Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2006/QĐ-UBND | Long Xuyên, ngày 03 tháng 3 năm 2006 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Chỉ thị số 13/2004/CT-TTg ngày 31/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển mạnh thị trường nội địa;
Căn cứ Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 20/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tiếp tục tổ chức thị trường trong nước, tập trung phát triển thương mại nông thôn đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 668/2004/QĐ-UB ngày 20/4/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc xây dựng Chiến lược trong bối cảnh đất nước ta chuẩn bị tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thực hiện cam kết lộ trình AFTA và Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2010.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Thương mại, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ ĐẾN NĂM 2010.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 11/2006/QĐ-UBND ngày 03/3/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
Chiến lược Phát triển thị trường - hội nhập kinh tế quốc tế được UBND tỉnh Ban hành kèm theo Quyết định số 668/2004/QĐ-UB , ngày 20/4/2004. Chiến lược được xây dựng trong bối cảnh đất nước ta chuẩn bị tham gia tổ chức thương mại thế giới (WTO), thực hiện cam kết lộ trình AFTA và hiệp định thương mại Việt Nam Hoa kỳ. Cụ thể thực hiện đến năm 2010 gồm các nội dung sau:
Chiến lược phát triển thị trường - hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh An Giang đến năm 2020 xác định hội nhập quốc tế là tất yếu. Yêu cầu của chiến lược đã chỉ ra những định hướng lớn. Cho nên cụ thể trong giai đoạn 2006 - 2010 mục tiêu và chỉ tiêu phải đạt được là:
- Xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa ổn định để các doanh nghiệp An Giang phải nắm giữ thị trường và phát triển thị phần ngày càng lớn.
- Đa dạng hóa sản phẩm, tăng qui mô sản xuất, phát triển ngành nghề và sản phẩm mới.
- Phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng và thế mạnh như dịch vụ du lịch, giáo dục - đào tạo nghề, tài chính, tính dụng, ...
- Đội ngũ thương nhân được nâng lên về chất lượng quản lý có hiệu quả trong kinh doanh.
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 700 triệu USD tăng bình quân 18%/năm.
- Xuất khẩu lao động 10 ngàn lao động.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu hàng hóa, dịch vụ tăng bình quân 17%/năm.
- Đào tạo khởi sự doanh nghiệp 200 - 300 doanh nghiệp trẻ.
Trong Chiến lược đã xác định muốn phát triển thị trường có ba nhiệm vụ trọng tâm, đó là: phải chăm lo "mở rộng thị trường trong và ngoài nước, xây dựng phát triển ngành hàng và mặt hàng, xây dựng đội ngũ thương nhân". Do đó để chiến lược phát triển thị trường trở thành hiện thực, các nhiệm vụ trên cần phải chi tiết hóa bằng kế hoạch hành động cụ thể như sau:
I. ĐỐI VỚI VIỆC MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG
1. Thị trường trong tỉnh
Trước hết quan tâm và xem trọng thị trường trong nội tỉnh (bao gồm cả thị trường ven biên), một thị trường có sức mua sôi động vào bậc nhất vùng đồng bằng, có số dân sinh sống tại chỗ trên 2 triệu người, cộng với 2,5 triệu khách du lịch đến An Giang mỗi năm. Để thị trường trong tỉnh nhộn nhịp và tạo ra sức hút hấp dẫn, cần tập trung thực hiện các vấn đề sau:
- Huy động mọi nguồn vốn, nâng cấp và đầu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn theo hướng thương mại văn minh - khang trang - trật tự - an toàn - sạch đẹp. Xây dựng phát triển các trung tâm thương mại và nhiều siêu thị loại I, II ở Long Xuyên và Châu Đốc, các chợ cửa khẩu và chợ biên giới, các chợ gắn với điểm du lịch Núi Sam, Ba Chúc, Óc Eo; nâng cấp các chợ thị trấn tạo điểm dừng chân cho khách theo tuyến du lịch: Phú Hoà - Tri Tôn - Phú Mỹ - Chợ Mới - Mỹ Luông.
- Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật: hệ thống cầu đường tỉnh lộ 943, có phương án mở rộng Tỉnh lộ 956, Tỉnh lộ 953 và xây dựng cầu Tân An; mở các chi nhánh ngân hàng giao dịch thanh toán, Bưu chính viễn thông và xây dựng hệ thống điện - nước ở các khu kinh tế cửa khẩu.
- Phát triển nhanh hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn, khuyến khích các cơ sở phát triển kinh doanh theo hình thức là đại lý và cửa hàng bán lẻ. Khai thác tối đa các nguồn hàng trong tỉnh và bên ngoài để phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân, mua sắm của khách hàng.
- Đồng thời mở rộng các hoạt động dịch vụ tài chính - ngân hàng - công nghệ thông tin.
2. Thị trường vùng Đồng bằng và trên phạm vi cả nước.
- Đối với vùng đồng bằng đây là một thị trường hỗ trợ và bổ sung cho nhau giữa các tỉnh, thành trong vùng. Từ những sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương, như An Giang thế mạnh đó là: những sản phẩm vật liệu xây dựng, thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, thủy sản chế biến, nước chấm, đồ gia dụng, đồ mộc, cơ khí (cầu sắt, máy gặt lúa, sà lan), bê tông dự ứng lực, thuốc bảo vệ thực vật .... Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như lấy thị trường này làm căn cứ địa, cung cấp hàng hóa với khối lượng khá lớn cho toàn vùng. Do đó các Doanh nghiệp nên phát huy thế mạnh những ngành hàng trên để tiếp tục phát triển mạnh vào thị trường 17 triệu dân, có mức tăng trưởng kinh tế rất cao.
- Đối với các thị trường còn lại (những thành phố lớn - miền Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc): hiện nay chỉ có một số mặt hàng có khối lượng lớn mới đủ sức vươn tới ở những thị trường này, đó là: lúa gạo, thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, máy cơ khí nông nghiệp.
Riêng TP. Hồ Chí Minh là một thị trường tiêu thụ khổng lồ, là trung tâm đầu mối tiếp nhận để tiếp tục phân phối đi các nơi, gần như từ 30 - 80% các sản phẩm nông nghiệp trong năm xuất ra như: mặt hàng gạo, thuỷ sản, nông sản - thực phẩm tươi sống đều được thu hút về Thành phố tiêu thụ. Đây là một hậu phương vững chắc cho khu vực I+II phát triển đối với hiện tại cũng như trong tương lai.
Để thâm nhập mạnh, phát triển tốt vào các thị trường và giữ vững thị phần ở mỗi vùng và miền, mỗi công ty và doanh nghiệp cần tập trung:
- Mỗi doanh nghiệp nên có kế hoạch định hướng phân khúc thị trường phù hợp với năng lực để phát triển trong sản xuất kinh doanh.
- Tiếp tục tổ chức mở rộng hệ thống đại lý và các chi nhánh đại diện khu vực, mạng lưới phân phối càng nhiều càng tốt. Hiện nay một số công ty lớn phát triển khá thành công về mô hình này, doanh số cũng tăng dần qua hàng năm như: công ty AGifish sản phẩm có mặt 41 tỉnh thành với mạng lưới phân phối trên 450 đại lý và siêu thị. Công ty AFiex sản phẩm có mặt 40 tỉnh thành với gần 400 đại lý và cửa hàng siêu thị. Công ty bảo vệ thực vật kinh doanh lấy thị trường nội địa là chính, doanh số mỗi năm đạt gần hàng trăm triệu USD, có 400 đại lý và cửa hàng. Công ty Xây lắp về mặt hàng xi măng và gạch Acera đã có 630 đại lý, cửa hàng tập trung ở đồng bằng. Cho nên các doanh nghiệp khác cần nghiên cứu học tập mô hình phát triển này.
- Đẩy mạnh công tác tiếp thị, nghiên cứu thị hiếu, tâm lý, tập quán và yêu cầu của người tiêu dùng từng vùng, miền. Cải tiến mẫu mã bao bì, kiểu dáng sản phẩm, giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng giá cạnh tranh.
- Đào tạo một đội ngũ nhân viên tiếp thị chuyên nghiệp.
- Tăng cường chi phí cho quảng bá sản phẩm và xây dựng chương trình giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức như: trên ti vi, báo đài, qua các chương trình từ thiện xã hội, trò vui giải trí có thưởng, khuyến mãi cho người tiêu dùng, chương trình tài trợ các giải thể thao - lễ hội.
- Chủ động tham gia các kỳ triển lãm và hội chợ thương mại tổng hợp với chuyên ngành phạm vi toàn quốc.
3. Thị trường nước ngoài
Tập trung nhắm vào thị trường từng nước và thị trường khu vực của các châu lục có tiềm lực nhu cầu nhập khẩu mạnh, những thị trường này đến nay đều có các mặt hàng chủ lực của ta đã vươn tới, nhưng bán hàng chưa nhiều đó là:
- Bắc Mỹ: Hoa Kỳ, Canada, Mexico
- Tây Âu: Anh, Pháp Đức, Tây Ban, Nha, Hà Lan, Ý, Bỉ, Thụy Sĩ
- Đông Âu: Hung ga ri, Ba Lan, Cộng Hòa Séc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga
- Bắc Á: Nhật, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan
- Đông Nam Á và Tây Á (Philippin, Inđônesia, Malaysia, Singapor, ArabSaudi, UAE).
- Châu Đại dương: Australia, Newziland.
- Châu Phi: Nigria, Nam Phi, Iran.
Đây là những thị trường hấp dẫn, nhưng để phát triển mạnh và mở rộng thị phần và tăng kim ngạch mỗi năm bình quân từ 20% trở lên, các nhà doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm chọn ra và xác định thị trường mục tiêu để phát triển.
- Đối với những thị trường truyền thống sớm khai thông và chiếm lĩnh thị trường đại diện, hình thành các văn phòng đại diện hoặc chi nhánh giao dịch như ở các nước: Hoa Kỳ (đại diện cho Bắc Mỹ), Anh, Pháp, Đức, Bỉ (đại diện cho EU)... nhất là hợp tác với các nhà phân phối lớn đưa hàng cho được vào hệ thống siêu thị, mượn nhờ thương hiệu của những tập đoàn nổi tiếng và mạng lưới phân phối mạnh mới mong tiêu thụ sản lượng hàng hóa lớn và giữ giá cả ổn định.
- Đối với những thị trường mới - tiềm năng chọn thị trường tiêu thụ chính và thị trường giao dịch như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Nam Phi, ... tích cực thường xuyên tham gia hội chợ thương mại Quốc tế hàng năm tại các nước này, đưa hàng mẫu trưng bày tại trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm, nhằm khuyếch trương thương hiệu hàng hóa, tiến tới tìm kiếm đối tác lớn và mở chi nhánh.
(Phụ lục kèm theo: Thị trường nhập khẩu tiềm năng, các tập đoàn siêu thị lớn, trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm).
II. XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG VÀ MẶT HÀNG
1. Phải khẳng định An Giang có những ngành hàng chiếm ưu thế trên thương trường trong nước và quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao và đạt doanh thu lớn đó là: lương thực - thực phẩm (lúa gạo, thủy sản). Những ngành hàng được đánh giá là có thể trao đổi đó là may mặc - giày thể thao, mì ăn liền, rau đậu và hàng thủ công mỹ nghệ. Tiếp tục phát huy thế mạnh trên cơ sở củng cố lại sản xuất kinh doanh, tăng về sản lượng và nâng cao chất lượng, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà tốc độ cao và ổn định.
- Mặt hàng gạo, giữ sản lượng ổn định từ 650 - 700 ngàn tấn/năm, phải tăng giá trị xuất với cơ cấu gạo thơm nâng dần lên 5 - 10% và tiến tới 20% thâm nhập vào thị trường các nước công nghiệp (Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, ...) để đạt kim ngạch mỗi năm từ 170 triệu USD tiến dần lên 200 triệu USD vào năm 2010.
- Thủy sản đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo yêu cầu và theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, nhằm khôi phục lại giá bán từ 3 USD/kg phi lê trở lên, giữ nhịp độ tăng trưởng bình quân 20%/năm đạt giá trị xuất từ 180 triệu USD phát triển lên 300 triệu USD vào năm định hình 2010.
- Các mặt hàng còn lại tiếp tục đầu tư mở rộng, nhằm tăng gấp đôi, gấp ba về sản lượng, đưa kim ngạch đạt mức 50 - 70 triệu USD/năm.
- Ngoài ra đẩy mạnh khai thác sản phẩm mới đó là xuất khẩu 10 ngàn lao động với chất lượng cao, phát triển và nâng cấp các dịch vụ du lịch thu hút khách Quốc tế và khai thác mạnh kinh tế biên mậu, 3 lĩnh vực này dự kiến tổng kim ngạch đạt 100 triệu USD vào năm 2010.
2. Tổ chức sản xuất:
- Tổ chức lại sản xuất trong nông nhiệp:
+ Tổ chức sản xuất dưới hai dạng phổ biến là hợp tác xã và trang trại gắn với việc xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (SQF, GAP, ...). Điều kiện để hình thành là doanh nghiệp có chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm, từ đó tham gia xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng đầu vào và ổn định về số lượng.
+ Nâng cấp và củng cố mạnh các hợp tác xã, trang trại nông nghiệp, các hiệp hội ngành nghề đủ mạnh để sản xuất hàng hóa lớn và đảm bảo sản lượng ổn định; qui hoạch vùng nuôi trồng an toàn, quản lý và cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật công nghệ chăm sóc để tạo ra sản phẩm có độ đồng đều cao, nắm lý lịch hàng hóa tiến tới đăng ký chứng nhận xuất xứ sản phẩm và mã vạch, có như vậy mới vượt qua rào cản thương mại.
- Thực hiện liên kết dọc, giữa người sản xuất với nhà chế biến kinh doanh, thông qua giao kèo khế ước (hợp đồng mua bán) tránh tình trạng cần đến đâu thì mua đến đó.
- Thực hiện liên kết ngang giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp thông qua các Hiệp hội. Liên kết giữa các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long trong qui hoạch vùng nuôi trồng đảm bảo các yếu tố sản lượng, chất lượng và môi trường bền vững. Dần dần tiến tới thành chuỗi liên kết trong kinh doanh.
3. Xây dựng và phát triển thương hiệu
Đây là việc làm không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh mà mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà sản xuất luôn quan tâm và đặt lên hàng đầu nhằm tồn tại và phát triển. Đồng thời để bảo vệ cho lợi ích của chính mình.
- Trách nhiệm Nhà nước: theo như chương trình kế hoạch tỉnh đã đề ra cho giai đoạn 2004 - 2006, các địa phương UBND huyện, thị, Phòng Kinh tế phối hợp Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Thương mại đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở và doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ đang có thị phần và khả năng phát triển tốt.
- Bổn phận của cơ sở doanh nghiệp: tiến hành đăng ký bảo hộ hầu hết các sản phẩm đã có nhãn hiệu, nhất là đối với hàng hóa xuất khẩu phải được đăng ký bảo hộ để quan hệ buôn bán với nước ngoài.
- Quan tâm hơn nữa trong công tác xúc tiến quảng bá - đánh bóng thương hiệu liên tục (sự lựa chọn người tiêu dùng qua thương hiệu chiếm 18 - 20%). Cần xây dựng dự toán chi phí quảng cáo 10 - 15% tổng chi phí quản lý, chủ động xây dựng kế hoạch tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.
- Luôn cải tiến mẫu mã bao bì, kiểu dáng sản phẩm, giữ chất lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm (2 tiêu chí này chiếm trong lòng người tiêu dùng trên 50%).
- Liên kết và liên doanh trong thương mại là dựa vào sức mạnh của các công ty lớn vừa vay mượn thương hiệu nổi tiếng để phát triển thương hiệu mình và cũng chính là để phát triển thị trường (có thể hợp tác chính thức thuê mướn thương hiệu).
III. XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ THƯƠNG NHÂN (ĐỘI NGŨ DOANH NGHIỆP)
Lực lượng doanh nghiệp tỉnh ta tuy đông nhưng chưa mạnh, thiếu tính chuyên nghiệp. Qui mô hoạt động còn nhỏ bé, kinh doanh buôn bán theo hình thức tiểu thương và tiểu chủ, kiến thức hạn chế lấy kinh nghiệm là chính. Do đó, để đội ngũ doanh nghiệp An Giang vươn lên lớn mạnh về qui mô sản xuất, năng lực cạnh tranh và trình độ kinh doanh, đủ sức đương đầu cuộc cạnh tranh quyết liệt trong hội nhập. Chúng ta cần tập trung thực hiện một số vấn đề sau:
1. Ngân hàng nghiên cứu có kế hoạch tăng vốn tín dụng đầu tư trung - dài hạn cho các doanh nghiệp và cho công ty làm ăn có hiệu quả và cho những ngành khuyến khích phát triển, nhất là lĩnh vực dịch vụ (trước hết là lựa chọn trong số 1.000 doanh nghiệp + công ty hiện đang hoạt động để xem xét giải quyết nhu cầu vốn kinh doanh).
2. Khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh thông qua hình thức làm tổng đại lý, đại lý phân phối (đây là cách thức mượn vốn kinh doanh và học tập cung cách kinh doanh của công ty lớn và tránh được hiện tượng gian lận trong thương mại).
3. Xây dựng các mối liên kết hợp tác giữa các đơn vị cùng ngành hàng theo tiêu chuẩn chất lượng thống nhất để đủ lực cung ứng các hợp đồng lớn, ổn định lâu dài để giảm rủi ro trong kinh doanh.
4. Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ kinh doanh (quản trị, tiếp thị, nghiên cứu thị trường) cho các doanh nghiệp hiện tại đang hoạt động trên địa bàn.
5. Tập huấn khởi sự doanh nghiệp theo các chương trình tập huấn SIYB (Start and improve your business) do Tổ chức Lao động Quốc tế chuyển giao cho Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình phát triển kinh tế thông qua sự hình thành và phát triển doanh nghiệp CEFE (Competency-based Economices through Formation of Enterprise) do tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) phát triển tại Việt Nam để đào tạo đội ngũ giảng viên các ngành và triển khai tập huấn ngắn hạn cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ nhiệm hợp tác xã, chủ trang trại, thương lái ...
6. Chương trình vườn ươm doanh nghiệp: phối hợp với tổ chức GTZ- Đức, chi nhánh VCCI Cần Thơ và các tổ chức có uy tín, ... tổ chức tập huấn và xây dựng một chương trình đào tạo khởi nghiệp cho từ 200 - 300 doanh nghiệp trẻ (bao gồm các tỉnh lân cận), nhằm tạo ra các chủ doanh nghiệp trẻ, một lớp doanh nhân mới năng động - trí tuệ với những bản lĩnh dám nghĩ dám làm và dám chịu đương đầu với thử thách.
1. Tỉnh có chủ trương tăng cường mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đối ngoại, xúc tiến ngoại giao với các tỉnh - thành phố trong nước, với các tỉnh - thành phố của các nước mà tỉnh ta có quan hệ buôn bán, không những làm cho thương mại phát triển mà còn thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển và thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.
2. Hàng năm ngân sách địa phương dành một khoản cần thiết và vận động các nguồn khác hỗ trợ (GTZ, xúc tiến thương mại quốc gia, ...) phục vụ cho chương trình hỗ trợ phát triển thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước.
- Hỗ trợ xúc tiến thương mại: tổ chức tham gia hội chợ triễn lãm trọng điểm, gởi hàng vào các trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm trong nước và quốc tế; tư vấn xây dựng chiến lược marketing, chiến lược thị trường và luật thương mại quốc tế.
- Tập trung bồi dưỡng trình độ cho thương nhân, đào tạo đội ngũ giám đốc nâng cao năng lực quản lý điều hành xí nghiệp - công ty, đội ngũ nhân viên, kỹ năng kinh doanh quốc tế (quản trị, tiếp thị, nghiên cứu thị trường, ngoại giao,...).
- Thuê chuyên gia tư vấn cho các khoá đào tạo tại chổ.
- Hỗ trợ thông tin thương mại và tuyên truyền quảng bá sản phẩm ngoài nước.
3. Các ngành (Sở Thương mại - Du lịch - Trung tâm xúc tiến - Công nghiệp - Nông nghiệp - Hải quan - Thuế vụ và các sở, ban, ngành có liên quan), các cấp (UBND huyện, thị, thành phố) hình thành bộ phận tư vấn chuyên nghiệp, xây dựng hệ thống thông tin về thị trường, về luật pháp quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến hoạt động kinh doanh để giúp và cung cấp cho doanh nghiệp khi có yêu cầu.
4. Thành lập tổ chức dịch vụ kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp, tư vấn giúp các doanh nghiệp cập nhật sổ sách kế toán theo đúng quy định trong quá trình sản xuất kinh doanh.
5. Tổ chức định kỳ 6 tháng và hàng năm gặp gỡ, giao lưu, khen thưởng các doanh nhân thành đạt có công đóng góp vào ngân sách và các hoạt động xã hội.
THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU TIỀM NĂNG
ĐVT: tỷ USD/Năm
Quốc gia | May mặc | Thủy sản | Rau quả | Gạo | Giày dép |
- Bắc Mỹ: Hoa Kỳ, Canada, Mexico. | 60,3 | 17,6 | 13 | 0,5 | 3,1 |
- Tây Âu: Anh, Pháp Đức, Tây Ban, Nha, Hà Lan, Ý, Bỉ, Thụy Sĩ. | 51,4 | 24,2 | 30,8 | 1 | 4,6 |
- Đông Âu: Hung ga ri, Ba Lan, Cộng Hòa Séc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga. | 3,9 | 1,3 | 3,4 | 0,2 | 1 |
- Bắc Á: Nhật, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan. | 25,1 | 20,5 | 7 | 0,5 | 6,5 |
- Đông Nam Á và Tây Á: Philippin, Inđônesia, Malaysia, Singapor, ArabSaudi, UAE. | 3,6 | 2 | 2,6 | 1,3 | - |
- Châu Đại Dương: Australia, Newziland. | 2,4 | 1 | 0,9 | - | - |
- Châu Phi: Nigria, Nam Phi, Iran. | 0,4 | 0,6 | - | 0,7 |
|
DANH MỤC CÁC TẬP ĐOÀN SIÊU THỊ LỚN TRÊN THẾ GIỚI
1. Châu Mỹ
- Hoa Kỳ:
+ Wal-Mart: lớn nhất thế giới với doanh số hàng năm 300 tỷ USD, có 10.000 siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
+ Home Depot: đứng hàng thứ hai ở Hoa kỳ.
+ Sear Holding Corp: lớn thứ ba (được sát nhập từ Kmart và Sear) với doanh thu 55 tỷ USD, có 3.500 cửa hàng.
+ JC Penny: lớn thứ 4, có 1.100 siêu thị và 2.200 cửa hàng bán lẻ.
2. Châu Âu:
- Anh quốc:
+ Tập đoàn Tesco lớn nhất, chiếm 23% thị trường, có 2.300 cửa hàng ở 11 nước.
+ Tập đoàn Sainbury đứng thứ 2, chiếm 15% thị trường.
- Pháp:
+ Tập đoàn Bourbon lớn nhất, sở hữu hai hệ thống bán lẻ: Casio (860 siêu thị ở 15 nước) và Jumbo Score (50 cửa hàng ở vùng Ấn Độ Dương).
+ Ngoài ra còn có một số tập đoàn khác: Lafayette, Leclerc, Auchan.
- Đức: lớn nhất là tập đoàn Aldi, ngoài ra còn có Metro-Cash & Carry, Kaufauf.
- Thụy Điển: Axfood, Ecco, Ahlen.
- Ngoài ra: Globus (Thuỵ Sĩ), Stockmanm (Phần Lan), Magesin du Nord (Đan Mạch), IADS (Hà Lan), ...
3. Châu Á:
- Nhật: Keiyo, Seiyu.
- Malaysia: Parkson.
- Hồng Kông: Dairy Farm.
DANH MỤC TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
Tên Trung tâm | Cơ quan phụ trách |
1. Trung tâm Thương mại New York (Hoa Kỳ). | Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Thương mại. |
2. Trung tâm Thương mại Dubai (các tiểu vương quốc Árập thống nhất). | Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Thương mại. |
3. Trung tâm Thương mại Singapore. | UBND TP. Hồ Chí Minh. |
4. Dự kiến một số trung tâm: - Paris (Pháp) - Berlin (Đức) - Maxcova (Nga) | Cục Xúc tiến thương mại.
|
- 1Quyết định 2229/2005/QĐ-UBND về Đề án “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ tỉnh An Giang đến năm 2010” do Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- 2Quyết định 2442/QĐ-UBND năm 2012 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/2005 đến ngày 30/11/2012
- 3Quyết định 538/QĐ-UBND năm 2014 Công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/1977 - 31/12/2013
- 1Quyết định 2442/QĐ-UBND năm 2012 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/2005 đến ngày 30/11/2012
- 2Quyết định 538/QĐ-UBND năm 2014 Công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/1977 - 31/12/2013
- 1Quyết định 2229/2005/QĐ-UBND về Đề án “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ tỉnh An Giang đến năm 2010” do Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- 2Quyết định 311/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tiếp tục tổ chức thị trường trong nước, tập trung phát triển thương mại nông thôn đến 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Chỉ thị 13/2004/CT-TTg thực hiện giải pháp chủ yếu nhằm phát triển mạnh thị trường nội địa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 668/2004/QĐ-UB ban hành Chiến lược phát triển thị trường - Hội nhập kinh tế Quốc tế
Quyết định 11/2006/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2010 do tỉnh An Giang ban hành
- Số hiệu: 11/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 03/03/2006
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Nguyễn Văn Đảm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/03/2006
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra