Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2012/QĐ-UBND | Thái Bình, ngày 13 tháng 07 năm 2012 |
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÙNG VÀ CƠ SỞ NUÔI NGAO TẠI THÁI BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ Quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
Căn cứ Quyết định số 980/QĐ-UBND ngày 02/6/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án Phát triển nuôi ngao ở ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 1519/QĐ-UBND ngày 05/8/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nuôi ngao vùng ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 217/TTr-SNN&PTNT ngày 28 tháng 6 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý vùng và cơ sở nuôi ngao tại Thái Bình”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các Giám đốc Sở, Thủ trưởng ban, ngành có liên quan thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã ven biển thuộc hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUẢN LÝ VÙNG VÀ CƠ SỞ NUÔI NGAO TẠI THÁI BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2012 của UBND tỉnh Thái Bình)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nội dung quản lý vùng và cơ sở nuôi ngao trên địa bàn tỉnh Thái Bình đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm, nhằm mục đích phát triển nghề nuôi ngao bền vững.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh giống và nuôi ngao trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cơ sở nuôi ngao: là nơi diễn ra hoạt động, nuôi ngao bãi triều ven biển, nuôi ngao trong đầm do cá nhân, hộ gia đình hoặc tổ chức thực hiện.
2. Vùng nuôi ngao tập trung: là khu vực có nhiều cơ sở nuôi ngao trong quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Quản lý vùng nuôi ngao tập trung: là biện pháp kiểm soát các hoạt động trong nuôi ngao; bao gồm từ khâu chọn địa điểm để xây dựng bãi nuôi, đầm nuôi, cải tạo, thả giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đến thu hoạch ngao thương phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sau thu hoạch; giữ gìn an ninh, trật tự tại vùng nuôi; đảm bảo để các chủ cơ sở nuôi ngao thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định.
4. Vây nuôi ngao: là dùng cọc, lưới (Polytylen) vây xung quanh để bảo vệ ngao, tránh ngao di chuyển ra khỏi bãi nuôi khi nước triều lên hoặc ảnh hưởng của bão, lũ.
5. Giống ngao: là con giống được phân ra theo kích cỡ, từng giai đoạn ương khác nhau.
6. Ngao thương phẩm: là sản phẩm ngao được thu hoạch sau một chu kỳ nuôi từ ngao giống lên ngao thương phẩm.
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÙNG VÀ CƠ SỞ NUÔI NGAO
Điều 3. Quy định quản lý quy hoạch
1. Vùng và cơ sở nuôi ngao phải nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển nuôi ngao vùng ven biển, quy hoạch chi tiết phát triển nuôi ngao vùng ven biển; tuân thủ theo các quy định về nuôi ngao do các cơ quan thẩm quyền ban hành.
2. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi ngao thực hiện thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất vùng bãi triều để nuôi ngao và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quy định. Đối với đầm nuôi ngao thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Các dự án đầu tư nuôi ngao phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về đảm bảo vệ sinh môi trường. Vây nuôi, ao nuôi đảm bảo đúng thiết kế theo quy hoạch chi tiết đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 4. Quy định về điều kiện tiêu chuẩn để nuôi ngao
1. Đối với nuôi ngao thương phẩm ngoài bãi triều
- Nằm ở vùng trung và hạ triều, sóng gió nhỏ, nước triều lên xuống, tốc độ dòng chảy 0,1 - 0,25m/s.
- Chất đáy là cát bùn với tỷ lệ cát 70 - 80%; nếu đáy nhiều bùn quá ngao sẽ bị chết ngạt.
- Độ mặn tối ưu dao động trung bình từ 15 - 25‰.
- Thời gian phơi bãi không quá dài.
- Chòi canh, coi vây nuôi: sàn chòi cao hơn mực nước thủy triều cao nhất 1m trở lên, trên có mái che. Các chòi phải có cột thu lôi chống sét.
- Hệ thống lưới vây trong ô nuôi ngao:
+ Vật liệu: lưới (Politylen) vây xung quanh để bảo vệ ngao, tránh ngao di chuyển ra khỏi bãi nuôi khi nước triều lên hoặc xuống. Vây lưới chắn có thể làm 1 hoặc 2 lớp.
+ Vây chắn: Lưới cao 0,8 - 1,2m, kích cỡ mắt lưới nhỏ hơn kích cỡ ngao giống; cọc tre hoặc cọc gỗ Ф = 5 - 7cm, chiều cao 2,5m.
2. Đối với ương, nuôi ngao trong đầm nước lợ
- Ao nằm ở vùng quy hoạch, thuận lợi cho việc cấp và thoát nước.
- Chất đáy là cát bùn với tỷ lệ cát 70 - 80% (sau khi đã được cải tạo)
- Bờ chắc chắn, không bị rò rỉ, giữ được mực nước trong ao ổn định, bờ cao hơn mực nước cao nhất trong năm từ 0,3 - 0,5m.
- Độ sâu mực nước ao nuôi từ 1,0 - 1,2m.
- Độ mặn tối ưu dao động trung bình từ 15 - 25‰.
- Ao có cống cấp, thoát nước chủ động, thuận lợi cho điều tiết nước.
- Vật liệu: lưới (Polytylen), cắm lưới vây xung quanh mặt ao nuôi, ngăn không cho ngao di chuyển ra mương và hạn chế địch hại. Kích thước mắt lưới nhỏ hơn kích cỡ ngao giống.
Phương pháp cắm vây ngoài bãi triều và trong ao, đầm nước lợ theo hướng dẫn kỹ thuật.
Điều 5. Các quy định về kỹ thuật nuôi ngao
1. Diện tích: Vây nuôi ngoài bãi triều có diện tích nhỏ hơn hoặc bằng 2ha. Ao ương, nuôi ngao trong đầm nước lợ có diện tích từ 1000 - 5000m2.
2. Thời vụ, mật độ thả nuôi
Việc thả nuôi phải bảo đảm tuân theo khung lịch thời vụ và hướng dẫn hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình.
3. Chuẩn bị ao, bãi nuôi
a) Đối với ương, nuôi ngao ngoài bãi triều
Khi thuỷ triều xuống tiến hành vệ sinh, dọn sạch rác tạp, san bằng mặt bãi không để đọng nước. Những bãi đất rắn phải xới để tơi xốp, khoáng hoá đáy bãi.
b) Đối với ương, nuôi ngao trong đầm nước lợ
- Tháo cạn nước ao, dọn sạch cỏ rác, tu sửa bờ cống, đăng chắn.
- Hút lớp bùn phù sa tầng mặt ao đầm từ 20 - 30 cm (tùy từng ao).
- Bơm cát (cát mịn) vào ao với lượng 20 - 25cm để chất đáy đạt tỷ lệ cát trên 70%, tạo sự ổn định nền và mặt đáy ao ương.
- Xung quanh ao đào mương khoảng 10 - 15% diện tích ao nuôi và sâu 40 - 60 cm so với mặt đáy ao nuôi.
- Mái trong bờ ao có thể lót bạt để hạn chế bờ sạt lở vùi lấp ngao nuôi.
4. Ngao giống
- Việc sản xuất, ương, kinh doanh, vận chuyển ngao giống phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành (Quyết định số 85/2008/QĐ-BNN ngày 06/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chế quản lý sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản).
- Chất lượng ngao giống phải bảo đảm các quy định của Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngao giống trước khi thả nuôi phải được kiểm tra đảm bảo an toàn dịch bệnh.
5. Các loại thuốc, hoá chất đưa vào sử dụng và kinh doanh trong nuôi ngao không nằm trong danh mục cấm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các Thông tư số 15/2009/TT-BNN ngày 17/3/2009 ban hành Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và Thông tư số 20/2010/TT-BNNPTNT ngày 02/4/2010 bổ sung, sửa đổi Thông tư số 15/2009/TT-BNN ngày 17/3/2009 ban hành Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng.
6. Quản lý và chăm sóc
a. Đối với ương, nuôi ngao ngoài bãi triều
- Hàng ngày kiểm tra bãi ngao nuôi vào thời gian phơi bãi, lưu ý thời gian nhiệt độ tăng cao (tháng 6-7 hàng năm), độ mặn biến động lớn hoặc ảnh hưởng của bão, lũ để có biện pháp xử lý.
- Sau mưa bãi ngao thường có hiện tượng dồn vào chân vây phía cuối gió, cần san ngao rải đều trên mặt bãi, tu sửa lại chân vây tránh thất thoát.
- Kiểm tra bãi nuôi và bắt các đối tượng địch hại tấn công ngao như: cua, ốc,... trong bãi nuôi.
- Vệ sinh mặt bãi nuôi, chân vây lưới nhằm tạo độ thông thoáng cho nước triều lên xuống làm phong phú nguồn thức ăn cho ngao.
- Hạn chế người đi vào khu vực bãi nuôi.
- San lấp các chỗ trũng đọng nước trong mặt bãi, tránh nhiệt độ tăng cao cục bộ gây nên hiện tượng chết ngao.
b. Đối với ương, nuôi ngao trong đầm nước lợ
- Định kỳ theo chế độ thuỷ triều tiến hành thay nước, nguồn nước trước khi thay phải được kiểm tra chất lượng, nhiệt độ, độ mặn trong và ngoài ao nuôi, tránh hiện tượng chênh lệch quá lớn gây sốc cho ngao, số lần thay nước: từ 4 - 6 lần/con nước, 8-12 lần/tháng, mỗi lần thay nước kết hợp phơi mặt đầm từ 2 - 4 giờ (tùy vào thời tiết).
- Trong quá trình nuôi cần phải theo dõi bảng thuỷ triều, bản tin thời tiết để có kế hoạch cụ thể.
- Hàng ngày kiểm tra ao đầm, vệ sinh vây lưới, te rong rêu trên mặt ao nuôi và kiểm tra các hoạt động khác của ngao để có biện pháp xử lý kịp thời.
- San thưa mật độ ngao nuôi: trong quá trình nuôi, ngao có khuynh hướng di chuyển ra ngoài và thường tập trung mật độ cao ở chân vây, nhất là phía cuối hướng dòng chảy; cần phải thường xuyên theo dõi hiện tượng trên sau mỗi con nước hoặc bão gió, để san thưa mật độ ngao nuôi.
- Định kỳ 1 lần/tháng kiểm tra tốc độ sinh trưởng của ngao, phun doa cát phá váng tầng mặt, lượng cát phun mỗi lần có độ dày từ 0,5 - 1cm. Phun cát có tác dụng cải tạo môi trường, bổ sung nguồn thức ăn cho ngao sinh trưởng và phát triển tốt, mặt bãi sạch, màu sắc vỏ sáng, nhất là trước khi thu hoạch.
Điều 6. Bảo vệ môi trường vùng nuôi ngao tập trung
1. Cơ sở nuôi ngao phải tuân thủ thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường đã được Ủy ban nhân dân huyện thông báo chấp nhận.
2. Phải giữ vệ sinh chung trong và ngoài vùng nuôi ngao tập trung; rác thải, bùn hữu cơ trong quá trình cải tạo, làm vệ sinh sau khi thu hoạch ngao giống, ngao thương phẩm phải đưa đi xa vùng nuôi và chôn tại nơi quy định, không để rơi vãi. Tuyệt đối không vứt các chất thải ra vùng nuôi.
3. Quá trình nuôi, khi phát hiện ngao có hiện tượng nhiễm bệnh, chủ cơ sở nuôi phải báo cho Ban Quản lý vùng nuôi. Ban Quản lý vùng nuôi báo cáo Ủy ban nhân dân xã. Ủy ban nhân dân xã báo cáo ngay cho cơ quan chuyên môn cấp huyện, tỉnh để có biện pháp hướng dẫn xử lý.
4. Trường hợp ngao ương trong đầm, ngao nuôi ngoài bãi triều bị bệnh nhưng chủ nuôi cố tình không khai báo theo quy định, tự ý thải nước từ đầm nuôi ra môi trường; vứt vỏ ngao chết ra các lạch, môi trường xung quanh vây nuôi sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành.
Điều 7. Tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý vùng nuôi ngao
1. Ban Quản lý vùng nuôi ngao ở địa phương (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý) do Ủy ban nhân dân xã quyết định thành lập và hoạt động theo sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân xã sở tại.
2. Bạn Quản lý có từ 5 đến 6 thành viên; thành phần trong Ban Quản lý gồm: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, Công an xã, cán bộ địa chính, cán bộ tài chính, cán bộ chuyên môn thú y thủy sản hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm.
3. Chức năng nhiệm vụ của Ban Quản lý:
a. Giúp Ủy ban nhân dân xã thực hiện chức năng quản lý toàn bộ hệ thống đất bãi triều, đầm nước lợ dùng để ương ngao, cột mốc ranh giới tạm thời giữa các xã, vị trí của từng vây nuôi, đầm nuôi; hồ sơ của các chủ cơ sở nuôi ngao.
b. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật ương, nuôi ngao vào thực tiễn sản xuất; tiếp nhận các quy định khác có liên quan của các cấp có thẩm quyền ban hành phổ biến tới chủ cơ sở nuôi ngao.
Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện quy chế kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ theo Quyết định 131/2008/QĐ-BNN ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; quản lý môi trường vùng nuôi ngao.
c. Giúp Ủy ban nhân dân xã xây dựng kế hoạch, tổ chức tổ tự quản về an toàn trật tự vùng nuôi ngao của địa phương. Thông báo tới các chủ cơ sở nuôi ngao thực hiện nghĩa vụ tài chính thuê đất bãi triều nuôi ngao. Thu, nộp tiền thuê đất bãi triều theo quy định.
d. Cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về môi trường, dịch bệnh cho cán bộ kỹ thuật và các cơ quan chức năng theo quy định và khi có yêu cầu.
e. Khi có dịch bệnh xảy ra, phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để tìm biện pháp xử lý kịp thời nhằm hạn chế thiệt hại gây ra.
g. Phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu ngao Thái Bình.
5. Kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Quản lý được trích từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất vụng bãi triều nuôi ngao của xã theo quy định.
Điều 8. Quyền, nghĩa vụ của cơ sở nuôi ngao
1. Quyền của cơ sở nuôi ngao
a. Được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ngao, vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi và thu hoạch ngao; hội nghị tổng kết các mô hình trình diễn của địa phương.
b. Được cung cấp các thông tin hàng năm về lịch thời vụ, mật độ, kích cỡ giống thả, nơi cung cấp con giống có chất lượng, nơi thu mua ngao uy tín.
2. Nghĩa vụ của cơ sở nuôi ngao
a. Chủ cơ sở nuôi ngao phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Quản lý về các hoạt động theo quy định trong quy chế quản lý vùng và cơ sơ nuôi ngao tại Thái Bình.
b. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính thuê đất nuôi ngao theo quy định hiện hành.
c. Giữ gìn an ninh trật tự tại vùng nuôi ngao, kịp thời ngăn chặn và phản ánh với Ban Quản lý, cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm;
d. Không để người ngoài chòi canh, coi vây nuôi khi có thông báo và yêu cầu của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp.
Điều 9. Quy định về quản lý hồ sơ
Cơ sở nuôi ngao phải ghi nhật ký và lưu giữ hồ sơ về hoạt động sản xuất nuôi ngao gồm những thông tin sau:
- Theo dõi, kiểm tra môi trường nuôi: như nhiệt độ, độ mặn, pH, kiểm tra chất đáy và diễn biến thời tiết hàng ngày.
- Ghi chép các thông tin sau:
+ Về ngao giống: số lượng, kích cỡ, chất lượng, tình trạng sức khoẻ, tên và địa chỉ cơ sở cung ứng con giống;
+ Về lịch mùa vụ, mật độ giống thả;
+ Thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường đã sử dụng, lượng sử dụng, lý do sử dụng, phương pháp sử dụng, ngày sử dụng và diễn biến sức khỏe của ngao sau khi sử dụng;
+ Tốc độ sinh trưởng của ngao: hàng tháng kiểm tra tốc độ sinh trưởng;
+ Thu hoạch: thời gian nuôi, cỡ ngao, năng suất, sản lượng, phương thức thu hoạch và thị trường tiêu thụ;
+ Các thông tin cần thiết khác ....
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CƠ SỞ NUÔI NGAO
Điều 10. Trách nhiệm của các Sở, ngành
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này.
b. Thẩm tra quy hoạch chi tiết và kiểm tra giám sát việc thực hiện của các huyện; xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm, hướng dẫn tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân; trực tiếp triển khai thực hiện các dự án, các chương trình phát triển nuôi ngao do Sở làm chủ đầu tư. Thẩm định các dự án đầu tư phát triển giống ngao theo chức năng nhiệm vụ.
c. Tổ chức xây dựng mô hình nuôi ngao thương phẩm, ương ngao giống trong các đầm nước lợ, vùng chuyển đổi, tổng kết rút kinh nghiệm và khuyến cáo cho các hộ dân tham quan học tập để phát triển nuôi ngao. Nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ cơ giới hóa trong thu hoạch.
d. Thực hiện chương trình quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm trong thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, sản phẩm ngao thương phẩm đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường thế giới.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp kiểm tra thực trạng sử dụng đất bãi triều nuôi ngao. Tham mưu, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện.
3. Sở Tài chính
Quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thu và sử dụng tiền đấu giá quyền sử dụng đất bãi triều nuôi ngao theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và chế độ tài chính hiện hành.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Bố trí kinh phí từ nguồn vốn khoa học và công nghệ để thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong sinh sản, ương, nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho ngao, thu hoạch và bảo quản sản phẩm ngao.
5. Sở Công thương
Hướng dẫn cơ sở nuôi ngao xây dựng thương hiệu ngao Thái Bình. Xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm ngao. Khuyến khích các nhà doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngao tại Thái Bình.
6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh
Xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự xã hội vùng nuôi ngao. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân các cấp phương án giải quyết các bất ổn khi xảy ra đối với vùng nuôi ngao.
Điều 11. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy và Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải
1. Xây dựng kế hoạch phát triển nuôi ngao hàng năm. Thực hiện quy hoạch chi tiết vùng bãi triều phát triển nuôi ngao theo quy hoạch tổng thể đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Chỉ đạo các đơn vị chức năng, Ủy ban nhân dân cấp xã xác định mốc giới tạm thời bãi triều giáp ranh giữa các xã. Tổ chức bàn giao mốc này cho Ủy ban nhân dân các xã quản lý. Ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã có vùng bãi triều nuôi ngao phối hợp với đơn vị chức năng giao mốc giới cho các hộ nuôi ngao đã trúng thầu theo quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Chỉ đạo các đơn vị chức năng, đôn đốc, kiểm tra về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các hộ, tổ chức nuôi ngao theo quy định.
4. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, kiểm tra, đôn đốc các xã có vùng bãi triều nuôi ngao về việc thực hiện “Quy chế quản lý vùng và cơ sở nuôi ngao tại Thái Bình”.
Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành quy hoạch chi tiết vùng bãi triều nuôi ngao. Xây dựng phương án sản xuất trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.
2. Phối hợp với các đơn vị chức năng, Ủy ban nhân dân các xã giáp ranh, xác định, thống nhất mốc giới tạm thời vùng bãi triều phát triển nuôi ngao.
3. Được sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, tổ chức sản xuất vùng bãi triều nuôi ngao theo quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Trực tiếp kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện “Quy chế quản lý vùng và cơ sở nuôi ngao tại Thái Bình”.
5. Tổ chức, hướng dẫn hoạt động đối với Ban Quản lý, tổ tự quản vùng nuôi ngao trên địa bàn xã quản lý.
6. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, tiền thuê đất bãi triều nuôi ngao tại địa phương theo quy định.
7. Kiểm tra đôn đốc và chỉ đạo việc đưa dân vào bờ khi có bão; đảm bảo an ninh trật tự vùng nuôi ngao.
Điều 13. Trách nhỉệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến nuôi ngao
1. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ liên quan (giống, vật tư, thuốc thú y, vận chuyển sản phẩm đi bán..) chỉ được phép lưu hành, cung ứng các mặt hàng đã được Nhà nước kiểm định, kiểm dịch và cho phép lưu hành.
2. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ nêu ở khoản 1 Điều này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật các hậu quả do mình gây ra.
Điều 14. Giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy chế
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức, cá nhân có liên quan phản ảnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung./.
- 1Quyết định 05/2012/QĐ-UBND về Quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất giống ngao sinh sản và chế biến ngao tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2011-2015
- 2Quyết định 07/2012/QĐ-UBND về Quy định cho thuê đất vùng bãi triều để nuôi ngao trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 3Quyết định 51/2013/QĐ-UBND về Quy định quản lý vùng hoạt động thể thao giải trí trên biển tại địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 4Quyết định 34/2015/QĐ-UBND phê duyệt Quy định tạm thời phương án chia sẻ lợi ích thực hiện Đề án thí điểm đồng quản lý nuôi ngao quảng canh tại phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy do tỉnh Nam Định ban hành
- 1Nghị định 59/2005/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản
- 2Luật Thủy sản 2003
- 3Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 4Quyết định 131/2008/QĐ-BNN về Quy chế Kiểm soát vệ sinh an toàn trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Thông tư 15/2009/TT-BNN ban hành danh mục thuốc, hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Thông tư 20/2010/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 15/2009/TT-BNN về danh mục thuốc, hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7Quyết định 05/2012/QĐ-UBND về Quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất giống ngao sinh sản và chế biến ngao tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2011-2015
- 8Quyết định 07/2012/QĐ-UBND về Quy định cho thuê đất vùng bãi triều để nuôi ngao trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 9Quyết định 51/2013/QĐ-UBND về Quy định quản lý vùng hoạt động thể thao giải trí trên biển tại địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 10Quyết định 34/2015/QĐ-UBND phê duyệt Quy định tạm thời phương án chia sẻ lợi ích thực hiện Đề án thí điểm đồng quản lý nuôi ngao quảng canh tại phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy do tỉnh Nam Định ban hành
Quyết định 11/2012/QĐ-UBND về Quy chế quản lý vùng và cơ sở nuôi ngao tại Thái Bình
- Số hiệu: 11/2012/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/07/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
- Người ký: Phạm Văn Sinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra