Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 113/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 113/2001/QĐ-TTG NGÀY 30 THÁNG 7 NĂM 2001 PHÊ DUYỆT (ĐIỀU CHỈNH) QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG THỜI KỲ 2001 ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 125/TT-UB ngày 16 tháng 01 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 1627 BKH/VPTĐ ngày 21 tháng 3 năm 2001,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt (điều chỉnh) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu: Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hoá lớn của miền Trung và cả nước, với các chức năng cơ bản là một trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ của miền Trung; là Thành phố cảng, đầu mối giao thông (đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường bộ) quan trọng về trung chuyển và vận tải trong cả nước và quốc tế; là trung tâm bưu chính viễn thông và tài chính, ngân hàng; là một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo, trung tâm khoa học công nghệ của miền Trung; Đà Nẵng còn là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

2. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng.

- Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị hiện đại, văn minh có môi trường văn hoá - xã hội lành mạnh, phát triển trong thế ổn định và bền vững, giữ vai trò trung tâm của miền Trung và Tây Nguyên với cơ cấu kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, thủy sản, nông lâm nghiệp, trong mối quan hệ với cả nước, khu vực hành lang Đông - Tây và ASEAN.

- Tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tăng tỷ trọng phát triển công nghiệp hướng mạnh vào công nghiệp chế biến, công nghiệp hàng tiêu dùng phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp hoá chất, từng bước tăng tỷ trọng dịch vụ và du lịch.

- Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của Thành phố, bảo vệ sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

- Gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội. Tạo nhiều việc làm cho người lao động, nâng cao trình độ dân trí. Tăng cường đầu tư công cộng cho khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa nhằm làm cho mức sống của các tầng lớp dân cư ngày càng nâng cao.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần kinh tế; đa dạng hoá các loại hình sản xuất kinh doanh; phát huy tốt nội lực, tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi thông thoáng, để thu hút vốn và công nghệ mới từ bên ngoài, tăng cường giao lưu kinh tế với các địa phương trong nước và quốc tế.

- Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, tham mưu chính sách, đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp và công nhân kỹ thuật; có chính sách phát triển sử dụng nhân tài. Coi trọng ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới. Phát huy truyền thống văn hoá, dũng cảm, cần cù của nhân dân Đà Nẵng và hoà nhập với các thành phố lớn trong nước và khu vực.

- Phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

3. Một số chỉ tiêu chủ yếu:

+ GDP tăng 13%/năm thời kỳ 2001 - 2005; tăng 14%/năm thời kỳ 2006 - 2010; tăng 13,5%/năm cả thời kỳ 2001 - 2010.

+ GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 2.000 USD.

+ Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 21 - 23%/năm giai đoạn 2001 - 2010, đạt 1.720 triệu USD vào năm 2010.

+ Tốc độ phát triển dân số ở mức dưới 1,2% vào năm 2010.

+ Đến 2010 giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 10%, số hộ được sử dụng điện 100% và nước sạch là 95%.

+ Hàng năm giải quyết thêm việc làm cho khoảng 2,2 - 2,5 vạn lao động.

+ Cơ cấu kinh tế: đến năm 2010 vẫn theo hướng Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp:

- Công nghiệp + xây dựng: 46,7%.

- Dịch vụ: 50,1%.

- Thủy sản, nông, lâm nghiệp: 3,2%.

4. Phát triển ngành và lĩnh vực kinh tế - xã hội:

1- Công nghiệp:

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng bình quân 16,62% thời kỳ 2001 - 2005 và 15,5% thời kỳ 2006 - 2010, cả thời kỳ 2001 - 2010 đạt bình quân 16,1%/năm.

- Nhanh chóng hình thành công nghiệp chủ lực trên cơ sở phát huy lợi thế và tăng cường các thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường: công nghiệp chế biến hải sản, công nghiệp phần mềm, công nghiệp cơ khí đóng mới và sửa chữa tàu biển, công nghiệp cảng phục vụ kinh tế biển và những ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu.

- Triển khai xây dựng và có cơ chế quản lý thích hợp đối với các khu công nghiệp Liên Chiểu - Hoà Khánh, Đà Nẵng. Đẩy mạnh việc khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển công nghiệp. Phát triển các cụm công nghiệp vệ tinh, công nghiệp chế biến, dịch vụ khu vực nông thôn. Di chuyển các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi nội thành theo quy hoạch phát triển công nghiệp của Thành phố.

2- Thương mại:

- Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đầu mối trung chuyển quá cảnh và giao lưu hàng hoá, dịch vụ của miền Trung; làm tốt chức năng của ngành là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Đẩy mạnh tiếp thị để mở rộng thị trường xuất khẩu của Thành phố, gắn thương mại nội địa với xuất khẩu, từng bước tiến hành xuất khẩu dịch vụ, tạo động lực đẩy nhanh công nghiệp hoá và hiện đại hoá nền kinh tế - xã hội.

- Phát triển kho trung chuyển, nhanh chóng xây dựng và hình thành các trung tâm thương mại, khu dịch vụ thương mại tổng hợp và trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế.

3- Du lịch:

- Phấn đấu nâng tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu GDP lên 13,3% vào năm 2006 và 16,5% vào năm 2010.

- Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, đa dạng hoá các loại hình du lịch, nghỉ dưỡng, tắm biển, du lịch sinh thái, tham quan, coi trọng cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, góp phần mở rộng giao lưu quốc tế và hợp tác đầu tư.

- Quy hoạch phát triển du lịch từ khu Bà Nà đến bán đảo Sơn Trà và du lịch ven hai bờ sông Hàn. Phát triển du lịch Đà Nẵng gắn với tổng thể du lịch Huế - Đà Nẵng- Quảng Nam - Tây Nguyên, đồng thời phát triển du lịch Đà Nẵng trong mối quan hệ quốc gia và khu vực Đông Nam á.

4- Dịch vụ:

Phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ, hướng vào việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố cảng như: cảng biển, sân bay, kho vận, vận tải, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, thông tin tiếp thị ...

5- Thuỷ sản, nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn:

Thực hiện phương thức kinh doanh tổng hợp. Xây dựng các đội tàu đánh bắt cá xa bờ với trang thiết bị phương tiện kỹ thuật hiện đại và cơ sở hậu cần nghề cá đảm bảo đánh bắt lâu dài trên biển.

Phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Hình thành các làng cá với các hộ gia đình vừa làm nghề cá kiêm dịch vụ du lịch và sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng cảng cá Thuận Phước, âu thuyền Thọ Quang - Nại Hiên Đông cùng với việc sắp xếp, cải tạo, nâng cấp các cơ sở đóng tầu thuyền, dịch vụ nghề đánh bắt thuỷ sản.

Phát triển một nền nông nghiệp sạch theo hướng đa dạng hoá. Đồng thời phát triển nhanh các cây thực phẩm, rau, đậu đỗ, các loại cây ăn quả, hoa, cây cảnh, chăn nuôi ..., với tỷ suất hàng hoá nông sản ngày càng cao, đáp ứng tốt yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Phát triển mạnh chăn nuôi gia súc và gia cầm, coi trọng chất lượng giống. Mở rộng nuôi bò lai, bò sữa, lợn nạc và nuôi gà theo phương pháp công nghiệp để tăng hiệu quả chăn nuôi đáp ứng yêu cầu thị hiếu tiêu dùng của thị trường.

Phát triển các ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn.

Bảo vệ, khôi phục rừng tự nhiên, phát triển trồng rừng trên đất trống đồi trọc, trồng rừng chống cát và rừng cảnh quan ven biển theo phương thức kết hợp cây lâm nghiệp với trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc v.v... Xây dựng và bảo vệ các khu rừng Bà Nà, Nam Hải Vân và khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

6- Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

a) Giao thông:

Cải tạo, nâng cấp, xây dựng cảng Tiên Sa, cảng Sông Hàn, cảng Liên Chiểu, sân bay quốc tế Đà Nẵng, hệ thống đường nội thành, đường 14B từ cảng Tiên Sa đến cầu Tuyên Sơn, đường Liên Chiểu - Thuận Phước, đường ven biển Sơn Trà - Non Nước, phát triển hệ thống giao thông từ Thành phố đến các khu công nghiệp, khu du lịch và vùng nông thôn, cầu Tuyên Sơn, cầu Cẩm Lệ, cầu Nam Ô.

b) Cấp nước:

Nâng cấp và xây mới một số nhà máy nước: Cầu Đỏ, Cẩm Đại, Liên Chiểu; trạm cấp nước Sơn Trà. Tiếp tục đầu tư thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn đến năm 2010 đạt 95% số hộ được dùng nước sạch.

c) Cấp điện:

Cải tạo và nâng cấp các trạm biến áp, hệ thống lưới điện phân phối đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, du lịch và sinh hoạt của Thành phố.

Điện khí hoá toàn Thành phố, đến năm 2010 đạt chỉ tiêu: 100% số xã khu vực nông thôn có điện và 100% số hộ dân được sử dụng điện.

d) Bưu chính viễn thông:

Phát triển ngành bưu chính viễn thông theo hướng hiện đại để thực sự là trung tâm bưu chính viễn thông của miền Trung. Phát triển Internet, xây dựng Trung tâm kỹ thuật viễn thông quốc tế, phấn đấu đến năm 2010 đạt chỉ tiêu 38 máy điện thoại/100 dân.

đ) Mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường:

Phấn đấu đến năm 2010 cơ bản hoàn chỉnh hệ thống thoát nước nội thành. Từng bước nghiên cứu tách thoát nước mặt và thoát nước bẩn, nước sinh hoạt vào cống bao về khu xử lý trước khi thải ra cống chung.

Xây dựng lò đốt rác thải bệnh viện, xây dựng đài điện táng và trạm xử lý nước thải Đầm Rong, xây dựng bãi rác mới ở chân đèo Đại La.

7- Về các lĩnh vực giáo dục, khoa học, y tế, văn hoá, xã hội:

Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực phù hợp với cơ cấu ngành nghề, trình độ phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng của Thành phố. Phát triển hệ thống trường dạy nghề, phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ lao động được đào tạo nghề khoảng 45%.

Ưu tiên đổi mới công nghệ trong những ngành kinh tế chủ lực của Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các cơ sở sản xuất nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Nâng cấp Trung tâm thông tin tư liệu khoa học công nghệ của Thành phố, hình thành mạng lưới dịch vụ khoa học và công nghệ làm cơ sở cho thị trường khoa học công nghệ và thị trường chất xám phát triển. Xây dựng Trung tâm công nghệ phần mềm Đà Nẵng.

Xây dựng một hệ thống cơ sở phòng bệnh và chữa bệnh hợp lý, hiện đại, đồng bộ về nhân lực cũng như cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2010 giảm đến mức thấp nhất các bệnh thiếu Vitamin A, lao, suy dinh dưỡng, rối loạn do thiếu iốt và hạn chế tối đa tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS. Xây dựng một bệnh viện đa khoa mới với trang thiết bị hiện đại phục vụ cho nhân dân Đà Nẵng và khu vực.

Phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá thông tin, xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Hiện đại hoá hệ thống phát thanh truyền hình và đẩy mạnh công tác xã hội hoá thể dục thể thao. Tập trung đầu tư để phát triển một số môn thể thao mũi nhọn như bóng đá, điền kinh, bơi lội, võ, cờ vua, cờ tướng... để có những vận động viên đạt thành tích cao ở các giải quốc gia và quốc tế.

8- Phát triển đô thị và nông thôn:

Xây dựng thành phố Đà Nẵng theo quy hoạch để phát huy vai trò là Thành phố trung tâm của khu vực miền Trung.

Phát triển không gian đô thị theo hướng Tây - Tây Bắc dọc theo sông Cu Đê đến Trường Định và hướng Tây - Tây Nam theo quốc lộ 1A và 14B về phía các xã Hoà Thọ, Hoà Phát.

Nội thành Đà Nẵng chia thành 5 khu vực: Khu vực trung tâm (quận Hải Châu và quận Thanh Khê); quận Liên Chiểu; quận Sơn Trà; quận Ngũ Hành Sơn và khu vực phát triển mới (bao gồm phường Khuê Trung, xã Hoà Phát, xã Hoà Thọ).

Hình thành các điểm dân cư đô thị gắn với huyện lỵ, các khu công nghiệp tập trung, hình thành hệ thống đô thị vệ tinh để giảm áp lực về dân số và cơ sở hạ tầng đối với đô thị trung tâm.

Quy hoạch cải tạo vùng nông thôn kết hợp với việc hình thành và phát triển trung tâm cụm xã.

Thực hiện nhiệm vụ lập lại trật tự trong quản lý kiến trúc và xây dựng đô thị, chủ động kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật.

Trước mắt cần tập trung chỉ đạo công tác lập quy hoạch chi tiết sử dụng đất đai và tăng cường quản lý sử dụng đất đai theo quy định hiện hành.

Điều 2. Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng có nhiệm vụ:

+ Chủ trì, có sự giúp đỡ của các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng chiến lược và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, lập quy hoạch chi tiết, xây dựng các chương trình mục tiêu và các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ sự phát triển của Thành phố.

+ Nghiên cứu và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ các cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện của Thành phố nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

+ Thực hiện đổi mới tổ chức, quản lý và cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài.

+ Chỉ đạo đầu tư tập trung có trọng điểm để nhanh chóng mang lại hiệu quả thiết thực; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo động lực phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.

Điều 3. Các Bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm phối hợp hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong quá trình thực hiện quy hoạch này để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Quy hoạch phát triển các ngành kinh tế - kỹ thuật - xã hội phải được cụ thể hoá trên địa bàn Thành phố bằng kế hoạch, các chương trình mục tiêu, các dự án đầu tư cụ thể trong từng giai đoạn. Trong quá trình thực hiện, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi để có giải pháp điều chỉnh kịp thời.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 903/1997/QĐ-TTg ngày 23 tháng 10 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2000.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 113/2001/QĐ-TTg phê duyệt (điều chỉnh) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà nẵng thời kỳ 2001 đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 113/2001/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/07/2001
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 33
  • Ngày hiệu lực: 14/08/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản