguy cơ tai biến thiên nhiên;

- Các yêu cầu về cao độ xây dựng và giải pháp chính cho các vùng xây dựng tập trung, các đô thị lớn dọc tuyến về lưu vực, hướng thoát nước chính, giải pháp phòng chống thiên tai kết hợp với hệ thống thủy điện, thủy lợi của vùng.

c/ Cấp nước

- Đánh giá tài nguyên nước mặt và nước ngầm trên địa bàn, chất lượng nước và khả năng khai thác;

- Dự báo tổng hợp nhu cầu cấp nước trên toàn dọc tuyến, đặc biệt cho các vùng tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch và các dịch vụ dọc tuyến;

- Phân vùng cấp nước, đề xuất giải pháp tổng thể về nguồn nước và cân đối nguồn nước;

- Đề xuất giải pháp chính để bảo vệ các nguồn nước và các công trình đầu mối, đặc biệt là các hệ thống sông hồ.

d/ Cấp điện

- Dự báo tổng hợp nhu cầu cấp điện trên toàn vùng, các khu vực trong vùng, đặc biệt cho các vùng tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch và dịch vụ;

- Xác định nguồn, giải pháp cấp điện (bao gồm các nguồn cung cấp năng lượng sạch khác) cho các đô thị và các khu chức năng trong vùng;

- Xác định vị trí và quy mô các trạm biến áp hiện có và dự kiến; hệ thống truyền tải và phân phối từ 220 KV trở lên trong vùng;

- Dự báo tổng hợp nhu cầu cấp điện trên toàn vùng dọc tuyến, đặc biệt cho các vùng tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch và các dịch vụ dọc tuyến.

e/Thoát nước, vệ sinh môi trường

Dự báo về nhu cầu xử lý nước thải và chất thải rắn, đề xuất các giải pháp lớn về hệ thống thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn, hệ thống nghĩa trang mang tính liên vùng, liên đô thị, khu công nghiệp, đặc biệt vấn đề thu gom và xử lý rác công nghiệp.

f) Đánh giá môi trường chiến lược và đề xuất các giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.

- Đánh giá hiện trạng về môi trường tự nhiên vùng: điều kiện khí tượng thủy văn, hệ sinh thái, địa chất; khai thác và sử dụng tài nguyên, biến đổi khí hậu; chất lượng nguồn nước, không khí, chất thải rắn, nước thải; các vấn đề dân cư, xã hội, văn hoá và di sản;

- Nhận dạng và dự báo các tác động tới môi trường do các hoạt động kinh tế-xã hội và do sự phát triển đô thị, công nghiệp gây ra;

- Phân tích, dự báo những tác động đến môi trường để làm cơ sở khoanh vùng các khu vực bảo vệ nguồn n­ước sạch, xử lý nư­ớc thải, bãi thải, nghĩa trang và vùng ảnh h­ưởng khói bụi, khí độc và tiếng ồn; vùng bảo vệ cảnh quan;

- Khoanh vùng các khu vực bảo vệ nguồn nước sạch, xử lý nước thải, bãi rác thải, nghĩa trang và vùng ảnh hưởng khói bụi, khí độc, tiếng ồn...;

- Đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục tác động và rủi ro đối với dân cư; hệ sinh thái tự nhiên, nguồn nước, không khí khi triển khai thực hiện quy hoạch;

- Nêu các giải pháp, cơ chế quản lý nhằm khống chế, giảm thiểu và xử lý các tác động có hại đến môi trư­ờng.

- Đề xuất các chương trình, kế hoạch giám sát môi trường về kỹ thuật và quan trắc môi trường.

6.5. Đề xuất lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn; xác định các chương trình, dự án ưu tiên và nguồn lực thực hiện.

6.6. Đề xuất cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch.

7. Yêu cầu bản đồ

- Sử dụng bản đồ đo đạc địa hình đã có để nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng dọc tuyến cao tốc. Đối với khu vực dọc tuyến chưa có bản đồ địa hình cần khảo sát, đo đạc bổ sung, đảm bảo yêu cầu lập quy hoạch.

- Hồ sơ sản phẩm bản đồ đo đạc đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 15/2005/QĐ- BTNMT ngày 13/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

8. Thành phần hồ sơ

8.1. Phần văn bản :

Thuyết minh tổng hợp và các văn bản pháp lý kèm theo.

8.2. Hồ sơ bản vẽ:

a/

Các sơ đồ liên hệ vùng,

1/100.000- 1/250.000

b/

Sơ đồ hiện trạng tổng hợp

1/25.000-50/000

c/

Các sơ đồ phân tích

1/25.000-50/000.

d/

Sơ đồ định hướng phát triển không gian vùng dọc tuyến cao tốc

1/25.000 – 50/000.

e/

Các sơ đồ định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng dọc tuyến cao tốc

1/25.000 – 50/000

f/

Sơ đồ các mô hình phát triển một số đô thị có ý nghĩa vùng

Tỷ lệ thích hợp

9. Tổ chức thực hiện

 - Cơ quan chủ đầu tư dự án quy hoạch: Bộ Xây Dựng;

 - Cơ quan lập quy hoạch: Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội

 - Cơ quan thẩm định và trình duyệt: Bộ Xây dựng;

 - Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.

 - Tiến độ lập quy hoạch: 12 tháng sau khi nhiệm vụ được phê duyệt.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Vụ trưởng các Vụ: Kiến trúc Quy hoạch xây dựng, Kế hoạch Tài chính và Thủ trưởng cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2.
- Văn phòng Chính phủ;
- UBND TP Hà Nội, UBND các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên;
- Viện QHXD Hà Nội;
- Lưu: VP,Vụ KTQH, Vụ KHTC
- Cục PTĐT (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đình Toàn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1141/QĐ-BXD năm 2009 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 1141/QĐ-BXD
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/12/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Đình Toàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản